"Bảo chứng" cho thành công

Năm 2022, Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã chính thức công nhận bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ đối với 2 đăng ký của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Như vậy, tính đến nay, USPTO đã cấp cho VHT 8 bằng sáng chế độc quyền. Con số này đã khẳng định VHT là doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất, bao trùm trên cả 3 lĩnh vực là quân sự, dân sự, viễn thông.

Hai sáng chế mới nhất vừa được công nhận là “Ăng-ten hai phân cực dải rộng” và “Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỷ số zoom lớn”. Trong đó, bản chất kỹ thuật của sáng chế “Ăng-ten hai phân cực dải rộng” là đưa ra phương án ăng-ten cấu trúc nhỏ gọn có phân cực kép và băng thông rộng, đủ xử lý thông tin tốc độ cao. Ăng-ten bao gồm các phần tử phát xạ, mặt phẳng nền, cáp cao tần tiếp điện. Việc sử dụng ăng-ten phân cực kép cho phép truyền hai kênh thông tin trên cùng một tần số sóng mang, giúp tăng gấp đôi băng thông cũng như tốc độ truyền dữ liệu. Sản phẩm này có thể áp dụng cả trong dân sự và quân sự. Còn “Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỷ số zoom lớn” mang đến các tính năng quan sát tích hợp với phạm vi hàng chục km. Kết hợp với cảm biến làm lạnh, ống kính hồng ngoại này cung cấp hình ảnh có độ tương phản cao, hoạt động tốt trong các điều kiện tầm nhìn hạn chế như sương mù, khói bụi hay đêm tối. 

Việc có đề tài nghiên cứu được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế có thể coi là thành tựu đặc biệt, bởi đây là quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới và các tiêu chí xét duyệt, chứng nhận hết sức khắt khe, kỹ lưỡng. VHT hiện còn 39 sáng chế được đăng ký tại Mỹ vẫn đang được thẩm định, và con số này chắc chắn không dừng lại ở đó. 

Lý giải về tầm quan trọng của các sáng chế được Hoa Kỳ công nhận và cấp bằng, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT, cho biết: “Các văn bằng sáng chế do Mỹ bảo hộ là vật chứng đảm bảo cho thành công của doanh nghiệp khi tiến bước vào thị trường quốc tế. Các giải pháp kỹ thuật được đăng ký sáng chế đều có tính mới trên thế giới, đồng thời mang tính thực tiễn và ứng dụng cao, có khả năng giúp doanh nghiệp giải quyết được những hạn chế về kỹ thuật ở các lĩnh vực đăng ký”. 

VHT là doanh nghiệp CNC của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất

Nhận thức rằng số lượng sáng chế được công nhận chính là một trong các thước đo về trí tuệ và mức độ sáng tạo của doanh nghiệp, VHT từ lâu đã coi trọng, khuyến khích việc triển khai nghiên cứu và đăng ký sáng chế, thu hút sự tham gia tích cực của đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học… Tính từ năm 2017 đến nay, Tổng Công ty đã có gần 300 đơn đăng ký sáng chế, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp 39 văn bằng sáng chế và 19 giải pháp hữu ích. Theo báo cáo của Clarivate, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về phân tích chất lượng nghiên cứu khoa học, Viettel là một trong 2 tổ chức ở Việt Nam đã có những đột phá về số lượng bằng sáng chế.

“Doanh nghiệp, tổ chức muốn phát triển công nghệ riêng, muốn tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Nếu không, sản phẩm mình làm ra rất dễ đối diện với nguy cơ bị sao chép, làm giả, thậm chí “đối thủ” có thể lấy chính công nghệ đó để đăng ký sở hữu trí tuệ”, Trung tá Nguyễn Cương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc của VHT chia sẻ về văn hóa khuyến khích sở hữu trí tuệ ở đơn vị.

