"Lên đến đẳng cấp quốc tế, cần có con người và văn hóa doanh nghiệp ở tầm quốc tế"

Liên tục gặt hái những thành tựu với sản phẩm, bước đi đột phá ra quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025 là trở thành Công ty Cơ khí chính xác hàng đầu Việt Nam, đồng chí Đặng Đình Thi, Giám đốc M3, luôn khẳng định: “Máy móc và Robot, AI, làm theo con người có thể thay thế con người ở một số công đoạn, nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định”.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển của Công ty Thông tin M3 với những bước tiến vượt bậc về quy mô, tầm vóc và diện mạo. Truyền thống, những đóng góp, cống hiến, kinh nghiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang được thế hệ M3 hôm nay gìn giữ, vận dụng và phát huy như thế nào, thưa đồng chí?

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, những đóng góp cống hiến, kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo và CBCNV cho M3 là vô cùng to lớn. Đó là những tiền đề, nền móng quan trọng cho sự thành công của M3 ngày hôm nay. Được là một thành viên của M3 là một niềm tự hào không chỉ với cá nhân tôi mà còn là của tất cả các thành viên của công ty. Những giá trị truyền thống của người lính "Bộ đội cụ Hồ" như tinh thần kỷ luật, máu lửa, không ngại khó, ngại khổ đã và đang được M3 phát huy mạnh mẽ. 

Trong chặng đường lịch sử 50 năm, M3 có 40 năm gắn bó với Binh chủng Thông tin Liên lạc, 10 năm ở Viettel. M3 mới chỉ thực sự tham gia kinh doanh cạnh tranh trên thị trường từ khoảng 3-4 năm nay. Trong bối cảnh thời đại thay đổi liên tục, đặc biệt về khoa học và công nghệ, M3 xác định phải liên tục thay đổi, nhanh chóng “hòa mình” cùng với dòng chảy thế giới, tiên phong về công nghệ, sản xuất những mặt hàng có giá trị cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy giá trị, văn hóa truyền thống tốt đẹp thấm nhuần hơn nữa giá trị cốt lõi “Kết hợp Đông - Tây” để giúp M3 có thể tiến xa và phát triển bền vững trong tương lai.

Trung tá Đặng Đình Thi, Giám đốc Công ty Thông tin M3

Như khẳng định của đồng chí, tiếp nối truyền thống hào hùng của đơn vị sinh ra từ quân đội, lĩnh hội những kinh nghiệm và đóng góp quý báu của thế hệ đi trước, M3 đã phát huy mạnh mẽ các giá trị ấy kể từ khi trở thành thành viên của Tập đoàn Viettel. Đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của bước chuyển này đối với sự phát triển của M3?

Đầu năm 2010, nhà máy thông tin M3 được Bộ Quốc phòng điều chuyển về Viettel với nhiệm vụ là tiếp tục sửa chữa, sản xuất trang bị khí tài thông tin, thiết bị viễn thông, các sản phẩm phục vụ quốc phòng và kinh tế. Trước đó Bộ Quốc phòng cũng đã có chủ trương thành lập Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, tích hợp nhiều thành phần cấu thành từ nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thực hiện... trong đó Viettel được xác định là nòng cốt.

Viettel định hướng trở thành một Tập đoàn Công nghiệp CNC trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội lớn cho M3 vì trên con đường phát triển cơ khí tự động hóa không thể thiếu được lĩnh vực cơ khí chính xác công nghệ cao.

Từ quy mô ban đầu là một xí nghiệp sửa chữa có doanh thu khiêm tốn thì ngay thời điểm 2010, năm đầu tiên hoạt động dưới sự quản lý của Viettel, M3 đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Đến hiện tại con số này đã tăng trưởng gấp gần 20 lần, đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng 12 lần và thu nhập bình quân của CBCNV tăng 4 lần.

