Thư Ban Biên tập,

20 năm trước, khi Viettel phát triển bùng nổ dịch vụ viễn thông, áp lực khủng khiếp lần đầu phục vụ hàng chục triệu người Việt lập tức đặt lên đội ngũ tổng đài chăm sóc khách hàng. Mỗi ca làm việc, hàng trăm cuộc điện thoại là hàng trăm cung bậc cảm xúc mà tổng đài viên phải đối diện. Khi đó, mỗi bàn điện thoại tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng Viettel đều có một tấm gương nhỏ với dòng chữ: “Hãy mỉm cười, và khách hàng sẽ cảm nhận điều đó”. Hơn cả một nụ cười, đó là sự kết nối chân thành từ trái tim của người Viettel với mỗi khách hàng cụ thể, trong bối cảnh cụ thể, khi xử lý vấn đề cụ thể.

Hơn 30 năm phục vụ tầm nhìn Sáng tạo vì con người, sự chân thành từ trái tim trở thành kim chỉ nam cho người Viettel hành động. Khởi nghiệp với những công trình cột cao, đó là sự tận tâm với mục tiêu hoàn thành bằng được các công trình khó “không ai dám làm”. Đó là những hành trình đưa dịch vụ viễn thông đến tận cửa nhà, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Đó cũng là những bước chân mở cõi tiến ra thị trường quốc tế với các thương hiệu gắn bó với người dân nước sở tại. Đặt lợi ích của khách hàng lên trước, hành động trên nền tảng thấu hiểu vấn đề cấp bách, phụng sự vì lợi ích lâu dài là những truyền thống bền bỉ của người Viettel.

Năm 2023, Viettel lần đầu tuyên bố thông điệp "Công nghệ từ trái tim" như một tuyên ngôn để tiến vào kỷ nguyên số. Bởi công nghệ đã thay đổi cơ bản cách xã hội – con người sinh sống, làm việc, giao tiếp hàng ngày. Cơ hội để người Viettel trực tiếp “mỉm cười” với khách hàng sẽ giảm đi khi có các công nghệ tương tác trả lời tự động. Bởi vậy, song hành với các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp dành cho khách hàng, Viettel kiến tạo những giải pháp công nghệ mới trực tiếp giải quyết các vấn đề cốt lõi, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại cơ hội số cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau.

Với Công nghệ từ trái tim, khát vọng của Viettel – người sáng tạo với trái tim nhân từ – được cụ thể hóa trở thành một tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu. Không chỉ là tận tâm bán hàng, chăm sóc, mà tư duy thiết kế, sáng tạo các sản phẩm công nghệ cũng chứa đựng khát vọng phụng sự của người Viettel.

Trước thềm năm mới, bước vào Ngôi nhà chung Viettel qua Tạp chí Viettel Family số đặc biệt mừng xuân Giáp Thìn, cùng những câu chuyện, thành tựu, khoảnh khắc trên hành trình chinh phục thế giới với Công nghệ từ trái tim của người Viettel!

Chúc mừng năm mới – Chào Xuân Giáp Thìn 2024!

Với Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng, năm 2023 đầy thách thức đã trôi qua cùng những thắng lợi quan trọng của Viettel. Nhưng Viettel vẫn phải “vượt dốc” trong năm 2024 để tiến lên những đỉnh cao mới.

TỰ HÀO

Quan trọng là chúng ta đi lên cao và trở nên mạnh mẽ hơn. Còn khó khăn, chúng ta còn phát triển. Sợ nhất là không có việc đủ thách thức để thôi thúc sự vươn lên trong mỗi người.

Khi chọn một từ mô tả năm đầu tiên giữ cương vị đứng đầu Tập đoàn, anh đã chọn từ “cảm xúc”. Năm 2023 sẽ là từ gì, thưa anh?

Để nói một từ cho năm 2023, tôi nghĩ đó là “tự hào”. 2023 là năm khó khăn chung nhưng doanh thu hợp nhất của Viettel là 179,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% (dự kiến cao hơn mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam); lợi nhuận trước thuế đạt 45,2 nghìn tỷ; nộp ngân sách nhà nước 38.9 nghìn tỷ.

Tất cả các khối, lĩnh vực của Viettel như viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, giải pháp CNTT - dịch vụ số, an ninh mạng, nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics… đều đạt được nhiều thành tựu. Chính phủ và các bộ, ban, ngành rất quyết liệt trong việc điều hành, tháo gỡ khó khăn để thông qua nhiều cơ chế, chính sách mang tính quyết định, là “kim chỉ nam” đối với chặng đường phát triển tiếp theo của Viettel. Tiêu biểu như chiến lược phát triển đến năm 2025, đề án tái cơ cấu Tập đoàn; cơ chế sử dụng nguồn ngân sách 30% lợi nhuận sau thuế của Viettel; nghị định tiền lương của công ty Mẹ - Viettel…

Quan trọng là chúng ta đi lên cao và trở nên mạnh mẽ hơn. Còn khó khăn, chúng ta còn phát triển. Sợ nhất là không có việc đủ thách thức để thôi thúc sự vươn lên trong mỗi người.

Trong nguy có cơ và chúng ta đã theo đuổi, nhạy bén nắm bắt nhiều cơ hội. Trong ảnh: Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng và Phó Chủ tịch cao cấp - TGĐ 5G Qualcomm Durga Malladi tại MWC 2023

Điều này chứng tỏ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân dành cho Viettel. Chúng ta tự hào vì sự nỗ lực, lao động miệt mài, sáng tạo của hơn 50.000 cán bộ, nhân viên Viettel trên khắp toàn cầu được ghi nhận và có kết quả xứng đáng.

Anh từng nhận định năm 2023 có nhiều khó khăn. Và anh cũng chia sẻ, nếu còn khó khăn, nghĩa là chúng ta đang đi lên. Vậy sự đi lên của Viettel được thể hiện thế nào trong năm vừa qua?

Việc xác định trước tinh thần 2023 là năm khó khăn và làm tốt việc dự báo, chuẩn bị sớm từ đầu năm đã giúp Viettel luôn ở thế chủ động. Chúng ta nhìn thấy sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nắm được xu thế suy giảm tiêu dùng của người dân, chính sách siết chặt quản lý thông tin thuê bao…

Ở nước ngoài, các công ty thị trường của Viettel phải đối diện với tình trạng suy thoái về kinh tế, khan hiếm ngoại tệ, lạm phát tăng cao, bất ổn chính trị, kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch dẫn đến người dân cắt giảm chi tiêu, việc đảm bảo vật tư, linh kiện cho công tác nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được đảm bảo.

Chúng ta nhận thức con đường mình đang đi giống như leo dốc, thậm chí dốc không bằng phẳng, gồ ghề nhưng vì Viettel, vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng leo và leo đúng hướng, lên được đỉnh dốc này rồi tiếp tục hướng đến đỉnh dốc khác. Quan trọng là chúng ta đi lên cao và trở nên mạnh mẽ hơn. Còn khó khăn, chúng ta còn phát triển. Sợ nhất là không có việc đủ thách thức để thôi thúc sự vươn lên trong mỗi người.

Leo thì vất vả, gian nguy nhưng khi tới đích thì vô cùng hạnh phúc, tự hào. Trách nhiệm của những người dẫn dắt là phải tạo ra nhiều đỉnh dốc, nhiều việc khó để đội ngũ luôn được rèn luyện, trưởng thành.

Việc Viettel lên dốc thành công trong năm vừa rồi phụ thuộc vào yếu tố nào, thưa anh?

Phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là sự đồng lòng.

Như việc xây dựng, trình phê duyệt cơ chế chính sách của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta làm rất đồng bộ, toàn diện, coi đó là việc chung, việc phải làm của cả Tập đoàn chứ không phải của một cơ quan nào. Về tư tưởng, chúng ta không phân biệt việc của người này, người kia và kiên quyết không bàn lùi.

Hay khi quyết định đưa thiết bị 5G của Viettel nghiên cứu, sản xuất vào mạng lưới thật ở Hà Nam, chúng ta thấy có sự đồng hành của Ban Kỹ thuật, các Tổng công ty VHT, VCC, VTN và Chi nhánh tỉnh. Đơn vị nào cũng thấy đó là việc của mình.

Nếu hỏi có lo lắng không? Lo chứ, vì thử nghiệm có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, kéo theo là ảnh hưởng đến kinh doanh. Lo nhưng không thể không làm, không phải Hà Nam thì cũng sẽ là tỉnh khác. Cũng vì lo nên càng phải làm cẩn thận, tỉ mỉ. Tất cả đều rất nỗ lực, xốc vác vì nhiệm vụ chung. Những hy sinh, đóng góp như thế đã mang lại kết quả là chất lượng thiết bị 5G của chúng ta đạt mức chuyên nghiệp hơn kỳ vọng. Chính sự đoàn kết, sự trong sáng của tổ chức đã giúp Viettel thành công.

THỰC TIỄN KIỂM NGHIỆM CHÂN LÝ

Dựa vào hệ thống để kết luận thì không đủ, chúng ta phải khảo sát thực tế

Dựa vào hệ thống để kết luận thì không đủ, chúng ta phải khảo sát thực tế


Năm 2023, anh không chỉ trực tiếp đến Hà Nam để kiểm tra chất lượng thiết bị 5G mà cùng với Ban TGĐ Tập đoàn liên tục đi cơ sở, cả trong và ngoài nước. Những chuyến đi thực tế như vậy có ý nghĩa như thế nào với Viettel, thưa anh?

Điều anh mong muốn ở các chuyến đi là những phát hiện mới và sự khác biệt giữa lý thuyết với thực tế, đúng như giá trị văn hóa của Viettel “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý”. Ban TGĐ Tập đoàn, cơ quan ngành dọc và lãnh đạo các đơn vị vừa rồi tiếp tục đẩy mạnh đi cơ sở, đến những nơi xa nhất, khó nhất để nhận diện vấn đề, tìm ra cách làm, tháo gỡ vướng mắc và đồng cảm, động viên, chia sẻ với tuyến đầu.

Ví dụ về mạng lưới, quan điểm của Viettel là mạng 4G phải tốt như 2G. Nhìn dữ liệu hệ thống thấy tỷ lệ kết nối thành công của mạng Viettel đạt 99%, tỷ lệ rất cao, gần tuyệt đối, chất lượng mạng như thế phải là rất tốt. Nhưng dựa vào hệ thống để kết luận thì không đủ, chúng ta phải khảo sát thực tế, đến tận nơi để đo kiểm, đánh giá vùng phủ, tốc độ, rồi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của khách hàng, từ đó mới có bức tranh tổng thể. 99% là con số trung bình toàn mạng, có nơi cao hơn, nhưng có nhiều khu vực thấp hơn, chỉ 90 - 95%, còn điểm lõm, điểm nghẽn không thấy trên phần mềm giám sát. Phải đi để ra quyết định sớm như cần bổ sung trạm, chọn tần số thấp hay cao…

Các chuyến công tác cũng giúp chúng ta kịp thời điều chỉnh, tối ưu mô hình tổ chức ở tỉnh/Tp để phát huy sự chuyên nghiệp, hiệu quả của các kênh. Lực lượng của Viettel trên cùng địa bàn phải cộng hưởng sức mạnh với nhau như một phép nhân, chứ không đơn thuần là phép cộng.

Thông điệp thi đua năm 2023 của Tập đoàn là đoàn kết, sáng tạo, tự tin, bứt phá. Theo cảm nhận của anh, thông điệp này đã đi vào thực tế ở Viettel như thế nào?

Chúng ta có nhiều chuyển biến minh chứng cho sự đoàn kết. Năm qua, chúng ta tạo ra nhiều việc lớn, nhiều sân chơi chung để gắn kết nội bộ. Gắn kết sẽ tạo ra đoàn kết. Đoàn kết thì sẽ giúp công việc, nhiệm vụ sát lại với nhau. 2023 là năm Viettel có nhiều việc như thế.

Sáng tạo thì không thể hô hào như phong trào. Sáng tạo cũng là giá trị cốt lõi của Viettel. Chúng ta phải coi sáng tạo như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Viettel đang ở giai đoạn chững của công nghệ 4G, giá cước bão hòa, tin nhắn và thoại truyền thống giảm, dịch vụ tăng trưởng chậm… Chúng ta phải tìm những hướng đi mới, thử nghiệm gói cước, mở rộng không gian kinh doanh để tiếp tục phát triển.

Tự tin cũng vậy. Với một năm khó khăn như 2023, nếu không tự tin, chúng ta không dám làm việc gì. Trước đây, anh hình dung hệ thống nhà máy sản xuất thiết bị, động cơ ở các quốc gia châu Âu như Séc hay Serbia rất khổng lồ với tầm vóc, tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng sau khi sang đó tham quan, tìm hiểu, anh cảm thấy tự tin rằng cơ sở nhà máy của Viettel trong tương lai gần chắc chắn sẽ hiện đại với kỹ thuật tiên tiến hơn.

Bứt phá hay không thì cần nhìn vào kết quả. Rất nhiều sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mang tính chiến lược của Viettel được nghiên cứu, sản xuất đúng tiến độ, thử nghiệm thành công, được nghiệm thu và sẵn sàng ứng dụng tại Tập đoàn cũng như trang bị cho toàn quân.

Một năm mang lại kết quả bứt phá nhưng trước đó là cả một hành trình dài vô vàn gian khó, phải là người trong cuộc mới thấu hiểu được hết giá trị này.

HÀNH TRÌNH KHÔNG DỪNG LẠI

Chúng ta tự hào rằng Viettel đang làm chuyển đổi số tốt nhưng không có giới hạn nào là “đã hoàn thành”, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang trong tiến trình chuyển đổi. Viettel xuất sắc về hạ tầng số, thanh toán số, nội dung số… nhưng còn rất nhiều lĩnh vực mới khác.

2024 là năm thứ 5 từ khi tập đoàn công bố chuyển sang giai đoạn Viettel 4.0 và nhận được sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Theo anh, Viettel đã là đi đến đâu trên chặng đường này?

Hành trình này không có đích. Trong quá khứ, nhiều nền tảng công nghệ từng rất vĩ đại nhưng bị thay thế nhanh chóng. Viettel đúng là đã đi đến năm thứ 5 của chuyển đổi số, nhưng hành trình này chưa dừng lại vì công nghệ liên tục thay đổi.

Chúng ta tự hào rằng Viettel đang làm chuyển đổi số tốt nhưng không có giới hạn nào là “đã hoàn thành”, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang trong tiến trình chuyển đổi. Viettel xuất sắc về hạ tầng số, thanh toán số, nội dung số… nhưng còn rất nhiều lĩnh vực mới khác.

Điện toán đám mây (Cloud) là ví dụ. Khi chúng ta bắt đầu kiểm soát được cloud, thế giới đã có Cloud AI với các siêu máy tính để tính toán trực tiếp trên đám mây. Hay như chính công ty sản xuất chip lớn nhất NVIDIA mới sang đây làm việc với Viettel, dù đã ở trên đỉnh cao của một công ty công nghệ toàn cầu, họ vẫn chưa hài lòng và cả cộng đồng đang chờ đón những sản phẩm của họ.

Thế giới tiến nhanh như thế, Viettel biết đâu là đủ để hoàn thành? Nhiệm vụ của chúng ta phải làm tốt hơn, nhanh hơn, chuyển đổi hiệu quả hơn, an toàn hơn. Đấy là thông điệp anh muốn nói sau 5 năm Viettel thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. 

12-Thăm gian hàng triển lãm Viettel Diversity 2022 (1).jpeg

Sáng tạo thì không thể hô hào như phong trào. Sáng tạo cũng là giá trị cốt lõi của Viettel. Trong ảnh: Triển lãm Viettel Diversity

Vậy năm 2024, xin anh cho biết những việc gì sẽ mang tính then chốt với Viettel?

Rất nhiều việc.

Về viễn thông, trong năm 2024, tất cả thuê bao sẽ chuyển lên 4G. Nếu 5G đi vào thương mại, chúng ta cũng sẽ phải xây dựng hệ sinh thái dịch vụ. Song song đó, anh kỳ vọng chúng ta đẩy mạnh thêm các thuê bao số ở Viettel Money, TV360.

Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel được giao nhiều bài toán mới, cần có các kế hoạch cụ thể để nghiên cứu, sản xuất một cách nghiêm túc, khẩn trương và đảm bảo chất lượng. Các dự án cần phải đẩy nhanh để tiến tới hình thành hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam.

Về đầu tư nước ngoài, chúng ta cần tăng dòng tiền chuyển về nước để bổ sung đầu tư mới. Nhiều thị trường lúc này cũng giống Việt Nam, khi 2G, 3G đã cũ, chúng ta phải tăng cường công nghệ mới.

Về logistic thương mại điện tử, chúng ta đặt mục tiêu cao dự án cửa khẩu thông minh, đầu tư vận chuyển hàng hóa qua đường sắt không chỉ trong nước và còn xuyên biên giới.

Về chuyển đổi số, yêu cầu trọng tâm là triển khai là điện toán đám mây. Viettel đã làm nên cách mạng về viễn thông, thì bây giờ sẽ tạo cách mạng về điện toán đám mây, để phổ cập hóa nền tảng công nghệ và dịch vụ này, để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình Việt Nam có một kho lưu trữ dữ liệu an toàn trên nền tảng cloud của Viettel.

6-Khai giảng Viettel Digital Talent ngày 16.04.2022.jpg

Vì Viettel, chúng ta sẽ chung sức đồng lòng, cộng hưởng giá trị, kiến tạo tương lai. Trong ảnh: Chương trình Viettel Digital Talent

HÃY TRÂN QUÝ THƯƠNG HIỆU VIETTEL

Trên vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn, anh đón Tết ra sao, đấy là băn khoăn của nhiều thành viên Viettel, nhất là các bạn trẻ?

Chúng ta có hai ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ là tổ ấm của mình, ngôi nhà lớn là Viettel. Tết đến, chúng ta phải lo cho cả hai ngôi nhà. Ở đâu cũng phải có sự ấm cúng.

Với cương vị đứng đầu Tập đoàn, mình phải lo nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn cho ngôi nhà Viettel. Anh cũng được sum vầy, ở bên các đồng nghiệp Viettel vào thời điểm Giao thừa, cùng nhau cầu chúc năm mới mọi người được khỏe mạnh, bình an, công việc hanh thông, tất cả dự án lớn của Tập đoàn đều thắng lợi.

Nếu ai cũng muốn ở nhà lo cho gia đình riêng trước, ai sẽ là người lo cho tập đoàn, cho Ngôi nhà chung? Không ai có thể làm song song được. Ta chỉ có thể phân bổ thời gian, cái gì trước, cái gì sau. Sẽ phải có sự hy sinh, nhưng hy sinh ấy là có ích.

Anh nói tới sự hy sinh, có phải đây là điều anh muốn gửi gắm tới cán bộ, nhân viên Viettel trong năm 2024?

Năm 2024 là một năm đặc biệt với Viettel vì kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tập đoàn, 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh muốn nói với tất cả các thành viên trong gia đình Viettel rằng:

Hãy trân quý cái tên Viettel, thương hiệu Viettel.

Hãy xem Viettel như điều thiêng liêng.

Hãy nói đến Viettel với lòng tự hào.

Hãy cống hiến cho Viettel, ngay cả khi khó khăn.

Nếu tất cả cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ Viettel, nếu tất cả đều có chung tinh thần “Vì Viettel” - chúng ta sẽ có sức mạnh để xây dựng một Viettel trường tồn. Viettel có phát triển thì mỗi cá nhân sẽ phát triển, Viettel thành công cũng là thành tựu của mỗi cá nhân. Đó cũng là danh dự của mỗi người đã đặt một viên gạch ở Viettel.

Xin cảm ơn anh.

Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam cho rằng thành công của Viettel trong năm 2023 đến từ tinh thần đoàn kết và sự khát khao của mỗi người Viettel. Khi Viettel chuẩn bị bước sang tuổi 35, khát khao ấy sẽ bùng cháy hơn nữa và không bao giờ dừng lại.

Trong năm 2023, Viettel trải qua nhiều thách thức song vẫn giữ được đà tăng trưởng. Anh đánh giá thế nào về năm 2023 của chúng ta?

