There is no limit to what we, as a woman, can accomplish.

Không có giới hạn nào cho phụ nữ. Chúng ta có thể làm mọi thứ và trở thành bất cứ ai mà ta hằng mong ước.

Michelle Obama

Kính gửi Quý bạn đọc!

Mỗi cá thể sinh ra trong vũ trụ đều là duy nhất. Tính độc bản hình thành từ giới, ngoại hình, tính cách, và bởi cách tư duy và suy nghĩ của mỗi giống loài. Tất cả tạo nên sự đa dạng của vũ trụ và là động lực cho mọi sự phát triển.

Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận sự khác biệt giới như một lợi thế, nhiều thiên kiến đã và đang tồn tại suốt hàng triệu năm qua. Đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ công nghệ với hằng hà những con số, thuật toán, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… khiến phần lớn xã hội nghĩ rằng đây là ‘sân chơi’ riêng của nam giới.

Nhưng thực tế không phải vậy!

Dấu ấn của phái nữ trong sự phát triển công nghệ ngày càng mạnh mẽ. Điển hình có thể kể đến như Mira Murati, CTO của OpenAI - công ty tạo ra Chat GPT đình đám; Angela Ahrendts Phó chủ tịch mảng bán lẻ của Apple; Sheryl Sandberg, cựu Giám đốc vận hành (COO) của Meta…

Tại Viettel, tỉ lệ nữ giới giữ các vị trí trưởng ngành chiếm 40%, cao gấp 2 lần trung bình các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-VT trên toàn cầu. Các giải pháp công nghệ cao, thành quả hàng không vũ trụ, các sáng chế độc quyền… của Viettel đều có sự góp sức đến từ bàn tay, khối óc của những người phụ nữ.

Họ được ví như những chú kỳ lân: đột phá, hiệu quả và sáng tạo, đang tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng trong những lĩnh vực mới này.

Trong số Tạp chí Viettel Family Tháng 3/2023, những lát cắt trên hành trình làm nghề của những nữ kỹ sư Viettel sẽ được kể. Câu chuyện của họ được truyền đi với thông điệp: Khi tự tin vào giá trị bản thân, phụ nữ sẽ tìm ra sức mạnh của chính mình.

Gen Z là thế hệ "số" đầu tiên trên thế giới khi được sinh ra trong thời kỳ phát triển của Internet và các sản phẩm công nghệ. Gia nhập thị trường lao động, với cá tính cạnh tranh cao, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự khác biệt về xuất thân, giới tính… tỉ lệ nữ gen Z “ngành Tech” ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Theo báo cáo thị trường IT năm 2022 của TopDev, 64,1% các công ty mở rộng nhóm phát triển với nhiều vị trí công nghệ. Nhu cầu tuyển dụng IT năm 2022 tăng cao so với năm 2021. Tuyển dụng nhiều, nhưng chênh lệch giới tại các công ty công nghệ, lập trình lại khá rõ rệt. Chỉ có 7,85% lập trình viên là nữ, tuy nhiên, con số này tăng đáng kể so với năm trước đó.

Phải kể đến 3 lý do đặc biệt “gây khó” cho nữ giới trong ngành công nghệ: Định kiến giới dẫn đến không nhận được nhiều sự ủng hộ từ xã hội. Bình đẳng giới chưa thực sự được quan tâm tại một số tổ chức. Văn hóa làm thêm giờ dẫn đến tình trạng kiệt sức, mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Vậy những “IT women”, họ đã làm gì để phá vỡ những định kiến, sẵn sàng bứt phá với ngành công nghệ thông tin? Cảm hứng nào khiến những cô gái đang làm việc tại các Tập đoàn lớn như Viettel cống hiến mỗi ngày?

Nghĩ mình phải là một lập trình viên, không nghề nào khác

Từ ước mơ làm công nghệ năm 14 tuổi, Nguyễn Trần Ngọc Linh (Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom) là “minh chứng thép” cho câu chuyện kiên trì theo đuổi đam mê. “Linh nghĩ mình phải là một lập trình viên, không nghề nào khác!”.

Nỗ lực bất chấp những rào cản về thiếu thốn công nghệ, thành công đầu đời của chị là Giải nhất Quốc gia môn Tin học, đến Giải lập trình Sinh viên Nhật Bản. Gia nhập Viettel từ năm 2012, từ vị trí lập trình viên, hiện chị là Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom và là đại sứ Việt Nam tại Hội nghị khoa học dữ liệu toàn cầu.

“Nếu minh họa cho hành trình đến với công nghệ bằng một nét vẽ, mình chọn đường gấp khúc vì mục tiêu của mình là luôn hướng lên phía trước”.

