Đến thời điểm hiện tại, IP Phone – điện thoại sử dụng trên nền mạng Internet thay cho tín hiệu analog truyền thống, là dòng sản phẩm hiện đại nhất được áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Tất cả các thiết bị sử dụng hiện tại trong quân đội đều là nhập khẩu. Để tăng khả năng tự chủ, Binh chủng Thông tin Liên lạc đã đặt hàng với Viettel về sản xuất điện thoại IP, và nhiệm vụ này được Tập đoàn giao cho Công ty Thông tin M3, đơn vị chuyên sản xuất thiết bị thông tin hữu tuyến.
Viettel đã có kinh nghiệm làm chủ công nghệ thiết bị đầu cuối dùng trong quân sự như điện thoại tổng đài cơ điện dã chiến, điện thoại analog… Bắt tay vào nghiên cứu phát triển thiết bị từ đầu năm 2019, đến quý III/2019, Công ty Thông tin M3 đã ra mắt sản phẩm mẫu để thử nghiệm. Trong cùng năm, sản phẩm đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt tính năng kỹ thuật, chiến thuật. Sau đó, sản phẩm tiếp tục được đơn vị nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu đề ra. Nghiên cứu, phát triển thành công loại điện thoại hiện đại này, M3 đã giúp tiết kiệm 1/5 chi phí ngân sách để mua các thiết bị tương tự từ nước ngoài.
“Để nói về sự ra đời của sản phẩm IP Phone, cần phải hiểu về lịch sử của Công ty M3 để thấy được đây không chỉ là một sản phẩm đơn thuần, mà hơn thế, đây là một bước hiện thực hóa sứ mệnh của Công ty M3”, Trung tá Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty Thông tin M3) cho biết. Anh Cường chính là chủ trì dự án nghiên cứu, phát triển điện thoại IP từ những ngày đầu. Theo anh Cường, thời gian đầu khi mới thành lập, nhiệm vụ mà M3 được quân đội giao cho là sửa chữa, bảo dưỡng các khí tài thông tin hữu cơ điện, bảo đảm hệ thống thông tin chỉ huy. Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, M3 còn có nhiệm vụ từng bước chủ động nghiên cứu làm chủ một số trang, thiết bị, các sản phẩm để phục vụ cho mục tiêu kinh tế. Nắm bắt được điều này, M3 từ ngày đó đã chủ động nghiên cứu sản xuất các thiết bị trên các xe trọng tải lớn để làm việc ở mỏ than, các hệ thống trong truyền tải dữ liệu hữu tuyến điện; một số sản phẩm đồng hồ vạn năng, máy đo sức khỏe vừa phục vụ quốc phòng, vừa phát triển kinh tế...
Sau này, trước yêu cầu của tình hình mới, M3 đã có sự chuyển dịch sang nghiên cứu các sản phẩm phục vụ quân đội, bảo đảm xây dựng hệ thống viễn thông quốc gia như cáp đồng, cáp quang, phụ kiện viễn thông, mạng 2G, 3G, 4G… Bên cạnh đó, M3 cũng đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là nghiên cứu hiện đại hóa hệ thống hữu cơ điện. Cụ thể M3 nghiên cứu các điện thoại dã chiến, tổng đài dã chiến phục vụ từ cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.
Điện thoại IP Phone do Công ty Thông tin M3 sản xuất
Theo xu thế của công nghệ ngày nay, trong điều hành tác chiến ở cấp chiến lược và chiến dịch, quân đội cần thiết bị để truyền dữ liệu, mã hóa, bảo mật. Các thiết bị này trước đây đều phải nhập từ nước ngoài, nay M3 đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ và sản xuất thành công IP phone. “Như vậy có thể thấy việc sản xuất thành công IP Phone là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm trong thời gian dài. Khi IP Phone ra đời, cũng là lúc M3 tiếp tục thể hiện được vị trí, sứ mệnh của mình. Đó là góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nó khẳng định năng lực và trình độ phát triển khoa học công nghệ của Viettel nói chung và M3 nói riêng”, Trung tá Cường tâm sự.