Viettel trong năm qua tiếp tục tăng trưởng, có những sản phẩm được ghi nhận, đánh giá cao. Tập đoàn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Sau một năm thành công, chúng ta có thể tự hào nói rằng đây là thành quả đến từ nỗ lực từng ngày, từng giờ của hàng chục nghìn CBNV khắp cả nước, ở tất cả thị trường.

Nỗ lực của mỗi người Viettel còn đáng trân quý hơn khi chúng ta nhìn vào bối cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội. Chúng ta thấy rõ 2 điều: thứ nhất, như tôi đã nói, Viettel là một tổ chức có sức khỏe tốt, vận hành chuyên nghiệp nên trước khó khăn, biến động thì chúng ta không nao núng. Và thứ hai là người Viettel luôn đoàn kết, đồng lòng, cùng Tập đoàn vượt qua thách thức.

Thay mặt Đảng ủy Tập đoàn, tôi xin chúc mừng và gửi lời cảm ơn tới nỗ lực, tinh thần lao động hăng say và những đóng góp của mỗi thành viên trong ngôi nhà chung Viettel.

Trong năm qua, người Viettel đã làm việc, cống hiến với phương châm hành động “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, bứt phá”. Đâu là yếu tố khiến anh hài lòng nhất, và phương châm hành động ấy đã được thể hiện như thế nào trên những lĩnh vực mà anh phụ trách?

Khi đã đoàn kết, đã sáng tạo, đã tự tin, thì bứt phá là hệ quả sau cùng. Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết là điều tôi cảm nhận rõ nhất. Năm 2023, người Viettel ở các cấp đã đoàn kết, đồng lòng một cách thực chất.

Sự đoàn kết cũng là nền tảng cho các yếu tố khác. Đoàn kết là sức mạnh, một tổ chức thiếu đi sự đoàn kết thì không còn đủ sức mạnh để mà tự tin. Không tự tin thì sợ sệt, không dám đối mặt với thách thức, không dấn thân, không dám sáng tạo, làm cái mới.

Kết quả có thể thấy ở một số lĩnh vực như kinh doanh giải pháp CNTT tăng trưởng 2 con số; Vận hành khai thác giữ vững chất lượng trong năm qua và tăng tỷ trọng doanh thu bên ngoài, đóng góp 57% delta tăng trưởng; Chuyển phát tăng trưởng gấp 3,5 lần trung bình ngành, logistic Viettel thì thắng thầu nhiều dự án chuỗi cung ứng lớn. Hay như giao thông số đã hoàn thành kế hoạch phát triển thẻ trước 3 tháng…

Đối với thành công của Tập đoàn trong năm qua, vai trò Công tác Đảng, Công tác Chính trị được thể hiện như thế nào, thưa anh?

Năm 2023, Tập đoàn đã giữ vững, thực hiện nghiêm nề nếp sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng ta cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; làm tốt việc bố trí, sắp xếp luân chuẩn cán bộ theo đúng quy định, công khai, khách quan, qua đó giúp Tập đoàn lựa chọn được những nhân sự đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, cảnh báo tình hình, biểu hiện tiêu cực, diễn biến tư tưởng được đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, người Viettel được chăm lo tốt đời sống, thu nhập cho người lao động, giúp CBNV yên tâm, phấn khởi để lao động, cống hiến. Việc thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh thực chất hiệu quả tạo động lực để CBNV sáng tạo, dấn thân.

Anh có thể chia sẻ một số nhiệm vụ quan trọng, thách thức mà chúng ta nhận lãnh trong năm qua mà ở đó thể hiện vai trò chủ lực của Viettel với đất nước. Có nhiệm vụ nào cho thấy nỗ lực mở rộng không gian, go global của chúng ta?

VIettel đã tuyên bố sứ mệnh Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Trong năm 2023, chúng ta đã tư vấn, triển khai nhiều hệ thống nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực như xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Về go-global, đây là chiến lược của Tập đoàn tuy nhiên cung cấp các dịch vụ ngoài truyền thống ra quốc tế là 1 việc khó. Như lĩnh vực giải pháp CNTT, nhiều doanh nghiệp dù đã có kinh nghiệm, uy tín trong nước cũng mất hàng chục năm để ổn định bộ máy, tích lũy năng lực để đi ra nước ngoài.

Song chúng ta vẫn quyết tâm go-global. Viettel đang hướng tới đi hai chân, tức là vừa tập trung đẩy mạnh xúc tiến triển khai các giải pháp số đã thành công tại Việt Nam để mang sang các thị trường có tiềm năng “còn sơ khai”, vừa tìm kiếm nhu cầu thị trường tại các nước phát triển.

Hay như Chuyển phát và Logistics, chúng ta không chỉ là chủ lực, trở thành thành hình mẫu cho sự phát triển và đổi mới của ngành logistics tại Việt Nam, mà còn mở rộng mạng lưới sang Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới kết nối ASEAN – Việt Nam – Trung Quốc, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia logistics, một trung tâm logistics toàn cầu.

VCC cũng đã nhìn thấy cơ hội và bước đầu “đặt chân” vào một số thị trường mới như Australia, Hàn Quốc, Trung Đông... Go-global không chỉ giúp Công trình Viettel cũng như Tập đoàn tăng trưởng doanh thu, mà còn góp phần nâng cao vị thế thương hiệu Viettel trên trường quốc tế.

ADS_4447.jpeg

Bí thư Đảng uỷ Tập đoàn thường xuyên thực hiện các chuyến công tác đến các địa phương

Năm 2024, Viettel sẽ tròn 35 tuổi. Với con người, đây là một độ tuổi khá đặc biệt, là cái mốc để các công ty giới hạn tuyển dụng. Viettel ở tuổi 35 thì sao thưa anh? Chúng ta còn sẵn sàng học hỏi, gạt bỏ những thành công cũ để làm mới mình?

Ở độ tuổi nào, tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải giữ tinh thần khởi nghiệp, tức là tự nghĩ ra công việc, tự đặt sứ mệnh cho mình, có khao khát và quyết tâm thành công. Qua các giai đoạn khởi tạo thực tại mới, tinh thần người Viettel lúc nào cũng là tinh thần khởi nghiệp.

Nhiều người cho rằng tuổi 35 là độ tuổi bước vào giai đoạn trung niên, nhiều yếu tố như tinh thần, khát khao không còn được như trước. Nhưng so sánh với các doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi, thì Viettel ở tuổi 35 vẫn còn rất trẻ, còn nhiều điều để khám phá.

Với đời người, tuổi 35 là đã trưởng thành, đã có những tích lũy về kĩ năng, vốn sống, về kinh nghiệm. Viettel cũng vậy, chúng ta sau thời gian dài kinh doanh viễn thông đã có sự “tích lũy”, khẳng định được vị thế, có vốn, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.

Điểm mấu chốt là chúng ta có còn khát khao hay không. Bởi vì người 35 tuổi, thậm chí 30, hay 25 tuổi nếu an phận, không còn muốn dấn thân, không còn sự quyết tâm thì sức trẻ và những giá trị mang lại không bằng người 50, 60 tuổi nhưng có khát vọng, quyết tâm biến khát vọng ấy thành hiện thực.

ADS_5381.jpeg

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam tiếp đoàn công tác BQP do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng BQP làm trưởng đoàn tại Học viện Viettel

Trước những biến động của thời cuộc, của công nghệ, chúng ta thường nói “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Vậy theo anh đâu là cái “bất biến” ấy để người Viettel có thể vin vào và vượt qua thách thức?

Văn hóa Viettel và các giá trị cốt lõi được đúc kết từ thực tiễn suy nghĩ và cách làm rất đặc trưng, rất riêng của người Viettel, tạo nên Viettel của ngày hôm nay. Dù Viettel trải qua bao nhiêu giai đoạn phát triển, đứng trước mọi xáo động thì văn hóa Viettel luôn là kim chỉ nam cho chúng ta.

Sự đặc trưng càng có giá trị khi mọi công nghệ, mọi mô hình, mọi chính sách đều có có sự tương đồng hoặc có thể dễ dàng sao chép. Khi ấy, cái khác biệt, quyết định thắng thua giữa các doanh nghiệp nằm ở văn hóa. Sự thành bại của cả một doanh nghiệp đôi khi nằm ở chỗ văn hóa có phù hợp không, hoặc có đi vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, của CBNV hay không.

Tại Viettel, chúng ta có giá trị “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh”, để Viettel luôn linh hoạt với thời cuộc, sẵn sàng đặt những thành công của quá khứ sáng một bên để dấn thân làm cái mới. Chúng ta có giá trị “Trưởng thành qua những thách thức và thất bại”, để xem thất bại là một bài học, để dám nghĩ, dàm làm. Viettel cũng có giá trị “Truyền thống và cách làm người lính” - rất khác biệt với các doanh nghiệp hiện nay, và người Viettel thì luôn dũng cảm, hy sinh, có lệnh là lên đường, luôn đặt sứ mệnh phụng sự người dân lên đầu.

Kỷ luật của người lính rất quan trọng, đặc biệt vì chúng ta là doanh nghiệp Quân đội, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ chính trị khác do Đảng, Bộ Quốc phòng giao. Kỷ luật giúp chúng ta đi đến cùng trong mọi vấn đề, mọi công việc, giúp hình thành tác phong chuyên nghiệp.

Trong giai đoạn xây dựng Viettel 4.0, Viettel sẽ cần xây dựng, phát triển con người như thế nào để đáp ứng đòi hỏi của thời cuộc?

Đảng ủy Tập đoàn luôn xác định con người là yếu tố quan trọng nhất.

Văn hóa Viettel hình thành người Viettel. Để tuyển dụng nhân sự, chúng ta đầu tiên xét đến việc họ có phù hợp với văn hóa Viettel hay không rồi mới xét đến năng lực chuyên môn. Trong mọi hoạt động, chúng ta cũng cài đặt văn hóa để người Viettel thấm, ngấm văn hóa Viettel hơn. Năm 2023 chúng ta đẩy mạnh hoạt động phát triển văn hóa. Trong năm 2024 và sau này, chúng ta phải truyền đạt, giúp từng người Viettel hiểu rõ các giá trị cốt lõi của tổ chức.

Đặc biệt trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, người Viettel phải được khả năng thích ứng. Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến mọi người Viettel chứ không riêng nhóm CBNV nào.

Về năng lực, người Viettel phải được nâng cao trình độ về mặt công nghệ. Nói đơn giản, ngày xưa đi bán hàng thì hay nhận được câu hỏi “có sóng không”, nên chỉ cần biết chỗ nào có sóng là được. Giờ khi gặp các doanh nghiệp nhiều khi nói về chuyển đổi số, là giám đốc tỉnh cũng bí, vì trong đó có quá nhiều kiến thức.

Vậy môi trường làm việc thì sao thưa anh? Việc Viettel liên tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất châu Á đã thể hiện quan điểm như thế nào của lãnh đạo Tập đoàn về môi trường làm việc cho CBNV?

Viettel chúng ta, may mắn là chưa bao giờ hết những thách thức. Với mỗi thành công, chúng ta đều đặt ra những thách thức mới cho mình. Viettel vì thế mà luôn tiến lên, luôn lành mạnh, không bao giờ trì trệ

Một môi trường làm việc tốt trước hết phải lành mạnh. Để tổ chức lành mạnh thì phải có luôn tạo ra thách thức mới. Một tổ chức mà chỉ toàn việc cũ, việc ai cũng làm được thì tìm kiếm, không quy tụ được người tài, không giữ được người tài.

Cơ hội phát triển là chia đều cho tất cả. Chỉ cần bạn thực sự có năng lực, có bản lĩnh, có khao khát thì luôn có cơ hội chinh phục những đỉnh cao tại Viettel.

Viettel hiện nhận lãnh những sứ mệnh lớn lao. Chúng ta cũng không ngừng mở rộng không gian, tiếp tục đương đầu với thách thức. Nếu không tạo ra thách thức, làm những việc khó mà không ai làm được, không giải những bài toán của đất nước, xã hội thì Viettel sẽ trở thành một doanh nghiệp bình thường, người Viettel sẽ là những con người bình thường. Và tôi tin, tất cả chúng ta đều không muốn như vậy.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Năm 2023 tiếp tục chứng minh, càng đối diện với thách thức, người Viettel càng mạnh mẽ. Kế thừa từ tầm nhìn và sự hy sinh của nhiều thế hệ đi trước, thành tựu của Viettel năm 2023 còn thể hiện khát vọng, ý chí và nỗ lực của hơn 50.000 người Viettel trên toàn cầu.

Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn có thêm hai vị tướng

1. PTGD DMP2.jpeg

Năm 2023, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng và Phó Tổng Giám đốc Đỗ Minh Phương được thăng quân hàm Thiếu tướng. Như vậy, đến nay, Viettel đang có 4 vị trí mang quân hàm cấp tướng trong đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn.

Đây là lần thứ 2 Viettel có thêm 2 vị tướng trong cùng một năm, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Bộ Quốc phòng dành cho Viettel, ghi nhận nỗ lực, thành tích và niềm tin đối với Tập đoàn cũng như cá nhân các đồng chí.

Thông qua nhiều cơ chế, chính sách mang tính quyết định cho tương lai

2. Co che chinh sach.jpeg

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và Đề án tái cơ cấu giúp Viettel mở ra những không gian mới, tổ chức bộ máy theo hướng chủ động, gọn nhẹ và hiệu quả. Cơ chế 30% lợi nhuận sau thuế giúp Viettel xác định được nguồn ngân sách phục vụ lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Về phía nội bộ, lần đầu tiên Viettel chính thức công bố các giá trị văn hóa cốt lõi và ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong ngắn, trung và dài hạn.

Những chính sách quan trọng này là cơ sở để Tập đoàn hiện thực hóa sứ mệnh Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, trở thành tập đoàn công nghiệp, công nghệ cao toàn cầu.

Tập đoàn hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh doanh

3. Hoat dong SXKD.jpeg

Tất cả các chỉ số kinh doanh của Tập đoàn đều vượt so với kế hoạch. Doanh thu hợp nhất hơn 172 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% - mức tăng cao nhất trong ngành (đánh giá hiệu quả năm 2023 doanh thu tăng 9,8%, lợi nhuận tăng hơn 18%).

Viettel duy trì vị thế thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 8 liên tiếp và là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á với mức định giá gần 9 tỷ USD.

Thành tựu của Viettel được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đánh giá cao, đồng thời tiếp tục giao nhiều trọng trách lớn để Viettel phát huy vai trò nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Viễn thông nước ngoài tăng trưởng gấp 5 lần trung bình thế giới

4. VG tang truong.jpeg

Doanh thu dịch vụ viễn thông nước ngoài năm 2023 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng trưởng 20,5%, gấp 5 lần mức tăng trưởng trung bình trên thế giới và là mức cao nhất từ trước đến nay. Viettel đã giữ vững tốc độ tăng 2 con số trong 7 năm liên tiếp.

Natcom xuất sắc vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài.

Năm vừa qua, Viettel vinh dự được đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Bộ Quốc phòng đến thăm Metfone (Campuchia), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Movitel (Mozambique), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Unitel (Lào).

Hệ sinh thái số của Viettel phát triển mạnh cả trong và ngoài nước

5. Giai phap so.jpeg

Viettel Money vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng tài chính trên Google Play và Apple Store tại Việt Nam. Đi sau các ứng dụng khác hơn chục năm nhưng Viettel Money hiện có hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử. Riêng thuê bao tiền di động (Mobile Money) chiếm hơn 60% thị phần. Tại nước ngoài, ví điện tử của Viettel có tốc độ tăng trưởng mạnh, 450% tại Mozambique, 244% tại Lào, 232% tại Haiti, 139% tại Đông Timor, 91% tại Burundi.

TV360 sau 2 năm ra mắt đã đạt 10 triệu thuê bao sử dụng thường xuyên - lớn nhất thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam và đã mở rộng sang các thị trường nước ngoài.

Viettel cũng duy trì vị thế là nhà cung cấp hệ sinh thái số toàn diện nhất hiện nay với 6 lĩnh vực nền tảng: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.

Viettel làm chủ thiết bị 5G và xuất khẩu sang Ấn Độ

6. Lam chu he sinh thai 5G.jpeg

Viettel làm chủ hoàn toàn các thiết bị trong hệ sinh thái 5G bao gồm thiết bị truy nhập vô tuyến, thiết bị truyền dẫn, hệ thống mạng lõi. Năm 2023, Viettel vận hành chính thức 300 trạm trên mạng lưới tại Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn của thế giới và quy chuẩn của Việt Nam.

Tháng 12/2023, hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh của Viettel được xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới.

Kết quả này khẳng định Việt Nam là một trong số ít quốc gia nghiên cứu, sản xuất thành công thiết bị 5G, góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và trên quốc tế.

Viettel nghiên cứu thành công chip quan trọng của mạng 5G

7. Chip 5G DFE-1 2.jpg

Tháng 10/2023, Viettel công bố chip 5G DFE do Tập đoàn làm chủ hoàn toàn thiết kế, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính trên giây. Đây là thành phần phức tạp nhất trong khối vô tuyến của trạm 5G, đóng vai trò xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối vô tuyến và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Đồng thời, Viettel chế tạo, thử nghiệm thành công khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần của trạm 5G dùng chip 5G DFE.

Trước đó, Viettel và Qualcomm đã công bố sản xuất thành công khối vô tuyến của trạm 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chip ASIC theo chuẩn Open RAN, đến tháng 11/2023 đã triển khai trạm 5G sử dụng loại chip này trên mạng lưới Viettel, giúp tiết kiệm 20% năng lượng tiêu thụ.

Việc làm chủ hoàn toàn quá trình thiết kế chip là tiền đề để Viettel đẩy nhanh nghiên cứu, thiết kế các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, IoT... Đây là bước tiến quan trọng để Viettel tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trợ lý ảo AI Viettel được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao

8. Vi An - Tháng 10.27.jpg

Tháng 5/2023, Viettel ra mắt trợ lý ảo siêu thực đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Vi An. Trước đó, hàng loạt nền tảng AI khác được đưa vào hoạt động của Tập đoàn giúp tối ưu 50% nhân công, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí mỗi năm như hệ thống xác minh thông tin khách hàng; trợ lý ảo chăm sóc khách hàng; giải pháp gợi ý nội dung cho TV360 hay quản lý, vận hành mạng lưới toàn cầu.

Viettel cũng ra mắt trợ lý ảo pháp luật đầu tiên ở Việt Nam, sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn nhất, phục vụ 100% cán bộ công chức của ngành tòa án, giúp giảm 30% khối lượng công việc và thời gian. Viettel cũng nghiên cứu thành công trợ lý ảo cho cán bộ công chức Việt Nam, dựa trên ngôn ngữ Việt Nam, dữ liệu Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu công chức trên cả nước và hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo.

Viettel là doanh nghiệp công nghệ số 1 ở Việt Nam về bằng sáng chế

9. Bang sang che.jpg

Năm 2023, Viettel được cấp 31 bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam, 13 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ, nâng tổng số bằng độc quyền sáng chế trong nước lên 117 và tại Mỹ là 30.

Viettel hiện là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam và tại Mỹ.

Viettel vô địch cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới

10. VCS vô địch Pwn2Own.jpg

Ngày 28/10/2023, đội ngũ chuyên gia an ninh mạng Viettel đã giành ngôi vô địch tại cuộc thi Pwn2Own 2023, đạt điểm tuyệt đối ở 7/7 hạng mục, với số điểm 30, cách biệt với đội thứ nhì là 12,75 điểm.

Chiến thắng đầy thuyết phục tại một cuộc thi “World Cup của giới bảo mật toàn cầu” đã khẳng định năng lực của Viettel trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.

Bước qua năm 2023 với nhiều thăng trầm của thị trường Viễn thông – Công nghệ thông tin. Viettel Family đã có buổi chia sẻ với Phó Tổng Giám đốc Đỗ Minh Phương về những định hướng chiến lược trong các lĩnh vực trọng tâm của Tập đoàn.

Năm 2023, viễn thông vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển chung của Tập đoàn. Nhưng 2023 cũng là một năm đầy thử thách cho mảng kinh doanh này, anh đánh giá thế nào về điều đó?

