"Innovation distinguishes between a leader and a follower.”

Sự đổi mới phân biệt giữa người đi đầu và người đi sau.

Steve Jobs

Kính gửi Quý bạn đọc,

Với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ như Viettel nói riêng, Đổi mới sáng tạo là một yêu cầu bắt buộc. Nếu không có đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp không thể tồn tại được. Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn thay đổi, khác biệt. Công nghệ phát triển sinh ra hàng loạt dịch vụ mới, doanh nghiệp mới. “Không thay đổi, không khác biệt đồng nghĩa với việc tự đào thải.”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng nhận định.

Tại Viettel, Đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những giá trị cốt lõi của Viettel, đóng vai trò “sức sống” cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển, hoạch định chiến lược. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, người Viettel luôn tự hào về những thành tựu trong ĐMST, làm nền tảng cho sự phát triển để đưa Viettel đến ngày hôm nay.

Với phương châm: Suy nghĩ không cũ về những gì không mới và trân trọng tôn vinh những ý tưởng nhỏ nhất, hãy cùng Viettel Family ngắm nhìn những thành tựu nổi bật trong hoạt động Đổi mới sáng tạo của Viettel tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2023. Cùng Viettel và các tổ chức, doanh nghiệp cộng hưởng sức mạnh, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Trân trọng,

Ban Biên tập

Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) 2023, Tập đoàn Viettel gây ấn tượng mạnh với hệ sinh thái 5G với thành phần phức tạp nhất - CHIP 5G DFE đầu tiên của Việt Nam, và hệ sinh thái AI.

Gian hàng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội). Điểm nổi bật của gian hàng Viettel là hệ sinh thái 5G và hệ sinh thái AI - hai hệ sinh thái nổi bật về sự tiên phong đổi mới sáng tạo được thương hiệu này mang đến trưng bày.

VIIE 2023-1.jpg

Nổi bật nhất trong hệ sinh thái 5G Viettel là con CHIP 5G DFE, thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái - do các kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn việc thiết kế. Dòng chip này có khả năng tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây, giúp xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối thu, phát tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Đây là sản phẩm được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.

VIIE 2023-2.jpg

Anh Võ Tùng Cương, kỹ sư Viettel tham gia thiết kế chip cho biết việc sử dụng Chip do người Việt tự nghiên cứu, sản xuất giúp chúng ta đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia. Vì thế, Viettel quyết tâm làm chủ bằng được công nghệ sản xuất chip 5G. Đây cũng là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

VIIE 2023-3.jpg

Tiến sĩ Stefan Laser, giảng viên Đại học người Đức, lĩnh vực năng lượng trao đổi với anh Lê Thái Hà - Giám đốc trung tâm Chip, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel về kết quả nghiên cứu mới nhất của Viettel. Tiến sĩ Stefan Laser bày tỏ sự ấn tượng với những gì mà Viettel đã đạt được.

VIIE 2023-4.jpg

Bên cạnh CHIP 5G DFE, Viettel còn làm chủ thiết kế, tự sản xuất được các thiết bị khác trong hệ thống mạng 5G như các thiết bị truyền dẫn, trạm thu phát sóng, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G. Trong ảnh là bảng mạch 5G có 32 ăng ten thu và 32 ăng ten phát, có vùng phủ sóng rộng, có thể đáp ứng 1.500 chiếc điện thoại.

VIIE 2023-5.jpg

Thiết bị truyền dẫn tốc độ cao 5G, nhanh gấp hàng chục lần thiết bị truyền dẫn 4G. Hiện Viettel đã chế tạo 700 bộ và thử nghiệm thành công tại 4 tỉnh, thành trên cả nước.

VIIE 2023-6.jpg

Bên cạnh hệ thống mạng 5G, Viettel cũng “trình làng" Viettel AI Video KYC. AI vượt trội với các chat bot khi giao tiếp bằng video, tạo thiện cảm với khách hàng. Không những thế, Viettel AI Video KYC còn giúp xác minh khách hàng, có khả năng đọc khẩu hình miệng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 60 tỷ đồng/năm. Tỉ lệ duyệt đơn hàng trên bot xấp xỉ 90%, giúp xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi video call mỗi tháng, hoạt động 24/7.

VIIE 2023-7.jpg

Viettel cũng giới thiệu trợ lý ảo pháp luật để sử dụng trong toà án và cho các công chức. Trong đó, trợ lý ảo pháp luật sử dụng trong toà án đã đưa vào hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ, hơn một triệu bản án. Còn trợ lý công chức đã được tích hợp hơn 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Bên cạnh đó, trợ lý ảo pháp luật còn tích hợp Chat GPT để suy đoán nghĩa của câu hỏi và giúp đưa ra câu trả lời một cách tự nhiên hơn.

