Kính gửi quý bạn đọc!

Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng các đặc điểm sinh học của chúng ta—từ khuôn mặt, mống mắt, giọng nói, đến mẫu da — giờ đây đã trở thành phương thức bảo vệ bản thân hiệu quả trong thời đại số. Sử dụng những đặc điểm cá nhân này, tận dụng sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo, giải pháp eKYC (Electronic Know Your Customer) đã đơn giản hóa cách thức chúng ta xác minh danh tính, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự tiện lợi và hiệu quả.

Tạm biệt cảnh chờ đợi xếp hàng, lặn lội di chuyển đến các địa điểm vật lý, nhập liệu lưu trữ giấy tờ thủ công… Với eKYC, mọi thủ tục từ mở tài khoản ngân hàng đến đăng ký dịch vụ viễn thông có thể hoàn thành chỉ trong vài phút, ở mọi lúc mọi nơi. Các thủ tục từng khiến người dùng ngần ngại vì tốn thời gian, công sức giờ trở nên dễ hiểu, dễ thực hiện.

Với sứ mệnh phổ cập các dịch vụ số tới người dân, Viettel đã phát triển một giải pháp eKYC đơn giản hóa, để ai cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng, từ người già cho tới những người chưa thạo công nghệ. Bên cạnh đó, giải pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn và chính xác. Đây là cách Viettel hướng tới khi xây dựng và ứng dụng công nghệ để phục vụ con người, góp phần giúp cuộc sống hàng ngày của chúng ta tốt đẹp và hiệu quả hơn.

Trong số này của tạp chí điện tử Viettel Family, Ban biên tập xin gửi tới bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về giải pháp định danh điện tử eKYC cũng như giải thích tại sao sự đơn giản và bảo mật lại là chìa khóa cho một xã hội số an toàn và tiên tiến.

Trân trọng,

Ban biên tập

Kể từ sau quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, “định danh điện tử eKYC” đã không còn xa lạ với phần lớn người dùng Việt. Hiểu một cách đơn giản, giải pháp này cho phép ngân hàng xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân...

eKYC (electronic Know Your Customer) là số hoá quá trình xác minh danh tính, kiểm tra các thông tin cá nhân của khách hàng; từ đó quản lý, hỗ trợ người dùng tốt hơn và ngăn ngừa các rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Toàn bộ quy trình được diễn ra 100% trên môi trường số và tự động hóa. Nhờ đó, người dùng hoàn toàn nắm quyền chủ động, không còn bị giới hạn về thời gian, địa điểm làm việc của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Giải pháp định danh “không chạm" – từ bức thiết nội tại

Thuật ngữ eKYC đã xuất hiện từ những năm 2015, nhưng đến năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tạo nên một cú hích đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong toàn xã hội.

Thời điểm đó, Tập đoàn Viettel, cụ thể là Tổng công ty Viễn thông Viettel - VTT (Viettel Telecom) đang phục vụ hơn 70 triệu khách hàng viễn thông. Mỗi tháng, VTT cần định danh khoảng 3,3 triệu hồ sơ, tương ứng 10 triệu lần quét, đòi hỏi rất cao về tốc độ xử lý cũng như tính chính xác.

Ban đầu sử dụng giải pháp sẵn có trên thị trường, eKYC đã chứng minh được tính ưu việt nhờ tốc độ xử lý khoảng 1,2 giây/lần quét, đảm bảo tính chính xác tới 98%. eKYC đã giúp Viettel Telecom tiết kiệm khoảng 40 tỷ đồng/năm, cùng với ích lợi loại bỏ các sai sót do con người khi nhập máy.

Cũng trong năm 2020, 95% trải nghiệm của khách hàng sử dụng dịch vụ của ứng dụng tài chính số Viettel Money (khi đó là Viettel Pay) diễn ra trên môi trường số. Viettel Money triển khai thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt (faceID), ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI trong nhận diện xử lý hình ảnh vào nghiệp vụ định danh khách hàng eKYC được áp dụng.

Ở mô hình Insurtech (Công nghệ bảo hiểm) của Cộng đồng Sức khỏe ViettelPay, người tham gia sẽ có cho mình trải nghiệm bảo hiểm toàn bộ thông qua smartphone: Đăng kí tham gia trên ứng dụng miễn phí và nhanh chóng với công nghệ eKYC, kiểm tra thông tin giấy chứng nhận bảo hiểm, số thành viên tham gia, đóng phí hoặc nhận chi trả bảo hiểm thông qua app…

Năm 2022, Giải pháp Chứng thực Hợp đồng điện tử Viettel (vContract) ra đời - nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, vận hành không giấy tờ, ký kết mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm lên đến 90% chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ và thời gian ký kết hợp đồng. vContract là giải pháp duy nhất ứng dụng công nghệ eKYC (kết hợp Video Call) để định danh 100% người dùng trên hệ thống (khi lần đầu tiên đăng nhập), có kết nối với dữ liệu định danh viễn thông lớn nhất Việt Nam, nhằm tăng độ chính xác của phương pháp định danh.

Không chỉ trong ngành viễn thông, tài chính, giải pháp định danh điện tử eKYC dần được nhiều tổ chức/doanh nghiệp tin dùng, ứng dụng và phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, dịch vụ công, du lịch, chính phủ điện tử… Công dân có thể truy cập vào hệ thống bảo hiểm sức khỏe, kê khai y tế hoặc sử dụng các dịch vụ công như đóng thuế, bầu cử.

Tuỳ chỉnh để dễ dàng phổ cập

Song song với đẩy mạnh ứng dụng eKYC vào sản phẩm của mình nâng cao trải nghiệm cho các khách hàng cá nhân khi sử dụng các dịch vụ Viettel, nhận thấy sự cần thiết của thị trường, đầu năm 2020, lãnh đạo Viettel giao nhiệm vụ cho Trung tâm dịch vụ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Viettel AI) nghiên cứu đóng gói eKYC thành một giải pháp độc lập, mở rộng đối tượng từ nội bộ ra bên ngoài.

Đến tháng 8/2020, sản phẩm eKYC thuộc nền tảng trí tuệ nhân tạo mở - Viettel AI Platform chính thức ra mắt thị trường. eKYC không chỉ có lợi thế về ngôn ngữ tại thị trường nội địa, sự khác biệt còn nằm ở khả năng tùy chỉnh cho mỗi khách hàng mới. Như vậy, giải pháp có thể tích hợp vào hệ thống vận hành cũ của doanh nghiệp mà không cần phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống.

Đây là điểm chung của các sản phẩm dịch vụ công nghệ “made by Viettel”.

Sau 4 năm phát triển, công nghệ lõi sử dụng trong Viettel eKYC càng ngày càng cải tiến theo thời gian, hội tụ được các ưu điểm vượt trội như: Công nghệ nhận diện ký tự với độ chính xác trên 99%, hỗ trợ đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân; Thời gian xử lý nhanh đạt 0.6 - 0.8 giây/ảnh khuôn mặt; Nhận diện ký tự quang học OCR đạt gần 1 giây/ảnh… Khả năng nhận diện khuôn mặt theo góc nghiêng của Viettel AI lọt vào top 4 bảng xếp hạng giải pháp, theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST). Các khả năng nhận diện khác như ảnh chụp không chính diện, độ phân giải thấp, ánh sáng kém, công nghệ của Viettel AI đạt top 10 thế giới.

Ngoài ra, nhờ kết hợp công nghệ kiểm tra thực thể sống và công nghệ đối sánh khuôn mặt, Viettel eKYC còn tự động kiểm tra, phát hiện các trường hợp gian lận bằng các hình thức từ 2D (đeo mặt nạ, chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, thẻ) cho đến ngăn chặn các trường hợp mạo danh tinh hơn dưới dạng 3D (video deepfake, mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng…). Hiện hầu hết các giải pháp eKYC hiện có trên thị trường mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện các trường hợp gian lận bằng hình thức 2D.