Năm 2013, chị được tham gia dự án xây dựng nền tảng cho hệ thống kho dữ liệu kinh doanh tập trung Viettel BI và được giao trọng trách nghiên cứu công nghệ Big Data để xử lý lượng dữ liệu viễn thông ngày càng gia tăng và phức tạp. Đây cũng là dự án đầu tiên đưa chị Linh bén duyên với lĩnh vực này.

“Từ lúc đó là mình cứ gan lì tiến thẳng thôi, tất nhiên là cũng sẽ có lúc gập ghềnh nhưng cái gập ghềnh đó là để mình rèn luyện và đạt được những mục tiêu cao hơn cho bản thân mình.” Chị Linh chia sẻ.

Sau 11 năm gắn bó, chị Linh đã tham gia nhiều dự án quan trọng tại Viettel như Viettel Data Lake, Viettel Realtime Big Data Platform (vRTAP)...; giải quyết nhiều bài toán kinh doanh tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Peru, Myanmar. Tất cả đều chỉ hướng về một mục tiêu duy nhất, xây dựng một trung tâm phân tích dữ liệu, Big Data mang tầm quốc tế.

“Môi trường Viettel có những người anh luôn giúp đỡ mình và trong cảm nhận của mình Viettel cũng chính là một người anh lớn dẫn dắt mình đến ngày hôm nay.”

Trải qua 15 năm làm công nghệ, chị mong muốn trở thành nguồn động viên cho các bạn trẻ đang bắt đầu những bước như mình ngày trước, cổ vũ thêm nhiều chị em tham gia vào nghề này:

“Các bạn hãy đam mê với nghề, rèn luyện chuyên môn sâu, và đừng ngại ngần bước chân vào các cộng đồng quốc tế, nghĩ mình làm được thì sẽ làm được, cố gắng hết mình nhé các bạn gái nhỏ xinh!”

'Phái đẹp làm công nghệ' không phải là mệnh đề mâu thuẫn

"Mọi người nghĩ là mình chăm chút vẻ bề ngoài thì không có thời gian để tập trung cho công việc” là những định kiến giới mà chị Vũ Thị Hạnh – kỹ sư Giải pháp Công nghệ, Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) gặp phải trong quá trình “làm Tech” của mình.

Đằng sau vẻ ngoài xinh xắn và chỉn chu, chị là tác giả của hơn 10 công trình nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Với chị, công việc nghiên cứu trong lĩnh vực AI thú vị nhưng vô cùng thách thức.

“Cường độ làm việc cao, công việc nhiều áp lực và căng thẳng cũng đôi khi làm mình mệt mỏi và nản chí. Tuy nhiên, sự động viên của đồng nghiệp, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, sự hỗ trợ của team, hơn hết là niềm đam mê về công nghệ và nghiên cứu khoa học đã thúc đẩy mình”, chị chia sẻ.

Là phụ nữ, trong môi trường làm việc phần đông là nam giới, theo chị cần rèn luyện sự linh hoạt và thích nghi của bản thân.

Theo nghiên cứu của Women’s Engineering Society, khi có nhân sự là nữ làm kỹ thuật, tỷ lệ tạo ra các sáng chế công nghệ lại cao hơn từ 26 - 42%. Với chị Hạnh, tận dụng thế mạnh trong sự mềm mại, uyển chuyển trong giao tiếp, và sự “nữ tính” cũng là một chất xúc tác giúp cho môi trường công việc khoa học kỹ thuật bớt khô khan và cứng nhắc hơn.

Cân bằng công việc và cuộc sống là bí kíp đằng sau công trình công nghệ "Make in Vietnam"

Chị Hồ Thị Xuân Hoà là một người vợ, người mẹ và là đồng tác giả của công trình công nghệ “Made by Viettel”, “Make in Vietnam” được cấp bằng độc quyền tại Mỹ. Với chị, chính gia đình và đồng nghiệp là điểm tựa giúp chị vượt qua áp lực trong công việc.

Thời điểm vào làm ở Viettel khi 4G hay 5G đều là những công nghệ rất mới, chị được giao nhiệm vụ sáng tạo ra được một sản phẩm “Made in Vietnam”, một công việc cực kỳ áp lực với một cô sinh viên mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức.

Công việc đôi khi cũng có áp lực nhưng nếu mình phá được tảng băng áp lực đó thì tất cả mọi thứ đều giải quyết được.”

Đến nay, người phụ nữ này đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Chị Hồ Thị Xuân Hoà là đồng tác giả của sáng chế “ Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến” được cấp bằng độc quyền tại Mỹ. Sáng chế của chị đã được triển khai ở 200 trạm trên cả nước và ở một số thị trường nước ngoài mà Viettel đang kinh doanh phát triển.

