Kính gửi Quý bạn đọc!
Con người, theo tháp nhu cầu Maslow, được động viên bởi 5 nhóm nhu cầu khác nhau, mô tả theo hình dạng của một kim tự tháp, sắp xếp từ thấp đến cao theo thứ tự: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng, và nhu cầu tự thể hiện.
Hiểu một cách rộng hơn, những nhu cầu này là động lực để con người làm việc, nỗ lực cống hiến mỗi ngày. Lao động có giá trị, bởi đó không chỉ là công cụ đáp ứng các mong muốn cơ bản nhất của cá nhân, mà với lao động, con người được thể hiện bản thân, được xã hội công nhận và tôn vinh năng lực của mình.
Với xã hội, dù trẻ hay già, nam hay nữ, với sắc tộc và màu da nào, mỗi việc mà chúng ta làm đều tác động lẫn nhau, tạo nên sự vận động của guồng quay nhân loại. Lao động là bàn đạp tạo nên những tiến bộ về năng lực sản xuất, đột phá về khoa học kĩ thuật, thúc đẩy con người tiến đến sự văn minh ngày nay.
Khai thác những câu chuyện về nét đẹp lao động trong cuộc sống, xoay quanh những nhân vật với đa dạng vị trí công việc, đơn vị công tác, lứa tuổi, môi trường sống và làm việc… cùng Viettel Family khám phá những câu chuyện rất đời, rất người của người Viettel qua số Tạp chí Viettel Family với chủ đề “Nét đẹp lao động”.
Ban Biên tập
Đồng phục lao động màu xanh, tay cầm búa kìm thước quệt ngang những giọt mồ hôi… Đó là hình ảnh đặc trưng trong thế kỷ 20 của những người công nhân - giai cấp gắn kết các giai tầng trong xã hội, là lực lượng nòng cốt của những cuộc cách mạng.
Thế kỉ 21, khái niệm Công nhân trí thức (Knowledge workers) xuất hiện, chỉ những người lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra của cải từ chất xám và năng lực vượt bậc. Cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, những chuyên gia công nghệ thông tin, viễn thông và khoa học máy tính là điển hình của tầng lớp này, họ đóng góp năng suất lao động thông qua những nghiên cứu, sản phẩm CNTT phục vụ cho khách hàng.
Tại Việt Nam, tầng lớp công nhân trí thức đang dần chiếm tỷ lệ lớn, họ là minh chứng cho sự thay đổi của đất nước, cho cuộc cách mạng công nghiệp hóa hiện đại hóa đang diễn ra. Cùng với sự thay đổi của đất nước, các tập đoàn công nghệ cũng là cái nôi để phát triển những tài năng của thế kỉ mới. Từ năm 2017 đến năm 2021, Viettel đã tuyển dụng hơn 4.200 nhân sự mới trong lĩnh vực công nghệ cao, độ tuổi trung bình là 24. Tại Viettel, khoảng 40% cấp lãnh đạo và quản lý ở lĩnh vực này có độ tuổi không quá 35. Đây chính là nhóm lực lượng nòng cốt tạo ra những đột phá mới trong nghiên cứu sản xuất, cộng hưởng sức mạnh cùng Viettel ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Áp lực từ công việc, từ những thử thách trong cuộc sống, nhưng với nhóm “Công nhân trí thức” họ đi làm không chỉ vì những phúc lợi nhận được, mà ở đó chúng ta thấy được sự yêu nghề, khát khao khẳng định bản thân qua thách thức của công việc.