Công nghệ chống giả mạo sinh trắc học khuôn mặt Viettel eKYC đạt chứng chỉ ISO 30107-3:2023 cấp độ 2 (cấp độ cao nhất hiện tại) với tỷ lệ sai số 0% được cấp bởi Tayllorcox, tương đương với giải pháp từ các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới Microsoft, Amazone, NEC, SenseTime…

Mới nhất, Viettel eKYC được vinh danh tại giải Giải thưởng công nghệ thông tin lớn nhất thế giới – IT World Awards 2024 do Network Product Guide (Silicon Valley, Mỹ) tổ chức, với giải Vàng ở hạng mục Giải pháp CNTT cho dịch vụ tài chính.

Theo đại diện của Viettel AI, nói về tiềm năng của Viettel eKYC: “Sắp tới thôi, chúng ta có thể nhìn thấy các kiot phục vụ cho người dân ở các bệnh viện chẳng hạn, việc xác minh định danh điện tử có thể thực hiện ngay tại đó. Công việc của Viettel là đem những công nghệ tốt nhất đến tích hợp vào sản phẩm của chính Viettel hoặc các đối tác để phục vụ cho người dân, cho xã hội”.

My Lê

Khi nhắc đến sự chuyển đổi từ định danh truyền thống KYC (Know Your Customer) sang eKYC (electronic Know Your Customer), câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ đơn thuần là một cải tiến hay thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xác minh danh tính.

KYC có nguồn gốc từ những năm 1970 và 1980, khi các quốc gia bắt đầu nhận thức được sự cần thiết phải ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong với Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (Bank Secrecy Act) năm 1970, yêu cầu các tổ chức tài chính báo cáo các giao dịch đáng ngờ.

Các quy định KYC bắt đầu được mở rộng và chi tiết hơn trong những năm 1990 và 2000, đặc biệt sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia đã yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính phải thực hiện quy trình KYC nghiêm ngặt hơn, báo cáo các hoạt động giao dịch đáng ngờ, và có các biện pháp kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa việc lợi dụng hệ thống tài chính cho các mục đích khủng bố.

Cụ thể, quy trình KYC truyền thống yêu cầu khách hàng phải trực tiếp đến địa điểm vật lý, cung cấp thông tin, giấy tờ nhận dạng cá nhân. Nhân viên của tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ thực hiện xác minh danh tính khách hàng thông qua các tài liệu đã cung cấp.

ekyc 2.jpg

Hoạt động KYC không chỉ được thực hiện một lần khi đăng ký khách hàng mới. Các tổ chức tài chính phải thường xuyên cập nhật và duy trì hồ sơ KYC để đảm bảo thông tin luôn chính xác và phù hợp với quy định hiện hành. Khách hàng có thể được yêu cầu cập nhật thông tin định kỳ hoặc khi có thay đổi đáng kể trong hồ sơ cá nhân. Việc tuân thủ KYC không chỉ giúp bảo vệ tổ chức tài chính khỏi các rủi ro pháp lý và danh tiếng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu khỏi các hoạt động tội phạm.

KYC gặp phải các hạn chế lớn về hiệu quả và khả năng tiếp cận khách hàng, nhất là ở các khu vực xa xôi hoặc những nơi hạ tầng tài chính còn hạn chế. Đặc biệt, toàn bộ quy trình KYC truyền thống đều được nhân viên xử lý thủ công.

đến sự chuyển mình theo thời cuộc

Thập niên 2000, sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động đã tạo ra nhu cầu về một quy trình KYC nhanh chóng và tiện lợi hơn. Các tổ chức tài chính bắt đầu thử nghiệm các phương pháp số hóa để xác minh danh tính khách hàng, tận dụng các công nghệ như chụp ảnh tài liệu, sinh trắc học, và xác minh qua video.

Giai đoạn 2010, với sự bùng nổ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), eKYC trở nên phổ biến hơn khi các doanh nghiệp này tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xác minh khách hàng nhanh chóng và tuân thủ các quy định về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Nhiều quốc gia bắt đầu ban hành các quy định hỗ trợ cho việc triển khai eKYC. Ví dụ, Ấn Độ đã giới thiệu hệ thống Aadhaar vào năm 2009, một hệ thống nhận dạng sinh trắc học lớn nhất thế giới, và từ đó eKYC được sử dụng rộng rãi để mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các dịch vụ tài chính khác.

infographic - bai 2.jpg

Hiểu đơn giản, eKYC (Electronic KYC) là phiên bản điện tử của quy trình KYC truyền thống, sử dụng công nghệ để xác minh danh tính khách hàng trực tuyến. eKYC giúp quy trình này trở nên nhanh chóng, tiện lợi, và chính xác hơn, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của ngân hàng số và các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ như trí tuệ nhân tạo và nhận dạng sinh trắc học, thay vì phải đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng, khách hàng chỉ cần sử dụng các thiết bị kết nối internet như smartphone hoặc máy tính để hoàn tất quy trình xác thực. Ứng dụng của eKYC trải dài trên đa lĩnh vực, từ tài chính, viễn thông đến bảo hiểm, dịch vụ công, du lịch…

Không chỉ là một cải tiến nhỏ, eKYC là một cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ quy trình, ở cả góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ và ở cả góc độ người dùng cuối. Thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận quy trình xác định danh tính, eKYC giúp đơn giản hóa việc thực hiện một cách đáng kể, mang lại những lợi ích to lớn về mặt bảo mật và độ chính xác. Việc loại bỏ quy trình xử lý thủ công giúp tiết kiệm chi phí vận hành cho các tổ chức tài chính, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng phạm vi hoạt động,

Ngoài ra, eKYC còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, không chỉ mang lại lợi ích cho các tổ chức tài chính mà còn tạo ra giá trị to lớn cho khách hàng, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Ánh Hồng

Nắm bắt công nghệ không phải điều duy nhất cần làm, những người lãnh nhiệm vụ phát triển sản còn cần tường tận hành vi, hiểu tâm lý của người dân để hướng tới đích đến là ai cũng có thể sử dụng dễ dàng và thành thạo.

“Khi đưa sản phẩm vào thực tế mới thấy sự đa dạng của người dùng. Về các chợ quê thử tính năng với anh em làm Viettel Money, các bà, các cô dùng sản phẩm theo cách mình đúng là chưa bao giờ nghĩ tới. Ở nhà mình đã tưởng làm kỹ lắm rồi, nhưng khi ra chợ mới thấy chưa đủ”, anh Hoàng Trung Hiếu, Trưởng nhóm Công nghệ Nền tảng AI của Viettel AI, nhớ lại.

Ví dụ, khi phần mềm hướng dẫn quay đầu sang trái, có người thay vì quay đầu lại đưa điện thoại sang hướng đó. Khi có hướng dẫn đưa mặt lại gần điện thoại, thì khách hàng lại làm ngược lại. Hoặc các đặc điểm đa dạng của khách như mắt nhỏ khó phân biệt nháy mắt, răng bị hô nên không nhận diện được mỉm cười… Vô vàn điều trái với dự đoán có thể xảy ra, vô số tình huống mà chỉ có vào thực tiễn rồi mới vỡ ra được.

“Nhưng chắc chắn, khi các bà, các cô ở chợ quê, vùng nông thôn sử dụng được, tức là sản phẩm đạt được độ dễ dùng cần thiết để lan tỏa”, anh Hiếu nhấn mạnh. Và để tiến đến mục tiêu là “ai cũng biết dùng và thấy dễ dùng”, những kỹ sư của Viettel đã phải giải quyết thách thức đến từ những cử chỉ nhỏ nhất như vậy.