Để có được thành công như hiện tại, chị luôn biết ơn môi trường ở Viettel đã tin tưởng, trao cơ hội để làm những dự án với quy mô mà chị Hòa chưa bao giờ nghĩ tới.

Từ giám đốc, kỹ sư, tác giả bản quyền... không có việc gì mà phụ nữ không thể làm được

Trở về Việt Nam để làm việc là một quyết định khiến Tiến sĩ Giang Thanh Hà bị người nhà và bạn bè đặt nhiều nghi vấn. Nhưng sau hơn 5 năm gắn bó với Viettel, điều mà tiến sĩ Hà tâm đắc nhất là mọi người đã thay đổi cái nhìn về quyết định của chị.

Là một người phụ nữ với kiến thức được đào tạo bài bản từ nước ngoài, chị Hà tự tin không chịu thua trước bất kỳ “đấng nam nhi” nào trong công việc. Thực tế đã kiểm chứng, từ giám đốc, tiến sĩ, kỹ sư, tác giả bản quyền… không có việc gì mà phụ nữ không thể làm được.

Làm việc trong một ngành rất mới ở Việt Nam - Hàng không vũ trụ, mảng công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, có rất ít người làm được như chị. Môi trường ở Viettel tạo cho chị động lực để đào sâu và đưa ra những ý tưởng mới, phát huy được ưu điểm riêng của bản thân.

“Ở Viện Hàng Không Vũ Trụ Viettel (VTX), các anh chị cấp trên rất khuyến khích sự sáng tạo. Có những lúc các kỹ sư đưa ra những phương án hết sức phi lý, liều lĩnh, táo bạo nhưng cấp trên vẫn cho phép thực hiện những phương án đó và cũng có dự án đã đạt được thành công như mong đợi.”

Lời khuyên dành cho các bạn nữ trẻ đang theo đuổi ngành công nghệ của Tiến sĩ Giang Thanh Hà là sự kiên định. "Nếu bạn đam mê, hãy đi theo niềm đam mê vẫy gọi bạn. Làm ngành nào cũng sẽ có cái khó, có ưu nhược điểm nhưng nếu bạn quyết tâm theo đuổi đam mê thì bạn sẽ duy trì được cái niềm yêu thích khi làm việc. Đấy mới là điều quan trọng nhất.”

Nữ gen Z làm công nghệ, thay vì hỏi "why" tại sao không là "why not"

Với các bạn nữ Gen Z làm việc tại tập đoàn Viettel, những bài học của bậc “tiền bối" chính là nguồn động lực cho bản thân. Điển hình như cô bạn Hà Thị Thùy Dương - kỹ sư thiết kế Triển khai mạng lõi thuộc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet). Ở tuổi 23, Dương là cô gái duy nhất và trẻ nhất của phòng mạng lõi nhưng luôn là hạt nhân tiêu biểu trong cả công việc và hoạt động Đoàn.

“Môi trường Viettel luôn cho mình cảm giác được xả hết năng lượng của bản thân vào công việc.” Tinh thần hết mình của Dương không chỉ tiếp thêm năng lượng cho bản thân cô mà còn truyền năng lượng cho mọi người.

Còn với cô bạn đồng nghiệp Vũ Hoàng Lan, trải nghiệm chuyến đi công tác đầu tiên tiên kéo dài gần 1 tuần tại khu Quân cảng Cam Ranh - Tỉnh Khánh Hòa là điều cô nàng sẽ nhớ mãi. Nhiệm vụ của Lan là phải đảm bảo truyền hình trực tiếp cho sự kiện ngày Đại dương thế giới và tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Nếu không phải ở VTNet và Viettel, có lẽ chẳng ở đâu mà các sếp lại sẵn sàng tin tưởng và trao quyền cho nhân viên trẻ đến thế. Đó là những thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời mà thế hệ gen Z của chúng mình có thể nhận được tại đây.”

Dòng chảy nhân lực vẫn luôn vận động, thế hệ trẻ gen Z nói chung và nữ gen Z nói riêng sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực của mình. Với Viettel, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - ông Tào Đức Thắng khẳng định: “Các cô gái của chúng tôi luôn biết cương, biết nhu để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc. Không chỉ có kinh nghiệm, mà những người phụ nữ tại Viettel cũng không ngại khó khăn ra tiền tuyến. Đó là tinh thần làm việc sẵn sàng hy sinh mà nam giới cũng phải nể. Cái gai làm cho nét đẹp của bông hoa hồng tự nhiên: mạnh mẽ, tạo nên sự kiên cường, và tạo nên một vũ khí để người Viettel tự hào về mình.”