Tập đoàn Viettel bước vào giai đoạn phát triển lần thứ 4 xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Đặc biệt, ở các lĩnh vực về nghiên cứu sản xuất, trình độ các kĩ sư cần phải đáp ứng được chuyên môn cao, tạo ra nhiều đột phá khi đi vào thực tế
Dự án về radar của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao (VHT) với những người “công nhân trí thức” là minh chứng rõ nét. Đồng hành cùng các dự án Radar suốt hơn 11 năm qua, Đại uý Nguyễn Như Thành, Trưởng phòng Xử lý cấp 2, Trung tâm Radar, VHT cho biết, trong lĩnh vực quốc phòng, muốn bảo vệ chủ quyền trên bộ, trên không, trên biển thì phải quan sát được thì mới có những hành động phòng vệ được. Các hệ thống radar giống như những mắt thần ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Trong quãng thời gian làm việc tại VHT, anh Thành cùng đồng đội đã tham gia nghiên cứu nhiều loại radar, trong đó có khoảng 200 sản phẩm đang phân bố khắp cả nước. Ngoài là chủ nhiệm đề tài radar VRS-MCX và hoàn thành nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại cho các đài rađa 3D (3 tọa độ), trong năm 2022, anh Nguyễn Như Thành còn là tác giả của 7 công nghệ lõi, 3 bài báo khoa học quốc tế. Trước đó, trong năm 2021, anh và nhóm cộng sự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình “Thiết kế, chế tạo radar cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Theo anh, ngành radar của Viettel đã và đang sáng tạo những sản phẩm ngang tầm thế giới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Viettel là chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra bên ngoài, chưa tạo được niềm tin của khách hàng quốc tế. “Nhưng lợi thế lớn nhất của chúng tôi là ngay từ đầu đã rất gần với khách hàng, thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng và có thể đem lại được những giá trị mà những công ty lớn khác không có được. Tôi có một niềm tin là trong vài năm tới chắc chắn những sản phẩm của Viettel sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài”, anh Thành khẳng định.
Vượt qua 2.200 chuyên gia trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới, tháng 5 vừa qua, Nguyễn Hồng Đăng, kỹ sư Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất sắc thuộc thế hệ gen Z của Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) vừa giành giải Nhất trong cuộc thi “Phát hiện ung thư vú qua sàng lọc nhũ ảnh” trên Kaggle – cộng đồng chuyên gia AI và khoa học dữ liệu lớn nhất thế giới.
Cuộc thi do Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ (RNSA) tổ chức và phát động, tìm kiếm thuật toán tự động nhận diện nhanh, chính xác nhất các dấu hiệu bệnh ung thư tuyến vú từ một vùng rất nhỏ trong nhũ ảnh. Trong tệp dữ liệu mà cuộc thi đưa ra, tỷ lệ mẫu ung thư ác tính được gán nhãn chỉ chiếm khoảng 2% tổng số lượng mẫu, trong khi số lượng mẫu còn lại được gán nhãn lành tính hoặc bình thường chiếm 98%. Tình trạng mất cân bằng dữ liệu này có thể khiến cho trí tuệ nhân tạo dự đoán sai.
“Có hai lý do khiến mình tham gia cuộc thi này. Thứ nhất, đây là cuộc thi về Computer Vision – lĩnh vực mình đang làm việc. Thứ hai, từ trước đến nay mình chưa từng gặp bài toán nào có dữ liệu lệch như này, đây là cơ hội để mình học hỏi. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của các sếp cũng là điều kiện cần giúp mình có đủ nguồn lực để tham dự cuộc thi”, Đăng cho biết.
Theo Đăng, lệch dữ liệu là hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, tỉ lệ hành động bất thường trong bài toán an ninh của một toà nhà chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các hành động thường ngày của cư dân, người làm việc trong toà nhà. Việc được tiếp cận với một bộ dữ liệu lớn, có tỉ lệ dữ liệu lệch như này là một cơ hội với Đăng. Đây cũng là một bài toán khó, đòi hỏi cao về thuật toán và chiến thuật của người tham gia dự thi. Giải quyết được bài toán này giúp Đăng có thêm góc nhìn và cách làm mới trong việc giải quyết công việc thực tế.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, giải pháp của Nguyễn Hồng Đăng đã giải quyết được tình trạng mất cân bằng dữ liệu trong huấn luyện mô hình AI, xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi, trị giá 10.000 USD. Giải pháp này có thể tích hợp vào hệ thống hỗ trợ phân tích (Computer-aided diagnosis - CADx systems) nhằm cải thiện tính chính xác trong việc chẩn đoán và khám chữa bệnh ung thư vú, nhóm ung thư phổ biến nhất toàn cầu theo Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Bên cạnh những nỗ lực của chàng trai trẻ, kết quả này kế thừa các tri thức nghiên cứu AI của VTCC, tận dụng nguồn lực mạnh mẽ là hạ tầng siêu máy tính của trung tâm, nằm trong top 500 máy tính mạnh nhất thế giới, mỗi giây có thể đạt 20 triệu tỷ phép tính (20 Petaflops).