Người dùng thao tác càng đơn giản, công nghệ càng khắt khe

Là một trong những nhân sự tham gia phát triển eKYC từ những ngày đầu tiên, anh Hiếu giải thích phát triển eKYC là cuộc chiến liên tục để giải quyết thách thức khá… độc lạ. Một mặt, sản phẩm phải đảm bảo tính tin cậy: nhận diện đúng, chống giả mạo tinh vi, tốc độ nhanh. Mặt khác, sản phẩm cũng phải đồng thời đơn giản cho người dùng phổ thông có thể dễ dàng dùng được.

Một số sản phẩm trên thị trường đẩy mạnh tính bảo mật đòi hỏi người dùng phải thao tác nhiều động tác – đôi khi kỳ quặc – trước smartphone như: cười, nháy mắt, đọc dãy số, câu nói… Một vài sản phẩm khác muốn tiện dụng cho khách hàng chỉ yêu cầu đơn giản hơn, nhưng lại dễ bị qua mặt bởi các thủ thuật như mặt nạ, ảnh chụp, giả mạo bằng video…

Còn giải pháp eKYC của Viettel hướng đến chỉ yêu cầu khách hàng đưa smartphone vào gần, ra xa, đơn giản hơn rất nhiều. Để người dùng cần ít thao tác hơn, đồng nghĩa với việc Viettel chọn con đường khó hơn để đi trong phân biệt thật – giả. Các thuật toán và mô hình AI cần được tối ưu liên tục. Nhóm phát triển liên tục cập nhật những phương pháp tấn công, giả mạo tinh vi trên thế giới. Trong nội bộ cũng chia nhóm để tấn công và phòng thủ theo các hình thức giả mạo mới.

“Hiện tại, khả năng nhận diện và phân biệt thật/giả của Viettel eKYC có tỷ lệ sai sót không quá 0,01% - tốt nhất trên thị trường. Mục tiêu thách thức của nhóm nghiên cứu là tiến tới khách hàng chỉ cần chụp 1 tấm ảnh duy nhất mà vẫn đảm bảo tỷ lệ như hiện nay”, anh Hiếu cho biết.

Hiện tại, Viettel AI đã làm chủ công nghệ eKYC đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 ở Level 2 (cấp độ cao nhất của chứng chỉ này) liên quan đến chống giả mạo. Khả năng chống giả mạo qua 3.000 nghìn lần kiểm thử và trong thực tế, đồng thời đảm bảo xác thực nhanh chóng là lời khẳng định cho hướng tiếp cận đúng đắn của Viettel. Cấp độ này cũng tương đương với giải pháp từ các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới Microsoft, Amazone, NEC, SenseTime… Nhưng giải pháp của Viettel nổi bật hơn bởi yêu cầu thao tác từ người dùng cuối đơn giản hơn rất nhiều so với các giải pháp cùng loại.

Lấy khách hàng – người dùng cuối làm trung tâm

Một buổi tối cuối năm 2023, ở tổ Đon Tuấn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn, nhân viên kinh doanh Đinh Thị Ngọc Ánh thuộc Viettel Thành phố Bắc Kạn đang tập trung chụp ảnh từng khách hàng trong tổ để thực hiện các bước chuẩn hóa thông tin chủ thuê bao theo nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Do bà con điạ phương đi làm cả ngày, nhân viên Viettel phải tranh thủ buổi tối đến thực hiện ở từng nhà. Nhà dân thiếu ánh sáng, hai chiếc đèn pin được tận dụng, giúp ảnh chụp đạt đủ chất lượng. Xong xuôi, hình ảnh thu về sẽ qua lớp công nghệ eKYC để hệ thống nhận diện ảnh trên CCCD và gương mặt khách hàng có khớp hay không, từ đó xác định thuê bao sim chính chủ.

“Theo yêu cầu bắt buộc của chính phủ, nghiệp vụ xác minh cũng phức tạp hơn. Nhiều nhân viên phải học cách thích ứng với công nghệ, hiểu cách thức hoạt động để hướng dẫn người dân hoặc nâng cấp lên điện thoại có chất lượng chụp ảnh cao hơn. Nhưng đổi lại, hệ thống định danh điện tử eKYC xác thực nhanh chóng, từ đó ngăn chặn việc đăng ký sim rác, người dân cũng bớt mối lo thông tin của họ bị kẻ gian lợi dụng”, chị Nguyễn Thị Hương Trà – Giám đốc Viettel Thành phố Bắc Kạn, cho hay.

bai 3 - pic 3.jpg

Còn với người dân ở Myanmar, MytelPay, ví điện tử của Mytel (thương hiệu của Viettel tại Myanmar), dần trở thành cái tên quen thuộc trong đời sống hàng ngày vì tính nhanh, gọn, tiện. Một phần làm nên sự yêu thích nằm ở chỗ MytelPay là ví điện tử đầu tiên ở nước này triển khai công nghệ eKYC để định danh khách hàng, đồng thời duy nhất sử dụng SMART OTP và các biện pháp bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu và xác thực hai yếu tố (2FA). Tính đến hiện tại, giải pháp eKYC đã được triển khai cho 8 ngân hàng và tổ chức tài chính lớn tại Myanmar.

Hay ở bên kia đại dương, tại nơi điều kiện còn thiếu thốn như Haiti, giải pháp eKYC cũng đã len lỏi vào đời sống người dân khi sử dụng dịch vụ của Natcom (thương hiệu của Viettel tại Haiti). Giữa tình hình chính trị bất ổn, Victor Anderson, cộng tác viên bán hàng của Natcom, vẫn phát triển được trên 1 nghìn thuê bao eKYC, gấp 5 bình quân toàn quốc – một ví dụ cho thấy mức độ cần thiết của giải pháp này.

eKYC được xem là sản phẩm có tính dẫn đường, do đó việc liên tục tìm cách cải tiến, nâng cấp chất lượng công nghệ lõi bên trong là điều thiết yếu. Khi loại bỏ được các chứng từ bằng giấy in, dịch vụ mới có thể trở thành dịch vụ số hoàn chỉnh, tự vận hành không phụ thuộc vào các bước thủ công. Và khi tích hợp sâu hơn vào các dịch vụ, tính tin cậy được gia tăng thêm nhiều lần.

Viettel eKYC cũng đã được ứng dụng tại trường dạy lái xe ở Cà Mau vào hồi tháng 5. Công nghệ đã phát hiện hơn 10 trường giả mạo người thi trong hơn 1 tháng triển khai. Trong tương lai gần, ứng dụng của eKYC sẽ rất mở rộng tới công tác quản lý doanh nghiệp, giáo dục đào tạo, hay bất cứ dịch vụ nào cần phân biệt tính chính danh, chính chủ của khách hàng.

“Chúng ta có thể thấy ngay tầm quan trọng của việc nhận diện chính chủ - đúng người và chính danh – đúng vai trò trong từng thao tác là đặc biệt quan trọng. Với các hình thức bảo mật như mật khẩu, mã số cá nhân (PIN), hay vân tay, thiết bị khó nhận biết được có đúng chính chủ đang thực hiện các thao tác hay không. Điều này rất quan trọng đối với các hoạt động mua sắm, chuyển tiền. Đăng ký eKYC giải quyết khá triệt để và hiệu quả cho tình huống này.” anh Lê Đăng Ngọc, Phó Giám đốc Khối Nền tảng trí tuệ nhân tạo của Viettel AI – đơn vị chủ trì phát triển sản phẩm eKYC tại Viettel, phân tích.

Minh Hải

Với các ứng dụng số, để có được giải pháp phù hợp, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ, việc xác định đâu là câu hỏi đúng, đâu là đề bài cần giải vô cùng quan trọng.