Dù là thế hệ Gen Y hay Z niềm vui của những “IT Women” là được khẳng định bản thân khi được trao quyền thông qua những dự án khó, được công nhận thành tựu trên “mặt trận” công nghệ. Và mọi nỗ lực từ ban lãnh đạo Viettel đều phục vụ cho những nhu cầu chính đáng mà mỗi người phụ nữ Viettel mong muốn, để họ được hạnh phúc trong suốt hành trình công nghệ tại đây.

Gắn bó với ngành hàng không vũ trụ non trẻ của Viettel từ năm 2016, tiến sĩ Giang Thanh Hà, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) không “lấy làm tiếc” vì đã từ bỏ công việc ở Mỹ, về nước cùng đồng đội.

Chuyển từ màng tế bào sang vật liệu hàng không

9 năm học tập và làm việc tại Mỹ, nghiên cứu cơ học ứng dụng, chuyên ngành hẹp về màng tế bào, về nước, tiến sĩ Giang Thanh Hà chuyển hẳn sang nghiên cứu kết cấu của các sản phẩm bay. Cú lượn hiểm hóc này ban đầu khiến không ít người thót tim giùm chị.

“Kiến thức mà tôi được học và công việc hiện giờ nhìn có vẻ xa nhau, nhưng thực chất nó vẫn có cùng một gốc. Tôi hiện phụ trách việc nghiên cứu kết cấu vật liệu của sản phẩm, đảm bảo cho sản phẩm hoạt động an toàn trong cả quãng đời (5-10 năm) của nó. Trước đây tôi làm nghiên cứu thuần túy. Bây giờ là nghiên cứu ứng dụng. Việc thay đổi tính chất công việc cũng tạo ra một số cảm hứng, nhất là khi những nghiên cứu của mình thành hiện thực, được ứng dụng”, chị Hà - cho biết.

Thời điểm quyết định về nước, chị Hà mới sinh em bé. Con hơn một tuổi, mẹ bắt đầu đi làm. Đó là những năm đầu tiên Viettel đầu tư phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ và bắt đầu quá trình xây dựng Viện hàng không vũ trụ Viettel (VTX). Môi trường mới, công việc mới, đủ thứ sức ép dồn nén. “Tôi biết đến cơ hội làm việc tại Viettel thông qua một người bạn. Thú thật, trong những cơ hội được tiếp cận thời điểm đó, Viettel là cái tên thú vị nhất. Ban đầu đi làm tôi cũng lo lắng nhưng rất may, đồng đội mới hầu hết đều từng học tập và làm việc ở nước ngoài, môi trường làm việc cũng rất cởi mở, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều hiện đại, nên tôi thích nghi tương đối nhanh”.

Lịch sử nghiên cứu phát triển ngành hàng không vũ trụ ở Việt Nam tương đối mỏng, cho nên thời gian đầu, chị Hà và cộng sự phải dò dẫm đi dần từng bước trong điều kiện không có tiền lệ để tham khảo. Đây là ngành công nghệ cao, chi phí đắt đỏ nên rất khó tiếp cận các công nghệ mới vì tất cả các nước đều có chế độ bảo mật nghiêm ngặt, hầu như không chuyển giao.

“Chúng tôi cứ vừa làm vừa chỉnh sửa bổ sung. Ngoài áp lực phải tạo ra sản phẩm, còn phải tìm cách để kéo gần khoảng cách công nghệ của mình với thế giới. Trước làm nghiên cứu cơ bản thời gian thoải mái hơn, giờ làm ứng dụng, deadline đúng là “hạn chót”, đúng ngày ấy giờ ấy là phải có sản phẩm, không thể du di co giãn”.

Khi được hỏi phụ nữ làm công việc đặc thù này vất vả bằng mấy bình thường? Chị cười bảo: “Công việc nào cũng có cái khó của nó, ngành y chẳng hạn, áp lực kinh khủng chứ. Nhưng rồi ai cũng phải tự tìm ra cách để vực mình lên. Nhiều khi stress căng thẳng tôi sẽ tìm đến người thân, bạn bè để nói chuyện, chia sẻ. Rồi cũng có khi chỉ cần chăm sóc cho mình khỏe lên thế là tinh thần cũng được cải thiện. Công việc nào cũng không tránh khỏi quy trình vận hành theo hình sin, có lúc lên cao, lúc xuống thấp. Cứ kiên trì là được rồi”!

Vừa kiên trì vừa phải sáng tạo

Việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có những lúc, có những bài toán làm mãi không ra, thử nghiệm cách nào cũng không như ý. Đó là những khoảnh khắc mà theo chị Hà là dễ nản nhất. Nhưng sự nản ấy gần như trôi qua rất nhanh.