Đại úy Nguyễn Như Thành tự nhận, anh có may mắn rất lớn khi được các lãnh đạo Viettel đặt niềm tin. Anh được tham dự các dự án lớn quan trọng, giải những bài toán lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, của đất nước. Với anh Thành, “động lực cao nhất và quan trọng nhất của mình là bảo vệ đất nước, động lực thứ hai chính là tri thức của một người làm kỹ thuật!”.
“Ở Viettel, một người trẻ như mình có rất nhiều cơ hội: Cơ hội để phát triển nghề nghiệp, cơ hội trưởng thành của bản thân, và khi Viettel lớn mạnh phát triển, mình có cơ hội học hỏi. Mình thích chinh phục, mình thích làm những việc mà người khác không dám làm!”, Thành tâm sự.
Những việc khó giống như một cái thước đo, để mình biết được giá trị và năng lực của mình tới đâu, còn bao nhiêu, đâu là giới hạn... Nếu không có một cái thước đủ lớn, khó mà đo được những thứ rộng dài.
Với Đăng, cơ hội của chàng kỹ sư AI trẻ là khi được tập đoàn, lãnh đạo VTCC tạo điều kiện để học hỏi, vận dụng nguồn lực khổng lồ của Viettel để giải quyết vấn đề của xã hội. Cơ hội này giúp Đăng biết được năng lực và giá trị của mình, nuôi dưỡng đam mê, tìm kiếm câu trả lời cho những bài toán thiết thực xung quanh cuộc sống vẫn còn bỏ ngỏ.
Không chỉ Thành và Đăng, hàng vạn kỹ sư, công nhân viên chức của Tập đoàn Viettel đang tạo ra một cuộc cách mạng mới kết nối trí tuệ và tài năng: Người Công nhân trí thức không chỉ chờ lãnh đạo giao việc, mà chủ động tự trao nhiệm vụ, tự lãnh sứ mệnh lớn hơn.
Người Viettel đạt được những thành tích “đỉnh cao” có lẽ cũng vì đều được yểm trợ bởi hàng loạt những điều kiện chỉ có tại Viettel. Dù người lao động ở Viettel mặc màu áo gì, là công nhân kéo cáp trên đỉnh núi, hay cặm cụi nơi phòng Lab nghiêm ngặt, họ đều có bản sắc riêng và không ngừng kiến tạo các giá trị cho tập đoàn, cho xã hội và đất nước.
Sở hữu thương hiệu số 1, là nhà mạng viễn thông lớn nhất Campuchia cả về thuê bao, doanh thu và mạng lưới, người Metfone xác định với SEA Games 32 – sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Campuchia, toàn bộ khách hàng trong và ngoài nước phải được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Đây không chỉ là hình ảnh của Metfone nói riêng mà còn thể hiện lòng hiếu khách, tính sẵn sàng, chuyên nghiệp của thương hiệu quốc gia Campuchia – đất nước Metfone đang hoạt động.
Lần đầu tiên tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12), Campuchia đã đầu tư hơn 131 triệu USD và dự kiến sẽ đón khoảng 500.000 du khách quốc tế cho hai sự kiện này. Bên cạnh việc đài thọ những chi phí cơ bản cho gần như toàn bộ các đoàn vận động viên nước ngoài, miễn phí vé vào cửa xem các sự kiện, nước chủ nhà cũng không thu tiền bản quyền truyền hình phát sóng.
Metfone – nhà mạng lớn nhất Campuchia bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo tính ổn định của chất lượng dịch vụ viễn thông còn là đơn vị trực tiếp phối hợp với Đài truyền hình Quốc gia Campuchia TVK phát sóng các trận tranh tài tới người yêu thể thao khắp Đông Nam Á.
