Tại khu tập thể M3 ở làng thợ Xuân Khanh, những đứa trẻ đã lớn lên không chỉ trong vòng tay yêu thương bố mẹ mà còn từ tình cảm của người M3. Khi trưởng thành, mang trong mình khối óc và trái tim của M3, của người Viettel, họ tiếp nối truyền thống của gia đình, viết tiếp trang sử hào hùng của đơn vị.
Từ khi mới thành lập năm 1971, ban lãnh đạo M3 đã có tầm nhìn chiến lược xây dựng môi trường không chỉ là nơi để làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai cho cán bộ, công nhân viên. Mỗi thành viên trong đại gia đình M3 được công ty lắng nghe tiếng nói, trân trọng cống hiến, đề cao tinh thần làm việc, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng. Cứ thế, tập thể được xây dựng đoàn kết, vững mạnh theo năm tháng. Sự đoàn kết là sợi dây gắn kết người lao động, tiến đến mục tiêu xa hơn thu hút nhân tài, nguồn lao động chất lượng cao từ chính thế hệ sau của cán bộ công nhân viên M3.
Ở làng thợ Xuân Khanh, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân sống cùng nhau trong khu tập thể được M3 xây dựng ngay trong thập niên 1970. Tại đây, cán bộ công nhân xem nhau không chỉ là đồng nghiệp mà còn là gia đình. Nhiều gia đình đến nay đã có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên, gắn bó với M3.
Thượng tá Vũ Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy, phó giám đốc công ty Thông tin M3 tự hào khi nhắc đến sự gắn kết về mặt con người của M3 trong bối cảnh lịch sử đặc biệt:
“Hiện nay, lượng lớn đội ngũ cán bộ nhân viên của M3 đều xuất phát từ gia đình có bố, mẹ làm việc tại M3 ở các thời kỳ trước đây. Tại M3, số lượng các gia đình có truyền thống 2-3 thế hệ gắn bó với nhà máy lên tới 60-70% nhân lực lao động… Chính nhờ sự gắn bó có tính truyền thống, chia sẻ nhiều giá trị chung nên các thành viên của M3 có sự gắn kết rất đặc biệt, là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của M3.”
M3 là mối ân tình không phai của nhiều thế hệ
Bố mẹ cùng công tác tại M3, chị Vũ Thị Thanh Hải, cán bộ Xí nghiệp Cơ khí, công ty Thông tin M3 được sinh ra và lớn lên trong khu tập thể dành cho cán bộ công nhân viên M3 ở làng thợ Xuân Khanh. Ngoài sự chăm sóc của bố mẹ, các cô giáo tại trường mầm non Họa Mi, ngôi trường do chính công ty M3 mở ra dành cho con em của cán bộ, công nhân viên từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi để người lao động yên tâm sản xuất, chị Hải cùng nhiều đứa trẻ khác còn nhận được quan tâm, tình cảm của các cô chú trong khu tập thể từng bữa ăn, giấc ngủ, đọc báo thiếu nhi do Nhà máy cung cấp, tham gia văn nghệ, thưởng thức trái hồng xiêm chín mọng, những quả chuối vàng rực là thành quả của bố mẹ và các cô các chú tăng gia có được. Tình yêu M3 đến với chị Hải từ những kỉ niệm gần gũi, câu hát giản đơn như vậy.
Chị Vũ Thị Thanh Hải (ngồi) và chị Nguyễn Lan Anh
Sau những tháng ngày màu hồng, biến cố chợt xảy đến với chị Hải, người mẹ ra đi khi chị chỉ mới 17 tuổi. Gia đình rơi vào khó khăn kinh tế, gánh nặng cơm áo, gạo tiền đổ lên vai người bố. Ban lãnh đạo M3 khi đó nhận thấy phẩm chất, năng lực chị Hải phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng người lao động của M3, trân trọng những đóng góp của gia đình chị với công ty nên đã tuyển dụng chị Hải về làm việc. Một trong những mục đích tuyển dụng cũng là để tạo nguồn thu nhập, giải quyết khó khăn kinh tế hiện tại của gia đình: “Những lúc tôi khó khăn nhất trong cuộc sống, M3 luôn xuất hiện giúp đỡ tôi. M3 thật sự là gia đình của tôi.”
