Viettel Cloud: Từ nhà kho dữ liệu khổng lồ thành "siêu chợ trên mây"

Khi đóng gói tất cả dịch vụ điện toán đám mây vào một hệ sinh thái, Viettel Cloud trở thành một "market place" để các bên thứ 3 có thể tự thao tác qua giao diện web. Họ chỉ cần lựa chọn, click chuột và nhận kết quả trong vòng vài phút.


Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Viettel Cloud khi ra đời đã ý thức là một hệ sinh thái đầy đủ các dịch vụ. Đây là hướng đi đúng"

Trước đây, khi cần sử dụng dịch vụ an ninh mạng, anh Phạm Thành Giang - chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản tại Hà Nội đã tìm đến một công ty cung cấp dịch vụ bảo mật, an toàn thông tin có tiếng.

Do công ty của anh Giang chưa có hạ tầng công nghệ, trước khi xây dựng được hệ thống an ninh mạng, anh phải tìm đến một đơn vị khác để thuê hạ tầng điện toán đám mây nhằm xây dựng “kho” lưu trữ hệ thống dữ liệu.

Chưa kể đến việc anh đang muốn xây dựng một chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm chế biến từ nông sản Việt và cần các giải pháp công nghệ cho việc quản lý, vận hành cũng như chăm sóc khách hàng. Anh sẽ lại phải tìm đến một đơn vị cung cấp khác. Anh Giang khá e ngại về việc các nhà cung cấp khác nhau có thể “xung đột” về kỹ thuật và khiến anh mất nhiều thời gian, chi phí hơn nữa.

Giờ đây, việc phải tìm đến nhiều nơi cho các dịch vụ như vậy sẽ không còn xảy ra nếu khách hàng sử dụng hạ tầng điện toán đám mây của Viettel từ sau ngày 14/10/2022.

Hệ sinh thái cloud nội địa ngang tầm các dịch vụ quốc tế hàng đầu

Tại Việt Nam hơn một thập kỷ qua, điện toán đám mây (cloud) đã trở thành một khái niệm quen thuộc. Dù không phải ai cũng hiểu chính xác điện toán đám mây là gì, nhưng khi làm việc trong môi trường văn phòng công sở, hầu như từ cá nhân cho đến doanh nghiệp đều từng sử dụng dịch vụ cloud của một nhà cung cấp nào đó.

Các nhà cung cấp dịch vụ cloud đưa ra 3 mô hình cơ bản: IaaS (cơ sở hạ tầng như một dịch vụ), PaaS (nền tảng như một dịch vụ) và SaaS (Phần mềm như một dịch vụ). Trong khi các Big Tech trên thế giới như Amazon, Microsoft, Google… đã cung cấp đầy đủ dịch vụ từ lâu thì các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chủ yếu chỉ cung cấp một mô hình hoặc có đủ cả 3 nhưng tách biệt chứ không cùng một hệ sinh thái 

Kể từ khi Viettel Cloud ra mắt, lần đầu tiên, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ công nghệ, đã tích hợp toàn trình các cấu phần của một hệ sinh thái cloud với trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành.

Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud cung cấp hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (Nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Nền tảng Internet vạn vật). 

Cloud của Viettel: Xưa và nay

Viettel đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai hạ tầng điện toán đám mây nội bộ từ năm 2018 dựa trên các công nghệ mở. Đến nay, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn.


Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng: "Viettel Cloud là mảnh ghép rất quan trọng trong việc xây dựng đồng bộ, hiện đại một hạ tầng số quốc gia".

Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack. Viettel Cloud có lợi thế nhờ sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất Đông Dương, 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng lớn nhất Việt Nam và hơn 500.000 km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh, thành phố.

Giống như trong nhiều lĩnh vực, trong công nghệ, xu hướng “all in one” hay tích hợp đa nền tảng đã trở thành xu hướng toàn cầu. Không chỉ là hạ tầng, Cloud đã trở thành nền tảng tích hợp nhiều ứng dụng phần mềm hay có thể gọi một cách dễ hiểu là “siêu chợ” (market place) trên mây, một điểm đến – đa dịch vụ (one stop shopping) cho khách hàng.

Nhờ sở hữu nhiều công ty thành viên nghiên cứu chuyên sâu các mảng công nghệ khác nhau và đội ngũ hơn 1.500 kỹ sư, chuyên gia về cloud, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng,  Viettel cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu trên không gian mạng như:  an ninh mạng, giải pháp số cho doanh nghiệp và các tổ chức, ứng dụng chuyển đổi số cho ngành giáo dục, y tế, giao thông…

Khi "đóng gói" tất cả các dịch vụ này trong một hệ sinh thái, Viettel Cloud trở thành một "market place" để các bên thứ 3 – bất cứ cá nhân, tổ chức có thể tự thao tác qua giao diện web. Họ chỉ cần lựa chọn, click chuột và nhận kết quả trong vòng vài phút.