Năm 2023, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều bị tác động nhiều chiều. Trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu từ dịch vụ thoại giảm, còn dịch vụ data tăng trưởng chậm lại, người dùng đã chạm ngưỡng. Trong nước, một số quy định của nhà nước được siết chặt hơn như chuẩn hoá thông tin thuê bao, tăng cường kiểm soát các dịch vụ VAS, kênh điểm bán… khiến cho mảng kinh doanh dịch vụ di động gặp nhiều thách thức.

Trong bối cảnh đó, doanh thu dịch vụ viễn thông của Viettel tăng trưởng 2,1%, trong khi toàn ngành chỉ tăng 0,4%, các doanh nghiệp khác trong ngành hầu như không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, Viettel đã chuyển dịch thành công 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên 80%. Các dịch vụ khác có đột phá về thuê bao như cố địch băng rộng đạt hơn 8,2 triệu thuê bao, chiếm thị phần lớn nhất thị trường; dịch vụ truyền hình có hơn 11 triệu khách hàng, trở thành ứng dụng truyền hình số 1 Việt Nam... Thanh toán số, nội dung số bắt đầu có những dấu hiệu tích cực trong bức tranh chung.

Để có kết quả tăng trưởng như vậy, có thể thấy Viettel đã thúc đẩy một số sản phẩm dịch vụ số, kết quả cụ thể là như thế nào thưa anh?

Năm 2023, các sản phẩm dịch vụ số của Viettel có mức độ tăng trưởng khoảng 13%, cao hơn tăng trưởng chung của Tập đoàn. Các sản phẩm, dịch vụ số được đầu tư phát triển trải rộng ở các đơn vị trong Tập đoàn. Một số sản phẩm dịch vụ số dành cho cá nhân đang có cơ hội phổ cập, tiếp cận nhiều hơn đến mọi người dân. Đơn cử như Viettel Money đang là hệ sinh thái tài chính số số 1 tại Việt Nam. Chiến lược của Tập đoàn là đưa hình thức thanh toán này rộng rãi hơn, thuận tiện hơn, chi phí phù hợp hơn để bất kì đâu, bất kì nhóm khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được. Hiện nay, Viettel Money đang có gần 10 triệu khách hàng sử dụng. Viettel đặt mục tiêu tiến tới là nhà cung cấp Mobile Money với hơn 50% thị phần, tức là khoảng 50 triệu người dùng, tương tự như thị phần dịch vụ viễn thông, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Ngoài ra, giải trí số trên màn hình lớn và màn hình nhỏ cũng là một hướng đi mới. Nền tảng TV360 hiện nay đang đứng số 1 trên thị trường truyền hình trả phí tại Việt Nam, 20 triệu lượt tải xuống, đứng thứ nhất trên Google Play và Apple Store. TV360 có khả năng đáp ứng 4 triệu người dùng đồng thời và đảm bảo chất lượng, độ phản hồi nhanh của hệ thống khi khách hàng chuyển kênh, bật app...

anh-1-3.jpg

Hiện nay, Viettel Money đang có gần 10 triệu khách hàng sử dụng. Viettel đặt mục tiêu tiến tới là nhà cung cấp Mobile Money với hơn 50% thị phần, tức là khoảng 50 triệu người dùng, tương tự như thị phần dịch vụ viễn thông viễn thông, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Trong nội dung chia sẻ với Tạp chí Viettel Family dịp Tết 2023, anh có nhấn mạnh Viettel sẽ sẵn sàng cắt bỏ các sản phẩm, chính sách không phù hợp. Nhìn lại năm vừa qua, anh đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Cơ bản khi nhìn trên tổng thể, những sản phẩm dịch vụ suy giảm, không hiệu quả hay những chính sách nào không còn phù hợp thì phải nhanh chóng cơ cấu lại. Năm qua chúng ta đã thực hiện tối ưu khá nhiều. Ví dụ trước đây, nhiều nghiệp vụ chúng ta thực hiện bằng nhân sự trực tiếp, nay chuyển lên môi trường số, vừa tiết kệm chi phí, thời gian trung gian, vừa đem lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng. Hoặc như đối với Viettel Media, trước đây chúng ta có chiến lược phát triển game, esport, vì chúng ta thấy tiềm năng của lĩnh vực này, nhưng cơ chế tại Việt Nam chưa đảm bảo, chi phí lớn, điều kiện thị trường chưa thúc đẩy được sản phẩm nên Tập đoàn cũng quyết định tạm thời dừng, nghiên cứu thêm.

Theo anh, đâu là những bài học kinh nghiệm của chúng ta trong năm 2023?

Thị trường hiện nay thay đổi rất nhanh nên mỗi năm đều đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học mới trong kinh doanh và cũng có những bài học là cốt lõi mà chúng ta cần phải giữ. Quan điểm kinh doanh viễn thông của chúng ta từ trước đến nay là mạng rộng, sóng khoẻ, giá tốt. Đó cũng là lý do tạo nên thành công trong kinh doanh viễn thông của Viettel và là bài học có giá trị. Thời gian vừa qua, một phần do chiến lược của Tập đoàn chưa được phê duyệt, phần khác do đại dịch hạn chế giao thương, dịch chuyển, nên việc đầu tư hạ tầng viễn thông bị chậm hơn. Điều đó khiến cho chất lượng mạng lưới bị hạn chế, chưa đạt được mục tiêu nổi trội nhất của Viettel. Các dịnh vụ giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ số trong năm qua vẫn chưa mở rộng được không gian. Doanh thu các dịch vụ này có tăng trưởng nhưng mới chiếm khoảng 10% viễn thông trong nước. Bài học ở đây là đi vào thị trường ngách, tìm ra hướng đi mới cho từng lĩnh vực. Các đơn vị cần tổ chức lại mô hình kinh doanh, lấy dịch vụ số mới phải làm động lực tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 30% trở lên, các đơn vị cần thành lập các trung tâm theo từng dịch vụ số, trao quyền cho bộ máy nhiều hơn để bám sát thị trường, nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Năm qua cũng nhắc nhở chúng ta bài học tiếp tục hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp có những thế mạnh mà mình còn thiếu. Đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh nghiệm, sở hữu những sản phẩm, dịch vụ đã được khẳng định. Điều này giúp chúng ta đẩy nhanh được tiến trình hoàn thiện, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà Viettel cung cấp.

Theo anh, đâu sẽ là những xu hướng mà Viettel sẽ cần phải theo sát để có thể tạo ra sự đột phá trong kinh doanh viễn thông của Viettel?

Đối với viễn thông, Viettel tiếp tục duy trì hạ tầng viễn thông lớn, rộng nhất Việt Nam. Hạ tầng này bao gồm điện toán đám mây. Hệ sinh thái điện toán đám mây Viettel Cloud đặt mục tiêu hướng tới phổ cập để mọi đối tượng khách hàng có thể tiếp cận được. Tiếp đó là AI, chúng ta cũng đã có chatbot, có trợ lý ảo để bán hàng, chăm sóc khách hàng, cũng đã phát triển trợ lý ảo cho một số ngành trong xã hội. Viettel tiếp tục đưa AI vào thực tế kinh doanh viễn thông nhiều hơn. Đặc biệt là ứng dụng AI trong dự đoán xu thế, cấu trúc hệ thống, quản lý nội bộ và đảm bảo an ninh thông tin cho toàn mạng lưới để kinh doanh viễn thông hiệu quả hơn. Điện toán đám mây hay AI, ngoài phát triển để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, chúng ta cần áp dụng tối đa để nâng cao hiệu quả trong quản trị nội bộ. Một trong những xu hướng chủ đạo nữa mà chúng ta cần tập trung trong năm 2024 là tăng cường cung cấp kết nối băng rộng. Vì thế Viettel sẽ nâng cấp mạnh về vùng phủ, chất lượng mạng 4G để thay thế hoàn toàn 2G. Bên cạnh đó, Viettel đầu tư vào 5G, trong đó có mạng 5G độc lập. Vẫn trên tinh thần mạng rộng, sóng khoẻ, giá tốt, Viettel không chỉ cung cấp dịch vụ kết nối giữa người với người, mà còn phục vụ máy với máy, người với máy. Chúng ta đi cùng xu hướng công nghệ của thế giới và đó cũng là tương lai lâu dài của Viettel. Điểm đáng chú ý trong năm nay khi kinh doanh dịch vụ viễn thông là tiếp tục đảm bảo an toàn cho khách hàng, cho dữ liệu. An ninh thông tin không chỉ là sản phẩm kinh doanh cung cấp cho khách hàng, mà đó còn là trách nhiệm bảo vệ khách hàng trên môi trường số. Chúng ta chuẩn bị về an ninh mạng khá sớm để đồng hành cùng với khách hàng trên môi trường số.

Anh vừa nhắc đến an ninh, an toàn thông tin. Anh kỳ vọng hay đặt mục tiêu gì cho lĩnh vực an ninh mạng của Viettel?

Ngày nay, người ta không chỉ sống, sinh hoạt, làm việc trong môi trường vật lý nữa, càng ngày môi trường số càng rộng lớn và tiện ích hơn. Nhưng môi trường số phát triển quá nhanh, khiến mọi người chưa kịp thời trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để sử dụng an toàn. Trên môi trường số, mọi người cũng dễ bị tấn công hơn do đối tượng có thể tác động từ bất kỳ đâu, trong bất kỳ thời gian nào. Vừa qua, chúng ta đã bước đầu xây dựng được bộ máy nhân sự cũng như các giải pháp được khẳng định uy tín, làm rất tốt việc “vá các lỗ hổng” trong Viettel cũng như nhiều khách hàng lớn. Tuy nhiên, mới đang triển khai “case by case”, chủ yếu đáp ứng tốt, cấp cứu kịp thời những vấn đề đã được phát hiện. Viettel đặt ra mục tiêu Công ty An ninh mạng phải xây dựng và cung cấp được các giải pháp đồng bộ để người sử dụng có góc nhìn đầy đủ về an ninh mạng, có thể phát hiện sớm, chủ động bảo vệ mình trước. Có thể so sánh giữa an ninh mạng và phòng cháy chữa cháy. Không ai dám nói là có thể trang bị, đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%, nhưng nếu có tổng thể các biện pháp, giải pháp kỹ thuật nhằm loại trừ hoặc hạn chế đến mức tối đa các nguy cơ xảy ra, lan rộng, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi, phù hợp cho công tác bảo vệ, làm giảm thiểu tối đa các thiệt hại. Viettel cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho cả khách hàng doanh nghiệp (B2B) và giải pháp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đó đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cá nhân (B2B2C). Ví dụ, an ninh mạng Viettel cung cấp dịch vụ an toàn cho Ngân hàng để Ngân hàng bảo vệ khách hàng có tài khoản tại Ngân hàng đó. Giống như đảm bảo an ninh cho mạng lưới của Viettel vừa bảo vệ hạ tầng, vừa bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng Viettel.

Chúng ta đã từng có những thành công, tạo ra những cuộc cách mạng trong mỗi giai đoạn, tạo ra những dấu ấn đặt biệt. Là người gắn bó với Viettel qua nhiều chặng đường, anh mong muốn Viettel sẽ trở thành phiên bản như thế nào khi tròn 35 tuổi?

Quote 4.jpg

Để bền vững, Viettel tiếp tục lấy con người làm cốt lõi cho sự phát triển. Con người là mục tiêu chiến lược của Viettel. Chúng ta cần tiếp tục thu hút, xây dựng, đào tạo đội ngũ có đủ tri thức, kỹ năng, là những chuyên gia thực thụ trong từng lĩnh vực, tiếp cận được công nghệ toàn cầu.

Viettel sẽ là Tập đoàn công nghiệp công nghệ kinh doanh toàn cầu. Chúng ta đã có vị thế trong đầu tư quốc tế về viễn thông. Tới đây, phải xuất khẩu được các thiết bị công nghệ cao, các nền tảng số do chính Viettel phát triển. Vì vậy, Viettel sẽ cần mở hơn nữa, hợp tác nhiều hơn nữa, cộng hưởng nhiều hơn nữa. Chúng ta cần học hỏi, chia sẻ nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp khác để làm mới nội tại của mình. Viettel cần mới hơn để có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Những sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh được nâng cấp, cải tiến về công nghệ và chất lượng, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng, thậm chí phải có giải pháp trước khi khách hàng biết được nhu cầu của mình. Để bền vững, Viettel tiếp tục lấy con người làm cốt lõi cho sự phát triển. Con người là mục tiêu chiến lược của Viettel. Chúng ta cần tiếp tục thu hút, xây dựng, đào tạo đội ngũ có đủ tri thức, kỹ năng, là những chuyên gia thực thụ trong từng lĩnh vực, tiếp cận được công nghệ toàn cầu, có thể làm bùng nổ các dịch vụ. Chúng ta cũng cần tiếp tục tổ chức bộ máy khoa học hơn, tinh gọn hơn, áp dụng nhiều hơn nữa công nghệ vào quản trị, trong đó có việc sử dụng dữ liệu để phân tích, đánh giá. Viettel ở tuổi 35 vừa tinh thông công nghệ, vừa khát khao đổi mới, sáng tạo và tử tế, quan tâm.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Cách đây 6 năm, khi mạng di động 4G chính thức khai trương, Viettel Telecom đã chọn thông điệp “Khi công nghệ tiến lên phía trước - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Và ở thời điểm “tắt 2G - phủ 4G”, thông điệp này một lần nữa lại tiếp tục được khơi lại với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thay cái cũ “hay” bằng cái mới “rất hay”

Bác Hà Thị Bính (Hà Nội) dùng điện thoại đã nhiều năm, nhưng với nhu cầu đơn giản nhất, chỉ nghe - gọi, nhắn tin cũng hầu như không dùng. Bác vẫn sử dụng chiếc điện thoại 2G “cục gạch” đã hơn 10 năm tuổi để giữ liên lạc với con cháu.

Giữa tháng 9/2023, khi nghe tin “Nhà nước sẽ tắt sóng 2G” vào năm 2024, chị Thành, con gái bác đã quyết “lên đời” cho mẹ chiếc điện thoại mới hỗ trợ 4G để an tâm giữ liên lạc. Tuy nhiên, để thuyết phục mẹ “cất 2G dùng 4G”, thôi “bấm cục gạch” để “lướt smartphone” lại là một việc không dễ. Bởi những lý do được bác Bính đưa ra đều rất hợp lý: “Mẹ chỉ cần một cái máy nhỏ bỏ được vào túi để đi chợ; Mẹ chẳng cần vào mạng làm gì; Mẹ không muốn mua điện thoại đắt tiền; Khi nào tắt mạng 2G thì mẹ mới mua…”. Hiểu tâm lý mẹ, chị Thành hứa: “Con sẽ mua cho mẹ một chiếc điện thoại giá rẻ như cái cũ, dễ dùng như cái cũ, pin khỏe hơn cả cái cũ, các tính năng mới nhờ 4G cũng rất dễ dùng... Mẹ đồng ý nhé!”. Bác Bính nửa tin nửa ngờ: “Có cái “hay như vậy” thật hả con? Nếu đúng như vậy thì mẹ dùng!”  

Được lời như cởi tấm lòng. Chị Thành liền gọi một cuộc điện thoại “trợ giúp người thân”. Chỉ hơn 30 phút sau, “cái hay như vậy” đã được một nhân viên chuyên trách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G tại khu vực trao tận tay, hỗ trợ chuyển danh bạ và hướng dẫn bác Bính sử dụng. Đó chính là chiếc điện thoại Sumo V2 của Viettel nhỏ gọn, có đầy đủ các tính năng cơ bản và đa phương tiện, hỗ trợ kết nối 4G, cung cấp cuộc thoại chất lượng cao trên nền VoLTE. Pin máy có dung lượng 1000mAh đảm bảo duy trì đến vài ngày. Sumo V2 đang được Viettel trợ giá cho khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G nên giá chỉ còn 290.000 đồng. 

“Đúng là 4G mà dùng dễ như như 2G thật. Tiếng lại trong, rõ hơn hẳn cái cũ nữa!”. Bác Bính thốt lên và quyết định lấy thêm 1 chiếc nữa để “tặng cho bà bạn thân”.

2G-4G-2.jpg

Bác Hà Thị Bính bên chiếc điện thoại 4G Sumo V2

Những trường hợp như bác Bính ở Hà Nội không hiếm, và càng phổ biến hơn ở những vùng thôn quê hay vùng sâu vùng xa. Bởi để thay đổi một thói quen sử dụng của người đã lớn tuổi không dễ chút nào. 

Thay đổi thói quen sử dụng đã khó, việc phải bỏ đi một chiếc điện thoại còn dùng tốt với những người dân nghèo đang chật vật mưu sinh (đối tượng chiếm đa số trong tập khách hàng chưa chuyển đổi lên 4G) thực sự còn khó khăn hơn. Và đó chính là bài toán khó mà cả cơ quan quản lý cho đến các nhà mạng phải giải được.

Để “đón mới”, tất yếu phải “tắt cũ”

Được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991, mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2 (mạng 2G) lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu đã nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Cũng năm 1991, mạng 2G lần đầu được cung cấp tại Việt Nam. Năm 2004, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này và giải pháp “4Any” huyền thoại (any where, any time, any body, any price) đã tạo nên cuộc bùng nổ nhanh chóng, mạnh mẽ nhất trong lịch sử viễn thông thế giới. Chỉ sau 4 năm, mật độ di động tại Việt Nam đã tăng từ 15% lên hơn 100% dân số vào năm 2008. 

Chưa đầy 10 năm sau, 3G chính thức được Viettel khai trương tại Việt Nam và nhanh chóng phủ sóng toàn quốc. So với 2G, mạng 3G mang lại tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn, khả năng truy cập Internet tốc độ cao, khả năng sử dụng các dịch vụ thoại và kết nối dữ liệu di động cùng một lúc…

Sau 3G, mạng 4G tiếp tục được triển khai tại Việt Nam vào năm 2017, mang lại nhiều lợi ích về tốc độ kết nối mạng Internet, dịch vụ viễn thông… 

Trở nên lỗi thời, 2G cần được thay thế để giải phóng tần số cũng như tài nguyên hạ tầng khác cho những bước tiến tiếp theo của ngành viễn thông. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hoàn thành việc tắt sóng 2G từ năm 2012 như Nhật Bản, Macau, Singapore, Úc…

Tại Việt Nam, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024 sẽ không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9/2026. Trước đó, Viettel cũng chủ động tắt sóng 3G trên diện rộng với những khu vực thuê bao đã dịch chuyển lên 4G để tập trung cho phát triển 4G và 5G. Nhiều tỉnh, thành đã được thử nghiệm tắt mạng 2G/3G như: TP. HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế... 

Tắt cũ - phủ mới, để tiến bước cùng nhau

Theo thống kê, Việt Nam hiện còn hàng chục triệu thuê bao 2G trong khi kế hoạch tắt sóng sẽ được các nhà mạng tiến hành dần từ đầu năm 2024. Là nhà mạng di động chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam (đồng nghĩa với việc có số lượng thuê bao 2G lớn nhất), Viettel Telecom đã và đang nỗ lực, bằng nhiều hình thức để hỗ trợ các thuê bao 2G chuyển đổi lên mạng tương thích. 

Một số hình thức được triển khai như: trợ giá thiết bị di động, tặng gói cước khuyến mãi… Cụ thể, khách hàng đang dùng 2G khi chuyển lên thiết bị 4G sẽ được tặng 28GB data dùng trên hạ tầng 4G trong 28 ngày. Một số dòng máy 4G với mức giá hỗ trợ chỉ từ 290.000 đồng, đồng thời tặng 12 tháng miễn phí sử dụng dịch vụ trên TV360 (gói basic) cũng được tung ra cùng thời điểm.

Thêm một điểm thuận lợi của Viettel Telecom trong chiến dịch “đưa người dân lên môi trường số” là sóng 4G đã được đầu tư rộng khắp và bài bản ngay từ khi khai trương. Người dân dù ở khu vực nào đều có sóng 4G khi dùng mạng di động thế hệ cũ.

Đặc biệt, để tác động được đến nhóm khách hàng yếu thế trong xã hội, Viettel Telecom đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” là cách làm hiệu quả mà nhiều địa phương đang triển khai. Từ việc kết hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng để tìm và thuyết phục những người dân chưa chuyển đổi lên 4G như cách làm của Đắc Lắc, hay rà theo trạm như phương pháp của Hòa Bình đều đã cho những kết quả khả quan. Tỷ lệ khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G tăng nhanh rõ rệt.

