Ngày 7/9/2024, Yagi - cơn bão lớn nhất trong lịch sử hàng chục năm qua đổ bộ vào Việt Nam.

Thiên tai quá khắc nghiệt. Hạ tầng viễn thông, điện lực, giao thông, các công trình kiên cố, những biểu tượng đáng tự hào của nhiều tỉnh, thành phố đã bị cơn bão quật ngã. Sự tàn phá của cơn bão này quá nặng nề và hạ tầng của Viettel cũng chưa bao giờ bị ảnh hưởng nhiều như lần này.

Khi bão tan, lũ lại cuồn cuộn đổ về.

Cùng một thời điểm, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên và nhiều tỉnh miền núi lẫn đồng bằng phía Bắc phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Hạ tầng mạng lưới của Viettel liên tiếp bị tổn thương, nhưng đó chưa là gì so với những mất mát mà đồng bào mình phải đang gánh chịu.

Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở tại các địa phương cấp bách được triển khai. Người Viettel khẩn trương, gấp rút từng giờ, từng phút cải thiện tình trạng gián đoạn thông tin, đảm bảo liên lạc của các đội cứu hộ, cứu nạn được duy trì.

Mặt trận thiên tai không có tiếng súng, không có đạn bom nhưng vẫn luôn có tinh thần quả cảm, xông pha và quyết liệt đến cùng. Người Viettel không chỉ đang làm việc, họ đang chiến đấu.

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Ngày 17/9, Viettel khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Đọc thêm

Viettel hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ 100 tỷ đồng

Tính đến ngày 13/9, Viettel hỗ trợ người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.
Đọc thêm

Viettel khắc phục gián đoạn thông tin tại các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng lũ lụt

Đến ngày 12/9, Viettel về cơ bản khôi phục mạng lưới tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đảm bảo liên lạc cho người dân và công tác cứu hộ, ứng phó thiên tai.
Đọc thêm

Hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi bão Yagi đổ bộ vào đổ liền là bằng ấy thời gian người Viettel căng mình khôi phục, sửa chữa mạng lưới. Mọi nỗ lực đều nhằm giúp chính quyền đẩy nhanh công tác cứu nạn, người dân sớm liên lạc lại bình thường.

Nối lại sợi dây liên lạc giữa hai huyện Sapa và Bát Xát – vùng sạt lở nặng nề nhất của tỉnh Lào Cai là một trong các nhiệm vụ vừa khó nhằn vừa khó quên nhất đối với anh Bùi Hải Nam, nhân viên kỹ thuật viễn thông của Viettel được điều động từ Nghệ An lên các tỉnh miền núi phía Bắc để khắc phục sự cố sau bão Yagi.

Quãng đường núi cần lội bộ 10 km bởi mưa lũ khiến giao thông tê liệt. Có đoạn bùn ngập đến bắp đùi, đôi ủng đem theo bị mắc kẹt, anh Nam và người đồng đội còn lại đành bỏ lại, quấn tạm bìa các-tông vào bàn chân rồi bước tiếp. Con đường vốn đã khó đi, lại càng nhọc nhằn khi hai người còn vận chuyển 20 kg thiết bị sau lưng.

“Tình cảnh vất vả nhưng bớt phần nặng nhọc khi trên đường, người dân nào nhìn thấy chúng tôi, biết mình đang đi dựng lại sóng điện thoại, họ đều hỏi han, chủ động giúp đỡ”, anh Nam kể lại. Người gánh bớt đồ đạc, người thạo đường thì đi lên trước, dặn các anh cứ bước theo dấu chân họ để tránh dẫm phải cành cây, sỏi đá lẫn trong lớp bùn nhão.

Đến khi trạm phát sóng hoạt động trở lại, người dân lại vui mừng cám ơn, bắt tay những người lính Viettel. Trong hơn 1 tuần khắc phục sự cố sau bão Yagi ở 15 tỉnh miền Bắc, người Viettel liên tục oằn mình, chạy đua với thời gian, bất chấp điều kiện thời tiết, ngày đêm đi ứng cứu thông tin. Trên hành trình cam go ấy, mọi vất vả, gian nan của lực lượng kỹ thuật được đền đáp bằng lời cám ơn, động viên, sự ghi nhận của người dân, các cấp chính quyền.

