“Đưa M3 trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sáng chế ra máy thở, giúp đất nước chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn”, đứng trước nhiệm vụ đầy ý nghĩa, 7 thành viên của nhóm nghiên cứu chế tạo máy thở M3 đã tạo ra một cuộc chạy đua với thời gian. Họ đã cán đích chỉ sau 3 tháng.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, số lượt bệnh nhân nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao trong khi nguồn máy thở tại các bệnh viện bị quá tải, nguy cơ thiếu hụt máy thở rất lớn. Nhiều đơn vị trong nước đã tham gia nghiên cứu, chế tạo các giải pháp cho vấn đề thiếu hụt máy thở. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận hoàn toàn công nghệ sản xuất từ nước ngoài nên không chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Nguyên vật liệu phần lớn nhập từ nước ngoài dẫn đến giá thành sản phẩm cao, các đơn vị y tế khó tiếp cận.
“Tôi cho đồng chí 3 tháng”
Giữa tháng 3/2020, anh Hoàng Xuân Hiển, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ, công ty Thông tin M3 nhận được cuộc gọi bất ngờ từ Trung tá Đặng Đình Thi, Giám đốc Công ty Thông tin M3: “Chúng ta phải chế tạo được máy thở, giải quyết khó khăn cho ngành y tế, để nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn. Đồng chí làm được không? Tôi cho đồng chí 3 tháng.”
Nhận chỉ đạo của thủ trưởng, anh Hiển trăn trở bởi từ trước đến nay, anh chưa từng có kinh nghiệm chế tạo thiết bị y tế, chưa nắm được quy trình và công nghệ chế tạo. Để hoàn thiện một thiết bị tương đối phức tạp như máy thở, anh Hiển cần ít nhất 1 năm từ nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện mô hình để ra sản phẩm.
Trong buổi họp giao ban ngày hôm sau, nhiều đồng nghiệp của anh Hiển trong nhà máy cũng suy tư. “Làm sao để làm được trong 3 tháng”, “Chế tạo ra máy thở là điều trước nay chưa từng làm, chúng ta không có kinh nghiệm”… Nhưng với ý nghĩa của nhiệm vụ, anh cùng 6 đồng chí đã nhận trách nhiệm trước ban lãnh đạo M3: “Đưa M3 trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sáng chế ra máy thở, giúp đất nước chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.”
Chiếc máy thở "made in Vietnam" do M3 nghiên cứu chế tạo
50 hình thành và phát triển, các thế hệ M3 đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, mang vào mỗi sản phẩm từ “sáng tạo, khác biệt, cống hiến” đến “đột phá, chuyên nghiệp, hiệu quả”. Nhóm nghiên cứu máy thở M3 đặt khát vọng: nghiên cứu máy thở để Việt Nam tự chủ trong sản xuất, không phụ thuộc nguồn máy thở nhập khẩu từ nước ngoài.
“Chiếc máy thở chúng tôi hướng đến là người dùng phải dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Máy thở phải hiện đại nhất nhưng cũng đơn giản nhất. Khi thời gian cứu chữa được tối ưu, tỉ lệ cứu sống người bệnh sẽ tăng”, anh Hiển chia sẻ.
Trong lĩnh vực y tế, 2 phương thức thở phổ biến nhất hiện nay là phương thức thông khí xâm nhập và không xâm nhập. Phương thức thông khí xâm nhập tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân, khi đó bệnh nhân chỉ cần một động tác nhẹ đã có thể hít vào và đỡ tốn sức. Tuy vậy, áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo, cơ hô hấp còn hoạt động được. Trường hợp bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, người bệnh được thở bằng phương thức thông khí xâm nhập. Một ống thở luồn qua ống nội khí quản, kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Tuy nhiên, loại máy thở này chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành từ 120 - 250 triệu đồng, sử dụng phức tạp.
Để đảm bảo những yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, anh Hiển cùng đồng nghiệp đặt mục tiêu đưa đồng thời phương thức thông khí xâm nhập và không xâm nhập vào máy thở của M3, đáp ứng kịp thời nhu cầu đội ngũ y tế, phù hợp phác đồ điều trị Covid-19 của bộ Y Tế.