Khoảng 10.000 tỷ đồng là số tiền người dân Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023, theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an. Con số này thực tế chưa đầy đủ vì chỉ dựa trên những sự việc được người dân đến trình báo cơ quan công an, nhưng cũng đã tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, ban hành cuối tháng 12 năm ngoái và có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, có mục tiêu chính là ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ người dân khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. Theo đó, khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, người dùng cần phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng.

Giúp giao dịch an toàn hơn, nhưng yêu cầu mới cũng đòi hỏi người dùng thực hiện thêm thao tác, ảnh hưởng đến trải nghiệm. Theo thống kê trong tháng đầu tiên kể từ khi Quyết định 2345 có hiệu lực, tỷ lệ khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công trên các ứng dụng ngân hàng chỉ vào khoảng 50-60%.

Thế nhưng trường hợp của Viettel Money lại cho thấy một giải pháp xác thực đủ tin cậy và tiện dụng không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp tăng trải nghiệm của khách hàng. Hệ thống xác thực khách hàng điện tử Viettel eKYC tích hợp trên Viettel Money, đem lại tỷ lệ cập nhật sinh trắc học thành công trên 90%, đồng thời đem lại hàng loạt dịch vụ tài chính vốn không thể thực hiện trực tuyến trước đây.

bai 4 - pic 2.jpg

Từ một yêu cầu khó với các dịch vụ tài chính số…

Khó khăn nhất trong xây dựng bài toán nghiệp vụ cập nhật thông tin sinh trắc học là việc hướng dẫn cho khách hàng biết cách đặt chip để máy điện thoại có thể đọc được dữ liệu từ thẻ căn cước công dân. Ở phía người dùng, đây là một yêu cầu mới và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách hàng đã có thẻ căn cước gắn chip NFC hay chưa, máy điện thoại có tính năng đọc NFC hay không, nếu có thì máy đã bật NFC chưa, vị trí đặt đầu đọc NFC ở các mẫu máy cũng khác nhau.

Để giải quyết vấn đề này, hệ thống cần chủ động nhận diện thiết bị sử dụng, cá thể hoá video và hình ảnh hướng dẫn khách hàng cách cập nhật thông tin tuỳ theo từng thiết bị.

Đồng thời, mô hình trí tuệ nhân tạo nhận diện và chống giả mạo có độ chính xác cao cho phép Viettel Money ghi nhận khuôn mặt khách hàng với tốc độ nhanh, không đòi hỏi nhiều thao thác rườm rà như cười, nháy mắt... Khách hàng chỉ cần đưa điện thoại ra trước mặt trong vòng vài giây.

Thực tế, với các ứng dụng số, để có được giải pháp phù hợp, sử dụng công nghệ phù hợp, xác định đúng vấn đề là vô cùng quan trọng. Để có thể nhìn được rõ đâu là thứ khách hàng thực sự cần và đánh giá cao, bản thân các nhà phát triển của Viettel Money đã trải qua không ít bài học “xương máu” trước đó.

Cách đây 6 năm, khi chính thức ra mắt vào cuối tháng 10/2018, dịch vụ Easy Vay của Viettel Money gặp nhiều bất lợi vì quy trình xác minh tài khoản quá nhiều bước. Khách hàng khi thực hiện đăng ký tài khoản cần phải ra xác thực trực tiếp tại cửa hàng, mất nhiều thời gian và công sức. Đây chính là một trong những lí do khiến khách hàng từ bỏ Easy Vay và lựa chọn những dịch vụ cho phép định danh trực tuyến khác.

Mặt khác, việc định danh tài khoản trực tiếp tiêu tốn của Viettel Money một nguồn nhân lực khổng lồ túc trực tại cửa hàng trên cả nước. Trong khi đó, những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo giấy tờ càng ngày càng tinh vi mà mắt thường không thể nhìn ra. Do đó, việc tiếp tục giải pháp định danh truyền thống (KYC) không còn phù hợp và an toàn.

“Nếu trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản Viettel Money, phải đến quầy giao dịch làm thủ tục. Họ cần khai vào một biểu mẫu 6 trang giấy, nộp ảnh chụp, photo giấy tờ tùy thân, ký mẫu… Rất nhiều thủ tục để thiết lập ban đầu. Dữ liệu này được số hóa để sử dụng, nhưng các giấy tờ gốc vẫn cần bảo quản”, anh Hoàng Anh Đức, chuyên viên sản phẩm thanh toán thuộc Trung tâm phát triển sản phẩm của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) – công ty phát triển ứng dụng tài chính số Viettel Money so sánh.

Đội ngũ công nghệ Viettel Money cũng hiểu rằng khả năng loại bỏ mọi trường hợp giả mạo về giấy tờ, khuôn mặt và nhận dạng chính danh, chính chủ khách hàng cũng “mở cửa” cho Viettel Money triển khai những dịch vụ tài chính số chưa có ở đâu khác.

… đến những bước ngoặt dịch vụ

“Mức vay tiêu dùng mà không cần ra quầy của Viettel Money cao hơn các dịch vụ tài chính số trên thị trường, lên đến 70 triệu đồng”, anh Đức chia sẻ với khi được hỏi đâu là tiện ích đột phá nhất mà eKYC đang đem lại cho khách hàng. Với một giải pháp eKYC đủ tin cậy, Viettel Money hiện là dịch vụ tài chính số duy nhất có khả năng cho vay với hạn mức như vậy trên môi trường trực tuyến.

Từ năm 2020, giải pháp định danh điện tử Viettel eKYC được tích hợp trên hệ thống của Viettel Money để tự động hóa nghiệp vụ mở tài khoản vay. Dịch vụ Easy Vay của Viettel Money trở nên hoàn thiện, cho phép người dùng có thể đăng ký mở tài khoản mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc điện thoại. Khách hàng truy cập vào ứng dụng Viettel Money, thực hiện quay khuôn mặt và chụp hình ảnh các giấy tờ cá nhân theo hướng dẫn. Các công nghệ AI sau đó sẽ tự động xác thực, đối chiếu thông tin khách hàng và hoàn tất thủ tục mở tài khoản.

Khi được hỏi về nguy cơ phát sinh nợ xấu, anh Đức cho biết thực tế kể từ khi triển khai tính năng này trên Viettel Money, tỷ lệ phát sinh nợ xấu của các khoản vay trực tuyến thậm chí còn thấp hơn các khoản vay trực tiếp. Điều này có nghĩa là quy trình eKYC có khả năng xác thực khách hàng một cách ít sai sót hơn cả các quy trình trực tiếp. “Cho dù không giảm thế chấp, không có xác minh tại quầy nhưng nguy cơ nợ xấu thấp hơn vì chúng tôi có thể xác định chính danh, chính chủ khách hàng”, anh Đức cho biết.

Bằng chứng nằm ở hiệu quả thực tế

Về hệ thống Viettel eKYC, đại diện của Trung tâm dịch vụ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Viettel (VAI) cho biết, với quy mô kinh doanh tại 10 thị trường quốc tế của Viettel, mỗi thị trường lại cho ra những bài toán khác nhau về nhận diện khách hàng. Nhờ đó, nhóm phát triển sản phẩm tiếp cận với một kho số lượng lớn các kịch bản, dữ liệu giả mạo, từ đó đào tạo, huấn luyện mô hình chống giả mạo với độ chính xác vượt trội.

“Với bất kỳ trường hợp giả mạo nào phát hiện ra, Viettel sẽ nâng cấp hệ thống trong vòng 4 ngày để ngăn chặn. Đây là yêu cầu không nhiều bên có thể đáp ứng được, vì với các trường hợp giả mạo mới, sẽ chưa có nhiều dữ liệu để đào tạo mô hình”, anh Vũ Ngọc Kha, Trưởng nhóm phát triển sản phẩm Viettel eKYC, cho biết.