“Nhiều lúc biết là mình đang húc đầu vào đá, thì lại phải bình tĩnh, xoay chuyển tìm cách khác. Công việc này vừa cần sự kiên trì, vừa đòi hỏi khả năng sáng tạo. Tôi đặt mục tiêu là ngoài giờ làm phải dành hết thời gian cho con, nhưng có khi cũng không làm được. Khi nghiên cứu mãi không có tiến triển, thì đầu óc mình cứ bị lẩn quẩn với nó suốt. Xong hạng mục này lại đến hạng mục khác, cứ liên tục bất tận như thế”, chị Hà kể.

“Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều là do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình", Thomas Edison.

Phụ nữ làm khoa học, lại theo đuổi một chuyên ngành hẹp, Tiến sĩ Giang Thanh Hà kể rằng, không phải chị chưa từng gặp định kiến “phụ nữ sao lại làm công việc này?” “Nhưng điều đó tác động đến tôi không nhiều. Tôi biết là tôi thích công việc của mình, nhiều lúc có thể vui rất lâu chỉ vì một tiến triển nhỏ trong nghiên cứu. Đây là lĩnh vực phải cập nhật liên tục, cho nên ngoài thời gian dành cho công việc, thì thời gian dành để học tập, bổ sung kiến thức cũng rất cần thiết. Bước qua giai đoạn coi học tập như một áp lực, thì chính những yêu cầu này khiến chúng tôi luôn được truyền cảm hứng từ cái mới, được cọ xát và từng bước nâng cao năng lực của bản thân”.

Ảnh: Chị Giang Thanh Hà là một trong 9 đại diện Viettel là Phụ nữ Quân đội tiêu biểu giai đoạn 2012 - 2022

Ở VTX bây giờ, số lượng phụ nữ làm công việc “hiếm và khó” như Tiến sĩ Giang Thanh Hà không ít. Ngoài thời gian nghỉ sinh theo chế độ, họ gần như không bị “phân biệt đối xử” so với nam giới. Họ được trao quyền (Viettel nằm trong số ít các doanh nghiệp có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao, với tỷ lệ 40% các “tư lệnh ngành” là nữ), trao việc, tạo điều kiện và được công nhận đúng với khả năng của mình. Đây cũng là lý do khiến chị Hà nói vui là nhờ nó mà chị “không sốc văn hóa ngược” khi quay trở lại làm việc tại Việt Nam.

Hiện VTX đã đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định, những người như Tiến sĩ Giang Thanh Hà có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung vào những mục tiêu dài hạn thay vì liên tục đuổi theo deadline như trước. Mục tiêu càng khó áp lực càng nhiều, nhưng đồng thời động lực cũng càng lớn. Bởi chinh phục được một mục tiêu lớn, ngoài việc khẳng định được nấc thang nghề nghiệp của bản thân, nó còn mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam mà VTX đang theo đuổi.

Tiến sĩ Giang Thanh Hà chia sẻ, chị chẳng có bí quyết thành công nào ngoài làm việc, làm việc, làm việc và không được từ bỏ! Những ngày một thân một mình học tập nơi đất khách quê người là vậy, mà giờ, từng bước từng bước góp phần xây dựng ngành hàng không vũ trụ Việt Nam cũng là như vậy!

Lần đầu tiên gặp người phụ nữ “thép” trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) - Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu của Tổng công ty Viễn thông Viettel Nguyễn Trần Ngọc Linh, không ít người bất ngờ với vẻ bề ngoài giống hệt một nàng thơ công sở. Bám trụ với công việc có tỷ lệ nam nữ mất cân đối nghiêm trọng đã hơn chục năm, người phụ nữ bé nhỏ này quả thật đã khiến nhiều người phải “ngước nhìn”.

Phụ nữ sao lại đi làm nghề của nam giới?

Chị Ngọc Linh (sinh năm 1987) chia sẻ, kể từ lúc chọn trường Đại học, chị đã nghe câu hỏi này đến quen tai: Phụ nữ sao lại đi làm nghề của nam giới? Con gái sao không chọn việc nhẹ nhàng mà làm? Rồi ngay cả khi ra trường, đi làm, bị nghi ngờ khả năng, bị đánh giá thấp, chỉ được giao việc vặt... vì là nữ giới chị cũng đã nhiều lần trải qua. Nhiều bạn gái cùng ngành nản lòng thoái chí, nhưng chị Linh khẳng định: chưa từng có ý định từ bỏ!

Con đường mà chị theo đuổi, cho đến tận thời điểm này chính là phải tạo ra được nhiều hệ thống lớn, áp dụng nhiều công nghệ chuyên sâu cho nhiều người dùng.

