Chinh phục "nắm đấm vô hình" trong quân sự hiện đại

“Khi bắt đầu nghiên cứu sản xuất thiết bị tác chiến điện tử, chúng tôi biết lĩnh vực này tại nước ta đang đi chậm so với thế giới 50 năm. Vậy có áp lực không? Có chứ, nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội để chúng tôi đi tắt đón đầu, đi thẳng vào các xu hướng công nghệ cao tiên tiến nhất mà thế giới đang áp dụng”, ông Dương Minh Tùng chia sẻ về điểm khởi đầu của hành trình mà Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã đi, từ lúc đặt chân vào nghiên cứu năm 2015 đến khi hoàn toàn tự tin làm chủ khí tài Tác chiến điện tử Make in Vietnam như hiện nay.

Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa năm 2007, ông Dương Minh Tùng hiện là Trưởng phòng Thiết kế và tích hợp hệ thống tác chiến điện tử, Trung tâm Thông tin và tác chiến điện tử, Khối 1, VHT. Tu nghiệp tại Nhật Bản 2 năm, khi trở về nước, ông lựa chọn Viettel là “bến đỗ” bởi theo ông, Viettel nói chung và VHT nói riêng có định hướng nghiên cứu rõ ràng.

Hơn 10 năm khoác lên mình màu áo Viettel, ông Tùng nhận định: “Tại Viettel có đặc thù là mục tiêu càng cao, tổ chức càng gắn bó. Áp lực tạo ra tinh thần chiến đấu. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, phát triển loại hình sản phẩm nào đi nữa, anh em luôn đoàn kết, đồng lòng từ người đứng đầu đến nhân viên. Đây chính là sức mạnh vô hình để chúng tôi vượt qua những rào cản chưa từng có tiền lệ”. 

Ngành tác chiến điện tử thường được chia thành ba lĩnh vực lớn: Trinh sát điện tử (Electronic Support hay ES), tấn công điện tử (Electronic Attack hay EA) và bảo vệ điện tử (Electronic Protect hay EP). Trong chiến tranh ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine (2014 - nay), quân đội Nga sử dụng rất nhiều khí tài tác chiến điện tử để tấn công, gây nhiễu cho phía Ukraine. Các trang thiết bị này khiến quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn vì không thể liên lạc, thậm chí không thể gọi điện thoại, hệ thống ra-đa và định vị GPS cũng không thể hoạt động. Tháng 6/2021, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine, một phần trong đó sẽ tập trung chống lại lực lượng tác chiến điện tử của Nga tại Donbas. Cuộc chiến điện tử này vẫn chưa bao giờ ngừng.

Hiện nay, hầu hết các nước có nền khoa học quân sự phát triển như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel… đều tập trung nghiên cứu và phát triển các hệ thống tác chiến điện tử nhằm đạt được lợi thế trong các cuộc chiến. Vì vậy, phòng, chống các hoạt động tác chiến điện tử của địch, bảo toàn lực lượng, nâng cao hiệu quả chiến đấu của các đơn vị là một trong các nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta. Tại các quân binh chủng trong toàn quân đều có lực lượng tác chiến và được đầu tư trang bị một số tổ hợp tác chiến điện tử. Trong đó, Cục Tác chiến điện tử là đơn vị được trang bị nhiều khí tài tác chiến điện tử hiện đại, tiêu biểu như hệ thống Blackbird của Mỹ, VERA-NG của hãng ERA/Cộng Hòa Séc, Tổ hợp AJAS… Một số thiết bị tại các đơn vị khác có thể kể đến tổ hợp Kolchuga của Ukraine và tổ hợp SDD của Cộng hòa Séc (tần số làm việc đến 18GHz; công nghệ định vị DF…). 

Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu tác chiến hiện đại trong tương lai. Hơn nữa, vì là máy móc nhập khẩu nên việc đảm bảo kỹ thuật lâu dài khó khăn, các yêu cầu về an toàn an ninh thông tin hay các vấn đề bảo mật nhiều rủi ro; đồng thời, đặt ra các bài toán về tương thích, kết nối hệ thống trong quá trình phối hợp tác chiến. Trước thực tế đó, suốt hơn 50 năm qua, Bộ Quốc phòng quan tâm và thực hiện việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ, từng bước chế tạo các khí tài tác chiến điện tử hiện đại. Dù đã đạt một số kết quả trong tự bảo đảm kỹ thuật, tìm hiểu công nghệ song chưa có một khí tài tác chiến điện tử hoàn chỉnh “Make in Việt Nam” được đưa vào trang bị có thể so sánh với các sản phẩm tên tuổi như VERA-NG (Cộng hòa Séc), Kolchuga (Nga) hay BlackBird (Mỹ).