Cầm chiếc máy hàn trên tay, anh Trịnh Sỹ Đồng, kĩ sư điện tử của nhóm sản xuất dí dỏm: “Từ khi làm xong máy thở, tôi có thêm nghề phụ là thợ cơ khí”.
Thời gian gấp rút, anh Đồng cùng 6 thành viên trong nhóm mặc dù đảm nhận chuyên môn khác nhau nhưng đều xắn tay áo cùng đội ngũ lao động cơ khí hoàn thiện các công đoạn. Ban ngày, nhóm học thêm một số kĩ thuật cơ khí cơ bản từ đồng nghiệp. Buổi đêm nhóm tự tay thi công một số hạng mục đang làm dở cho kịp tiến độ.
“Chúng tôi bảo nhau cùng cố gắng, đồng chí nào biết thêm kiến thức gì thì dạy thêm cho người chưa biết. Công ty ưu tiên thiết bị máy móc cơ khí hiện đại, cử đội thợ cơ khí giỏi hỗ trợ nên công việc được đẩy nhanh tiến độ”, anh Hiển kể. Cứ như vậy liên tục từ 6h sáng đến 22h đêm, nhóm sản xuất dầm mình ở xưởng cơ khí để thử nghiệm các loại động cơ khác nhau, phù hợp đưa vào máy thở.
Bên cạnh đó, tìm kiếm nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để không phụ thuộc vào linh kiện, vật tư nước ngoài cũng là bài toán nan giải của đội ngũ nghiên cứu. Thời điểm nhóm nghiên cứu máy thở là thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế sự bùng phát của Covid-19 nên các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa.
“Chúng tôi đã gõ cửa hàng chục nơi để tìm nguyên liệu nhằm đưa vào thử nghiệm nhiều kết cấu động cơ khác nhau nhưng đều nhận được cái lắc đầu vì không có hàng. Một số đồng chí phải di chuyển gần 100 km để sang địa phương khác tìm mua”, anh Đỗ Đức Dũng, thành viên nhóm sản xuất nhớ lại.
Trong nhiều tháng, cứ liên tục từ 6h sáng đến 22h đêm, nhóm sản xuất đầm mình ở xưởng để thử nghiệm các động cơ khác nhau
Sau 1 tháng miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm nhiều động cơ khác nhau, đội ngũ chế tạo quyết định sử dụng động cơ piston – xilanh trong máy thở thay vì động cơ tua bin, giúp giảm một nửa giá động cơ.
Nhưng động cơ piston – xilanh lại gây ra tiếng ồn lớn, độ rung mạnh nên sản phẩm máy thở thử nghiệm đầu tiên hoạt động không ổn định. Nhắc về thời gian khắc phục sự cố tiếng ồn, anh Hiển không giấu nổi nụ cười: “Tiếng ồn của máy thở lớn đến mức đi đến bất kì đâu trong nhà máy cũng có thể nghe thấy được tiếng nổ, anh chị em không tập trung làm việc được nên chúng tôi phải chờ khi cả nhà máy về hết vào tối muộn mới dám mở lên để nghiên cứu, khắc phục. Mặc dù vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui và kỉ niệm lắm”.
“Bỏ cuộc không có trong từ điển của M3”
“Tôi ngủ ít đi, thử nghiệm điện tử do tôi phụ trách liên tục gặp thất bại. Tôi chưa từng nghĩ tôi sẽ làm ra máy thở kịp 3 tháng. Tôi từng thoáng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng tất cả tan biến sau những chia sẻ của anh Hiển trưởng nhóm”. Kĩ sư trẻ Trịnh Sỹ Đồng không quên được buổi nói chuyện của anh em chế tạo máy thở khi cả nhóm bước vào thời gian chạy nước rút: “Chất lượng máy thở không chỉ danh dự của chúng ta mà còn là danh dự của M3, của tập thể hơn 500 cán bộ công nhân viên. Chúng ta đồng thời là người thợ mà còn là người lính, bỏ cuộc không có trong từ điển của người M3”.