Sóng 4G hỗ trợ tìm kiếm người mất tích

“Đến giờ phút này, sóng Viettel đã trở lại. Tôi xin cảm ơn các đồng chí kỹ thuật của Viettel rất nhiệt tình. Dù đường đi bị chia cắt, rất ít đoàn có thể tiếp cận tới nhưng các anh đã đến sớm và khôi phục lại mạng viễn thông trên địa bàn. Cá nhân tôi đại diện cho UBND xã rất cảm kích và muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc, không biết nói gì hơn”

- anh Lò A Cứu, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chia sẻ vào ngày 14/9.

Những ngày qua, Bát Xát là vùng hứng chịu nặng nề từ lũ cuốn và sạt lở đất liên tiếp ở tỉnh Lào Cai, khiến 15 người chết, 2 người mất tích, 8 người bị thương. Công tác cứu nạn vấp phải một loạt thách thức khi mạng lưới viễn thông bị cắt đứt, những người trong vùng nguy hiểm, bị cô lập không có cách nào liên lạc với bên ngoài.

Trong bối cảnh thiên tai gây những thiệt hại nặng nề về người và của, khôi phục sóng viễn thông nhanh chóng ở khu vực xảy ra sự cố là điều bức thiết. Có sóng viễn thông, thông tin về tình trạng thảm họa, vị trí người bị nạn, và tình hình cứu hộ được truyền tải kịp thời. Nếu không, việc điều hành và quản lý các nguồn lực (y tế, quân đội…) sẽ gặp khó khăn, dẫn đến chậm trễ trong điều phối cứu hộ và giảm hiệu quả cứu nạn.

Cách huyện Bát Xát hơn 100 km về phía đông, ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, lực lượng cứu hộ nói chung và những người lính kỹ thuật Viettel nói riêng cũng dồn hết sức lực để đẩy nhanh công tác tìm kiếm người bị nạn sau vụ sạt lở hôm 10/9, làm sập nhà điều hành thuỷ điện Nậm Lúc và quét qua hàng chục hộ dân thôn Bản Cái. Phó Bí thư thường trực Đảng Ủy xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà - Trương Thị Hào - nhận định sóng 4G của Viettel hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ.

"Tôi túc trực ở vị trí cách khu vực sạt lở của xã Nậm Lúc khoảng 1km. Đây là điểm tập kết của tất cả lực lượng cứu hộ và người dân di tản từ khu vực sạt lở. Trực tiếp chỉ đạo công tác trên này, khi báo cáo, tôi bắt buộc cần đến sóng điện thoại để gọi điện, nhắn tin trao đổi”, chị Hào cho hay.

Cũng đang ngày đêm trực ở Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà chăm sóc y tế cho các nạn nhân, anh Lý Huy Hoàng cho biết các phương án xử lý được điều chỉnh kịp thời khi thông tin, hình ảnh, video cập nhật hiện trường gửi về đơn vị chỉ huy một cách thông suốt, không bị gián đoạn.

Trước đó, khi nhận tin về vụ sạt lở, nhóm kỹ thuật viên của Viettel đã tức tốc lên đường, di chuyển không nghỉ bằng xuồng và đường bộ. Tiếp cận được vị trí, cả đội bắt tay ngay vào kéo cáp, hàn cáp, khôi phục kết nối nhanh nhất có thể.

Vì nhân dân phục vụ

“Để đảm bảo cho công tác chỉ huy, chỉ đạo trong công tác tìm kiếm cứu nạn, kết nối, báo cáo với các cấp có thẩm quyền thì hiện nay cũng đang rất thuận lợi là đã có sóng điện thoại của Viettel. Chúng tôi cũng đang thiết lập các đường dây chỉ huy kết nối từ quân khu, tỉnh, huyện đến các địa bàn đang tìm kiếm ở đây”

- Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cao Đặng Xuân Phong đánh giá cao nỗ lực của Viettel khi trực tiếp tổ chức tìm kiếm người mất tích tại thông Làng Nủ.

Trên hành trình ứng cứu thông tin, mục tiêu của đội ngũ kỹ thuật Viettel là đưa liên lạc của người dân sớm về trạng thái bình thường. Và những vất vả được vơi bớt bằng sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của người dân địa phương.