Không chỉ thực hiện được những tính năng đặc thù, Viettel Money mở rộng tiếp cận đến nhiều khách hơn nhờ giải pháp xác thực điện tử. Mỗi quy trình xác thực danh tính theo phương thức truyền thống trung bình mất 30 phút tại quầy, hiện nay thời gian xác thực rút ngắn còn 5 phút và khách hàng có thể tự thực hiện qua thiết bị di động.

Nhờ thủ tục đơn giản và thuận tiện hơn, số lượng khách hàng mới trước khi triển khai eKYC vào khoảng 100.000 – 110.000 tài khoản mỗi tháng đã tăng lên 500.000 – 600.000, tương đương gấp 5 lần. Trong khi đó, số tài khoản “ảo”, được tạo ra với mục đích lợi dụng app hoặc rửa tiền, gần như bị triệt tiêu.

Theo ước tính của VDS, công việc liên quan đến phát triển người dùng Viettel Money đã giảm bớt ít nhất 30% khối lượng nhờ ứng dụng công nghệ. Mỗi tháng, VDS tiết kiệm hơn 200.000 giờ cho khách hàng và giao dịch viên.

“Trong lĩnh vực tài chính số, nhờ eKYC, các tổ chức tài chính có thể tiếp cận và phục vụ nhiều khách hàng hơn, kể cả những người ở vùng sâu vùng xa, đồng thời tuân thủ các quy định pháp thuật về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố một cách hiệu quả”, anh Hoàng Anh Đức chia sẻ.

Dịch vụ hành chính công vẫn là không gian có phần trầm lắng trong sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo lên các lĩnh vực. Và những người làm eKYC của Viettel vẫn đau đáu về một tương lai gần người dân chỉ cần vài thao tác nhanh gọn, đơn giản để xử lý các thủ tục hành chính.

“Trong lĩnh vực hành chính, AI đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các công việc như tóm tắt văn bản, chuyển đổi văn bản thành lời nói và ngược lại, xử lý báo cáo, tự động hóa quy trình làm việc và phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định”. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, trong về hội thảo "Ứng dụng AI trong công tác hành chính" do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 12/3/2024.

Ở Ấn Độ, thẻ ID Aadhaar gồm 12 chữ số, chứa thông tin sinh trắc học đã quen thuộc với người dân từ lâu. Đến tháng 9/2023, UIDAI đã cấp hơn 1,3 tỷ thẻ Aadhaar cho công dân Ấn Độ. Công nghệ eKYC giúp giảm thiểu gian lận và tăng cường bảo mật. Tại Singapore, MyInfo là nền tảng quản lý dữ liệu cá nhân giúp người dân đảo quốc sư tử chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân một lần cho chính phủ, sau đó có thể sử dụng thông tin đó để truy cập các dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng và tiện lợi. eKYC trong MyInfo đã giúp đơn giản hóa quy trình đăng ký và xác minh danh tính khi dùng các dịch vụ công.

Tại Việt Nam, eKYC – với vai trò là điểm vào của các dịch vụ số – sau làn sóng ứng dụng mạnh mẽ ở ngành tài chính, ngân hàng, hứa hẹn cũng sẽ đem lại các thay đổi tích cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công trong tương lai gần.

‘Dễ dàng tích hợp, triển khai đơn giản, vận hành thông suốt’

Trở lại năm 2020, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính sử dụng giải pháp eKYC trong mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử. Chỉ sau 1 năm, hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng giải pháp công nghệ này vào thực tế thông qua việc bắt tay với các nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, eKYC vẫn còn là một từ khoá mới lạ với dịch vụ công Việt Nam, một lĩnh vực với nhiều quy trình, thủ tục đặc thù. Cụ thể, khi người dân khi làm thủ tục phải nhớ mật khẩu, mã số… rất nhiều thao tác nếu muốn tra cứu tiến trình giải quyết hồ sơ của mình. Nhóm kỹ sư phụ trách có ý tưởng để người dân sử dụng chính khuôn mặt để xác thực, thay cho tất cả những thứ phức tạp khác.

May mắn khi đó, UBND Quận 1, TP.HCM cũng rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cải cách hành chính. TP.HCM là một trong những nơi đông dân nhất cả nước. Số lượng người dân lớn đồng nghĩa với số lượng yêu cầu, hồ sơ, thủ tục cần phải giải quyết rất lớn mỗi ngày. Ứng dụng công nghệ được kì vọng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải hồ sơ, thiếu nhân lực giải quyết. Chính quyền Quận 1 đã phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính trên địa bàn toàn quận và tìm kiếm các mô hình, giải pháp đổi mới nhằm cải thiện phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nắm bắt nhu cầu đó, Viettel đưa ra ý tưởng và nhanh chóng được lãnh đạo quận ủng hộ, cho triển khai Dịch vụ định danh công dân điện tử trên địa bàn quận. Dịch vụ định danh công dân điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động trên tất cả thiết bị máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… nhằm giúp người dân và tổ chức dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt. Với khả năng tự động nhận diện ký tự trên giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD), hệ thống sẽ tự động điền vào biểu mẫu có sẵn một cách chính xác và giảm thiểu sai sót ở mức tối thiểu.

Với dịch vụ này, khi đến UBND Quận 1 làm thủ tục, người dân không cần khai thông tin cá nhân, chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống. Hệ thống sẽ tự động quét (scan) dữ liệu, điền vào mẫu. Chính quyền Quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính “không giấy” trên các lĩnh vực như kinh tế, lao động, tư pháp, giáo dục và nội vụ.

“Sản phẩm định danh công dân điện tử Viettel eKYC đang tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền Quận 1 tự động hóa nhiều thủ tục hành chính, số hóa hàng loạt các dịch vụ công trên hạ tầng trực tuyến, giải quyết bài toán về một hệ thống liên thông chuyên ngành, dễ dàng tích hợp, triển khai đơn giản, vận hành thông suốt”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND Quận 1 chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Dịch vụ Định danh công dân điện tử vào ngày 01/4/2021.

Dịch vụ định danh công dân điện tử tại Quận 1 được lãnh đạo TP.HCM ghi nhận là một trong những nỗ lực tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị ứng dụng mạnh mẽ AI trong lĩnh vực công, góp phần thực hiện Kế hoạch số 1757/KH-UBND, ngày 30/5/2022 về triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.

Nhu cầu toàn dân chắc chắn sẽ tăng

Tuy khẳng định được về năng lực công nghệ, nhưng trên thực tế, số lượng người dùng không đáng kể. Sau dự án với UBND Quận 1 TP.HCM, Viettel cũng có tiếp xúc, làm thử nghiệm với một số địa phương khác như Thái Nguyên, Cà Mau nhưng các dự án không thực sự thành công.

Nguyên nhân một phần đến từ việc người dân chưa có được thói quen và nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Để tạo dựng nhu cầu này lại phụ thuộc nỗ lực của chính đơn vị cung cấp, chứ không nằm ở giải pháp công nghệ.

bai 5 - pic 2.jpg

Khi nhu cầu ứng dụng eKYC trong lĩnh vực hành chính công còn thấp, nhóm làm Viettel eKYC phải chuyển hướng để tiến vào các thị trường kinh doanh thực tế hơn, quay lại “chiến đấu” ở mảng có nhu cầu cao như tài chính, ngân hàng sau khi đã hoàn thiện về công nghệ, chứng chỉ tiêu chuẩn.

Nhưng nhóm kỹ sư tin rằng trong tương lai, nhu cầu sử dụng eKYC trong hành chính công chắc chắn còn tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ, khi các giải pháp cho toàn dân được đẩy mạnh. Ví dụ, VneID sẽ được phát triển theo mô hình SingPass của Singapore – chỉ cần một ứng dụng duy nhất để xác thực quyền công dân, có thể mở tài khoản ngân hàng, thực hiện dịch vụ hành chính… Khi đó, eKYC là chìa khóa then chốt để giải quyết vấn đề.