Theo kế hoạch năm 2023 Viettel Telecom cần chuyển đổi 5,3 triệu thuê bao 2G lên 4G. Và số lượt thuê bao thực hiện được chuyển đổi trong năm đã đạt 6 triệu thuê bao, hoàn thành 113%. 

Dự kiến trong năm 2024, số thuê bao 2G của Viettel sẽ giảm từ 11 triệu xuống còn 7 triệu, đảm bảo lộ trình đến trước thời hạn tháng 9/2026 sẽ giảm về 0. Đó sẽ là một cuộc chuyển dời thầm lặng, sâu sắc với sự tham gia của toàn bộ hệ thống kênh phân phối và chăm sóc khách hàng của Viettel Telecom.

Thông điệp “Khi công nghệ tiến lên phía trước - Không ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được khơi lại với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với tầm nhìn của Viettel trong giai đoạn phát triển mới “Công nghệ từ trái tim”./.

Vượt qua thách thức của năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đào Xuân Vũ nhấn mạnh các kết quả trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và đầu tư nước ngoài là niềm tự hào và tiếp thêm năng lượng cho người Viettel trên hành trình sáng tạo vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thưa anh, năm 2023 tiếp tục là một năm thành công của Viettel. Trên lĩnh vực phụ trách, những kết quả nào khiến anh hài lòng nhất?

Những thành công của năm 2023 xuất phát từ nỗ lực rất lớn của các tập thể, cá nhân trong Tập đoàn.

Chất lượng mạng di động, băng rộng cố định, truyền hình được duy trì thông suốt và vượt trội so với các doanh nghiệp viễn thông khác vào các dịp cao điểm. Năm qua, chúng ta tiến hành nâng cấp dung lượng mạng 4G một cách đồng bộ, đáp ứng lộ trình tắt mạng 2G tại Việt Nam.

Đây là những quyết định mang tính chiến lược về công nghệ, được Viettel phân tích, tính toán cẩn trọng từ nhiều năm trước nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng và tạo điều kiện để nhanh chóng áp dụng các công nghệ hiện đại hơn vào mạng lưới. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để Việt Nam có được mạng 4G tốt như 2G, tiến tới có thêm mạng 5G, IoT phục vụ chuyển đổi số.

Ngay ở giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, lực lượng kỹ thuật ở các tỉnh vẫn quyết tâm, kiên trì, vượt khó, giữ vững mạng lưới an toàn, vững chắc - chính là niềm vui lớn nhất của người làm kỹ thuật Viettel.

Quan điểm của Viettel là trong bất cứ tình huống nào phải luôn giữ vị thế số 1 về chất lượng mạng lưới để khách hàng của Viettel được sử dụng dịch vụ ổn định nhất với trải nghiệm tốt nhất.

Năm 2023, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng nhiều lần quán triệt trong Tập đoàn về phương châm “Đi đều chân” để vừa gia tăng giá trị với công việc hiện tại, vừa mở rộng không gian, tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới. Các đơn vị do anh phụ trách đã ánh xạ tư tưởng này thế nào trong năm qua?

Chúng ta nhìn thấy rất rõ việc “đi đều chân” ở các đơn vị. Công ty Tư vấn và Dịch vụ Viettel (VTK) bổ sung dịch vụ đo kiểm viễn thông, giải pháp kiên cố hạ tầng, khẳng định vai trò mới là “bác sỹ” về hạ tầng mạng lưới. Đây cũng là một trong số ít đơn vị của Tập đoàn có các bằng sáng chế độc quyền.

Viettel IDC cũng có một năm bứt phá với nhiều dự án mới như trung tâm dữ liệu lớn, ra mắt 8 sản phẩm, dịch vụ; mở rộng quy mô hạ tầng, là doanh nghiệp duy nhất khai thác cả 2 nền tảng Vmware, OpenStack để đảm bảo nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng.

Công ty Đầu tư Công nghệ Viettel (VTIT) mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2023 đã tích cực hợp tác với các ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; tìm cơ hội mới không chỉ các nước Viettel đầu tư mà bước đầu đã “đặt chân” sang Mỹ, Nhật Bản.

Đó là các đơn vị trong nước, vậy năm 2023 của khối các công ty nước ngoài, anh đánh giá thế nào?

Đầu tư quốc tế là khối có thành tích ấn tượng nhất trong các lĩnh vực tôi phụ trách. Doanh thu dịch vụ viễn thông nước ngoài tăng trưởng 20,5% - mức tăng 2 con số trong 7 năm liên tiếp. Đây là năm đầu tiên doanh thu dịch vụ của khối viễn thông nước ngoài vượt viễn thông trong nước. Natcom đã đóng góp nâng số tổng số thị trường Viettel đứng số 1 ở 6 quốc gia. Và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của Viettel lên đến 76,5 %. Các con số này càng có ý nghĩa khi chính biến, thiên tai liên tiếp xảy ra tại các thị trường.

Thành công hội tụ từ nhiều yếu tố nhưng trong đó có việc chúng ta chuẩn bị các kịch bản kinh doanh trong cả hoàn cảnh thuận lợi và tình huống xấu bất ngờ, để vừa tận dụng cơ hội kinh doanh vừa kiểm soát chặt chẽ mọi nguy cơ có thể xảy ra.

Khi xuất hiện khó khăn, quan điểm xuyên suốt của Viettel là không né tránh. Đội ngũ nhân sự Viettel ở nước ngoài được dẫn dắt bởi các giám đốc có năng lực, năng động, bản lĩnh vững vàng, luôn làm gương và là hạt nhân gắn kết. Thành tựu của khối nước ngoài là rất xứng đáng với tinh thần “chiến đấu” của anh em ở 10 thị trường của Viettel.

378184372_710371134467912_5163650718330916236_n.jpg

Phó TGĐ Đào Xuân Vũ chủ trì chương trình đón tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Movitel

Sau thị trường Myanmar, Viettel chưa có thêm dự án mới đầu tư ra nước ngoài. Có phải chúng ta chưa nhìn thấy những cơ hội mới?

5 năm qua, Viettel không có thêm thị trường mới nhưng không có nghĩa là Viettel dừng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta chỉ làm chậm và chắc hơn. Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu tập trung làm tốt, làm sâu và nâng cao hiệu quả tại các thị trường đang kinh doanh.

Song song với đó, chúng ta vẫn xúc tiến tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng. Năm 2023, tôi được trực tiếp đi khảo sát, đánh giá cơ hội đầu tư vào một số nước ở khu vực châu Mỹ. Đoàn chúng tôi được lãnh đạo của các quốc gia này chào đón nồng nhiệt, tin tưởng và tự hào khi được một tập đoàn uy tín như Viettel quan tâm.

Khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel có một triết lý là “đi ra để học hỏi”. Chúng ta đã đầu tư nước ngoài được 15 năm, liệu còn phù hợp không anh?

“Đi ra để học hỏi” là một triết lý sâu sắc và đúng đắn đối với tất cả các quốc gia mà Viettel đầu tư, dù đó là đất nước phát triển hơn Việt Nam hay nghèo khó bậc nhất thế giới.

Đầu tư nước ngoài, chúng ta có cơ hội cạnh tranh song phẳng với những tên tuổi khổng lồ trong ngành viễn thông thế giới, học được rất nhiều, đặc biệt ở sự chuyên nghiệp, tính hệ thống, phát triển bền vững và cách tìm ra những đặc điểm kinh doanh đặc thù theo từng khu vực.

Viettel có giá trị cốt lõi “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý, lý luận và thực tế phải song hành với nhau. Không có công thức thành công nào đúng mãi và đúng với tất cả, bài học ở thị trường này sẽ là những chỉ dẫn hữu ích, gợi ý cách làm cho Việt Nam cũng như các thị trường khác tham khảo, vận dụng linh hoạt và hiệu quả.

Screenshot 2024-02-09 003040.png

Viettel có giá trị cốt lõi “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý”, lý luận và thực tế phải song hành với nhau

Vậy ở chiều ngược lại, theo anh, những thành công ở trong nước đã được Viettel mang ra thế giới như thế nào?

Ở Việt Nam, Viettel tiên phong, chủ lực trong kiến tạo xã hội số, là một doanh nghiệp tử tế, nhân văn và luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trước, phụng sự đất nước và người dân. Tất cả điều này cũng được các công ty thị trường cam kết và nỗ lực thực hiện để ở đâu có Viettel, cuộc sống ở đó tốt đẹp hơn.

Thành quả đầu tư ra nước ngoài hôm nay là sự kế thừa tri thức, đúc kết tinh hoa của Tập đoàn và các đơn vị ở Việt Nam để tự tin đi “chinh chiến” ở các châu lục trên thế giới.

Chúng ta rất chủ động chuyển giao các hệ thống tự động hóa quản trị, vận hành, các công nghệ mới, giải pháp tối ưu chi phí… với mục tiêu trong nước có gì, thị trường cũng có cái đó. Nhưng phải nói rằng, quan trọng nhất chính là con người, chúng ta đã hình thành nên những lớp người Viettel trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực, có ý chí mạnh mẽ, thích ứng nhanh để phát huy năng lực tốt nhất ở môi trường toàn cầu.

Ở Việt Nam, Viettel tiên phong, chủ lực trong kiến tạo xã hội số, là một doanh nghiệp tử tế, nhân văn và luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trước, phụng sự đất nước và người dân. Tất cả điều này cũng được các công ty thị trường cam kết và nỗ lực thực hiện để ở đâu có Viettel, cuộc sống ở đó tốt đẹp hơn.

Sự tiên phong của Viettel như anh vừa nói thể hiện thế nào trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất thế giới vào các lĩnh vực của Tập đoàn, nhất là hạ tầng mạng lưới?

Với Viettel, công nghệ sinh ra để phục vụ con người. Chúng ta từng xây dựng một mạng 4G tràn ngập lãnh thổ ngay khi mới khai trương để mọi người dân được sử dụng dịch vụ di động tốc độ cao, Việt Nam có cuộc cách mạng về kết nối data và internet băng rộng.

Viettel tiếp tục song hành với thế giới về công nghệ, đẩy nhanh triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc, giúp khách hàng dùng dịch vụ data tốc độ cao gấp 10-15 lần so với 4G. Các trung tâm dữ liệu của Viettel hoàn thành trong năm 2024 sẽ là những data center quy mô lớn, đạt chuẩn quốc tế và hiện đại nhất Việt Nam.

Mô hình cung cấp dịch vụ Cloud theo hướng NaaS (Network as a service) cho phép khách hàng thuê các dịch vụ mạng từ nhà cung cấp dịch vụ đám mây; Digital Twins được hiểu là bản sao kỹ thuật số của một vật thể trong thế giới vật chất, cực kỳ hữu ích trong các hoạt động sản xuất, trải nghiệm khách hàng, chăm sóc sức khoẻ, dự án thành phố thông minh và công nghiệp…

Anh là một người gắn bó với ngành kỹ thuật, với mạng lưới ở trong nước và nước ngoài ngay từ khi mới gia nhập Viettel. Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với riêng anh trên hành trình Viettel? Và anh muốn gửi gắm điều gì đến các thành viên trong Ngôi nhà chung Viettel?

Hơn hai thập kỷ đón Tết với Viettel để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc khó tả. Tôi là người làm kỹ thuật, muốn nói nhiều thứ nhưng khó diễn giải được hết suy nghĩ, tình cảm của mình ra bên ngoài.

Tôi vào Viettel ở giai đoạn bắt đầu làm dịch vụ điện thoại đường dài - VoIP 178, khó khăn, thiếu thốn bộn bề, mọi người làm việc và sinh hoạt rất gần gũi, yêu thương, quý mến nhau. Viettel bây giờ đã lớn hơn rất nhiều, các điều kiện cũng thuận lợi hơn, song với tôi, Viettel của 22 năm trước hay hiện tại thì vẫn là một gia đình.

Mỗi Tết lại có những kỷ niệm nhất định, nhất là mỗi khi nhận một nhiệm vụ mới. Tết năm vừa rồi, tôi nhận nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, ở vị trí, vai trò mới rất nhiều áp lực, nhiều công việc chưa từng làm. Với tôi, việc được giao mình sẽ nỗ lực hoành thành.

Tôi xin chúc các thành viên trong gia đình Viettel luôn tự tin, khát khao chinh phục các mục tiêu của bản thân để làm sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Quan trọng nhất là hãy luôn giữ tâm thế cố gắng, làm đến cùng mọi việc. Cứ nỗ lực hết mình, thành công sẽ đến, kể cả nếu không được như mong muốn thì cũng cho chúng ta bài học quý giá.

Xin cảm ơn anh.

Liên tục mở rộng không gian mới, đa dạng hoá hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ và tăng tốc chuyển đổi số là cách các công ty của Viettel tại thị trường nước ngoài tăng trưởng vượt bậc, giữ vững vị thế dẫn đầu tại 6 quốc gia. Cùng Viettel Family nhìn lại những dấu mốc ấn tượng của lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Viettel trong năm qua.

“Chúng tôi xác định, đến năm 2025, các dịch vụ mới ngoài viễn thông sẽ đóng góp 15-25% tổng doanh thu các thị trường nước ngoài.” CEO Viettel Global Phùng Văn Cường.

Natcom hoàn vốn 100% sau 12 năm kinh doanh

Natcom.jpeg

2023 là một năm bất ổn xã hội tại Haiti tăng cao. Nhưng với tinh thần biến khó khăn thành cơ hội, Natcom (Viettel Haiti) đạt mốc tăng trưởng doanh thu dịch vụ 28,9%. Như vậy, Natcom giữ mức tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Lợi nhuận trước thuế 56 triệu USD, cao nhất kể từ khi kinh doanh có lãi (12/2019). Hoàn vốn dự án 100% sau 12 năm kinh doanh.

Telemor giữ vững vị thế nhà mạng dẫn dắt thị trường

Telemor-2.jpg

Năm 2023, chính phủ Timor-Leste tăng thuế phí, thắt chặt quy định quản lý viễn thông, đồng thời yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ. Với chiến lược hiện đại hóa mạng lưới, đẩy mạnh phát triển 4G, Telemor tiếp tục giữ vững vị thế nhà mạng dẫn dắt thị trường với 53,5% thị phần. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ Telemor đạt ~48,7 triệu USD, tăng trưởng 20,6%; lợi nhuận đạt ~14 triệu USD, tăng trưởng 28%; dòng tiền ròng đạt 17,7 triệu USD, tăng trưởng 22%. 

Hệ sinh thái của Telemor cũng được mở rộng và trở thành nhà cung cấp dịch vụ nội dung số hàng đầu tại Timor. Thành quả của Telemor còn được ghi nhận qua 06 giải thưởng quốc tế tại IBA và Globee® Business Awards.

Metfone đạt mốc doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong 5 năm gần đây

Metfone.jpg

Trong bối cảnh thị trường dịch vụ di động tiến tới bão hòa, Metfone (Viettel Cambodia) lựa chọn dịch vụ băng rộng cố định là không gian tăng trưởng mới và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần với 55%, đồng thời tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần di động với 43,1%. 

Doanh thu dịch vụ của Metfone đạt ~427,2 triệu USD, tăng trưởng 14,3%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Lợi nhuận đạt 86,5 triệu USD, tăng trưởng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, Metfone cũng tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái số giúp tăng thêm 2,3 triệu thuê bao số. 

Bitel trở thành doanh nghiệp số 1 về tài nguyên tần số tại Peru

Bitel.jpg

Nhờ chiến lược thầu thông minh, Bitel (Viettel Peru) đã vượt qua những gã khổng lồ viễn thông quốc tế để giành được 3 tần số mới. Từ một doanh nghiệp đứng cuối bảng trong suốt 9 năm kinh doanh, Bitel đã lật ngược tình thế trở thành doanh nghiệp số 1 về tài nguyên tần số, bảo đảm điều kiện cạnh tranh và mở ra nhiều không gian tăng trưởng mới.

Mytel - Khẳng định ngôi vị số 1 bền vững về di động

Mytel.jpg

Tình hình an ninh chính trị vẫn diễn biến phức tạp sau chính biến năm 2021 tại Myanmar. Thích ứng kịp thời với các điều chỉnh linh hoạt, Mytel (Viettel Myanmar) tiếp tục phát huy, hoàn thiện hệ sinh thái đa dịch vụ và khai trương Data Center chuẩn quốc tế Tier3 lớn nhất Myanmar. 

Siêu ứng dụng MyID sở hữu 11,4 triệu người dùng ~88% thuê bao di động. MyID liên tục chứng tỏ vai trò tiên phong trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ đột phá khi 4 năm liền nhận được giải thưởng quốc tế kể từ khi khai trương.

Nhờ đó, Mytel tiếp tục củng cố ngôi vị số 1 với 37% thị phần, cán mốc trên 14 triệu thuê bao di động. Dòng tiền về đạt 113,7 triệu USD.

Unitel vững vàng số 1 về thị phần và chất lượng mạng lưới

Unitel-2.jpeg

Năm 2023, Lào đối mặt với lạm phát ở mức cao (28%) dẫn tới tiêu dùng bị cắt giảm. Bên cạnh đó Chính phủ Lào ban hành quy định mới về đăng ký thuê bao. 

Đứng trước khó khăn đó, Unitel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thị phần và chất lượng mạng lưới, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện. Thị phần di động được mở rộng lên 57%, doanh thu dịch vụ đạt ~286 triệu USD, tăng trưởng 17,5%, cao nhất trong 7 năm qua. Lợi nhuận đạt 33.2 triệu USD, tăng trưởng 34%. 

Doanh thu từ ví đạt 7,9 triệu USD, tăng trưởng 216%. Thành tựu của Unitel còn được ghi nhận qua 2 giải thưởng quốc tế Globee world Award cho nền tảng LaoApp và LaoEdu.

Movitel tạo bùng nổ ví điện tử 

Movitel-2.jpeg

Trước tình hình chính phủ Mozambique ban hành một số chính sách thắt chặt quản lý, Movitel bám sát chiến lược phát triển 4G, tập trung vào thành thị, tiếp tục đầu tư mạng lưới, giữ chính sách giá tốt hơn so với đối thủ 10-15%. 

Đa dạng hóa các chức năng độc đáo, ví E-Mola của Movitel có bước tăng trưởng “bùng nổ” với 3,4 triệu thuê bao phát triển mới trong tổng số 3,87 triệu của toàn thị trường. eMola trở thành ví điện tử có lượng thuê bao lớn nhất trong số các thị trường nước ngoài của Viettel Global. Dịch vụ ví điện tử đóng góp ~29% vào doanh thu dịch vụ của Movitel, góp phần duy trì tăng trưởng doanh thu dịch vụ trên 20% trong 5 năm liên tiếp.

Halotel vượt khó, tăng trưởng thuê bao bằng chất lượng 4G

Halotel.jpg

Trong năm 2023, Halotel phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính phủ đưa ra các chính sách mới thắt chặt quản lý và giá. Bên cạnh đó, Halotel còn thua kém đối thủ về cả hạ tầng lẫn tần số nhưng Halotel vẫn tìm ra giải pháp khắc phục. Halotel đẩy mạng phát triển thuê bao ngách và cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ tối đa. Chất lượng dịch vụ 4G được đánh giá tốt nhất thị trường trong 3 quý liên tiếp giúp Halotel tăng trưởng liên tục về thuê bao di động. Tính từ tháng 5 đến nay, Halotel tăng được hơn 660 nghìn thuê bao, qua đó, giữ vững thị phần ở mức 13,3%.

Lumitel – Doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao nhất trong các thị trường

_Lumitel.jpeg

Chính phủ Burundi năm qua ban hành một số chính sách thuế không thuận lợi cho hoạt động kinh doanh viễn thông. Một mặt Lumitel tuân thủ các quy định mới, một mặt bám sát thị trường, điều chỉnh chính sách linh hoạt, tránh chạy đua về giá nhưng vẫn giữ ưu thế của người dẫn dắt. Nhờ đó, Lumitel duy trì và củng cố vị trí số 1 về cả di động, ví điện tử và cố định băng rộng với thị phần lần lượt là 63,4%, 81% và 43%. 