Hơn 13 năm hoạt động tại thị trường này, người Metfone xác định đây là chiến dịch đảm bảo hạ tầng mạng lưới, đường truyền, chất lượng dịch vụ lớn nhất từ trước tới nay về cả quy mô và tính rộng khắp. Ngay từ tháng 10/2022, Ban Giám đốc Metfone đã triển khai các cuộc họp chỉ đạo, chuẩn bị các phương án kĩ thuật, marketing, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của vị tổng chỉ huy Cao Mạnh Đức, Tổng giám đốc Viettel Campuchia, 3000 người Metfone xác định thành công của sự kiện không chỉ đóng góp cho hình ảnh thương hiệu của quốc gia, đất nước mình đang kinh doanh, mà còn là cầu nối gắn kết quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.
Tháng 3/2023, trước khi diễn ra SEA Games 2 tháng, chiến dịch chính thức bước vào giai đoạn cao điểm. Hệ thống trạm BTS trên toàn quốc được kiểm tra, các điểm lõm, vùng lõm sóng được rà soát và khắc phục. 100% nhà thi đấu trên toàn quốc được bổ sung các phương án kĩ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định khi số lượng người dùng tăng đột biến.
Trước lễ khai mạc một tuần, tại sân bay quốc tế Phnom Penh, quầy Metfone luôn có 2-3 nhân sự túc trực 24/7, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng bất kể là chuyến bay hạ cánh vào thời điểm nào trong ngày. Các điểm bán hàng lưu động cũng được bổ sung tại các khu vực cao điểm để các khách hàng trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Metfone.
Anh Nguyễn Văn Đang – Giám đốc trung tâm vận hành khai thác Metfone, phụ trách hạ tầng mạng lưới Metfone cho kì SEA Games 32 chia sẻ, Metfone được đánh giá cao về chất lượng mạng lưới trên toàn lãnh thổ Campuchia. Trong hôm khai mạc tại sân vận động quốc gia, tại một số thời điểm, khi đường truyền của đối thủ tê liệt, chất lượng mạng của Metfone vẫn được duy trì, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Là đơn vị có khối lượng công việc nặng nề, nhìn lại cả hành trình, anh Đang khẳng định: “Không có gì là không thể, không có gì là không làm được hết, quan trọng là có đủ tình yêu lớn lao với nhiệm vụ ấy không. Khó mấy cũng làm được, gấp mấy cũng làm được.”
Bên cạnh việc nhiệm vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ tại Campuchia, điều khiến người Việt tại Metfone tự hào là hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống mạng phục vụ sản xuất trực tiếp các trận bóng đá của đội tuyển nữ Việt Nam. Với anh và đồng nghiệp, đây là nhiệm vụ mà “mình không làm thì ai làm”.
Thời điểm đó phía Việt Nam vừa nhận được thông tin Campuchia chỉ thực hiện sản xuất trực tiếp các trận bán kết và chung kết bóng đá nữ, người dân sẽ không được xem những cô gái vàng của chúng ta thi đấu ở các trận vòng loại. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rất muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Viettel Campuchia về hệ thống mạng phục vụ việc sản xuất các trận đấu này. Tuy nhiên, lời đề nghị này được đưa ra vỏn vẹn trước 1 ngày trước khi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu.
Ngay khi nhận được đề nghị của anh Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Thể thao Đài truyền hình Việt Nam, Tổng giám đốc Viettel Campuchia Cao Mạnh Đức đã không ngại ngần nhận lời. Ngay lập tức, Ban tổng giám đốc họp chỉ đạo, đội dự án với 20 thành viên được thành lập, song song đội ngũ kĩ thuật cũng nhanh chóng ra sân để khảo sát, đánh giá, cung cấp thông tin cho ban chỉ đạo để thống nhất giải pháp. Các thiết bị kĩ thuật cũng lập tức được vận chuyển theo phương án vừa được gấp rút đưa ra.
Phương án kĩ thuật cuối cùng là đồng thời nâng cấp đường truyền 4G lên cấu hình tối đa và kéo đường truyền cố định để backup cho nhau. Một trạm kĩ thuật được dựng ngay trong đêm, cung cấp riêng đường truyền cho đội ngũ ghi hình của VTV đảm bảo có thể đẩy hình ảnh phát sóng từ Metfone về Viettel. Tiếp theo đó, do phía VTV sử dụng đường truyền của một đơn vị khác, nên cần xử lý phần kết nối giữa hai nhà mạng trong nước.
