12 năm và 5 thế hệ máy thông tin quân sự

Năm 2011 kỹ sư Dương Đức Thanh và các đồng sự của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) bước vào quá trình nghiên cứu sản xuất Máy thông tin quân sự (TTQS) mặc dù chưa biết sẽ phải đi theo con đường nào. Thiết bị trong nước thì đã lạc hậu, công nghệ chế tạo của nước ngoài vốn là bí mật quân sự không thể tiếp cận. Lựa chọn duy nhất của VHT lúc đó là …“dò đá qua sông”.

Trong thế giới hiện đại, quân đội các nước đang dành nguồn lực lớn nghiên cứu và phát triển các thiết bị thông tin quân sự (TTQS) ngày càng tối tân về mặt chiến thuật, chiến dịch, chiến lược giữa các đơn vị và lực lượng của mình. Ở 3 cấp trên, một số hãng khí tài nổi tiếng thế giới của Pháp, Mỹ đã sở hữu các dòng máy TTQS sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay là vô tuyến thích nghi Cognitive Radio-CR. Cụ thể, ở cấp chiến thuật, hãng L3 HARRIS (Mỹ) có các dòng máy AN/PRC-163, RF7850S-SPR với khả năng thiết lập liên lạc theo mạng MANET cho 256 người dùng.

Trong khi đó, ở cấp chiến dịch, hãng này có các dòng máy RF7800W/RF7850W truyền dữ liệu song công tốc độ cao lên đến 430 Mbps, nhảy tần tốc độ cao. Đối với cấp chiến lược, hãng Thales (Pháp) có dòng máy HF300 với công nghệ tự động thiết lập mạng ALE 2G/ALE 3G. 

Tại Việt Nam, tính tới năm 2012, các trang bị TTQS trong Quân đội Việt Nam hầu hết là máy móc nhập khẩu sử dụng công nghệ tương tự Analog (PRC-25, XDD9B1, P-123, P-124, P-173, P-174…) với tính năng chỉ tập trung thoại rõ, không hỗ trợ thoại bảo mật hay thoại nhảy tần. Sản phẩm dùng thời gian dài thường xảy ra hiện tượng trôi tần số, khả năng chống tác chiến điện tử hạn chế. Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị nhập khẩu cũng đặt ra bài toán về chi phí cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ như bị cài đặt mã độc, tồn tại các lỗ hổng bảo mật với mục đích đánh cắp thông tin, làm gián đoạn hoặc phá hủy hoàn toàn mạng lưới thông tin liên lạc quân sự của ta khi xảy ra chiến tranh. 

Thực tế này đòi hỏi giải pháp cấp bách là Việt Nam cần chủ động nắm trong tay công nghệ TTQS. Nhận thức rõ điều đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định phải xây dựng lực lượng thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại. Một trong những hướng được chú trọng là đầu tư làm chủ công nghệ, nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị TTQS bởi các đơn vị trong nước. Và Viettel được gọi tên.

TỪ ĐIỂN VIETTEL KHÔNG CÓ CHỮ “TỪ BỎ”

Tham gia sản xuất 4 dòng máy TTQS, ông Dương Đức Thanh, Trưởng phòng Thiết kế siêu cao tần dải rộng và ăng-ten đặc thù, Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử - Khối 1, VHT, nhớ như in những tháng ngày cùng đồng đội “dò đá qua sông” làm chủ công nghệ. Khi bắt tay nghiên cứu những dòng máy đầu tiên, họ không biết đường mình đi là đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp bởi không một hãng khí tài nào trên giới chia sẻ bí mật chế tạo, thiết kế thiết bị quân sự. Song, thời điểm đó, họ cũng hiểu rằng, thiết bị TTQS đang sử dụng trong nước đã lạc hậu. Lịch sử TTQS đã đi từ phương thức thông tin thô sơ đến thế hệ thiết bị thông tin dạng tương tự (Analog), sau đó dần số hóa (Digital). Ngày nay đa phần các máy thông tin hiện đại sử dụng công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm SDR (thế hệ TTQS thứ 4). Và gần đây là sự ra đời của công nghệ vô tuyến thích nghi CR (thế hệ thứ 5).

