Lịch sử không thể thay đổi nhưng tương lai có thể tạo dựng. Hãy tiếp tục tiến lên phía trước!

Đại tá Tào Đức Thắng

Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Tập đoàn Viettel

Kính gửi Quý bạn đọc,

Sức mạnh của đội ngũ là từng thành viên. Sức mạnh của từng thành viên là đội ngũ. Bằng sức mạnh cộng hưởng, Viettel đã trở thành thương hiệu quốc gia, là doanh nghiệp Việt duy nhất vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD.

34 năm dựng xây, từ hàng chục, hàng trăm, giờ Viettel là ngôi nhà chung của hơn 50.000 người từ 10 quốc gia, 3 châu lục. Mỗi năm, những tập thể, cá nhân xuất sắc ở tất cả các khối, các lĩnh vực; ở phòng ban cũng như tuyến đầu; là nhân viên, chuyên gia hay nhà quản lý; cả trong nước và nước ngoài sẽ được vinh danh.

Họ là đại diện cho sự cống hiến, cộng hưởng sức mạnh, tạo nên những đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu của Tập đoàn, cho tấm lòng và tình yêu với Viettel, với đất nước. Họ là những điển hình xuất sắc mang tinh thần phụng sự, sáng tạo, cho ý chí, văn hoá người Viettel.

Trong số Tạp chí Viettel Family Tháng 4/2023, câu chuyện về các cá nhân, tập thể xuất sắc này sẽ được kể lại, mang cảm hứng mạnh mẽ, động lực cho hành trình sáng tạo không ngưng nghỉ, khai phá không gian mới của người Viettel. Cùng nhau, một Viettel với chất riêng của mình, với tinh thần, ý chí, văn hoá đã từng tạo dựng nên Viettel trong quá khứ sẽ tiếp tục làm nên Viettel bền vững trong tương lai.

Ban biên tập! 

Trước đây Việt Nam từng mất 20 năm để phủ mạng 2G toàn quốc, mất 10 năm để xây dựng 3G, cho đến mạng 5G thì Việt Nam đã trở thành một trong những nước tiên phong của thế giới thực hiện cuộc gọi 5G thành công. Các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, Big data hay công nghệ quân sự cũng đều được các kĩ sư Việt phát triển và ứng dụng gần như song hành cùng các công ty công nghệ hàng đầu thế giới với mong muốn Việt Nam trở nên hùng cường.

Khát vọng mỗi người dân có một “đám mây” của riêng mình

Các nghiên cứu thị trường trước đây cho thấy, tới hơn 80% thị phần điện toán đám mây Việt Nam đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa hơn 80% dữ liệu của Việt Nam đang nằm ở nước ngoài. Nếu người Việt Nam xây dựng được điện toán đám mây, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt từ chỗ lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài, bị lệ thuộc, đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin, chuyển sang lưu trữ tại Việt Nam. Khi dữ liệu nằm trong lãnh thổ Việt Nam chúng ta sẽ đảm bảo được các vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin dữ liệu.

Trước vấn đề đặt ra như vậy, Viettel đã quyết định phải xây dựng các Trung tâm dữ liệu đẳng cấp quốc tế với diện tích mặt sàn và số lượng tủ rack lớn nhất khu vực để trở thành hạ tầng cho chính phủ số và kinh tế số của Việt Nam. Nhưng rất ít người biết được rằng Viettel Cloud chỉ phải mất một năm để từ con số 0 trở thành số 1 bằng sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo, tự “tìm đường’ của đội ngũ kỹ sư tại Viettel Network.

Năm 2018, đội dự án Cloud chỉ có sáu người. Trong khi đó, từ khóa Cloud còn khá mới mẻ, ít người hiểu rõ nó là cái gì, vận hành như thế nào. Tài liệu về công nghệ cũng rất hạn chế, nhưng các kĩ sư Viettel đã làm với tinh thần “dò đá qua sông”, tự mình mày mò nghiên cứu kết hợp học hỏi từ các diễn đàn, cộng đồng công nghệ trên thế giới.

Khi đó, nhóm nghiên cứu cũng đứng trước một thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua: yêu cầu tích hợp cả một khối lượng vô cùng lớn tài nguyên cũ và tài nguyên mới mà không có một hệ thống lab hoàn chỉnh, quy trình vận hành khai thác liên quan đến Cloud cũng chưa được xây dựng. Nếu không làm được việc tích hợp này, sẽ không thể nào có được một hệ thống dữ liệu đồng bộ, một hạ tầng đồng bộ, Viettel Cloud khó mà thành hình.

Tuy nhiên, nhìn từ thị trường điện toán đám mây thế giới, các kĩ sư Viettel tin vào sự cần thiết của Cloud, tin vào những giá trị mà Cloud mang lại cho mạng lưới Viettel, cho cộng đồng, nên đã động viên nhau cố gắng vượt qua mọi thách thức để đi đến thành công.

Đến thời thời điểm hiện tại, Viettel Cloud trở thành nền tảng điện toán đám mây có quy mô lớn nhất Việt Nam, giúp người dùng quản lý hạ tầng vật lý, đồng thời tạo ra hạ tầng ảo một cách đơn giản và không tốn nhiều chi phí vận hành. Toàn bộ hơn 500 dịch vụ CNTT tại 11 quốc gia Viettel đầu tư đều hoạt động trên nền tảng Viettel Cloud. Năm 2023, Viettel đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng từ Viettel Cloud.

Hiện nay, Viettel Cloud tiếp tục được phát triển với đội ngũ kỹ sư chất lượng và số lượng đông nhất Việt Nam. Sản phẩm được các kỹ sư Viettel nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, song hành công nghệ cùng các Big Tech hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực Cloud như Google, Microsoft, Amazon.

Vì sự bình yên của đất nước và bảo vệ người dân

Không chỉ trong lĩnh vực dân sự, ở lĩnh vực quân sự, Viettel cũng có những sản phẩm đạt chuẩn thế giới. Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel chia sẻ: “Trong công nghệ quân sự, Việt Nam đã đi qua giai đoạn sao chép, giờ đã song hành cùng thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin từ thế giới, để từ đó sáng tạo giúp sản phẩm của mình đi nhanh nhất.”

Năm 2022, chiến sự căng thẳng trên thế giới đặt ra cho Việt Nam và nhiều nước khác bài toán phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng UAV và UAV cảm tử. Viettel mà cụ thể là Tổng công ty Công nghệ cao và Trung tâm thông tin và Tác chiến điện tử (TTTT&TCĐT) đã nhận được sự tin tưởng của Bộ Quốc phòng cho nhiệm vụ không hề dễ dàng này.

Trong khi thiết bị chống UAV là một lĩnh vực mới, có nhiều công nghệ mới, phức tạp, là tổ hợp công nghệ liên ngành, kết hợp từ radar, quang điện tử…, thời gian một năm để nghiên cứu, phát triển sản phẩm là thách thức lớn đối với nhóm” - Phùng Đức Phú- một trong những kỹ sư chính của dự án nghiên cứu chế tạo phòng thủ UAV của TTTT&TCDT, chia sẻ.

Không có tư liệu nghiên cứu, TTTT&TCĐT xác định cách làm là phân tích các đặc tính của UAV đối thủ của chính mình, phân tích yêu cầu tác chiến. Hướng đi đã có nhưng khi triển khai trung tâm lại gặp nhiều vấn đề bởi đặc thù của trinh sát UAV là một tổ hợp lớn, liên ngành kết hợp từ radar, quang điện tử do đó sẽ mất nhiều thời gian. Sau nhiều lần thử nghiệm cho các kịch bản tác chiến, những lần thất bại tưởng chừng như không tìm ra được giải pháp thì các thành viên của Trung tâm đã tìm ra được phương án tối ưu. Tổ hợp trinh sát UAV của TTTT&TCĐT đã hoàn thiện, sẵn sàng cho mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc.

Phải hi sinh về thời gian và cả sức lực bởi độ khó của dự án, nhưng khi được hỏi đâu là động lực, các kĩ sư của TTTT&TCDT luôn cho rằng:

“Được làm những dự án này, mình cảm thấy được đóng góp cho đất nước và bảo vệ người dân. Bên cạnh đó thì được làm những sản phẩm mới, nghiên cứu công nghệ mới cũng tạo cho mình cảm giác rất “kích thích”, rất hào hứng, nhiều khi là khao khát đạt được công nghệ ấy".

