Hành trình UAV Viettel chinh phục bầu trời

Để hiện thực mục tiêu đưa ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hùng mạnh hơn, Viettel đã quyết định “tiến công” vào lĩnh vực rất khó, đó là tự nghiên cứu sản xuất, làm chủ các thiết bị quân sự công nghệ cao. Những năm qua, với đại diện là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), chúng ta đã tiến hành nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng và đạt được những thành công như: hệ thống ra-đa cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái (UAV) và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao rất tối tân khác. Trong đó, UAV của VHT với nhiều tính năng nổi trội đã đồng hành cùng người lính bảo vệ vững chắc chủ quyền và lãnh thổ Tổ quốc.

BẮT ĐẦU TỪ “NHỎ NHƯNG GIỎI VÕ”

Nói về vai trò của UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Máy bay không người lái), Đại úy Nguyễn Khắc Tháp, Giám đốc Trung tâm Khí cụ bay, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) cho biết: “Trong chiến tranh, các nước dùng UAV tác chiến rất nhiều, đặc biệt sau năm 1986, khi GPS sử dụng phổ biến, thì UAV được phát triển song song cùng với hệ thống tự động nhận dạng mục tiêu”. 

Giai đoạn trước, UAV chỉ đóng vai trò trinh sát, thu thập dữ liệu thì ngày nay UAV trực tiếp tham gia hoạt động tác chiến, tức là mang theo vũ khí tấn công, chế áp điện tử. Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới gần nhất như cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan, hay các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông và mới đây nhất là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, UAV đóng vai trò là một loại vũ khí thay đổi cục diện chiến trường. Đặc biệt, trong cách đánh bí mật, bất ngờ, du kích, vừa đánh vừa đàm, gây thiệt hại cho đối phương, việc sử dụng UAV sẽ rất hiệu quả.

Hình ảnh của dòng UAV VUA-SC-3G xuất hiện nhiều trên báo chí cùng những lời khen dành cho các sản phẩm 100% "Make in Vietnam"

Nhận thấy vai trò quan trọng của UAV trong hoạt động quân sự, năm 2011, các kỹ sư trẻ của VHT đã bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm đầu tiên của dòng UAV trinh sát là máy bay không người lái hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G. Các kỹ sư của VHT chia sẻ, thời điểm đó ít người tin rằng VHT có thể chế tạo thành công VUA-SC-3G bởi đây là sản phẩm hoàn toàn mới ở Việt Nam và không nhiều nước trên thế giới có thể chế tạo được. Hơn nữa, đội ngũ kỹ sư của VHT khi đó là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm; tài liệu tham khảo về UAV rất ít ỏi, chủ yếu là các tài liệu về dòng UAV thương mại dùng để bay trình diễn. Với sự quyết tâm, nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2015, sản phẩm VUA-SC-3G đã được các kỹ sư của VHT chế tạo thành công và đưa  vào thử nghiệm. Đến năm 2018, UAV của Viettel đã được đưa vào trang bị trong quân đội.

Một trong số đó là Máy bay hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do VHT sản xuất có khối lượng cất cánh tối đa 26kg, bay liên tục 3 tiếng đồng hồ, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km, pin bền và khả năng chống chịu gió lên tới cấp 5. Thiết bị này có nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên biển, đất liền. 

Tiếp nối thành công ban đầu, các kỹ sư của VHT tiếp tục cải tiến thêm tính năng cho dòng sản phẩm UAV trinh sát. Tại Triển lãm Indo Defence 2018, Viettel đã gây chú ý với báo chí quốc tế bằng sản phẩm UAV cỡ nhỏ có tên gọi Shikra, trọng lượng 26kg và sải cánh 3,5m. Shikra với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, phù hợp triển khai trong không gian nhỏ hẹp.

UAV Shikra do VHT sản xuất có khả năng bay liên tục 6 tiếng đồng hồ, bán kính hoạt động 100km và khả năng chống chịu gió lên tới cấp 6

100 NGÀY CHINH PHỤC BẦU TRỜI CÙNG VUA-SC-3G

Trong lễ bế giảng khóa huấn luyện, đào tạo vận hành tổ hợp máy bay không người lái VUA-SC-3G cho học viên Lữ đoàn 954 ngày 21/9/2021, đại diện Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã phát biểu: “5 tháng học giữa nắng gắt, mưa giông quả thực rất bổ ích. Làm chủ “con chim sắt” mang tên VUA-SC-3G không phải là một quá trình đơn giản. Nhưng thành quả và những kỳ vọng có thể đạt được với khí tài mới này hoàn toàn đáng đánh đổi”. 

Bắt đầu từ tháng 4/2021, khóa huấn luyện đã được triển khai trong 100 ngày. Có những ngày nắng, ngày mưa nhưng toàn bộ lớp học gồm hai kíp học viên, đội ngũ giáo viên cùng các kỹ sư VHT hỗ trợ vẫn ngày đêm bám sát giáo trình được giao. Thượng úy Đỗ Công Nam, phi công, trắc thủ bay, lớp trưởng đại diện đội ngũ học viên QCHQ chia sẻ: “Những ngày tháng học tập, cả thầy cả trò đều chịu qua những ngày khắc nghiệt. Có những hôm nắng gắt, đo nhiệt độ đường băng lên tới gần 54 độ C. Có những hôm lại mưa giông, anh em cùng đội ngũ hỗ trợ từ Trung tâm Khí cụ bay vẫn ngồi cùng nhau tới đêm để hoàn thành bài học”. 