Các kỹ sư trẻ của Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử giải quyết khó khăn bằng cách làm theo nhiều phiên bản để vừa nghiên cứu vừa lựa chọn

Có một thực tế trong sản xuất thiết bị quân sự ứng dụng công nghệ cao là ở thời điểm hiện tại, sản phẩm tạo ra có thể đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng trong tương lai, chỉ một chút chậm chân sẽ trở nên lỗi thời và phải trả giá. Chính vì vậy, các thiết bị TTQS do VHT sản xuất liên tục được cập nhật, nâng cấp công nghệ bắt kịp xu thế của thế giới.

Những ngày mới bắt đầu với máy thông tin, người lính VHT buộc phải tìm tòi bằng mọi cách, họ học để biết, rồi kế thừa cái biết sau khi học để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển thêm thành tri thức mới. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi VHT đạt bằng sáng chế của Mỹ về công nghệ ăng-ten. Theo anh Thanh, “từ bỏ” không phải là cụm từ xuất hiện trong từ điển của người Viettel. Chính vì vậy, các sản phẩm máy TTQS của Viettel hiện nay đã tiệm cận công nghệ thế giới.

Từ năm 2012, hàng chục nghìn thiết bị TTQS do Viettel nghiên cứu được trang bị trong toàn quân, trong đó có Binh chủng Thông tin Liên lạc. Nhiều kỹ sư tại VHT kể lại rằng, chính niềm tin từ Binh chủng đã truyền cho họ động lực để đưa ra những sản phẩm tối ưu. Ông Thanh chia sẻ rõ hơn: “Khi đặt vấn đề sản xuất thiết bị TTQS, Binh chủng Thông tin Liên lạc đặt niềm tin hoàn toàn vào chúng tôi bởi Viettel là đơn vị có nền tảng về máy thông tin”.

LÀM CHỦ 3 CẤP THẾ TRẬN TTQS

Dần dà, với lợi thế là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) - đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin lớn nhất cả nước, và khả năng nghiên cứu nắm bắt những công nghệ lõi tiên tiến, VHT đã thiết kế, chế tạo, sản xuất các dòng sản phẩm TTQS đa dạng.

Tại cấp chiến dịch, VHT có máy vô tuyến điện sóng ngắn nhảy tần VRS631/S với cự ly liên lạc đến 2.000km, kích thước nhỏ gọn phù hợp lắp trạm cố định, nhà giàn, tàu Hải quân và cả xe thông tin cơ động. Ngoài ra, có thể kể đến máy vô tuyến điện đa băng nhảy tần VRP712/S. Đây là dòng máy mang xách (dạng vác vai) có cự ly liên lạc đến 500km, kích thước nhỏ gọn, vừa có khả năng hoạt động ở dải tần sóng ngắn cho cấp chiến lược, vừa có khả năng hoạt động ở dải tần sóng cực ngắn cho cấp chiến thuật. 

Sử dụng tại cấp chiến thuật có các dòng máy như: Máy vô tuyến điện cầm tay cho người lính VRH911 có kích thước nhỏ gọn, thu phát song công, tính năng MANET hiện đại tự động kết nối, chuyển tiếp liên lạc trong mạng; máy vô tuyến điện sóng cực ngắn cầm tay VRH811/S cự ly liên lạc đến 5km, hỗ trợ tính năng truyền số liệu, nhảy tần 500 lần/giây; hệ thống thông thoại trên xe tăng VIS có cự ly liên lạc đến 20km. Không dừng ở việc đáp ứng sản phẩm theo yêu cầu của các đơn vị quân đội, VHT còn chủ động nghiên cứu những dòng máy và công nghệ mới của thế giới rồi tư vấn tới đơn vị sử dụng, giúp họ đa dạng góc nhìn, góc tiếp cận, đưa ra chiến thuật mới.

Hoạt động thử nghiệm Hệ thống thông thoại số cho xe tăng của kỹ sư VHT

Năm 2019, tại Binh chủng Thông tin Liên lạc, ông Thanh và các cộng sự đã nghiên cứu, phát triển thêm tính năng tin nhắn ở máy thông tin sóng ngắn theo cách khác với máy sóng cực ngắn mà họ từng làm trước đó không lâu. Với tính năng mới, máy thông tin tự động tìm và gửi tin nhắn trên tần số tốt nhất theo phương thức bắt tay 2 chiều giúp thông tin luôn được bảo toàn khi gửi thành công. Bên cạnh đó, việc tần số được lựa chọn là tự động (máy tự tìm kênh truyền tốt nhất để truyền) khiến cho đối phương không lường trước được thông tin gửi đi trên tần số nào để trinh sát cũng như chế áp, tạo ra chiến thuật truyền thông tin và khả năng chống tác chiến ưu việt.

