Cáp quang "siêu gọn nhẹ": Vượt chính mình để làm điều không thể

6 tháng phát triển thành công, giá trị xuất khẩu trong năm đầu tiên lên tới 6 triệu USD. Thành công của Công ty Thông tin M3, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, với cáp micro module có vẻ rất có duyên với con số 6. Và trên hành trình tạo ra “Sản phẩm vàng Việt Nam” (2019) này, có thể thấy hình bóng của một số 6 khác – Giá trị cốt lõi thứ 6 của Viettel: Kết hợp Đông – Tây: kết hợp những thành quả từ sản phẩm đã được chứng minh ở châu Âu với tư duy nghiên cứu và vượt khó rất… Viettel.

Kỹ sư Phương Hoàng Hiệp đón chúng tôi trong cái se lạnh mùa đông của Hòa Lạc, nơi đặt trụ sở của Công ty Thông tin M3. Anh là nhân tố nòng cốt đã đồng hành xuyên suốt cùng dự án nghiên cứu và xây dựng dây chuyền sản xuất cáp Micro module từ khi còn là ý tưởng cho đến khi sản phẩm được ra đời thực tế. Câu chuyện về những nỗ lực của anh em M3 để sản xuất chủng loại cáp mới dần rõ ràng theo lời kể của Hiệp.

Sản xuất cáp thông tin không phải là nghề mới của M3. Thực tế, Công ty Thông tin M3 của Viettel có tiền thân là Nhà máy Thông tin M3 của Bộ tổng tham mưu ra đời từ năm 1971. Nhà máy đã sản xuất, lắp dựng thành công 3 máy bện lõi dây thông tin, hệ thống bọc cáp thông tin từ năm 1993. Thời điểm đó, điện thoại di động còn chưa được biết đến ở Việt Nam và Viettel vẫn còn là một công ty xây dựng công trình cột cao. Nhưng chỉ đến khi trở thành thành viên của Tập đoàn Viettel năm 2009, M3 mới thực sự có điều kiện chuyển dịch chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng Công ty cơ khí công nghệ cao; phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, nhiệm vụ sản xuất cáp quang chủ lực phục vụ cho chính mạng lưới Viettel trở thành mũi nhọn. Chính vì vậy, những năm qua, M3 luôn tập trung vào việc nghiên cứu, sản xuất những loại cáp quang tiên tiến nhất, chất lượng không hề kém cạnh các sản phẩm đang được ưa chuộng trên thế giới. Và một trong những loại cáp quang gây tiếng vang lớn nhất mà M3 mới “cho ra lò” là cáp Micro module.

Thời điểm năm 2017, yêu cầu giảm khối lượng và kích thước cáp trở thành một thách thức cấp bách trên toàn thế giới, đặc biệt là trong thời điểm ngầm hóa cáp đang trở thành xu thế ở khắp nơi. Số lượng cáp ngày càng nhiều, khả năng treo của cột thì có hạn, kích thước cống ngầm thì không thể thay đổi. Nhận thấy nhu cầu rất lớn, M3 nhanh chóng bắt tay ngay vào tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất nhằm giảm đường kính, không thay đổi số lượng sợi, có thể sử dụng cho cả ngầm và treo.

Nhóm nghiên cứu tận dụng từng sợi quan dư thừa từ những cuộn cáp của công ty để nghiên cứu sản xuất loại cáp siêu gọn nhẹ

Mong muốn đưa sản phẩm của công ty vươn ra thị trường thế giới, bộ phận kinh doanh ngay lập tức lên kế hoạch sẽ có những sản phẩm mũi nhọn bán được sang thị trường Châu Âu. Đây vốn là thị trường khó tính với những tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Một trong những sản phẩm được M3 hướng đến việc xuất khẩu là cáp quang.

Quyết tâm lớn là vậy, nhưng thách thức còn lớn hơn nhiều. Dù Châu Âu có nhu cầu sử dụng rất lớn, nhưng loại cáp quang của họ sử dụng là loại siêu gọn nhẹ, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, những sợi cáp quang truyền thống của M3 cũng như các công ty khác tại Việt Nam chưa đủ các tiêu chí để đáp ứng khách hàng Châu Âu.

“Cáp quang truyền thống thường có dầu nhồi gây ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, ở Châu Âu, khi thi công họ hầu hết đều hạ ngầm cáp quang nên ưa chuộng sử dụng loại cáp càng nhỏ càng tốt chứ không cần loại to dày, chịu lực kéo lớn. Để sản xuất ra được loại cáp siêu nhỏ, gọn nhẹ như vậy là một thử thách lớn vì cần máy móc hiện đại và thợ có tay nghề kỹ thuật cực kỳ cao”, Hiệp chia sẻ.

Nhưng xác định “thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh”, với tinh thần Viettel, người M3 đã bắt tay vào chế tạo loại cáp siêu gọn nhẹ để đặt chân vào thị trường mới. Thời gian đầu chế tạo, nhóm nghiên cứu chính những sản phẩm cáp nước ngoài tốt nhất đang được ưa chuộng và bán rộng rãi ở thị trường Châu Âu. “Khi cầm thực tế cáp nước ngoài mới thấy kích thước của nó rất nhỏ nhưng vẫn cùng dung lượng sợi bên trong so với cáp khổ to truyền thống. Để sản xuất được loại nhỏ như vậy nhưng vẫn giữ nguyên công năng là một bài toán khó. Thêm vào đó, loại cáp nước ngoài này không dùng dầu nhồi, không dùng ống lỏng thông thường để nhét sợi quang mà dùng loại “ống lỏng khô” và các sợi chỉ chống thấm. Thời điểm này ở Việt Nam, chưa một doanh nghiệp nào sản xuất loại cáp ống khô”, Hiệp nhớ lại.