Với cô Trần Thị Luyến, sinh sống tại Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh), hình ảnh ấn tượng sau khi cơn bão Yagi đi qua là cảnh đội ứng cứu thông tin của Viettel ngược gió, đội mưa về địa bàn để “cứu trạm”.

“Ai nấy đều tất bật, có khi làm việc quá bữa trưa mà chẳng hề kêu ca. Sóng về, việc đầu tiên tôi làm là gọi cho người thân, biết được tất cả đều an toàn, tôi càng cám ơn đội ngũ của Viettel đã giúp tôi yên tâm”, cô Luyến kể lại. Cảm động trước tinh thần người lính, người phụ nữ còn sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, chuẩn bị sẵn cơm, nước tiếp tế cho cả đội.

Bên cạnh khôi phục mạng lưới bị ảnh hưởng sau bão lũ, Viettel còn mở 500 điểm sạc pin miễn phí cho người dân với đầy đủ thiết bị củ sạc, dây sạc, đi sâu vào từng thôn, xã ở các khu vực bị cô lập. Không chỉ cửa hàng, điểm giao dịch tại trung tâm, thị trấn, đội ngũ nhân viên còn túc trực ở các điểm trạm phát sóng, trụ sở UBND, nhà văn hoá cả ngày.

Phạm Hoàng Phương, sinh sống tại Hạ Long (Quảng Ninh), từng sống trong cảm giác lo lắng gần 2 ngày khi nhà mất điện, điện thoại cạn pin. Mọi thấp thỏm chỉ biến mất sau khi chị tìm thấy điểm sạc, gọi được về cho bố mẹ.

"Tôi rất cảm động khi Viettel cho người dân sạc nhờ điện thoại thế này. Tôi đã đi vài km để tìm chỗ, hỏi nhờ các nhà nhưng không ai có. May mắn, khi đang không biết xoay xở sao thì tìm thấy điểm sạc miễn phí”, chị Phương kể lại.

Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), khẳng định: “Thiên tai gần nhất đã để lại thiệt hại nặng nề cho hạ tầng viễn thông của Viettel, cả về hạ tầng di động lẫn cố định. Nhưng với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, Viettel đã và đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực trên cả nước để khắc phục toàn bộ mạng lưới trong thời gian sớm nhất, đồng thời ưu tiên những vùng bà con gặp khó khăn".

Gần 3.000 chuyến xe chở hơn 7.500 tấn hàng hóa và nhu yếu phẩm đã được Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) vận chuyển thành công đến các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão Yagi.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hành động quyết liệt, Viettel Post đã khôi phục hoạt động giao nhận hàng hóa chỉ một ngày sau khi bão Yagi đổ bộ, mà không có thiệt hại đáng kể nào về người và tài sản.

Không chỉ tập trung vào việc khôi phục hoạt động, Viettel Post còn chủ động hỗ trợ địa phương trong công tác cứu trợ tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.

100% các bưu cục tại 12 tỉnh chịu ảnh hưởng của bão lũ vẫn mở cửa để tiếp nhận hàng hoá đến và đi cùng nhu yếu phẩm từ các tổ chức và cá nhân, hỗ trợ ủng hộ người dân vùng lũ. Viettel Post đảm nhiệm toàn bộ việc vận chuyển và trao tặng trực tiếp nhu yếu phẩm đến các tỉnh trong vùng bão lũ.

Trong những ngày qua, Viettel Post cũng đã kết nối gần 3.000 chuyến xe, vận chuyển thành công hơn 7.500 tấn hàng hóa và nhu yếu phẩm đến các tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Yagi như Quảng Ninh, Hạ Long, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định...

Với hàng hóa của khách hàng đang trong quá trình vận chuyển trước bão, tại các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ ngập lụt, Viettel Post đã di dời và kê cao hàng hóa của khách hàng đến những nơi an toàn để tránh nước dâng. Bảo đảm hàng hóa được bảo quản nguyên vẹn và sẽ được giao phát trong thời gian sớm nhất.