Năm 2016, M3 bắt đầu tham gia sản xuất một số sản phẩm mẫu cho dự án quốc phòng công nghệ cao. Đến nay M3 đã tham gia sản xuất hầu hết các sản phẩm cơ khí cho VTX và VHT. Gần đây nhất, vào tháng 1/2021, M3 đã chính thức tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu khi trở thành một đối tác cung ứng vật tư, linh kiện và thiết bị cho Tập đoàn hàng không vũ trụ Meggitt.

Thực ra với dấu mốc này, M3 thậm chí còn là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và hiện cũng là duy nhất Chính thức tham gia vào cuỗi cung ứng HKVT toàn cầu. Bên cạnh ý nghĩa về sự xuất hiện của một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, thì với bản thân M3, thành tựu này có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Mục đích ban đầu của M3 khi tham gia vào chuỗi cung ứng HKVT toàn cầu là để học hỏi, nâng cao tay nghề, chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư, công nhân. Cùng với đó là việc xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng như AS9100D, NACAP… Ngoài ra, cách quản lý vận hành xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cũng giúp M3 tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

Để gia nhập vào chuỗi cung ứng này, kể từ khi chủ động liên hệ đặt vấn đề hợp tác với Meggitt, chúng tôi đã dành thời gian khoảng 2 năm để chuẩn bị, xây dựng quy trình công nghệ, chế thử, xây dựng các bài đo kiểm và thử nghiệm các sản phẩm mẫu FAI (First Article Inspection), công đoạn kiểm chứng thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo và phương pháp thực hiện. Đây làbước khó khăn nhất vì tất cả các sản phẩm đều yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc vật liệu, dung sai, chất lượng xử lý bề mặt…

Meggitt đã cử nhiều đoàn đến làm việc trực tiếp với M3 để kiểm tra, kiểm toán các quy trình, con người, máy móc thiết bị… đảm bảo M3 đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Trong quá trình làm việc với Meggitt, đội ngũ cán bộ, kĩ sư và công nhân của M3 cũng được nâng cấp theo những chuẩn mực khắt khe của quốc tế.

Việc tham gia vào chuỗi cung ứng thực tế cũng giúp nâng cao uy tín của M3 cũng như Tập đoàn Viettel trên bình diện quốc tế. Các đối tác không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận khi đánh giá M3. Việc có khách hàng là những doanh nghiệp sừng sỏ trên thế giới cho thấy đẳng cấp của M3 đã ở một tầm mức khác.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Thông tin M3 và đối tác Ace Antenna

Hiện nay xu hướng máy móc hiện đại, robot hóa sản xuất, thay thế con người đang diễn ra ngày càng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Góc nhìn của M3 về vai trò của đội ngũ công nhân kĩ thuật như thế nào trong bối cảnh đây là nhóm chiếm đến 60% lực lượng của đơn vị?

Một số người vẫn nghĩ rằng máy móc, robot sẽ thay thế hoàn toàn con người trong một tương lai gần. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng. Con người vẫn là nhân tố quyết định và quan trọng nhất trong mọi công đoạn gia công chế tạo, đặc biệt trong quá trình chế tạo prototype các phiên bản công nghệ, hay quá trình gia công các sản phẩm phức tạp như để gia công chi tiết compressor trong động cơ hành trình có 5 tầng cánh có độ dày mỏng khác nhau, đòi hỏi độ chính xác cao, khả năng vật liệu có thể bị biến dạng trong quá trình gia công lớn… Đội ngũ của M3 phải tiến hành mô phỏng sản phẩm trên máy tính để tính toán, tìm ra các tham số tối ưu như tốc độ quay của trục, tốc độ đi dao, độ sâu của dao…. Cùng với đó, anh em kỹ thuật phải thiết kế các dụng cụ gia công phù hợp như dao cụ, đồ gá…  trước khi đưa vật liệu lên máy CNC. Độ chính xác yêu cầu và vật liệu khác nhau thì các tham số này cũng khác nhau. Tôi đã đi thăm cơ sở chế tạo động cơ như ở Brazil, Ấn Độ hay biết một số cơ sở trong nước làm mò trực tiếp trên máy CNC phải mất thời gian cả 6 tháng đến hàng năm, và làm hỏng rất nhiều mới được sản phẩm yêu cầu.

