Dùng bản sắc riêng để song hành công nghệ quốc phòng thế giới

Đứng trong Top 80 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trên toàn thế giới năm 2030 – đó là tầm nhìn mà Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Để sớm chạm tay vào mục tiêu ấy, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT, khẳng định, là người đi sau, VHT đã tìm ra những nét đặc sắc của riêng mình để vượt lên.

VỊ TRÍ CỦA VHT TRÊN BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ QUỐC PHÒNG THẾ GIỚI

Thưa ông, “song hành cùng thế giới” là mục tiêu được VHT đặt ra ngay từ đầu. Vậy ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP), hiện các công nghệ VHT đang cứu sản xuất có phải là những công nghệ mới nhất của thế giới?

Với một số ngành mũi nhọn như ra-đa, Thông tin, Quang điện tử, Mô phỏng, ngay từ đầu, Viettel đã có chiến lược nghiên cứu tiếp cận được với xu hướng mới nhất của thế giới.

Ví dụ, khi làm máy thông tin quân sự, giai đoạn đầu chúng tôi đã đi vào công nghệ mới nhất SDR. Năm 2011, công nghệ này hình thành và VHT đã đưa vào sản phẩm từ năm 2014. Hay như quang ảnh nhiệt thì chúng tôi không đi vào các lớp khuếch đại ánh sáng mờ mà đi thẳng vào ảnh nhiệt là công nghệ mới nhất bây giờ. Các công nghệ cao tần cũng như các công nghệ bán dẫn cũng vậy… Một số ngành, một số lĩnh vực công nghệ quân sự khác, VHT vẫn đang nỗ lực để bắt kịp công nghệ thế giới, mục tiêu đến năm 2025 song hành các thế hệ vũ khí thứ 4, thứ 5.

Ở thời điểm hiện tại, công nghệ của VHT còn cách họ khoảng nửa thế hệ. Những bước cuối cùng bao giờ cũng là khó khăn nhất. Nhưng chúng tôi tự tin là mục tiêu trên sẽ về đích đúng hẹn.

Dựa trên cơ sở nào mà VHT lại quyết tâm đi ngay vào công nghệ quân sự hiện đại nhất, trong khi đây là ngành đặc thù và trình độ công nghệ của công nghiệp dân sự Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá xa các nước phát triển? Lập tức đi ngay vào công nghệ hiện đại nhất như vậy, có phải VHT đã liều lĩnh?

Đó là sự liều lĩnh mang tính tất yếu. Đối với ngành công nghệ, nếu người đi sau không bắt tay ngay vào cái mới nhất thì không bao giờ thành công. Vì chẳng ai cho mình cơ hội, chẳng ai đợi mình cả. VHT - cũng như doanh nghiệp của những nước có ngành sản xuất phát triển muộn hơn, phải cạnh tranh quyết liệt với các nước phát triển trước. VHT bắt buộc phải đi vào những cái mới nhất thì mới có cửa để tồn tại, để đi đường dài. Gần như chỉ còn một đường sống, nên bảo là “liều” hay “không liều” thì cũng chỉ còn một con đường phải đi. Nếu như chúng ta không tự đặt mình vào nhu cầu của thế giới, chúng ta sẽ không tồn tại được.

Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel

Không ít ý kiến cho rằng, VHT đã có sẵn một “con đường sống” lớn là phục vụ cho chính nền quân sự Việt Nam. Vậy tại sao VHT vẫn luôn hướng đến việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài? 

Nhận định như thế cũng có cơ sở, nhưng chưa đủ. VHT có khách hàng lớn là Bộ Quốc phòng. Nhưng Bộ Quốc phòng chính là “khách hàng” rất khó tính với các sản phẩm của chúng ta. Khó tính ở đây không phải là gây khó dễ, mà là yêu cầu rất cao với tất cả các sản phẩm của chúng tôi. 

Tất cả các sản phẩm của VHT đều phải cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm thế giới. Bộ Quốc phòng xây dựng các chỉ tiêu, tính năng theo kinh nghiệm tác chiến của thế giới, nên chúng tôi bắt buộc phải đạt được điều đó. Còn trong nội bộ Viettel, chúng tôi cũng có tiêu chuẩn quy trình riêng. Nghiên cứu phát triển thành công sản phẩm thì chúng tôi cũng mới chỉ đạt 40% yêu cầu, bán được trong thị trường nội địa là được 70%, bán ra thế giới mới đạt 100%. Ngay trong giai đoạn nghiên cứu, nếu không đặt ra mục tiêu xuất khẩu thì có nghĩa là chúng tôi sẽ không hoàn thiện được sản phẩm tốt nhất. Câu chuyện ở đây có cả 2 chiều: khách hàng rất khó tính; và tầm nhìn của lãnh đạo Viettel và bản thân VHT là phải cạnh tranh được với thế giới.

