Viettel tham dự Hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2024

Gian hàng của Viettel được đặt tại Hall 4, vị trí 4E30. MWC 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/02 – 29/02/2024 tại Barcelona, Tây Ban Nha.
Đọc thêm

Viettel công bố Chipset 5G, AI Human với cộng đồng công nghệ thế giới

Barcelona – ngày 26/2, tại phiên khai mạc Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress – MWC 2024), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ toàn cầu chipset 5G và Vi An- AI Human.
Đọc thêm

Viettel là nhà khai thác Việt Nam duy nhất tham gia sáng kiến cổng mở của Hiệp hội Di động toàn cầu

Ngày 26/02, Barcelona, Tây Ban Nha – Trong khuôn khổ Hội nghị di động thế giới (MWC) 2024, Viettel đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dịch vụ API (Giao diện lập trình ứng dụng) theo sáng kiến Cổng mở của Hiệp hội khai thác di động toàn cầu - GSMA Open Gateway.
Đọc thêm

Viettel cùng giải quyết các vấn đề công nghệ toàn cầu tại Hội nghị di động thế giới 2024

Hoàng Nam

Là tập đoàn công nghệ Việt Nam duy nhất tại Hội nghị di động lớn nhất thế giới, Viettel mang đến những sản phẩm và giải pháp tham gia giải quyết các vấn đề công nghệ toàn cầu. Với chủ đề “Future First” (Tương lai là trên hết) của Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress) - MWC 2024 được tổ chức tại Barcelona, Viettel mong muốn cam kết “công nghệ từ trái tim” để phát triển mạng lưới bền vững, hạ tầng lưu trữ an toàn, tin cậy và ứng dụng nhân văn phục vụ con người.

Sau sự kiện năm 2023 nói về tăng tốc 5G và kỷ nguyên mới của AI, năm nay, Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), nhà tổ chức MWC nhìn nhận những mặt trái của phát triển công nghệ, thay vì chỉ phát triển và thịnh vượng. “5G và xa hơn nữa”, “Kết nối vạn vật”, “Nhân văn hoá AI” nằm trong số các vấn đề thảo luận của MWC 2024.

GSMA ước tính tới năm 2030 trên thế giới sẽ có 5 tỷ thuê bao 5G, và chỉ hai năm nữa sẽ có 15 tỷ thiết bị IoT. Trong một thế giới ngày càng nhiều kết nối, mức độ tiêu hao tài nguyên và hiệu suất của mạng lưới hay độ an toàn của các tập dữ liệu trở thành các vấn đề cấp bách. Tương tự, khi AI trở thành ngành công nghiệp quy mô khổng lồ đóng góp 16 triệu tỷ USD vào kinh tế toàn cầu tới năm 2030, theo ước tính của GSMA, thì các tổ chức phải tính đến rủi ro với dữ liệu người dùng.

Tại MWC 2024, Viettel thể hiện cách tiếp cận của mình với các vấn đề công nghệ này thông qua 4 nhóm sản phẩm: hạ tầng mạng tương lai bền vững; hạ tầng lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn; các ứng dụng phục vụ con người và nhóm sản phẩm tầm nhìn tương lai. Các sản phẩm “Make in Vietnam”, “Made by Viettel” bao quát toàn trình từ mạng lưới đến người dùng cuối, trong đó nhiều sản phẩm đã chứng minh giá trị trên thị trường toàn cầu.

Hạ tầng mạng bền vững cho tương lai

Gần 4 năm sau khi 5G được thương mại hoá trên thế giới, năm nay 6G đã bắt đầu trở thành chủ đề thảo luận trong giới công nghệ, không giống như khoảng cách cả thập niên giữa 4G và 5G, hay hàng chục năm từ 2G đến 3G. Khoảng các thế hệ di động mới ngày càng ngắn lại đồng nghĩa với việc vòng đời công nghệ ngày càng được rút gọn, trong khi các nhà mạng viễn thông phải đầu tư lớn cho mỗi công nghệ. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận các thế hệ di động mới nhất đối với phần đông người dùng.

Viettel là một trong số hiếm, hay có thể nói đến thời điểm này là tập đoàn duy nhất vừa là nhà mạng viễn thông đồng thời là nhà sản xuất thiết bị làm chủ từ mạng lõi đến trạm thu phát, nhờ đó có khả năng đưa thế hệ di động mới nhất đến người dùng ở các nước đang phát triển. Hệ sinh thái 5G “Make in Vietnam”, “Made by Viettel” được trình diễn tại MWC 2024 bao gồm sản phẩm chip 5G DFE, thành phần phức tạp nhất trong hệ sinh thái 5G.

Chip 5G DFE điều khiển toàn bộ các hoạt động của khối thu/chuyển tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Con chip được làm chủ toàn trình về thiết kế bởi các kỹ sư Viettel đạt khả năng tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây, hiệu năng tương đương chip 5G của một trong top 10 công ty bán dẫn thế giới mà Viettel từng sử dụng trong thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của 3GPP – hiệp hội các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động.

Không dừng lại ở mạng lưới truyền thống, trên cả mạng 5G và 4G, Viettel sử dụng mạng lưới tự động tối ưu sử dụng điện năng, tự động sửa lỗi, tối ưu chất lượng mạng. Đây còn gọi là Autonomous Networks, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng bền vững trong bối cảnh “Kết nối vạn vật”, các mạng lưới ngày càng mở rộng.

Hạ tầng lưu trữ, xử lý hiệu quả và an toàn

Trong bối cảnh mọi ngành kinh doanh từ tài chính đến hàng tiêu dùng đều trở thành cuộc chiến dữ liệu, quy mô thị trường phân tích và dữ liệu toàn cầu ước tính khoảng 100 tỷ USD vào năm 2022 và sẽ tăng trưởng kép hàng năm hơn 13% trong giai đoạn 2022-2027 (theo Global Data). Trong khi đó, 73% khách hàng toàn cầu sẽ không giao dịch với các thương hiệu không bảo vệ dữ liệu người dùng một cách hiệu quả.