Với mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ toàn cầu, Viettel đặt mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học để các sản phẩm Make in Vietnam, Made by Viettel phát triển song hành cùng thế giới. Tập đoàn khuyến khích các đơn vị tự chủ, đề xuất các phương án phát triển để hiện thực hóa mục tiêu này. Cũng vì thế cả đội dự án Viettel Cloud và Trung tâm thông tin và Tác chiến điện tử được vinh danh tại lễ tôn vinh Điển hình xuất sắc Toàn cầu Viettel’s Stars 2022 của Tập đoàn.

Thấu hiểu tâm lý khách hàng vốn là chìa khóa thành công của mọi doanh nghiệp. Tiêu chí này không chỉ đúng với người làm sales, marketing mà với những người làm công nghệ, để tạo ra những sản phẩm muôn vạn người dùng, họ phải tư duy ngược, phải đặt bản thân vào vị trí của đối phương để gỡ những nút “code” công việc. Câu chuyện “nhập vai” để tư duy ngược này cũng chính là cách hóa giải rất nhiều nhiệm vụ hàng ngày của những kĩ sư làm việc tại Viettel.

Trở thành hacker để thắng hacker

Là trưởng nhóm xử lý an toàn thông tin của Công ty An ninh mạng Viettel, Nguyễn Hoàng Hải là một thủ lĩnh trong cuộc chiến chống lại các đợt tấn công mạng vào hệ thống của Viettel cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ bảo mật Viettel, trong đó có nhiều bộ ngành, ngân hàng và doanh nghiệp lớn.

“Chiến đấu” với những đối tượng, sự cố khó lường, liên tục thay đổi phương thức tấn công, Hải chia sẻ bí quyết để có thể xử lý được những sự cố an toàn thông tin (ATTT) là phải “luôn chủ động nhìn trước, dự báo xa, tự tích lũy, nghiên cứu những tri thức về kỹ thuật tấn công mới trên thế giới để áp dụng ngược vào quá trình phòng thủ”.

“Nút thắt vụ này quá chặt, tưởng không gỡ nổi”, Hải chia sẻ về một chiến dịch kéo dài 14 ngày xử lý sự cố an toàn thông tin cho một ngân hàng đối tác. Đây là một cuộc chiến mà phía đối thủ là những hacker dày dặn kinh nghiệm, thiện chiến, đã dành 6 tháng nghiên cứu hệ thống ngân hàng trước khi tấn công. Sau nhiều ngày, Hải và cộng sự vẫn chưa thể tìm ra đường tấn công của đối phương. Cho đến khi một ý tưởng chợt lóe sáng, Hải nghĩ đến việc thay đổi cách tiếp cận: tự đặt mình vào vị trí hacker để nghiên cứu phải làm thế nào tấn công được vào hệ thống. Với lối tư duy ngược này, Hải và đồng đội nhìn ra cách tổ chức trận đánh của đối phương và phá giải thành công.

Ở một cuộc chiến khác, khi đối thủ tấn công vào cơ quan hành chính nhà nước để nghe lén lãnh đạo, Hải và đồng đội kiên trì đánh chặn ròng rã 3 tháng. “Mình cứ chặn, đối thủ lại tìm đường khác”- anh nhớ lại.

“Chúng tôi lại đặt mình vào vị trí là hacker, tư duy ngược theo cách của kẻ tấn công, từ đó nhanh chóng tìm ra từng lỗ hổng đối thủ có thể xâm nhập. Sau 3 tháng, đối thủ rút lui vì khe cửa tấn công cứ hẹp dần và đóng lại”.

Cuối cùng, tư duy “đi ngược đường” của Hải một lần nữa thành công.

Năm 2022, với việc xử lý kịp thời, triệt để các sự cố, đảm bảo cho hệ thống của Viettel và khách hàng không bị thiệt hại, để lại hậu quả nghiêm trọng trước các cuộc tấn công mạng, Hải và cộng sự đã góp phần giúp Công ty An ninh mạng tăng trưởng tốt theo kế hoạch và khẳng định vị thế số một của thương hiệu Viettel trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Đặc biệt, năm 2022, Công ty An ninh mạng Viettel là đơn vị duy nhất tại Việt Nam nhận giải thưởng “Đơn vị cung cấp dịch vụ An toàn thông tin của năm 2022 tại thị trường Việt Nam” do Tổ chức nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới Frost & Sullivan vinh danh và ghi nhận.

Hóa thân thành “điều tra viên” trong dự án quản trị chiến lược

Nếu Nguyễn Hoàng Hải nhập vai hacker, thì anh Trịnh Đức Hoạt, một trong mười Viettel’s Star 2022, lại từng phải nhập cả vai “điều tra viên”, lẫn phiên dịch viên để trở thành cầu nối cho các đơn vị của Viettel hoàn thành dự án Hệ thống quản trị nguồn lực Viettel (V.I project).

Đây là dự án quản trị doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, mà Viettel là đơn vị đi đầu áp dụng. Nói như vậy bởi trong hệ thống này, có nhiều nghiệp vụ, nhiều chuẩn mực quốc tế lần đầu được áp dụng cho các giải pháp đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, nhân sự, tài chính, hàng tồn kho và cả vòng đời tài sản viễn thông. Các kĩ sư cũng phải chuẩn hóa khối lượng dữ liệu khổng lồ của toàn bộ 12 đơn vị phụ thuộc, 63 chi nhánh và 60.000 trạm viễn thông Viettel. Để khi hệ thống đưa vào hoạt động, Viettel có thể quản trị dựa trên dữ liệu xác thực và thời gian thực của tất cả quy trình nghiệp vụ trên cùng 1 hệ thống công nghệ tổng thể duy nhất, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, hoạch định nguồn lực một cách hợp lý.

Trước khi dự án thành hình, anh Hoạt và các đồng nghiệp đã mất nhiều tháng tìm tòi, bóc tách, nghiên cứu từng quy trình nghiệp vụ, trong đó anh phải trở thành cầu nối, trung gian giữa 3 bên: đội ngũ nghiệp vụ, đội ngũ triển khai, đối tác với gần 900 nhân sự thực hiện.

Trong thời gian này, anh hoạt động giống như một “điều tra viên” đi chỗ này, sang chỗ kia để tham khảo về quy trình nghiệp vụ, xin tài liệu hướng dẫn, hỏi đáp các vấn đề cần giải quyết với các đơn vị liên quan. Khi đó, nếu không giải thích, nhiều người nghĩ anh đến từ bộ phận kiểm soát nội bộ.

Với một sự thay đổi lớn có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của tập đoàn như vậy, các bộ phận liên quan sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao phải thay đổi khi các quy trình tại Viettel vẫn đang chạy tốt, Tập đoàn vẫn là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam?" Rào cản về mặt tư tưởng này của dự án cũng lớn không khác gì rào cản về chuyên môn.

Và thế là từ “điều tra viên”, anh chuyển sang đóng vai “phiên dịch viên”. Mỗi khi họp với mỗi ngành liên quan, anh Hoạt lại đứng ở góc độ của các bên còn lại để giải thích vấn đề. Cứ mỗi lần như vậy, khoảng cách giữa cách bên dần hẹp lại, “tuyến đường cao tốc” kết nối các ngành dọc, liên thông các quy trình dần dần được hoàn thiện. Anh Hoạt chia sẻ:

“Theo mình, yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục mọi người là phải hiểu mọi người muốn gì. Từ đó, mình sẽ là trung gian xóa bỏ giữa 3 bên: đội ngũ nghiệp vụ, đội ngũ triển khai, đối tác.”

Nhờ sự nhiệt tình, linh hoạt sáng tạo và tận tâm của những người như anh Hoạt mà dự án V.I của Viettel đã hoàn thành, đánh dấu “một cuộc cách mạng trong hoạt động quản lý, điều hành và ra quyết định của Viettel” như Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng từng chia sẻ.