Tính ra, theo thống kê của Mỹ, chị Linh thuộc chưa đầy 10% số lập trình viên là nữ theo được con đường công nghệ cao sau 15 năm. Các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ rời ngành công nghệ sau 5-10 năm là 60-70%, sau 15 năm thì số người trụ lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lý do các nhà khoa học nữ ở Mỹ lập ra tổ chức Phụ nữ trong khoa học dữ liệu toàn cầu (Woman in Data Science - WiDS) để vinh danh và truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn thế giới theo đuổi công việc bị định kiến là “chỉ dành cho nam giới”. Chị Ngọc Linh đã chính thức trở thành đại sứ tại Việt Nam cho tổ chức này từ năm 2021.

Ảnh: Chị Linh (ở giữa) cùng hai đồng nghiệp là 03 đại sứ Việt Nam thuộc tổ chức Woman in Data Science toàn cầu.

Bén duyên với CNTT từ năm lớp 7 nhờ máy tính của anh trai, cô bé Ngọc Linh thời điểm ấy chưa từng nghĩ xa xôi sẽ theo cái công việc khắc khổ này. Chỉ vì mê máy tính, muốn tìm hiểu đến cùng, Linh càng ngày càng bị thế giới kỳ bí của những mã code hấp dẫn. Bắt đầu viết các phần mềm đơn giản đầu tiên giúp mẹ là giáo viên chấm điểm, quản lý học sinh, càng ngày Ngọc Linh càng nhận thức được lợi ích to lớn của việc học lập trình: “Nhờ nó, tôi có thể quản lý cuộc sống của mình tốt hơn. Nhờ nó, tư duy của tôi rõ ràng, ngăn nắp. Cũng nhờ nó, tôi có thể làm rất nhiều việc cùng lúc mà không loạn. Cho nên tôi thường khuyên bạn bè của mình, nếu có thể thì hãy cho con học lập trình từ sớm. Có căn bản, về sau làm gì cũng dễ”.

Học chuyên Tin từ cấp ba, cho đến khi đi làm, chị Ngọc Linh đều sống trong cảnh hoa lạc giữa rừng gươm. Ở thời điểm hiện tại, mỗi lần chủ trì các cuộc họp (tại trung tâm do chị quản lý), cũng vẫn “mình tôi là nữ”.

Công việc lập trình khá vất vả, nhiều áp lực, thời gian tập trung cao, cường độ làm việc lại lớn, thức khuya là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng lý do giúp chị chưa từng có ý định giải nghệ là vì: “lúc làm ra được sản phẩm thì sung sướng vô cùng, nhất là khi sản phẩm ấy được áp dụng rộng rãi vào thực tế, giúp cho nhiều người giải phóng được sức lao động”.

Câu chuyện chị Linh nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đúng như nguyên tắc Assiduity: 'Thành công sẽ mỉm cười với người kiên trì ở lại cuối cùng chứ không phải là những người bỏ cuộc'.

Được giao việc khó là may mắn

Làm việc ở Viettel 13 năm, với Ngọc Linh, đây là may mắn của chị, vì ở nơi này phụ nữ được tạo điều kiện, được đánh giá và được tham gia vào tất cả các hạng mục “miễn là bạn có khả năng”.

Năm 2013, chị Linh mới vào Viettel chưa lâu, lại đúng thời điểm sinh con nhỏ, nhưng chị vẫn được cấp trên tin tưởng, giao cho thực hiện xây dựng hệ thống Viettel BI áp dụng công nghệ Big Data. Đây là công nghệ mới ở thời điểm đó, ngay cả với cộng đồng thế giới cũng mới chỉ đang trong giai đoạn ươm mầm. Thất bại nhiều lần, thậm chí có lúc chị Linh định quay về công nghệ cũ, nhưng không đành.

“Tự nhiên đầu tư bao nhiêu tiền mà không làm được gì mới, đột phá thì phí. Thế là tôi cùng đoàn đội mò mẫm, thức đêm, có khi 7 ngày không về nhà, để nghiên cứu. Đến khi tìm ra được mô hình, thử nghiệm thành công, rồi được các anh ủng hộ ứng dụng vào thực tế, thử nghiệm tại một số thị trường nước ngoài của Viettel và bung ra phạm vi toàn công ty viễn thông thì cảm thấy mọi cố gắng của mình đều xứng đáng”, chị Linh nhớ lại.