Viettel đem đến MWC hệ sinh thái Viettel Cloud, cung cấp giải pháp tổng thể từ cơ sở hạ tầng, nền tảng, phần mềm đến dịch vụ quản lý lưu trữ, đồng thời đảm bảo an toàn về dữ liệu với hệ thống Trung tâm an ninh mạng (SOC). Đây là hệ thống bảo mật đối với các lớp điện toán đám mây được phát triển bởi đội ngũ Viettel Cyber Security với chuyên môn cao, nhiều lần vượt qua các hãng công nghệ toàn cầu, gần đây nhất là tại Pwn2Own 2023 ở Toronto.

Ngay cả với việc đa dạng giải pháp và an toàn, thì việc tham gia vào thị trường điện toán đám mây là không dễ. Hơn 65% thị hiện nằm trong tay Amazon, Microsoft và Google, và ngay cả các công ty như IBM hay Tencent cũng chỉ chiếm khoảng 2%, theo thống kê của Statista. Dù vậy, Viettel Cloud, hệ sinh thái đám mây hoàn chỉnh đầu tiên do Việt Nam làm chủ, sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô đầu tư lên 40.000 tỷ đồng đến năm 2030 với sứ mệnh bảo vệ chủ quyền số quốc gia – mỗi doanh nghiệp đều có thể lưu trữ và xử lý dữ liệu của mình trong các hạ tầng an toàn đặt tại Việt Nam. Làm chủ công nghệ đám mây với đa dạng dịch vụ có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững, an toàn của công nghệ số Việt Nam, đặc biệt trong các nhóm ngành nhạy cảm về dữ liệu.

MWC -3.jpeg

Ứng dụng số phục vụ con ngườiDựa trên hạ tầng mạng và đám mây, Viettel cũng là nhà phát triển các ứng dụng số giải quyết nhu cầu của số đông khách hàng, đồng thời sử dụng tài nguyên hiệu quả. Xuất hiện tại MWC 2024 là nền tảng Viettel Digital Finance (VDFP) và TV 360.

VDFP là nền tảng cung cấp các chức năng tài chính số cho đa dạng người dùng trong nền kinh tế, bao gồm giao dịch ở những nơi không có Internet – tính năng hầu hết các ứng dụng tài chính số cả trong nước và thế giới hiện không hỗ trợ. Sản phẩm tuân thủ nguyên tắc cloud-native – vận hành trên nền tảng Viettel Cloud. Thiết kế này cho phép nâng cấp linh hoạt về tính năng mới và khả năng xử lý, do đó tổ chức tài chính không bị bắt buộc đầu tư toàn bộ hạ tầng từ đầu mà có thể mở rộng quy mô dần theo nhu cầu, tiết kiệm chi phí.

TV360 - MWC 2024.png

TV 360, hiện là ứng dụng truyền hình OTT nhiều người dùng nhất ở Việt Nam với hơn 10 triệu người dùng thường xuyên, cũng là sản phẩm được xây dựng trên nền tảng Viettel Cloud, sử dụng kiến trúc Cloud Microservices - các dịch vụ nhỏ, độc lập có thể kết nối với nhau để tạo thành một hệ thống lớn do đó dễ mở rộng theo nhu cầu. Với kiến trúc ứng dụng hiện đại theo xu thế thế giới, VDFP và TV 360 đều khả năng chịu tải khi nhu cầu sử dụng tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu người dùng trong mọi trường hợp.

Nhóm sản phẩm Tầm nhìn hướng tới tương lai

AI tiếp tục là một chủ đề của MWC, nhưng thay vì “Kỷ nguyên AI” như năm ngoái, câu hỏi MWC 2024 đặt ra là “Con người hoá AI” - tiềm năng tối ưu hóa các quy trình và công cụ cho con người, và những tương tác mới với máy tính. V-Space sẽ là một trong những sản phẩm AI của Viettel được trình diễn tại sự kiện. Đây là công cụ AI hỗ trợ quản lý không gian, bằng cách tạo ra các phiên bản ảo có thể tương tác được của một khu vực/ thành phố dựa trên vệ tinh và dữ liệu địa lý. Công cụ này sẽ trao quyền cho các cấp quản lý ở từng cấp hành chính khác nhau giám sát thông tin ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, tài nguyên, nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và liên ngành, giảm thiểu thời gian thu thập và báo cáo thủ công.

Human AI đầu tiên của Việt Nam ra mắt thế giới

Hải Yến

Khi AI xuất hiện trên ngày càng nhiều sản phẩm tiêu dùng, từ smartphone đến đồ gia dụng, một chủ đề được Hội nghị di động thế giới (MWC 2024) đặt ra là cách con người sẽ tương tác với trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Tại sự kiện, Viettel đem đến Human AI có tên gọi Vi An, như một cách tiếp cận cho câu hỏi trên.

“Rất vui được gặp bạn tại đây, MWC 2024. Tổ hợp trình diễn của Viettel xoay quanh ý tưởng S-Nation, thể hiện một quốc gia phát triển thông minh, bền vững”, Human AI Vi An trả lời câu hỏi trên sóng livestream từ Barcelona. Tại sự kiện này, Human AI đầu tiên của Việt Nam ra mắt thế giới. Vi An chào hỏi, tương tác với khách hoặc nghiêng đầu đầu theo dòng người qua lại như một con người thực. Đặc biệt, Vi An có thể nhận câu hỏi từ nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, v.v…“Ấn tượng” là cảm nhận của nhiều người khi xem trình diễn.

Theo Gartner, đến năm 2035 thị trường Human AI - các AI xuất hiện trước mặt người dùng trông giống như người thật ước tính trị giá 125 tỷ USD. Trong khi đó, các chatbot - hoạt động dựa trên văn bản, như ChatGPT hay Bard hiện nay, chỉ còn khoảng 5 tỷ USD. Giá trị của Human AI là người dùng ưa thích các giao diện AI có khả năng giao tiếp và tương tác giống thật hơn so với chat bằng văn bản hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

Human AI - 2.jpg

Đây cũng là lý do AI tiếp tục là một chủ đề chính tại MWC năm nay. Chủ đề “Nhân văn hoá AI” tại MWC 2024 đặt ra vấn đề phát triển công nghệ AI theo cách hướng tới trải nghiệm thân thiện và tự nhiên nhất với người dùng.

