“Các bất cập của hệ thống ETC trong thu phí tự động không dừng đã được khắc phục nhờ các giải pháp từ Viettel”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện phấn khởi chia sẻ về ePass - dịch vụ hỗ trợ thu phí theo hình thức điện tử không dừng – sau 1 năm triển khai.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viettel có hệ thống hạ tầng viễn thông rộng khắp, các giải pháp về công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu, huy động được nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông sẵn có tại các địa phương, đáp ứng yêu cầu cao về tính an toàn bảo mật hệ thống ETC.
Hệ thống nhận diện xe qua trạm thế hệ mới giúp giảm 1/3 thời gian xử lý giao dịch.
Thần tốc hoàn thành nhiệm vụ ‘bất khả thi’
Dự án thu phí ETC của Chính phủ đã trải qua hơn 7 năm với không ít khó khăn tính từ thời điểm triển khai năm 2015. Sự xuất hiện của Công ty CP Giao thông số Viettel (VDTC) - nhà đầu tư thứ 2 trong lĩnh vực thu phí tự động đường bộ - là yếu tố quan trọng để thúc đẩy triển khai hiệu quả ETC. Tham gia dự án vào giữa năm 2020, chỉ sau hơn 4 tháng ký hợp đồng, VDTC đã hoàn thành nhiệm vụ kết nối 35/35 trạm thu phí đạt yêu cầu. Khối lượng công việc này tương đương doanh nghiệp trước đó thực hiện trong gần 4 năm.
Ngày 1/8/2022, toàn bộ các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc đã triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ sau 4 tháng từ khi triển khai ETC trên tất cả các tuyến cao tốc, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ETC đã tăng mạnh, đạt khoảng 90% tổng số phương tiện. Tổng số xe sử dụng ePass đã đạt con số 1,5 triệu đến cuối tháng 8/2022, tương đương với 1/3 lượng ô tô đang lưu hành trên cả nước.
Thành công bước đầu đóng góp thực hiện chủ trương thúc đẩy thu phí không dừng của Chính phủ đến từ những nỗ lực của cán bộ, nhân viên VDTC khai thác tối đa ưu thế công nghệ của Viettel. Hiện tại, VDTC là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam làm chủ được hệ thống ETC từ hạ tầng quản trị Backend đến giao diện sử dụng Frontend, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Lực lượng của VDTC luôn túc trực tại trạm để hỗ trợ lái xe sử dụng dịch vụ ePass.
Hệ thống nhận diện xe qua trạm thế hệ mới giúp giảm 1/3 thời gian xử lý giao dịch, chỉ còn 0,2 giây/giao dịch – gần như tức thời theo thời gian thực. Nhờ dó, thời gian vận chuyển của khách hàng giảm đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Song song với các giải pháp công nghệ, VDTC luôn có lực lượng trực tiếp hỗ trợ tại trạm để đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nạp tiền, xử lý sau bán hàng... giúp khách hàng có thể lưu thông thông suốt qua trạm. Đơn vị cũng triển khai dịch vụ trải dài 63 tỉnh thành, đăng ký dán thẻ tại nhà, đa dạng hình thức thanh toán, đa dạng hình thức nạp tiền từ tư vấn ngay tại trạm thu phí của VDTC, ở các chi nhánh, tài khoản ngân hàng trong nước, hay qua Visa quốc tế, ví điện tử (Viettel Pay, Momo), đại lý của Viettel…
Tầm nhìn tương lai của giao thông số
“Với những ưu thế vượt trội, VDTC xác định rất rõ việc triển khai ETC trên tất cả các tuyến cao tốc là bước tiến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng và vận hành hiệu quả giao thông đường bộ. VDTC nói riêng, Viettel nói chung đã khẳng định quyết tâm muốn đóng góp vào sự nghiệp kiến tạo một tương lai mới cho giao thông đường bộ nước nhà”, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC, khẳng định.
Lãnh đạo của VDTC khẳng định ePass sẽ không ngừng được nâng cấp, cải tiến, đi sâu vào thực tế, mang lại hiệu quả khác biệt cho giao thông đường bộ. VDTC sẽ không ngừng đổi mới, phát triển công nghệ thúc đẩy sự phát triển của ETC, hướng mục tiêu đưa Việt Nam vào Top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC cao nhất khu vực”.
ePass là một dịch vụ quan trọng trong hệ sinh thái giao thông thông minh mà Viettel kiến tạo, đóng vai trò như điểm vào đầu tiên, giao tiếp với khách hàng. Trong tương lai, với một tài khoản ePass, toàn bộ hành trình của tài xế từ đỗ xe, trả phí cho đến cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm, tìm điểm đổ xăng, nơi sửa chữa… đều được tự động hóa. Như vậy, những hiệu quả được chứng minh của chiếc thẻ ePass sẽ mở ra một tương lai rộng lớn của giao thông thông minh ở Việt Nam để làm nền tảng cho việc kiến tạo xã hội số.