Để sẵn sàng cho mục tiêu này, dù sản phẩm đã đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 Level 2 – cấp độ cao nhất của bộ tiêu chuẩn, nhóm kỹ sư phụ trách eKYC của Viettel AI vẫn liên tục cải tiến giải pháp theo hướng thích nghi với số đông người dùng phổ thông: nhận diện thật chính xác và ngăn chặn giả mạo, dễ sử dụng cho người dùng cuối, tương thích với nhiều loại điện thoại từ bình dân đến cao cấp.

Dương Quang

Giai đoạn 2019-2020, nhiều đơn vị công nghệ ở Việt Nam bắt đầu manh nha nghiên cứu phát triển giải pháp eKYC, tuy nhiên vẫn dừng lại ở phiên bản “thô sơ”. Nhận thấy bất cập, Viettel lựa chọn nỗ lực bắt kịp rồi bứt tốc, tiên phong nhờ ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính tiên tiến nhất. Mục tiêu tạo ra một giải pháp eKYC đảm bảo an toàn bảo mật, mang tới trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Viettel Family có cuộc trao đổi với chị Vũ Thị Hạnh, kỹ sư trưởng của nhóm phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo đằng sau giải pháp eKYC (Viettel AI), để hiểu thêm về hành trình xây dựng giải pháp eKYC và nền tảng công nghệ đằng sau sản phẩm.

Trên thế giới, thuật ngữ eKYC đã xuất hiện từ năm 2015 nhưng phải 5 năm sau, Viettel AI mới lựa chọn phát triển công nghệ này, khi đó tại Việt Nam cũng đã có một số bên hoàn thiện đóng gói giải pháp, cung cấp ra thị trường. Là kỹ sư trưởng của Viettel eKYC, chị có thể chia sẻ cho VTF biết câu chuyện đằng sau?

bai 6 - pic 2.jpg

Năm 2020, công nghệ phát hiện giả mạo nói chung ở Việt Nam vẫn rất đơn sơ, yêu cầu người dùng phải cười, chớp mắt, quay trái quay phải… mục đích để thu thập được nhiều dữ liệu nhất có thể, giúp cho việc xác thực dễ dàng hơn và xem họ có làm theo mệnh lệnh của mình hay không. Thậm chí đến bây giờ đây vẫn là cách làm của nhiều bên. Với giải pháp này, phản ứng từ người dùng khá tiêu cực vì họ không thích phải làm nhiều thao tác như thế.

eKYC của Viettel lúc bấy giờ mới là một bản demo trên web, mô hình đơn giản chỉ lấy ảnh rồi trích xuất đặc trưng và so khớp.

Thời điểm đó, đã có rất nhiều bên cung cấp các hệ thống xác thực điện tử, nhưng công nghệ đằng sau là một cuộc đua lớn. Hacker luôn cố gắng tìm lỗ hổng mới, các hình thức giả mạo mới ngày càng tinh vi. Là người làm công nghệ, chúng tôi hiểu rõ một giải pháp có thể tốt nhất ở thời điểm này, nhưng năm sau có thể bị vượt qua bởi các dạng giả mạo mới.

Bên cạnh đó, nhận thấy xu hướng các dịch vụ ngày càng trực tuyến thì nhu cầu xác thực càng tăng, lãnh đạo Viettel chỉ đạo tập trung phát triển các công nghệ thị giác máy tính - các thành phần công nghệ xây dựng nên giải pháp eKYC sau này.

Theo chị, một giải pháp có thể tốt nhất ở thời điểm này, nhưng năm sau có thể bị vượt qua bởi các dạng giả mạo mới. Vậy đội ngũ kỹ sư Viettel AI đã làm gì để đưa một sản phẩm đi sau lại đạt được những kết quả cao về chất lượng công nghệ, sản phẩm?

Có rất nhiều yếu tố làm nên một hệ thống eKYC toàn diện: nền tảng công nghệ, khả năng đóng gói sản phẩm và tích hợp vào ứng dụng của khách hàng, tính năng nghiệp vụ, mức độ tối ưu trải nghiệm người dùng…

Nhưng về mặt công nghệ, mấu chốt là đảm bảo độ chính xác cao đồng thời vẫn đảm bảo tốc độ xử lý khi triển khai thực tế. Cho dù xây dựng bằng phương pháp gì, mô hình gì thì đây là yếu tố đánh giá một hệ thống eKYC thành công về mặt công nghệ.

Trong AI, dữ liệu và mô hình càng lớn thì độ chính xác càng cao. Nhưng nếu mô hình lớn quá thì lại khó triển khai cho khách hàng. Có nghĩa là sản phẩm phải làm tốt ở hai lĩnh vực khác nhau: đào tạo mô hình (training) và tối ưu hoá (optimization). Training đặt ra mục đích là mô hình phải đạt được độ chính xác cao, trong khi đó optimization đặt mục tiêu tối ưu hoá để mô hình trở nên “nhỏ” nhất có thể khi triển khai trong khi không hy sinh hiệu năng.

Ví dụ với công nghệ chống giả mạo, để phát triển công nghệ này, nhóm sẽ mở đề tài nghiên cứu khoa học, tìm hiểu các đặc trưng của từng hình thức giả mạo để xây dựng các mô hình đạt độ chính xác cao nhất có thể trên các bộ dữ liệu mẫu. Ví dụ, với chống giả mạo deepfake, mô hình sẽ phát hiện các khung liên tục trong video có khung nào bị lỗi – không thực sự là phân phối điểm ảnh ngẫu nhiên – hay không. Với các hình thức giả mạo bằng khuôn mặt 3D, điểm mấu chốt là kết cấu khuôn mặt, da sẽ có những điểm khác biệt so với khuôn mặt thật. Đến nay, Viettel AI đã có 3 đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.

bai 6 - pic 1.JPG

Với dữ liệu giả mạo để đào tạo mô hình, thực tế dữ liệu do mình tự tạo ra sẽ không đủ đa dạng. Lý do Viettel AI có mô hình với độ chính xác vượt trội so với các giải pháp trên thị trường hiện nay là nhờ dữ liệu lớn. Lượng dữ liệu này có được nhờ một cách làm đột phá, tự động thu thập được dữ liệu giả mạo trong hàng trăm nghìn lần xác thực mỗi ngày trong môi trường sử dụng thực tế để đưa vào đào tạo mô hình. Cách làm này cũng giúp Viettel AI đón đầu các hình thức giả mạo mới. Đây là một bí quyết công nghệ của Viettel eKYC.

Chị có nhắc đến “hệ thống eKYC toàn diện”. Hiện tại eKYC do Viettel AI phát triển có đáp ứng được yêu cầu này?

Về cơ bản eKYC là giải pháp giúp các tổ chức xác định người đang thực hiện các giao dịch hoặc tác vụ trực tuyến đúng là chủ sở hữu của tài khoản. Có 3 công nghệ trí tuệ nhân tạo cốt lõi đằng sau. Thứ nhất là nhận dạng ký tự quang học (OCR) đọc thông tin trên giấy tờ tuỳ thân, thứ hai là đối sánh nhận diện ảnh khuôn mặt (Face Matching), và thứ ba, quan trọng nhất, là chống giả mạo.

Với Viettel eKYC, 3 công nghệ trên đều đạt độ chính xác cao. OCR đạt độ chính xác gần như tuyệt đối với các loại giấy tờ tuỳ thân của Việt Nam, trong cả các trường hợp giấy tờ cũ, mờ, cách biệt về thời gian. Về nhận diện khuôn mặt, nhiều tính năng của Viettel eKYC nằm trong top 10 thế giới do NIST đánh giá, chẳng hạn như nhận diện góc nghiêng, nhận diện khuôn mặt trên ảnh hộ chiếu, ảnh nhỏ…

Về chống giả mạo, Viettel eKYC gần đây đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 cấp độ 2. Với cấp độ 1, mô hình sẽ phát hiện được ảnh chụp hoặc ảnh in, còn với cấp độ 2 có thể phát hiện cả các hình thức giả mạo 3D như sử dụng mặt nạ silicon, deepfake... Không nhiều bên sở hữu chứng chỉ này, cho thấy giải pháp của Viettel đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.