“Một chi tiết tưởng như đơn giản và ít quan trọng là bàn phím máy TTQS cũng liên tục được chúng tôi cải tiến theo nhiều khía cạnh. Ban đầu là về trải nghiệm ấn phím, từ phím cứng khó ấn đến phím mềm dễ ấn hơn. Tiếp đến là bảo đảm yếu tố bí mật bằng việc điều chỉnh âm thanh phát ra từ bàn phím ngày một nhỏ hơn, đem lại sự an toàn khi sử dụng máy trong nhiệm vụ trinh sát gần địch”, ông Thanh nói.

Một hành trình dài đã qua đi, kể từ chiếc máy TTQS đầu tiên do VHT sản xuất vào năm 2011 sử dụng công nghệ tương tự (analog), qua thế hệ máy TTQS thứ 4 sản xuất vào năm 2015 - 2016 sử dụng công nghệ SDR, đến nay, VHT đang nghiên cứu, phát triển dòng máy ứng dụng công nghệ CR, dự kiến sản xuất năm 2023. VHT cũng đã xây dựng lộ trình và chiến lược phát triển với mục tiêu ứng dụng các công nghệ mới để xây dựng nền tảng Cognitive Radio tiên tiến (Wideband Cognitive Radio-WBCR) tầm nhìn đến năm 2025. Với công nghệ này, máy thông tin vô tuyến có khả năng tự động điều chỉnh tham số hoạt động như tần số, công suất, waveform theo chất lượng kênh truyền. Xét trên phương diện bảo mật, nếu chiếc máy TTQS đầu tiên không có cơ chế mã hoá bảo mật (người lính phải tự quy ước việc mã hoá thông tin với nhau) thì qua thời gian, tất cả các máy thông tin thuộc VHT ngày nay đã được số hoá tối đa và tích hợp cơ chế mã hoá bảo mật đa lớp (mã hoá nội bộ bên trong máy, do người dùng tự phát triển và cài đặt).

“Những gì Viettel nói chung và VHT nói riêng đạt được trong quá trình sản xuất máy TTQS đã cho thấy mọi giới hạn đều không phải vật cản. Tuy nhiên, trong cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt và sòng phẳng với các hãng khí tài trên thế giới, sự lỗi thời chẳng khác nào quả bom hẹn giờ. Luôn luôn sáng tạo, đổi mới là yếu tố bắt buộc nếu chúng ta muốn thực hiện khát vọng hình thành ngành sản xuất TTQS hiện đại, tự chủ toàn trình đáp ứng các nhu cầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như xuất khẩu quốc tế”, đó là thông điệp mà Thiếu tá Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử - Khối 1, đúc kết.

Công trình “Nền tảng công nghệ vô tuyến điện quân sự thế hệ mới phục vụ chế tạo, sản xuất trang bị thông tin hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng” của Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử, VHT vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ đợt 06. Công trình gồm các công nghệ cốt lõi, tiên phong dẫn dắt, đón đầu tạo ưu thế vượt trội được người Việt Nam nghiên cứu, làm chủ như: làm chủ như: Công nghệ phần cứng số mật độ tích hợp linh kiện lớn trên diện tích nhỏ; Công nghệ nhảy tần tốc độ cao 500 lần/giây, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia làm chủ thiết kế, chế tạo các máy thông tin vô tuyến điện quân sự hiện đại có khả năng chống tác chiến điện tử mạnh; Công nghệ tự động thiết lập đường truyền liên lạc vô tuyến thông minh trong môi trường phản xạ tầng điện ly ALE-4G giúp nhanh chóng tự động lựa chọn tần số, tốc độ, bang thông tối ưu, đảm bảo thông tin ổn định, tin cậy ở cự ly liên lạc trực tiếp tầm xa lên tới 2.000km.

Công trình đã chế tạo, sản xuất loạt và đưa vào trang bị cho các lực lượng trong toàn quân gần 30.000 máy thuộc 7 dòng máy thông tin vô tuyến điện quân sự hiện đại, có tính năng chỉ tiêu chiến-kỹ thuật sánh ngang với các sản phẩm của các hãng hàng đầu trên thế giới. Nền tảng công nghệ của công trình là cơ sở cho nghiên cứu, phát triển các sản phẩm máy thông tin vô tuyến điện quân sự mới trong tương lai.