Tự hào về truyền thống nhà máy, về tình cảm M3 dành cho gia đình mình, chị Hải luôn nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong công việc. “Giờ đây khi các con tôi đến độ tuổi lựa chọn con đường cho bản thân, các cháu bày tỏ với tôi mong muốn tiếp nối truyền thống gia đình, làm việc tại M3. Cháu được lãnh đạo công ty tạo điều kiện quan sát, học tập về quy trình làm việc, chuẩn bị tốt cho hành trang sắp tới.”
Sống bên cạnh gia đình chị Hải tại khu tập thể M3 Xuân Khanh, chị Nguyễn Lan Anh, cán bộ phòng quản lý sản xuất là thế hệ thứ hai trong gia đình làm việc tại M3. Từ bé, chị được bố cho theo chân lên nhà máy. Kí ức M3 với chị là những “chiếc máy to to phát ra tiếng kêu lớn”, tham gia diễn văn nghệ cho các cô chú M3 vào những dịp lễ đặc biệt, là những kỉ vật của bố vinh dự được M3 trao tặng hay câu hát ru à ơi của cô giáo tại trường mầm non Hoạ Mi.
Năm 2003, chị Lan Anh đứng trước nhiều cơ hội việc làm rộng mở. Chị được bố động viên, tiếp thêm động lực trở về quê nhà để làm việc tại M3: “Buổi nói chuyện riêng của bố với tôi hôm đấy đã làm tôi thay đổi quyết định đi tìm việc. Bố nắm chặt tay tôi, kể cho tôi nghe về niềm hạnh phúc của bố khi được làm việc tại M3. Cảm ơn bố thật nhiều vì bố đã cho con lựa chọn không thể nào tuyệt vời hơn.”
Người M3 sẻ giọt máu đào cho nhau
Đến nay, chị Hải vẫn nhớ mãi những giây phút sinh tử khi hạ sinh đứa con đầu lòng. Giữa cuộc sinh, chị gặp biến chứng sản khoa, nguy cơ thiếu máu cao trong khi nguồn máu của bệnh viện không có nhóm máu phù hợp.
Không một phút do dự, lãnh đạo công ty Thông tin M3 đã cấp tốc cử chuyến xe cứu hộ chở anh Khuất Duy Hảo, cán bộ phòng Chính trị và anh Đặng Đức Long, cán bộ xí nghiệp cơ khí Tích hợp, thuộc công ty M3 có nhóm máu tương thích với chị Hải để kịp thời cung cấp lượng máu cho thai phụ, không ảnh hưởng đến tính mạng của 2 mẹ con.
Sau thời gian cấp cứu, ca mổ thành công, bé Nguyễn Thái Sơn, con trai đầu lòng của chị Hải ra đời trong niềm vui không chỉ gia đình chị Hải mà còn cả tập thể M3: “Người M3 đã mang đến mạng sống thứ 2 cho tôi. Trong người tôi đang chảy dòng máu của người đồng chí M3. Với tôi, họ không chỉ là đồng nghiệp mà còn là ân nhân, là gia đình của tôi”, chị Hải nghẹn ngào cảm xúc.
Câu chuyện của chị Lan Anh cũng tương tự như vậy. “Máu ra nhiều quá, nếu chậm một chút nữa thôi, tính mạng bệnh nhân khó bảo toàn”, câu nói của bác sĩ cấp cứu khi chị bị băng huyết sau sinh ngày nào vẫn như đang văng vẳng bên tai.