Hệ thống trinh sát điện tử thông minh của VHT được đánh giá cao trong quá trình nghiệm thu tại đơn vị

Giữa bối cảnh ấy, VHT hiểu rằng để cùng cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới về khí tài tác chiến điện tử, cần làm chủ công nghệ lõi. Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử, nơi ông Dương Minh Tùng làm việc, nhận lĩnh nhiệm vụ này. 

ĐƯA TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ VIỆT NAM CÙNG VẠCH XUẤT PHÁT VỚI THẾ GIỚI

Đối tượng chủ yếu của lĩnh vực tác chiến điện tử là các sản phẩm máy thông tin quân sự và các hệ thống ra-đa. Trước đây, các thiết bị này thường chỉ có thể hoạt động theo một hoặc một vài chế độ định sẵn. Do đó, chúng dễ dàng bị trinh sát và chế áp bởi các thiết bị tác chiến điện tử, dẫn tới các sản phẩm này cần trang bị những công nghệ tiên tiến để ứng phó. Điều này cũng đặt ra nhu cầu ngược lại với lĩnh vực tác chiến điện tử, đòi hỏi VHT liên tục cải tiến, nâng cấp hiệu chỉnh tính năng sao cho tối ưu đối với mỗi dòng sản phẩm thế hệ sau. 

Sau 7 năm nghiên cứu, sản xuất khí tài tác chiến điện tử, VHT đã nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm tác chiến điện tử. Cụ thể, đó là Hệ thống trinh sát vô tuyến điện tử (dải tần số 20 MHz – 3GHz, công nghệ TDOA) tương tương hệ thống trinh sát BlackBird 350 của hãng TCI/Mỹ. Đây là hệ thống đã đưa vào sử dụng tại Cục Tác chiến điện tử trực thuộc Bộ Tổng tham mưu từ năm 2019. Mới đây, ngày 24/12/2021, Bộ Quốc phòng đã đặt hàng VHT sản xuất Hệ thống trinh sát điện tử thông minh (dải tần số 50MHz – 18GHz; băng thông tức thời 500MHz, công nghệ TDOA), tương đương hệ thống VERA-NG nổi tiếng của hãng ERA, Cộng hòa Séc. Một hệ thống khác sau khi thử nghiệm thành công tại đơn vị dự kiến sẽ được Bộ Quốc phòng đưa vào sử dụng trong thời gian tới là Hệ thống giám sát phổ dải rộng (dải tần số 1,5 MHz – 6GHz).

Đề cập đến những cải tiến trong các dòng sản phẩm tác chiến điện tử của VHT, ông Dương Minh Tùng, Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử cho biết: “Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa VSI3 và V-ELINT18. Mục tiêu của hệ thống VSI-3 là hệ thống giám sát được các thiết bị thông tin liên lạc trong dải tần dưới 3Ghz, phục vụ cho mục đích giám sát thiết bị thông tin. Đối với V-ELINT18, hệ thống này bắt đầu được nghiên cứu, bổ sung thêm những tính năng, yêu cầu về kỹ thuật mà VSI3 không đáp ứng được. V-ELINT18 có dải tần mở rộng đến 18 Ghz. Với dải tần này, V-ELINT18 có thể bao phủ mọi thiết bị thông tin, các thiết bị trinh sát và chế áp điện tử, cự ly phát hiện mục tiêu 450km trong khi VSI-3 chỉ là 8km. V-ELINT18 cũng cho phép mở rộng các đối tượng phát xạ vô tuyến không chỉ trên đất liền mà còn trên đường không và đường biển”. 

VHT hiểu rằng để cùng cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới về khí tài tác chiến điện tử, cần làm chủ công nghệ lõi

Theo ông Tùng, 3 hệ thống tác chiến điện tử do VHT làm chủ đều ứng dụng công nghệ Cognitive Radio (CR). Để làm chủ công nghệ này, các kỹ sư tại VHT đã dày công tiếp cận theo cách thức “chia nhỏ bài toán” bởi thiết kế khí tài quân sự luôn là điều tuyệt mật của mỗi quốc gia.

Ông Dương Minh Tùng giải thích: “Điều đầu tiên, chúng tôi xác định đâu là những điều cốt lõi trong công nghệ CR. Tiếp đến, chúng tôi tìm kiếm, tiếp cận từng đối tác đang sở hữu, vận hành những công nghệ đó một cách tốt nhất trên thế giới để học hỏi họ cách giải quyết vấn đề rồi dần dần làm chủ từng công nghệ. Ví dụ như, công nghệ để làm được CR ở hệ thống V-ELINT18 liên quan tới 9 công nghệ lõi, bao gồm: Công nghệ thiết kế ăngten, công nghệ siêu cao tần, công nghệ thuật toán xử lý… Khi chia nhỏ vấn đề, chúng tôi dễ dàng tìm kiếm những doanh nghiệp nước ngoài phát triển chuyên sâu lĩnh vực đó để hợp tác. Ví dụ như, khi cần nghiên cứu về công nghệ thiết kế ăng-ten, chúng tôi tiếp cận ngay một doanh nghiệp của Bỉ”.