Cách tiếp cận của Viettel thể hiện qua Vi An, nhân vật đặc biệt được Tập đoàn công nghệ Việt trình diễn tại MWC 2024, cách thức mới để người dùng tương tác với công nghệ. Thực tế, Human AI do Viettel phát triển đã và đang “làm việc” trong các dịch vụ của Viettel để tạo ra trải nghiệm tốt hơn ngay trên màn hình điện thoại, rút ngắn thời gian chờ hỗ trợ nghiệp vụ từ 2 phút xuống 5 giây.

Không giống như nói chuyện với một cỗ máy…

Bằng công nghệ tạo sinh hình ảnh 3D, Viettel đã tạo ra cho AI một tạo hình giống người thật, đứng trước mặt người dùng. Ở phiên bản hiện tại, Vi An mang những nét khuôn mặt đặc trưng của người con gái Việt Nam. Tham gia MWC, cô trò chuyện và giải đáp câu hỏi cho khách tham quan trong trang phục màu đỏ, cung cấp thông tin gian hàng và chia sẻ về văn hoá Việt Nam trong 4 ngày sự kiện.

Một phần lớn của thông tin giao tiếp đến từ ngôn ngữ hình thể. “Vi An có khả năng tương tác linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong quá trình giao tiếp, tạo ra trải nghiệm tự nhiên nhất cho người dùng”, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu tại Viettel Telecom Nguyễn Trần Ngọc Linh, cho biết. Trên kênh Instagram Vi An, nhiều khách hàng nhận định là không thể phân biệt được là người thật hay “người ảo”.

Vi An đã từng là nhân vật chính trong các album ảnh quảng bá sự kiện, tham gia vào các video ngắn của Viettel Telecom, trở thành đại sứ ảo xuất hiện trên các quảng cáo của Viettel. “Human AI có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp ví dụ như trở thành khuôn mặt truyền thông quảng cáo, đại diện phục vụ khách hàng trên các app, nền tảng số và điểm bán hàng”, bà Ngọc Linh cho biết.

… nhưng vẫn là sức mạnh AI

Sở hữu “giao diện” con người, Vi An còn mang những lợi thế của AI – dữ liệu lớn, liên tục cập nhật và “nhân bản” để tạo ra trải nghiệm cá nhân hoá cho hàng triệu khách hàng trên môi trường số.

Thậm chí, mạnh hơn cả những AI mà chúng ta thường biết đến, Human AI giống như một tổ hợp các mô-đun công nghệ AI mà Viettel đã nghiên cứu và phát triển, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn để tạo ra khả năng trò chuyện, hệ thống khuyến nghị nội dung để cá thể hóa thông tin khách hàng, hệ thống nhận diện tiếng nói.

“Viettel là một Tập đoàn có năng lực cao về AI, là nhân tố quan trọng góp phần phát triển hệ sinh thái AI ở Việt Nam – một thị trường đang phát triển và nhiều tiềm năng, đây cũng là lý do chúng tôi làm việc cùng Viettel về phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng AI”, Giám đốc Nvidia Cloud Anissh Pandey, thảo luận về các sản phẩm và dịch vụ AI của Viettel tại MWC 2024.

Human AI -4.png

Các phiên bản khác của Human AI Vi An đã được ứng dụng để chăm sóc khách hàng điện tử 24/7 (Video Call Digital Agent), hỗ trợ chăm sóc khách hàng ứng dụng My Viettel (My Viettel Digital Agents). Với khả năng đáp ứng lưu lượng 250.000 cuộc gọi cùng lúc hay chăm sóc khoảng 2 triệu khách mà vẫn cá thể hoá, AI tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, giảm thời gian chờ đợi và làm tăng mức độ hài lòng. Viettel đã đem các AI này đến 6 thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư bao gồm Lào, Campuchia, Myammar, Haiti, Timor, Tanzania, đạt độ phủ khoảng 70% khách hàng viễn thông.

Với khả năng làm việc 24/7 và mở rộng quy mô để phục vụ cá nhân hoá với hàng triệu khách hàng, Digital Human hỗ trợ con người ở các công việc đòi hỏi xử lý khối lượng lớn, lặp đi lặp lại. Nhân sự là con người ở các tổ chức có thể tập trung vào các công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo hoặc ra quyết định quan trọng, trong khi khách hàng được phục vụ kịp thời hơn. Đây cũng là cách Viettel phát triển AI với triết lý “công nghệ từ trái tim”, hướng tới con người.

“Có hàng nghìn ‘điểm ứng dụng’ AI trong các quy trình vận hành của doanh nghiệp, tổ chức. Điểm chung là đều giúp nhân sự bớt được các quá trình làm việc lặp đi lặp lại, nhàm chán, tốn thời gian”, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI, nói.

Khi triển khai trong các dịch vụ công định danh điện tử, ứng dụng AI của Viettel giúp giảm 70% thời gian định danh, giảm còn 1-2 phút, giảm tải lượng lớn nhân sự định danh khách trực tiếp. Trợ lý AI ứng dụng trong hệ thống Toà án Việt Nam giúp các Thẩm phán tiết kiệm 30% thời gian xử lý vụ việc, vụ án.

“Trợ lý ảo toà án là một điểm sáng về ứng dụng AI trong chuyển đổi số quốc gia. Trước đây, để mã hoá và đưa lên mạng một vụ án thì mất một buổi, bây giờ với hỗ trợ của trợ lý ảo chỉ cần 1 giờ có thể đưa lên được 10 vụ án”, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời trước Quốc hội.

Sự xuất hiện của Vi An tại triển lãm công nghệ lớn nhất toàn cầu năm nay thể hiện cách tiếp cận của Viettel trong việc tiếp tục phát triển các ứng dụng AI theo hướng tối ưu, thân thiện hơn. “Human AI là tổng hợp của nhiều công nghệ Viettel đã nghiên cứu phát triển, thể hiện sự đầu tư lớn về nền tảng hạ tầng, công nghệ lõi, đội ngũ nhân sự cho công nghệ tương lai”, bà Ngọc Linh cho biết.

