Sau gần một thập kỷ cung cấp dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, năm 2022, lần đầu tiên, Viettel IDC tích hợp thành công tính năng thanh toán Pay as you Go (PayGo) cho dịch vụ Viettel Cloud Server, mở ra cơ hội thâm nhập thị trường cloud quốc tế của công ty.
“Sự khác biệt trong tính năng PayGo của Viettel IDC với các nhà cung cấp quốc tế là chu kỳ thanh toán”, anh Dương Việt Anh, chuyên viên phụ trách sản phẩm PayGo, khẳng định. “Ở thị trường nước ngoài, mỗi khi khách hàng đăng ký gói cước dịch vụ thì nhà cung cấp sẽ tính cước theo từng giờ rồi tổng hợp lại đến cuối tháng mới thực hiện việc trừ cước. Nhưng PayGo của Viettel IDC thì không cần chờ đến cuối tháng, khách hàng có thể theo dõi lịch sử hoạt động, thời gian sử dụng thực tế rồi thanh toán hàng ngày”.
Không bỏ lỡ “điểm rơi”
Trong bối cảnh các ông lớn công nghệ thế giới đang ráo riết thâm nhập thị trường, cũng như khách hàng ở nhiều quy mô khác nhau đã phát sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây linh hoạt, ngắn hạn, Viettel IDC buộc phải nhanh chóng có được giải pháp thanh toán mới. Tích hợp PayGo lên dịch vụ Viettel Cloud Server trở thành nhiệm vụ trọng tâm ngay trong đầu quý III 2022.
“Pay as you Go” – phương thức thanh toán theo dung lượng sử dụng – không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, theo đánh giá của lãnh đạo Viettel IDC, thì điểm rơi chính là vào năm 2022.
“2-3 năm trở lại đây, thanh toán điện tử trở nên quen thuộc. Tệp khách hàng doanh nghiệp sử dụng công nghệ đám mây đã mở rộng hơn, không chỉ còn là những doanh nghiệp lớn, mà giờ đây là những doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ), doanh nghiệp siêu nhỏ, người dùng cá nhân, muốn dùng thời gian ngắn và với chi phí được dự toán trước. Có những khách hàng chưa bao giờ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, họ muốn có cơ hội trải nghiệm nhưng không muốn phải chi trả một số tiền quá lớn. Có cả những khách hàng hiện tại của IDC muốn mở rộng gói hiện tại ra để đáp ứng cho nhu cầu đặc biệt hay sự kiện đặc biệt nào đó trong khoảng thời gian ngắn. Tất cả các nhu cầu phát sinh đó của thị trường cho Viettel IDC thấy đã đến lúc cần phải làm PayGo rồi” – Việt Anh say sưa phân tích.
Sức mạnh của “thích ứng nhanh”
Việt Anh và các cộng sự chỉ có 2 tháng để hoàn thiện sản phẩm đúng “điểm rơi”. Một Agile team – đội cơ động - nhanh chóng được thành lập với nhân sự đến từ các phòng ban khác nhau trong Công ty. “Tổng nhân sự có 11 người. Những nhân sự này đa phần hoặc là rất giỏi kỹ thuật, hoặc là những anh chị làm mảng chiến lược kinh doanh với sự nhạy cảm tốt về nhu cầu khách hàng thôi. Việc của mình là tìm ra được cùng một ngôn ngữ để mọi người cùng hiểu nhau vì mục tiêu chung. Ngoài ra, nhóm cũng có sự hỗ trợ rất nhiệt tình của anh Vũ Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ số, phụ trách mảng phần mềm. Là kiến trúc sư phần mềm, anh Dũng đã có ý tưởng về PayGo từ những năm 2013, 2014 nên khi triển khai, đã đưa ra rất nhiều thông tin, hướng dẫn để cho mọi người làm và đi được đúng hướng thì thời gian mới có thể rút ngắn được như thế” – Việt Anh nhớ lại.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Việt Anh là hôm họp đầu tiên với cả phía kinh doanh, chiến lược, coding… Khi bàn đến việc áp dụng cơ chế tính cước, bên chiến lược đưa ra một bài toán đi khác hoàn toàn hình dung của đội code. Tranh luận nổ ra gay gắt, ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình. Đỉnh điểm, một thành viên trong team code đứng dậy đi ra ngoài khiến tất cả bất ngờ. Buổi họp dừng lại. Nhưng sau một ngày “tiêu hóa” đề bài, ngày hôm sau, mọi người họp lại, chia ra những vấn đề từ nhỏ nhất để cùng hiểu, cùng giải quyết và từ đó trôi luôn. Tranh luận đã giúp nhóm đưa ra được giải pháp và mọi người đều có cùng quyết tâm, xây dựng và cùng giải quyết. “Sau cuộc họp đó, hàng chục kịch bản khác nhau được đưa ra để làm và kiểm thử. Không thể nhớ và đếm hết được bao nhiêu kịch bản đã lên vì mỗi khâu lớn lại chia nhỏ ra các trường hợp, giả định riêng. Tất cả anh em đều cùng tham gia như bánh răng của một cỗ máy vậy. Ví dụ như khi mình đưa yêu cầu, dựng nghiệp vụ này thì đội code sẽ làm ra sản phẩm, rồi đến khâu kiểm, tìm ra lỗi thì phải điều chỉnh lại. Đó là một vòng lặp liên tục để tìm ra đáp án”, Việt Anh kể.
Thích ứng nhanh là giá trị cốt lõi của người Viettel. “Điều thú vị nhất ở Viettel IDC nói riêng và các đơn vị của Viettel nói chung là, mỗi dự án là một đầu bài khác nhau, thách thức khác nhau. Thích ứng nghĩa là chúng ta tự tìm tòi, tự tìm lời giải. Lời giải của PayGo không phải cho riêng nhóm, mà là lời giải cho cả một thị trường mà Viettel IDC đang hướng đến”, người phụ trách sản phẩm khẳng định.