Để hỗ trợ sự sáng tạo, nhằm giải quyết từng bước các thách thức, mỗi lần nhóm tìm ra một phương thức cải tiến mới, người thủ lĩnh của nhóm lập tức có các hình thức khích lệ. Khi thì là cuộc liên hoan nhỏ, lúc thì là những ngợi khen công khai. Tiến độ công việc nhờ thế được đẩy nhanh, mà cũng đảm bảo nguồn năng lượng dồi dào của mỗi thành viên khi nghiên cứu. Thêm vào đó, Ban lãnh đạo M3 cũng thường xuyên trao đổi, giúp nhóm tháo gỡ khó khăn. Công ty đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn cho đội ngũ nghiên cứu. Ngoài 2 suất ăn chính đầy đủ dưỡng chất, công ty chuẩn bị thêm những suất ăn phụ như trái cây, sữa chua, bánh… cho cả nhóm.
Nhớ lại những ngày tháng cùng đồng đội ăn, ngủ, nghỉ tại xưởng để chạy đua với kế hoạch, anh Đồng vẫn rạo rực cảm xúc khi máy thở “lên” điện: “Trước 1 ngày khi đưa sản phẩm ra trình diện ban lãnh đạo, máy thở đột nhiên không hoạt động. Tôi đã lắp lại bo mạch điện tử, thử chạy hệ thống nhiều lần nhưng vẫn gặp lỗi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần nhận lỗi trước ban giám đốc nhưng trong lần thử cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách khắc phục để máy chạy lại bình thường. Tôi hạnh phúc lắm, như trúng số độc đắc”.
Vượt qua các bài kiểm tra khắt khe theo tiêu chuẩn ISO13485, với các thông số kỹ thuật đáp ứng theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý và Kiểm định các Sản phẩm Y tế của Anh Quốc (MHRA), máy thở “made in Vietnam” từ bàn tay, khối óc của người M3 đã ra đời sau 3 tháng nghiên cứu.
Lễ bàn giao hồ sơ kỹ thuật và sản phẩm mẫu của sản phẩm máy thở giữa Công ty Thông tin M3 và đối tác
Người sử dụng dễ dàng điều khiển máy, nhập các thông số cơ thể của bệnh nhân, nhấn nút hoạt động là điều khiển chính xác thể tích khí thở đưa vào phổi bệnh nhân. Sử dụng nền tảng IOT (Internet vạn vật), bác sĩ có thể điều khiển, giám sát, đưa ra phương pháp điều trị kịp thời và các thông số điều khiển thích hợp từ xa. Qua các thiết bị thông minh cầm tay, đội ngũ y tế sẽ quản lý nhiều máy thở với nhiều bệnh nhân cùng một lúc, giảm số lượng nhân viên y tế theo dõi cần thiết, tránh lây nhiễm chéo khi tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân. Máy thở được lắp nguồn điện dự phòng, sử dụng trong 2-3 giờ, đáp ứng yêu cầu cứu chữa bệnh nhân kịp thời bên ngoài bệnh viện.
Tháng 7/2020, Công ty Thông tin M3 đã bàn giao hồ sơ kỹ thuật và sản phẩm mẫu cho Công ty CP XNK Hòa An để triển khai các bước xin cấp phép, thương mại hóa, sản xuất hàng loạt theo tiêu chuẩn và quy định trong lĩnh vực y tế. Sản phẩm dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng ở các cơ sở y tế trong nước, kịp thời chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
“Chúng tôi là những người làm công nghệ, cũng là người đội mũ đeo sao. Công việc này với chúng tôi không đơn thuần là kinh doanh, mà tự thân nhận thấy trách nhiệm phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trong mọi tình huống, đặc biệt nếu dịch covid-19 diễn biến xấu ở Việt Nam”, Trung tá Đặng Đình Thi, giám đốc Công ty Thông tin M3 đầy tự hào khi nhắc đến máy thở M3.