Do đặc thù và tính chất nhiệm vụ, người Viettel đôi khi phải ở xa chính những người thân trong gia đình. Nhưng đôi khi “xa là để gần hơn”.
Đại úy Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Radar – Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao (VHT) sẽ nhớ mãi ánh mắt hạnh phúc của mẹ, của vợ và của em gái khi anh cùng 48 đồng nghiệp tại Viettel bước lên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá về Khoa học – Công nghệ. Đó là khoảnh khắc mà anh Kiên nói rằng, anh cảm thấy mình ở gần nhất với những người thân trong gia đình.
Trong khi đó, ở Haiti, nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, anh Hoàng Tùng - Giám đốc tỉnh Ouest của Natcom lại buồn ra mặt vì phải chia tay anh bạn Phó Giám đốc tỉnh về Việt Nam. Người đồng nghiệp ấy cũng là người tâm sự nhiều nhất về công việc, cuộc sống với anh Tùng, bởi đặc thù công việc, chênh lệch múi giờ mà anh Tùng không có nhiều thời gian nói chuyện với gia đình.
Những người Viettel xa gia đình
Anh Kiên, anh Tùng thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, đơn vị khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Song họ có điểm chung là đều xa gia đình mình, theo một cách nào đó.
Khoảnh khắc đồng chí Trần Trung Kiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh từ Chủ tịch nước cũng là lúc anh cảm thấy người thân đang ở gần mình nhất.
Kỹ sư Kiên không phải xa nhà cả vạn dặm, nhưng đặc thù công việc khiến anh cùng đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu không thể chia sẻ với bất kì ai, kể cả gia đình. Anh Kiên trở thành người kín tiếng trong chính nhà mình.
“Có lần, tôi nói làm Viettel, họ hàng xa còn hỏi có phải tôi bán sim/thẻ, lắp đặt Internet không? Còn trong gia đình, vợ chỉ biết mình làm radar, chứ không biết để làm gì, trông như nào”, anh Kiên chia sẻ.
Trở thành người kín tiếng, những cảm xúc trong công việc chẳng thể giãi bày được với ai. Đó là những niềm vui nhỏ khi công trình có bước tiến, những cảm xúc vỡ òa khi đạt được thành tựu, được nghiệm thu sản phẩm.
Với anh Tùng, 3 năm làm việc tại Natcom, anh chỉ 2 lần về thăm nhà. Xen kẽ là những cuộc gọi nhanh về cho vợ để thông báo mình vẫn ổn dù nơi anh làm việc là điểm nóng nhất về chính biến, bạo loạn tại Haiti.
Giờ Haiti chênh 12 tiếng so với Việt Nam, tức là khi người thân có thời gian rảnh sau cả ngày dài cũng là lúc anh Tùng tăng tốc cho 1 ngày làm việc mới. Đôi khi muốn kể cho vợ nghe thật nhiều, như khoe chuyện anh em Natcom tỉnh Ouest vượt chỉ tiêu ra sao, kiên cường thế nào, nhưng anh Tùng lại chưa bao giờ cất lời.
Phần vì cuộc điện thoại chỉ đủ để hỏi thăm ông bà, các con và dặn vợ ở nhà phải ăn uống đầy đủ. Phần vì khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn để vừa đảm bảo kinh doanh vừa ổn định tổ chức giữa tình hình phức tạp trên địa bàn. Thương gia đình đã không có mình chăm sóc, anh Tùng càng không muốn người ở nhà phải lo lắng thêm.
“Chỉ thương bố mẹ nhiều tuổi ở xa, có lúc đau ốm không thể ở gần chăm sóc. Tôi tự nhận mình là người mạnh mẽ nhưng có lúc cũng yếu mềm. Nhớ dạo cậu Phó giám đốc về Việt Nam, còn một mình tôi lủi thủi ở văn phòng, tự nhiên tủi thân đến lạ”, anh Tùng kể.
Anh Hoàng Tùng là người Việt duy nhất của Natcom tại tỉnh Ouest.
Xa là để gần hơn
Khi được hỏi điều gì giúp các anh vượt qua nỗi nhớ, vượt qua khoảng cách với gia đình, câu trả lời của các anh đều chung một điều: chính là những người vẫn hàng ngày chờ đợi mình ở nhà. Mỗi lần nhớ đến gia đình là một lần anh được tiếp thêm động lực cho công việc. Bởi vì chỉ có làm tốt nhất, nỗ lực và cống hiến nhiều nhất, thì mới xứng đáng với sự chờ đợi, ngóng trông của gia đình, với sự hy sinh của người thân.
Với anh Kiên, để “ra lò” một sản phẩm radar hoàn chỉnh là vô số cấu phần cần hoàn thiện với deadline gấp rút. Anh Kiên còn nhớ một lần nâng cấp phần mềm cho một dòng radar với “deadline không tưởng, thời gian chỉ bằng 1/4 thông thường”. Nhóm nghiên cứu phải xa gia đình hơn 2 tháng, ăn ngủ tại vùng núi ở Nghệ An.
Đến khi thử radar thành công, giữa đỉnh núi hoang vu và phía trước là mặt biển sâu, nhóm nghiên cứu vỡ òa cảm xúc. Khi ấy, mong muốn lớn nhất của anh là được gọi điện cho vợ chỉ để nói: “Anh làm được rồi!”.
Mong muốn ấy cũng được anh cất giữ cho chính mình như bao lần khác. Nhưng anh cũng thầm cảm ơn gia đình đã tiếp sức để anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Gia đình là điểm tựa, động lực cho những chàng trai kỹ sư radar nỗ lực, cống hiến hết thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Chính tinh thần phải làm tốt nhất, nỗ lực nhất ấy đã giúp anh Tùng vượt qua mọi thách thức tại Haiti. Ouest là tỉnh phức tạp nhất về chính trị. Đối thủ lớn Digicel bị gián đoạn 35% số trạm phát sóng và không bán được hàng. Ấy vậy mà chi nhánh Ouest của Natcom vẫn giữ mạng lưới ổn định, tổ chức bán hàng và tăng trưởng cao hơn 1,7 lần so với mức trung bình của cả Công ty.
Tinh thần ấy không chỉ của riêng anh Tùng, anh Kiên. Đó là tinh thần chung của những người Viettel đang chinh chiến ở các thị trường nước ngoài, của hàng trăm kỹ sư ngày đêm theo đuổi các dự án đặc biệt của quốc gia, của hàng nghìn người Viettel xông pha đi thẳng vào vùng dịch hay của biết bao con người thường xuyên “lỡ” bữa cơm nhà để chạy đua với thời gian cho kịp hoàn thành nhiệm vụ,…
Khi chúng ta cống hiến, nỗ lực hết mình vì tổ chức, vì đất nước cũng là lúc cảm nhận rõ nét nhất sự hy sinh và tình cảm của hậu phương. Đó là khi ở xa người thân, xa gia đình, chúng ta vẫn cảm thấy ở gần họ nhất.
Khi tình yêu gia đình hòa quyện cùng tình yêu Tổ quốc, đó chính là lúc chúng ta hạnh phúc nhất.