Khi được hỏi về ‘cuộc sống’ tại Viettel, chị thổ lộ, Viettel trong chị là sự biết ơn. "Năm 2021, tôi ốm rất nặng, bản thân không nghĩ có thể quay lại được. Nhưng khi quay lại mọi người rất chào đón và tạo cho tôi nhiều cơ hội. Các lãnh đạo, đồng nghiệp luôn luôn ủng hộ để tôi tiếp tục trên con đường chiến đấu với đam mê của mình. Tôi cảm thấy rất biết ơn.”

Về định kiến “phụ nữ theo nghề đàn ông”, chị Linh nói rằng, lâu rồi chị không bị nó làm phiền nữa: “Thầy tôi bảo học nhiều làm nhiều nghiên cứu nhiều sẽ thành kỹ năng, thành dễ. Chúng tôi làm nghề này, đọc code như người ta đọc sách, như một ngôn ngữ. Tôi thấy rất hay. Khi tôi quản lý các nhân viên nữ, tôi cũng không ưu tiên gì về thời gian hay khối lượng công việc với họ. Tôi chỉ cho họ cơ hội và sự công nhận nên có. Trong ngành CNTT, nếu cố gắng, phụ nữ cũng sẽ tạo ra được thế giới của mình, lộng lẫy không kém gì đàn ông”!

“13 năm đi làm tại Viettel, tôi vẫn thấy yêu công việc và nhìn thấy sự cao cả của những việc mình đang làm”, Kiều Nhung, thành viên Ban Công nghệ thông tin Tập đoàn chia sẻ một cách đầy cảm hứng.

Cô gái có duyên với các giải thưởng công nghệ thông tin

Năm 2021, vượt qua hơn 160 đơn vị tham dự, Viettel là doanh nghiệp có số sản phẩm đạt giải cao nhất với 22 sản phẩm được vinh danh giải Sao Khuê. Ban giám khảo đánh giá các sản phẩm của Viettel có giá trị lớn với doanh nghiệp và người sử dụng, đóng góp cho tiến trình chuyển đổi số của xã hội.

Đây là lần thứ 7 liên tiếp, Viettel đứng ở ngôi vị doanh nghiệp có nhiều giải thưởng nhất. Trong số đó có sản phẩm DOC tâm huyết của Trưởng sản phẩm Kiều Nhung.

“Điều hành dữ liệu - DOC là sản phẩm cho phép kiểm soát, đánh giá và điều hành dữ liệu trọng theo các tiêu chuẩn và chính sách trong Khung Quản lý dữ liệu đã ban hành. Sản phẩm đang là công cụ hỗ trợ rất đắc lực cho Viettel trong việc quản lý dữ liệu, đảm bảo giá trị và lợi ích không chỉ cho Tập đoàn mà còn cả lợi ích cho khách hàng của chúng tôi”. Kiều Nhung tự hào chia sẻ.

DOC cũng lọt top 3 Make in VietNam 2021, giải thưởng vinh danh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam do Bộ Thông tin và truyền thông trao tặng.

Cũng năm 2021, Kiều Nhung nhận giải Vàng Stevie Awards cho sản phẩm số liệu thông minh - VSDS. Đây là giải thưởng quốc tế danh giá được Tạp chí New York Post ví như hệ thống giải Oscar dành cho giới kinh doanh.

VSDS cho phép số liệu được theo dõi và quản lý tập trung, giúp cho các cấp chỉ huy quản lý và điều hành các chỉ số kinh doanh, chỉ số ngành một cách nhanh chóng, trực quan, dễ dàng và đa chiều. VSDS được triển khai từ tháng 11/2020 và chính thức sử dụng trong các buổi giao ban hàng tuần của Tập đoàn từ tháng 1/2021 và hiển thị trực tiếp trong phòng của các lãnh đạo Tập đoàn.

“Được ứng dụng vào thực tế là thành công lớn nhất mà sản phẩm đạt được, bước đầu ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi và các đồng nghiệp”, Kiều Nhung cho biết.

Cá nhân ưu tú là bởi vì sống trong một tập thể ưu tú

Các giải thưởng cao quý không đến với Kiều Nhung một cách ngẫu nhiên. Khi triển khai sản phẩm là cô đã lập tức làm hồ sơ ứng thí vào các giải trong nước, thế giới. Thông qua đó, cô muốn các giải pháp mà mình và đồng đội xây dựng được đánh giá thật sự khách quan bởi các bên thứ ba. Những giải thưởng đạt được khiến cô có thêm lòng tin vào bản thân, vào sản phẩm, qua năm tháng.

“May mắn được làm việc tại đơn vị có lượng data lớn nhất Việt Nam, chúng tôi đã sớm nhận ra được những vấn đề tiềm ẩn của ngành, từ đó đặt ra cho mình thách thức làm sao để giải quyết nó không chỉ trong Viettel mà còn là của toàn ngành. Các sản phẩm đi vào thực tế, các giải thưởng đạt được chính là động lực cho đội dự án và toàn ban nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực quản lý dữ liệu trong doanh nghiệp” Kiều Nhung chia sẻ.

