Chung tay "biến" dữ liệu thành tiền

Giải pháp quản trị, khai thác dữ liệu Viettel Data Mining Platform (DMP) do Trung tâm Không mạng Viettel (VTCC) và Viettel IDC hợp tác triển khai đang trở thành công cụ quan trọng giúp cộng đồng Việt "biến dữ liệu thành tiền".

Từ đối tác trở thành cộng sự

Giai đoạn cuối 2020, đầu 2021 yêu cầu chuyển đổi số của Viettel IDC, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và dịch vụ điện toán đám mây (cloud) hàng đầu Việt Nam, trở nên vô cùng bức thiết.

Là doanh nghiệp lớn, đa dịch vụ, thời điểm đó Viettel IDC đối mặt một số bất cập trong hoạt động khi có trên 40 hệ thống quản trị, 6 nền tảng CSDL khác nhau, phục vụ hơn 15 nghìn khách hàng trong nước và quốc tế.

"Viettel IDC xác định phải xây dựng một hệ thống quản trị dữ liệu tập trung, có khả năng lấy data từ tất cả mọi nơi thành một nguồn duy nhất. Việc này sẽ giúp tạo nên mối quan hệ giữa các hệ thống dữ liệu, phục vụ cho phân tích, kết nối chuyên sâu giúp hoạt động quản trị, kinh doanh của IDC hiệu quả hơn", Vũ Minh Hoàng, chuyên gia phân tích dữ liệu Viettel IDC cho biết.

Hệ thống này đồng thời cũng phải xây dựng được bài toán phân tích, mô hình các mô hình học máy, trí tuệ nhân tạo giúp Viettel IDC làm chủ bất cứ sự thay đổi nào trong tương lai, từ xu hướng sử dụng, nhu cầu khách hàng.

Là một doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao nhưng IDC quyết định tìm một đối tác "có nghề" để đồng hành thay vì lựa chọn "nhà làm". Lý do đơn giản là việc thuê đối tác sẽ hiệu quả hơn. IDC ước tính nếu tự xây dựng giải pháp từ đầu từ nguồn mở cũng sẽ mất ít nhất từ 2-2,5 năm. Đi kèm với đó là việc phải đầu tư nguồn lực rất lớn về nhân sự, chi phí.

Sau quá trình tìm hiểu, làm việc với hàng loạt công ty cung cấp platform quản trị dữ liệu trong và ngoài nước, IDC quyết định lựa chọn Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) trở thành đối tác chính thức.

Một trong những lý do quan trọng của quyết định này là việc VTCC đã xây dựng thành công nền tảng phân tích dữ liệu chuyên sâu Viettel Data Mining Platform (DMP), sản phẩm sau đó đã xuất sắc đạt giải thưởng Sao Khuê 2022.

Viettel DMP là nền tảng khai phá dữ liệu đầu tiên do các chuyên gia Việt Nam phát triển cho doanh nghiệp trong nước với khả năng hỗ trợ xử lý, phân tích lượng dữ liệu tăng lên từng ngày, các công cụ truyền thống không thể tối ưu, gây lãng phí. DMP cũng có thể giúp dự báo và phân tích rủi ro, phát hiện bất thường trong quản lý, từ đó đưa ra đề xuất giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình, tối ưu hóa lưu trữ và nâng cao năng suất lao động lên đến 35%.

Không có ngoại lệ

Nhận "đề bài" của IDC với cam kết triển khai thần tốc "6 tháng", các chuyên gia VTCC biết sẽ phải căng sức với dự án này. "Viettel DMP là một công cụ mạnh. Nhưng để tích hợp, xử lý lượng dữ liệu khổng lồ của IDC, khoảng 10 terabyte,  với mức tăng trưởng trung bình 10gb/ngày, là rất thách thức", Lê Quốc Đạt, Trưởng sản phẩm Khối Phân tích dữ liệu (VTCC) nhớ lại.

Tính toán ban đầu của VTCC là khâu đồng bộ dữ liệu có thể thực hiện nhanh. Nhưng khi vào việc VTCC phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản đến chính từ...Viettel IDC. Là đơn vụ sở hữu nhiều chứng chỉ quốc tế về an toàn thông tin, việc IDC mở cửa để VTCC tiếp cận hệ thống database vì thế cực kỳ phức tạp, chặt chẽ.

Chuyên gia VTCC không thể kết nối thẳng vào hệ thống dữ liệu IDC mà phải qua nhiều tầng mở khóa, tường lửa. "Cùng thuộc họ "Viettel" nhưng không vì thế VTCC được tạo tiền lệ mà bắt buộc phải theo đường chuẩn tắc để triển khai lấy dữ liệu", chuyên gia Quốc Đạt (VTCC) nói.

Dữ liệu Viettel IDC phân tán trên 6 hệ thống, database chuẩn khác nhau các cấu hình tường lửa kết nối; hệ thống được bảo mật theo chuẩn quốc tế. Việc tìm được giải pháp tích hợp được các hệ thống đó lại với nhau vừa đảm bảo thời gian và an toàn cho dữ liệu quả thực vô cùng thách thức. Quan trọng nhất là đảm bảo dữ liệu update được thường xuyên, tốc độ đồng bộ dữ liệu phải đáp ứng yêu cầu của 6 hệ thống với 6 database khác nhau, kiểu kết cấu dữ liệu khác nhau.

