Kính gửi Quý bạn đọc,
Công nghệ không chỉ là công cụ để kết nối mọi người, công nghệ còn là phương tiện giúp cải thiện cuộc sống con người và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, thúc đẩy phát triển bền vững, giúp thu hẹp khoảng cách xã hội.
Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng của công nghệ trở nên mạnh mẽ và nhanh chóng như lúc này, điều gì sẽ xảy ra nếu công nghệ vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta, của những người phát minh ra công nghệ đó?
Với “Technology with heart - Công nghệ từ trái tim” Viettel muốn truyền tới thông điệp: công nghệ xuất phát từ sự đồng cảm, quan tâm, mong muốn mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai, đó mới là công nghệ đáng để phát triển, đáng để tăng tốc.
Khởi nguồn của Viettel là tầm nhìn trở thành một nhà sáng tạo, một nhà công nghệ với trái tim nhân từ: “Caring Innovator” - Sáng tạo vì con người. Điều đó cũng là một cách thể hiện của “Technology with heart”, mọi sự sáng tạo, sự phát triển đều lấy con người làm trung tâm, quan tâm đến con người, vì sự phát triển của con người.
Trong suốt hành trình lịch sử của mình, Viettel đều nỗ lực thể hiện thông điệp, tầm nhìn, sứ mệnh đó. Cùng Viettel Family lắng nghe câu chuyện Viettel qua các nội dung của số Tạp chí dưới đây.
Trân trọng,
Ban Biên tập
Việc Trợ lý ảo Pháp luật phục vụ Tòa án được thử nghiệm thành công ngay trước tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 đã góp thêm một điểm sáng vào mục tiêu tổng thể, xuyên suốt của Chính phủ về chuyển đổi số.
Phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần ba triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực".
Cụ thể, sẽ có 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam, thay đổi căn bản cách sống và làm việc của người Việt. Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; trợ lý ảo hành pháp hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức; trợ lý ảo tư pháp để giảm bớt công việc cho các thẩm phán; và trợ lý ảo pháp lý hỗ trợ tư pháp cho người dân.
Và Trợ lý ảo Pháp luật phục vụ hệ thống Tòa án Việt Nam do Viettel phát triển đã ra đời dựa trên chính những mong muốn đó.
Trải qua hơn 1 năm thử nghiệm, đây là trợ lý ảo duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy. Ứng dụng đã chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.
Nhờ được tích hợp từ các mô hình học sâu (Deep learning) cũng như các thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa (Semantic Search), công cụ này cho phép người dùng dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật.
Theo Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace Center) – đơn vị phát triển sản phẩm, trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ và hơn 1 triệu bản án. Trong đó, hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án Nhân dân Tối cao cung cấp.
Tính đến nay, sản phẩm có hơn 3 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000 - 6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Thông qua kết quả khảo sát với 1.031 lượt đánh giá, 99% người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm. Tỷ lệ người sử dụng chưa hài lòng chỉ chiếm 5,22%.
Nhờ được thiết kế riêng dựa trên dữ liệu của người Việt, sản phẩm có thể xử lý tốt ngôn ngữ tiếng Việt ngay cả khi ngôn ngữ sử dụng thay đổi theo cách phát âm riêng của từng vùng, miền.
Bên cạnh tài nguyên số, đội ngũ kỹ sư Viettel cũng phối hợp chặt chẽ với tòa án các cấp, xin tham vấn từ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành tòa án trong suốt quá trình sản phẩm. Ngay cả nhóm phát triển cũng được đào tạo hàng tuần về các kiến thức pháp luật cũng như quy trình tố tụng.
Từ những thành tựu đã đạt được, ông Nguyễn Công Thắng, đại diện nhóm phát triển sản phẩm của Viettel, cho biết, tầm nhìn của Viettel là phổ cập Trợ lý ảo Pháp luật tới mọi người dân Việt Nam, hỗ trợ họ đoán định được tình huống pháp lý mà mình gặp phải.
Cùng chia sẻ quan điểm này, nguyên Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào, tin rằng: "Việc mở rộng đối tượng sử dụng phần mềm trợ lý ảo đối với nội dung giải đáp tình huống pháp lý, giới thiệu bản án, quyết định của Tòa án, đặc biệt là đoán định tư pháp sẽ giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng".
Trợ lý ảo Pháp luật không chỉ giúp giảm tải công việc cho hệ thống tòa án Việt Nam mà còn trở thành trợ lý ảo riêng đáng tin cậy với từng cá nhân, doanh nghiệp.
Đạt được mục tiêu đó, Trợ lý ảo Pháp luật không chỉ giúp giảm tải công việc cho hệ thống tòa án Việt Nam mà còn trở thành trợ lý ảo riêng đáng tin cậy với từng cá nhân, doanh nghiệp.
