Ra-đa được ví như “mắt thần canh giữ của Tổ quốc”. Số quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo ra-đa trên thế giới rất hiếm hoi, bởi đây là lĩnh vực vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, ít ai tin rằng, Việt Nam – một nước cách đây chưa lâu vẫn thuần túy nhập khẩu công nghệ, lại có thể chế tạo được loại khí tài này. Thậm chí, một doanh nghiệp trong nước còn cho ra đời các thế hệ ra-đa hiện đại, có tính năng kỹ-chiến thuật đáng nể, không thua kém so với sản phẩm nhập từ các cường quốc quân sự hàng đầu, góp phần hiện đại hoá nền quốc phòng đất nước. Doanh nghiệp ấy là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT.
BÀI HỌC TỪ LỊCH SỬ
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, Mỹ đặc biệt chú trọng thủ đoạn gây nhiễu ra-đa của ta. Đặc biệt từ năm 1965, khi lực lượng phòng không Việt Nam được trang bị tên lửa SAM-2, Mỹ càng thực hiện gây nhiễu quyết liệt hơn. Đây cũng là giai đoạn khởi đầu cho hành trình chống nhiễu và thắng nhiễu của bộ đội tên lửa Việt Nam. Thời gian đầu, cường độ nhiễu còn nhẹ, các trắc thủ vẫn có thể giúp tiêu diệt máy bay địch bằng các phương pháp điều khiển “nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”.
Sang đầu năm 1967, địch tung ra thủ đoạn mới khi bản thân mỗi máy bay đi trong đội hình tiến công đồng loạt phát nhiễu. Trong hơn nửa năm 1967, bộ đội phòng không không quân, nhất là các tiểu đoàn tên lửa SAM2 ngày đêm vật lộn với đạn bom mà bắn mãi vẫn không trúng máy bay địch. Trong gian khó, các chiến sĩ ta đã nghiên cứu vận dụng thành công phương pháp điều khiển “không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”. Tính ưu việt của bộ khí tài Liên Xô cùng với trí thông minh của các chiến sĩ Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu. Máy bay Mỹ lại liên tiếp bị hạ.
Tháng 12/1967, không quân Mỹ lại thay đổi thủ đoạn gây nhiễu làm cho đạn tên lửa ta hễ rời bệ phóng là bị mất điều khiển. Sau những ngày mất ăn mất ngủ của cán bộ kỹ thuật ta, cuối cùng nguyên nhân đạn rơi đã được làm sáng tỏ. Đó là do nhiễu rãnh đạn - thứ nhiễu lợi hại của địch tác động lên rãnh điều khiển đạn của ta. Các bộ phận trong đài điều khiển và trong quả đạn được gấp rút cải tiến. Sau nhiều lần thử nghiệm, đài điều khiển đã bắt được tín hiệu của quả đạn. Viên đạn lại ngoan ngoãn vút lên bay vào quỹ đạo tìm đến mục tiêu quật ngã máy bay địch. Một lần nữa ta đã thắng.
Quá trình tạo ra những sản phẩm ra-đa đầu tiên của VHT là chuỗi ngày nghiên cứu, học hỏi không ngừng và trường kỳ thử nghiệm thực địa để tìm ra con đường chưa ai từng đi
Bốn năm sau, tháng 4/1972, đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 tại miền Bắc với vũ khí và phương tiện chiến tranh được cải tiến hiện đại hơn trước rất nhiều. Những thiết bị gây nhiễu thế hệ mới của không quân Mỹ ra đời đã làm cho tên lửa phóng lên lại không tìm đúng mục tiêu. Từ ống kính nhìn xa đặt trên nóc đài quan sát, ta phát hiện quả đạn tên lửa khi bay lên tìm máy bay địch cứ chui vào khe giữa 2 chiếc máy bay, vượt qua mục tiêu rồi vọt thẳng lên cao và tự hủy. Qua phân tích nghiên cứu hiện tượng, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân: do địch giãn rộng đội hình bay, kết hợp tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu làm lạc hướng quả đạn. Ta lại cải tiến khí tài thêm một bước, đổi mới phương pháp bám sát mục tiêu, kết hợp ra-đa với kính quang học. Máy bay Mỹ lại tiếp tục bị tiêu diệt.