Viettel có những đơn vị làm việc trực tiếp với khách hàng. Với họ, việc quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của người dùng đương nhiên sẽ là những kĩ năng, phẩm chất quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả những chiến sĩ “diệt” hacker trên mặt trận không tiếng súng như Nguyễn Hoàng Hải, hay người làm ở vị trí “back office” như anh Trịnh Đức Hoạt, thì câu chuyện đặt mình vào vị trí người khác, có thể là đối thủ, có thể là đồng nghiệp chính là cách để hóa giải những bài toán khó trong công việc.

Trong hơn 17 năm Viettel đầu tư ở nước ngoài, mỗi một thị trường, một giai đoạn, lại gặp những khó khăn khác nhau về chính sách, thể chế, thị trường, nhưng người Viettel đều cố gắng tìm được những hướng đi đúng, cách làm hiệu quả để đạt được những thành tựu mới.

Hiểu thị trường để có hướng đi đúng

Năm 2007, khi bắt đầu đầu tư sang Campuchia, Viettel chỉ có 9 người Việt Nam làm việc. Những cán bộ kỹ thuật của Viettel "ngày vất vả kéo cáp, tối về chỉ có trứng tráng ăn với cơm" rồi vật lộn học hành, tìm hiểu, làm tất cả mọi việc để xử lý các thủ tục giấy tờ, xin giấy phép, triển khai dự án…

Kể từ những ngày đầu đó cho đến nay, năm 2022, doanh thu Metfone đã đạt 53 triệu USD, giữ vững vị trí số 1 về di động tại Campuchia. Để đạt được con số này, ban lãnh đạo Metfone đã luôn phải tìm hiểu thị trường, để đưa ra những cách làm hiệu quả nhất.

Đầu năm 2022, ngành viễn thông tại Campuchia bước vào giai đoạn bão hòa, ban giám đốc Metfone đã mất rất nhiều thời gian loay hoay tìm hướng đi mới. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu, nhận thấy thị trường cố định băng rộng là một cửa đột phá cho mình, Metfone đặt ra mục tiêu thách thức là phát triển mới 100.000 thuê bao. Công ty xác định rõ, hạ tầng là yếu tố quan trọng và quyết định để phát triển dịch vụ. Vì vậy, Công ty đã tính toán quy hoạch, chuẩn bị vật tư có sẵn đủ cho cả năm. Cùng với đó, các chi nhánh được chủ động thuê đối tác thi công thay vì chờ đối tác của công ty. Kết quả đạt được vô cùng khả quan: 7 ngày có thể lên xong 1 trạm, nhanh gấp 10 lần trung bình trước đây

Chi nhánh Kandal là chi nhánh luôn dẫn đầu Metfone với hiệu suất trạm trên 69%. Trước đó, chi nhánh từng luôn phải đối mặt với việc thiếu vật tư, thiếu nhân sự thiết kế, thiếu đối tác thi công, phải cần từ 4-6 tháng để xây một trạm phát sóng. Sự chậm trễ này khiến chi nhánh thường xuyên để mất khách hàng vào tay đối thủ.

Kể từ khi bám sát định hướng “đi trước, đón đầu dự án” của Ban Giám đốc Metfone, chi nhánh Kandal đã phát triển rất nhiều hạ tầng Internet cáp quang độc quyền tại nhiều khu đô thị mới. Ngay từ khi quy hoạch lên dự án, Ban giám đốc Chi nhánh Kandal đã chủ động tiếp xúc, lập quy hoạch phát triển hạ tầng cáp cùng chủ đầu tư để cung cấp toàn bộ hạ tầng cố định băng rộng tại khu đô thị này. Với cách làm này, ngay khi khách hàng chuyển về nhà mới là sẽ được cung cấp dịch vụ của Metfone.

Đặc biệt hơn, ngay cả với những tập khách hàng hay rời mạng nhất là ở các khu trọ thì cả năm 2022, chi nhánh này cũng gần như không có thuê bao nào rời mạng.

Việc tập trung phát triển thuê bao vào các chủ nhà trọ thay vì khách thuê cũng là một chính sách phù hợp với thực tế của địa phương này, mặc dù các thuê bao phát triển có thể ít hơn, nhưng bù lại tỷ lệ rời mạng gần như không có. Với các chủ nhà trọ, nhà nghỉ này, chi nhánh tập trung bán các gói cước có tốc độ cao, giá trị lớn.

Cách vượt lên những khó khăn và linh hoạt chiếm lĩnh thị trường của chi nhánh Kandal là một trong những ví dụ điển hình, giúp Metfone duy trì là nhà mạng số 1 tại Campuchia

Vượt qua khó khăn nhờ sự đoàn kết giữa Viettel và người bản địa

Dù khó nhưng khi làm việc ở Campuchia, người Việt vẫn cảm thấy có những sự quen thuộc nhất định, bởi hai nước cũng có lịch sử gắn bó nhiều năm. Còn khi Viettel sang Châu Phi xa xôi thì mọi thứ trở nên lạ lẫm hơn. Trong đó, có thể nói Tanzania là một trong những thị trường khắc nghiệt nhất của Viettel ở Châu Phi.

Chủ yếu vì cơ chế, chính sách của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành ở Tanzania đối với các nhà đầu tư như Halotel rất khắt khe,. Chính sách thuế phí cũng rất cao so với các nước khác trong khu vực.

Lúc đó, anh Nagib Ferej, Phó phòng Tài chính tại Halotel là người được giao nhiệm vụ chính làm việc với cơ quan thuế Tanzania.

Cơ quan Thuế của Tanzania (TID) thông báo các khoản thuế cần trả của Halotel lên tới 13,5 triệu USD trong giai đoạn 2014-2022. Nagib đã tham gia hoàn thiện hồ sơ, kiên trì bám nắm, giải trình với TID. Anh đã cung cấp các bằng chứng thuyết phục giúp cho Halotel được giảm mức từ 13,5 triệu USD xuống còn 304.763 USD và một khoản khác từ 32,9 triệu USD xuống còn 100 nghìn USD.

Để đạt được thành tựu này, anh Nagib đã phải dành nhiều ngày đêm chủ động nghiên cứu kỹ hệ thống các văn bản luật của Chính phủ Tanzania cũng như hoàn thiện hồ sơ phục vụ cho việc giải trình với các cơ quan hữu quan. Thông qua việc này, các cơ quan Chính phủ hiểu rõ hơn bản chất các vấn đề đồng thời ủng hộ Halotel về các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng nhờ đó Halotel tập trung dành nguồn lực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông mới.

Từ nửa cuối năm 2020, theo quy định của Chính phủ Tanzania, Halotel phải giảm số lượng người Việt làm việc tại đây. Vì thế, Halotel đã ngay lập tức tối ưu hóa quy trình cho đến cách thức quản lý, chuyển giao, đào tạo cho người Tanzania. Halotel luôn chú trọng xây dựng tình đoàn kết, tử tế với nhau, tạo cơ hội phát triển cho tất cả mọi người trong công ty. Vì vậy, người bản địa cũng coi Halotel giống như công ty của nước họ và sẵn lòng dốc sức để làm việc.

Và anh Nagib Ferej chính là một người bản địa làm việc xuất sắc khi được lãnh đạo Halotel tin tưởng, giao nhiệm vụ quan trọng. Khi nhận được tin vinh danh Viettel’s Stars 2022, anh vô cùng vui mừng và cảm động vì đây là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực và đóng góp của anh-một nhân viên Viettel ở nước ngoài.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, CEO của Halotel cho rằng: “Chúng tôi xác định sẽ mang điều tử tế từ Việt Nam sang nước bạn để cùng xây dựng và phát triển. Tử tế để tạo niềm tin và sự yêu quý với chính quyền địa phương và người dân. Tử tế chính là làm với trách nhiệm cao nhất để có kết quả tốt nhất.” Bởi vậy, hiện nay, Chính phủ Tanzania rất tin tưởng khi giao các dự án công cho Halotel, gần nhất là dự án viễn thông công ích, bởi Halotel là một doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm trong các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Đón nhận thách thức để trưởng thành

Khi đạt được chứng chỉ chuyên môn quốc tế về phân tích mã độc (GREM - GIAC Reverse Engineering Malware), Nguyễn Hoàng Hải, chuyên viên của Trung tâm Giám sát và phản ứng trên không gian mạng thuộc công ty An ninh mạng, tập đoàn Viettel, mới chỉ bước sáng tuổi 27. Đây là chứng chỉ quốc tế được đánh giá uy tín nhất trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) . Còn Hải là một trong số rất ít nhân sự của Việt Nam đạt được chứng chỉ này.

