50 năm tinh thần "Sáng tạo - Cống hiến - Khác biệt"

Ngoài phát huy giá trị truyền thống, cốt lõi được hun đúc từ 50 năm qua, đội ngũ M3 ngày hôm nay vẫn đang phát triển văn hóa, con người M3 với tinh thần “Sáng tạo – Cống hiến – Khác biệt”. Đó là cơ sở, là nền tảng để M3 tiếp tục tiến xa hơn nữa trong tương lai. Thượng tá Vũ Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thông tin M3, đã có những chia sẻ về những sức mạnh tinh thần đang tạo ra những sức mạnh để Công ty tự tin trên con đường phía trước.

Thưa đồng chí, Công ty Thông tin M3 đang hướng tới thực hiện mục tiêu giai đoạn 2020-2025 theo định hướng và cách làm cụ thể để chuyển dịch từ một đơn vị truyền thống sang hướng công nghệ cao, đội ngũ lãnh đạo cũng như CBNV của M3 đã chuẩn bị tinh thần, nhận thức như thế nào để bước vào giai đoạn mới?

Ngay từ cuối 2019, đầu 2020, sau khi có sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Ban Giám đốc M3 xác định trọng tâm xây dựng NQ. Xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ chứ phải không chỉ của Ban thường vụ, toàn bộ 129 đồng chí đảng viên trong công ty M3 đã cùng tích cực tham gia xây dựng Nghị quyết chiến lược này. 

Từ cách làm này, mỗi đảng viên là cán bộ đều ánh xạ tư tưởng cho cấp dưới và đội ngũ xung quanh tạo được sự thống nhất trong đơn vị về tầm nhìn chiến lược, nắm bắt, thống nhất quan điểm. Nhờ đó, mục tiêu trở thành công ty cơ khí chính xác công nghệ cao được cụ thể hóa thành những mục tiêu rõ ràng, giao trách nhiệm từng cá nhân thực hiện.

Tại Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Công ty M3, Thiếu tướng Hoàng Sơn – Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu với M3 là "công ty phải thực sự đoàn kết, xây dựng nghị quyết phải đi vào cuộc sống, sát với thực tế sản xuất kinh doanh... sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn cao, phải bán được". Yêu cầu này đã được M3 hiện thực hóa như thế nào?

Để sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh, bán được thì phải trả lời được 3 câu hỏi quan trọng. Thứ nhất là sản phẩm gì, phục vụ khách hàng nào? Hai là năng lực của mình đi vào lĩnh vực nào là phù hợp? Cuối cùng, quan trọng nhất là volume của thị trường có đủ lớn để đầu tư hay không?

Với M3 thì trong năm đầu sau Đại hội, chúng tôi đã thực hiện được một nhóm sản phẩm theo yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn đặt ra là cáp quang. Với sản phẩm này, M3 đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường với giá thành phù hợp, hiện cung cấp cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, thông tin trong và ngoài nước.

Một số sản phẩm tự động hóa, cơ khí hiện mới đang chủ yếu ở dạng bán thành phẩm chứ chưa có sản phẩm tích hợp. M3 phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này sẽ có những sản phẩm công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được lãnh đạo Tập đoàn đưa ra.

Thượng tá Vũ Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Công ty Thông tin M3

Trong thời kì CMCN 4.0 thì văn hóa đổi mới, sáng tạo được đánh giá là những yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của DN. Không đổi mới, sáng tạo các DN sẽ phải đối diện nguy cơ trở nên lỗi thời, trì trệ, thậm chí phá sản. M3 đã và đang làm gì để khuyến khích văn hóa sáng tạo, vốn được coi là sức sống của Viettel?

Doanh nghiệp nào cũng vậy, muốn phát triển bền vững thì yếu tố văn hóa có vai trò rất lớn, văn hóa là thứ rất khó cân đong đo điếm bằng tiền, nhưng lại mang tính nền tảng quyết định sự thành công.

Ở Viettel, sáng tạo là sức sống. Riêng ở M3, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, cán bộ, nhân viên M3 đã có hơn 300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất hiệu quả.

Điều đó có được là nhờ Đảng ủy, Ban Giám đốc M3 nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề liên tục đổi mới sáng tạo, và đã đề ra một số định hướng. Một là, phải kiên trì, nhiều giải pháp đã thành công sau nhiều nỗ lực thất bại, không ngừng đưa ra các giải pháp khả thi, trước khi đạt được mục tiêu. Hai là, triết lý tư duy là áp dụng tư duy sáng tạo một cách có ý thức và nhất quán vào vấn đề. Hãy bước ra thế giới của mình và khảo sát các ngành không liên quan để lùng sục các ý tưởng. Giải quyết vấn đề bằng cách nhìn ra bên ngoài “phòng họp”. Và ba là, luôn ý thức phát triển đội ngũ, hoặc thuê một nhóm người kiểu 'Moonshine Shop' để giải quyết các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo đã đặt ra.