VIIE 2023-8.jpg

Anh Bùi Mạnh Trí (áo trắng, đang công tác tại ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Thái Bình) cho biết anh là người thường xuyên cần tra cứu luật pháp nên trợ lý ảo pháp luật của Viettel giúp giảm thời gian làm việc, đáp ứng được các câu hỏi cơ bản. Tương lai, anh hy vọng trợ lý ảo sẽ được tiếp tục cải tiện, tích hợp thêm nhiều văn bản pháp luật.

VIIE 2023-9.jpg

Nhiều cơ hội hợp tác mới cũng được mở ra trong khuôn khổ triển lãm Đổi mới sáng tạo. Trong ảnh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Đình Chiến đang trao đổi với đại diện của John Cockerill – một Tập đoàn của Bỉ trong lĩnh vực năng lượng.

Nằm trong khu vực trình diễn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (cơ sở Hòa Lạc), gian hàng Viettel được thiết kế theo mô hình triển lãm Digital đa chiều, kết hợp giữa trình diễn giải pháp công nghệ và những hình ảnh truyền cảm hứng mang tính nghệ thuật, thể hiện xuyên suốt tinh thần “Khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Gian hàng của Viettel đã được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm trong sáng 28/10.

Quá trình từ nghiên cứu công nghệ 5G của Viettel bắt đầu đạt thành tựu từ năm 2019, đến nay đã khẳng định việc một hạ tầng viễn thông 5G được làm chủ hoàn toàn, bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.

Một sự kiện nổi bật của ngành công nghệ Việt Nam vừa được công bố tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023): Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công Chip 5G. Đây là bước tiến mới nhất khẳng định Viettel đã làm chủ hoàn toàn hạ tầng viễn thông 5G bao gồm từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, thiết bị truy cập vô tuyến cho đến mạng lõi.

Những sản phẩm đột phá làm nên hạ tầng viễn thông 5G

Thông tin cho biết, dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Lần đầu tiên và duy nhất cho tới giờ, tại Việt Nam, một dòng chip cao cấp và phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G đã được phát triển và thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Viettel. Đó là dòng Chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys, nhà cung cấp thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới đánh giá cao.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á chia sẻ “Tôi rất xúc động khi Viettel thông báo cho tôi là người đầu tiên khi Chip sản xuất xong mang về chạy với kết quả rất tốt. Quá trình làm ra con chip đối với nhóm kĩ sư Việt Nam là một việc rất khó, nếu trục trặc không hoạt động được thì có rất nhiều hậu quả. Thứ nhất là làm cho mình mất tinh thần về việc kỹ sư Việt Nam có thể làm con chip hiện đại như thế hay không, thứ hai là rất tốn kém về việc đầu tư. Vì vậy chúng tôi đã áp dụng công nghệ cao cấp nhất để làm sao để 1 lần sản xuất là về chạy được luôn. Đúng là may mắn với con chip 5G DFE của Viettel thì về chạy được ngay, chúng tôi rất là hạnh phúc”.

Tiến sỹ Lê Thái Hà, Kỹ sư trưởng công nghệ, Trung tâm vi mạch Viettel High Tech (VHT) cho biết “Với nền tảng Việt Nam thì để tiếp xúc, làm chủ được công nghệ này thì từ 2018, 2019 về trước thì không thể. Đây là những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong thiết kế chip. Chúng tôi đã được hỗ trợ của Synopsys, cử đội ngũ kĩ sư sang R&D Center ở Bỉ".

Ngoài Chip 5G, Viettel cũng mang đến Triển lãm những sản phẩm nổi bật tạo nên hạ tầng viễn thông như thiết bị thu phát 5G gNodeB (8T8R – thiết bị phủ sóng sâu cho các khu dân cư có mật độ cao, 32T32R – thiết bị có vùng phủ sóng rộng, là sản phẩm chủ đạo của các nhà khai thác mạng 5G), trạm thu phát 5G gNodeB, thiết bị truyền dẫn Site Router 100G, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G. Đây là các thành phần quan trọng xây dựng nên hạ tầng mạng viễn thông 5G mà Viettel đã công bố làm chủ công nghệ toàn phần.

Trước đó, 3 sản phẩm trong hệ sinh thái 5G Viettel gồm 5G gNodeB, vOCS 4.0 và 5G Core đã được công ty nghiên cứu hàng đầu thế giới - Gartner đưa vào danh sách đánh giá các sản phẩm quốc tế uy tín Gartner Peer Insights.