Theo ông Hoàng, để tạo “sức hút” cho hoạt động sáng chế, cùng với khơi dậy và phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với doanh nghiệp, VHT có những hình thức như động viên, khen thưởng, để đội ngũ kỹ sư biến các công nghệ lõi thành các sở hữu trí tuệ để đăng ký ở trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, VHT còn kết hợp với các đơn vị luật hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều kinh nghiệm làm việc với các cơ quan bảo hộ nước ngoài, để đẩy nhanh thời gian hoàn thiện hồ sơ. Tại Việt Nam, VHT phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ để làm rõ, giải thích, thúc đẩy quá trình xét duyệt, mở ra cánh cửa rộng cho các bằng sáng chế đi ra thị trường quốc tế. 

“Thực tế, trong quá trình đăng ký sáng chế ở “sân chơi” quốc tế, có không ít vướng mắc, trở ngại mà các kỹ sư của VHT phải đối mặt. Thời gian đầu tiên, khi đăng ký sáng chế ở nước ngoài, chúng ta chưa nắm được những thông lệ, chưa biết viết như thế nào cho đúng, viết như nào để tránh các xung đột với các sở hữu trí tuệ khác hiện có. Để khắc phục những khó khăn này, VHT phải hợp tác với các công ty luật để được tư vấn, hỗ trợ cách làm hiệu quả nhất”, Trung tá Nguyễn Cương Hoàng cho hay. 

Các giải pháp kỹ thuật được đăng ký sáng chế của VHT đều có tính mới trên thế giới, mang tính thực tiễn và ứng dụng cao, giải quyết được những hạn chế về kỹ thuật

Nhờ cách làm bài bản cũng như các công trình bám sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, tần suất sáng chế của VHT được cấp bằng độc quyền tại Mỹ ngày một dày hơn, thời gian chuẩn bị cũng rút ngắn hơn nhiều. Chỉ vài tháng trước đó, tháng 8/2021, một trong số những sáng chế khác của VHT cũng được USPTO cấp bằng là sáng chế “Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng” của nhóm dự án đài ra-đa 3D, Trung tâm Ra-đa, VHT. Nhờ sáng chế này, bộ ghép lai có thể được tích hợp hiệu quả vào mạch tần số cao với cấu trúc đơn giản, sử dụng vật liệu phổ biến. “Trong quá trình nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, chúng tôi xác định nếu thiết kế theo các phương án truyền thống thì đơn giản trong thiết kế mô-đun nhưng sẽ gây khó khăn cho việc thiết kế toàn bộ sản phẩm. Từ đó, nhóm quyết định cùng thực hiện song song, vừa thiết kế  dựa trên nguyên lý cũ, vừa nghiên cứu thiết kế hoàn toàn mới. Khi hoàn thành mô phỏng bản thiết kế đầu tiên, nhóm đã thấy tính khả thi của bản thiết kế mới”, ông Trần Hoàng Việt – Trung tâm Ra-đa, chia sẻ về quá trình hình thành sáng chế. 

Một sáng chế đáng chú ý khác của VHT đã được ứng dụng rộng rãi cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự là sáng chế về cơ cấu trợ lực cho rô-bốt song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số. Sáng chế được sử dụng trợ lực cho rô-bốt song song trong lĩnh vực mô phỏng chuyển động, góp phần làm giảm chi phí chế tạo, tăng tuổi thọ mà vẫn đáp ứng được các chỉ tiêu về tải trọng và không gian làm việc. Khi đưa vào phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, sáng chế sử dụng trong các thiết bị mô phỏng ô tô, xe tăng, máy bay… đã góp phần giảm chi phí so với tổ chức đào tạo thực tế, giảm thiểu rủi ro, tăng tính cơ động, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường và linh hoạt trong việc thay đổi chương trình đào tạo. 

“Sở hữu trí tuệ bản chất là quá trình tích lũy. Muốn biết một hãng công nghệ mạnh  đến đâu, người ta thường hỏi rằng anh có bao nhiêu bằng sở hữu trí tuệ”, Trung tá Nguyễn Cương Hoàng, khẳng định. Theo lãnh đạo Tổng Công ty, VHT đặt ra mục tiêu mỗi năm phải có từ 50 đến 100 sở hữu trí tuệ mới được đăng ký ở trong nước và quốc tế./.