“Thông thường, chúng tôi mất ít nhất 3 ngày để thực hiện các phương án kĩ thuật để truyền hình trực tiếp một sự kiện thể thao tương tự. Tuy nhiên, lần này chỉ trong 1 ngày, chúng tôi vừa phải xử lý kĩ thuật đồng thời phải xin phép phía Ban tổ chức để xây dựng và lắp đặt trạm ngay trong đêm. Thời điểm đó, anh em kĩ thuật chúng tôi đều được cấp những thẻ đặc biệt từ Ban tổ chức để thuận tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, anh Đang nhớ lại.
Sau khi đảm bảo chất lượng đường truyền trong lượt ghi hình đầu tiên, đội ngũ kĩ thuật nhanh chóng triển khai mô hình tương tự tại 2 sân vận động có các trận đấu tiếp theo. Ở mỗi trận đấu, luôn có 5-7 anh em kĩ thuật Metfone túc trực, sẵn sàng cho mọi tình huống. Với trận bán kết và chung kết, Metfone trực tiếp làm việc với Đài truyền hình Quốc gia Campuchia TVK để phát sóng.
“Với dự án này, chúng tôi xác định không phải mình làm thì ai làm. Đã làm là phải làm đến cùng. Kết qủa là hình ảnh ghi hình các trận đấu của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã được truyền trực tiếp về cho đồng bào cả nước theo dõi, bên cạnh đó cũng được Đài truyền hình Quốc gia Campuchia TVK lấy lại làm tư liệu.”
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thông tin chuyển về Việt Nam một cách liền mạch và nhanh chóng, mỗi phóng viên Việt Nam sang công tác tại kì đại hội này đều nhận được một chiếc sim với 50GB tốc độ cao sử dụng trong một tháng; 50 phút gọi quốc tế; và gọi, nhắn tin nội mạng Metfone miễn phí. Phóng viên có thể nhận sim trực tiếp tại quầy Metfone ở sân bay quốc tế hoặc sim được giao trực tiếp tới khách sạn lưu trú.
Anh Lê Đức Anh – Trưởng phòng Marketing, Khối khách hàng cá nhân và Hộ gia đình Metfone, nhận nhiệm vụ hỗ trợ đoàn phóng viên tại Campuchia cho biết “Trước khi SEA Games 32 diễn ra, ngay khi ở Việt Nam, người Viettel đã liên hệ với các phóng viên song hành cùng đoàn thể thao nước ta sang tác nghiệp. Chúng tôi có một nhóm kết nối các anh chị phóng viên với người Viettel trong nước và tại Campuchia để đảm bảo các anh chị có đầy đủ công cụ kết nối, tốc độ đường truyền, liên lạc trong suốt quá trình công tác. Bất cứ lúc nào anh chị phóng viên cần hỗ trợ, chỉ cần thông báo, người Viettel sẽ sẵn sàng.”
Metfone đang là một trong 5 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất cho chính phủ Campuchia, cũng như đóng góp cho các hoạt động cộng đồng, công tác xã hội ở đây, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp và trên 30.000 lao động gián tiếp, với thu nhập bình quân ở mức cao hơn so với mặt bằng chung. Tính đến nay, Metfone cũng đã đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng, chia sẻ, đồng hành với chính phủ, các cơ quan bộ, ban, ngành và người dân Campuchia với số tiền hơn 100 triệu USD. Ngoài ra, Metfone còn là đơn vị tiên phong trong hoạt động hợp tác thực hiện chương trình chuyển đổi số cho chính phủ và các bộ, ban ngành Campuchia.
Một tập hợp những việc nhỏ được làm rất chỉn chu mới mang lại được một kết quả như mình mong muốn. Một tập hợp của hơn 50.000 người nỗ lực hết mình, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn đã tạo nên sức mạnh khổng lồ vận hành cỗ máy mang tên Viettel tiến về phía trước mỗi ngày.
Gia nhập Viettel năm 2019 khi vừa mới tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, công việc đầu tiên của Nguyễn Hồng Giao lúc ấy là Cộng tác viên mảng dịch vụ số Viettel, chi nhánh Kon Tum. Trở về quê hương theo định hướng của gia đình, gắn bó với vị trí khác với ngành học, sau 4 năm gắn bó với Viettel chàng trai thật thà khẳng định “Thích thiệt, không thích đã rời đi lâu rồi”.
