Công nghệ ngày càng có những tác động to lớn đến cách thức con người lao động, làm việc, thậm chí làm thay đổi bản chất khái niệm “công việc”. Trong bối cảnh đó khả năng học hỏi các kỹ năng mới, mô hình hóa các hành vi mới và liên tục thích ứng của người lao động là chìa khóa để thành công bền vững của mỗi doanh nghiệp. Với một Tập đoàn có quy mô hàng chục nghìn nhân sự, hoạt động đa quốc gia như Viettel, bài toán này cần được xử lý như thế nào?
Câu hỏi trên từ nhiều năm nay đã trở thành một trăn trở lớn của Trung tá, TS Bùi Quang Tuyến, giám đốc Học viện Viettel mỗi khi nhắc đến khát vọng của Học viện về việc mang đến nguồn kiến thức sát thực, đáp ứng nhu cầu người học.
“Làm thế nào để tổ chức học cho hơn 50.000 CBNV Viettel trên toàn cầu, để tất cả nhận thức được việc học là quan trọng? Đâu sẽ là những công cụ giúp mỗi CBNV Viettel có thể chủ động nghiên cứu học tập nâng cao trình độ của mình?… luôn là những vấn đề được đội ngũ cán bộ Học viện tập trung tìm cách giải quyết”, ông Tuyến chia sẻ.
Nắm bắt xu hướng chuyển dịch và phát triển của ngành giáo dục trên thế giới, nhận thức được sứ mệnh của Tập đoàn giao phó là xây dựng Viettel trở thành một tổ chức học tập, đưa văn hóa học tập trở thành lợi thế cạnh tranh của Viettel trong thu hút, gìn giữ nhân tài. Cụ thể bằng mục tiêu đào tạo để góp phần nâng cao năng lực của tổ chức, tạo nền tảng thành công của quá trình chuyển đổi số; đảm bảo Tập đoàn vừa thực hiện thành công những chuyển dịch chiến lược đã đề ra, vừa đạt được mục tiêu tối ưu hiệu quả vận hành; đồng thời đưa mô hình hoạt động đào tạo của Viettel trở thành hình mẫu trong các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Giai đoạn 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách sống, làm việc và học tập của cả thế giới. Các lớp học truyền thống phải đóng cửa để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. “Bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng có tác động tích cực là thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn. Tất cả đều phải thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại”, ông Tuyến nói.
Giám đốc Học viện Viettel Bùi Quang Tuyến: “Phương thức duy trì học tập hàng ngày thể hiện rõ nét chuyển đổi số trong học tập và đào tạo.”
Trong bối cảnh mới, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để duy trì, tạo lập xã hội học tập, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi các tác nhân bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai… Các nền tảng công nghệ mới (AI, blockchain, IoT) được ứng dụng cùng các hình thức học hiện đại giúp người học tạo lập thói quen học tập mới, thay đổi tư duy nhận thức về học tập ở thời đại 4.0.
Nhanh chóng bắt nhịp với những chuyển đổi và cũng là đáp ứng yêu cầu bức thiết, Học viện Viettel đã ra đời mô hình học tập “Duy trì học tập hàng ngày By Day Learning”. Đây là mô hình thay đổi căn bản việc học tập, đào tạo nhằm tạo ra cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi và tăng khả năng tự học của mỗi cá nhân.
Sự ra đời của By Day Learning gắn với những chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Lê Đăng Dũng tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Viettel và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/03/2021: “Chúng ta nhận thức rằng để trở thành một Tập đoàn toàn cầu, giỏi quản trị, giỏi kinh doanh, giỏi công nghệ, chúng ta phải trở thành một tổ chức học tập. Vì tri thức là bậc thang nâng chúng ta đi và đào tạo chỉ có ý nghĩa khi học tập trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Để làm được những điều trên, Học viện Viettel phải chuyển đổi số chính mình, xây dựng kho tri thức, đưa công cụ vào hoạt động học tập đào tạo, áp dụng công nghệ vào quá trình thiết kế, tổ chức”.
Số hóa khối lượng bài giảng lớn nhất từ trước đến nay
Ban lãnh đạo Học viện Viettel xác định, yếu tố cốt lõi tạo nên văn hóa học tập cho CBNV toàn Tập đoàn là mang đến cách thức, công cụ cho nhân viên dành thời gian học tập chủ động, tạo cơ sở sáng tạo giá trị mới; nghiên cứu, phân tích nhu cầu, đặc thù của từng đơn vị mang đến nội dung bài giảng sát với thực tiễn.
Trong suốt 3 tháng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích nhu cầu của từng CBNV thông qua các cuộc khảo sát, phiếu hỏi đáp. Dữ liệu thu được đều được đối chiếu, bổ sung để nắm bắt chính xác, xác thực nhu cầu của từng nhân viên, thấu hiểu nhu cầu bổ sung kiến thức để hoàn thiện bài giảng.
“Chúng tôi không nhớ nổi đã phải làm bao nhiêu phiếu khảo sát đưa đến từng cán bộ, nhân viên, trò chuyện với bao nhiêu người ở các đơn vị khác nhau. Mục tiêu của chúng tôi là thấu hiểu nhu cầu học tập của họ, cung cấp giải pháp học tập đúng hướng”, anh Trần Phúc Anh, Phòng đào tạo Năng lực lõi, Học viện Viettel chia sẻ.