Để hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả, Viettel Post cũng thiết lập các trạm cứu trợ lưu động, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, Viettel Post đã chuẩn bị 10.000 phần quà bao gồm nước sạch, lương khô, cháo tươi và các mặt hàng thiết yếu khác, trực tiếp trao tận tay người dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Bên cạnh đó, 2.000 nhân viên bưu chính đã được huy động, trực tiếp có mặt tại các vùng bị thiệt hại để tham gia vào công tác cứu trợ. Không chỉ đảm nhiệm việc vận chuyển hàng hóa cứu trợ, người Viettel Post còn chủ động tham gia hỗ trợ lực lượng địa phương trong công tác ứng cứu thông tin và khắc phục hậu quả thiên tai. Họ cùng người dân dọn dẹp, khôi phục lại các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời đảm bảo việc kết nối thông tin liên lạc luôn thông suốt. Sự tham gia của đội ngũ nhân sự Viettel Post đã góp phần quan trọng trong việc ổn định lại đời sống và sản xuất của người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng của toàn bộ đội ngũ Viettel Post không chỉ giúp duy trì chất lượng dịch vụ ổn định, mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia, gắn kết với cộng đồng trong những thời điểm khó khăn nhất.

2h17’ ngày 11/9/2024, Trạm LCI0156-11 đã phát sóng thành công, đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ tại điểm sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh Lào Cai.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi), lũ quét kinh hoàng đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên với 37 hộ, 158 nhân khẩu, 18 người thiệt mạng, 17 người đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, hiện còn 77 người mất tích. Đây cũng là thôn xa trung tâm, bị cô lập do mưa lũ và không có sóng thông tin liên lạc.

Chiều 10/9/2024, nhận được lệnh bằng mọi cách phải phát sóng LCI0156-11 tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên ngay trong đêm, đảm bảo phủ sóng toàn bộ khu vực bị sạt lở để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu nạn, cứu hộ; Viettel Lào Cai đã khẩn trương tổ chức lực lượng di chuyển vào điểm sạt lở.

Với địa hình hiểm trở, chia cắt, việc di chuyển, tiếp cận địa bàn vô cùng khó khăn.

Chiều tối cùng ngày, 4 cán bộ, nhân viên Viettel huyện Bảo Yên đã tìm được hướng đi có thể tiếp cận và xác định vị trí đặt trạm phát sóng mới. Đến tối, Chi nhánh tỉnh bổ sung 5 cán bộ, nhân viên, lực lượng di chuyển bằng xe máy và đi bộ qua quãng đường dài, khuôn vác các thiết bị, công cụ dụng cụ (ắc quy, ăng ten, máy nổ, dây cáp…) đến điểm sạt lở và bắt tay ngay vào việc lắp đặt 1 trạm phát sóng di động.

Ngay trong đêm 10/9/2024, tại nơi lạnh lẽo nhất ấy, chỉ bằng ánh sáng yếu của đèn pin, dưới màn mưa, những người lính Viettel đã thâu đêm thức trắng, miệt mài thực hiện nhiệm vụ lắp đặt, phát sóng mới.

Đến 2h17’ ngày 11/9/2024, Trạm LCI0156-11 đã phát sóng thành công, đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ tại điểm sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh Lào Cai. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, không quản gian khó, đi vào nơi nguy hiểm của những người lính Viettel.

Nguồn: Báo Lào Cai

Bão Yagi vừa có dấu hiệu suy yếu, những người lính kỹ thuật của Viettel lập tức lao mình vào “cuộc chiến” khắc phục sự cố. Áp lực chạy đua với thời gian, khôi phục thông tin liên lạc cho người dân mới thật sự bắt đầu.

Nửa đêm ngày đầu tiên bão Yagi tiến vào đất liền, giữa mưa nặng hạt, gió mạnh liên tiếp tạt vào mặt, anh Hoàng Đức Hiếu và các đồng đội vẫn căng mình, tìm phương án khôi phục lại sóng di động ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Sức tàn phá của thiên tai đã quật ngã hệ thống điện lưới, viễn thông trên địa bàn. Không thể để tình trạng mất điện, trắng sóng kéo dài lâu, cả đội của anh Hiếu lao đi ngay trong đêm.

Trên đường đi, cây cối, cột điện đổ rạp hai bên, nhiều đoạn ngập nước, phải mất nhiều thời gian, nhóm mới tiếp cận được trạm phát sóng. Cả đội nhanh chóng nhận định tình hình, tìm điểm cần sửa chữa, mọi nguồn có thể chiếu sáng được tận dụng. Chỉ đến khi công việc hoàn thành vào rạng sáng, hệ thống liên lạc được khôi phục lại, anh em mới ngơi tay.

