Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh rộng đến 15.000m2 của Công ty TNHH MTV Thông tin M1 ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, là năm xưởng sản xuất công nghệ cao. Đối tác của M1 có rất nhiều khách hàng là những thương hiệu hàng đầu thế giới như General Electric, Toshiba, Intel… Nhưng với riêng “đối tác” Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc kỹ thuật M1, dành tình cảm đặc biệt.
“Mối quan hệ của Công ty Thông tin M1 và những người anh em VHT không phải chỉ đơn thuần là chung một mái nhà. Đó còn là mối quan hệ của những người đồng chí chung chiến tuyến, những người đã chung lưng đấu cật ngay từ những ngày thai nghén tham gia chuỗi nghiên cứu sản xuất công nghệ công nghiệp quốc phòng của cả hai đơn vị”, ông Hùng trìu mến. Suốt cuộc trò chuyện, ông luôn miệng gọi những người đồng nghiệp của mình ở Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là “anh em VHT”.
“M1 và VHT như thể tay chân. Đã nhắc đến M1, không thể không nói đến sự hợp tác gắn bó dài lâu với VHT. VHT nghiên cứu công nghệ thì M1 phát triển cơ khí, điện tử. Những sản phẩm như hệ thống máy thông tin cung cấp cho Bộ Tư lệnh thông tin, hệ thống ra-đa cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân… tất cả đều là những sản phẩm mà M1 rất tự hào khi được hợp lực sản xuất cùng VHT”, Đại tá Hùng hào hứng.
“ƯỚC MƠ VIETTEL”
Từ khi thành lập Công ty Công nghệ Viettel (Viettel Technology) - đơn vị chuyên trách nghiên cứu phát triển đầu tiên của Viettel, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn đã dành cho lĩnh vực này một mục tiêu lớn, một giấc mơ cao cả: Làm chủ toàn bộ các hệ thống thiết bị viễn thông của mạng lưới Viettel. Thời điểm ấy, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng đã đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Công ty. Anh không chỉ là người thấm nhuần những tư tưởng, định hướng sắt đá của đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn mà còn là người đã trải qua không ít những gian khó cùng anh em Viettel Technology.
“Đó là giấc mơ của Viettel. Để đạt được giấc mơ lớn này, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn lúc đó đề ra một hướng đi đơn giản mà hiệu quả là thu hút hiền tài. Viettel Technology đã liên tục tuyển người giỏi, có năng lực nghiên cứu về với Công ty. Đây cũng là cái nôi sinh ra đội ngũ lãnh đạo hiện tại của VHT. Những chỉ huy, giám đốc các Trung tâm của Công ty khi đó, hiện nay đều là những người lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel như Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà, các Phó Tổng giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng, Nguyễn Minh Quang, Đào Vũ Kiên”, ông Hùng nhớ lại.
"Cái Sắc và Nhọn của VHT được thể hiện theo nhiều khía cạnh, nhưng khía cạnh rõ ràng và nổi trội nhất là con người" - Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc kỹ thuật M1
Chiêu mộ hiền tài là một vế. Một vế nữa chính là những đề tài khó liên tục được giao để những người giỏi, người tài khi đó có “đất dụng võ”. Để bắt đầu vào giấc mơ chinh phục mạng lưới viễn thông, anh em kỹ sư khi ấy đã tập trung vào nghiên cứu những nền tảng như SDR để bắt đầu nghiên cứu về các chuẩn 3G, 4G.
Luôn mỉm cười khi nhớ về những kỷ niệm này, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng bảo, phần nào sự thành công của VHT ngày hôm nay là quả ngọt từ hành động của những người chỉ huy đơn vị khi đó.
“Khi ấy, để có cơ sở kiến thức giúp sau này triển khai mạng viễn thông, phần core của mạng di động cũng như hệ thống OCS, anh em kỹ sư đã đi thực hiện các bài toán thiết kế và tối ưu mạng lưới di động cho các vendor, operator lớn và giàu kinh nghiệm như Maxis ở Malaysia hay các thị trường của Viettel ở nước ngoài. Dù là giám đốc các Trung tâm, nhưng ban lãnh đạo lúc đó cũng không quản ngại gian khổ, liên tục lăn xả vào để xử lý vấn đề”, ông Hùng Hùng kể. “Anh Nguyễn Vũ Hà (nay là Tổng Giám đốc VHT) lúc đó trực tiếp phụ trách toàn bộ hệ thống repeater để tăng vùng coverage cho mạng di động, là một tải việc vô cùng lớn. Rồi để bùng nổ kế hoạch của mạng di động thì cần có các thiết bị đầu cuối để sử dụng, chính là các thiết bị homephone mà ngày xưa mình có thể phát triển hàng triệu thuê bao. Những công việc này cũng chính tay Viettel Technology đảm nhận”.