Cấu trúc chuyển đổi số trong đào tạo có 3 cấp độ: Cấp độ 1 - Số hóa dữ liệu, Cấp độ 2 - Số hóa quy trình hoạt động và Cấp độ 3 - Chuyển đổi mô hình quản trị/mô hình kinh doanh số. Mô hình học tập “Duy trì học tập hàng ngày By Day Learning” là phương thức học hoàn toàn mới với người Viettel, thực hiện trên môi trường trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác có kết nối Internet. Người học tiếp nhận kiến thức là những bài học ngắn từ 3-10 phút theo cấu trúc bài học gồm 4 phần (Giới thiệu bài học, nội dung bài học, đúc kết nội dung bài học, câu hỏi kiểm tra). Với việc trả lời câu hỏi, người học có thể đúc rút và ngấm kiến thức của bài học.
Hết tháng 11/2021, ứng dụng đã thu hút 40.342 CBNV Viettel sử dụng
Nội dung bài học được thể hiện đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như audio, video clip, slideshow, animation, gamification và motion graphic. Ứng dụng truy cập cho thiết bị di động, website cho thiết bị máy tính và hệ thống quản trị, dashboard điều hành giúp cho người học có thể chủ động học vào bất cứ thời gian nào, ở bất kỳ đâu có kết nối Internet. Phương thức mới đã thực sự mang lại thuận lợi cho CBNV Viettel bởi tính đa dạng, linh hoạt, chủ động về nội dung, thời gian, thời điểm.
Lần đầu tiên, Học viện hoàn thành khối lượng bài giảng lớn nhất từ trước tới nay với 745 bài giảng được số hoá, gấp nhiều lần so với số bài giảng của 15 năm cộng lại. Trong đó 700 bài học By Day Learning được thiết kế dưới 10 phút với các nội dung được đúc kết, chắt lọc, cách thể hiện trực quan, sinh động. Học viện cũng hoàn thành 45 bài giảng dài bám sát 4 trụ chiến lược đào tạo của Tập đoàn nhằm cung cấp các khoá học được quy hoạch theo yêu cầu phát triển của Tập đoàn.
Anh Trần Phúc Anh chia sẻ: “Nền tảng tổ chức các bài học theo 4 trụ đào tạo của Tập đoàn theo định hướng chuyển dịch nội dung đào tạo bao gồm nội dung lãnh đạo, quản lý nội dung chuyển dịch chiến lược, nội dung cốt lõi, tuân thủ nội dung chuyên môn nghiệp vụ. Hơn thế nữa, nền tảng có các tính năng hỗ trợ để học viên tiếp cận nội dung học tập dễ dàng. Học viên có thể sắp xếp lịch trình học tập, các tính năng đánh giá bài học và chia sẻ bài học.”
“Phương thức duy trì học tập hàng ngày là hình thức thể hiện rõ nét chuyển đổi số trong học tập và đào tạo. Đây là phương thức làm thay đổi trong cách tiếp cận và là yếu tố cơ bản góp phần xây dựng tổ chức học tập theo hướng duy trì học tập hằng ngày”, Trung tá Bùi Quang Tuyến, nhận định.
Hướng đến cung cấp bài giảng số cho doanh nghiệp bên ngoài
Tính đến hết tháng 11/2021, sau 4 tháng triển khai diện rộng, ứng dụng đã nhận được 44.547 lượt đăng ký chương trình , thu hút 40.342 người học, trung bình khoảng 27.000 người học/tháng, 2.000 người học/ngày.
Là đơn vị có nhiều lao động trực tiếp, đối với Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), ứng dụng By Day Learning là luồng gió mới trong phong cách học tập, giúp CBNV tìm hiểu văn hóa, quy trình, quy định hữu ích, thực sự phù hợp trong thời kỳ giãn cách. “Những bài học trên ứng dụng hấp dẫn, thú vị, cách truyền tải sinh động. Các câu hỏi giúp gợi nhớ nội dung đã học, khiến người học tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”, anh Chu Minh Nhiên, Phòng Chiến lược kinh doanh, Viettel Post vừa miệt mài ôn luyện bài giảng trên By Day Learning vừa kể.
Nhắc đến tiềm năng phát triển của By Day Learning, chị Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Viettel Post chia sẻ : “Sắp tới, qua By Day Learning, Viettel Post sẽ đẩy mạnh các nội dung học liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực Bưu chính và dịch vụ Viễn thông để CBNV có thể học mọi lúc mọi nơi. Mong muốn của Viettel Post là giúp CBNV chuyển từ bị động sang chủ động, hình thành thói quen học tập trong toàn Tổng Công ty”.
Mô hình “Xây dựng tổ chức học tập thời kỳ kinh tế số Viettel” là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước, cũng như yêu cầu của xã hội về xây dựng xã hội học tập. Để xây dựng một đơn vị học tập, trước hết phải thay đổi nhận thức, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ lãnh đạo, quản lý và của từng CBNV trước xu thế của thời kỳ công nghệ số; đồng thời động viên, khuyến khích các thành viên tham gia học tập và học tập suốt đời, chỉ có như vậy mới không bị tụt hậu.
Không chỉ dừng lại việc xây dựng môi trường học tập hiệu quả cho CBNV Viettel, By Day Learning hướng đến cung cấp các giải pháp học tập hiện đại, đổi mới, cung ứng cho các doanh nghiệp bên ngoài, tạo lập xã hội học tập, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam.
“Ngày nay, Viettel dù sở hữu nguồn nhân sự xuất sắc cũng vẫn luôn phải đào tạo, học tập nhằm bổ sung kịp thời kiến thức theo kịp sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi tư duy của khách hàng. Do đó phải “Học suốt đời - Học kịp thời” nhằm chủ động phát triển “nguồn vốn” nhân lực. Chuyển đổi số trong đào tạo là phương thức giúp mọi người học tập mọi lúc mọi nơi, hướng tới xây dựng tổ chức học tập, đơn vị học tập, xã hội học tập”, – Trung tá, TS. Bùi Quang Tuyến chia sẻ./.