Khi tình yêu gia đình hòa quyện cùng tình yêu đất nước

Đằng sau những nỗ lực của 49 kỹ sư tham gia 2 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ là một gia đình luôn thấu hiểu, quan tâm và chia sẻ.

Những bữa cơm ngon canh ngọt đợi sẵn, những dòng tin nhắn động viên: “Anh đừng lo, em lo được”, những chia sẻ thật lòng: “thương vợ, khâm phục vợ”,… tất cả những điều tưởng chừng như hết sức bình dị ấy là điểm tựa vững chắc để mỗi kỹ sư toàn tâm toàn ý với công việc, cống hiến hết mình nghiên cứu những sản phẩm quân sự hữu ích. Những con người ấy-tình yêu gia đình đang hòa cùng tình yêu đất nước

Chị Nguyễn Thị Toàn, kỹ sư Phòng Tự động hoá, Trung tâm công nghệ cơ khí - tự động hoá, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là một trong 2 nữ kỹ sư duy nhất tham gia Thiết kế, chế tạo ra-đa cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là công trình đã giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN trong lĩnh vực quân sụ, quốc phòng năm 2022. 

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, chị Toàn bắt đầu hành trình cuộc sống mới tại Viettel. Tại đây, chị lập gia đình với một kỹ sư trẻ Cấn Văn Lịch - người mà đối với chị “Anh ấy cũng là dân kỹ thuật vì vậy hiểu công việc của mình. Dân kỹ thuật mà, nên nói lời động viên thì không nói được nhưng anh ấy chứng minh bằng những hành động hỗ trợ”. Hàng ngày, gia đình chị cùng nhau thức dậy trước 6 giờ sáng, sau khi sửa soạn xong, anh Lịch đưa bé Jim đi học. Còn chị Toàn di chuyển từ Mỹ Đình tới bến xe tại Bệnh viện Thể Thao lên làm việc tại trụ sở VHT tại Khu CN cao Hòa Lạc.


Niềm vui nhân lên khi vinh quang của mỗi cá nhân người Viettel có cả người thân yêu trong gia đình nhỏ, ngôi nhà chung. 

Chia sẻ về công việc của mình, chị Toàn cho biết đặc thù công việc của kỹ sư công nghệ là khi đang làm việc gì dở dang sẽ cuốn làm tiếp, chứ không hết giờ là về. Vì vậy, chuyên tăng ca làm tối muộn, kéo dài tới đêm, hay thậm chí có đợt mấy ngày đêm liên tiếp là hết sức bình thường. Gia đình chị Toàn hiểu tính chất và cường độ nên mọi người đều thông cảm. Anh Lịch cũng bày tỏ chân thành rằng: “Mình cũng làm trong lĩnh vực R&D nên hiểu và ủng hộ công việc của vợ. Phụ nữ để mà làm được R&D lâu dài thì cần ý chí và nghị lực gấp đôi so với đàn ông. Mình thực sự khâm phục cô ấy!”

Tiếp lời anh, chị Toàn cười nói:  “Khi chưa lấy chồng, để con gái tập trung cho công việc, mẹ mình nhận làm hết. Còn từ khi lấy chồng vào tháng 5/2018, may mắn là anh nhà cũng hỗ trợ. Cũng có lúc chúng mình tranh luận nhưng sau đó hiểu nhau thì cứ ai giai đoạn nào có việc gì cao điểm thì người còn lại hỗ trợ lo việc nhà. Nấu cơm, rửa bát, quét nhà hay chăm con chồng mình đều làm được hết nên mọi việc diễn ra cũng suôn sẻ khi mình vắng nhà”. Để tránh phát sinh những điều không hay, anh Lịch và chị Toàn thường trao đổi trước với nhau về công việc trong tuần. Nếu vợ bận, anh có thể làm hết các việc trong gia đình, trường hợp hai vợ chồng không sắp xếp được thì thuê giúp việc theo giờ.

Biết bạn đời của mình là người chịu áp lực rất tốt, song nhiều lúc, anh Lịch vẫn thấy rằng: “Mình rất thương vợ!”. Nếu chữ “yêu” nghe nồng nàn, da diết thì chữ “thương” nghe khép nép hơn, có gì đó âm thầm mà bền bỉ, cũng vì thương mà hiểu, thông cảm để từ đó cùng nhau sẻ chia và gánh vác. Chữ thương có lẽ vì thế mà bền chặt hơn cả yêu. Đằng sau lưng chị là một đàn người đàn ông rất thấu hiểu. Và thậm chí là người đàn ông ấy còn mạnh mẽ hơn chị rất nhiều, nhưng sự mạnh mẽ ấy được thể hiện bằng sự thấu hiểu về công việc và cuộc sống người vợ của mình.