Doanh thu dịch vụ tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp, năm 2023 đạt 215,2 triệu USD, tăng 37,5% cao nhất trong các thị trường của Viettel. Lumitel cũng hoàn thành ra mắt và kinh doanh sàn TMĐT đầu tiên của Burundi - LumiSOKO

5 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt, Trung tâm điều hành thông minh do TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) phát triển đã có mặt tại 35 tỉnh và không ngừng cải tiến để giữ vai trò chủ lực chuyển đổi số đô thị.

Trong 4 bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) gần đây nhất, Thừa Thiên – Huế liên tục chiếm top 5. Trước đó, thành phố này nằm ở vị trí thứ 15. Bước nhảy vọt ở Thái Nguyên còn rõ rệt hơn, năm 2020 địa phương này xếp đứng thứ 44/63 trên bảng xếp hạng và vươn lên vị trí thứ 12 chỉ một năm sau. Điểm chung giữa 2 thành phố ở thời điểm “vượt hạng” là cùng bắt đầu sử dụng trung tâm điều hành thông minh (IOC) do VTS phát triển.

Đến nay, hệ thống IOC của VTS được 35 địa phương lựa chọn triển khai ở cấp tỉnh và cấp thành phố/huyện. Không dừng lại ở số lượng, sau 5 năm, khi các IOC đã đạt độ phủ cao thì mục tiêu các kỹ sư VTS đang đặt ra là tạo ra giải pháp chuyển đổi số đô thị “thông minh” hơn, tích hợp dữ liệu lớn và AI, để đem lại giá trị cao hơn nữa.

VTS Anh 3.jpeg

IOC do VTS triển khai tại Đà Nẵng - hệ thống đầy đủ nhất với nhiều phân hệ.

Bài toán mới

IOC ra đời từ nhu cầu của các chính quyền, cần một trung tâm điều khiển tập hợp các dữ liệu của thành phố để có thể ra quyết định một cách kịp thời và dựa trên dữ liệu. IOC tiêu chuẩn của VTS bao gồm 14 phân hệ ở các lĩnh vực từ dịch vụ công, thủ tục hành chính, các chỉ số kinh tế - xã hội, đến thông tin môi trường, quy hoạch đô thị, xử lý nước thải hay an toàn trật tự, thông tin y tế…

2023, khi các trung tâm đã tương đối phổ biến thì bài toán tiếp theo đặt ra là tích hợp vào nền tảng này các công nghệ mới như phân tích dữ liệu thời gian thực, thị giác máy tính để tạo ra các tính năng tự động điều tiết, tự động cảnh báo về giao thông đô thị, trật tự, môi trường.

“Mục tiêu của VTS là dựa trên IOC tạo ra các giải pháp, ứng dụng dựa trên dữ liệu toàn diện hơn, đem lại cho địa phương khả năng vận hành hiệu quả hơn ở các lĩnh vực quan trọng”, anh Nguyễn Ngọc Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh cho biết.

Số hoá và tự động hoá các hoạt động quan trọng của một đô thị như cảnh báo thiên tai, môi trường, điều tiết tài nguyên… đang được VTS đặc biệt chú trọng. Có độ phủ về IOC, VTS tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với 53 địa phương về các ứng dụng số hoá và tự động hoá một số hoạt động, như trung tâm quản trị thực thi tại TP. HCM hay cảng điện tử tại Hải Phòng. Riêng trong năm 2023 con số này là 22 địa phương, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố du lịch lớn. Các ứng dụng này không nhất thiết đòi hỏi tỉnh/thành phố đã có IOC của Viettel.

Khó khăn lớn nhất trong việc tạo ra các IOC không phải là kỹ thuật công nghệ, mà làm thế nào để các ngành khác nhau trong một địa phương chia sẻ, liên thông dữ liệu của mình. “Đây không phải việc dễ dàng và cũng không phải đặc thù của Việt Nam, đặc biệt với các cơ quan y tế, an ninh, họ sẽ lo ngại về việc lọt lộ dữ liệu nhạy cảm, sẽ phải chứng minh rất nhiều về tính an toàn của hệ thống”, anh Khoa cho biết.

Một điểm hấp dẫn mà VTS đem lại cho khách hàng là khả năng “thông minh hoá” thành phố theo những cách khác nhau tuỳ theo nhu cầu. Có những thành phố đòi hỏi hệ thống ứng dụng phục vụ người dùng cuối như tra cứu địa điểm, cảnh báo tự động; có những thành phố yêu cầu theo dõi các chỉ số kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Mỗi IOC sẽ được các kỹ sư thiết kế với số phân hệ tuỳ theo nhu cầu và khả năng chi trả của địa phương, cũng như điều kiện dữ liệu thực tế.

“IOC giống như một hạt nhân, từ đó có thể tích hợp công nghệ để phát triển ra các ứng dụng khác nhau tuỳ nhu cầu khách hàng để tạo thành một hệ sinh thái thành phố thông minh”, anh Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm đô thị thông minh thuộc VTS, cho biết.

“Một hệ thống đang hoạt động rất hiệu quả của TP. HCM là hệ thống quản trị thực thi, cập nhật các chỉ số kinh tế - xã hội theo thời gian thực, cũng là một biến thể của IOC”, anh Khoa giải thích. Tương tự, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, IOC cũng được sử dụng để tổng hợp thông tin tiêm chủng, bản đồ ca nhiễm ở một số tỉnh thành.

Thế hệ IOC tiếp theo

Nếu như IOC tại Huế cách đây 5 năm là sản phẩm khai phá thị trường, thì IOC ra mắt tháng 8 vừa qua tại Đà Nẵng là trung tâm lớn và nhiều phân hệ bậc nhất ở Việt Nam. Vừa qua, Đà Nẵng liên tục gặp mưa vào giờ cao điểm dẫn đến ngập cục bộ, cản trở giao thông. Mở ứng dụng Dannang Smart City trước khi ra đường để xác định tuyến đường trở thành thói quen của nhiều người dân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thông qua các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp tại IOC, thành phố dễ phát hiện và cảnh báo sớm đến người dân và cơ quan chức năng các vấn đề, sự kiện bất thường của đô thị như tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Trung tâm IOC cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tư vấn, nâng cấp các hệ thống IOC để tích hợp các tính năng tự động, tạo thành hệ sinh thái thành phố thông minh, ví dụ như AI nhận diện lưu lượng giao thông để tự động điều chỉnh đèn tín hiệu phù hợp hơn với từng khung giờ, mật độ xe cộ trên từng tuyến đường. Hệ thống xử lý tại IOC còn có thể tự động theo dõi camera để thống kê lượng xe đi qua nút giao thông, những xe vượt đèn đỏ, lấn làn…

Giải thích kỹ hơn, chuyên gia cho biết các giải pháp điều tiết hoặc cảnh báo tự động hoá đều có thể được thiết kế bằng cách truyền dẫn từ cảm biến tại hiện trường về một đơn vị riêng lẻ tại cơ quan chuyên trách, sau đó xử lý và đưa ra kết quả.

“Nhưng giá trị của IOC là đầu mối đem lại bức tranh tổng thể của đô thị cho lãnh đạo địa phương”, anh Khoa lưu ý.

Ví dụ, ngập lụt không phải việc riêng của quản lý và quy hoạch đô thị, mà còn cần phải cảnh báo cho lực lượng giao thông, cứu hộ và cả người dân. Nếu thiết kế mọi khía cạnh của đô thị thành ứng dụng riêng lẻ thì sẽ rất manh mún, khó chia sẻ giữa các bên. Tương tự, dữ liệu giao thông không chỉ có ý nghĩa điều tiết hay xử lý vi phạm ngay lập tức, mà còn giúp ích cho các quyết định quy hoạch đô thị, đường xá.

Anh Đức cho biết “Khi đã hoàn thiện các yếu tố cơ bản của công cụ, bây giờ chúng tôi hướng đến thiết kế IOC trở thành cốt lõi để phát triển các hệ sinh thái số cho các địa phương”.

VTS Anh 4.JPG

Tập thể VTS nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Tổng Công ty

Thành tựu 5 năm chuyển đổi số của VTS:

  • Hỗ trợ thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số: 20 cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng.
  • Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC): 35 tỉnh thành; Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC): hơn 30 tỉnh thành.
  • Kiến tạo nền tảng cho các Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch, cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai, Cơ chế một cửa Quốc gia phục vụ 13 bộ ngành; Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc; Hệ thống CSDL Quốc gia về đất đai; Trung tâm giám sát và điều hành Toà án nhân dân tối cao; Phát triển Đô thị thông minh gắn liền với Chính quyền số…
  • Cung cấp giải pháp chuyển đổi số: Top 500 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam; ký kết 37 hợp đồng cung cấp dịch vụ số cho 19 Tập đoàn, Tổng Công ty.
  • Chuyển đổi số ngành Y tế: Hệ sinh thái y tế số kết nối gần 1.500 cơ sở y tế, 14.000 cơ sở tiêm chủng, 38.000 cơ sở cung ứng thuốc, 250 bệnh viện, 30 triệu hồ sơ sức khỏe, 3.500 xã.
  • Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Giải pháp SMAS, Viettel Study, K12Online phục vụ 4 triệu học sinh.

Như chúng ta đều thấy, Viettel hiện đã chuyển từ “tư duy bắt kịp” sang “tư duy đi cùng nhịp” với thế giới trong các xu hướng công nghệ mới nhất. Vậy VCS đã có sự chuyển mình ra sao thưa đồng chí?

Về bản chất, an ninh mạng là lĩnh vực đối kháng. Cuộc chiến không ngừng của Tấn công và Phòng thủ. Bên tấn công thì luôn tìm kỹ thuật tấn công mới. Bên bị tấn công muốn đạt được năng lực phòng thủ mới, cũng phải luôn cập nhật các kỹ thuật tấn công ấy. Khi mình tìm được cách phòng thủ, thì đối phương lại nghĩ ra phương án tấn công khác trội hơn… Cứ như vậy, nâng tầm nhau liên tục. 

Đặc biệt, các hạ tầng trọng yếu mà VCS làm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên là đối tượng tấn công của các nhóm hacker có kĩ năng và được tổ chức cực kỳ bài bản của thế giới. Chúng ta buộc phải đủ hiểu biết như họ, đủ xuất sắc như họ, và buộc phải đi trước họ để có thể phòng thủ hiệu quả trước khi bị tấn công. 

Ở cuộc chơi an ninh mạng, muốn bảo vệ được hạ tầng trọng yếu thì chúng ta phải có khả năng phòng thủ với những người tấn công tốt nhất thế giới. Vì vậy, mục tiêu có đủ trình độ để đối phó với các hacker giỏi nhất thế giới là bài toán cần giải quyết và nhất định chúng ta phải làm được.

Dẫu vậy là Tấn công hay Phòng thủ, hay cùng nhóm Phòng thủ cũng sẽ có những cách đi khác nhau, cách của VCS là gì so với các công ty cùng ngành tại Việt Nam?

HAP07233.jpeg

Cuộc chiến trên không gian mạng là cuộc chiến giữa người và người, không phải cuộc chiến giữa máy móc và giải pháp với nhau

Đầu tiên và quan trọng nhất, VCS tập trung vào con người, đây là yếu tố trọng yếu trong lĩnh vực bảo mật. Chỉ có nhân sự đủ tốt mới có thể có những chiến lược tấn công hay phòng thủ tốt, có sản phẩm tốt. Tất cả đều bắt nguồn từ con người.

Thứ hai, một số công ty làm an toàn thông tin ở Việt Nam dường như đang tập trung vào khía cạnh “bán giải pháp” nhiều hơn đầu tư nghiên cứu để tạo ra nội lực về an toàn thông tin. So với đa phần công ty an ninh mạng hoạt động trên thị trường Việt, chúng tôi xác định chỉ có tự chủ sản phẩm thì mới phản ứng nhanh được khi có sự cố xảy ra. Anh em VCS thường hay nói với nhau, có thể mọi người “bán” an toàn thông tin, còn VCS cố gắng “làm” an toàn thông tin. Tức là tạo ra sự hiểu biết, tri thức bền vững, cung cấp giá trị trực tiếp tới khách hàng. VCS bảo vệ bằng giải pháp của mình, không phải bán giá trị trung gian. 

Thứ ba, chúng tôi có quan điểm bảo mật là sự tổng hòa của hai mặt. Muốn phòng thủ giỏi phải hiểu sâu về tấn công và ngược lại. Chính vì vậy mình cần tập trung phát triển cả hai mặt này hiệu quả trong tổ chức và trong tư duy của từng cá nhân.

Viettel may mắn là một nhà ISP (nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet) nên khi phát triển an toàn thông tin, chúng ta có một môi trường lớn để thử lửa.

Dù không thể nhìn thấy một cách hữu hình trận chiến trên không gian mạng, nhưng chúng xảy ra hàng ngày tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Các sản phẩm giải pháp của VCS sau khi nghiên cứu và phát triển (R&D) được đưa vào vận hành trong hệ thống hạ tầng thực, liên tục cập nhật tri thức để dần hoàn thiện hơn. Đội ngũ an ninh mạng VCS quản trị một hệ thống hạ tầng về công nghệ thông tin và viễn thông lớn nhất và phức tạp nhất Việt Nam (trên 50% lưu lượng Internet Việt Nam đi qua hạ tầng này), đối diện hàng ngày với các cuộc tấn công trong đời sống thực.

Có một thực tế, những năm qua ở Việt Nam các tập đoàn, ngân hàng lớn vẫn lựa chọn hãng bảo mật nước ngoài để bảo vệ. Như vậy, các doanh nghiệp làm bảo mật trong nước dường như chưa tạo được niềm tin?

An toàn thông tin là lĩnh vực rất khó đo lường. Giải pháp công nghệ thông tin có thể định lượng cung cấp chức năng này, chức năng kia. Nhưng an toàn thông tin là cách phản ứng được trước những vấn đề không lường trước được trong tương lai. Thế nên việc đo lường an toàn thông tin là rất khó. Một doanh nghiệp lựa chọn mua giải pháp vì một niềm tin. Đôi khi, quyết định lựa chọn dựa trên danh tiếng, không phải dựa trên khả năng của giải pháp. 

Nếu so sánh doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài theo quy mô toàn cầu, đương nhiên doanh nghiệp Việt Nam non trẻ hơn. Nhưng chúng ta lại có những lợi thế rất quan trọng.

Thứ nhất, doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam hiểu rất rõ đâu là nguy cơ thực sự nhắm vào các tổ chức ở Việt Nam. Và tri thức đó được đưa vào sản phẩm nhanh chóng để phản ứng hiệu quả với tấn công, đặc biệt là các cuộc tấn công chủ đích.

Thứ 2, cuộc chiến trên không gian mạng là cuộc chiến giữa người và người, không phải cuộc chiến giữa máy móc và giải pháp với nhau. Tấn công mạng đến rất nhanh và khi nó xảy ra, nguồn lực tại chỗ chính là nguồn lực hiệu quả nhất để phản ứng, ngăn chặn tấn công, thay vì phải chờ đội ngũ từ nước ngoài đến. Nước xa không cứu được lửa gần. Chúng tôi là “nước tại chỗ dập lửa tại chỗ”. Thực tế, rất nhiều cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính lớn của nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn VCS vì lợi thế này.

Từ lợi thế của mình, VCS đã và sẽ tập trung vào lĩnh vực nào và hướng đến những đối tượng khách hàng nào, thưa đồng chí? 

Chúng tôi không làm lại những gì thế giới đã làm tốt, ví dụ những sản phẩm bảo vệ thế hệ đầu như firewall, antivirus. 

Về đối tượng khách hàng, an toàn thông tin có đặc thù là lĩnh vực có chi phí dịch vụ cao. Cũng giống như người có nhiều tài sản cần giữ thì mới cần thuê đến dịch vụ vệ sĩ/bảo vệ. Vậy nên trước tiên, VCS tiếp cận các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp tổ chức lớn, nơi hiểu rõ sự cần thiết của an toàn thông tin, nơi mà khi sự an nguy có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và người dân. 

Rồi sau đó, cũng như truyền thống của Viettel thôi. Bên cạnh mục tiêu mở rộng thị phần, VCS còn muốn phát huy tinh thần phổ cập dịch vụ an toàn thông tin trong đời sống xã hội, giống như cách Viettel từng phổ cập dịch vụ viễn thông. Nhóm sẽ phát sinh nhu cầu trong giai đoạn tiếp theo sẽ là các doanh nghiệp cận lớn và trung bình. Về trung hạn, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ IoT, 5G.

Và tiếp theo, sẽ là giai đoạn phổ cập đáp ứng nhu cầu an ninh an toàn số của mọi tổ chức và mỗi con người.

Nằm trong đội hình của Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, các lĩnh vực khác của Tập đoàn đều có định hướng “go global”, VCS thì sao, thưa anh ?

Lĩnh vực an ninh mạng có những điểm đặc thù khác với viễn thông. Có những thị trường rất phù hợp với việc cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng phải 3-5 năm nữa mới phù hợp với việc cung cấp dịch vụ an ninh mạng. 

Go-global là chặng đường tiếp theo thể hiện mức độ trưởng thành mới của VCS, đây là mục tiêu thách thức mà chúng tôi hướng tới trong 3-5 năm tới. Trong bài toán Go-global thì quan trọng nhất là tìm đối tác, cộng sự. Muốn làm tốt thì mình phải hiểu văn hóa, con người, cách khách hàng ở thị trường quốc tế định vị giá trị, xây dựng niềm tin… Và phải tìm được những đối tác thực sự phù hợp.

Chúng tôi cũng đã có những tín hiệu đầu tiên từ thị trường Nhật Bản, một số nước Châu Phi nhưng vẫn cần thêm thời gian để tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Năm 2024 sắp tới đánh dấu chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của VCS. Công ty sẽ tiếp tục kiện toàn chất lượng sản phẩm dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, không loại trừ bất kì cơ hội nào khi có cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, đặt ra các mục tiêu cao hơn trên bản đồ thế giới.

Xin cảm ơn đồng chí!

ADS_3707.jpeg

Đội ngũ chuyên gia của VCS đã xuất sắc giành ngôi vô địch cuộc thi Pwn2Own Toronto 2023

Liên tiếp có được những thành công, năm 2023 thực sự là một năm bùng nổ của lĩnh vực nghiên cứu sản xuất (NCSX). Cùng Viettel Family trò chuyện với Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Chiến để nhìn lại những dấu ấn đáng nhớ và định hướng tương lai của một trong 4 trụ cột chiến lược mà Tập đoàn đang nỗ lực đưa Viettel trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu.

Viettel Family rất vui khi được gặp lại PTGĐ sau một gặt hái nhiều thành công của khối NCSX - một trong những lĩnh vực do anh phụ trách, anh nghĩ sao về những dấu mốc quan trọng đã đạt được?

Thành tựu quan trọng nhất là Viettel đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ lãnh đạo Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, được trao những nhiệm vụ quan trọng và được thông qua nhiều cơ chế chính sách đặc thù.

Trong năm 2023, chúng ta đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Trong đó, phải kể đến dự án A1 từ năm 2014 được Bộ Chính trị giao cho Viettel đã thành công, mang đến sự tin tưởng cao hơn của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với Tập đoàn. Đây là một nhiệm vụ rất cao cả nhưng rất thách thức của Quốc gia, có kết quả rõ ràng, cho thấy tư duy, năng lực, sự trưởng thành về mọi mặt của đội ngũ Viettel. Thành tựu thứ 2 là chúng ta đã nghiệm thu thành công một loại vũ khí công nghệ cao mới khác là UAV chiến đấu, được cấp trên giao cho Viettel nghiên cứu từ tháng 4/2021. Đến tháng 9/2023 là chúng ta đã có sản phẩm cụ thể vượt qua những tiêu chuẩn quân sự rất cao.