Câu chuyện từ những người đi trước đã giúp anh em Trung tâm Ra-đa, VHT rút ra được 2 bài học quan trọng để tự tin đảm trách những nhiệm vụ lớn. Một là, thách thức dành cho lính ra-đa không bao giờ dừng lại. Và hai là, quan trọng hơn, trí tuệ Việt Nam đủ sức chấp nhận và “giải quyết” các thách thức ấy.
“GHI TÊN VIỆT NAM LÊN BẢN ĐỒ RA-ĐA QUÂN SỰ THẾ GIỚI”
11 năm trước, khi Viettel nhận nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất ra-đa và chế tạo một sản phẩm hoàn chỉnh, chưa có đơn vị nào trong toàn quân làm điều tương tự. Đó cũng là thời điểm tiền thân của VHT là Viện nghiên cứu và Phát triển Viettel được thành lập (19/01/2011). Dự án chế tạo ra-đa đầu tiên chỉ có 5 người, mỗi người phụ trách một bộ phận và kiến thức về ra-đa lúc bấy giờ là con số 0.
Trong giai đoạn 2010-2014, để bắt tay chế tạo ra-đa, các kỹ sư VHT phối hợp với một đơn vị khác để hoàn thiện sản phẩm. Nhưng đây chỉ là sản phẩm hiện đại hoá từ đài ra-đa cũ. Cũng trong thời gian đó, song song với việc chế tạo sản phẩm trên, dựa vào cơ sở nghiên cứu thiết kế cũng như kinh nghiệm thực tế, một ra-đa cảnh giới phòng không được ra đời bởi chính người Viettel: ra-đa 2D cảnh giới bắt thấp dải sóng đề-xi-mét.
Là người vừa trực tiếp tham gia đội nghiên cứu sản xuất, vừa tham gia quá trình nghiệm thu, Thiếu tá Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Ra-đa (VHT) nhớ lại: “Trận địa thực hiện thử nghiệm diễn ra tại Kiến Xương (Thái Bình) trên một cồn đất heo hút, bao quanh là nghĩa trang. Thời gian anh em làm việc tại đây kéo dài trong 3, 4 tháng liên tiếp, tần suất làm việc liên tục từ thứ 2 đến thứ 7 với cường độ 12-14 tiếng/ngày. Hình ảnh các kỹ sư khi thức gõ bàn phím làm việc, khi ngủ ôm bàn phím là hết sức quen thuộc. Nhóm dự án làm việc trong cabin gồm 6, 7 bộ phận chuyên môn. Để tiết kiệm thời gian, các bộ phận nghỉ ngơi tại chỗ và thay nhau ngủ, đến lượt bộ phận nào vận hành hệ thống, bộ phận đó dậy thực hiện nhiệm vụ”.
Tháng 1/2015, sản phẩm này nghiệm thu thành công cấp Bộ Quốc phòng. Đây là sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực ra-đa do chính người Viettel làm chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế đến gia công sản xuất. Ra-đa 2D cảnh giới bắt thấp dải sóng đề-xi-mét được tiến hành sản xuất hàng loạt trang bị cho các quân chủng.
Những ngày tháng làm việc vất vả trên thực địa của các anh em Trung tâm Ra-đa (VHT)
Thiếu úy Phùng Thái Hà, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không – Không quân nhận xét: “Ra-đa do Viettel nghiên cứu, sản xuất khác các loại ra-đa nhập từ nước ngoài. Cụ thể như tính năng kỹ thuật chiến đấu được bảo mật tốt hơn. Ra-đa được cung cấp bởi nước ngoài không bảo đảm khả năng bảo mật, đặc biệt là tần số. Nếu lộ lọt về tần số sẽ giảm khả năng chiến đấu của khí tài, dễ bị địch gây nhiễu, từ đó làm giảm khả năng chiến đấu của đơn vị”.