Nhưng ngay cả trước khi giành được chứng chỉ chuyên môn danh giá này, chàng trai 9x đã được biết đến là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xử lý sự cố ATTT. Nhóm xử lý ATTT do Hải làm trưởng nhóm phụ trách cung cấp dịch vụ cho 44 khách hàng, trong đó có nhiều bộ ngành, ngân hàng và doanh nghiệp lớn.

Với việc xử lý kịp thời, triệt để các sự cố, đảm bảo cho hệ thống của Viettel và khách hàng không bị thiệt hại, để lại hậu quả nghiêm trọng trước các cuộc tấn công mạng, Hải và cộng sự đã góp phần giúp Công ty An ninh mạng tăng trưởng 54% doanh thu ngoài, đồng thời khẳng định vị thế số một của thương hiệu Viettel trong lĩnh vực ATTT.

Luôn phải “chiến đấu” với những đối tượng, sự cố khó lường trước, liên tục thay đổi phương thức tấn công, Hải chia sẻ bí quyết để có thể xử lý được những sự cố ATTT là phải “luôn chủ động nhìn trước, dự báo xa, tự tích lũy, nghiên cứu những tri thức về kỹ thuật tấn công mới trên thế giới để áp dụng ngược vào quá trình phòng thủ”. Làm việc trong một lĩnh vực đầy thách thức, đối với chàng trai 9x Nguyễn Hoàng Hải thì những thử thách, khó khăn mới chính là những cơ hội để bản thân không ngừng nỗ lực sáng tạo vươn lên và trưởng thành.

Tương tự, cũng với suy nghĩ “Tuổi trẻ không ngừng sáng tạo – vượt qua thách thức”, Lưu Đức Phong, Trưởng phòng Nền tảng số, Tung tâm Chuyển đổi số của công ty Viettel Net, đã cùng cộng sự tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới phát triển nền tảng số hóa doanh nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.... Hàng trăm sản phẩm do người Viettel nghiên cứu và làm chủ “Made by Viettel”, đồng thời tiên phong, đi đầu về mặt công nghệ tại Việt Nam, có chức năng tương đương với các sản phẩm hàng đầu triển thế giới đã được đưa vào ứng dụng.

“Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới sẽ có thời điểm phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: công nghệ, tầm nhìn, áp lực thời gian,… thậm chí là thất bại. Nhưng tôi và đội ngũ luôn xác định những trở ngại, thách thức là mục tiêu, là động lực cần phải vượt qua trên con đường tạo ra các sản phẩm xuất sắc.” – Phong chia sẻ.

“Bứt phá để chúng ta luôn vươn lên những đỉnh cao mới, xóa bỏ những rào cản, giới hạn của chính mình, để tìm kiếm và mở ra những không gian tăng trưởng mới. Từng cá nhân bứt phá sẽ giúp cả Tập đoàn bứt phá, làm rạng danh Viettel, rạng danh Tổ quốc và con người Việt Nam” - Ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.

Cả hai nhân vật tiêu biểu này đều là những “ngôi sao” của Viettel được Tập đoàn vinh danh là những cá nhân xuất sắc nhất Tập đoàn năm 2022.

Truyền cảm hứng và trao cơ hội

Viettel đang tập trung đẩy mạnh ba ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0. Viettel đã và đang chiếm lĩnh lĩnh vực công nghệ cao của cả nước nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Đây chính là một môi trường phù hợp với những người trẻ đam mê công nghệ có thể tự tin cống hiến hết mình, chinh phục những thách thức, những bài toán tầm cỡ quốc tế.

“Tự tin để người Viettel luôn dám nghĩ, dám làm, chủ động và sẵn sàng nhận những bài toán khó của đất nước. Tự tin để chúng ta luôn lấy thách thức làm đòn bẩy, làm sức bật cho sự phát triển của Viettel”- Ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.

Chia sẻ về suy nghĩ của những người trẻ, Trần Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ truyền dẫn thuộc Tổng công ty Công nghệ cao Viettel, một trong 10 nhân vật Viettel’s Stars vừa được tập đoàn vinh danh, cho biết: “Sẽ có những trở ngại, sẽ có người nghi ngờ, sẽ có lúc thất bại nhưng nếu không hành động thì sẽ không có kết quả”.

Theo Hưởng và nhiều bạn trẻ ở Viettel, họ may mắn được làm việc trong một môi trường luôn được truyền cảm hứng về tinh thần phụng sự, sáng tạo, tinh thần vượt khó trong công việc.

Viettel nhiều năm liên tiếp được bình chọn "Môi trường làm việc tốt nhất Châu Á" với chính sách đãi ngộ hấp dẫn, dẫn đầu về chế độ phúc lợi, văn hoá doanh nghiệp khác biệt, tạo nên một ngôi nhà thứ hai cho những người trẻ tài năng được ươm mầm và tỏa sáng.

Người đứng đầu Tập đoàn, ông Tào Đức Thắng đã gửi thông điệp tại lễ tôn vinh Điển hình xuất sắc toàn cầu Viettel’s Stars đến người trẻ: "Viettel có những bài toán đủ khó, bằng những "ngọn núi" đủ cao nhưng cũng có những người dẫn đường, người đồng đội đủ tài năng để thắp sáng khát vọng của các em và hiện thực hoá khát vọng bằng kết quả."

Từ trải nghiệm của chính mình và thế hệ đi trước đã góp phần xây dựng nên Viettel hôm nay, ông Tào Đức Thắng chia sẻ: “Cuộc đời có niềm tin, có lý tưởng, có hoài bão, có mục tiêu phấn đấu, có đóng góp, cống hiến thì mới là cuộc đời có ý nghĩa”.

Ông Thắng cũng khẳng định: “Tập đoàn cần tiếp tục xây dựng các cơ chế đột phá để tạo động lực, giải phóng nguồn lực, thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao; củng cố, phát triển bền vững giá trị văn hóa Viettel... Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới, chúng ta sẽ có thêm nhiều bất ngờ và cảm hứng mạnh mẽ hơn nữa”.
Để thực hiện trọng trách là hạt nhân của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel đã mạnh dạn “tiến công” vào lĩnh vực rất khó, là tự chủ nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia.

Từ năm 2010 đến nay, Viettel đã hình thành 10 ngành sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, trong đó đã cung cấp hơn 50 chủng loại sản phẩm cho quân đội. Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao đã trở thành trụ cột phát triển của Viettel với nguồn doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Gian nan tìm trái ngọt

Cùng với chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Bộ Quốc phòng coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần hiện đại hóa quân đội.

Trong các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần được đánh giá là điểm sáng về công tác chuyển đổi số. Trung tướng Trần Duy Giang, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, cho biết: "Ðến nay các đơn vị đầu mối trực thuộc tổng cục đã triển khai mạng máy tính nội bộ quân sự kết nối mạng truyền số liệu quân sự theo mô hình mạng an toàn. Các phần mềm chuyên ngành đã được đưa vào khai thác sử dụng".

Nhờ đó, quy trình xử lý công việc thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị hậu cần được chuẩn hóa, thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO. Ví dụ, nếu như trước đây các kho xăng dầu làm báo cáo theo tháng thì hiện nay đã được cập nhật hằng ngày, hằng tuần. 

Công tác cập nhật hồ sơ, dữ liệu điện tử giúp việc quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu toàn quân trở nên khoa học, chính xác. 

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tại vị trí Trung tâm thông tin và chỉ huy điều hành của tổng cục có thể kiểm tra được số lượng, chiến lược dự trữ tại các kho xăng dầu chiến lược, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Đơn vị phối hợp chuyển đổi số cùng Tổng cục Hậu cần chính là Trung tâm Quốc phòng an ninh của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS).

Tháng 10-2022, Trung tâm Quốc phòng an ninh bắt tay vào triển khai và xây dựng mô hình Chuyển đổi số thí điểm cho Tổng cục Hậu cần. 