Hiện Giao phụ trách phát triển kinh doanh mảng dịch vụ số tại tỉnh Kon Tum. Vị trí này giúp Giao có cơ hội gặp gỡ với rất nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Ấn tượng nhất với chàng trai trẻ là hành trình kết nối, hỗ trợ các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Kon Tum nhận tiền trợ cấp hơn 3 năm trước.
Thời điểm đó, các em học sinh được hưởng một khoản trợ cấp khoảng 200.000 đồng từ nhà trường, phục vụ các chi tiêu tiêu dùng hàng ngày, sau khi trừ chi phí tiền học, sinh hoạt… cố định. Tuy nhiên, hiện tượng mất tiền thường xuyên diễn ra trong khu nội trú, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học tập và sinh hoạt của các em. Nắm bắt được tình hình, Giao đã tư vấn cho các thầy cô, các em học sinh sử dụng dịch vụ Viettel Money thay vì dùng tiền mặt để chi trả. Trải nghiệm thấy thủ tục đơn giản, dễ cài đặt, sử dụng thuận tiện… nhà trường đã rất ủng hộ và nhiệt tình phối hợp với Viettel để triển khai.
Thực tế các em đều là người dân tộc thiểu số, việc tiếp cận công nghệ lúc đầu tuy còn hạn chế, Giao đã tận dụng lợi thế là người Tây Nguyên, hiểu rõ văn hoá, phong tục tập quán của người bản địa để kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn giúp các em nhanh chóng nắm bắt sử dụng dịch vụ. Điều khiến Giao hạnh phúc là sau khi triển khai, vấn nạn mất tiền đã được giải quyết. Nhiều bạn cũng tâm sự với anh rằng tháng nào cũng mong đến ngày nhận trợ cấp, nếu không phải tiêu dùng cá nhân, các em lại gửi bố mẹ. Chàng trai trẻ xúc động trước suy nghĩ trưởng thành của các bạn nhỏ, số tiền tuy nhỏ nhưng cũng phụ giúp thêm cho gia đình.
Giao chia sẻ, ban đầu công việc được giao thì mình làm thôi, nhưng càng đi, càng gặp gỡ, thấy được giá trị công việc của mình, mình càng thấy yêu và muốn gắn bó nhiều hơn. Giao tâm niệm “Ngoài dịch vụ sản phẩm tốt, nhân viên làm việc phải bằng cả chữ tâm, chữ tín, thì dịch vụ số của Viettel mới ngày càng lan tỏa và phát triển bền vững”.
Đến hiện tại, Giao đã triển khai thành công dịch vụ số tại các trường phổ thông nội trú của 9 huyện trên toàn tỉnh. Để hỗ trợ các thầy cô giáo và học sinh, anh thường trực tiếp đến các điểm trường, nơi gần nhất chừng 70km, còn đến được huyện Tu Mơ Rông, huyện ĐăkGlei.., anh phải vượt khoảng 150km. Rồi từ huyện đến các xã, các buôn làng nhiều khi không đi được xe máy, anh phải gửi lại xe đi bộ đến tư vấn cho đồng bào, thậm chí có khi anh còn ở lại 2 - 3 ngày để hỗ trợ họ.
Cách Kon Tum hơn 500km về phía Nam, Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn của cả nước, là khu vực sinh sống của nhiều công nhân lao động. Sau hai năm Covid-19, đây là một trong các tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp đến tìm hiểu về chương trình hỗ trợ người thất nghiệp nhận trợ cấp qua Viettel Money.
Theo chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt (Viettel Bình Dương), khi người lao động đến với Viettel là họ đã hoàn toàn tin tưởng mình. Cái khó là làm sao hướng dẫn người lao động để bộ hồ sơ đầy đủ, hoàn thiện, tránh việc để cả mình và khách hàng phải mất nhiều thời gian. Trường hợp có vướng mắc sẽ nhờ người có thẩm quyền cao hơn hỗ trợ hoặc hướng dẫn để người lao động xử lý một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
“Hồ sơ nào trái pháp luật hoặc trễ quá 3 tháng quy định mà không thể khắc phục thì tôi mới bỏ qua, còn lại phải hướng dẫn họ về làm lại hồ sơ hợp lý để được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Mình không thất nghiệp là hạnh phúc hơn người ta nhiều lắm nên giúp được ai là tôi cố gắng giúp hết sức có thể…”, chị Nguyệt chia sẻ. Thông thường, mỗi hồ sơ được xử lý là người lao động được nhận hơn chục triệu đồng.