Nếu chữ “yêu” nghe nồng nàn, da diết thì chữ “thương” nghe khép nép hơn, có gì đó âm thầm mà bền bỉ, cũng vì thương mà hiểu, thông cảm để từ đó cùng nhau sẻ chia và gánh vác.

Tương tự như chị Toàn, công việc cũng đòi hỏi kỹ sư Đặng Anh Quang, phòng Thiết kế kết cấu và truyền động, Trung tâm công nghệ cơ khí - tự động hóa dành nhiều thời gian nghiên cứu sản phẩm. Không biết từ bao giờ, câu cửa miệng khi về nhà của anh Quang là: “Vợ ơi, anh mệt”. Anh nói rằng, có những hôm mệt thật nhưng cũng có lúc là quen miệng. Khi đó, chị Trương Trần Thảo Na, vợ anh sẽ hỏi: “Thế thích ăn gì nào?…”. Chắc hẳn, đối với anh, câu nói ấy thể hiện một điều rằng, gia đình, vơ con là nơi anh mong muốn tìm về với sự bình yên và chăm sóc. Anh trai lòng: “Mình thật sự cần gia đình. Gia đình là chỗ dựa vững chãi để mình yên tâm làm việc và từ đó, cố gắng đem lại những gì tốt nhất về với những người thân yêu. Những ngày làm việc xa nhà, con ốm, thử hỏi mình sẽ an tâm thế nào nếu không nhận được tin nhắn: “Em lo được, có ông bà nữa. Việc cần thì anh mới phải đi. Anh đừng lo”, những lời nhắn nhủ đó nhiều đến mức mình không nhớ đã nhận bao nhiêu lần”.

Còn đối với gia đình Đại úy Trần Trung Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Ra-đa, anh kể, mọi người trong nhà chỉ biết mình làm về ra-đa nhưng không biết công việc cụ thể là gì, không biết ra-đa có đặc thù, hình dáng như thế nào. Nhiều lần thấy chồng sau khi hết giờ tại cơ quan vẫn tiếp tục mang việc về nhà làm đến rạng sáng, chị Đinh Thị Thúy An-vợ đồng chí Đặng Trung Kiên chỉ lặng lẽ quan sát, không lời than vãn bởi nhìn anh khoác lên mình bộ quân phục xanh, chị An hiểu lý tưởng của người bạn đời là gì. “Mình biết công việc của anh đòi hỏi tính bảo mật nên sẽ không ra bàn làm việc của anh tìm hiểu. Công việc của anh có những đặc thù vất vả riêng nên mình hỗ trợ anh theo cách khác. Đó là cùng anh chăm sóc cho gia đình nội ngoại yên ấm, nấu những bữa cơm ngon đợi anh về,… mình là hậu phương để anh toàn tâm toàn ý với công việc”.


"Chữ “thương” nghe khép nép hơn, có gì đó âm thầm mà bền bỉ, cũng vì thương mà hiểu, thông cảm để từ đó cùng nhau sẻ chia và gánh vác".

Gần 2 tháng trước, khi nhận tin đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, niềm vui xen lẫn niềm tự hào là cảm xúc chung của 49 tác giả và gia đình của họ. Đối với họ, đây là món quà mang tên hy vọng. Món quà ấy được tạo nên không chỉ nhờ sự nỗ lực của bản thân 49 kỹ sư mà còn chứa đựng cả tình yêu thương từ gia đình của họ. Tình yêu thương gia đình đọng lại ở những cử chỉ thân ái, săn sóc, chở che, giúp đỡ, động viên, chia sẻ, hy sinh vì nhau. Cho dù còn có nhiều lo toan, khó khăn trong cuộc sống, họ vẫn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Gia đình đối với những kỹ sư ấy là nơi bình yên để sớm tối đi về, là nơi tiếp thêm cho họ năng lượng tích cực sau những ngày dài làm việc, là chỗ dựa vững trãi để họ yên tâm thực hiện lý tưởng của mình – góp sức xây dựng đất nước trường tồn.