Để sản xuất một sản phẩm mới vừa hiện đại vừa có tính bảo mật cao để sử dụng trong hoạt động Quốc phòng luôn là một điều khó khăn đối với mỗi công ty. Và quá trình để sản xuất IP Phone hiển nhiên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức dù đã có nền tảng về hệ thống thông tin hữu cơ điện. Theo Trung tá Nguyễn Viết Cường, do đây là sản phẩm phục vụ trong quân đội nên các yêu cầu về bảo mật vô cùng khắt khe. Để “test” tính năng bảo mật, kỹ sư M3 nhiều lần phải gặp gỡ Phòng an toàn thông tin của Cục cơ yếu của Bộ Quốc phòng. Tại đây, họ sẽ đưa ra các yêu cầu, M3 sẽ cho thiết bị chạy thử để bảo đảm đúng theo yêu cầu đó. Sau đó, sản phẩm tiếp tục được đưa sang làm việc với Cục bảo vệ an ninh quân đội để đơn vị này dùng các thiết bị chuyên dụng tiến hành rà quét sóng xem có phân tử nào phát xạ nguy hại không, vì nếu có sẽ là “lỗ hổng”, trong quá trình hoạt động có thể gây lộ lọt thông tin, rất nguy hại tới an ninh Quốc phòng. Chưa dừng lại ở đó, M3 tiếp tục phải làm việc với Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng để bảo đảm về an ninh an toàn đường truyền, từ sản phẩm thiết kế ra, đến phần mềm cài đặt vào điện thoại, xem có lỗ hổng an toàn thông tin nào không.
“Điều khó khăn nhất trong quá trình sản xuất điện thoại IP Phone có lẽ là vấn đề âm thanh, những mẫu “demo” thời gian đầu sản xuất ra thường gặp vấn đề vọng tiếng rất khó để chỉnh sửa”, người chủ trì dự án chia sẻ. Trong nhóm nghiên cứu IP Phone của M3, có Kỹ sư phát triển phần mềm Hoàng Công Tánh (Phòng Kỹ thuật, Công ty Thông tin M3). Anh Tánh đã dùng thời gian gần 3 tháng để đi học hỏi về phần cứng, cũng như phần mềm của một số hệ điện thoại tương tự và học hỏi qua những đơn vị đối tác về lĩnh thực thông tin. Bằng nhiều cách khác nhau, anh Tánh và đồng nghiệp đã tìm ra phương pháp để trị căn bệnh “vọng tiếng” của IP Phone. Anh em kỹ sư đã làm mới phần cứng bằng cách thay đổi lại mạch khuếch đại âm tần, đồng thời, một phần mềm cũng được viết để tự động xử lý ngưỡng tạp âm. Nhờ đó, chiếc IP Phone ra đời sau này đã có âm thanh chân thực. Đặc biệt, chiếc IP Phone của M3 cũng được phát triển đạt chuẩn giao thức của thế giới để đáp ứng được không chỉ nhiệm vụ Quốc phòng trong nước mà cả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Hiện tại, IP Phone Viettel có kích thước điện thoại bàn nhưng được thiết kế theo dòng video call chuẩn internet IP, khi gọi điện có cả hình, cả tiếng. Sản phẩm đang từng bước dần thay thế cho các sản phẩm nước ngoài. “Hiện công ty đã sản xuất được hàng nghìn điện thoại IP để đưa vào trang bị cho Binh chủng Thông tin Liên lạc và các đơn vị trực thuộc”, Trung tá Nguyễn Viết Cường chia sẻ.
Tính năng nổi bật của IP Phone Viettel là bảo mật, có thể kết nối được với các module bảo mật, giao tiếp được với các module bảo mật qua giao diện USB, không bị nghe lén hay theo dõi. Bên cạnh đó, hai điện thoại IP có thể gọi trực tiếp thông qua mạng LAN dành cho những khu vực không có mạng internet, đây cũng là điểm ưu việt của dòng điện thoại này so với các sản phẩm nước ngoài.
Với định hướng ban đầu đưa ra cho điện thoại IP là sản phẩm lưỡng dụng, trong giai đoạn 2023-2025, Công ty Thông tin M3 sẽ đưa sản phẩm này ra thị trường. Thiết bị sẽ được thiết kế lại nhằm bảo đảm yêu cầu bí mật quân sự cho phiên bản gốc, và sẽ có những tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng, chi phí của người dân, hoặc các doanh nghiệp có yêu cầu cao về bảo mật, như phiên bản IP tiếng (giá thành từ 2-3 triệu đồng), một loại IP có hình (giá thành từ 6-7 triệu đồng).
Không dừng lại ở IP Phone, thời gian tới, M3 sẽ tiếp tục phát triển các thiết bị thuộc hệ sinh thái này như sản phẩm Voice getway, Jack 19inch, Bộ định tuyến Router, thiết bị 48 cổng kết nối … Đồng thời, M3 tiến tới trang bị mới toàn bộ hệ thống thông tin dã chiến hữu tuyến điện cho quân đội ở cấp chiến thuật.
Có thể nói, không chỉ là một sản phẩm phục vụ thông tin liên lạc quân sự, việc nghiên cứu, phát triển thành công điện thoại IP của Công ty Thông tin M3 đã cụ thể hóa định hướng từng bước xây dựng Công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước đã được Đảng bộ Quân đội đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.