Về định hướng là như vậy, nhưng để thực sự xây dựng một môi trường thúc đẩy văn hóa đổi mới, chắc hẳn công ty đã có nhiều chính sách khích lệ?

Cách làm thứ nhất của M3 là việc thúc đẩy sáng tạo bằng cách giao nhiệm vụ đi kèm các cơ chế cơ chế khen thưởng, kích thích tạo nguồn cán bộ phát triển. Khi lãnh đạo, chỉ huy giao nhiệm vụ, đặt hàng cũng có nghĩa là đặt cá nhân vào vai trò chủ thể của công việc để cá nhân thể hiện trách nhiệm của mình. Giao việc đi liền với giao quyền để cá nhân có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đây là một đặc thù của môi trường quân đội vì giao nhiệm vụ trong quân đội đồng nghĩa với mệnh lệnh bắt buộc phải thực hiện.

Cách thứ hai là khi kết quả của quá trình sáng tạo thành công, tạo giá trị làm lợi lớn thì những chủ thể của sáng tạo sẽ được thưởng ngay trên trên giá trị làm lợi với một tỉ lệ hấp dẫn. Đây là yếu tố giúp kích thích sáng tạo rất hiệu quả. Tại M3 có những nhóm dự án được thưởng đến hàng trăm triệu đồng từ những giải pháp, sáng kiến mới. Thực tiễn cho thấy sự kết hợp giữa giao nhiệm vụ và trao thưởng đã mang lại những tác động tích cực, tạo bổ trợ hiệu quả trong thúc đẩy sáng tạo.

Thượng tá Vũ Hồng Phong chủ trì Hội nghị Đảng ủy Công ty Thông tin M3 khóa XVIII, phiên họp lần thứ nhất năm 2020

Trong môi trường quân đội, tính phục tùng mệnh lệnh được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên đặc điểm này cũng có những hạn chế như không phát huy được cơ chế phản biện trong nội bộ để người lao động có thể đưa ý kiến đóng góp xây dựng cho công ty. Đồng chí suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ở M3 có một điểm thú vị. Vì là môi trường đặc thù kĩ thuật nên những câu chuyện về đúng sai khá rõ ràng. Phương án này, giải pháp kia đúng hay sai là có thể thấy ngay. Đúng thì sẽ đem lại hiệu quả, thành công. Sai thì hỏng việc hoặc giá trị làm lợi thấp. Trong môi trường kĩ thuật thì con người làm chuyên môn cũng rất thẳng thắn trong việc nêu quan điểm.

Tại M3, chúng tôi có nhiều cơ chế để phát huy trí tuệ tập thể cũng như việc phản biện như các hội thảo khoa học, hội thảo công việc. Bên cạnh đó hàng tuần công ty cũng có các buổi giao ban định kì cho các khối kĩ thuật, kế hoạch sản xuất... Tại các buổi giao ban này tất cả mọi việc đều được giải quyết dân chủ, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Những năm 80 của thế kỷ trước, M3 đã có một khẩu hiệu phấn đấu được nhiều người biết đến là “Chất lượng là lương tâm của người thợ, là danh dự của Nhà máy”. Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị được đưa ra trong khẩu hiệu đó được đội ngũ của M3 nhìn nhận như thế nào, thưa anh?

Xuất phát từ một phong trào thi đua, khẩu hiệu “Chất lượng là lương tâm của người thợ, là danh dự của Nhà máy” sau đó đã được nhân lên thành phong trào hành động của M3 trong thời kỳ đó. Với một đơn vị sản xuất như M3, giá trị của yếu tố chất lượng vẫn không hề thay đổi trong tình hình mới.

Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, nội hàm của yếu tố chất lượng đã được mở rộng ra gắn với câu chuyện cập nhật về công nghệ, nắm bắt nhu cầu thị trường. Chất lượng không chỉ là chất lượng của sản phẩm mà còn chất lượng nguồn nhân lực, quy trình, quy chuẩn, chất lượng các khâu kiểm duyệt, đánh giá để cuối cùng tạo ra sản phẩm bàn giao đến khách hàng.

Danh dự giờ đây chính là lời hứa về cung cách làm ăn của công ty, ở tầm mức rộng hơn, danh dự còn chính là sự cam kết với nhau ở mỗi bộ phận, mỗi khâu sản xuất. Ngay cả việc đảm bảo đúng thời hạn deadline với khách hàng đó cũng chính là danh dự.

Ngoài phát huy giá trị truyền thống, cốt lõi được hun đúc từ 50 năm qua, đội ngũ M3 ngày hôm nay vẫn đang phát triển văn hóa, con người M3 với tinh thần “Sáng tạo – Cống hiến – Khác biệt”. Đó là cơ sở, là nền tảng để M3 tiếp tục tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Xin cảm ơn đồng chí!