Sóng 5G Việt Nam lần đầu tiên phát tại cộng đồng di động thế giới

Hoàng Hải

Viettel phát sóng 5G độc lập (Standalone - SA) – kiến trúc mạng 5G hiện đại nhất, tại Hội nghị di động thế giới 2024 (MWC 2024), thể hiện năng lực làm chủ thế hệ mạng di động mới và sẵn sàng triển khai trong năm nay tại Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel làm chủ toàn trình cung cấp dịch vụ truy nhập Internet 5G SA, hiện đại nhất, ngay tại MWC. 5G SA sẽ được triển khai trong năm nay ở Việt Nam”, Giám đốc Kỹ thuật Viettel Group, ông Lê Bá Tân, nói tại sự kiện. Qua 7 năm tham dự sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành di động, phát sóng 5G tại gian hàng là một điểm mới mà đại diện duy nhất từ Việt Nam đem đến MWC năm nay.

Tại buổi làm việc với Viettel, đại diện Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), ông Henry Calvert cho biết đánh giá cao kế hoạch triển khai mạng 5G của Viettel trong năm 2024, đặc biệt là việc ưu tiên triển khai mạng 5G SA.

Hầu hết các mạng 5G đã được triển khai trên thế giới đến nay là 5G không độc lập (Non-standalone – NSA), sử dụng thiết bị mạng vô tuyến 5G để giao tiếp với tín hiệu với thiết bị đầu cuối, nhưng vẫn dựa trên mạng lõi 4G LTE sẵn có. Vì vậy 5G NSA sẽ không có các tính năng của một mạng 5G SA, hay còn gọi là 5G đích thực với mạng vô tuyến 5G và mạng lõi 5G, như triển khai hàng chục nghìn thiết bị trong một phạm vi hẹp hay độ trễ dưới 5 mili giây.

Tại MWC 2024, Viettel giới thiệu hệ sinh thái thiết bị mạng vô tuyến 5G theo chuẩn Open-RAN, mạng lõi 5G và chip 5G do Viettel làm chủ toàn trình. Đến nay, Viettel cũng là nhà mạng duy nhất trên thế giới xuất thiết bị viễn thông. “Viettel đã đạt được thành tựu tuyệt vời, thực sự là những công nghệ đột phá cả về sử dụng Open-RAN và lõi 5G SA”, Tổng Giám đốc Nhóm Nền tảng mạng tại Intel, Dan Rodriguez, cho biết.

5G - 1.jpeg

“Từ kinh nghiệm của khi làm việc với các nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị, thật ấn tượng khi thấy Viettel có thể tự làm chủ các thiết bị phần cứng sử dụng trong mạng lưới”, Giám đốc Phát triển kênh tại Tierone OSS, công ty phát triển phần mềm vận hành mạng viễn thông, ông Francis Chi Fai Chung, cho biết.

“Với việc đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái 5G từ mạng vô tuyến đến mạng lõi phục vụ cho mạng công cộng quy mô toàn quốc, Viettel nhận thấy có thể thu nhỏ quy mô để tạo thành Private 5G, ứng dụng cục bộ đáp ứng nhu cầu khách hàng doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Trung tâm viễn thông băng rộng tại Viettel High Tech, ông Nguyễn Chí Linh, cho biết.

Private 5G hay “Network in a box” (mạng lưới thu nhỏ) cũng chính là hệ thống cung cấp mạng Viettel 5G SA tại MWC. “Gọi như vậy vì chỉ trong một chiếc hộp nặng khoảng 40 kg này, chúng ta có đầy đủ mạng lõi, mạng truy nhập, mạng vô tuyến 5G”, ông Chí Linh nói. Với hệ thống này, các doanh nghiệp có thể tạo ra kết nối mạng tốc độ cao, độ trễ thấp để vận hành các thiết bị sản xuất như robot, camera AI, camera kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Hệ thống đã được chuyển giao cho công ty kỹ thuật viễn thông QuadGen tại Ấn Độ vào cuối năm 2023. Hiện Viettel đang làm việc với các đối tác trong lĩnh vực logistic, sản xuất để tiếp tục triển khai các hệ thống Private 5G tại Việt Nam, ông Tân cho biết.

“Viettel luôn mong muốn phát triển những công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ cho Việt Nam và thế giới. Tại MWC, chúng tôi chia sẻ các tri thức và kinh nghiệm liên quan đến các công nghệ lõi của các sản phẩm mà Viettel sản xuất, vận hành khai thác. Viettel cũng đặc biệt chú ý đến các giải pháp tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Đình Chiến, chia sẻ tại MWC 2024.

Mạng lưới thông minh và bền vững đằng sau chiếc điện thoại của bạn

Mai Hương

Nếu đang đọc những dòng này qua mạng di động, rất có thể bạn đang trải nghiệm một công nghệ của Viettel có tên là Autonomous System hay hệ thống vận hành mạng lưới tự động hoá.

130 triệu là số khách hàng sử dụng di động trên toàn cầu mà Viettel phục vụ với mạng lưới hàng trăm nghìn trạm thu phát sóng. Riêng ở thị trường Việt Nam, với thị phần hơn 56%, Viettel có hơn 80% thuê bao sử dụng 4G. Cách đây 3 năm, tỷ lệ này chỉ là 35%. Chuyển dịch từ 4G lên 5G dự kiến sẽ diễn ra nhanh hơn nữa, Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA) ước tính số thuê bao 5G sẽ chiếm 50-60% trước năm 2025.

Nhu cầu sử dụng liên tục tăng nhanh đòi hỏi hạ tầng mạng lưới mở rộng hoặc mật độ các trạm phát sóng trở nên dày đặc hơn. Đây cũng là lý do MWC 2024 đặt ra một trong những chủ đề thảo luận là “Kết nối vạn vật”, cách phát triển các mạng lưới bền vững để đảm bảo an toàn cho người dùng và giảm thiểu tác dộng môi trường. Là nhà phát triển hạ tầng quốc gia duy nhất của Việt Nam góp mặt tại sự kiện, Viettel đem đến Autonomous System – hệ thống vận hành mạng lưới tự động hoá, an toàn và tiết kiệm năng lượng.