Quá trình thử nghiệm UAV đòi hỏi sự tính toán và luyện tập cao, không thể thành công chỉ trong 1 vài lần thử nghiệm

Trong lễ bế giảng khóa học, đội ngũ học viên QCHQ đã trình diễn bài bay cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng lưới thu với độ chính xác cao. Theo dõi sát quá trình bay, Đại úy Nguyễn Khắc Tháp, Giám đốc Trung tâm Khí cụ bay VHT nói: “Đây là một trong những bài tập khó nhất của thiết bị VUA-SC-3G. Như phần phóng bằng bệ phóng, nếu kíp lái không tự tin, họ sẽ phải thử bằng tải giả, nặng bằng máy bay trước để thử khả năng bay. Nhưng trong trường hợp của kíp bay lần này, họ chỉ cần thử phóng không tải rồi nội suy ra, điều này cần sự tính toán cẩn thận vì nếu để căng quá sẽ gây hỏng bệ phóng. Đây là một kỹ năng phức tạp, đòi hỏi sự tính toán và luyện tập cao chứ không thể làm một hai lần là thành công được”.

Để đạt được thành công này, đội ngũ giảng viên, kỹ sư VHT không những đã cùng đội ngũ học viên đi suốt quá trình luyện tập mà còn liên tục sáng tạo với những cách giảng dạy mới, thậm chí tạo ra cuộc thi “kíp lái máy bay giỏi” để thi tài cạnh tranh giữa hai đội luyện tập cùng nhau. Kết thúc buổi lễ bế giảng, những người lính QCHQ quay trở về vùng trời biển của mình với kiến thức vận hành những “cánh chim sắt” mới của VHT. Những kỹ sư Trung tâm Khí cụ bay lại trở về với công việc của mình, tạo ra những đôi cánh đa năng, hữu dụng cho bầu trời Việt Nam.

HƯỚNG TỚI DÒNG SẢN PHẨM UAV THẾ HỆ 4

Chia sẻ về hướng phát triển UAV trong giai đoạn tới, Đại úy Nguyễn Khắc Tháp cho biết xu thế về mặt công nghệ của các dòng sản phẩm UAV trên thế giới hiện nay chia thành 4 thế hệ công nghệ. Thế hệ 1 là các loại UAV trong Thế chiến thứ 2 điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến. Thế hệ 2 từ năm 1986 trở đi là các loại UAV điều khiển tự động theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Thế hệ 3 từ năm 2010 trở lại đây là những loại UAV có thể hoạt động mà không có GPS và bị tác chiến điện tử mạnh, cùng với đó là nhỏ hóa các vật tư linh kiện, thiết bị, đa nhiệm hơn. Thế hệ 4 là thế hệ UAV bầy đàn được trang bị các công nghệ trí tuệ nhân tạo, mới xuất hiện từ 2015 trở lại đây, số ít các nước đang phát triển nghiên cứu dòng sản phẩm này. Trên thế hệ thứ 4 là loại UAV tự vận hành, tự trị hoàn toàn như dòng X-47B của Mỹ. Hiện tại phần lớn UAV trên thế giới về mặt công nghệ đang ở thế hệ 2 hoặc 3. 

UAV Viettel nhận được sự đánh giá cao từ các chỉ huy, quân binh chủng, hướng tới khả năng cung cấp cho ngày càng nhiều đơn vị có nhu cầu sử dụng

Về mặt sản phẩm có liên quan đến đặc điểm sử dụng thì hiện có 4 xu thế phát triển. Xu thế đầu tiên là chuyển từ các loại UAV trinh sát sang loại UAV cảm tử, mang vũ khí tấn công bằng tên lửa. Xu thế thứ 2 là UAV hạ cánh thẳng đứng, trước đây UAV phải dùng đường băng, các hệ thống phóng để cất, hạ cánh thì bây giờ cất, hạ cánh thẳng đứng. Xu thế thứ 3 là đa nhiệm, các loại UAV cỡ nhỏ vừa mang vũ khí vừa mang các loại khí tài trinh sát và các khí tài chế áp điện tử. Đây là các đặc điểm thuộc loại UAV cỡ lớn, bây giờ được trang bị cho UAV cỡ nhỏ, đa nhiệm hơn. Xu thế cuối cùng là các loại UAV cỡ nhỏ thì càng nhỏ hơn, đa nhiệm, dễ sử dụng hơn; UAV cỡ lớn thì mang được nhiều khí tài, vũ khí, trang thiết bị hơn, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Hiện tại, VHT đang phát triển các loại UAV cảm tử, cất hạ cánh thẳng đứng, đa nhiệm. Giai đoạn tiếp theo, VHT sẽ nghiên cứu các dòng UAV cỡ lớn mang vũ khí. Mục tiêu đến năm 2025, VHT sẽ phát triển các dòng UAV tiệm cận với thế hệ thứ 4 sở hữu những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.