Trong quá trình làm việc, gặp những người khó khăn trong việc điền đơn, chị và team có khi còn giành viết luôn, chỉ mong khách hàng hoàn thành thủ tục nhanh, còn về với gia đình. Được là cầu nối giúp đỡ mọi người, nhất là những người thất nghiệp có hoàn cảnh khó khăn đó cũng là cái duyên chị được trao đi. Chị tâm niệm, còn làm việc ngày nào là còn cống hiến, chính công việc đã giúp chị tôi luyện, trở thành “một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình”.
Với mạng lưới giao dịch, thanh toán phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành; với gần 25 triệu khách hàng trên dải đất hình chữ S; có hàng ngàn câu chuyện triển khai Viettel Money mỗi ngày như anh Giao, chị Nguyệt vẫn chưa được kể. Mỗi người Viettel đều hiểu rằng, công việc của mình đang từng bước giúp người dân ở mọi miền tổ quốc tiếp cận với công nghệ số, dịch vụ số; từng bước giúp cuộc sống của mọi người trở nên thuận tiện hơn, hạnh phúc hơn; là động lực để xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra vô số ngành nghề mới, đòi hỏi thêm nhiều bộ kỹ năng mới, yêu cầu người lao động thường xuyên cập nhật tri thức, liên tục trau dồi bản thân. Xu hướng này thúc đẩy hoạt động người lao động phải nỗ lực phát triển bản thân, mà trong đó phương pháp đơn giản, tiết kiệm và phổ biến nhất là đọc sách.
Hiểu được giá trị của việc đọc sách, Viettel đã hình thành văn hoá đọc và thúc đẩy việc đọc sách trong suốt hơn 30 năm hình thành và phát triển. Hoạt động này được triển khai toàn diện và thúc đẩy mạnh mẽ, mục đích giúp người Viettel nâng cao tri thức, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu tinh hoa nhân loại để vận dụng vào cuộc sống cũng như công việc hàng ngày một cách hiệu quả hơn, thông minh hơn, bình tĩnh và chủ động hơn.
Việc đọc ngày nay đã không còn “dễ chịu” như trước, khi mà nhiều loại hình giải trí bùng nổ. Xu hướng đọc nhanh, lướt vội, xem các nội dung tóm lược khiến nhiều người không muốn dùng hàng giờ để chìm đắm trong từng trang sách. Chính vì thế, các cấp quản lý, lãnh đạo trong Tập đoàn cần làm gương trong việc đọc sách và xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc tại cơ quan, đơn vị. Đó chính là thông điệp mà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đã đưa ra.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập đoàn, trong năm 2022, các cơ quan đơn vị trong toàn Tập đoàn đã xây dựng, làm mới gần 150 tủ sách và phát động hàng chục phong trào lan tỏa thói quen đọc sách đến toàn thể người Viettel trên toàn cầu. Các thư viện sách trực tuyến cũng được xây dựng, đảm bảo người Viettel được tiếp cận sách mọi lúc, mọi nơi.
Các đầu sách hay thường xuyên được bổ sung thông qua các hoạt động review sách chất lượng. Tiêu biểu có thể kể đến hoạt động “Tôi đọc gì?” do chính các lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Ngoài tóm tắt nội dung, các reviewer Viettel còn đúc kết bài học và soi chiếu những vấn đề của cuốn sách vào thực tế. Đây cũng là không gian để người Viettel cùng thảo luận, chia sẻ về những vấn đề trong sách, từ đó cùng tích lũy tri thức, gắn kết nội bộ và góp phần đào tạo năng lực quản lý mới cho người Viettel.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến khích CBNV viết blog và bài viết chuyên ngành nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và quan điểm cá nhân cũng được triển khai. Những bài viết này là công cụ giúp nhân viên rèn luyện kỹ năng viết và nghiên cứu.