Tầm nhìn Tập đoàn giao cho VHT là đến năm 2030 phải đứng trong top 80 của lĩnh vực CNQP trên toàn thế giới, tức là lúc đó 50% thị trường nội địa và 50% thị trường quốc tế.

Một trong những yêu cầu của CNQP là phát triển theo hướng lưỡng dụng, phục vụ cả quân sự và dân sự. Vấn đề này đã được thể hiện như thế nào trong quá trình phát triển sản phẩm quân sự của VHT, thưa ông?

Ranh giới về công nghệ quân sự và dân sự ngày càng mờ đi. Việc lưỡng dụng đã được thể hiện ở rất nhiều khâu. Một số công nghệ dân sự còn đi trước công nghệ quân sự như trí tuệ nhân tạo, Big Data… Các công nghệ lõi hoàn toàn sử dụng chéo được cho cả quân sự và dân sự, giảm thiểu được chi phí, tăng tính công nghệ của sản phẩm. Với các công nghệ mới này, Viettel đã là một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, xứng tầm với thế giới.

Thứ hai là trong các chuỗi cung ứng linh kiện đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể tương tác chéo được. Khi chúng ta có một vị thế lớn, các nhà cung cấp sẽ dành sự ưu tiên. Nhờ thế, sản phẩm của chúng ta có giá cả cạnh tranh, công nghệ ngang tầm với thế giới.

Thứ ba là Tập đoàn có một thị trường dân sự rất lớn. Một số công nghệ mà trước đây chỉ làm đặc thù cho quân sự thì nay đã được đưa vào bài toán kinh doanh chung của Tập đoàn, ví dụ như các sản phẩm mô phỏng, các sản phẩm học máy…

"Với các công nghệ mới như AI, Big Data, Viettel đã là một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, xứng tầm với thế giới" - Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT

BẢN SẮC RIÊNG TRONG CÔNG NGHỆ CỦA VHT

Công nghệ quân sự đòi hỏi bản sắc riêng, vậy điều gì tạo nên bản sắc công nghệ quân sự của VHT?

Thứ nhất, chúng tôi có một thế mạnh là nhận được “đề bài” và được song hành nghiên cứu, phát triển từ khách hàng đặc biệt là Bộ Quốc phòng. Các đơn vị từ Bộ Quốc phòng rất trách nhiệm, tâm huyết. Trong quá trình xây dựng tham số, tính năng tác chiến kỹ thuật, đánh giá thử nghiệm, điều chỉnh tính năng, thậm chí là xây dựng các cách thức sử dụng thiết bị chiến thuật, rồi tổ chức lực lượng sử dụng trang thiết bị do Viettel sản xuất, các đơn vị đều góp ý ngay vào sản phẩm. Đó là những thuận lợi giúp rút ngắn rất nhiều thời gian phát triển ra sản phẩm cho Viettel cũng như cho đất nước.

Điểm thứ hai là, theo triết lý của Viettel, chúng tôi luôn luôn tiến đến sở hữu công nghệ lõi. Khác với cách tiếp cận sao chép đơn thuần, VHT làm có tư duy đột phá, điều này khác với nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Chúng ta qua giai đoạn sao chép lâu rồi, giờ đã đi song hành với thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin trên thế giới để từ đó sáng tạo, giúp sản phẩm của mình đi nhanh nhất.

Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay có làm ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, sản xuất của VHT, thưa ông?

Chúng ta đã thấy ảnh hưởng rồi. Đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng, rào cản nhập khẩu một số loại vật tư linh kiện… Nhưng khó khăn ấy cũng là vận hội cho VHT. Giờ đây, tính tự chủ của chúng tôi được nâng lên rất cao. Trong lúc tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động như thế này, cơ hội cho VHT đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm và vượt lên chiếm lĩnh thị trường rất lớn.

VHT có tự tin sẽ sáng tạo ra một vũ khí công nghệ đặc sắc vượt trội như “nỏ thần” cho Việt Nam?

Chúng tôi tự tin. Bằng chính sách điều hành cũng như tầm nhìn của Viettel, hiện thực đó là chắc chắn. Sự tự tin đó đến từ 2 điểm khác biệt của VHT trong cách nghiên cứu và chất lượng, tính năng của sản phẩm. 