Ngay cả mô phỏng tính toán để đưa ra bộ tham số tối ưu trên máy tính trước khi đưa vào gia công sản xuất hàng loạt, cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tính toán của con người. Tất cả quá trình này máy móc, robot không thể làm được.

Thực tế cho thấy máy móc và Robot làm theo lập trình của con người, có thể thay thế con người ở một số công đoạn có tính chất lặp lại, như lắp ráp tích hợp, hay các công đoạn gia công các chi tiết đơn giản, đặc biệt robot có thể thay thế con người làm việc trong môi trường độc hại. Hiện nay, máy móc và robot thông minh hơn khi được tích hợp công nghệ AI, nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định. Mấy năm gần đây người ta nói nhiều đến AI, chuyên gia AI, nhưng để giải quyết các bài toán/ dự án trong thế giới thực thì “kiến trúc sư” hay “tổng công trình sư” vẫn phải là những người hiểu rõ bài toán vật lý và bài toán hệ thống trong lĩnh vực của dự án đó.

Đồng chí có chia sẻ gì về tầm nhìn, chiến lược phát triển M3 trong 5 năm tới?

Trong tầm nhìn của M3, 5 năm tới chúng tôi có 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, M3 trở thành đơn vị giữ vị trí trọng yếu trong Tổ hợp CNQP CNC của Tập đoàn Viettel, đi đầu cả nước trong lĩnh vực cơ khí công nghệ cao, đặc biệt công nghệ chế tạo và công nghệ vật liệu. Thứ hai, M3 phải trở thành một nhà thầu quốc phòng có năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ, dầu khí, y tế...

Về công nghệ, chúng tôi tập trung phát triển để đi đầu trong công nghệ chế tạo cơ khí chính xác như gia công cơ khí chính xác, in 3D, đúc mẫu chảy chân không, công nghệ xử lý bề mặt và đặc biệt là công nghệ vật liệu. Chúng tôi sẽ sử dụng những công nghệ và trang thiết bị máy móc được đầu tư cho các dự án quốc phòng để thực thi các sản phẩm dân sự ở các phân khúc đã xác định.

Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, chúng tôi đang tích cực xúc tiến hợp tác với nhiều Tập đoàn quốc tế lớn. Hiện M3 đang trong quá trình đàm phán với Boeing. Hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này hiện đang có động thái chuyển dịch sản xuất khỏi các quốc gia có giá nhân công cao. Việc trở thành đối tác của các thương hiệu lớn như Boeing không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển của M3 còn giúp nâng cao năng lực và vị thế của công ty.

Chúng tôi xác định, muốn có vị trí trên thị trường, M3 phải có những sản phẩm mới, công nghệ đột phá, độc quyền. Còn nếu chỉ sản xuất những sản phẩm "ăn theo", kiểu “me too”, thì chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh, đặc biệt với các sản phẩm của Trung Quốc.

Đại hội Đảng bộ Công ty Thông tin M3 lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025

Nhưng để có những sản phẩm, công nghệ đột phá, thì cũng cần phải có những cơ chế đột phá. M3 đã chuẩn bị gì cho mục tiêu này?

Thách thức lớn nhất là văn hóa và con người. Muốn đạt đẳng cấp quốc tế, chắc chắn phải có những con người ở tầm mức quốc tế và có một văn hóa doanh nghiệp phù hợp. M3 chỉ thực sự kinh doanh theo thị trường trong mấy năm gần đây, đó là thách thức đối với M3. Con người M3 không chỉ có những chuyên môn tay nghề cao mà cần phải thích ứng và góp phần làm cho văn hóa công ty phát triển bền vững.