Có những thời điểm, dự án gần như đi vào bế tắc vì không thể tìm ra cách xử lý những vấn đề phát sinh. Hiệp tâm sự: “Rất nhiều lần anh em thử nghiệm sản xuất thất bại, nhất là khâu ống lỏng. Nếu cứ dùng sợi quang mới sẽ gây tốn kém chi phí, nên anh em bảo nhau phải tận dụng sợi quang dư thừa từ những cuộn cáp của công ty để bớt tiền vật tư. Có những công đoạn phải làm đi làm lại vài chục lần. Đôi khi sản xuất ra được một ống có 12 sợi rồi, khi đo chất lượng đến sợi thứ 9 vẫn đạt nhưng sợi thứ 10 lại không đạt. Mọi người có lúc cảm thấy như rơi vào ngõ cụt”.

Thiết bị bọc ống lỏng tại Công ty Thông tin M3

Khi mọi thứ gần như chững lại, nhưng anh Hiệp và các đồng đội vẫn không chịu thua. Tất cả chủ động đi học hỏi thông qua các nhà sản xuất sợi quang, sản xuất cáp quang, nhà mạng lớn… Bản thân Hiệp cũng dành thời gian để đi các buổi hội thảo khoa học kỹ thuật, giới thiệu công nghệ, thiết bị mới. Bên cạnh đó, họ lên mạng để sưu tầm tài liệu, đọc thêm các bài báo, các đăng ký phát minh, sáng chế, xem các clip video giới thiệu công nghệ hút chân không, có thể dùng cho dạng ống. Những kiến thức góp nhặt từng ngày, từng giờ đó tưởng chừng như ít ỏi nhưng lại là chìa khóa để nhóm tìm ra những điểm còn yếu trong quy trình sản xuất cáp siêu nhỏ mà mình đang theo đuổi. Bằng những nỗ lực bền bỉ, M3 cuối cùng cũng cho ra đời loại cáp Micro module với trọng lượng siêu gọn nhẹ đạt chuẩn chất lượng.

Sau khi giải quyết được vấn đề sản xuất cáp, họ tiếp tục tìm cách để sợi cáp quang siêu nhỏ mình sản xuất có thể chịu được nền nhiệt xuống tới âm 40 độ C ở châu Âu. Đây cũng là một nỗ lực vượt bậc của M3 vì ở Việt Nam, cáp thông thường chỉ cần chịu nhiệt tới âm 10 độ C.

Chưa hết, việc đi từ nghiên cứu đến sản xuất lại nảy ra những thách thức mới. Để tạo ra dây chuyền sản xuất đồng loạt cáp quang siêu nhỏ, các kỹ sư M3 cũng phải tự tìm tòi để nâng cấp từ các máy cũ, bình thường thành những máy móc có khả năng đáp ứng cho việc sản xuất loại cáp quang mới. Cáp bình thường chỉ có một dàn nhả sợi trung tâm, trong khi với loại cáp siêu nhỏ này, ít nhất phải có hai dàn nhả hoặc bốn dàn nhả. Hay như việc phải tính đến việc thiết kế hệ thống khuôn mẫu để làm tròn cáp sau khi đi qua đầu bọc. Để làm tròn nhanh thì phải làm nguội nhanh nên cần chế thêm dàn lạnh để làm mát hạ nhiệt độ. “Với hệ thống máy hiện tại, mình cùng đồng nghiệp phải cố gắng nghiên cứu “chế” thêm rất nhiều thiết bị. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu ngay từ đầu đã bỏ tiền mua một dàn máy móc mới sẽ tiêu tốn hàng triệu đô trong khi chưa chắc chắn được đầu ra, rất lãng phí cho công ty”, Hiệp cho biết.

Điều đáng mừng là sản phẩm cáp Micro Module do M3 sản xuất đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng trong và ngoài nước. Thực tế hàng chào mẫu cho Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cũng được đơn vị này đánh giá cao về chất lượng. Sự ra đời của sản phẩm mới, làm chủ hoàn toàn công nghệ đưa M3 là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất được chủng loại cáp siêu nhỏ, siêu nhẹ từ chính những chủng loại vật tư có sẵn tại công ty.

Năm 2018, sản phẩm cáp Micromodule M3 chính thức được xuất khẩu sang Pháp mang lại doanh thu 1 triệu USD – một lần nữa khẳng định giá trị và chất lượng sản phẩm cáp quang “made by M3”.

“Phải luôn luôn tìm ra hướng đi mới, chinh phục những nấc thang mới, làm những điều chưa ai làm để khẳng định giá trị của Cáp quang M3” – đó chính là mục tiêu cốt yếu mà đội ngũ kĩ sư nghiên cứu ở Công ty M3 theo đuổi. Đó cũng chính là động lực ra đời của thế hệ cáp quang “Micro module” hiện đại bậc nhất Việt Nam.