Nhằm ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn mới, 3 dòng sản phẩm tác chiến điện tử của VHT được trang bị những thuật toán xử lý tín hiệu thông minh, có khả năng thích nghi trong quá trình hoạt động. Nhiều năm về trước, các hệ thống tác chiến điện tử cũ nhập khẩu không có khả năng tự xử lý, phải phụ thuộc vào trắc thủ tự vận hành. Tuy nhiên, khí tài tác chiến điện tử do VHT sản xuất đều có thể tự phân tích các đặc điểm của mục tiêu mới và đưa ra quyết định xử lý. Ông Dương Minh Tùng diễn giải, khi một trạm tại Hoà Bình tiếp nhận một mục tiêu mới, ngay lập tức, thông tin về mục tiêu cũng như cách xử lý mục tiêu đó được đồng bộ cho tất cả các trạm trên toàn quốc.

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUÂN SỰ VIỆT NAM LÊN TẦM CAO MỚI

Trong lộ trình hiện thực hoá bức tranh về tác chiến điện tử, trên cơ sở thành công của dòng trinh sát điện tử đã nghiên cứu và nắm bắt công nghệ, VHT sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực chế áp điện tử. Lĩnh vực này bao gồm các hệ thống tự động phát hiện và chế áp drones, các hệ thống chế áp tín hiệu thông tin liên lạc, các hệ thống chế áp tín hiệu ra-đa. Song song với việc phát triển các sản phẩm tác chiến điện tử, VHT cũng đang nghiên cứu nền tảng công nghệ Cognitive EW để trang bị vào các sản phẩm của mình. 

Mục tiêu đến năm 2025, VHT sẽ làm chủ được công nghệ Cognitive EW, sánh ngang với các cường quốc quân sự trên thế giới. “Khi nhận được đánh giá từ các chuyên gia
Cục Tác chiến điện tử về sản phẩm, chúng tôi rất tự hào vì khí tài chúng tôi sản xuất đem lại lợi ích cho Quân đội, cho Tổ quốc. Sự tự hào đó xen lẫn trách nhiệm và đó là lý do vì sao chúng tôi không ngừng nghiên cứu những dòng khí tài mới. Trách nhiệm của Viettel là phụng sự Tổ quốc và từng thành viên thực hiện mục tiêu chung đó bằng những nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ quân sự lên tầm cao mới”, ông Dương Minh Tùng bày tỏ.

Các sản phẩm tác chiến điện tử của VHT trưng bày tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng

VÀI NÉT LỊCH SỬ NGÀNH TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ

Ngành Tác chiến điện tử (TCĐT) được chia thành ba lĩnh vực lớn: Trinh sát điện tử (Electronic Support hay ES), tấn công điện tử (Electronic Attack hay EA) và bảo vệ điện tử (Electronic Protect hay EP).

Cuộc xung đột đầu tiên được báo cáo liên quan đến việc sử dụng TCĐT là Chiến tranh Nga - Nhật năm 1905 khi chỉ huy hải quân Nga cố gắng làm nhiễu đường truyền vô tuyến từ các tàu Nhật Bản. Trong cuộc chiến này, người Nhật đã thành công truy đuổi hạm đội Nga vì họ có thể truyền thông tin về các chuyển động và đội hình chiến đấu của họ mà không bị nhiễu, về cho chỉ huy cấp cao của Nhật Bản để thực hiện các hành động cần thiết.

Đến Chiến tranh Thế giới thứ hai, các thiết bị TCĐT chuyên dụng mới thực sự bắt đầu được phát triển. Trong chiến tranh ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine (2014 - nay), quân đội Nga sử dụng rất nhiều khí tài TCĐT để tấn công, gây nhiễu Ukraine. Các trang thiết bị này làm cho quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn vì không thể liên lạc, thậm chí không thể gọi điện thoại, hệ thống ra-đa và định vị GPS cũng không thể hoạt động. 

Tháng 6/2021, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine, một phần trong đó sẽ tập trung chống lại lực lượng TCĐT của Nga tại Donbas. Để tránh các nguy cơ bị tấn công hoặc trinh sát từ đối phương, các máy bay, tàu quân sự ngày nay đều trang bị hệ thống tự bảo vệ điện tử (EWSP). Cụ thể như, tàu khu trục USS Mason của Hải quân Mỹ được trang bị các hệ thống trinh sát, gây nhiễu vô tuyến, các mồi bẫy hồng ngoại, mồi bẫy ra-đa chủ động, thụ động kết hợp với các vũ khí hỏa lực. Điều này đã giúp nhiều lần vô hiệu hóa các cuộc tấn công bằng tên lửa bắn từ đất liền khi tham dự vào cuộc nội chiến ở Yemen.