Mỗi khi bão về, khi mọi người cố gắng về nhà chăm sóc gia đình, có những người Viettel lại khoác lên mình áo mưa, ngược dòng người vào vùng giông tố. Bởi họ là chỗ dựa của người dân duy trì kết nối trong hoàn cảnh khó khăn.
Renggggg….
6h sáng, chuông báo thức reo như thường lệ, anh Nguyễn Đình Thành (Nhân viên Dây máy) thức dậy, hoàn tất các công việc vệ sinh cá nhân, kiểm tra lại kế hoạch công việc trước khi ra khỏi nhà bắt đầu một ngày làm việc mới.
Xách túi đồ nghề, Thành leo lên chiếc xe máy đã gắn bó với anh suốt bao năm qua, xuất phát đến nhà khách hàng. Nay anh có hẹn triển khai internet cho một cửa hàng tạp hóa mới mở.
Đường vào trạm NAN1068 sau khi mưa đã ngớt.
Nhìn những ngôi nhà dọc hai bên đường, không ai nghĩ chỉ hơn một tháng trước, hoàn lưu bão Noru đã làm nước lũ dâng cao, gây sạt lở nhiều địa điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân địa phương và mạng lưới Viettel. Nhiều trạm BTS mất điện và bị cô lập.
Anh Thành nhớ như in hôm lũ dâng cao, anh cùng đồng nghiệp đã phải nỗ lực làm việc xuyên đêm đảm bảo nhiên liệu cho trạm, giúp mạng lưới luôn được duy trì ổn định. “Anh bạn” xe máy cũng bị anh bỏ lại để nhảy lên thuyền ứng cứu thông tin.
Nằm ngoài vùng ảnh hưởng chính của bão, Chi nhánh Công trình (CNCT) Viettel Nghệ An vẫn chủ động lên mọi phương án ứng phó từ rất sớm. Địa bàn rộng, đông thuê bao nên dù có chuẩn bị trước, CBNV tại đây vẫn phải sử dụng trên 100% sức mạnh, tinh thần để ứng phó với lũ.
Đêm ứng cứu đáng nhớ
Là người địa phương, từ nhỏ Thành đã quen với mưa lũ miền Trung. Thêm 7 năm công tác tại Viettel, anh có thói quen cứ dự báo trời sắp mưa là chuẩn bị sẵn sàng đi cứu trạm. Nhận thấy nhà riêng nằm ở vùng cao, lũ không thể ảnh hưởng tới, nên trước khi mưa đổ xuống 2 ngày, anh và đồng đội đã thực hiện đảm bảo an toàn cho các trạm BTS. Bão không đi qua nhưng mưa lớn đã không ngừng đổ xuống Nghệ An trong rạng sáng ngày 29/9.
Bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công tác ứng cứu tại địa bàn do đội anh Thành quản lý được thực hiện rất nhanh ngay khi nước bắt đầu dâng. Anh nhớ rõ vào tối ngày 29/9, sau khi đảm bảo các trạm đều hoạt động an toàn, anh đang nghỉ ăn tối thì nhận được điện thoại khẩn từ đồng chí Giám đốc kỹ thuật huyện Hoàng Mai thông báo về sự cố hết nhiên liệu tại trạm NAN1068. Anh lập tức bỏ bát, đội mưa, lao đi ứng cứu.
Anh Thành quay lại trạm 1068 trước đó xảy ra ngập lụt.
Lấy xe đến cây xăng gần nhất mua nhiên liệu và quay lại trạm, công việc tưởng êm đẹp và anh có thể hoàn thành nốt bữa tối. Nhưng hồ Vực Mấu xả lũ khiến con đường duy nhất dẫn đến trạm ngập sâu tới vài mét. Địa hình phức tạp, ít nhà dân và đã gần nửa đêm nên anh Thành bị cô lập trong khu vực trạm. Anh liên lạc về đơn vị nhờ trợ giúp nhưng anh em đều đã đi ứng cứu các khu vực khác nên anh phải đợi. Nếu không có thuyền, anh sẽ phải ở lại đây đến khi nước rút, có thể là vài ngày. Trong điều kiện mưa to, nước lớn, ở lại là đồng nghĩa với việc đánh cược sức khỏe với thời tiết.
“Lúc đó, mình không hoang mang nhưng ở lại trạm cũng không giải quyết được vấn đề gì nên mình cố gắng tìm mọi cách đi ra. Ra ngoài còn cứu được nhiều trạm khác, chứ ở đây mình chả giúp được gì!", Thành chia sẻ.
Vào khoảnh khắc mà người khác rất dễ mất bình tĩnh, anh nghĩ ra cách gọi điện cho tất cả những người bạn ở khu vực xung quanh. May mắn thay, một người bạn học đã đưa thuyền ngược dòng đến đón anh ra ngoài. Bỏ lại xe máy tại khu vực trạm, anh theo thuyền vượt con lũ ra ngoài.
Gần 1h sáng, anh rời thuyền của người bạn, tiếp tục đội mưa lớn, đi bộ thêm gần 30 phút trong đêm đến nơi hội tụ cùng đồng đội. Không nghỉ ngơi, anh cùng mọi người tiếp tục công việc đến khi trời rạng sáng.
Đảm bảo mạng lưới thông suốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Ở Quảng Nam, anh Phan Văn Phục, nhân viên nhà trạm, CNCT Viettel Quảng Nam, khiến anh em cảm động. Bị chấn thương nặng ở chân khi đi ứng cứu, anh Phục đã nén đau chỉ đường cho đồng đội rải gần hết chỗ máy phát điện trước khi bão đổ bộ. Tại Hội An, chỉ có đúng 02 nhân viên quản lý trạm và chỉ có anh Phục là công tác lâu năm tại đây còn đồng nghiệp của anh vừa đến được vài tháng. Đặc thù nhà trạm tại Hội An là trạm ngụy trang nên phải có anh Phục dẫn đường thì mới nhanh tìm được đến nơi. Đấy là còn chưa kể đến các trạm đặt trên nóc nhà dân thì người dân ở đó không cho người lạ vào nhà.
Anh Phục cùng đồng nghiệp tìm cách ứng cứu trạm trong bão lũ.
Các anh là 2 trong nhiều tấm gương của lòng dũng cảm, vượt khó của người Công trình Viettel. Trước những thách thức và nguy cơ ứng cứu trước, trong và sau bão, 251 đội kỹ thuật với tổng gần 600 nhân sự khắp cả nước cũng đã lên đường tiến vào tâm bão hỗ trợ các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, giúp mạng lưới thông tin luôn được thông suốt. Có những anh kỹ thuật để ứng cứu thông tin đảm bảo mạng lưới mà không thể ở nhà đồng hành cùng gia đình gia cố nhà chống bão hay khắc phục hậu quả sau bão. Tất cả đều phó thác cho hậu phương ở nhà. Do đó, người ta hay nói không chỉ anh kỹ thuật Viettel dũng cảm, gan dạ mà hậu phương của họ cũng dũng cảm không kém, luôn là chỗ dựa vững chắc để các anh hoàn thành nhiệm vụ được giao nơi tuyến đầu.