Anh Đức Hiếu là một trong số 8.000 người thuộc 500 đội kỹ thuật của Viettel từ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước đang có mặt ở miền Bắc, tham gia khắc phục sau bão tại 15 tỉnh bị ảnh hưởng. Công cuộc dựng lại sóng viễn thông, mạng di động diễn ra xuyên suốt, không quản ngày đêm, thời tiết. Tất cả nhằm nhiệm vụ giúp liên lạc, kết nối của người dân trở về thông suốt như bình thường.

Ứng cứu bằng sức người

Thuộc quân số của Viettel Quảng Bình, ngay khi nhận tin điều động đi chống bão, anh Hiếu cùng các anh em khác gấp rút lên đường. Sau 12 tiếng gấp rút di chuyển, cả đội có mặt ở Quảng Ninh, bắt tay ngay vào hỗ trợ anh em địa phương, vận chuyển một loạt thiết bị dây cáp, ắc quy, máy hàn, máy nổ đến 3-4h sáng. Ngày hôm sau, khi mưa bão vừa ngớt, tất cả lại đổ ra đường, chia về các huyện, địa điểm bị mất sóng để ứng cứu thông tin.

Cách đó hơn 50 km, tại Kiến An (Hải Phòng), một nhóm lính kỹ thuật khác của Viettel cũng đang làm việc không ngừng nghỉ trong cơn mưa tầm tã, từ lắp đặt thiết bị, đấu nối ắc quy đến kiểm tra trạm phát sóng, sửa chữa các tuyến cáp bị đứt do gió bão. Đồng hồ điểm gần 4h30 sáng, cả đội mới tạm dừng tay ăn uống, thay phiên nhau chợp mắt chốc lát trước khi lại tiếp tục đi ứng cứu. Đây đã là đêm thứ ba, nhóm lính kỹ thuật này gần như không ngủ để tập trung khôi phục mạng lưới.

Lực lượng ứng cứu thông tin sau bão ngoài thực địa thường phải đối mặt với một loạt khó khăn: mất điện diện rộng, nhiều tuyến đường ngập lụt làm cản trở tiếp cận trạm phát sóng; nhiều cột điện bị đổ gãy và các tuyến cáp quang bị đứt vụn do cây cối đổ vào, xe cộ chèn qua...

Ngoài túc trực chỉ huy ở căn cứ Quảng Ninh, Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cũng trực tiếp ra hiện trường, dầm mưa, đào đất cùng các kỹ thuật viên truyền dẫn ở phường Hoành Bồ (TP. Hạ Long). Bởi đây là tuyến truyền dẫn liên tỉnh quan trọng dài gần 100km. 7 người đào đất, kéo và hàn cáp suốt 8 tiếng đồng hồ để hoàn thành nhiệm vụ khắc phục sự cố.

Ứng cứu bằng công nghệ

Để khoanh vùng ra đoạn cáp bị hư hỏng, nhóm kỹ thuật thực chiến rút ngắn được đáng kể thời gian nhờ công nghệ đằng sau. “Dữ liệu từ phần mềm Phòng chống thiên tai của Viettel trả về thông tin vị trí các trạm, hiển thị mất link truyền dẫn nào, từ đó giúp đội tiền phương tiến hành đo kiểm, xác định khoảng bị đứt”, anh Phạm Văn Quỳnh, thuộc lực lượng công trình của Viettel Quảng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc hàn cáp, kể lại.

Đồng hành cùng những người lính Viettel ngoài thực địa, tại phòng Điều hành mạng lưới thuộc Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu của Viettel – nơi đặt hệ thống chính của phần mềm Phòng chống thiên tai, đội ngũ kỹ sư gầm trăm người cũng đang làm việc 24/24 để giám sát, điều phối và hỗ trợ công tác khắc phục sự cố.

Anh 7 - Dem trang cua nguoi linh Viettel.jpg

Tính năng của phần mềm giúp tình trạng mạng lưới được cập nhật tự động theo thời gian thực. Thay vì tổng hợp thủ công qua nhiều lớp, dữ liệu toàn bộ các vị trí trạm phát sóng, nhân sự, phương tiện, vật tư…được cập nhật tự động hoàn toàn từ tuyến đầu đến người chỉ huy cao nhất.