Vì thời gian gấp rút diễn ra trong hai tháng, các kỹ sư đã phải tập trung ngày đêm để thi công, lắp đặt, tích hợp trung tâm điều hành, làm điểm mô hình toàn quân với năm cục chuyên ngành, hoàn thiện toàn bộ 324 mẫu biểu báo cáo, biểu đồ, đưa vào khai thác trước thời hạn một tháng.

Trong quá trình triển khai, nhóm kỹ sư cũng gặp không ít khó khăn bởi làm việc tại Bộ Quốc phòng liên quan đến các thông tin, dữ liệu an ninh quốc gia. 

Tuy nhiên, hệ thống muốn hoàn chỉnh và chính xác thì rất cần phải có sự liên thông về số liệu. Do đó việc từng bước cải thiện hệ thống, chứng minh được chất lượng sản phẩm công nghệ thông tin qua từng giai đoạn chính là cách tốt nhất để thuyết phục những lãnh đạo bộ.

Nhờ sự sáng tạo, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn mà Trung tâm Quốc phòng an ninh đã được tin tưởng giao tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số cho 100% cơ quan đơn vị chính trong Bộ Quốc phòng. Đồng thời được giao cho là thành viên tổ biên soạn xây dựng Đề án Chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một hành trình mới đang mở ra để Viettel đóng góp nhiều hơn nữa cho sự lớn mạnh của quân đội.

Từ tình yêu đất nước đến làm chủ công nghệ sản xuất khí tài

Cũng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quan trọng của đất nước, Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX) là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số vũ khí chiến lược cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay VTX đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ vũ khí chiến lược công nghệ cao.

Khi bắt đầu thành lập, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ của VTX là không thể, bởi họ gần như bắt đầu từ con số 0. Họ chỉ bắt đầu với quân số vài chục người, chưa từng làm vũ khí chiến lược công nghệ cao, không có tổng công trình sư, không được chuyển giao công nghệ và tài liệu, không có cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm… 

Các ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này ở Việt Nam cũng không phát triển, nhiều vật tư linh kiện phải nhập từ nước ngoài.

Tuy nhiên, trong "cái khó ló cái khôn", các kỹ sư của VTX đã có nhiều cách làm hay, chế tạo ra nhiều công cụ, phòng thí nghiệm rất sáng tạo, chủ động tìm kiếm các nguồn cung vật tư thay thế, tự nghiên cứu chế tạo một số module trong nước, đi trước hai năm trong bảo đảm vật tư linh kiện để đối phó với những tình huống khách quan từ COVID-19 và chiến tranh giữa các nước trên thế giới.

Khi được hỏi đâu là động lực để VTX có thể hoàn thành những việc lớn, trong một lĩnh vực khó như vậy, anh Vũ Tuấn Anh, viện trưởng VTX, cho rằng: "Tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc, sự tự hào được thực hiện sứ mệnh hòa bình là động lực tiếp thêm ý chí mãnh liệt, để VTX vượt qua mọi khó khăn đi đến thành công".

Tháng 11-2022, trong đợt diễn tập cấp chiến lược của Bộ Quốc phòng, khí tài do VTX chế tạo lần đầu tiên đưa vào thực chiến. Trước ngày thử nghiệm hoạt động của sản phẩm trên thực địa, kiểm tra kỹ thuật khí tài gặp sự cố. Tại khu vực trận địa, dưới trời mưa tầm tã, các kỹ sư VTX đã quên cả đói rét, phân tích, tìm nguyên nhân khắc phục sự cố. Sáng hôm sau, kết quả thử nghiệm thành công!

Thành công này không đến từ sự may mắn, đó là sự vượt qua giới hạn của thử thách, là việc làm chủ hoàn toàn khí tài, chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật và tác chiến, không bị phụ thuộc vào nước ngoài của kỹ sư VTX.

Không chỉ Trung tâm Quốc phòng an ninh hay VTX, ở Viettel có nhiều đơn vị cũng đang thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của quân đội, để nghiên cứu phát triển khí tài cho đất nước.

Nếu một quốc gia chỉ biết mua sản phẩm, thiết bị của nước khác hoặc chỉ lắp ráp, gia công, quốc gia ấy sẽ không bao giờ có được nền công nghệ cao hiện đại. Nhận thức đó là động lực để Viettel nỗ lực nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự "Make in Vietnam".

Ở thị trường trong nước hay quốc tế, thương hiệu Viettel luôn được gắn với sự sáng tạo, biến những thách thức thành cơ hội, cạnh tranh bằng những ý tưởng mang lại lợi ích và lòng tin cho khách hàng. Để trở thành một tên tuổi lớn tại Việt Nam và tại các thị trường mà mình đầu tư, Viettel đã có những chiến lược nhờ vào những cá nhân có tầm nhìn, nhiệt huyết, sự tận tụy cho tổ chức.

Cạnh tranh bằng cách thấu hiểu và giải quyết vấn đề của khách hàng

Năm 2022, Bưu cục Vinh, chi nhánh Viettel Post Nghệ An đạt doanh thu chuyển phát có mức tăng trưởng 62% so với năm trước. Theo báo cáo Bộ tài chính, tốc độ ngành bưu chính tại Việt Nam bình quân khoảng 30%/năm. Để có được kết quả đột phá này, Bưu cục đã có nhiều thay đổi về chính sách và hành động để thu hút khách hàng về với Viettel.

“Để thu hút khách hàng bằng chất lượng phục vụ, nắm bắt tâm lý khách hàng, Bưu cục Vinh đã thay đổi giờ làm việc, mở cửa sớm hơn so với các công ty khác, nhờ vậy nhân viên bưu cục có thêm thời gian phân loại, thời gian khách nhận hàng vì thế cũng nhanh hơn một ngày”- chị Dương Thị Anh-trưởng Bưu cục Vinh cho hay.

Chị Anh cũng chia sẻ: “Chúng tôi lập nhóm online để thuận tiện trong việc kịp thời chăm sóc, hỗ trợ, giải đáp, tạo sự thân thiết với khách hàng. Khi khách hàng tin tưởng vào chất lượng, thái độ phục vụ, họ đã trở thành khách hàng trung thành và giới thiệu, kết nối mang lại nguồn khách hàng mới”

Tương tự, Tổng công ty Công trình Viettel, chi nhánh Thanh Hóa, cũng đã giành được niềm tin của khách hàng ngay cả đối với một lĩnh vực rất mới đối với đơn vị này là xây dựng dân dụng.

“Làm thế nào để người dân chọn Viettel mà không phải những đơn vị khác đã có kinh nghiệm?”. Đó từng là câu hỏi mà anh Trịnh Xuân Bảo, Trưởng phòng Xây dựng và các cộng sự phải suy nghĩ tìm lời giải đáp khi bắt tay phát triển mảng mới trước sức cạnh tranh với hàng trăm đơn vị lớn, nhỏ, hàng nghìn tổ thợ công nhân địa phương trên thị trường.

Từ những trăn trở đó, anh Bảo và các đồng nghiệp cho rằng: “Các đơn vị bên ngoài thường năng lực đến đâu, làm đến đó. Với chúng tôi, trước khi làm, cần phải có một tiêu chuẩn riêng của Viettel. Đó là việc phải hoàn thành mỗi công trình với chất lượng tốt nhất, cùng mức chi phí phù hợp với khách hàng. Và hơn hết, phải luôn giữ được hình ảnh Viettel là doanh nghiệp tử tế. Đó là điều quan trọng trong xây dựng công trình.”

Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn riêng, anh Bảo cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc kiểm định kỹ lưỡng những đơn vị cung ứng. Anh kể có một trường hợp được xem như “thất bại” khiến mình phải nhớ mãi. Đó là khoảng cuối năm 2020, đơn vị có nhận thi công nhà cho một khách hàng và bị phản hồi cát trát bị bẩn. Sau đó, anh đã phải lập tức xin lỗi khách hàng và đổi lô cát mới.

