VIETTEL DIGITAL TALENT: Tài năng trẻ tỏa sáng từ thực chiến

“Viettel Digital Talent không phải chỉ đề đào tạo nhân sự cho Viettel mà xuất phát từ mong muốn đào tạo những nhân tài công nghệ cho đất nước, phục vụ chuyển đổi số. Với những nền tảng, kiến thức thu được ở đây sẽ giúp các em có thể tỏa sáng dù cho bất cứ ở đâu, lĩnh vực nào”.

Đó là lời khẳng định của Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tại Lễ bế giảng Viettel Digital Talent mùa 2 - một chương trình thực tập sinh tìm kiếm nhân tài chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số của Viettel.

Học hỏi từ các chương trình thực tập sinh lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Viettel Digital Talent (VDT) là chương trình tìm kiếm nhân tài về Cloud, Cyber Security, Data Science & AI, Internet of Things, Marketing. Những sinh viên xuất sắc nhất được lựa chọn tham gia các dự án thực tế với sự kèm cặp của các chuyên gia đồng hành (mentor) ngay trong Viettel.

Viettel Digital Talent mùa 2 đã thu hút gần 1.000 hồ sơ ứng tuyển, tuyển chọn 115 thực tập sinh (Giai đoạn đào tạo) và 70 thực tập sinh (giai đoạn tham gia dự án thực tế) và ký hợp đồng lao động với 45 thực tập sinh.

Tìm kiếm nhân tài cho sứ mệnh của Viettel

28 triệu người đang sử dụng TV360 – một “ngôi sao mới nổi” trên thị trường OTT video Việt Nam, nhưng có lẽ không nhiều trong số đó biết rằng hệ thống gợi ý trên nền tảng ứng dụng này có sự đóng góp rất lớn của một cậu sinh viên trẻ. Đó là Vũ Minh Thanh – ứng viên chương trình tìm kiếm tài năng Viettel Digital Talent mùa hai.

“Trong quá trình học, mình được giảng dạy bởi rất nhiều chuyên gia không chỉ trong nước mà còn ngoài quốc tế. Các anh chị đào tạo không chỉ dạy về chuyên môn mà còn chia sẻ, hướng sinh viên đến thực tế nhiều hơn”, Thanh chia sẻ.

“Vấn đề gợi ý nội dung cho người dùng mới sử dụng, cũng như vấn đề hiệu năng ngày một lớn. Được sự khích lệ của người hướng dẫn, mình đề nghị sử dụng mô hình RecVAE”, chàng trai say sưa kể về đứa con tinh thần của mình. “Điều may mắn nhất là mình còn được Ban giám đốc của Trung tâm và Tổng công ty quan tâm. Trước mỗi buổi trình bày từ buổi bảo vệ dự án trước hội đồng, mình đều được các anh chị Ban Giám đốc quan tâm, góp ý chi tiết cho bài trình bày tốt hơn”.

Kết quả là TV360 có hệ thống gợi ý những nội dung làm việc ngay cả đối với người mới sử dụng. Phương pháp cũng giải quyết được vấn đề hiệu năng và trải nghiệm khi lượng người dùng lớn. Vũ Minh Thanh đã xuất sắc giành giải quán quân chương trình Thực tập sinh tài năng 2022.

Giúp thế hệ trẻ tự tin “biến điều không thể thành có thể”

70 thực tập sinh tham gia giải quyết các vấn đề trong các dự án phục vụ kiến tạo xã hội số của Viettel, 45 bạn trẻ trở thành người Viettel, đó chỉ là bề nổi cho thành công của VDT. Chương trình không còn tìm kiếm, mà còn ươm mầm, giúp thế hệ trẻ tự tin tham gia xây dựng xã hội số của Việt Nam.

Nguyễn Thị Nguyệt Minh, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tham gia VDT với tinh thần ban đầu chỉ là thử sức bản thân.  “Trong giai đoạn 1, em thực hiện một đề án trong lĩnh vực kinh doanh B2B, đề xuất xúc tiến bán giải pháp Tự động hoá thông minh với một khách hàng lớn của TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions). Ở giai đoạn sau, em được mentor giàu kinh nghiệm hướng dẫn và đề xuất sáng kiến ý tưởng Tăng sức cạnh tranh của Viettel trên thị trường giải pháp CNTT cho doanh nghiệp bán lẻ” – Minh chia sẻ.

Sau chương trình, dù không đạt được vị trí cao, nhưng tài năng của Nguyệt Minh vẫn được ghi nhận và Viettel Solutions đã giữ em lại làm việc. “Em nghĩ thành tựu lớn nhất sau khi tham gia VDT là sự tự tin vào chính mình. Viettel biến những điều không thể thành có thể, không chỉ với những chiến lược của Tập đoàn mà cả với con người nữa”, Minh khẳng định.

Giống như Minh, Nguyễn Hoàng Vũ, sinh viên năm 4 ĐH Bách Khoa Hà Nội, cũng trải qua cảm giác “ngỡ chỉ là mơ” khi được tham gia vào dự án mô phỏng của Viettel - điều trước đây em chưa tin là doanh nghiệp ở Việt Nam làm được, chứ chưa nói đến chuyện bản thân được tham gia vào. “Ngay ngày đầu tiên làm việc tại Trung tâm Mô hình mô phỏng (VHT), em đã được nghe các anh chị mô tả về hướng đi phát triển của Trung tâm. Trong đó có chủ trương xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm dân sự liên quan đến trang phục và các phụ kiện thời trang. Năm trước, Trung tâm đã phát triển thành công ứng dụng gương thử quần áo, cho phép người dùng quan sát hình ảnh bản thân với các trang phục lựa chọn trong gương. Tiếp nối những ý tưởng, em đề xuất chính ứng dụng thử giày ảo Shoe AR TryOn trên các thiết bị di động. Được các anh chị ủng hộ, em đang nỗ lực hết sức để có thể ra mắt ứng dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.” – Vũ bày tỏ.

Những trải nghiệm trong môi trường thực chiến với những bài toán quy mô lớn của Viettel đối với tất cả các thực tập sinh Viettel Digital Talent là điều mà trong môi trường đại học các em sẽ khó có thể có được. Nhưng quan trọng hơn, những trải nghiệm đó sẽ giúp tạo ra một thế hệ các tài năng dù làm việc với Viettel hay doanh nghiệp nào khác cũng nhanh chóng có thể phát huy được năng lực bản thân để đóng góp vào sự nghiệp chuyển đổi số, kiến tạo tương lai công nghệ cho đất nước.