Cũng như Thủ tướng Phạm Minh chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số đã nhấn mạnh, dữ liệu số là nền tảng của sự phát triển. Chính vì thế, Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
“Một sản phẩm được gọi là một sản phẩm tốt, không chỉ đáp ứng về các tính năng, hiệu năng mà phải rất phù hợp với văn hóa sử dụng của người trong nước. Trên sân nhà, chúng ta đương nhiên phải có lợi thế hơn vì chúng ta hiểu điều đó hơn những giải pháp của nước ngoài”.
Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của IoT, mới đây, tại sự kiện Ngày chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh chia sẻ: “Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn… Kết nối vạn vật làm cho thế giới thông minh hơn”. “Một xã hội thông minh là một xã hội hiệu quả hơn, Việt Nam chúng ta khan hiếm rất nhiều tài nguyên thì IoT là cứu cánh để sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn”.
Những ngày tháng 10 vừa qua, Thành phố Đà Nẵng liên tục gặp mưa vào giờ cao điểm dẫn đến ngập cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Để xác định những điểm giao thông thuận tiện, anh Ngô Cường, cư dân quận Liên Chiểu có thêm thói quen mới, mở ứng dụng Dannang Smart City trước khi ra đường.
Từ những nhu cầu gần gũi nhất của người dân
Cập nhật lượng mưa, điểm ngập là tính năng mới nhất được thêm vào Danang Smart City, ứng dụng thành phố thông minh tích hợp đa dịch vụ của Đà Nẵng. Thậm chí, quan tâm đến cả những nhu cầu thầm kín, một nỗi lo rất chính đáng của khách du lịch và người dân là nơi vệ sinh cũng được thành phố tìm cách giải quyết bằng công nghệ.
Từ tháng 6, chính quyền Đà Nẵng đã cập nhật thêm tính năng tìm kiếm WC miễn phí trên ứng dụng. giúp người dùng tìm kiếm những cơ sở có nhà vệ sinh miễn phí gần địa điểm của mình nhất, góp phần giảm tình trạng vệ sinh không đúng nơi quy định và quảng bá hình ảnh thân thiện của thành phố thông qua mục “WC cộng đồng, miễn phí”.
Trước đó, ngay từ đầu năm, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất đã được Đà Nẵng triển khai, cung cấp những thông tin về quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn hay hoạt động tàu cá trên biển.
Vào tháng 8, Đà Nẵng đã có một bước tiến mới trong quá trình xây dựng đô thị thông minh khi khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh (IOC), do Viettel triển khai. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng các tiện ích trực tiếp, người dân Đà Nẵng còn thụ hưởng gián tiếp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp.
“Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số” - lời kêu gọi của Thủ tướng tại Ngày chuyển đổi số quốc gia cũng chính là cách tiếp cận đã giúp Đà Nẵng có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong nhiều năm gần đây.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, một trong những thành công bước đầu của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng, được nhân dân đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tạo động lực cho các cơ quan cung cấp dịch vụ phải xây dựng ứng dụng có trách nhiệm, có trọng tâm và tính thực tế cao nhất, Xã hội số đã thực sự thúc đẩy Chính quyền số và Kinh tế số phát triển bền vững hơn.
Đến nỗ lực không ngừng nâng cao trải nghiệm số của Đà Nẵng
Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng là địa phương có xếp hạng chuyển đổi số đứng đầu cả nước lần thứ 3 liên tiếp.
IOC Đà Nẵng là dự án IOC thứ 37 trên toàn quốc, và trước đó Viettel cũng đã có kinh nghiệm xây dựng hơn 30 IOC khác. Tuy vậy, IOC Đà Nẵng được coi là dự án trọng điểm và toàn diện nhất mà Viettel triển khai, với những yêu cầu chặt chẽ và khắt khe từ phía lãnh đạo Đà Nẵng.
Ảnh: Viettel là đơn vị đồng hành cùng Đà Nẵng trong việc triển khai Trung tâm Điều hành Thành phố thông minh.
Mô hình này tập hợp thông tin, dữ liệu từ các trung tâm điều hành (OC) quận/huyện, chuyên ngành, cơ quan và đơn vị để phân tích tình hình hoạt động của thành phố.
IOC như một đầu não số, cung cấp được cho các lãnh đạo thành phố những dữ liệu tổng quan, bức tranh về điểm nóng xã hội, qua đó giúp họ có cách tiếp cận vấn đề của người dân tốt hơn, chị Lê Thị Huệ, Phó Giám đốc Giải pháp Công nghệ thông tin - Viettel Đà Nẵng chia sẻ.
Cụ thể, Trung tâm IOC thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, tiêu biểu như: Xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân; cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin trên môi trường mạng; quan trắc môi trường nước, không khí; số liệu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành trình xe cứu thương, cứu hỏa; thu gom, xả, xử lý nước thải; lượng mưa, ngập nước đô thị; hoạt động tàu cá trên biển; thông tin y tế, khám chữa bệnh; phân tích dữ liệu hệ thống camera, Flycam phục vụ quản lý địa bàn và chuyên ngành (tìm người đi lạc, tập trung đông người, cứu nạn cứu hộ...).