Do đặc thù của người dân Thanh Hóa, việc xây nhà trọn gói (thiết kế, thi công) vẫn chưa phổ biến, đặc biệt là tại những vùng quê, người dân ở đây vẫn thích làm nhà theo kiểu truyền thống, tức là tự mua vật liệu, thuê đội thi công bên ngoài để dễ kiểm soát, tiết kiệm chi phí. Chính điều này đã khiến chi nhánh công trình Viettel Thanh hóa xác định để chiếm trọn được niềm tin của khách hàng thì công ty không được nề hà trước bất cứ khách hàng nào, đưa ra những ý tưởng giải pháp tốt nhất tư vấn cho khách hàng, dù giá trị hợp đồng có thể rất nhỏ, thậm chí là bản hợp đồng “không có lãi” vì số tiền thu về rất thấp so với công sức bỏ ra để hoàn thành công trình như thế. “Đổi lại, chúng tôi nhận được phần lãi to hơn. Đó là sự tin tưởng từ khách hàng dành cho Viettel. Có thể từ những bản hợp đồng trị giá nhỏ tại thời điểm này mà tương lai chúng tôi sẽ có những nguồn thu lớn hơn” – Anh Bảo chia sẻ.

Chớp thời cơ trên thị trường quốc tế

Không chỉ ở thị trường quen thuộc trong nước, khi đầu tư ra nước ngoài, chinh phục những thị trường hoàn toàn mới mẻ, xa lạ, người Viettel cũng mang theo tinh thần coi những áp lực, thách thức là cơ hội, cạnh tranh bằng những ý tưởng, cách làm riêng để lấy được niềm tin của khách hàng.

Mozambique là thị trường Châu Phi đầu tiên của Viettel. Sau gần 11 năm vượt qua nhiều khó khăn, Movitel trở thành ngôi sao Châu Phi - một trong những thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel với dòng tiền chuyển về nước năm 2022 đạt 71,5 triệu USD cao nhất từ trước trước đến nay của Movitel. Đến nay, không chỉ có vùng phủ rộng, giá cả cạnh tranh, chất lượng bảo đảm, Movitel còn là nhà mạng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Mozambique.

Nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh đầu tư với chiến lược hợp lý, sáng tạo, linh hoạt trong các giải pháp, tung các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao với các đối thủ trên thị trường để thu hút khách hàng đúng thời điểm... là những giải pháp đã đưa Movitel trở thành nhà mạng hàng đầu tại Mozambique.

Câu chuyện năm 2022, thời điểm Mozambique mở cửa trở lại đón nhiều lượt khách du lịch đến thăm quan là một ví dụ. Khi khách du lịch tăng cao, dẫn đến tiêu dùng viễn thông tăng mạnh, đặc biệt là data. Nắm bắt tín hiệu thị trường và đánh giá đây là cơ hội chín muồi để tiếp tục phát triển thuê bao 4G, Movitel đã nhanh chóng phát triển hạ tầng bằng việc đầu tư thêm 500 trạm thu phát sóng.

nh giá của Anphabe – Công ty tư vấn Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc tại Việt Nam, trong nhiều năm liền, Viettel luôn giữ vững vị trí là doanh nghiệp có thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất ngành công nghệ thông tin, hạ tầng, viễn thông. Sức hút của doanh nghiệp này đối với người lao động không chỉ từ tên tuổi một tập đoàn lớn mà còn vì một môi trường làm việc luôn tạo cho mỗi cá nhân cơ hội thử sức mình, sáng tạo, thực hiện những ý tưởng mới… Và hơn hết, mỗi nỗ lực đóng góp thầm lặng sẽ đều được ghi nhận tương xứng.

Khuyến khích sự chủ động, dám làm

Với vai trò “kiến trúc sư trưởng” của Dự án TV360, Phạm Ngọc Anh, Phó giám đốc trung tâm Dịch vụ truyền hình Viettel, đã cùng cộng sự nghiên cứu, phát triển và triển khai sản phẩm chỉ trong vòng ba tháng, tương đương với các nền tảng khác xây dựng trong một năm. Chỉ sau hai năm kinh doanh, năm 2022, hệ thống truyền hình TV360 trở thành dịch vụ truyền hình OTT nhiều người dùng nhất Việt Nam, đạt mốc 10 triệu người dùng với doanh thu hơn 2000 tỷ.

Là sản phẩm dịch vụ xem truyền hình Online được trình làng muộn hơn các ứng dụng khác như VTV Go, FPT Play hay Netflix nên TV360 đòi hỏi phải vừa có đầy đủ tính năng cơ bản nhưng cũng phải có sự độc đáo để giữ chân khách hàng. Nhân lực khó khăn, đòi hỏi công nghệ cao và thời gian ngắn, tất cả những khó khăn đó, áp lực đó, nhưng với sự khuyến khích của ban lãnh đạo, Ngọc Anh và các bạn trẻ trong trung tâm đã quyết tâm nghiên cứu tìm ra giải pháp mới để nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Chúng tôi đã tìm ra giải pháp mới mà trên thế giới đã làm thành công nhưng tại Việt Nam thì chưa từng làm. Đó là giải pháp tích hợp công nghệ IPTV trên Android box TV360. Giải pháp này là một trong những giải pháp để nâng cao trải nghiệm khách hàng về mặt chất lượng hình ảnh. Ban lãnh đạo cũng đồng ý để đội ngũ TV360 áp dụng một kiến trúc và những công nghệ mới cho phép mở rộng dịch vụ theo chiều ngang để đảm bảo vừa phục vụ lượng khách hàng lớn, vừa nâng cấp dịch vụ mà vẫn đảm bảo online 24/7.” – Anh Ngọc Anh chia sẻ khi nhớ về bước ngoặt của TV360. Tại thời điểm triển khai TV360, ban lãnh đạo của Viettel Telecom đánh giá truyền hình truyền thống có dấu hiệu chững, tăng trưởng chậm, phần tăng trưởng chủ yếu tập trung ở truyền hình OTT. Tuy nhiên, thị trường chưa có OTT Truyền hình nào dẫn dắt, tạo khoảng cách cách biệt trên thị trường. Do đó ban lãnh đạo của Viettel Telecom đã giao nhiệm vụ cho đội ngũ TV360 phải xây dựng 1 sản phẩm truyền hình mang tính dẫn dắt, 1 thương hiệu mạnh duy nhất với quyết tâm chiếm lĩnh vị trí số 1 thị trường và tiến tới cạnh tranh với các ông lớn quốc tế trong lĩnh vực này. Nhưng tất cả mọi việc phải được triển khai nhanh, rất nhanh. Chính vì vậy, sự thành công của hệ thống phụ thuộc nhiều vào cấu trúc hệ thống mới.

“Nếu không dám làm những điều mới mẻ đó, chúng tôi sẽ không thể có một ứng dụng truyền hình OTT đột phá, số 1 tại Việt Nam khi đi sau khá nhiều nhà cung cấp tên tuổi” – Ngọc Anh nhớ lại.

Ghi nhận mọi cống hiến thầm lặng

Ở Viettel, dù ở vị trí nào đều có cơ hội được Tập đoàn ghi nhận và có những phần thưởng tương xứng. Quan điểm này được thể rất rõ trong danh sách những “ngôi sao sáng” nhất được vinh danh tại Viettel’s Stars năm 2022. Không chỉ có những cá nhân đóng góp trực tiếp vào những sản phẩm nổi bật của Viettel, đó còn là những gương mặt đại diện đến từ những bộ phận kinh doanh tại các chi nhánh tỉnh, cũng được ghi nhận là những điển hình xuất tạo nên hệ sinh thái dịch vụ Viettel.

Năm 2021, anh Trần Văn Kiều về nhận nhiệm vụ tại Bưu cục Bình Lục thuộc chi nhánh Bưu chính Viettel tỉnh Hà Nam khi đây đang là một đơn vị khó khăn, kinh doanh xếp “chót bảng”. Sau một năm, nơi đây trở thành đơn vị dẫn đầu chi nhánh với các thành tích vượt trội: Doanh thu tăng gấp 3 lần, thu nhập của người lao động tăng gấp đôi…

Cùng với việc xây dựng nội bộ đoàn kết, kỷ luật, lan tỏa tinh thần làm việc tận tâm của các thành viên trong đơn vị, nỗ lực của anh Kiều đã làm thay đổi bộ mặt của một bưu cục. Các nhân viên tại bưu cục chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường mới ngay thay vì ngồi chờ khách hàng tìm đến mình.

Bên cạnh việc chú trọng gia tăng thu nhập cho nhân viên, anh Kiều đã định hướng đơn vị có chiến lược kinh doanh dài hạn: tập trung phát triển dịch vụ chuyển phát quốc tế để mở rộng không gian, tăng doanh thu vượt bậc. Đồng thời ứng dụng triệt để công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ, tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử để tăng số lượng đơn hàng.