Đặc biệt trang bị trong loại thiết bị này có công nghệ do Viettel tự nghiên cứu và phát triển với chi phí thấp. Thành công của sản phẩm này về cả công nghệ lẫn tối ưu kinh tế, giúp quân đội đáp ứng phương án tác chiến mới. Thành tựu thứ 3 chính là khả năng điều chỉnh nhanh khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các sản phẩm quân sự quan trọng khác mà chúng ta được giao, với thời gian ngắn chúng ta đã hoàn thành bổ sung nghiên cứu nghiệm thu sản phẩm chiến lược để 2024 trang bị cho quân đội. Thứ 4, chúng ta đã nghiên cứu và bắt đầu cung cấp thêm hàng loạt sản phẩm công nghệ cao cho lĩnh vực viễn thông và chuyển đổi số cho đất nước, đó là: hạ tầng mạng 5G, chip cho trạm vô tuyến 5G, trợ lý ảo AI cho lĩnh vực tư pháp, công chức của Việt Nam.

Đặc biệt, thành tựu quan trọng nhất mà anh đánh giá đó là Viettel đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ lãnh đạo Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, được trao những nhiệm vụ quan trọng và được thông qua nhiều cơ chế chính sách đặc thù.

_AT86653.jpeg

Phó TGĐ Nguyễn Đình Chiến đại diện Viettel tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến tham quan gian hàng Viettel tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Vậy đâu là “bí thuật” mà anh nghĩ Tập đoàn mình đã tạo ra để vận hành lĩnh vực NCSX có được thành công như 2023?

Để chế tạo ra những sản phẩm quân sự như thế này này trên thế giới không có nhiều nước, điều này cũng khẳng định là người Việt Nam mình rất là thông minh. Anh em mình đã làm rất nhiều thứ để tạo ra một cái bộ máy của khối NCSX cũng như của Tập đoàn.

Ở Việt Nam, không có các chương trình đào tạo cơ bản về lĩnh vực này. Chúng ta có những kĩ sư giỏi ở trong nước, nhưng để áp dụng được vào nghiên cứu công nghệ cao thì còn nhiều kiến thức chúng ta chưa nắm được. Các nước đã phát triển thì không dạy cho mình, vì đó là bí mật quốc gia. Do đó, mình phải tự tìm tòi, học hỏi và biết cách tổ chức, biết cách làm, biết cách giao nhiệm vụ rồi biết cách đề xuất cơ chế để quản trị nhiệm vụ sao cho hiệu quả, không lãng phí mà còn đúng quy định của pháp luật. Mình làm nhanh, làm tốt nhưng cơ chế quản lý của mình phải rất chặt để không phát sinh những vấn đề bất cập.

Để có kết quả tốt thì ngoài người có kiến thức tốt, khả năng học hỏi nhanh thì phải có bộ máy lành mạnh, đoàn kết. Điều này xuất phát từ gốc quản trị từ trước đến nay của Viettel.

Anh có nhắc tới những thành công trong việc nghiên cứu sản xuất các thiết bị quân sự, còn trong lĩnh vực dân sự, 2023 có phải là một năm có những dấu ấn của khối NCSX?

2023 cũng là một năm ấn tượng với lĩnh vực dân sự, chúng ta đã thành công trong việc nghiên cứu sản xuất ra một hạ tầng mạng viễn thông đầy đủ tất cả các thành phần mạng 5G. Viettel đã sản xuất thành công thiết bị vô tuyến 5G loại 8T8R, 32T32R, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới và Việt Nam. Năm 2024 sẽ chính thức cung cấp cho mạng 5G của Tập đoàn. Các thiết bị này cũng đã xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Screenshot 2024-02-09 010311.png

Phó TGĐ Nguyễn Đình Chiến làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Dell Technology khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản Peter Marrs

Với việc nghiệm thu thành công thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất, có thể nói chúng ta hoàn thành ước mơ tự sản xuất linh kiện viễn thông Việt Nam. Trong đó, không thể không nói đến các chip 5G do Viettel thiết kế và làm chủ 90% các công nghệ lõi. 

Sau 3 năm, chúng ta hoàn thành thiết kế 2 con chip quan trọng với khả năng tính toán khoảng 1.000 tỷ phép tính mỗi giây và được các đối tác quốc tế đánh giá là kết quả khó tưởng tượng trong khu vực Đông Nam Á. Bản thân 2 con chip này đã có thể coi là thành tựu, vì chúng ta đã thiết kế toàn trình và làm chủ công nghệ, ngoại trừ phần cơ khí đúc. Các hãng mà hợp tác với mình, như Synopsys, nhà cung cấp công cụ và dịch vụ cho ngành thiết kế và sản xuất chất bán dẫn với giá trị vốn hoá thị trường khoảng 80 tỷ USD, đánh giá đây là kết quả “khủng”, có thể coi là nhất ở Đông Nam Á. Tập đoàn đang định hướng, sắp tới khối NCSX phát triển thêm một đơn vị độc lập thiết kế chip. Đây là cơ hội để chúng ta tiên phong đi sâu vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Chip trở thành 1 từ khoá “hot” ở Việt Nam trong năm qua, Chính phủ, các bộ/ ngành, doanh nghiệp công nghệ đều quan tâm đến chủ đề này với kỳ vọng về ngành công nghiệp bán dẫn. Về ngành công nghiệp này, theo anh, tương lai của Viettel sẽ ở đâu?

Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip có rất nhiều khâu. Đa số các công ty làm về chip ở Việt Nam đang đi gia công theo thiết kế có sẵn do công ty khác tạo ra. Viettel thiết kế chip từ đầu, bao gồm cả thiết kế kiến trúc, thiết kế sơ đồ nguyên lý cơ bản, tự mình phát triển các công nghệ lõi đáp ứng yêu cầu xử lý của các lĩnh vực như: viễn thông, công nghệ thông tin, AI…, chạy thử trên phần mềm mô phỏng, tối ưu thiết kế. Làm việc này khó và cũng là nền tảng để chiến lược chip của Viettel thành công. Viettel muốn tiên phong thì cần phải hiểu sâu về hệ thống, không chỉ dừng lại ở thiết kế chip. Mình làm chip 5G vì sự nghiệp của mình là viễn thông, công nghệ thông tin. Lợi thế của Viettel khi nghiên cứu chip 5G là có thể thử nghiệm ngay trên mạng lưới của mình.

Trong tương lai, Viettel cũng sẽ nghiên cứu, tham gia xây dựng cả nhà máy để đúc chip, sau đó sẽ có những hệ thống dịch vụ xung quanh. Viettel đặt ra mục tiêu đến 2030 trở thành công ty thiết kế chip có trình độ cao của Châu Á.

Đây là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có nền tảng để làm. Thách thức đấy, nhưng rất hay vì đây là tương lai, cũng là cơ hội của Viettel cũng như của Việt Nam. Khó mới có cơ hội. Tìm được lời giải cho việc khó và làm chủ được thì mới phát triển được. Trong tương lai, Viettel cũng sẽ nghiên cứu, tham gia xây dựng cả nhà máy để đúc chip nữa, sau đó sẽ có những hệ thống dịch vụ xung quanh. Viettel đặt ra mục tiêu đến 2030 trở thành công ty thiết kế chip có trình độ cao của Châu Á.

Thách thức đấy, nhưng mà phải làm thôi vì đây là tương lai của Viettel cũng như của Việt Nam, cơ hội cho Việt Nam. Khó thì phải tìm cách này cách nọ, phải tìm ra điểm cốt yếu để mình đẩy mạnh lên. Khó mới có cơ hội. Tìm được lời giải cho việc khó và làm chủ được thì có cơ hội hơn người khác.

Trong tương lai, mình cũng sẽ nghiên cứu cả nhà máy để đúc chip nữa, sau đó sẽ có những hệ thống dịch vụ xung quanh. Viettel đặt ra mục tiêu đến 2030 đứng top 10 công ty thiết kế chip có trình độ cao nhất của Châu Á.

Những thành quả của năm 2023 tạo tiền đề cho những sản phẩm của khối NCSX như thế nào, thưa anh?

Chúng ta sẽ hoàn thành nhiều công trình mới để kỷ niệm 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẽ sản xuất loạt sản phẩm chiến lược đã được nghiệm thu trong năm 2023 để cung cấp cho quân đội, bảo vệ tổ quốc. Tiếp theo sẽ tiếp tục nghiệm thu các trang bị kỹ thuật, vũ khí mới có tầm xa hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới của quân đội. Ngoài ra chúng ta sẽ mở các không gian mới, lĩnh vực mới, dự án mới như hàng không, UAV tầm xa, chống UAV, vệ tinh, sản xuất chip, năng lượng xanh… để tạo ra không gian phát triển tiếp theo cho Tập đoàn.

Những sản phẩm mà khối NCSX đang nghiên cứu đến trong lĩnh vực quân sự và dân sự đều là những công nghệ tiên phong ở Việt Nam, điều gì khiến anh nghĩ rằng các hướng đi này là khả thi?

Chúng ta xác định tìm ra các công nghệ lõi để học hỏi và làm chủ. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục học tập, hợp tác với các công ty trong nước và thế giới để đẩy nhanh quá trình phát triển nghiên cứu sản xuất

Nếu đưa những nhiệm vụ này cho một đơn vị mới thì đúng là không thể. Thế nhưng chúng ta đã có quá trình tích lũy một cách có hệ thống, khoa học và nền tảng nghiên cứu sản xuất vững chắc hơn. Chúng ta đã làm thành công hàng trăm sản phẩm công nghệ cao quân sự, dân sự. Với mỗi sản phẩm dù là quân sự hay dân sự, ở Viettel sẽ tìm ra không chỉ một giải pháp mà luôn có các phương án dự phòng.

Thậm chí, với một sản phẩm có thể có ít nhất 3 phương án, theo đó là 3 nguồn nguyên vật liệu đầu vào, 3 thiết kế hay kể cả 3 công nghệ khác nhau. Chúng ta xác định tìm ra các công nghệ lõi để học hỏi và làm chủ. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục học tập, hợp tác với các công ty trong nước và thế giới để đẩy nhanh quá trình phát triển nghiên cứu sản xuất.

Đặc biệt quan trọng là sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng trong sự phát triển của Viettel nói chung và lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ cao nói riêng. Vậy thì không thể nói là không khả thi. Sự táo bạo của Viettel là có cơ sở. Tất nhiên, anh em cần phải phấn đấu quyết tâm, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trên cơ sở một tầm nhìn và hướng đi rất rõ ràng.

2024, Viettel tròn 35 tuổi, món quà khối NCSX dành tặng Tập đoàn sẽ là gì, thưa anh?

Là hoàn thành các sản phẩm chiến lược, phụng sự khát vọng của dân tộc, hoàn thành được nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao. Trong đó, làm chủ 100% về thiết kế, về công nghệ lõi và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với chi phí thấp nhất. Tiếp đến là mô hình kinh doanh và đổi mới nghiên cứu sản xuất công nghệ cao chuyên nghiệp, là trụ cột kinh tế, tạo ra giá trị tương xứng với vị thế Tập đoàn.

Từ năm 2024, đội ngũ kĩ sư phải phấn đấu làm chủ sâu hơn nữa về công nghệ, nghiên cứu các vấn đề ở trình độ thế giới, chứ không chỉ là châu Á nữa. Vì những gì mình đang theo đuổi phải áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn cao nhất mới đảm bảo phục vụ được cho Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ!

DSC_7643-6.jpeg

Anh em mình đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra một môi trường tốt, động viên cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học tốt, gây dựng nên một bộ máy của khối NCSX cũng như của Tập đoàn

Screenshot 2024-02-09 011711.png

Đội ngũ kỹ sư của VHT đã nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm trạm 5G với cấu hình đa dạng từ Smallcell 4T4R, Microcell 8T8R, Macrocell 8T8R và Macrocell 32T32R, 64T64R

Từ phòng lab đi ra thực địa…

  • “Con gái đã ăn cơm chưa? Giờ mẹ con mình tranh thủ học toán nhé!"

● “Con tự làm gần hết rồi! Chỉ còn 1 bài hơi khó để dành hỏi mẹ thôi ạ! Thứ 7 mẹ về chưa?”

● “Mẹ chưa, bao giờ xong việc mẹ về! Giờ con đọc đề bài mẹ nghe đi…!”

8 giờ tối, một ngày giữa tháng 9/2023, tại Ninh Thuận, chị Nguyễn Thị Tuyền, Trưởng Phòng Kiểm thử, TT Vô tuyến băng rộng, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) tranh thủ gọi về nhà hỏi han và hướng dẫn con gái học bài sau ngày dài làm việc. Chị Tuyền là một trong những kỹ sư VHT tham gia nhiệm vụ tối ưu thiết bị tại cả 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Thuận và Đà Nẵng.

Đã gần một năm, chị Tuyền cùng các đồng nghiệp quen với việc lo toan việc nhà từ xa để dành phần lớn tâm sức vào việc nâng cao chất lượng thiết bị 5G đang được Viettel thử nghiệm. Đó là một việc dường như chưa định ngày kết thúc. Vì với họ, để có kết quả tốt nhất là tối ưu không ngừng.

Sản phẩm có hoàn hảo đến mức nào trong phòng lab, khi ra thực tế đều cần tiếp tục hoàn thiện. Với nền tảng hạ tầng 5G, có chỉ tiêu kỹ thuật phức tạp, lại càng cần phải “thả” vào thực tế để có thể nhìn thấy những sai số nhỏ nhất. Sinh ra và trưởng thành trong lòng một nhà cung cấp viễn thông lớn có lẽ là lợi thế độc đáo nhất của của VHT khi so với các nhà nghiên cứu phát triển thiết bị hạ tầng viễn thông trên thế giới.

Để tìm ra lỗi, các kỹ sư tối ưu buộc phải làm việc trong mọi thời điểm và điều kiện thời tiết. Tại Hà Nội, vị trí các trạm thử nghiệm gần nhau, việc di chuyển đo đạc và các điều kiện đảm bảo khá dễ dàng. Còn tại Hà Nam, Ninh Thuận, các trạm cách nhau xa hàng chục km. Quá trình tối ưu mạng 5G tại Hà Nam diễn ra xuyên suốt mùa hè oi nóng của đồng bằng Bắc Bộ. Còn tại Ninh Thuận là vùng đất vốn gần như quanh năm “gió như phang, nắng như rang”, các kỹ sư trẻ của TT Vô tuyến băng rộng liên tục phải làm việc dưới cái nắng nóng giữa trưa lên đến 40 độ C trên các cung đường để đo kiểm các khung giờ cao tải. Có những ngày, các kỹ sư VHT bắt đầu ngày làm việc từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ đêm.

5G_112233.jpeg

Kỹ sư VHT hoàn thành lắp đặt hệ thống mạng 5G Private đầu tiên trên thiết bị của VHT và đào tạo cho đối tác Quadgen tại Ấn Độ

Việc triển khai mạng 5G theo chế độ Non-Standalone (mạng 5G không độc lập, hoạt động cùng với mạng 4G) với tải thực, người dùng thực trong phạm vi càng rộng, số lỗi phát hiện càng nhiều… Như tại Ninh Thuận, cuộc gọi thoại 5G chất lượng cao bị lỗi với tỷ lệ khách hàng báo về lên tới 20%. Trong khi đó, tiêu chuẩn đo kiểm VHT đặt ra là tỷ lệ các cuộc gọi thành công đạt 98%, các cuộc gọi lỗi phải dưới 2%.

Tối ưu thiết bị trên mạng lưới là công việc hàng ngày của các đồng nghiệp tại VTNet hay VCC nhằm “bắt lỗi đã biết” của thiết bị theo tiêu chuẩn công bố. Còn các kỹ sư VHT lại phải bám lưới, “bắt lỗi chưa từng biết” của thiết bị thế hệ công nghệ mới đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.

… Từ thực địa quay về phòng lab

Từ các cung đường ấy, thông tin gửi về sẽ được đội ngũ kỹ sư của VHT tại Hòa Lạc nhanh chóng đưa vào đánh giá, tái hiện trong phòng lab và tìm hướng khắc phục. Phạm Kim Anh Dũng, Trưởng phòng Phát triển phần mềm giao thức - TT Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng chia sẻ: "Người đi trên tuyến còn thức thì người nơi phòng lab nhất định chưa ngủ!".

Chính sự khắc nghiệt của thực tế vận hành, và tinh thần “chưa thấy lỗi chưa về”, sau khi thực hiện hàng ngàn bài kiểm đánh giá, kỹ sư VHT phát hiện và khắc phục được một số tồn tại của thiết bị mà trong lab không thể phát hiện ra. Tại Ninh Thuận, chỉ sau 2 tuần tập trung cao độ, kết quả sau tối ưu cuộc gọi thoại 5G giảm từ 20% về còn 1% và đang tiếp tục được nhóm xử lý triệt để. Tại Hà Nam, sau 2 tháng, chất lượng vùng phủ sóng 5G đã có sự cải thiện lớn. Khi mới triển khai, ở vùng sóng yếu với mức thu chỉ từ -110dBm rất khó dùng dịch vụ 5G, thì nay vẫn mức thu đó tốc độ tải xuống đã lên đến 100Mbps.

Sau khi khắc phục các tồn tại và tối ưu tham số của 117 trạm 5G tại TP Phủ Lý và huyện Lý Nhân, tốc độ tải xuống trung bình đạt 311Mbps tốt hơn chỉ tiêu kỹ thuật 15%, tốc độ tải lên trung bình đạt 35.3Mbps tốt hơn chỉ tiêu 17.7%, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đã cho phép phát sóng 5G Non-Standalone tại toàn bộ tỉnh Hà Nam nhằm mở rộng phạm vi để tăng khả năng phát hiện lỗi.

Hiện nay, hệ thống mạng 5G tại Hà Nam và Ninh Thuận đã chạy toàn bộ trên nền tảng do VHT nghiên cứu, sản xuất gồm mạng lõi, 5G, Site Router, gNodeB.

Thừa nhận công việc của mình khá vất vả, nhưng chị Tuyền cũng không giấu nổi sự tự hào: “Chúng tôi tự hào khi là đơn vị duy nhất tham gia nghiên cứu, phát triển mạng 5G hoàn chỉnh tại Việt Nam. Những ngày tại thực địa, chúng tôi trưởng thành hơn khi vừa tối ưu, vừa tiếp thu kiến thức, tiếp xúc thêm trường hợp thực tế từ khách hàng”.

DSC_6122.JPG

Viettel công bố đã triển khai thành công trên mạng lưới khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G sử dụng chipset ASIC của Qualcomm theo tiêu chuẩn Open RAN … tại Hội nghị Di động Thế giới MWC 2023

5G Viettel đã sẵn sàng cho một cuộc bùng nổ mới

Cuối năm 2018, Viettel tuyên bố sẽ tham gia thử nghiệm công nghệ 5G và nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G.

Tháng 4/2019, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép.

Đầu năm 2020, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính mình nghiên cứu, sản xuất. Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ mạng tiên tiến nhất thế giới.

Đầu năm 2023, Viettel công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32T32R) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm. Tháng 11 vừa qua, Viettel triển khai thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G trên mạng lưới. Như vậy, Viettel đã thực sự làm chủ được một hạ tầng viễn thông 5G được bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.

Theo thông tin từ Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel, thiết bị gNodeB 8T8R do Viettel phát triển đảm bảo chất lượng phần cứng và đáp ứng quy chuẩn của Bộ T&TT, đồng thời hiệu suất phần cứng ngang bằng các nhà cung cấp thiết bị mạng lớn trên thế giới như Nokia, Ericsson.

Từ một nước đi sau trong các thế hệ công nghệ viễn thông trước đó, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G. Và Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị, đặc biệt là thiết bị mạng 5G.

HI_03486.jpeg

Thiết bị mạng viễn thông 5G và chip 5G của Viettel được công nhận là “Sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm” trong lễ trao Giải thưởng Make in Vietnam 2023

Việt Nam đã có thể bước vào kỷ nguyên 5G bằng toàn bộ hệ thống hạ tầng thiết bị mang quốc tịch của mình.

5G Make in Vietnam, Made by Viettel đã sẵn sàng cho một cuộc bùng nổ viễn thông mới./.

2023 là năm đánh dấu sự chuyển dịch trọng tâm của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Với tư cách đại diện duy nhất của Việt Nam tại các triển lãm quân sự hàng đầu thế giới, VHT bắt đầu con đường trở thành nhà kinh doanh công nghiệp quốc phòng trên thị trường quốc tế.