Ông Lê Trung Chinh cho rằng Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành. Thông qua các dữ liệu được gửi về để sử dụng phân tích, IOC thành phố sẽ phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý, hỗ trợ làm trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…
Việc khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC cũng chính là cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, không ngừng cải thiện trải nghiệm số của người dân, doanh nghiệp
Từ một nơi gần như không có sóng viễn thông di động, du khách đến với hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) giờ đây đã có thể liên lạc, vào mạng Internet tương tự như ở trong đất liền.
Hòn Bảy Cạnh là 1 trong 14 đảo nhỏ thuộc vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây cũng là khu bảo tồn vích (rùa biển) lớn nhất cả nước và là một địa điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Trước kia, trên đảo chỉ có một trạm BTS duy nhất của Viettel được đặt tại ngọn hải đăng Bảy Cạnh, trên đỉnh núi cao 200m so với mực nước biển. Thế nhưng, do vị trí đặt trạm quá cao và xa khu vực bảo tồn nên nơi đây vẫn gần như trắng sóng.
Để khắc phục tình trạng trên, các kỹ sư Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) mới đây đã hoàn thành việc xây dựng trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) mới tại khu bảo tồn. Nhờ vậy, khu vực này đã thoát khỏi cảnh lõm sóng di động.
Trước kia việc bắt sóng di động trên hòn Bảy Cạnh gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ Kiểm lâm phải tạo các "buồng" nghe điện thoại tại những khu vực hiếm hoi có sóng di động. Ảnh: Báo Người đưa tin
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Viettel cho biết, theo kế hoạch ban đầu, đơn vị này sẽ sử dụng phương pháp truyền dẫn viba cho trạm BTS tại khu bảo tồn. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thể thực hiện do đặc thù của vườn quốc gia Côn Đảo.
Sau quãng thời gian dài chờ đợi cùng nhiều phương án khác nhau được đề xuất, Viettel đã quyết định kéo 5 km cáp quang từ trạm BTS tại ngọn hải đăng Hòn Bảy Cạnh xuống trạm mới đặt tại khu bảo tồn để đảm bảo sóng viễn thông tại khu vực này.
“Việc kéo cáp gặp muôn vàn khó khăn khi đội thi công phải băng qua rừng nguyên sinh, không thể dựng cột cũng như đào hầm mà chỉ có thể kéo cáp thả nổi trên mặt đất. Sau thời gian dài triển khai thi công trên địa hình hiểm trở, dốc đá chông chênh nguy hiểm, cuối cùng trạm phát sóng của Viettel cũng đã đi vào hoạt động tại khu bảo tồn”, đại diện Viettel cho biết.
Các kỹ sư kéo cáp quang băng rừng để kết nối với trạm BTS mới.
Trạm BTS mới trên hòn Bảy Cạnh được đặt ngay tại trung tâm khu bảo tồn Vích. Trạm có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng 500-600 người dùng cùng lúc. Khách du lịch khi tới đây đã thoát khỏi cảnh trắng sóng di động. Các lực lượng chức năng như Kiểm lâm và Biên phòng trên đảo nhờ vậy cũng được kết nối gần hơn với đất liền.
Theo Viettel, trong quá trình xóa vùng lõm sóng trên hòn Bảy Cạnh, khó khăn nhất là công tác vận chuyển bởi khung thép dùng để dựng trạm BTS nặng đến 60 tấn. Để giải quyết vấn đề này, đội thi công đã phải tháo rời từng thiết bị và phải mất rất nhiều lần vận chuyển bằng cano.
Có những lúc biển động, cano không thể neo gần đảo, các thành viên trong đội thi công đã phải mang theo vật tư, thiết bị, bơi gần 100 mét để vào bờ. Sau đó, đội ngũ thi công lại phải tiếp tục vận chuyển thiết bị qua rừng nguyên sinh và dốc núi hiểm trở mới tới được điểm tập kết.
Hòn Bảy Cạnh hút du khách bởi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm xem rùa đẻ “có một không hai”. Ảnh: Lê Hoàng Anh Thư
Thông thường, với mỗi trạm viễn thông trên đất liền, đơn vị thi công chỉ mất 45 ngày để hoàn tất quá trình xây dựng và lắp đặt. Thế nhưng do điều kiện thi công khó khăn, thời tiết và địa hình phức tạp, một bên là biển, một bên là rừng, các kỹ sư đã phải mất 6 tháng (3 tháng vận chuyển thiết bị, 3 tháng xây dựng) mới có thể xây dựng xong trạm BTS mới trên hòn Bảy Cạnh.
Theo đại diện Viettel, bất chấp những khó khăn, thách thức kể trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Viettel đang tích cực triển khai xóa các vùng lõm sóng di động theo tinh thần “điện đi tới đâu, viễn thông tới đó”. Tiếp nối thành công của dự án phủ sóng khu bảo tồn Vích hòn Bảy Cạnh, trong năm 2023, nhà mạng này sẽ xử lý, hoàn thành 136 trạm BTS mới nhằm xóa các điểm lõm sóng viễn thông di động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.