Song song, những cuốn sách nhỏ xinh dần trở thành các món quà được gửi tặng tại các sự kiện nội bộ của Viettel, hay trong các chương trình thiện nguyện mà Viettel tổ chức. Đó cũng là cách người Viettel lan toả văn hoá đọc của ra bên ngoài.
Bên cạnh việc hình thành thói quen tìm hiểu các nhóm sách chuyên ngành, giúp nâng cao tri thức, hình thành khả năng nghiên cứu, tập trung cao độ trong học tập và làm việc, thư viện sách của Viettel cũng bổ sung rất đa dạng các đầu sách về sức khoẻ tinh thần, làm đẹp, nuôi con… Các câu lạc bộ sách thường xuyên hoạt động, thảo luận về các chủ đề chuyên sâu, gặp gỡ các tác giả, thực hiện các chương trình toạ đàm, diễn đàn văn hoá đọc…
Để khơi gợi tinh thần đọc sách, xây dựng sự hứng khởi của người Viettel, vừa qua, tại Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks), một lớp gym có 1-0-2 giúp “độ cơ bắp” não bộ đã được tổ chức. Với chủ đề “Happiness is HERE and NOW”, diễn giả Dương Quang Minh, một nhà đào tạo Trí tuệ cảm xúc đã chia sẻ về những đầu sách thú vị về sức mạnh tinh thần, nuôi dưỡng cây tinh thần của chính mình. Trước đó, buổi talkshow “Khoẻ như thời trẻ” đã tạo không gian để người Viettel gặp gỡ lần lượt 3 diễn giả là khách mời Nguyễn Quý Tiến - Dịch giả cuốn “Hệ miễn dịch”, khách mời Nguyễn Ngọc Thu cùng bí kíp duy trì vóc dáng thanh xuân và cô nàng Bùi Thị Hải Yến - gương mặt thân quen của Viettel Networks để cùng tìm hiểu về chữa lành thuận tự nhiên. Đó là những cách mà Viettel đang triển khai để nâng cao sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần của người Viettel trong chính ngôi nhà chung của mình.
Tại Tổng công ty Công trình Viettel, theo anh Đoàn Thi Thơ, nhân viên Quản lý chất lượng của Chi nhánh Bình Định, đọc sách không những giúp anh bổ sung tri thức mới mà còn có thêm nhiều chủ đề thú vị để chia sẻ với các con. Với tính chất công việc thường xuyên thực tế tại các công trình, đi sớm về muộn, về việc bố trí thời gian đọc sách, giải pháp của anh là nghe sách nói. Anh Thơ chia sẻ “Cứ đợi để có thời gian mới làm một việc gì đó có nghĩa là không làm được gì cả! Nếu đã quyết tâm làm thì sẽ tìm được cách”.
Bên cạnh đó, ở Tổng công ty Viễn thông Viettel, để thuận lợi cho CBNV, từ đầu năm 2023, 100% CBNV đã được trải nghiệm MyDIO với 6 tháng sử dụng hoàn toàn miễn phí. MyDIO là ứng dụng nghe audiobook, truyện đọc, tin tức trực tuyến do Viettel tổng hợp. Theo đó, các thuê bao Viettel có thể nghe các cuốn sách kinh doanh, kỹ năng, truyện đọc, các tác phẩm kinh điển đặc sắc trên chính chiếc điện thoại của mình. MyDIO sở hữu hàng nghìn nội dung audiobook, truyện đọc, tin tức phong phú, chất lượng với đầy đủ các thể loại từ sách kinh doanh, sách truyện, âm nhạc, tin tức với 100% bản quyền để phục vụ nhu cầu người dùng tại Việt Nam.
Văn hóa đọc ở Viettel không chỉ là một hoạt động cá nhân mà còn được thúc đẩy và xây dựng mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo. Xây dựng môi trường khuyến khích đọc sách chính là giúp doanh nghiệp phát triển các giá trị cốt lõi, thúc đẩy tinh thần học hỏi, sáng tạo và trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển trở thành thói quen, mỗi người cần có ý thức tự tạo động lực, nâng cao kỹ năng đọc của mình, để mỗi người Viettel trở thành một đại sứ văn hoá, lan toả những giá trị tích cực của Viettel.