“Viettel vận hành mạng lưới với quy mô 11 nước, khoảng 100 nghìn trạm. Ở quy mô lớn như vậy, để đảm bảo mạng có chất lượng tốt và tối ưu thì cần tự động hoá và thông minh hoá mạng lưới”, ông Nguyễn Duy Hưng, Kỹ sư thiết bị tổng trạm tại Viettel Networks, cho biết. Theo các khảo sát của Ookla và Umlaut trong năm 2023, Viettel là mạng di động nhanh nhất ở Việt Nam; vùng phủ cũng cao hơn 10% so với vị trí thứ hai.

Autonomous system - Option 2.jpeg

Ngoài cáp quang và các trung tâm kỹ thuật lớn, mạng lưới viễn thông được cấu thành từ các trạm thu – phát sóng (BTS). Đây là các thiết bị “giao tiếp”, chuyển và nhận tín hiệu với thiết bị đầu cuối trong tay người dùng. BTS được xây dựng đến đâu đồng nghĩa dịch vụ của nhà mạng được cung cấp đến đó, trong trường hợp của Viettel là gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và tại 10 thị trường nước ngoài.

Trước đây, trạm BTS cần nhân sự trực tiếp theo dõi 24/7 để kịp xử lý các tình huống phát sinh hay đến tận nơi để bảo dưỡng hệ thống, đặt ra vấn đề về khả năng duy trì các trạm ở vùng sâu vùng xa. Bây giờ, với Autonomous System, các trạm BTS của Viettel không cần người túc trực để vận hành và bảo trì nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao và không xảy ra lỗi. Đây cũng là hệ thống đảm bảo cho mỗi cuộc gọi và dữ liệu di động liền mạch và ổn định, từ các vùng núi cao như Yên Minh, Hà Giang đến huyện đảo như Trường Sa.

Autonomous System gồm 03 sản phẩm, hệ thống tự động tối ưu hoạt động hạ tầng cơ điện trạm viễn thông (SON M&E), hệ thống tối ưu chất lượng vùng phủ (x-Optimization) và hệ thống tự động xử lý sự cố (vFCR); các sản phẩm đều do các kỹ sư Viettel phát triển và làm chủ công nghệ, nhằm thay đổi cách thức vận hành và bảo trì các trạm BTS.

Trước đây, nếu nguồn điện chính của trạm BTS bị ngắt đột ngột sẽ dẫn đến gián đoạn dịch vụ. SON M&E là hệ thống tự động chuyển đổi sang nguồn điện dự phòng, đảm bảo trạm vẫn hoạt động bình thường, không gây gián đoạn dịch vụ trong khu vực. Đối với những khu vực không có điện lưới, SON M&E tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của trạm BTS, kéo dài thời gian hoạt động pin Lithium 20% so với mức trung bình. Kéo dài thời gian chạy pin giúp trạm BTS hạn chế sử dụng máy phát điện chạy xăng, ước tính giảm phát thải khoảng 1.000.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương trồng 17.000.000 cây xanh.

“Điện năng tiêu thụ đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng, hơn cả hiệu năng thuần tuý, quyết định việc thiết bị có ứng dụng được hay không”, ông Dan Rodriguez, Tổng Giám đốc Nhóm Nền tảng mạng Intel, cho biết tại gian hàng Viettel ở MWC 2024. Đại diện Nokia cũng cho biết ông ấn tượng nhất với việc Viettel là nhà mạng viễn thông có năng lực tự phát triển, làm chủ công nghệ và ứng dụng trong mạng lưới. “Rõ ràng đây là những công nghệ rất quan trọng”, ông Rodriguez nói.

Kết hợp 3 giải pháp công nghệ, Autonomous System tạo ra một hạ tầng tự động, hiệu suất cao, góp phần giải quyết các lo ngại về môi trường trong bối cảnh mạng lưới viễn thông liên tục mở rộng. Tại MWC năm nay, Viettel giới thiệu mạng lưới tự động và chia sẻ công nghệ với các đối tác trên toàn cầu để cùng giải bài toán tác động môi trường của công nghệ. “Viettel đặc biệt chú ý đến việc tạo ra các giải pháp, sản phẩm thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, chia sẻ tại MWC 2024.

“Trạm phát sóng của Viettel được lắp đặt khắp mọi miền tổ quốc, kể cả ở trong rừng, biên giới, hải đảo. Trước đây mỗi lần đến kì kiểm định, các kỹ sư đều phải mất gần 01 ngày để băng rừng hay vượt sông, qua biển…đến từng trạm. Nhưng bây giờ, chỉ cần ngồi tại phòng điều khiển, tất cả việc tối ưu đều được SON M&E thực hiện trong vài phút”, ông Đỗ Văn Tuấn, Kỹ sư cơ điện trạm BTS tại Viettel Networks, chia sẻ.

X-Optimization (XO) làm nhiệm vụ tối ưu chất lượng vùng phủ, khắc phục hiện tượng sóng yếu tại một số nơi trong khi chồng lấn tại các nơi khác. Với thuật toán học máy, XO tự động điều chỉnh hướng và góc, tối ưu vùng phủ sóng theo thời gian thực. Nếu không có công nghệ này, các kỹ sư sẽ phải thay phiên trực 24/7, theo dõi từng số liệu để điều chỉnh khi khu vực ghi nhận sóng yếu. “XO xử lý hiện tượng sóng yếu chỉ mất vài giây, kể cả ở các quốc gia cách Việt Nam hàng nghìn cây số như Mozambique”, ông Hưng cho biết.

Khi hiệu suất và vùng phủ đã được đảm bảo, BTS vẫn đối mặt với lỗi phát sinh trong quá trình vận hành. “Khi phát triển vFCR, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính ổn định và liền mạch trong trải nghiệm người dùng cho dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào,” ông Trần Văn Quý, Kỹ sư phát triển phần mềm tại Viettel Network, cho biết.

Dựa trên các kịch bản sửa lỗi đã được thiết lập, vFCR thu thập thêm thông tin, phân tích dữ liệu để dự đoán những kịch bản khác có thể xảy ra, sẵn sàng xử lý khi phát sinh sự cố. Với công nghệ này, thời gian xử lý sự cố từ khi phát hiện rút ngắn còn 1-2 phút thay vì 15-30 phút như trước đây, đảm bảo trạm hoạt động ổn định. “Lỗi phát sinh được vFCR giải quyết ngay tức khắc, và người dùng gần như không nhận thấy gián đoạn về dịch vụ thoại hay truy cập Internet”, ông Quý nói. Tính riêng năm 2023 tại thị trường Việt Nam, vFCR đã xử lý tự động hơn 370.000 cảnh báo, đạt tỷ lệ thành công hơn 90% với số lượng kĩ sư chưa đến 20 người.