Năm 2017, sản phẩm ra-đa cảnh giới phòng không này được xuất khẩu sang Lào. Sự kiện ghi tên Việt Nam vào danh sách số ít các quốc gia trên thế giới có thể sản xuất thành công thiết bị quân sự hiện đại để quản lý vùng trời. Để đạt được “quả ngọt” là cả một quá trình học hỏi không ngừng nghỉ của các kỹ sư VHT. Theo như chia sẻ của Giám đốc Trần Vũ Hợp, chìa khóa duy nhất để giải bài toán từ con số 0 về kiến thức đến xuất khẩu thành công sản phẩm ra-đa “Make in Vietnam” chính là làm thật nhiều để lấy kinh nghiệm thực tế. Giám đốc Trung tâm Ra-đa phân tích, khi dành nhiều thời gian cho công việc, thực sự “lăn lộn” hết mình với sản phẩm sẽ gỡ rối được từng chi tiết dù là nhỏ nhất.
“Khi làm chủ được sản phẩm, dù khách hàng yêu cầu ra sao, chúng tôi cũng xác định được nên làm theo hướng nào và cân đối mất bao nhiêu thời gian. Bình thường mọi người làm việc 8 tiếng thì chúng tôi làm việc 12-14 tiếng/ngày, thậm chí làm xuyên đêm. Hình ảnh các thầy giáo của trường Học viện Kỹ thuật quân sự làm việc cùng các kỹ sư VHT đến khuya lúc bấy giờ không hiếm gặp bởi chính những người đứng lớp cũng “cảm” văn hoá Viettel. Đó là không bao giờ làm việc hết giờ mà chỉ nghỉ khi hết việc. Để làm được một sản phẩm ra-đa hoàn chỉnh phải trả giá bằng thời gian và không thể đốt cháy giai đoạn”, Giám đốc Trần Vũ Hợp nhớ lại.
TIẾP TỤC CHINH PHỤC ĐỈNH CAO
“Tháng 5/2018, sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, sản phẩm ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX do VHT sản xuất đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu thành công”, Kỹ sư Lê Trung Đức, Chủ nhiệm dự án Ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX, Trung tâm Ra-đa, VHT chia sẻ. Đó là tiền đề để sản phẩm được tiến hành sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị trong Quân chủng Hải quân. Đài có khả năng phát hiện các mục tiêu trên mặt nước với cự ly lên đến 100 hải lý (tương đương 185 km), độ chính xác rất cao - nhỏ hơn 15m; có khả năng phát hiện các mục tiêu bay thấp trên biển ở khoảng cách tối đa 50 hải lý (gần 90km) và khả năng xử lý đồng thời hơn 1.000 mục tiêu.
Đài ra-đa này có khả năng làm việc 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam, đặc biệt với môi trường có nồng độ muối biển cao. Đáng chú ý, nhờ nghiên cứu áp dụng các công nghệ 4.0 mới nhất về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đài ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX có thể ứng dụng mạng neuron cho mục đích phát hiện bám sát mục tiêu trên nền nhiễu dày đặc, đồng thời hỗ trợ phân loại và nhận diện loại mục tiêu trong vùng quan sát, giúp tăng cường khả năng cảnh báo và tác chiến cho Hải quân Việt Nam.
Kỹ sư Lê Trung Đức, Chủ nhiệm dự án Ra-đa cảnh giới biển tầm trung, nhớ lại câu chuyện khởi đầu vào năm 2015. Quân chủng Hải quân có nhu cầu trang bị đài ra-đa có chức năng quan sát, phát hiện các loại mục tiêu trên biển và trên không tầm thấp. Yêu cầu công nghệ đặt ra là khí tài phải sở hữu tham số tính năng kỹ - chiến thuật tương đương với loại đài ra-đa Score 3000 của Pháp mà Quân chủng đang sử dụng, nhưng cần cải tiến để phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam. Đề bài đặt ra đã đủ rõ ràng nhưng đương nhiên, “cách giải” không hề đơn giản.
Thời gian làm việc của các kỹ sư ra-đa tại địa điểm nghiệm thu kéo dài trong 3-4 tháng liên tiếp với tần suất làm việc lên đến 12-14 tiếng/ngày từ thứ 2 đến thứ 7
Dưới sự dẫn dắt của ông Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Ra-đa, VHT, nhóm kỹ sư trẻ gồm khoảng 20 người đã được tập hợp lại và ngay lập tức bắt tay vào công tác nghiên cứu. Tại thời điểm đó, đài ra-đa như Score 3000 hoạt động ở băng tần X, được sử dụng những công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất trên thế giới. Trong khi đó, VHT mới chỉ chế tạo các đài ra-đa băng tần UHF với quỹ kinh nghiệm và kiến thức non trẻ.