Những thông tin về thời tiết, tình trạng giao thông và nguy cơ sạt lở từ trung tâm điều hành được trực quan hóa và gửi về thường xuyên. Nhờ vậy, các nhóm trực chiến tăng khả năng phán đoán, đưa ra phương án điều hướng kịp thời, sát với thực tế và giảm thiểu rủi ro trong quá trình xử lý ngoài hiện trường.

Tại huyện Nguyên Bình, sau vụ sạt lở đất ở xã Ca Thành cuốn trôi một xe ô tô khách, một ôtô cá nhân và nhiều xe máy và vẫn chưa xác định được hết các nạn nhân, sóng Viettel là sợi dây duy trì liên lạc cho người dân và các lực lượng cứu hộ.

Sáng 8/9, mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 khiến cho hàng loạt sườn núi ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sạt lở. Đất đá đổ xuống các tuyến đường và làm đổ cột, đứt cáp. Đến nay mưa lớn vẫn tiếp tục, mạng lưới điện và theo đó là viễn thông bị ảnh hưởng diện rộng. Nhiều nhà mạng “trắng sóng”.

Liên lạc ra bên ngoài trở thành nhu cầu cấp thiết vì đây là điểm nóng của công tác cứu hộ cứu nạn đối với nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất và thiệt hại nhiều nhất về người trong tỉnh Cao Bằng. Chỉ trong 2 ngày 9 và 10/9, Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đều có mặt tại đây để trực tiếp tham gia công tác cứu hộ.

“Mấy ngày nay, sóng Viettel là công cụ duy nhất của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn liên lạc ra ngoài”, anh Ngân Dương Lộc Thành, Phó Trưởng Công an xã Ca Thành, người trực tiếp tham gia lực lượng cứu hộ nơi xảy ra sự cố sạt lở đất, cho biết. Anh Thành cho biết thêm lực lượng cứu hộ tới ứng cứu đều phải chuyển sang sim Viettel để giữ liên lạc.

“Chúng tôi tìm mọi cách để có thể duy trì liên lạc cho người dân và lực lượng cứu hộ, cứu nạn”, anh Đào Duy Thái, Giám đốc chi nhánh Viettel Cao Bằng, khẳng định.
Anh 1 - Song Viettel o Cao Bang.jpg

Khi sạt lở đất, do sườn núi bùn đất trơn trượt và dốc đứng, trạm và đường cáp nếu đã gặp sự cố sẽ rất khó tiếp cận, còn gọi là bị chia cắt hoặc cô lập. Trong khi nguy cơ ảnh hưởng đến các nhà mạng viễn thông là như nhau, thì Viettel duy trì mạng lưới liên lạc nhờ nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật.

“Chúng tôi chia thành từng đội, toả các hướng tiếp cận các trạm bị cô lập. Vì lở đất cản trở di chuyển và phải làm việc trong mưa lớn, quá trình ứng cứu thông tin khó khăn hơn lúc thường gấp nhiều lần”, anh Vi Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Viettel huyện Nguyên Bình, cho biết.

Chiều ngày 10/9, trên đường tỉnh 212 đoạn qua Nguyên Bình, anh Ngọc cùng đồng đội đưa 2 can xăng lên một sườn đồi sạt lở để tiếp nhiên liệu cho máy phát điện phục vụ phát sóng. Để đến điểm này, đội anh Ngọc dắt xe máy hàng chục cây số đi vòng xuống các cánh đồng để dễ chở theo thiết bị. Đến vị trí sạt lở, đội kỹ thuật tạm bỏ lại xe, xách theo những can xăng và thiết bị để lên trạm.

Anh 3 - Song Viettel o Cao Bang.jpg

Đến nay, đội kỹ thuật huyện Nguyên Bình đã tiếp cận và khôi phục thành công số trạm phát sóng di động bị cô lập. Viettel là nhà mạng duy nhất duy trì sóng viễn thông trong huyện. Trên toàn tỉnh, số vị trí bị gián đoạn thông tin được đưa về dưới 10%.