Bước tối ưu hoá cũng được làm tốt, các nhu cầu xác thực xử lý nhanh, tạo trải nghiệm tốt cho người dùng. Theo phản hồi của VDS, một trong những đơn vị đang sử dụng Viettel eKYC, sau Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về giao dịch trực tuyến trên Internet có hiệu lực từ ngày 1/7, tỷ lệ xác thực thành công của các ứng dụng tài chính số khác chỉ vào khoảng 52-56% còn Viettel Money đạt trên 90%.

Tốc độ xử lý hiện tại của hệ thống luôn sẵn sàng cho mọi nhu cầu, nghiệp vụ trên các ứng dụng của khách hàng với quy mô khoảng 10 triệu người dùng cuối. Hệ thống của Viettel cũng được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây, do đó sẽ dễ dàng mở rộng khi cần.

Với những nỗ lực như vậy, Viettel eKYC có khả năng cạnh tranh với các giải pháp khác vốn đã chiếm thị trường và các khách hàng lớn không?

Cuộc cạnh tranh về eKYC là khốc liệt, không chỉ giữa những công ty lớn mà có cả sự tham gia của các công ty nhỏ. Lý do là sản phẩm này chủ yếu hướng tới người dùng cuối, việc phát triển cũng không đòi hỏi hạ tầng quá lớn mà đòi hỏi các hiểu biết về công nghệ, nghiệp vụ. Các đối thủ quốc tế có thể đã đi trước, nhưng đến bây giờ khi giải pháp “make in Việt Nam” đã bắt kịp, đạt được chất lượng quốc tế thì chắc chắn sẽ có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện rất quan tâm đến nguy cơ chảy dữ liệu ra nước ngoài và khả năng tuân thủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại các máy chủ trong nước.

Tất nhiên để thuyết phục khách hàng thì đầu tiên phải chứng minh được nền tảng công nghệ tốt, bảo mật, sản phẩm mượt mà, dễ sử dụng. Chúng tôi tin tưởng Viettel eKYC là sản phẩm toàn diện, đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ và sẽ còn đi xa hơn nữa.

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện! Chúc Viettel eKYC thành công!

Hoàng Nam

Khi công nghệ mới ra đời, những hình thức lừa đảo mới cũng xuất hiện theo.

“Kẻ gian chắc chắn không thể nào mang deepfake, mặt nạ silicon đến quầy giao dịch để đánh lừa nhân viên, thực hiện hành vi xấu”, anh Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng phòng Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) – đặt ra ví dụ trực quan khi giải thích về nghiệp vụ xác minh trên không gian số đứng trước những thử thách phức tạp hơn cách truyền thống.

So với xác thực KYC diễn ra trên không gian vật lý, các kịch bản gian lận với thủ đoạn tinh vi phát sinh nhiều hơn trong môi trường trực tuyến. Theo chuyên gia của VCS, ngay cả với những đơn vị có mức độ trưởng thành về Công nghệ Thông tin cao nhất như ngân hàng, tổ chức tài chính, rủi ro về bảo mật vẫn luôn tồn tại. Nghĩa là khi bộ máy lớn, quy trình và nhân sự chuyên nghiệp, các đối tượng xấu vẫn sẽ có cách tiếp cận các ngõ ngách, lỗ hổng để trục lợi.

Vô số kịch bản đánh lừa

Một rủi ro đáng lo ngại từ việc xác thực sinh trắc học trên quy mô rộng hiện nay là dữ liệu người dùng bị đánh cắp. Khi dữ liệu lộ ra ngoài, các đối tượng xấu có thể rao bán tài khoản mạo danh. Trên các hội, nhóm trên mạng xã hội, hình ảnh giấy tờ tùy thân vẫn được chào bán công khai và ai có nhu cầu có thể tiêp cận dễ dàng.

Các kịch bản gian lận thường thấy là sử dụng giấy tờ của người khác để mở tài khoản (thông qua tính năng so khớp khuôn mặt giữa ảnh chụp eKYC và ảnh chụp giấy tờ) với các thủ đoạn như dùng căn cước công dân thật thu được từ các cửa hàng cầm đồ, sau đó thuê người thực hiện các bước eKYC; hoặc làm giả toàn bộ căn cước, giả phôi và sử dụng danh tính tổng hợp (kết hợp thông tin người thật thu thập được từ rò rỉ dữ liệu và thông tin giả)...

bai 7 - pic 1.jpg

Một trường hợp khác là dùng giấy tờ đã bị chỉnh sửa, không còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật như: ảnh cắt góc, dán đè ảnh chân dung, ảnh đã photoshop, in màu, chỉnh sửa thông tin. Hoặc sử dụng thực thể không phải người sống (đeo mặt nạ, chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ, sử dụng video deepfake, mặt 3D…)

Theo số liệu trong hệ thống về giám sát an toàn thông tin của VCS, hơn 61 triệu tài khoản và thông tin cá nhân bị đánh cắp và giao bán trên mạng trong 6 tháng đầu năm 2024, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có số lượng lớn dữ liệu thông tin eKYC bị lộ lọt, ước tính vào khoảng 400.000 bản ghi.

Kẽ hở rò rỉ từ những thói quen thường nhật

Tổ chức đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) từng nhận định: “Các quan hệ hoặc giao dịch không gặp mặt trực tiếp khách hàng được xếp vào nhóm tình huống có độ rủi ro cao trong việc phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, các biện pháp định danh khách hàng nâng cao cần được thực thi”.

Với các tổ chức, doanh nghiệp, lời khuyên là các tổ chức cần không ngừng cập nhật, nâng cao năng lực công nghệ, tăng cường đội ngũ nhân sự. “Máy móc, hệ thống chỉ là công cụ, doanh nghiệp vẫn cần xây dựng đội ngũ con người nâng cao chất lượng vận hành. Cốt lõi nằm ở vấn đề tri thức, nghiệp vụ”, anh Nguyễn Đăng Khoa nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng sở hữu đội ngũ lớn về CNTT để phát triển các công cụ công nghệ. Các sản phẩm này chỉ sử dụng nội bộ trong phạm vi hoạt động của một ngân hàng nên ít được cập nhật các chứng chỉ bảo mật so với sản phẩm các công ty chuyên về phát triển eKYC.

Để tăng cường bảo mật trong xác thực, có ngân hàng có thể thuê đội ngũ chuyên gia tư vấn trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, các ngân hàng, tổ chức tài chính vẫn nên sử dụng dịch vụ eKYC của các đơn vị uy tín, chuyên nghiệp.

Ở góc độ của Viettel, cụ thể là VCS, giải pháp chống giả mạo là xây dựng từng lớp bảo vệ, mang tên Hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực (VCS-F2DR). Trong 19 tháng (tháng 1/2023-7/2024), hệ thống này đã cảnh báo 257.340 lần về các hoạt động liên quan đến gian lận định dạnh và mở mới tài khoản, trung bình 13.544 cảnh cáo/tháng.

Hệ thống của VCS F2DR được xây dựng trên hơn 10 kịch bản gian lận phổ biến trên thị trường, từ định danh trùng thông tin giấy tờ, mạo danh khách hàng, trục lợi chính sách hoa hồng của kênh đại lý với tài khoản mở mới đến làm giả giấy tờ, tài khoản giả mạo theo điểm rủi ro… Từ các kịch bản gian lận được tính toán trước này, VCS F2DR can thiệp vào từng giai đoạn để phát hiện gian lận và cảnh báo.