Hơn 2 vạn khách tham quan quốc tế: Từ hoài nghi đến ngỡ ngàng

Sáng 5-9-2023, ngày khai mạc Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (MSPO) 2023 tại Ba Lan, tại cổng chính, màn hình LED 600 inch liên tục hiển thị các hình ảnh về các thiết bị quân sự của doanh nghiệp đến từ Việt Nam. Hơn 26.000 khách tham quan đã được thu hút bởi màn hình này.

Tại khu triển lãm, gian hàng Viettel nổi bật với màu đỏ quốc kỳ Việt Nam và logo Viettel.

Lần đầu tiên VHT đại diện Tập đoàn Viettel nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung đóng góp vào MSPO. Là một trong ba triển lãm quân sự thường niên lớn nhất châu Âu, MSPO có diện tích lên đến hơn 34.000 m2, thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn, công ty quốc tế khác nhau đến từ nhiều châu lục.

Nằm tại trục vị trí trung tâm của Triển lãm MSPO, nơi quy tụ các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, như: Lockheed Martin, Raytheon, Airbus, Hanwha, WB Group…, VHT tự tin trưng bày 60 sản phẩm dưới dạng mô hình và video trình chiếu thuộc 8 chủng loại: Thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, radar, quang điện tử, mô hình mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, 5G Private.

Viettel Day 2 A.jpeg

Đồng chí Nguyễn Mạnh Linh (bên trái) Giám đốc TT Thông tin và Tác chiến điện tử tự tin giới thiệu các sản phẩm Made by Viettel cho bạn bè quốc tế

Sự xuất hiện này khẳng định VHT tự tin cạnh tranh sòng phẳng với chất lượng sản phẩm, năng lực làm chủ công nghệ của thương hiệu Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ công nghiệp quốc phòng quốc tế.

Tôi rất hy vọng, thông qua sự tham dự của Viettel, khách hàng quốc tế, đặc biệt là Châu Âu sẽ có những góc nhìn mới về năng lực của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực quốc phòng" - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng bày tỏ sự tự hào khi lần đầu chứng kiến lá cờ Việt Nam xuất hiện tại đây: “Như tôi quan sát, nhiều bạn hàng tại Ba Lan cũng như quốc tế ngạc nhiên về sự xuất hiện của gian hàng Việt Nam, và cũng rất bất ngờ với sự phát triển nhanh chóng của Viettel trong lĩnh vực này thời gian qua. Viettel thực sự rất nhanh trong việc nắm bắt công nghệ mới để chuyển hoá thành sản phẩm có tính cạnh tranh. Tôi tin rằng qua triển lãm lần này, Viettel sẽ có hướng đi phù hợp, hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tại thị trường châu Âu!”

Viettel Day 2 b.jpeg

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng (giữa) ghé thăm gian hàng Viettel tại MSPO 2023

Đúng như nhận định của Đại sứ Nguyễn Hùng, dừng chân tại gian hàng Viettel, khách hàng quốc tế thường bộc lộ cảm xúc từ ngạc nhiên đến ấn tượng ngỡ ngàng về những gì tận mắt chứng kiến. Những câu hỏi như: “Toàn bộ các sản phẩm này do Việt Nam làm chủ hoàn toàn ư?” “Không phải nhập khẩu từ một nơi nào khác đến chứ?”“Có đúng đã đạt được tính năng công nghệ này không?” liên tục xuất hiện.

Giới thiệu với bạn bè quốc tế, đội ngũ kỹ sư VHT cặn kẽ giải thích về tính năng, đặc điểm nổi bật của từng chủng loại thiết bị. Tác phong vừa tự tin vừa tường tận ấy đã xóa tan những hoài nghi của khách hàng. Giám đốc TT Thông tin và Tác chiến điện tử Nguyễn Mạnh Linh bày tỏ: “Những câu hỏi của khách hàng khiến chúng tôi tự hào về sản phẩm của mình. Thế giới đã có chứng thực để tin chúng ta đã thực sự làm chủ được công nghệ”.

Đã từng chú ý đến thiết bị máy thông tin của VHT từ khi tham gia triển lãm quân sự Vietnam Defence 2022, ông Tomasz Wieckowski - Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh của Tập đoàn PGZ (Ba Lan) và ông Robert Tomasik - Giám đốc kinh doanh của Công ty Transbit cùng đặc biệt đánh giá cao khi biết máy thông tin của VHT hoạt động trên nền tảng vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm (SDR), có thể dễ dàng tùy biến, bảo đảm được bí mật, an toàn đáp ứng yêu cầu thông tin trong chiến tranh hiện đại.

“Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng từ VHT”

Tiếp bước thành công của MSPO, chỉ sau 2 tháng, VHT tiếp tục xuất hiện tại triển lãm quân sự Top 15 thế giới, số 1 Đông Nam Á mang tên Triển lãm Quốc phòng và An ninh (Defense & Security) 2023 tại Thái Lan. Một lần nữa, quốc kỳ Việt Nam tung bay cùng 50 lá cờ khác đến từ khắp nơi trên châu lục. Hơn 400 đoàn khách đến tham quan gian hàng Viettel bất ngờ về năng lực nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam.

Với diện tích 96 m2, gấp 3 các khu vực trưng bày tiêu chuẩn, gian hàng Viettel là 1 trong 25 gian hàng quốc gia trên tổng số 565 gian hàng tại triển lãm, gồm: Thái Lan, Đức, Pháp, Trung Quốc, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Cộng hoà Séc…

Từng sử dụng một số thiết bị do VHT nghiên cứu, sản xuất và tham quan các mặt hàng VHT trưng bày tại triển lãm, Thiếu tướng Somphone Mittaphone, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào bày tỏ: “Những sản phẩm quân sự Viettel đem đến triển lãm mang tính hiện đại và có sự tiên tiến về mặt công nghệ”. Đặt trong bối cảnh tác chiến hiện nay, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào hy vọng trong tương lai, Viettel và Bộ Quốc phòng Lào có thể hợp tác cụ thể với lĩnh vực thông tin liên lạc và radar.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Hạm đội phía Tây Malaysia, ông Shamsuddin Bin HJ Ludin, người đã từng tham gia rất nhiều triển lãm quốc phòng lớn trên thế giới chia sẻ: “Tôi nghĩ Viettel và Malaysia hoàn toàn có thể hợp tác và nghĩ đến câu chuyện xuất khẩu sản phẩm công nghệ quốc phòng”.

Qua hai triển lãm lớn trên thế giới, VHT đã ký kết hợp tác với 6 đối tác quốc tế. Trong đó nổi bật là WB Group, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu Ba Lan và Công ty PT. Bandara Praniagatama, doanh nghiệp được Bộ Quốc Phòng, Quân đội Indonesia chỉ định làm đối tác phụ trách tìm kiếm cơ hội hợp tác, huấn luyện đào tạo lực lượng Không quân Indonesia.

IMG_-5228.jpeg

Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà và Tổng Giám đốc PT. Bandara Praniagatama (Malaysia) Rengga Dina Permana đại diện hai doanh nghiệp kí kết thoả thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm mô phỏng lái máy bay

Bà Rengga Dina Permana, Tổng Giám đốc PT. Bandara Praniagatama nhận định “Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng và rất kỳ vọng vào những phát kiến mới của VHT trong tương lai. VHT hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty lớn nhờ chính năng lực nghiên cứu sản xuất vượt trội của mình”.

Phản ánh đúng chiến lược công nghiệp quốc phòng Việt Nam”

Nhấn mạnh về sự hiện diện tại các sự kiện quốc tế, Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà khẳng định “Nhiệm vụ của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Viettel là bảo đảm quốc phòng an ninh trong nước bằng tự chủ về vũ khí thiết bị, góp phần đưa quân đội tiến lên hiện đại. Sản phẩm Viettel bước ra thế giới cũng là một chiến lược nâng cao năng lực công nghệ và phát triển ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng trong nước.”

TGĐ Nguyễn Vũ Hà.jpeg

Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định khi đến tham dự Defense & Security “Các lĩnh vực sản phẩm Viettel được trưng bày đã khẳng định Quân đội ta đang từng bước thực sự tự lực tự cường trong bảo đảm vũ khí trang thiết bị phục vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - trước mắt là xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đồng thời, cho thấy Việt Nam thực hiện đối ngoại quốc phòng có chiều sâu, hội nhập quốc tế, làm bạn với các nước vì hòa bình, phản ánh đúng tinh thần chiến lược quốc phòng Việt Nam là thực hiện bảo vệ tổ quốc vì hòa bình”.

phung si tan.jpeg

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, các giải pháp công nghệ của Viettel tạo được ấn tượng đặc biệt tại Triển lãm Di động thế giới (MWC) 2023. Cách tiếp cận mới mẻ giúp phổ cập công nghệ, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho số đông hấp dẫn sự quan tâm của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Nhận nhiệm vụ trình diễn công nghệ Bản sao số (Viettel Social Digital Twin – VSDT), Trần Huy Hoàng – kỹ sư phần mềm, Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) – không giấu nổi phấn khích trong lần đầu “xuất ngoại” của bản thân và sản phẩm của Trung tâm. Ngoài thời gian giới thiệu sản phẩm tại gian hàng, chàng kỹ sư 23 tuổi tranh thủ thời gian khám phá toàn bộ các gian hàng công nghệ tại MWC 2023 – sự kiện B2B lớn nhất năm của làng công nghệ thế giới. Mối quan tâm đặc biệt của Hoàng được dành cho công nghệ tái tạo bản sao số - đam mê anh theo đuổi từ thời sinh viên, đồng thời là lĩnh vực gắn bó tại VTCC.

“Độc lạ Viettel”

“Có khá nhiều công ty trình diễn giải pháp ứng dụng bản sao số tại MWC 2023, nhưng không có giải pháp nào tiếp cận như Viettel cả”, Hoàng chia sẻ sau khi khám phá các sản phẩm của đối tác.

_Trần Huy Hoàng giới thiệu tới bạn bè quốc tế Giải pháp Bản sao số do Viettel nghiên cứu và phát triển.JPG

Kỹ sư Trần Huy Hoàng, Viettel AI (bên phải) giới thiệu tới bạn bè quốc tế Giải pháp Bản sao số do Viettel nghiên cứu và phát triển

Công nghệ bản sao số được các công ty ứng dụng phổ biến trong cơ khí, y khoa. Các mô hình máy móc, dây chuyền sản xuất… được mô phỏng đến từng chi tiết và tái tạo lại trong máy tính. Thậm chí các bộ phận cơ thể được tái tạo đến từng mạch máu, để rồi mô phỏng lại cách thức vận hành. Kết hợp với các công nghệ nghe nhìn tương tác (AR/VR), người dùng có thể trải nghiệm cách thức vận hành của đối tượng được tái tạo, phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, nghiên cứu, thiết kế…

Tuy nhiên, tái tạo bản sao số của cả một khu đô thị, hay thành phố như Viettel thì chưa có công ty nào trình diễn giải pháp tương tự. Với cách tiếp cận ở quy mô lớn, VSDT cần tích hợp đa dạng công nghệ IoT, AI, GIS, Simulation… để kết nối nhiều luồng dữ liệu theo thời gian thực, cả tình hình giao thông, thời tiết. Tất cả hướng đến hỗ trợ chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch không gian lớn, và toàn bộ cư dân, doanh nghiệp trong đó đều được hưởng lợi. Mức độ tác động sẽ lớn hơn nhiều so với các giải pháp quy mô hẹp được các công ty khác trình diễn.

“Tất cả cư dân trong vùng quy hoạch sẽ được hưởng lợi, đó là điều tốt đẹp hơn mà VSDT hướng tới”, Hoàng chia sẻ. Chàng kỹ sư phần mềm hoàn toàn tin tưởng sản phẩm sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm trên thế giới.

Không chỉ riêng VSDT, các giải pháp công nghệ Viettel trình diễn tại MWC 2023 đều nổi bật với 3 đặc điểm: Thông minh trong thiết kế, linh hoạt trong triển khai và hướng tới số đông. Khả năng ứng dụng mạnh mẽ giúp các chuyên gia công nghệ đặc biệt ấn tượng.

Ngay tại MWC 2023, TCT Công nghệ cao Viettel (VHT) và Qualcomm đã công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32 phát, 32 thu) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm. VHT là đối tác đầu tiên trên thế giới của Qualcomm chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN. Đây được xem là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông nhờ khả năng giảm giá thành, phá bỏ sự lệ thuộc vào các loại chip độc quyền.

2D.JPG

Chủ tịch HĐQT Cục Quản lý Viễn thông Mozambique Tuaha Ossifo Chabane Mote (giữa) đến thăm gian hàng Viettel tại MWC 2023

Tại buổi lễ công bố, ông Durga Malladi, Phó Chủ tịch cao cấp, Tổng giám đốc 5G của Qualcomm phát biểu: “Chúng tôi luôn luôn hướng tới việc phá vỡ các giới hạn về mặt công nghệ để cung cấp cho đối tác các giải pháp tiên tiến nhất. Từ đó họ có thể đem đến trải nghiệm 5G đỉnh cao cho khách hàng. Mối hợp tác với một công ty hàng đầu như Viettel là minh chứng cho tính ưu việt trong các giải pháp của chúng tôi trong quá trình triển khai những mạng 5G thế hệ mới”.

Chứng kiến thành tựu hợp tác 5G giữa Viettel và Qualcomm, ông Bobby Parkan tới từ Business Technology Investment (BTI) có trụ sở tại Miami, Mỹ không ngần ngại đánh giá cao cơ hội của Viettel đối với các thị trường quốc tế, thậm chí ngay cả ở Mỹ. “5G của Viettel, với những ưu điểm vượt trội về sự linh hoạt và độ phủ, hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khác”, ông Bobby nhận xét.

Gian hàng Viettel thu hút nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế

“Nâng trần” hay “tôn nền”

Những đột phá công nghệ luôn được kích thích bởi 2 hướng. Có những thành tựu đột phá, giúp nâng cao hiệu quả làm việc, cách thức thế giới vận hành cũng như trải nghiệm của người dùng. Tương tự như cách iPhone ra đời làm thay đổi thế giới smartphone, những đột phá đó cải thiện cuộc sống theo cách “nâng trần” lên một tầm cao mới.

Nhưng cũng có những đột phá công nghệ mới đem lại cơ hội số cho tất cả mọi người, như cách Android đến với smartphone từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Đó là cơ hội “tôn nền” – cải thiện cuộc sống cho số đông, với chi phí hợp lý, thậm chí là “bất cứ mức giá nào”.

Dù theo hướng nào, mỗi hướng đi đều có những đóng góp tích cực cho nhân loại. Thật khó so sánh điều gì ý nghĩa hơn, giữa giải pháp thanh toán 1 chạm trên smartphone tích hợp thẻ ngân hàng, và thanh toán số trên điện thoại “cục gạch”. Điều đó chỉ có thể đặt vào bối cảnh cụ thể của một đất nước, một địa phương, vào từng khách hàng cụ thể.

Với 6 sản phẩm “Made by Viettel” được trình diễn, ''Technology with heart - Công nghệ từ trái tim" là thông điệp của Viettel tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023. Niềm tin của Viettel là công nghệ không chỉ giúp kết nối mọi người mà còn là phương tiện cải thiện cuộc sống, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho con người.

MWC 2023 là sự kiện đầu tiên Viettel công bố thông điệp này. Tuy nhiên, triết lý cốt lõi được Viettel xác lập từ khi xác định tầm nhìn, sứ mệnh trong nhiều năm qua. Sự đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu tạo nên cách tiếp cận đặc biệt của Viettel đối với công nghệ, cũng tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Viettel.

Khởi nguồn của Viettel là tầm nhìn muốn trở thành một nhà sáng tạo, một nhà công nghệ với trái tim nhân từ, tiếng Anh gọi là “Caring Innovator” - Sáng tạo vì con người. Điều đó cũng là một cách thể hiện của “Technology with heart”. Mọi sự sáng tạo, sự phát triển đều lấy con người làm trung tâm, quan tâm đến con người, vì sự phát triển của con người.

Chủ tịch Tào Đức Thắng khẳng định: “Viettel luôn có khát vọng chinh phục và làm chủ công nghệ để phụng sự người dân tốt hơn, kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn một cách bền vững”.

Những ngày giữa tháng 12/2023, tại Trung tâm khai thác 5 (TTKT5), Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội xuất hiện 200 robot tự hành AGV. Chứng kiến nhóm “nhân sự” mới tuyển dụng tự động làm nhiệm vụ phân loại hàng tròn và thư liên tục 24 giờ không ngơi nghỉ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) Hoàng Trung Thành đã tự hào tuyên bố: “Đây chính là thế hệ nhân viên mới của Viettel Post”.

Tuyển dụng “nhân sự mới”

Trước thời điểm tháng 06/2023, tất cả TTKT của Viettel Post đang ứng dụng dây chuyền chia chọn bán tự động. Các công nghệ đã áp dụng không xử lý được nhóm hàng hóa đặc thù như hàng tròn, thư, chiếm gần 40% tổng sản lượng đang được Viettel Post xử lý. Trong khi đó, việc chia chọn thủ công trong giờ cao điểm (khoảng 35.000 bưu kiện/giờ) thường xuyên gặp phải tình trạng quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian giao hàng và tính chính xác trong quá trình phân loại.

Làm sao để tự động chia chọn nhóm hàng hoá này? Làm sao để tối ưu thời gian phân loại, từ đó tối ưu thời gian hàng đến tay khách hàng?...

Sau nhiều cải tiến, Viettel Post xác định chỉ có thể trả lời các câu hỏi đó bằng công nghệ!

Đầu năm 2023, Viettel Post tổ chức đoàn ‘du học’ gồm cán bộ quản lý cùng các kỹ sư tiếp xúc với Cainiao (Alibaba), Yuanda Express, Libiao… - các doanh nghiệp logistics đang ứng dụng công nghệ dẫn đầu trên thế giới.

Kết hợp các nghiên cứu trước đó và khảo sát thực địa, đoàn ‘du học’ kết luận robot tự hành (Automation Guided Vehicle – AGV) là phương án duy nhất để giải quyết bài toán chia chọn hàng tròn và thư. Đây là công nghệ được nhiều đơn vị logistics lớn trên thế giới như China Post, Amazon… sử dụng, cho thấy hiệu quả cải thiện về thời gian và độ chính xác lên đến 99,99%.

Đặc biệt, với thời gian làm việc tương đương 3 nhân viên ca/ngày, mức lương của mỗi “nhân sự mới” này chỉ bằng 1/15 chi phí Viettel Post phải trả cho 3 lao động trong 3 năm (tương đương thời gian khấu hao của thiết bị).

200 robot AGV lập tức được tuyển dụng. TTKT5 được lựa chọn thử nghiệm mô hình này khi đáp ứng đủ 3 yếu tố: do Viettel Post thiết kế và xây dựng từ đầu; địa điểm thuận lợi; quy mô không quá lớn để thử nghiệm.

DSC04616.JPG

“Nhân sự” robot AGV bên cạnh mentor của mình

Để hoà nhập với môi trường mới, số “nhân sự” này cần được tích hợp phần mềm với các hệ thống lõi của Viettel Post. Nhiệm vụ này được giao cho đội ngũ mentor (người hướng dẫn) có khả năng làm chủ công nghệ, làm chủ giải pháp để các robot AGV làm việc hiệu quả nhất.

“Nhân sự mới”, hiệu quả mới

Tại Việt Nam, Viettel Post là đơn vị tiên phong, khai phá sử dụng robot AGV. Công nghệ này cần tới nhóm tri thức và kỹ năng mới, những thứ mà trước đó đội ngũ công nghệ của Viettel Post mới chỉ dừng lại ở kiến thức nền tảng.

Nguyễn Kim Thuần, Trưởng phòng Công nghệ Viettel Post phát đi thông bao chiêu mộ những nhân tài đam mê robot. Tháng 6/2023, Lê Minh Khuê, thành viên nhóm sinh viên xuất sắc của Đại học Bách Khoa (giải Nhất cuộc thi chế tạo thiết bị tự động toàn quốc dành cho sinh viên) nhận lời về Viettel Post để sắp xếp, quản lý “nhân sự mới” của Viettel Post. Tháng 9/2023, một nhân sự quen mặt của giới chế tạo robot từ khi còn học… cấp 2, Giang Quốc Hoàn chính thức trở thành người Viettel. Đây cũng là chàng trai “cựu sinh viên Bách Khoa” nhận giải đặc biệt do Liên hiệp Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia trao tặng ngay từ năm 2 đại học. Khi nghe tin về dự án, Hoàn đã quyết định rời một tập đoàn toàn cầu về đầu quân cho Viettel.