“Chúng tôi tiếp tục khắc phục các điểm gián đoạn thông tin còn lại để đảm bảo các dịch vụ 2G, 4G, sẵn sàng khắc phục các sự cố do sạt lở trong những ngày tới để không gián đoạn liên lạc của người dân và các đội cứu hộ”, anh Thái cho biết tối ngày 10/9.

Hiện tại, Viettel hỗ trợ cộng 20.000 đồng vào tài khoản cho hơn 700.000 khách hàng ở các khu vực bị cô lập, ảnh hưởng của ngập lụt và sạt lở đất, trong đó có Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang. Số tiền này có thể dùng để gọi, nhắn tin và truy cập data trong 5 ngày. Đến nay, Hơn 1,3 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng từ thiên tai đã được Viettel hỗ trợ cộng miễn phí tài khoản để duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp.

Mạng lưới viễn thông chịu thiệt hại chưa từng thấy sau bão Yagi, gây ảnh hưởng liên lạc, trong khi đó mưa lũ sau bão làm cho việc khôi phục mạng lưới khó khăn hơn nữa.

“Đến gần sáng, tôi gọi được cho các con các cháu ở xa và nhận được cuộc gọi từ các anh chị em, biết cả nhà vẫn ổn là rất mừng, dù có thiệt hại về nhà cửa. Gia đình tôi rất cảm ơn cháu Đô, trong đêm bão gió như thế mà vẫn đi từ Cẩm Hải về đây để cố cứu trạm phát sóng, sửa máy nổ”, bà Trần Thị Luyến, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh kể lại thời điểm sau khi cơn bão Yagi quét qua Quảng Ninh vào buổi chiều tối 7/9.

Xã Mông Dương có địa hình đồi núi, cách xã Cẩm Hải (TP. Cẩm Phả) khoảng 10km. “Cháu Đô” là một trong 8.000 nhân sự kỹ thuật của Viettel từ khắp cả nước, đã và đang tiếp tục được điều động về các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, v.v… để khắc phục các sự cố về trạm, đường truyền xảy ra do thiên tai.

“Yagi là siêu bão mạnh nhất đổ vào Việt Nam trong hàng chục năm nay, và để lại thiệt hại nặng nề cho hạ tầng viễn thông. Chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn cả về hạ tầng di động, cố định và đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực trên cả nước về để khắc phục trong thời gian sớm nhất để phục vụ bà con”, Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam từ chi nhánh tại TP. Hạ Long.
Ung cuu thong tin(1).jpg

Từ khôi phục mạng lưới…

Bản thân ông Vũ là một phần trong lực lượng 8.000 người Viettel đang khôi phục mạng lưới. Rạng sáng 8/9, trong khi các trạm phát sóng ở xã Mông Dương đang được các nhóm phụ trách nhà trạm khôi phục, PTGĐ Viettel cùng một nhóm kỹ thuật viên truyền dẫn đang trải qua gần 10 giờ hàn cáp liên tỉnh ở phường Hoành Bồ (TP. Hạ Long).

Các trạm phát sóng tạo thành mạng vô tuyến, kết nối với thiết bị của người dùng, còn các đường cáp tạo thành mạng lõi, kết nối giữa các trạm với nhau và kết nối tỉnh thành với tổng trạm – trái tim của mạng viễn thông. Với mạng lưới phủ trên 99% lãnh thổ, cả hai thành phần này của Viettel trở thành những mục tiêu “to” hơn, dễ bị đánh trúng bởi cơn bão.

“Nếu không có đường cáp liên tỉnh này, một số lượng lớn các trạm phát sóng ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ có nguy cơ cao bị cô lập, làm vô hiệu hoá các nỗ lực ứng cứu thông tin bên trong mỗi tỉnh”, anh Phạm Văn Quỳnh, kỹ thuật viên nhóm hàn cáp ở phường Hoành Bồ, chia sẻ.

Khac phuc sau bao -3.png

Nhóm kỹ thuật hàn cáp ở phường Hoành Bồ sáng 8/9

Đường cáp này dài khoảng 100km, các dấu hiệu kỹ thuật giúp xác định được một khoảng 25km mà trên đó cáp bị đứt, và việc của nhóm ông Vũ là tìm và nối lại 1cm bị đứt trên 25km này. Dựa vào thông tin các trạm xung quanh và tình hình sạt lở trên địa bàn, nhóm tiếp cận được vị trí cáp đứt lúc 2h sáng 8/9 sau khoảng 5 tiếng di chuyển trong mưa lũ. Việc hàn cáp thông thường mất khoảng 2 tiếng, nhưng lần này đã mất 8 tiếng vì nhóm phải đào đất, kéo cáp, hàn cáp trong điều kiện mưa lũ, sạt lở.