Viettel đón hàng loạt đoàn khách 'khủng' tại MWC 2024

Bích Hường

GSMA, Intel, Qualcomm, Nokia, NVIDIA và hàng nghìn lượt khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham quan, trải nghiệm và học hỏi các sản phẩm công nghệ của Viettel tại MWC 2024.

Trong 2 ngày đầu diễn ra Hội nghị Di động thế giới MWC 2024, gian hàng của Viettel thu hút hàng ngàn lượt khách và đối tác đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Bên cạnh các đoàn khách đến trải nghiệm và tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của Viettel còn có nhiều đoàn chuyên gia của những "gã khổng lồ" về công nghệ trên thế giới.

Tại gian hàng của Viettel, đoàn chuyên gia của Intel đặc biệt quan tâm đến các thiết bị 5G, công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng, AI do Viettel nghiên cứu, phát triển. Tại ngày thứ hai của sự kiện, Viettel và Intel đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược liên quan đến nghiên cứu sản xuất công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất thiết bị...

Đoàn chuyên gia của GSMA (Hiệp hội Di động toàn cầu - đơn vị tổ chức MWC) cũng đến thăm gian hàng Viettel và đánh giá rất cao kế hoạch triển khai mạng 5G của Viettel vào năm 2024, trong đó ưu tiên sớm triển khai mạng 5G Standalone (5G SA).

Cũng trong ngày 26/2, ngày đầu tiên diễn ra sự kiện MWC 2024, TCT Mạng lưới Viettel (VTNet) đã ký kết biên bản ghi nhớ MOU với GSMA về việc triển khai Open API trong khuôn khổ sáng kiến GSMA Open Gateway.

Đoàn chuyên gia của Qualcomm dành thời gian tìm hiểu về các sản phẩm 5G, chip 5G DFE, chip 5G RFIC của Viettel và ấn tượng trước những bước đột phá của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất chip.

Các chuyên gia của Nokia đặc biệt quan tâm đến chipset 5G, ORAN Infrastructure Ecosystem và dành thời gian khá lâu tại gian hàng để chăm chú lắng nghe các kỹ sư của Viettel.

Đoàn NVIDIA đến gian hàng Viettel và chia sẻ về 2 vấn đề là ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho các mạng viễn thông và tạo ra dịch vụ, nguồn doanh thu mới từ AI.

MWC 2024 có sự tham gia của gần 37.000 khách đến từ hơn 200 quốc gia trên thế giới và gần 2.500 nhà báo, chuyên gia phân tích trên toàn cầu. Trong hai ngày diễn ra sự kiện, gian hàng Viettel ước tính có hàng nghìn lượt khách và chuyên gia đến tham quan, trải nghiệm. Tất cả đều đánh giá rất cao các sản phẩm công nghệ của Viettel mang tới triển lãm.

Nhiều đoàn khách dành thời gian rất lâu tại gian hàng và chăm chú lắng nghe các chuyên gia, kỹ sư của Viettel giải thích về những sản phẩm, dịch vụ, nền tảng của Viettel.

MWC 2024 diễn ra trong 4 ngày từ ngày 26 đến 29/2/2024. Viettel mang tới MWC năm nay 17 sản phẩm, dịch vụ và đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè, đối tác quốc tế.

TV360 đánh dấu bước ngoặt tại MWC 2024: Kết hợp công nghệ 5G và trải nghiệm 360°

Phương Nga

Hơn cả một ứng dụng truyền hình, TV360 xuất hiện tại MWC 2024 với những tập đầu tiên của series khám phá Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo.

Tại Hội nghị Di động Thế giới MWC 2024, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Truyền hình – Phạm Thanh Phương cùng đội ngũ TV360 đã trình làng công nghệ nhập vai cao cấp thông qua sản phẩm "Nơi Này Hay Cực". Xuất hiện lần đầu tại MWC 2024 và do đội ngũ kỹ sư Viettel nghiên cứu, phát triển, TV show 360 đã ghi điểm bằng sự đổi mới nhanh chóng trong bối cảnh công nghệ 5G/6G bùng nổ toàn cầu.

TV360 - Anh 1.jpg

Đồng chí Phạm Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Truyền hình tại MWC 2024

Công nghệ này không chỉ đạt đến mức độ thực tế ảo cao nhất mà còn tạo ra trải nghiệm 3D giả lập đắm chìm. Không còn là những góc ảnh bình thường con người có thể quan sát với tỷ lệ 4:3, 16:9, “Nơi này hay cực” truyền đi năng lực tiếp nhận hình ảnh không giới hạn cùng tầm nhìn 360 độ.

Chị Thanh Phương nhấn mạnh: “TV360 mang đến nội dung có thể xem được trên thực tế ảo và nhập vai trải nghiệm trong phiên bản nâng cấp hiện đại hơn ứng dụng trên 5G. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn từ truyền hình có dây trên TV và nâng cấp hơn là có thể xem trên các ứng dụng của điện thoại, đặc biệt là với 5G có thể xem được trên kính, tận dụng băng thông lớn của 5G”.

“Nơi này hay cực” mang tới hành trình khám phá trọn vẹn từng điểm đến, trải nghiệm từng nét văn hoá của vùng đất di sản Hội An.

TV360 - Anh 5.jpg

Hậu trường sản xuất nội dung "Nơi này hay cực" cùng nàng thơ Helly Tống

“Không phải là nội dung VR của quốc gia nào khác, đội ngũ TV360 đã ra mắt nội dung mang đậm chất văn hoá của Việt Nam. Đó là những video du lịch từ xa về văn hoá, con người, món ăn đặc sản ở Hội An. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn bè quốc tế, khi tech-team Viettel đã có khả năng 'làm mềm công nghệ', giúp quan khách trải nghiệm công nghệ và đồng thời hiểu sâu hơn về văn hoá và con người Việt Nam.” chị Phương chia sẻ.