Nhóm dự án robot chính thức hình thành với 11 thành viên, là những kỹ sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa. Các thành viên trong nhóm được giao chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng giải pháp tích hợp công nghệ phần mềm và hệ thống điều khiển hệ thống tại TTKT5, Kho Thanh Liệt (Hà Nội) và TTKT4 (TP. Cần Thơ).

Từng bước, nhóm dự án mua trước mẫu thử để nghiên cứu, tìm hiểu cấu tạo… làm quen với ‘đồng nghiệp’ mới. Xuất phát điểm đều là những người yêu robot, hàng ngày làm việc cùng “người bạn” này khiến anh em vô cùng hào hứng và say mê. Không mất nhiều thời gian, đội ngũ công nghệ Viettel Post tự tin hiểu toàn bộ phần cứng, đặc biệt làm chủ 100% về phần mềm robot AGV.

Song song, thông qua hoạt động tích hợp robot với các hệ thống công nghệ hiện có của Viettel Post, nhóm dự án giúp “đồng nghiệp mới” hiểu được cách bố trí, vận hành trong kho, sắp xếp vị trí làm việc, hướng dẫn nhân sự mới kết nối với các “đồng nghiệp” khác.

Sau khi cài đặt, trong một không gian 1.500 m2 có thể sắp xếp cho 200 nhân sự robot cùng làm việc. “Nhân sự” chỉ mất 10 phút tiếp năng lượng để làm việc được 3 tiếng, di chuyển 3m/s. (Đội dự án đùa rằng, những “đồng nghiệp” này không nghỉ Tết, không đi làm muộn vì tắc đường và không bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì…).

Sản lượng xử lý của mỗi robot lên tới 6.000 bưu phẩm/giờ, cao gấp 6 lần so với việc xử lý thủ công. Robot cũng có năng lực ghi nhớ toàn bộ 800 điểm phân loại hàng hóa tại TTKT5, gấp 80 lần so với năng lực của lao động con người.

Ngày 12/12/2023 trở thành một mốc lịch sử về công nghệ, tạo nên bước ngoặt cho Viettel Post khi đưa vào vận hành 200 robot AGV tại TTKT5, chỉ sau 10 ngày tiếp nhận đội ngũ “nhân sự” này. Điều này khiến người Viettel Post đầy tự hào khi trên thế giới, các hãng chuyển phát và logistics phải mất ít nhất 5 tuần mới có thể vận hành được robot AGV.

Đáng chú ý, việc Viettel Post tự thiết kế và xây dựng TTKT5 giúp giảm chi phí đầu tư công nghệ lên đến 45%. Trong năm 2024, mô hình của TTKT5 sẽ được ứng dụng vào 02 dự án Smart Logistics Park ở 2 miền Bắc Nam, với hệ thống công nghệ chia chọn tự động hoá 100%.

Như vậy, các TTKT của ViettelPost sẽ tích hợp cả 3 hệ thống Crossbelt (chia chọn hàng hóa theo dạng băng tải), công nghệ Wheel Sorter Matrix (phân loại hàng kiện lớn) và robot tự hành AGV.

Đội ngũ công nghệ Viettel Post cũng đang nghiên cứu kế hoạch mở rộng áp dụng bộ công nghệ này tại các thị trường nước ngoài, như Campuchia, Myanmar, và nhiều quốc gia khác.

Anh Lê Tuấn Anh, Phó TGĐ Viettel Post cho biết: “Ứng dụng robot tự động vào logistics là một trong những hoạt động thuộc chiến lược phát triển dài hạn của Viettel Post. Với tinh thần bền bỉ cũng như không ngừng cải tiến để bắt kịp với xu thế, chúng tôi đặt ra mục tiêu tự động hóa hoàn toàn hệ thống logistics thông qua sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến. Viettel Post bắt buộc bắt kịp xu thế, hướng đến trở thành doanh nghiệp logistics hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ cao”.

Tiên phong tự động hóa trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, Viettel Post đang tích cực góp phần xây dựng hạ tầng logistics quốc gia hiện đại, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối trục logistics chiến lược của quốc tế và khu vực mà Việt Nam nằm ở điểm trung tâm./.

Sản lượng xử lý của mỗi robot lên tới 6.000 bưu phẩm/giờ, cao gấp 6 lần so với việc xử lý thủ công

Trong buổi trao quyết định đổi tên cho CLB Bóng đá Thể Công-Viettel, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa căn dặn các cầu thủ và đơn vị rằng “Hãy đưa thương hiệu Thể Công-Viettel lên một tầm cao mới! Hãy để tiếng hô vang Thể Công ngày một lớn hơn, tự hào hơn, hứng khởi hơn.” Và điều đó cũng là khát vọng của những cầu thủ đội bóng đại diện quân đội hôm nay.

Cuối buổi tập chiều, Khuất Văn Khang đứng lại hành lang giới thiệu với khách đến thăm: “Thưa các bác các chú, trong khu ở của chúng cháu có những tấm pano treo dọc hành lang. Trong đó có một tấm ghi quyết tâm của chúng cháu, góp phần Đưa Việt Nam đến World Cup”. 

Mỗi ngày một vận động viên như Khang sẽ đi qua tấm pano này tối thiểu 12 lần để đến nhà ăn, đi tập, đến phòng gym và cả đi học văn hóa. Như vậy 1 năm sẽ có hơn 4000 lần hình ảnh này gieo vào tâm trí những cầu thủ như Khang. Trên thực tế, khát khao nâng tầm, đưa bóng đá Việt Nam ra thế giới đã được gieo trồng trong tâm trí các vận động viên ngay từ ngày đầu gia nhập TT Thể thao Viettel.

14 năm chờ đợi

CLB Thể Công - Viettel xác định mục tiêu giữ gìn bản sắc người lính đá bóng, xây dựng CLB thành một đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với sứ mệnh chinh phục trái tim người hâm mộ, góp phần làm dày lên thành tích của thể thao Quân đội và là đội quân tiên phong đóng góp cho sự phát triển của bóng đá nước nhà - Chủ tịch, TGĐ Viettel Tào Đức Thắng

Thể Công lừng lẫy và huyền thoại trong chiều dài lịch sử của mình cũng đi qua những giai đoạn thăng trầm. Dấu lặng lịch sử đến khi BQP quyết định thu hồi phiên hiệu Thể Công vào năm 2009 khi đang là một đơn vị trực thuộc quản lý của Viettel.

Dù phiên hiệu Thể Công đã có những thời điểm không xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam, nhưng trong trái tim người hâm mộ đó là một giá trị luôn hiện hữu. Và trong trái tim mỗi người Viettel, mọi hoạt động bóng đá chuyên nghiệp của Viettel đều vì quyết tâm: Đưa Thể Công trở lại. CLB Bóng đá Viettel luôn xác định mình chính là hậu duệ của Thể Công, những người lính trên mặt trận bóng đá với lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công bất diệt”, Chủ tịch, TGĐ Viettel, Đại tá Tào Đức Thắng chia sẻ.

Với tinh thần đó, các thế hệ lãnh đạo Viettel trong gần 15 năm qua đã đặc biệt quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cả nhân lực và vật lực cho sự phát triển, từng bước chắc chắn của TT Thể thao Viettel.

Hoang Duc.jpeg

Tiền đạo CLB Thể Công - Viettel Nguyễn Hoàng Đức

Trung tâm hiện đang đào tạo gần 200 động viên bao gồm 6 đội bóng U13, U15, U17, U19, U21 và đội 1. Cơ sở chính với diện tích trên 18ha gồm hệ thống 6 sân bóng đá trong đó có 2 sân cỏ nhân tạo, 4 sân cỏ tự nhiên đảm bảo đáp ứng tập luyện cho nhiều đội bóng trong cùng một thời điểm. Cùng với đó là khu nhà tập thể lực, khu bể bơi, khu bổ trợ tập luyện tiêu chuẩn cùng sân tennis, nhà thi đấu đa năng và nhiều hạ tầng phụ trợ khác. Các chuyên gia, HLV trong nước và quốc tế có dịp đến làm việc đều khẳng định, TT Thể thao Viettel có cơ sở vật chất cho huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp tốt hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đội ngũ HLV nhiệt tâm và có trình độ. Chế độ chăm sóc dinh dưỡng thể thao tối ưu. Cơ sở vật chất huấn luyện hiện đại. Giáo trình huấn luyện tiên tiến và cập nhật. Đó là những “bí quyết” để Trung tâm lần lượt đưa hàng loạt tên tuổi tài năng đến nền bóng đá Việt Nam trong vòng gần 10 năm qua. 

Có những thời điểm số lượng cầu thủ Viettel chiếm đến gần 1/3 đội tuyển Quốc gia. Đó là minh chứng về sự nỗ lực và thành quả cho công tác đào tạo trẻ của chúng tôi, cũng là minh chứng cho triết lý mà chúng tôi đã lựa chọn, đó là đào tạo từ gốc, đầu tư vào con người" Đại tá Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc TT Thể thao Viettel chia sẻ.

The Cong-Viettel.jpeg

Có những thời điểm số lượng cầu thủ Viettel chiếm đến gần 1/3 đội tuyển Quốc gia

Trong năm 2023, từ đội 1 đến các lứa trẻ, số lượng cầu thủ áo lính góp mặt tại các cấp đội tuyển quốc gia lên đến 31%. Nguyễn Hoàng Đức là cầu thủ xuất sắc nhất của V.League 2023. Bùi Tiến Dũng, Thanh Bình, Phan Tuấn Tài, Trương Tiến Anh, Đức Chiến, Khuất Văn Khang… là những cái tên quen thuộc trong các lần tập trung của đội tuyển bóng đá quốc gia. 

Và thành tích thi đấu của Viettel FC là kết quả tất yếu của hành trình. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, Viettel vô địch giải hạng Nhất quốc gia năm 2018 và chỉ 2 năm góp mặt ở V.League đội đã xuất sắc giành ngôi vô địch. 

Sứ mệnh mới, khát vọng mới

Đại tá Tào Đức Thắng khẳng định “CLB Thể Công-Viettel xác định mục tiêu giữ gìn bản sắc người lính đá bóng, xây dựng CLB thành một đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với sứ mệnh chinh phục trái tim người hâm mộ, góp phần làm dày lên thành tích của thể thao Quân đội và là đội quân tiên phong đóng góp cho sự phát triển của bóng đá nước nhà”.

Ngày 21/11/2023, sau 14 năm chờ đợi, phiên hiệu Thể Công một thời đã trở lại. Khi trao quyết định đổi tên đội bóng thành Thể Công-Viettel, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa đã lý giải: “Gần 15 năm qua, với tên gọi là Câu lạc bộ bóng đá Viettel, dưới sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, đội bóng đã lớn mạnh không ngừng. …Trên khán đài, cổ động viên dù là quân nhân hay không vẫn luôn hô vang thương hiệu Thể Công. Đây là thương hiệu của sự tự hào.

Khát vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam đã cháy bỏng trong những năm qua và đủ lớn để BQP nhận thấy đã đến thời điểm, đã đủ cơ hội chín muồi để trao phiên hiệu Thể Công trở lại với đội bóng áo lính.

The Cong-Viettel(2).jpeg

Ngày 21/11/2023, sau 14 năm chờ đợi, phiên hiệu Thể Công một thời đã trở lại

Khát vọng ấy đã có trong huyết quản của các lứa lớp cầu thủ Thể Công-Viettel. Hoàng Đức chia sẻ: “Khi đổi tên nghĩa là BQP đã đặt kỳ vọng vào những cầu thủ như chúng em. Vì vậy không có con đường nào khác là chúng em sẽ phải mang được về những thành tích, vinh quang về cho bóng đá Quân đội và cho bóng đá nước nhà. Những khát vọng vốn đã được ươm mầm giờ đây lại được nhân lên gấp bội.”

Và chính những khát khao này sẽ là nhựa sống giúp những hạt mầm tài năng nảy nở, giúp Thể Công-Viettel tiệm cận đến khát vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam./.

HÀNH TRÌNH THỂ CÔNG-VIETTEL FC

23/9/1954: Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) được thành lập

1955-1979: Thể Công 13 lần vô địch giải hạng A Việt Nam

1981-1998: Thể Công 5 lần vô địch giải Al toàn quốc

3/2005: BQP điều chuyển nguyên trạng CLB Thể Công về Viettel

2009: U19 Viettel vô địch Quốc gia 2009

2011: U13 Viettel vô địch giải Thiếu niên Toàn quốc

2012: Viettel FC vô địch giải hạng Ba Quốc gia

26/10/2014: Đổi tên Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel thành Trung tâm Thể thao Viettel.

2015: Viettel FC vô địch giải hạng Nhì Quốc gia, vô địch U15 Quốc gia, vô địch U13 Thiếu niên Toàn quốc

2016: U13 Viettel vô địch giải Thiếu niên Toàn quốc

2018: Viettel FC vô địch giải hạng Nhất Quốc gia, vô địch U17 Quốc gia

2020: Viettel FC vô địch V.League 2020, vô địch U21 Quốc gia

2021: Lần đầu tiên tham dự cúp C1 châu Á: AFC Champions League

2023: HCĐ V.League, Á quân Cúp Quốc gia, vô địch U17 Quốc gia

11/2023: Đổi tên CLB Bóng đá Viettel thành CLB Bóng đá Thể Công-Viettel

Giữa tháng 10/2023, tại Học viện Viettel, một lớp học diễn ra với đúng quy cách chương trình đào tạo. Điều đặc biệt ở lớp học này, 60 học viên là lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn: Trưởng Ban các cơ quan, Tổng Giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc. Trực tiếp đứng lớp giảng dạy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tào Đức Thắng đã có 5 giờ đào tạo liên tục không nghỉ giải lao.

Làm giàu hơn những giá trị cốt lõi

Không khí lớp học rất sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn ngay từ những phút đầu tiên. Dưới sự gợi ý và khích lệ của Chủ tịch Tập đoàn, các học viên luôn tích cực trao đổi những ánh xạ, vận dụng các giá trị văn hóa vào các tình huống, trải nghiệm thực tế ở cơ quan, đơn vị và của chính bản thân trong quá trình làm việc, điều hành ở Viettel. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng đề xuất những giải pháp, cách làm để các giá trị văn hóa được lan tỏa sâu rộng, đi vào cuộc sống ở Viettel, phát huy hiệu quả cả về nhận thức và hành động của CBNV.

Những học viên kỳ cựu của Viettel từ những ngày đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông như củng cố tư tưởng “come back to basic”, cùng giảng viên tiếp tục minh chứng tính bền vững những giá trị cốt lõi Viettel qua năm tháng. Những học viên gia nhập Viettel khi đã phát triển phản ánh tiếp thu, ánh xạ từ nhận thức đến hành động một cách toàn diện và sâu sắc.

Chủ tịch Tập đoàn khẳng định: “Những giá trị văn hóa không phải của riêng cá nhân ai hay đơn vị nào ở Viettel, kể cả lãnh đạo Tập đoàn. Đó là tài sản vô giá, là gia tài thiêng liêng của Viettel, được hình thành, kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ. Văn hóa Viettel hình thành nên con người Viettel. Trách nhiệm của chúng ta là bồi đắp, đóng góp, làm phong phú, làm giàu cho các giá trị văn hóa Viettel”.

Xuất phát từ tư tưởng cần tiếp tục “làm giàu” cho các giá trị văn hoá Viettel, năm 2023, Tập đoàn ban hành lại bộ 8 giá trị cốt lõi Viettel, trong đó bổ sung các nội hàm, diễn giải mới để phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển ở giai đoạn thứ 4: Trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu với sứ mệnh Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số.

Được công bố lần đầu vào năm 2006, giá trị cốt lõi Viettel đã ngấm sâu vào các thế hệ người Viettel, làm nên sự khác biệt giữa Viettel với hàng ngàn vạn các doanh nghiệp khác. Không chỉ nhận thức về văn hoá ở mức có thể giải thích giá trị văn hóa Viettel cho người bên trong và bên ngoài công ty, CBNV có thể đồng cảm, thấy được sự đồng điệu của văn hoá công ty với triết lý sống của mình. Phần đông người Viettel đề cập đến văn hoá Viettel trong các cuộc thảo luận, chia sẻ của mình cả trong công việc và cuộc sống.

Việc ban hành chính thức bộ giá trị cốt lõi vào năm 2023 nhằm mục đích hệ thống hoá, bổ sung nội hàm cho phù hợp với những chuyển dịch chiến lược của Tập đoàn (từ nhà khai thác viễn thông trở thành Tập đoàn công nghiệp, công nghệ, viễn thông toàn cầu).

Đội VAM tập luyện cho chương trình WOW Viettel.jpeg

Đội VAM tập luyện cho chương trình WOW Viettel

Đưa văn hóa Viettel vào mọi khía cạnh của tổ chức

Sau khi ban hành lại, cũng là lần đầu tiên Tập đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cài đặt văn hoá vào mọi khía cạnh của tổ chức.

Hiện nay, Tập đoàn có khoảng hơn 200 cơ quan, đơn vị trực thuộc từ cấp chi nhánh. Mỗi đơn vị có thể có đặc thù nghề nghiệp, nguyên tắc làm việc cá thể. Tuy vậy, Viettel xác định chỉ có một văn hoá Viettel cho một Viettel. Để thống nhất, Tập đoàn đưa ra các phương pháp cài đặt văn hoá vào 5 nhóm hành động chính: Lãnh đạo làm gương, Biểu tượng nghi thức, Trải nghiệm nhân sự, Quy trình hệ thống và Môi trường làm việc.

Cùng với đó, để CBNV nhớ được đầy đủ nội hàm các giá trị cốt lõi, Tập đoàn đã tổ chức hàng loạt cuộc thi như: Cuộc thi Wow Viettel, Innovative-me; các lớp đào tạo văn hoá được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, để ở đâu, vị trí nào, người Viettel cũng cùng hiểu và hành động giống nhau. Các đơn vị trong Tập đoàn cũng sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng mục tiêu trong năm 2023, mỗi CBNV trong Tập đoàn đều có thể nhớ 8 giá trị cốt lõi, các nội hàm và hành vi. Các hoạt động nổi bật có thể kể đến là tuần lễ văn hóa Viettel tại Tổng Công ty Mạng lưới, cuộc thi sáng tạo nghi thức thực hành văn hóa tại Công ty An ninh mạng, dự án người VDS hạnh phúc tại Tổng Công ty Dịch vụ số…

Khi kể về 3 hoạt động ấn tượng nhất năm 2023, chị Trần Khánh Hà – Viettel Telecom đã chia sẻ “Hoạt động mà tôi thấy ý nghĩa là chương trình đào tạo văn hóa Viettel do đơn vị tổ chức. Tôi đã gắn bó với Viettel được 16 năm nên luôn nghĩ mình đã rất hiểu và thấm nhuần văn hóa Viettel. Tham gia 4 giờ đào tạo do chính các đồng nghiệp ở Trung tâm chia sẻ tôi đã có thêm được nhiều góc nhìn và cách vận dụng các giá trị cốt lõi vào công việc”.

Khong khi soi noi trong mot lop hoc o VTT.jpeg

Không khí sôi nổi trong một lớp đào tạo văn hoá của Viettel Telecom

Minh Trang đang làm việc tại Viettel Networks được 2 năm cho biết “Mọi người hay nói Gen Z là thế hệ phải vượt sướng, là thế hệ thoải mái, tự tin thể hiện cá tính của mình nên khi phải làm quen ngay lập tức với sự kỷ luật, khuôn khổ, đôi lúc bọn em sẽ cảm thấy bị ngợp và hơi gò bó. Tuy nhiên trải qua công việc thực tế chứng kiến các đồng nghiệp của mình trong các đợt cao điểm về dịch bệnh hay bão lũ luôn duy trì tinh thần sẵn sàng ứng cứu để duy trì chất lượng dịch vụ, đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn em đã thấy rất xúc động, tự hào về Viettel, giá trị cốt lõi cứ thế mà ngấm vào em”.