Kỹ sư Lê Trung Đức cho biết, về cơ bản Bộ Quốc phòng đặt đầu bài ra-đa cảnh giới biển tầm trung của VHT là tương đương với ra-đa Score 3000 của Pháp. Nhưng các ra-đa Score 3000 luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các kỹ sư VHT không có nhiều cơ hội tiếp cận sâu các thành phần của khí tài này. Chính vì vậy, kỹ sư của VHT buộc phải giải các tham số hệ thống bằng cách tự chủ hoàn toàn trong thiết kế. Riêng giao diện người dùng cuối cùng, kỹ sư VHT đã thiết kế 36 phiên bản để đáp ứng mọi yêu cầu từ đơn vị hải quân. Và tháng 10/2016, VHT cho ra mắt sản phẩm mẫu, cơ bản đã hình thành các tính năng chiến-kỹ thuật của ra-đa cảnh giới biển tầm trung này.
Trong suốt quá trình thai nghén đến khi một sản phẩm ra-đa hoàn chỉnh ra đời, không ít lần các kỹ sư VHT phải “nếm mật nằm gai”. Đầu tháng 11/2020, nhóm thực hiện dự án ra-đa cảnh giới bờ biển tầm trung tổ chức thực hiện nghiệm thu thực địa tại một số trạm ra-đa, chuẩn bị nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng lô 17 đài sản xuất hàng loạt. Việc triển khai nghiệm thu thực địa tại trạm ra-đa 510 (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) diễn ra khi địa phương này đang gặp mưa lớn do ảnh hưởng bão số 13. Mặc dù vậy, với tinh thần bảo đảm kế hoạch đề ra, nhóm dự án vẫn quyết tâm đưa máy đo và các dụng cụ lên trạm ra-đa 510 trên đỉnh núi Lạch Trường. Trong quá trình di chuyển, đường rất trơn và lầy, xe ô tô bị rê bánh quay ngang, anh em kỹ sư phải xuống lấy đá và cành cây rải lên đường để xe nhích từng mét. Khi còn cách trạm chừng 600m, xe không thể đi được nữa, anh em kỹ sư quyết định đầu trần, chân đất đi dưới trời mưa vác máy móc lên đến trạm.
Vất vả là vậy, nhưng không một kỹ sư nào rời bỏ vị trí bởi theo như chia sẻ của Giám đốc Trần Vũ Hợp: “Chúng tôi làm đến khi hoàn thành nhiệm vụ và niềm hạnh phúc chính là việc chất lượng khí tài ngày càng tăng lên”.
“MẮT THẦN” VIETTEL TRÊN MỌI MIỀN TỔ QUỐC
Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ được biết tới là nước đi sau thế giới về công nghệ và chỉ nhận chuyển giao từ nước khác, thì nay với việc làm chủ ra-đa, tình thế đã thay đổi. Những thành công bước đầu trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị công nghệ cao này là minh chứng cho thấy nếu có khát vọng và dũng khí vượt qua thách thức thì người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trong khoa học công nghệ.
Đến nay, các sản phẩm ra-đa do VHT nghiên cứu phát triển đa dạng về chủng loại như: ra-đa 2D, 3D thuộc các thế hệ thứ 2, 3, 4, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển và chỉ thị cho hỏa lực. Sản phẩm ra-đa của VHT được áp dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay, như: Công nghệ số hóa trực tiếp cao tần; công nghệ ăng-ten mảng pha quét búp sóng điện tử chủ động; công nghệ thu phát và xử lý tín hiệu điều tần tuyến tính liên tục… VHT xác định rõ mình là doanh nghiệp toàn trình, tức là trọn gói từ khâu nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh đến các hoạt động sau bán (bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì).
Kết quả của những nỗ lực không ngừng của VHT là các đài ra-đa được lắp đặt tại nhiều vùng miền trên Tổ quốc, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến miền biển Phú Quốc (Kiên Giang)... Trong tương lai gần, bên cạnh mục tiêu tiếp tục giữ vững thương hiệu đứng đầu Việt Nam, VHT đặt mục tiêu đến 2025 lọt vào Top 5 nhà thiết kế, cung cấp ra-đa hàng đầu châu Á.