Đó là những tiền đề bền vững để sau này, khi hai Công ty M1 và M3 trở thành thành viên của ngôi nhà chung Viettel năm 2010, VHT ngay lập tức có thể đảm trách nhiệm vụ phối hợp cùng M1, M3 để tạo ra những sản phẩm quân sự góp phần hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng. “Hiện nay, máy thông tin cấp chiến dịch, chiến lược của Bộ Quốc phòng đang sử dụng đều là thành quả của khối óc đôi tay VHT và M1 nghiên cứu, sản xuất”.
Doanh thu của M1 trong những năm gần đây có đến 60-70% là doanh thu từ các sản phẩm của VHT nghiên cứu. Đó là toàn bộ hệ thống máy thông tin cung cấp cho Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc; hệ thống ra-đa cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân; và sắp tới đây là các hệ thống liên quan trinh sát tác chiến điện tử.
“NGÔI NHÀ CHUNG, CON ĐƯỜNG CHUNG”
Nhận xét về VHT, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng ưu ái dành riêng hai tính từ, đó là “sắc” và “nhọn”. Ông cắt nghĩa: “Cái Sắc và Nhọn của VHT được thể hiện theo nhiều khía cạnh, nhưng khía cạnh rõ ràng và nổi trội nhất là con người. “Sắc” vừa mang nghĩa là sắc bén, vừa là sâu sắc, bởi sự tận tâm, tận lực trong nghiên cứu, sản xuất, sự năng động của anh em trong Ban Tổng Giám đốc, những người luôn trực tiếp đi vào nghiên cứu, sản xuất. “Nhọn” là mũi nhọn, đột phá với kiến thức, nền tảng sâu rộng của đội ngũ CBNV, góp phần xây dựng, hiện đại hóa nền tảng công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, để thật sự biến VHT trở thành một mũi nhọn về năng lực nghiên cứu sản xuất”.
VHT và M1 cùng phối hợp tạo ra những sản phẩm quân sự, góp phần hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng
Theo ông, chính sự “sắc”, “nhọn” này đã trở thành những nền tảng then chốt cho thành công của VHT trên cả ba khối ngành quân sự, viễn thông, dân sự. Về mặt quân sự, khởi nguồn từ các hệ thống ra-đa, chỉ huy điều khiển, dẫn đường mà VHT đã và đang nghiên cứu sản xuất, từ đây, những dự án lớn tầm cỡ quốc gia cũng đã thành hình. Về viễn thông, Viettel hiện nay đã làm chủ được đến các thành phần hạ tầng mạng lưới viễn thông, và chính những sản phẩm của VHT vào năm 2019 đã đưa Việt Nam thành quốc gia thứ sáu trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Những sản phẩm dân sự như AI Camera, IoT hay Hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa OurHealth cũng là những sân chơi đầy hứa hẹn cho gia đình VHT.
Và trên con đường đi tới tương lai của VHT, không thể vắng bóng những người bạn, người đồng nghiệp mang tên M1. “Trong giai đoạn mới với những thay đổi quan trọng của M1, M3, tôi có kỳ vọng là được đứng bên VHT như một đơn vị đang thực hiện theo mô hình công nghiệp công nghệ cao và lưỡng dụng, vừa xây dựng quân sự vừa xây dựng dân sự, vừa có nền tảng hạch toán doanh thu để dần dần phát triển cả hai. Chúng tôi cũng kỳ vọng là Viettel sẽ có một mạng lưới không những chỉ trong nước mà còn tất cả các thị trường đều sử dụng các sản phẩm của VHT nghiên cứu sản xuất. Trong đó, M1 nhất định tham gia xứng đáng vào những công đoạn quan trọng như hệ thống nguồn điện phụ trợ hay về sau là những sản phẩm cơ khí đòi hỏi tính chính xác cao để hỗ trợ VHT toàn tâm nghiên cứu, tạo ra sản phẩm cho thị trường”, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.