TV360 - Anh 2.jpg

Bạn bè quốc tế xếp hàng để chờ trải nghiệm công nghệ thực tế ảo của TV360

TV360 phục vụ hết mức công suất tối đa trong suốt 4 ngày tại MWC 2024, chủ yếu nhờ vào việc giới thiệu dịch vụ truyền hình trên kính lần đầu tiên trên thế giới. Thứ hai, “Nơi này hay cực” tạo ra sự khác biệt về văn hoá khi kết hợp các game trải nghiệm tương tác qua kính. TV360 cho người xem được thử vẽ đèn lồng tại các làng nghề thủ công truyền thống cùng các nghệ nhân, hay tìm hiểu về món ăn Cao lầu nổi tiếng xứ Quảng thông qua kính thực tế ảo VR. Khách hàng có thể tương tác trực tiếp, tạo nên trải nghiệm nhập vai mới lạ.

Thuật ngữ "xem tivi" trong thời đại phát triển của TV360 đã bao gồm cả trải nghiệm "sống" với vô vàn những nội dung tự sản xuất AR/VR hiện đại. Khách hàng thực sự được hoà mình trong những thước phim, những điệu nhạc sống động về cảnh đẹp đất nước, con người Việt Nam và hoà mình vào văn hoá thế giới muôn màu, dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào. Nhiều quan khách còn nhận ra Hội An vì đã từng có dịp tham quan trước đó.

TV360 - Anh 3.jpg

Đồng chí Phạm Thanh Phương cho biết “Giá trị lớn nhất MWC 2024 đem lại là tri thức. Bên cạnh những yếu tố về AI, Human digital, các hãng công nghệ lớn đang rất tập trung đầu tư Virtual content - nội dung tiêu tốn lượng data lớn trên 5G. Như vậy, xu hướng sản xuất nội dung sẽ không phụ thuộc bởi các công ty sản xuất tư liệu thông thường, thay vào đó là dẫn dắt bởi các nhà mạng. Từng bước các công ty viễn thông dần sẽ trở thành người dẫn dắt thị trường dựa trên công nghệ mà mình phát triển”.

“Sự xuất hiện của TV360 tại MWC năm nay đã chứng minh: doanh nghiệp Viettel của Việt Nam có đầy đủ sức mạnh, đủ mạnh mẽ và đủ quyết tâm để đứng ngang hàng với cả những công ty viễn thông hàng đầu thế giới”, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Truyền hình, Phạm Thanh Phương, nhận định.

Viettel được gì từ MWC 2024?

Mạnh Hùng

Viettel nắm bắt kịp thời xu thế, đón nhịp công nghệ kịp thời với sự trình làng lần đầu tiên của đại sứ AI Vi An đến giới công nghệ. Nhưng đó không phải thành quả duy nhất Viettel có được tại MWC 2024.

Khi iPhone 5 được ra mắt lần đầu, một phóng viên đặt câu hỏi với Tim Cook, CEO của Apple, rằng vì sao Apple vẫn chưa công bố hay có động thái chính thức về nghiên cứu phát triển AI. Vị CEO quyền lực đã trả lời hóm hỉnh: “Anh có biết tại sao pin của iPhone lại hoạt động bền bỉ hiệu năng cao vậy không?”/ Apple không công bố nhưng đã áp dụng sẵn để làm lợi thế trước các đối thủ Android.

Đó là chuyện xảy ra từ năm 2012.

12 năm sau, AI không còn quá xa lạ nữa. Thậm chí, Hội nghị di động thế giới (MWC) năm 2024 chứng kiến sự dẫn dắt ngoạn mục của xu thế công nghệ này với quy mô hàng nghìn đơn vị tham gia trình diễn.

Viettel nắm bắt rất kịp thời xu thế, đón nhịp công nghệ kịp thời với sự trình làng lần đầu tiên của đại sứ AI Vi An đến giới công nghệ. Nhưng đó không phải thành quả duy nhất Viettel có được tại MWC 2024.

Anh thiet ke 1.jpg

Sự xuất hiện của Vi An thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách tham quan cũng như đồng nghiệp các nước. Data Monster, đối tác được liên kết của NVIDIA, đánh giá rất cao khả năng nhận biết mọi ngôn ngữ của Human AI từ Viettel.

Cử chỉ duyên dáng, trả lời mọi câu hỏi từ tất cả chủ đề từ thông tin về các sản phẩm của Viettel, đến các câu hỏi về thông tin xã hội tổng hợp, các câu hỏi khó hơn về thuật toán xử lý phân bố mạng vệ tinh trên không gian (mesh algorism) đến những câu hỏi khá kén khách như lĩnh tâm lý học, Vi An đều trả lời trôi trảy trong "phút mốt".

Chia sẻ với Viettel Family, đồng chí Nguyễn Trần Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu, Viettel Telecom, thừa nhận sự tự hào về sản phẩm của Viettel: "Có nhiều người đến khen sản phẩm của Viettel. Nhiều người còn hỏi đây là sản phẩm của tương lai? Tôi cũng trả lời, đây là sản phẩm thực tế, đã được ứng dụng của Viettel AI. Chúng tôi cho họ xem ứng dụng thực tế tại Việt Nam. Họ cũng rất bất ngờ. Có đoàn của Meta (công ty mẹ Facebook) vào và nói đây là big idea (ý tưởng lớn - PV). Tôi rất tự hào về những gì người Viettel cố gắng và làm được".

Anh thiet ke 2.jpg

Tự hào về sản phẩm cây nhà lá vườn. Nhưng các nhân sự tại MWC của Viettel cũng có những góc nhìn riêng cụ thể về chất lượng của các sản phẩm được trình diễn từ các công ty khác. "Chúng tôi tự tin hơn khi đến MWC", chị Linh nói. "Sản phẩm của tôi là Human AI. Trước đây, tôi mới chỉ đọc sách, nghiên cứu các sản phẩm khác trên thế giới, xem Youtube để thấy demo sản phẩm. Giờ đây mới tới để xem tận mắt sản phẩm của họ.