Chúng tôi đã và đang tích cực đầu tư xây dựng đội ngũ nhân sự tay nghề cao cùng với các quy trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Để những hiền tài về với M3 không chỉ có những chế độ, chính sách tốt, mà còn môi trường văn hóa.

Muốn phát triển bền vững thì yếu tố văn hóa có vai trò rất lớn, văn hóa là thứ rất khó cân đong đo đếm bằng tiền, nhưng lại mang tính nền tảng quyết định sự thành công. Ngoài những giá trị văn hóa chung của Tập đoàn, M3 cũng cần tạo dựng những giá trị văn hóa đặc thù của một đơn vị nghiên cứu sản xuất, là những yếu tố tạo nên sự khác biệt của M3. Chúng tôi xây dựng một tập thể vững mạnh, gắn kết phát huy truyền thống và văn hóa con người Viettel luôn máu lửa, không ngại gian khổ, quyết tâm cao. Với M3, một số văn hóa nổi bật có ý nghĩa sống còn đang được M3 nuôi dưỡng và phát triển đó là: Tinh thần kỷ luật truyền thống của quân đội, tinh thần cống hiến và văn hóa đổi mới, sáng tạo.

Cụ thể những biểu hiện cho tinh thần, văn hóa sáng tạo của M3 là gì?

Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất cáp quang, Ban lãnh đạo công ty luôn khuyến khích việc thử nghiệm những vật liệu tổng hợp mới. Anh em kĩ thuật có thể tìm tòi, thử nghiệm mà không phải sợ sai, sợ hỏng, sợ bị phạt vì Giám đốc đã cam kết chịu trách nhiệm về việc đó.

Nhờ sự khuyến khích này mà trong 2 năm trở lại đây M3 cho ra nhiều loại cáp quang thế hệ mới có chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn, có tính cạnh tranh tốt hơn, giúp M3 thắng thầu nhiều hơn. Đó là những kết quả rất tích cực từ sự khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm.

Chúng tôi luôn khuyến khích văn hóa sáng tạo liên tục, không ngừng đổi mới để làm mọi thứ nhanh hơn, tốt hơn và đơn giản hơn, để tiết kiệm thời gian và chi phí. Mọi việc làm đổi mới hay cải tiến của bất cứ CBCNV cho mục đích như vậy đều có chế độ chính sách khen thưởng kịp thời. Như phần mềm quản lý dao cụ, quản lý vật tư tồn kho…

Một ví dụ khác là năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng mạnh ở nhiều nước châu Âu, hàng trăm nghìn bệnh nhân cần máy thở mà thiết bị này lại quá thiếu. Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ nếu chuyện này xảy ra ở Việt Nam thì sao? Là một công ty công nghệ có năng lực nghiên cứu sản xuất, M3 có thể đóng góp được gì để ngăn chặn đại dịch? Với góc nhìn như thế, tôi đã chỉ đạo anh em M3 bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy thở.Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình nhưng chúng tôi đã thành công, bán được bản quyền thiết kế cho một công ty khác để làm thương mại và họ đã xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ và Ấn Độ.

M3 cũng đã thử nghiệm sản xuất máy in 3D, tuy chưa thành công nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận chuyện đó là bình thường trong quá trình phát triển. Nếu mình không thử nghiệm, không trăn trở sẽ không biết mình có thể làm được gì, và không có kinh nghiệm và bài học để làm những dự án lớn tiếp theo. Hiện tại mảng vật liệu composite cũng đang được đội ngũ kĩ thuật M3 thử nghiệm, đưa ra các ý tưởng khác nhau để thiết kế các loại cột antenna bằng vật liệu này.

Theo quan niệm của chúng tôi cần liên tục duy trì những công việc đó để thúc đẩy sáng tạo, cạnh tranh thay vì giữ tâm lý sợ sai, sợ thất bại.

Xin chân thành cảm ơn đồng chí!