Còn với cá nhân người dùng, để tránh bị lừa trên không gian mạng, chuyên gia của VCS khuyến nghị, hạn chế đăng ảnh bản thân, gia đình lên mạng xã hội; nên khóa bảo vệ trang cá nhân trên các ứng dụng mạng xã hội. Ngoài ra, không đăng nhập vào đường link lạ, không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng, không cung cấp mã OTP cho người khác. Cuối cùng, hãy xem xét kỹ lưỡng trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào trên thiết bị công nghệ và tìm hiểu về chính sách quyền riêng tư của ứng dụng.

“Từ góc độ người làm trong lĩnh vực về an toàn thông tin, lời khuyên của tôi là mỗi người nên coi thông tin, dữ liệu về cá nhân là tài sản quan trọng, cần có ý thức bảo vệ thông tin để tránh bị đánh cắp danh tính mà không hề hay biết, vô tình thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng”, chuyên gia của VCS cho hay.

Mai Vũ

Với các ứng dụng đa dạng của eKYC tại đa lĩnh vực trong thời đại số, giải pháp công nghệ này được dự báo sẽ còn đi xa hơn nữa, gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp.

Nếu ví chiếc smartphone của bạn như một ngôi nhà, các lớp bảo mật như mật khẩu, vân tay, mã pin, tin nhắn OTP… sẽ giống như bộ khóa và chìa bảo vệ ngôi nhà đó. Và giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) sẽ xác định người đang cầm chìa khóa để mở của là chủ hợp pháp của ngôi nhà này, hay một người đơn thuần đi lạc, hoặc tên trộm muốn thực hiện hành vi xâm phạm.

Trong tương lai gần, thị trường eKYC trên thế giới được dự đoán sẽ còn phát triển không ngừng, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ số trên môi trường trực tuyến. Đi kèm với đó là nhu cầu ngày càng cao cho việc xác minh danh tính an toàn để ngăn chặn các hành vi trục lợi, lừa đảo.

Chức năng của eKYC khiến nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nền kinh tế số. Thị trường eKYC cũng phát triển bùng nổ xã hội số hiện nay. Theo báo cáo của FnF Research, thị trường eKYC toàn cầu ước tính đạt 257,23 triệu USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 1.015,36 triệu USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến sẽ lên tới 22% từ năm 2019 đến năm 2027.

Không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như bảo hiểm, thương mại điện tử, logistics, dịch vụ công... đều cần trang bị các giải pháp eKYC phục vụ định danh, xác minh điện tử. Cụ thể, eKYC đã và đang được ứng dụng trong xác thực thông tin khách hàng yêu cầu thanh toán bảo hiểm, bảo mật các tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ thương mại điện tử… Nhìn xa hơn, eKYC tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, làn sóng eKYC trở nên phổ biến tại các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước kể từ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép sử dụng eKYC để mở tài khoản thanh toán cá nhân năm 2020. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, giai đoạn 2020 – 2025 là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng. Nhưng đến năm 2023, lượng giao dịch bình quân mỗi ngày lên tới 8 triệu giao dịch. Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số được đánh giá là hết sức quan trọng, thiết thực và là sự chuyển đổi vượt bậc.

Theo dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ TT&TT, đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và năm 2030 sẽ chiếm 30% GDP. Như vậy, kinh tế số và trong đó thành phần quan trọng là tài chính số sẽ có cơ sở để ưu tiên phát triển.

Dư địa giàu tiềm năng

Tuy vậy, trong nước, giải pháp eKYC vẫn được gắn chặt như chiếc “chìa khóa vàng” của lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Các lĩnh vực khác như hành chính công, dịch vụ tiêu dùng, an ninh bảo mật,… vẫn chưa có nhiều “đất dụng võ” vì thiếu mô hình ứng dụng phù hợp.

Viettel đang nỗ lực thay đổi thực tế đó. Hiện tại, sản phẩm Viettel eKYC đang được ứng dụng trong nhiều nghiệp vụ như: Cấp phát chữ ký số; ký kết hợp đồng điện tử; chấm công bằng khuôn mặt; kiểm soát an ninh bằng khuôn mặt; mở tài khoản, phát hành thẻ, thẩm định khoản vay cho nhiều ngân hàng; kiểm soát gian lận, lừa đảo trong tín dụng; định danh khách hàng, xác thực khách hàng trong bảo hiểm và viễn thông… Từ năm 2020 đến nay, dịch vụ xác thực và định danh điện tử Viettel eKYC đã được tích hợp trên hệ thống của nhiều doanh nghiệp, giúp giảm trên 80% giấy tờ và tiết kiệm đến trên 70% thời gian để hoàn thành các thủ tục.

Các mô hình ứng dụng mới liên tục được nghiên cứu phù hợp cho các lĩnh vực khác. Đơn cử, tại Viettel Telecom, từ năm 2023, hệ thống video KYC để xác minh khách hàng tự động được đưa vào ứng dụng. Video bot sẽ giao tiếp với nhân viên và khách hàng bằng giọng nói và hình ảnh tự động trên video, kết hợp điện thoại viên ảo để hướng dẫn. Tỉ lệ xác thực tại bot đạt 90%.

bai 8 - pic 2.jpg

Không chỉ còn là những dòng văn bản text, nay khách hàng đã có thể tương tác trực tiếp với người ảo. Với video KYC, công nghệ AI giúp khách hàng Viettel xác thực thông tin một cách nhanh chóng khi người ảo có thể nhận diện khẩu hình miệng cho đến cử chỉ, chống giả mạo khuôn mặt. Hiện tại, mỗi năm chỉ riêng tính năng video KYC này đã đáp ứng tới gần 10 triệu cuộc gọi xác thực và việc ứng dụng người ảo, công nghệ AI vào tương tác với khách hàng đã giúp Viettel tiết kiệm tới 60 tỷ đồng.

Ngay trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, eKYC cũng phát huy vai trò khi kết hợp chéo các nguồn dữ liệu khác nhau, phát hiện sớm tội phạm, đánh giá tín dụng, bảo hiểm,…

Còn tại Viettel, đội ngũ công nghệ đã có những chuẩn bị bài bản sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới. Liên tục trong 2 năm 2022 – 2024, Viettel đã dồn lực để phát triển sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế.

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI, đánh giá giải pháp eKYC là một trong các sản phẩm nổi bật của công ty khi có tác động lớn, rộng rãi và đã triển khai tới hàng chục triệu người dùng trên khắp Việt Nam.

Viettel còn là đối tác chính thức của Bộ Công an trong cung cấp dịch vụ xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Viettel eKYC kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về CCCD trong quá trình xác thực và định danh điện tử, tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp giả mạo hoặc gian lận sinh trắc học với độ chính xác cao.

“Nhờ thực hiện xác thực chéo qua sim di động với mã OTP, thêm một lần qua thẻ căn cước công dân gắn chip kết nối với Bộ Công an, và qua xác thực giọng nói, vân tay, khuôn mặt với công nghệ đều được chúng tôi làm chủ. Nhờ check chéo đa nhân tố như vậy, khả năng giả mạo để lừa đảo qua Viettel eKYC cực kỳ khó”, ông Quý giải thích.

Xây dựng cơ sở dữ liệu số quốc gia là một trong những ưu tiên của chủ trương Chuyển đổi số quốc gia 2023. Các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng của đất nước, nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Với chủ trương này, những giải pháp kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia như Viettel eKYC sẽ trở thành xu thế tất yếu, hướng tới khai phá tối đa tiềm năng của dữ liệu lớn trong quản lý và điều hành ở cấp độ vĩ mô, đảm bảo an toàn thông tin và các quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.

Tất cả đã sẵn sàng cho hành trình chinh phục phía trước.

Nam Anh