Bản chất công nghệ AI rất công bằng, kể cả giữa các quốc gia. Chỉ cần ham học hỏi, chúng ta sẽ song hành được với những gì thế giới đang làm. Vừa rồi, chúng tôi đi xem sản phẩm của Amdocs, người ta đưa Human AI vào thực tế ảo và giới thiệu Human AI qua thực tế ảo đó. Trải nghiệm này cực kỳ hấp dẫn. VTT, VTS hay VDS đều có thể làm điều tương tự với các Digital Human. Tôi bất ngờ với trải nghiệm này và rất muốn mang chúng về Việt Nam".

Anh thiet ke 3.jpg

Anh Trịnh Đình Hoàn, phó Giám đốc khối của Viettel AI quả quyết khác biệt giữa AI của Viettel và các công ty, tập đoàn trên giới tuyệt đối không nằm ở khả năng sáng tạo, tìm tòi. “Có hai thứ. Một, chúng ta không đủ hạ tầng để thử nghiệm các mô hình ngôn ngữ lớn. Thứ hai, ở tầm nhỏ hơn, chúng ta không đủ người để “phủ” toàn bộ các use case. Tôi đi xem một lượt các gian hàng MWC, các sản phẩm cũng chỉ xoay quanh 4 vấn đề: ngôn ngữ lớn, computer vision, xử lý đồ họa và dữ liệu lớn. Không có quá nhiều sản phẩm khiến mình wow”, anh Hoàn nói.

“Bản chất của vấn đề là họ có dữ liệu, sau đó tạo một bài toán (use case), dùng AI sử dụng dữ liệu để giải, và đem ra trình diễn. Điều này Viettel làm được”.

Anh thiet ke 4.jpg

Việt Nam hay Viettel nói chung sẽ học được gì từ những trải nghiệm tại MWC 2024? Chị Linh nhìn ra xu hướng chung của các công ty trên toàn thế giới trong việc áp dụng AI vào kinh doanh.

“Các TelCo đang chạy đua tạo ra chip AI dành riêng cho các mô hình ngôn ngữ lớn. Đây là xu hướng mới, để cho chúng ta chủ động triển khai nhanh AI, đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Nếu phát triển, chúng ta sẽ có cơ hội tận dụng thị trường rất lớn để tạo ra những nguồn doanh thu mới. Đây là ý tưởng hay. Ví dụ, SK Telecom có sản phẩm AI phục vụ người dân có khoảng 20 chức năng khác nhau. Con người đại loại sẽ có AI đính kèm trong toàn bộ công việc thường ngày”, chị Linh chia sẻ.

Anh Hoàn thì tin AI đã “ngấm” vào mọi tầng lớp trong phát triển viễn thông, từ hạ tầng, mạng lưới đến thiết bị, trợ lý ảo, và giờ đã đi vào thuật toán lõi. Tuy nhiên, điều này nhiều quốc gia đều đã làm, đồng nghĩa khó có thể tạo khác biệt. “Nhiều người cùng bán thì bên mua có quá nhiều lựa chọn. Kinh doanh sẽ rất khó”, anh Hoàn nói.

Anh thiet ke 5.jpg

Nhận định về hướng phát triển AI gây ấn tượng và có tiềm năng lớn nhất, phó Giám đốc khối của Viettel AI cũng tin đó là trợ lý ảo ngôn ngữ.

“MWC năm nay có những trợ lý ảo phát triển vượt bậc”, anh Hoàn nhấn mạnh. “Tôi có thử nghiệm một trợ lý ảo của công ty từ Nhật Bản. Phản xạ về mặt ngôn ngữ là tuyệt vời, cực kỳ mượt mà. Ví dụ thế này: tôi đặt câu hỏi bằng tiếng Việt với trợ lý ảo, bộ phận xử lý dữ liệu của sản phẩm này sẽ đọc, phân tích và bắt đầu đưa ra câu trả lời bằng tiếng Việt trên màn hình trong thời gian dưới 0,5 giây.

Mình đang nói, AI đã bắt đầu trả lời. Trợ lý ảo này cực kỳ phù hợp để xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ. Nếu chúng ta họp với đối tác nước ngoài, chỉ cần một trợ lý ảo để giữ quá trình giao tiếp được thông suốt từ đầu tới cuối”. Huawei (Trung Quốc) có trợ lý dạng robot, nghe được mình nói, tái hiện lại cơ mặt, bắt chiếc hành vi… AI sẽ đứng giữa, giúp sản phẩm kiểu này dần tiệm cận con người.

Song anh Hoàn tin chính điều này cũng đặt ra thử thách với Viettel cũng như Việt Nam trên lần lượt hai khía cạnh: khai thác, mở rộng kinh doanh và bảo vệ Tổ quốc. “Nếu trợ lý ảo ngôn ngữ AI trở nên quá toàn diện, các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) sẽ sớm thống trị thị trường. Khi rào cản ngôn ngữ bị xóa nhòa, việc họ cạnh tranh với chúng ta là chuyện tất yếu. Vấn đề an ninh cũng sẽ không còn được đảm bảo”, anh Hoàn nêu quan điểm.

Dẫu vậy, anh Hoàn vẫn tin vào thị trường Việt Nam. “Người dân Việt Nam thông minh, đặc biệt nhanh nhẹn khi áp dụng công nghệ để kinh doanh. Các quốc gia khác rất ì. Môi trường của Việt Nam thuận lợi. Đó là lợi thế của chúng ta”, anh Hoàn nhấn mạnh.

Anh thiet ke 6.jpg

Viettel tham gia hệ thống giám sát toàn cầu về an ninh mạng của Radware

Trong khuôn khổ Triển lãm di động thế giới- MWC 2024, Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) - Đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Radware- công ty hàng đầu thế giới về an ninh mạng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh cung cấp các giải pháp bảo mật trên nền tảng đám mây tại Việt Nam và trong khu vực.
Đọc thêm

Viettel và Intel hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và hạ tầng số

Tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2024, Viettel và Intel- Công công nghệ hàng đầu thế giới về vi xử lý ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng tốc nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ tiên tiến kiến phục vụ hạ tầng số, xã hội số tương lai.
Đọc thêm

Viettel Cloud có thêm giải pháp an ninh từ Palo Alto

Tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2024, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - Đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Palo Alto Networks (Palo Alto) - Công ty an ninh mạng đa quốc gia của Hoa Kỳ đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển giải pháp an ninh, an toàn cho điện toán đám mây.
Đọc thêm