Mặc dù là quản lý, có nhiều công việc cần điều hành mỗi ngày tuy nhiên khi có thời gian rảnh, anh Kiều đều cố gắng sắp xếp thời gian để hỗ trợ các nhóm việc khác nhau tại Bưu cục. Anh Kiều chia sẻ: “Có làm cùng, có trải nghiệm công việc của nhân viên mới thấu hiểu được khó khăn của anh em để tìm hướng khắc phục, giúp đỡ anh em hoàn thành tốt nhất công việc của mình”.

Ở một chiến tuyến khác, tại Thái Nguyên, Viettel cũng đã quyết định lựa chọn một nhân viên kỹ thuật nhà trạm để vinh danh tại Viettel’s Stars năm 2022 bởi những nỗ lực trong công việc, sự tỉ mỉ, coi trọng từng nhiệm vụ được giao. Đó là anh Hoàng Nguyên, nhân viên kỹ thuật nhà trạm, Chi nhánh công trình Viettel Thái Nguyên (Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel).

Anh Nguyên bắt đầu công việc kỹ thuật nhà trạm tại Viettel từ năm 2008. Công việc của anh là quản lý, bảo dưỡng thiết bị trong trạm thu phát sóng (BTS) và xử lý các sự cố gây gián đoạn thông tin. Một mình anh Nguyên quản lý 27 trạm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, cao hơn những nhân viên khác chỉ quản lý khoảng 16 – 17 trạm. Đây là một địa bàn thường xuyên xảy ra sấm sét, có thể gây ảnh hưởng tới mạng lưới. Đặc thù công việc này là sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khi nhận tin báo thì lập tức lên đường, khắc phục triệt để mới nghỉ.

Chia sẻ về công việc, anh Nguyên cho hay, mình chỉ có một nguyên tắc giản đơn là “Công việc phải đi đôi với trách nhiệm, không được thoả hiệp với sự lười biếng. Luôn cố gắng, luôn phấn đấu để ngày hôm sau làm việc tốt hơn hôm trước”.

Chia sẻ về những suy nghĩ, đóng góp của các Viettel’s Stars được tôn vinh, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn bày tỏ “Cuộc đời có niềm tin, có lý tưởng, có hoài bão, có mục tiêu phấn đấu, có đóng góp, cống hiến thì mới là cuộc đời có ý nghĩa”.

Người đứng đầu Viettel cũng khẳng định “Tập đoàn sẽ xây dựng các cơ chế đột phá để tạo động lực, giải phóng nguồn lực, thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, củng cố, phát triển bền vững giá trị văn hoá Viettel”.

Ở Viettel, giá trị cốt lõi “trưởng thành qua từng thách thức và thất bại” đã được thấm nhuần trong mọi hoạt động. Người Viettel được quyền sai, tuy nhiên phải là cái sai không cố ý, sai không vi phạm pháp luật và đạo đức. Lãnh đạo Viettel cho phép, tạo điều kiện, đào tạo nhân viên thỏa sức trải nghiệm bằng cách giao việc khó, đặt ra những mục tiêu cao để tìm ra những giải pháp đột phá. Trên con đường “khám phá” và “đột phá”, người Viettel sẽ “phá vỡ” những giới hạn của chính mình. Và dù từ bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì, đảm nhận bất cứ chức danh nào cũng đều có cơ hội được tôn vinh, được tỏa sáng nếu có thành tích xuất sắc, tạo giá trị nổi bật và có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ.

Phải cần tới mức nhiệt ít nhất là 1.200 độ C mới có thể hình thành nên kim cương. Vậy nên, để bước lên bục vinh quang, bạn cũng cần phải có những “bí kíp” cùng vượt khó để làm nên những điều khác biệt.

Mã gen ADN “miệt mài khắc giỏi”

Năm 2019, sau cú sút xa “thần sầu” ở những phút bù giờ cuối cùng với U22 Indonesia, giúp U22 Việt Nam chiến thắng chung cuộc 2-1 và giành vé vào vòng trong SEA Games 30, cái tên Nguyễn Hoàng Đức vụt sáng, trở thành một trong những tiền vệ hay nhất Việt Nam.

Năm 2022, Hoàng Đức tiếp tục cùng Đội tuyển Quốc gia giành huy chương vàng SEA Games 31, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Các nhà cầm quân từ Thái Lan, Hàn Quốc, thậm chí là Qatar đều mong muốn có được Hoàng Đức. Chàng cầu thủ trẻ điển trai này cũng từng giành danh hiệu Quả bóng vàng 2021 và Quả bóng đồng 2022. Chuyên trang chuyển nhượng Transfermark định giá Hoàng Đức là cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất Việt Nam hiện nay.

Trở thành một trong những cầu thủ hàng đầu Việt Nam nhưng ít ai biết Hoàng Đức từng ở trong danh sách có nguy cơ không được tiếp tục ở lại Viettel. Chính khoảnh khắc phát hiện ra ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có thể đổ sụp đổ bất cứ lúc nào, cậu bé Hoàng Đức như bừng tỉnh. Từ giây phút đó, không lúc nào thấy Hoàng Đức dừng khổ luyện.

Hoàng Đức chia sẻ, ban huấn luyện luôn nhắc nhở rằng điểm yếu của anh là sức mạnh. Từ đó, trong tâm niệm của Đức luôn xuất hiện cụm từ “sức mạnh”. Phải làm sao để bổ sung sức mạnh cho mình? Và anh tự tìm lời giải, chỉ có bền bỉ tập luyện. Vì thế, ngoài những bài tập theo đội trên sân, hàng ngày Đức vẫn luôn dành thời gian để tập gym theo những giáo án đặc biệt.

Viettel là một trong hai câu lạc bộ thành công nhất giải vô địch quốc gia với 6 chức vô địch, được thi đấu trong một tập thể đoàn kết, nhiều cơ hội cọ xát ở các giải đấu quốc gia và quốc tế, nên Hoàng Đức càng có điều kiện trau dồi kĩ thuật, thể lực để đạt được phong độ tốt nhất. Hoàng Đức chia sẻ: “Mọi người hay hỏi Đức về ước mơ và những dự định trong tương lai. Đức chỉ muốn một điều đơn giản là gắn bó và giành nhiều hơn nữa các danh hiệu với Viettel. Đức muốn cống hiến cho Viettel nhiều hơn nữa.”

Đam mê, sáng tạo từ thực tế nhiều thách thức

Nếu Hoàng Đức là "bảo bối" của bóng đá quốc gia, thì Lê Sỹ Đức, thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống điều khiển chiến đấu, Viện hàng không vũ trụ Viettel (VTX), cũng là nhân tài của đất nước với những thành công trong cứu phát triển hệ thống khí tài công nghệ cao cho Tổ quốc.

Trước đây, để hoàn thiện sản phẩm, các kĩ sư phải trải qua hàng nghìn cuộc thử nghiệm ở thực địa. Mỗi cuộc thử nghiệm diễn ra với vô vàn khắc nghiệt, như phải đi mò mẫm trong rừng tìm khí tài sau khi phóng, chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt như bão lũ.

Phải trải qua rất nhiều thách thức như vậy, hệ thống khí tài của VTX mới được thử nghiệm và khắc phục các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, Lê Sỹ Đức cùng anh em tại Trung tâm nhận ra một vấn đề, đó chính là thử nghiệm thực địa lãng phí nhiều thời gian, của cải và sức người. Việc không có một hệ thống tập trung lưu trữ dành cho các cuộc thử nghiệm dẫn đến bỏ lỡ nhiều kinh nghiệm quý giá khi phát triển những hệ thống khí tài sau này.