Những nỗ lực tương tự của gần 8.000 người, 500 đội ứng cứu thông tin đã giúp giảm gần một nửa số vị trí bị gián đoạn thông tin ngày 9/9 so với thời điểm ngay sau khi bão quét qua miền Bắc, theo thống kê của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel. Một số tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lạng Sơn,… đã căn bản khôi phục mạng lưới.

… đến hỗ trợ khách hàng

Cùng lúc các đội kỹ thuật khắc phục sự cố mạng lưới, đội ngũ chăm sóc khách hàng Viettel tìm cách hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình bị gián đoạn thông tin do thiết bị đầu cuối. “Gần một ngày tôi chưa sạc được điện thoại vì mất điện, không thể gọi được cho bố mẹ xem tình hình thế nào nên rất lo vì thấy thiệt hại ở đây quá nhiều. Với tôi, trạm sạc của Viettel đúng như cứu hộ”, chị Phạm Hoàng Phương, một khách hàng tại chi nhánh TP. Hạ Long, trả lời chiều 8/9. Gần 200 điểm sạc pin ở các cửa hàng, chi nhánh Viettel các tỉnh miền Bắc đã được chuẩn bị máy nổ, nhiên liệu để sẵn sàng phục vụ khách hàng 24/24.

Tại chi nhánh Viettel xã Đông Triều (Quảng Ninh), anh Chu Văn Hiếu, cho biết: “Các anh em Viettel luôn mở cửa, chạy máy nổ để mọi người sạc các thiết bị như quạt, đèn pin, bóng đèn, điện thoại, với tôi những hỗ trợ này rất thiết thực”.

Khac phuc sau bao -2.jpg

Anh Chu Văn Hiếu, khách hàng tại chi nhánh Viettel xã Đông Triều (Quảng Ninh)

Từ chiều 7/9, thời điểm bão đổ bộ, Viettel cũng phối hợp các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí. Thuê bao của các mạng di dộng khác có thể kết nối vào hạ tầng Viettel để thực hiện gọi, nhắn tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn thông tin và ngược lại. Quá trình roaming được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.

Tính đến sáng ngày 9/9, tổng số thuê bao các nhà mạng khác chuyển vùng vào mạng lưới Viettel là 103.000 thuê bao, so với số lượng thuê bao Viettel chuyển vùng vào các nhà mạng khác khoảng 30.000 thuê bao, hỗ trợ người dùng từ bất kỳ mạng nào duy trì liên lạc.

Đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã hết số dư được Viettel cung cấp 20.000 VNĐ, các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau chưa thanh toán cước vẫn tiếp tục được duy trì liên lạc. Khách hàng dùng dịch vụ cố định băng rộng bị sự cố sẽ được cho mượn thiết bị và dùng gói 0 đồng tạm thời.

“Viettel tiếp tục dốc toàn lực, con số các đội ứng cứu, các điểm hỗ trợ vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất. Chúng tôi cũng đặt ra ưu tiên với các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ”, ông Vũ cho biết.

Viettel ứng dụng công nghệ, nâng cao 30% hiệu quả khôi phục thông tin trong bão

Cùng với huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống cơn bão Yagi, Viettel đã tăng cường ứng dụng công nghệ, giúp phát hiện và điều hành củng cố kịp thời các vấn đề của mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ người dân.
Đọc thêm

200 điểm sạc pin của Viettel được thiết lập phục vụ khách hàng

Viettel đang dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất trên 63 tỉnh/thành phố để tập trung ứng cứu thông tin (UCTT) do ảnh hưởng của bão Yagi.
Đọc thêm

Viettel “liên thông” sóng di động, giúp chính quyền, người dân đảm bảo liên lạc

Viettel phối hợp các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí, giúp chính quyền, người dân đảm bảo thông tin liên lạc tại những vùng bị cô lập khi mạng viễn thông đang sử dụng gặp sự cố và không có sóng.
Đọc thêm