Hiện Nhung và đồng đội đang phát triển và triển khai rất nhiều giải pháp dữ liệu lớn hàng đầu, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho tập đoàn.

Với Kiều Nhung, cá nhân ưu tú khi sống trong một tập thể ưu tú. Đồng đội là người truyền cảm hứng, cũng là người cùng Kiều Nhung vượt qua những thách thức trong công việc. Nhung tự hào vì là thành viên của đại gia đình hơn 50 ngàn người của Viettel. Được làm công việc yêu thích, vì thế mỗi ngày với Kiều Nhung không “phải” đi làm mà là “được” đi làm. Và điều đó khiến cô luôn cảm thấy hạnh phúc.

“13 năm đi làm tại Viettel, tôi vẫn thấy yêu công việc và nhìn thấy sự cao cả của những việc mình đang làm”, Kiều Nhung chia sẻ một cách đầy cảm hứng.

Ảnh: Kiều Nhung cùng đồng nghiệp tham gia một sự kiện nội bộ của Tập đoàn.

Chia sẻ về cách thức để vượt qua những thời điểm căng thẳng ở mức “làm ngày làm đêm”, Nhung tiết lộ chìa khoá của mình và đồng đội là: Biết được việc mình phải làm là gì, sắp xếp ưu tiên, chèn các công việc phát sinh vào thời gian biểu một cách hợp lý. “Thời điểm đang đeo bám một sản phẩm mới, việc phải ở lại làm tại công ty đến 10 giờ đêm là chuyện bình thường. Nhưng mình luôn giữ vững nguyên tắc, bận mấy cũng không kéo dài quá 1 tuần và chỉ cho phép mình bỏ qua những bữa cơm gia đình cách nhật chứ không phải liên tục. Tập đoàn cũng không khuyến khích làm thêm, thông thường tầm 7 giờ tối là điều hòa tòa nhà đã tắt hết”.

Thành công nhờ văn hoá và giá trị Viettel

Sống cùng nghề với tình yêu và thời gian đủ lâu khiến Kiều Nhung nhận ra, không như định kiến của xã hội, ngành CNTT có những vị trí cực thích hợp với phụ nữ. Ví dụ như với công việc phân tích dữ liệu, cần tính cẩn thận, tỉ mỉ, kỹ năng giao tiếp, điều phối, sự thấu hiểu nhìn vấn đề đa chiều… Bên cạnh những lợi thế về giới, Nhung cùng đồng nghiệp thường xuyên được tham gia các khoá học để rèn luyện tư duy, cập nhật các kiến thức mới, nâng cao chuyên môn của bản thân.

“Chúng tôi luôn được khuyến khích đi học. Viettel có học viện đào tạo. Đội ngũ ở đó luôn tìm hiểu các khóa học phù hợp ở Việt Nam và thế giới, từ đó có kế hoạch đào tạo cho nhân viên ở các vị trí công việc khác nhau. Lãnh đạo Tập đoàn cũng luôn khuyến khích nhân viên đăng ký tham dự các cuộc thi trong lĩnh vực”, Kiều Nhung tiết lộ.

Văn hoá Viettel cũng là yếu tố thúc đẩy mỗi người phát triển bản thân. Tất cả nhân viên mới vào Viettel đều phải trải qua một tháng đi lính. Người Viettel được sống trong doanh trại, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày như một chiến sĩ đích thực. Điện thoại cá nhân chỉ được dùng sau giờ ăn tối hàng ngày và trong có một giờ đồng hồ.

“Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến “đi lính” của mình. Tôi thực sự thích không khí trong doanh trại, thích xem thời sự của tivi hàng ngày. Dần dà, tôi học được cách gấp chăn vuông thành sắc cạnh theo kiểu bộ đội: Hoặc dần quen với việc trong đêm tự dưng lại có kẻng… báo động. Tất cả đem đến cảm giác mới mẻ và thực sự là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ quên”. Kiều Nhung hồi tưởng.

Truyền thống và cách làm người lính là một trong tám giá trị cốt lõi của Viettel. Bảy giá trị còn lại là: Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý, Trưởng thành qua những thách thức và thất bại, Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh, Sáng tạo là sức sống, Tư duy hệ thống, Kết hợp Đông – Tây, Viettel là ngôi nhà chung. Những giá trị này được áp dụng xuyên suốt các hoạt động của Viettel, là chìa khoá để mở cánh cửa dẫn lối tới thành công của ngôi nhà chung Viettel.