Nhiều Tập đoàn trên thế giới cả trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự đều hướng đến việc thử nghiệm mọi thứ trên môi trường môi trường Virutal Twin – Mô phỏng 1:1 các sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất. Công nghệ mô phỏng cho phép tối ưu hóa tính năng kỹ thuật, chiến thuật và đánh giá hiệu quả trong chiến đấu trước khi quyết định sản xuất mẫu đầu tiên để thử nghiệm trong thực tiễn

Từ thực tế đó, Lê Sỹ Đức đã nghiên cứu sáng tạo, để đem môi trường thực vào trong môi trường phòng lab. Khi áp dụng hệ thống mô phỏng, các lỗi và vấn đề sẽ phát sinh trong lab, qua đó các kỹ sư dễ dàng tái hiện và sửa chữa, nâng cấp đồng thời xây dựng những kịch bản ngoài đời hiếm khi xảy ra. Đồng thời tình huống đó có thể được tái tạo nhiều lần để thử nghiệm các dòng sản phẩm, tiết kiệm được rất nhiều chi phí nghiên cứu quốc phòng.

Theo Lê Sỹ Đức, để thành công cần phải có đam mê. "Đam mê giúp mình có tình yêu trong công việc. Đam mê giúp tôi luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết để từng ngày, từng giờ ở Viettel tôi luôn mong muốn khát khao được thực hiện đam mê chứ không chỉ đơn thuần là “làm việc”.

Tại lễ tôn vinh các điển hình xuất sắc Viettel’s Stars 2022, ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh “Từng cá nhân bứt phá sẽ giúp cả Tập đoàn Viettel bứt phá. Bứt phát để chúng ta luôn vươn lên những đỉnh cao mới, xoá bỏ những rào cản, giới hạn của chính mình, để tìm kiếm, mở ra những không gian tăng trưởng mới

Các bạn hãy thử bứt phá những giới hạn bản thân. Biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ tỏa sáng!

Đại dịch Covid – 19 đã trở thành quá khứ, nhưng hậu quả để lại cho nền kinh tế toàn cầu có lẽ không một tổ chức nào có thể tự tin khẳng định khi nào sẽ kết thúc. Nhưng trong khó khăn và thách thức sẽ tạo ra được những ý tưởng táo bạo.

Mở rộng không gian mới để bứt phá

Viettel Commerce cũng bị tác động bất lợi từ khủng hoảng chung kinh tế thế giới và những khó khăn của ngành, của thị trường. Từ đầu năm 2022, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ Covid-19, đặc biệt, khi nhà máy Foxconn Trung Quốc bị phong tỏa, sản lượng Apple sản xuất giảm tới 30% khiến đơn vị này thiếu hàng bán ra. Đây là mặt hàng chủ lực mà Trung tâm phân phối Viettel Commerce đang kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, sau nhiều trăn trở, để đối phó với việc thiếu hụt mặt hàng Iphone, Trung tâm quyết định mở mới mảng non-phone như ipad, macbook… Còn để giải bài toán thiếu hụt điện thoại 2G, 3G, lãnh đạo trung tâm đã thực hiện một bước đi mạo hiểm khi chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là kinh doanh xe đạp, đồ gia dụng và tivi.

Để xác định được việc mở mới các mặt hàng trên, trước đó Trung tâm đã gặp thất bại không dưới 5 lần khi đàm phán với các nhãn hàng. Giám đốc Trung tâm Viettel Commerce Phạm Tiến Tuyền chia sẻ: “Chúng tôi đã phải làm lại từ đầu với những con số 0. Không kinh nghiệm, không nhân sự và không thị trường”.

Chưa hết khó, việc ngân hàng tăng lãi suất khiến chi phí vốn tăng, huy động vốn khó khăn, đã tác động mạnh đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một đơn vị làm thương mại như Viettel Commerce.

Tuy nhiên, anh Tuyền cho rằng: “Lúc càng khó khăn, càng phải đoàn kết. Không chỉ đoàn kết trong nội bộ mà còn đoàn kết với cả chính khách hàng của mình. Trung tâm xác định, kênh bán là sức mạnh của Nhà phân phối”. Vì vậy, nhân viên của Trung tâm đã đi mọi miền tổ quốc để mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ công cụ và đào tạo chủ kênh cách bán hàng, giúp họ mở rộng thị trường, xây dựng các chính sách bán hàng linh động theo từng đại lý.

1678860147_b77eb2fc36f804d57c7dc3b4bb5df935.jpeg

Viettel Commerce là 1 trong 10 đơn vị được vinh danh tại Viettel’s Stars 2022

Bằng sự nỗ lực đó của mỗi nhân viên, mà năm 2022, Viettel Commerce đã đạt doanh thu “không tưởng” hơn 8.300 tỷ, hoàn thành 128% kế hoạch. Lần đầu tiên, hơn 4000 điểm bán, đại lý của Viettel Commerce không chỉ có mặt ở thành thị mà len lỏi đến từng bản làng sát tận biên giới.

Khảo sát lại nhu cầu khách hàng, tối ưu nguồn lực

Khủng hoảng Covid-19 cũng đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường của các doanh nghiệp viễn thông, đặt ra bài toán buộc các doanh nghiệp này phải mở rộng dịch vụ sang các mảng khác như dịch vụ số, bán thiết bị, sản phẩm. Đối với thị trường Việt Nam, thì tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng bị đại dịch COVID-19 hoành hành, bị tác động tiêu cực nhất.

Điều này đòi hỏi Viettel Hồ Chí Minh cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng sang không gian sản phẩm dịch vụ số, phát triển hạ tầng số để thích ứng với tình hình mới.

Tháng 4/2022, sau nhiều thời gian thuyết phục bằng cách đưa ra các giải pháp hợp lý, Viettel Hồ Chí Minh đã ký hợp tác với UBND TP. Hồ Chí Minh và các quận, huyện hỗ trợ chuyển đổi số. Song song đó, Viettel Hồ Chí Minh cũng tiếp cận với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng đồng hành, cung cấp các hạ tầng số, các giải pháp công nghệ thông tin giúp chủ doanh nghiệp quản lý khoa học, tiết kiệm hơn. Các hoạt động này đã giúp Viettel Hồ Chí Minh tối ưu hóa được chi phí trong việc cân đối giữa đầu tư phát triển hạ tầng với mục tiêu tăng trưởng doanh thu lợi nhuận hàng năm.

1678861728_e562f36c743df53dd2bdb80662a508a4.png

Viettel Hồ Chí Minh đã tìm ra nhiều giải pháp tăng doanh thu

Trong lĩnh vực viễn thông truyền thống, Viettel Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với thực tế thị trường bão hòa, có rất nhiều dịch vụ thay thế. Lãnh đạo chi nhánh đã phải dành nhiều thời gian khảo sát trên các kênh, nghiên cứu kĩ hành vi khách hàng để tạo ra được gói cước chủ lực V120Z (Giá cước 90.000 VND miễn phí 20’/cuộc nội mạng, 50’ gọi ngoại mạng và 4GB data/ngày) phù hợp với nhu cầu người dùng. Từ đó, nhân viên kinh doanh cũng tự tin đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo, làm hình ảnh thật nổi bật trên toàn bộ điểm bán nhằm lan tỏa gói sản phẩm. Đây chính là gói cước cởi nút thắt cho chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, giúp chặn đà suy giảm doanh thu.

Sau hai tháng triển khai, doanh thu được cải thiện, doanh thu trung bình tiêu dùng của khách hàng trả sau mới có xu hướng tăng lên 17%. Chưa kể tổng doanh thu từ thuê bao trả trước phát triển mới năm 2022 so với 2021 tăng 80,6%, là một con số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.

Anh Ngô Mạnh Hùng, Giám đốc Chi nhánh Viettel cho rằng: “Với các kết quả như trên, Viettel Hồ Chí Minh thấy rằng chúng tôi đã đi đúng hướng và năm 2023 Viettel TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục quyết tâm với cách làm quyết liệt như trên để hướng đến mục tiêu khát vọng số 1 thị phần di động tại TP. Hồ Chí Minh.”

Bài học và sự quyết tâm ấy cũng đã được Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng từng đúc rút: “Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn, Viettel lại tiếp tục hành trình đi chinh phục các đỉnh núi mới. Thách thức sẽ thôi thúc gần 50.000 người Viettel, lao động hăng say, vươn lên mỗi ngày”. Có những thách thức không phải tự mình tạo ra, nhưng “Tinh thần cùng nhau chinh phục” đã trở thành kim chỉ nam cho Trung tâm phân phối của Viettel Commerce và chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh vượt qua những khó khăn, để trở thành một trong 10 tổ chức được vinh danh tại Viettel’s Stars 2022.