Bàn tay bế chặt đứa con đầu lòng mới chỉ 7 ngày tuổi, sàn nhà đã ướt đẫm máu chảy ra từ cơ thể chị Lan Anh vốn chưa hồi phục sức khỏe sau sinh, nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng rất cao. Sau khi nhận được yêu cầu cấp cứu từ gia đình chị Lan Anh, một chuyến xe cũng cấp tốc được cử đến khu tập thể M3, kịp thời đưa chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Đồng thời, anh chị em đồng nghiệp của chị Lan Anh nghe tin cũng ngay lập tức có mặt ở nhà chị để hỗ trợ công tác cấp cứu. Một số đồng nghiệp có cùng nhóm máu với chị Lan Anh đã túc trực ở văn phòng công ty, sẵn sàng tiếp máu khi bệnh viện yêu cầu. Một số đồng nghiệp nữ khác giúp chị chăm sóc em bé trong thời gian chị điều trị bệnh tại bệnh viện. Chị ở viện bao nhiêu ngày cũng là từng ấy ngày gia đình chị được chăm sóc dưới bàn tay của những người đồng nghiệp.
“Tôi rất xúc động trước tình cảm của những người đồng nghiệp M3 thân yêu dành cho tôi. Tình cảm của tôi dành cho những người bạn, đồng chí tại M3 còn hơn cả tình thân.”
Những đứa trẻ sinh ra ở M3 có 2 gia đình
Ở làng thợ Xuân Khanh, người M3 thường nói đùa với nhau những đứa trẻ sinh ra ở đây có 2 người bố, 2 người mẹ.
Gần 20 năm làm việc tại M3, không ít lần chị Lan Anh, chị Hải cùng nhiều đồng nghiệp khác sống cùng khu tập thể M3 phải tăng ca, làm việc thêm thời gian để kịp tiến độ công việc nên khi trở về nhà, trời đã tối muộn, không dành nhiều thời gian lo toan cho các con. Những lúc như vậy, người M3 đã cùng hỗ trợ nhau để những người thân đang trên “mặt trận” sản xuất yên tâm công tác.
Chị Vũ Thị Thanh hải tham gia biểu diễn văn nghệ tại M3 ngày còn bé
“Anh chị em M3 được tan làm sớm thì đóng vai trò là tài xế trẻ, đón những em bé từ trường mầm non Họa Mi về đến nhà riêng của từng người. Đồng chí nào được công ty bố trí tăng cường thời gian làm việc sẽ được những bạn đồng nghiệp xung quanh chăm sóc cho các em bé, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa ăn, ru các bé ngủ để bố mẹ yên tâm làm việc.”, chị Hải chia sẻ.
Tình cảm của những người lao động M3 là bó rau mới hái từ vườn rau tăng gia ở mảnh vườn nhỏ, là những đêm thay khăn ấm, ôm trọn vào lòng các bé nhà kế bên khi bé bị sốt nhưng bố mẹ tăng gia sản xuất ở công ty. Tại khu tập thể M3, những đứa trẻ không còn gọi cô, chú hàng xóm nữa mà thay bằng mẹ hai, bố hai. Những đứa trẻ hạnh phúc khi có 2 gia đình, nhận được tình yêu thương gấp đôi, dòng máu M3 đã được nuôi dưỡng từ những tình cảm giản đơn nhưng thấm đẫm ân tình.
Trở về khu tập thể M3, giờ đây, chị Hải, chị Lan Anh đều đã có ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn. Vẫn cánh cửa sổ phai màu, vẫn gương mặt thân quen đón chào các chị trong niềm vui, hạnh phúc của đoàn tụ. Dù đi xa nơi đâu, họ vẫn tìm về nhau, vẫn vẹn nguyên tình nghĩa, vẫn xem là những người anh em ruột thịt.
Người M3 là vậy. Họ có thể đến từ bất kì nơi đâu, ở nhiều độ tuổi khác nhau. M3 đã gắn kết họ với nhau. Từ người xa lạ, M3 đưa họ đến với nhau, trao nhau trái tim, giọt máu, để cùng nhau gắn kết, tạo nên gia đình thứ hai. M3 là một gia đình.