Để công lý đươc thực thi mọi lúc, mọi nơi

Ở Việt Nam, chuyển đổi số (CĐS) bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Kể từ lúc đó, CĐS cho các cơ quan Chính phủ trở thành một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu. Viettel đang tham gia rất sâu vào công cuộc CĐS của các cơ quan bộ ngành và Chính phủ, trong đó có Toà án nhân dân tối cao.

Trợ lý ảo - Thư ký riêng của mỗi thẩm phán

Ngành tư pháp Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn đồ sộ, liên tục được cập nhật để đáp ứng phù hợp với các quan hệ xã hội mới. Hàng năm, các thẩm phán ngành tòa án xử lý khoảng 600 nghìn đến hơn 1 triệu vụ việc. Xã hội càng phát triển, khối lượng công việc càng gia tăng. Tri thức, kinh nghiệm xử án được tập trung nhiều ở các thẩm phán lâu năm, rất cần thiết có một hệ thống lưu trữ và trợ giúp tham khảo, áp dụng thống nhất, đồng bộ.

Đó chính là lý do sản phẩm Trợ lý ảo cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ thẩm phán được ra đời. Tiếp cận bài toán từ tháng 6/2021, TCT Giải pháp Viettel (VTC) và Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) đã nhanh chóng ra mắt Trợ lý ảo tư pháp vào tháng 1/2022.

Trợ lý ảo có thể giới thiệu các văn bản pháp quy kèm thời điểm có hiệu lực của văn bản phù hợp với thời gian xảy ra vụ án. Hơn nữa, hệ thống giới thiệu các tình huống pháp lý tương tự, các án lệ liên quan, bản án tương tự. Các tính năng hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử; chỉ dẫn bước thực hiện như một sổ tay điện tử cho từng vụ án; tự động tạo các tài liệu pháp lý mẫu như giấy triệu tập, quyết định tạm giam…; hỗ trợ viết một phần nội dung bản án giảm tới 30% khối lượng công việc so với thao tác truyền thống.

Để làm được điều đó, đội ngũ Viettel đồng hành với các chuyên gia và thẩm phán giàu kinh nghiệm, xây dựng đã phải thu thập đầy đủ dữ liệu, hàng trăm nghìn văn bản cho mọi lĩnh vực, tạo ra một “bách khoa toàn thư” về hệ thống văn bản pháp luật. Kết hợp công nghệ số AI, xử lí tiếng nói tự nhiên, Big data,... chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng các bộ câu hỏi, quy trình nghiệp vụ để Trợ lý ảo ngày càng thông minh đáp ứng yêu cầu từng trường hợp cụ thể.

Ngay từ phiên bản đầu tiên của hệ thống Trợ lý ảo tư pháp đã nhận được sự đánh giá cao từ các lãnh đạo như Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,...


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu CĐS ngành tòa án. 

Viettel cũng xác định mục tiêu, Trợ lý ảo ngoài việc hỗ trợ cho bộ máy toà án Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký thì phải mở rộng cung cấp được cho người dân cần tư vấn pháp lý, đoán định tình huống pháp lý của mình gặp phải, từ đó phần nào đạt được mục tiêu phổ cập pháp luật cũng như giảm tải cho hệ thống toà án nói chung.

Xét xử trực tuyến - Cuộc cách mạng thay đổi tư duy ngành Toà án

Khoảng năm 2019 - 2020 dịch bệnh Covid đang bao trùm khắp nơi, các phiên toà gần như bị đóng băng hoàn toàn và không thể thực hiện do các chỉ thị cách ly, tập trung nghiêm ngặt. Từ khi Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức phiên toà trực tuyến ngày 12/11/2021, Viettel đã trao đổi cùng Toà án và đưa ra giải pháp về một môi trường xét xử trực tuyến tiêu chuẩn.

Giải pháp xét xử trực tuyến giúp giải quyết các vấn đề về khoảng cách địa lý, di chuyển, triệu tập nghiệp vụ đảm bảo an ninh,... từ đó tiết kiệm nhiều loại chi phí tổ chức. Viettel đã nghiên cứu và phối hợp với Toà án để xây dựng tiêu chuẩn chung, đảm bảo giữ được đồng thời các yếu tố về không khí, văn hoá phiên toà để phát huy nghiệp vụ. Tiêu chuẩn này giúp hoạt động của phiên toà và vai trò của các thành phần được giữ lại vẹn nguyên như hình thức xét xử trực tiếp mà không có bất kỳ rào cản nào.

Thí điểm triển khai tại toà án địa phương từ tháng 7/2022, hơn 1.000 vụ việc được xử online, 100% các chất lượng kỹ thuật tốt. Nhiều lãnh đạo đã có thể tham gia các phiên toà ở các địa phương qua hình thức này.

Riêng với Tòa án Nhân dân tối cao, Viettel đẩy mạnh nhiều dự án: Trung tâm dữ liệu, Trung tâm điều hành giám sát dữ liệu, Hệ thống giám sát an ninh mạng, Hệ thống quản lý văn bản điều hành,.. được triển khai từ năm 2020 đến nay và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Tương lai và những kế hoạch rộng mở

Xây dựng Tòa án điện tử là một quyết tâm của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam trong việc đồng hành với Chương trình CĐS quốc gia cũng như lộ trình hiện đại hoá, số hoá của ngành tư pháp trên thế giới. Trên hành trình đó, VTS và VTCC phối hợp tư vấn các giải pháp cho đề án Toà án điện tử. Hiện tại, hai đơn vị cũng đang tiến hành chuyển đổi toàn bộ hoạt động tố tụng sang môi trường điện tử, mở rộng CĐS và kết nối các cơ quan khác trong ngành như: Viện kiểm sát, Bộ tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự,... Viettel chính là đơn vị được tin tưởng giao nhiều trọng trách đặc biệt nhờ các giải pháp khác biệt và gần gũi hơn với nhu cầu, bài toán của Toà án.

Anh Nguyễn Quý Đôn - Trưởng phòng khách hàng Chính phủ của VTS chia sẻ rằng: “Theo quan niệm của Viettel, máy móc không phán xử, máy móc không đưa ra kết luận mà toàn bộ là do con người. Viettel may đo ra các giải pháp nơi có môi trường để các hoạt động nghiệp vụ của luật pháp được diễn ra thuận lợi hơn. Các giải pháp chỉ giúp con người quyết định nhanh hơn, tiết kiệt chi phí và các nguồn lực. Tuy nhiên, vai trò của con người trong hệ thống này là không thể thay thế”.