"Có thể nói việc VTCC hoàn thành tích hợp toàn bộ dữ liệu của một doanh nghiệp lớn về CNTT như IDC trong vòng một tháng thực sự là một thành tựu lớn", chuyên gia Vũ Minh Hoàng (Viettel IDC) đánh giá.

Sau khi hoàn thành quá trình tích hợp dữ liệu các chuyên gia VTCC bước vào giai đoạn xây dựng mô hình phân tích, đánh giá dữ liệu. Đây là giai đoạn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 đối tác "Các giải pháp của VTCC không chỉ thuần túy dựa trên dữ liệu mà cần có tri thức ngành từ IDC để có thể đưa ra mô hình phù hợp nhất", đại diện VTCC chia sẻ.

VTCC xác định sẽ phải hấp thụ kiến thức ngành của IDC để thực hiện các bài toán phân tích đánh giá vì chỉ IDC mới có thể hiểu được khách hàng của mình. Ví dụ như bài toán dự báo về nhu cầu dịch vụ cloud của khách hàng. Đây là một bài toán khá phức tạp do nhu cầu dịch vụ cloud biến đổi tương đối thất thường trong năm, bản thân khách hàng nhiều khi cũng không lường trước được mức tải dẫn đến dịch vụ bị lỗi.

Nhiều trường hợp khách hàng không định lượng được nhu cầu nhưng Viettel IDC xác định nguyên nhân chính vẫn là việc chưa dự đoán được nhu cầu của khách hàng để dự phòng. Trong bối cảnh đó giải pháp dự báo của VTCC đề xuất đã giúp lường trước được phần nào nhu cầu của khách hàng trong tương lai. Dự báo được trước thời điểm IDC có thể định cỡ (sizing) trước, lúc đó dịch vụ của khách hàng sẽ được đảm bảo", chuyên gia Minh Hoàng cho biết.

Ví dụ, một số trang thương mại điện tử, mỗi khi có sự kiện khuyến mại lớn IDC sẽ cảnh báo phải nâng cấp ngay dựa trên dữ liệu lịch sử. IDC chủ động cảnh báo, chủ động chăm sóc, nhìn ra trước vấn đề mà khách hàng có thể gặp phải.  Ngoài ra Viettel IDC có các công cụ tối ưu về băng thông, tối ưu về lượng truy cập của các trang điện tử vì có công cụ để tối ưu website, chăm sóc khách hàng tự động.

Cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp Việt "biến dữ liệu thành tiền"

Sau quá trình hợp tác hiệu quả, thấy rõ tiềm năng của dịch vụ này hai bên đang hợp tác đưa Viettel DMP lên đưa lên hệ sinh thái của IDC. Giải pháp này sẽ giúp xây dựng báo cáo, các luồng tích hợp dữ liệu giúp khách hàng tận dụng data nâng cao hiệu quả quản trị, kinh doanh.

Với năng lực cung cấp cả dịch vụ private cloud lẫn dedicated cloud, IDC có thế mạnh lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp tổ chức trong nước. Thực tế nhiều công ty, tổ chức chính phủ vẫn ngần ngại đưa dữ liệu tin lên cloud. Khi họ thấy có những DN nội cung cấp dịch vụ cloud đáng tin cậy như Viettel IDC thì khi họ lựa chọn đồng nghĩa với việc sẽ gắn bó lâu dài với dịch vụ. "Khi IDC có một hệ sinh thái sản phẩm đang dạng, trong đó có Viettel DMP, chắc chắn IDC sẽ có thêm nhiều khách hàng gắn bó", chuyên gia Lê Quốc Đạt chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện có gần 70% các doanh nghiệp VN đang cần có các giải pháp quản lý dữ liệu, đặc biệt là các SMEs. Đặc biệt mức tăng trưởng cho các dịch vụ cloud đối với khối SMEs đạt mức 24% hàng năm, gấp đôi mức tăng trưởng chung của toàn bộ ngành dữ liệu. Bên cạnh đó nhiều DN, kể các các DN lớn đều đang sở hữu hạ tầng và các giải pháp CNTT, hệ thống quản lý dữ liệu khá lạc hậu nên đây chính là các cơ hội để các DN cung cấp giải pháp chiếm lĩnh thị trường.

"Mảng dịch vụ dữ liệu đòi hỏi quá trình lâu dài vì khách hàng thấy giá trị họ mới đầu tư. Muốn có khách hàng thì mình phải làm trước để khách hàng dùng  thử. Chỉ có các Tập đoàn lớn như Viettel mới thể có đủ nhân lực, có tiềm lực để đầu tư trước và đợi khách hàng. Điều quan trọng là Viettel có thể cung cấp cho khách hàng các giải pháp chuyển đổi số, giúp khách hàng phân tích, đánh giá dữ liệu, đem lại giá trị, giúp doanh nghiệp biến dữ liệu thành lợi nhuận. Chính vì vậy chúng tôi rất lạc quan về tương lai phát triển của dịch vụ này", Trưởng sản phẩm Khối Phân tích dữ liệu (VTCC) cho biết.