Về nghiên cứu, đi sau thế giới cả về hạ tầng cũng như công nghệ lõi, đặc biệt là khoa học cơ bản, nên chúng tôi tổ chức các hoạt động nghiên cứu phải nhanh, phải đứng được, phải tích lũy được các kinh nghiệm của thế giới để đưa sản phẩm vào thị trường nhanh nhất. Từ biện pháp tổ chức nghiên cứu ấy, chúng tôi có thể thiết kế ngược, từ các tính năng sản phẩm thì quay trở lại thiết kế hệ thống, đặt ra các chỉ tiêu để đi nhanh và có sản phẩm so sánh. 

Thứ hai, VHT đi cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những module có tính công nghệ vừa phải mà thế giới đã chín muồi rồi thì có thể tích hợp nhanh vào sản phẩm. Còn chúng tôi tập trung làm chủ công nghệ lõi, làm chủ những module thành phần cốt yếu nhất. Về chất lượng, khác biệt của VHT là làm chuẩn theo thế giới ngay từ đầu, từ chuẩn về tham số điện đến cơ khí môi trường... Chúng tôi là đơn vị quân đội, được các đơn vị quân đội trực tiếp tham gia trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. VHT may đo và xây dựng tính năng phù hợp với đặc thù tác chiến của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như nhân trắc học của người Việt Nam.

Tóm lại, sự khác biệt của nghiên cứu của VHT là công nghệ và chất lượng thế giới, tính năng và các điều kiện hoạt động phù hợp với phương thức tác chiến cũng như điều kiện vận hành đảm bảo kỹ thuật của Việt Nam.

"Chúng tôi có một thế mạnh là nhận được "đề bài" và được song hành nghiên cứu, phát triển từ khách hàng đặc biệt là Bộ Quốc phòng" - Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT.

Nhưng về mặt trình độ, người VHT đã đáp ứng được yêu cầu phát triển sản phẩm hay chưa?

Đánh giá theo khách quan dựa trên các sản phẩm, cả về công nghệ cũng như chất lượng, kĩ sư của VHT đã hoàn toàn tự tin vào năng lực cũng như khả năng xứng tầm với thế giới. 

Kĩ sư của VHT là một trong những đội ngũ có sự chuyên tâm vào sản phẩm không kém đội ngũ kỹ sư, nhà công nghiệp lớn nào trên thế giới, cả về chuyên môn và về nỗ lực làm việc. Về chủ quan, mặc dù đội ngũ kỹ sư của chúng tôi có nhiều thay đổi, nhưng nhân sự chủ chốt tương đối ổn định. Đội ngũ này đã cùng với Tập đoàn, lãnh đạo VHT liên tục phát triển các công nghệ lõi xứng tầm thế giới.

Trước đây, có rất nhiều đơn vị trong Bộ Quốc phòng, các khách hàng, kể cả đối tác nước ngoài đều nói là Viettel không thể làm được ra-đa bờ. Khi bắt tay vào nghiên cứu môi trường xử lý trên biển, Viettel là con số 0. Tận tụy cố gắng, ngày đêm bám trận địa rồi thực tế phát triển sản phẩm - có những anh em 3 tháng ở trên đỉnh núi trực tiếp cắm đài, thử nghiệm, khiến sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Hay như mô phỏng lái máy bay, chu trình phát triển trên thế giới thường là mua dữ liệu của các nhà nghiên cứu, sản xuất, sau đó xây dựng mô hình. Nhưng chúng ta là nước nhỏ, không ai bán. Anh em lại loay hoay, tìm tòi rồi quay lại quá trình thiết kế ngược. Từ cái máy bay, từ mô tả động cơ, chúng ta thiết kế được chu trình động lực bay… Từ đó sản phẩm hình thành và hiện nay đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng và đưa vào trang bị. Đây là những ví dụ về sự nỗ lực dựa trên cơ sở trí tuệ của các kĩ sư VHT.

Bí kíp VHT chọn người và giữ người là gì?

Với VHT, tuyển chọn luôn là khâu quan trọng nhất, nguồn lực về con người luôn được đặt lên hàng đầu. Tiêu chí đầu tiên là tâm, trung thực trong thực hiện nhiệm vụ; thứ hai là trí tuệ, thứ ba là đức.

Để giữ người, VHT coi giữ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động phải là cuộc sống. Đầu tiên, chính sách thu nhập và các chính sách phúc lợi thường xuyên được Tập đoàn quan tâm. Thứ hai là với lực lượng nghiên cứu, lực lượng kỹ thuật, ngoài thu nhập, Viettel luôn tạo động lực để anh em sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình. Đấy chính là những đứa con tinh thần giữ chân họ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!