5G gNodeB đã được triển khai tại 5 tỉnh thành Việt Nam với tổng gần 300 trạm. vOCS – hệ thống tính cước tự động phiên bản 4.0 cho mạng 5G hiện đã hoàn thành thử nghiệm trên một triệu thuê bao. Trước đó, các phiên bản cho mạng 3G, 4G đã phục vụ tại 11 quốc gia với quy mô dân số trên 300 triệu. Thiết bị 5G Core đã được đưa vào mạng lưới Viettel và đổ tải thành công hơn 250.000 thuê bao.

Hành trình làm chủ hạ tầng viễn thông 5G của Viettel

Cuối năm 2018, Viettel mới tuyên bố sẽ tham gia thử nghiệm công nghệ 5G và hé lộ việc đang nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G. Rất nhanh chóng, tháng 4/2019, Tập đoàn này đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép.

Năm 2019 chính là năm ghi nhận Viettel đạt được những thành công đầu tiên trong việc nghiên cứu và làm chủ công nghệ 5G.

Hệ thống thu phát 5G gNodeB được nhắc đến ở trên được đội ngũ kỹ sư của Viettel phát triển trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G-eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Đó là điều kiện để đầu năm 2020, Viettel thực hiện được cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính họ nghiên cứu, sản xuất. Sự kiện này tạo thành dấu mốc lịch sử trong ngành công nghệ Việt Nam khi một doanh nghiệp nội địa chính thức làm chủ công nghệ mạng tiên tiến nhất thế giới. Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G giúp Viettel chủ động trong triển khai 5G cho mạng di động của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm.

Cuộc nghiên cứu này thực tế đối với Viettel không hề dễ dàng khi các kỹ sư đã từng phá thiết bị do chính mình làm ra để đánh giá lại chất lượng. Các sản phẩm tiến bộ dần từ nghiên cứu trạm 5G công suất nhỏ cho đến trạm 5G công suất lớn.

Đầu năm 2023, Viettel công bố cùng Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (3T32R) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm. Tiếp theo thành công này, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64T64R) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.

Việc nghiên cứu thành công Chip 5G DFE vừa được công bố khẳng định Viettel đã xây dựng và làm chủ được một hạ tầng viễn thông 5G được bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.

Như vậy, từ một nước đi sau về 4G, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G và trở thành doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị, đặc biệt là thiết bị mạng 5G. Điều này bảo đảm cho một nền tảng viễn thông an toàn, bảo mật, phục vụ đắc lực chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông ST Liew - Phó chủ tịch Qualcomm Technologies chia sẻ tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, 5G sẽ mang lại doanh thu toàn cầu đạt 13,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035. Trong đó, chip sẽ trở nên cực kỳ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của con người, từ lúc chúng ta thức dậy cho đến khi chúng ta đi ngủ.

Việc Viettel có thể làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại. Đồng thời, là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảm nhận được tinh thần quyết tâm và khát khao đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, của mỗi người dân Việt Nam khi tham dự lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Hoà Lạc và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là sự kiện 2 trong 1 rất quan trọng và ý nghĩa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Và quyết tâm, khát khao đó không chỉ tới từ các cơ quan quản lý. Tham quan triển lãm, ghé thăm các gian hàng và nghe giới thiệu về các sản phẩm, người đứng đầu Chính phủ cho biết ông cảm nhận được tinh thần quyết tâm và khát khao đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, của mỗi người dân Việt Nam. Thủ tướng cũng đặt niềm tin vào năng lực đổi mới sáng tạo của các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nước nhà.

Trong số 200 gian hàng tại triển lãm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian ghé thăm gian hàng của Tập đoàn Viettel, nơi trưng bày các công nghệ 5G tự phát triển, bao gồm cả Chip 5G vừa được thử nghiệm thành công cùng các ứng dụng Trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) với thông điệp “Technology with heart – Công nghệ từ trái tim”.

Đưa công nghệ “viễn tưởng” vào cuộc sống

Đến với VIIE 2023, hai trong số các sản phẩm tiêu biểu của Tập đoàn Viettel là mô hình trợ lý ảo phục vụ ngành tòa án và giải pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động - Viettel AI Video KYC. Không còn là chatbot phản hồi người dùng theo những mẫu câu được thiết lập sẵn, trợ lý ảo AI của Viettel đã “tiến hóa” với những khả năng khiến nhiều người ngạc nhiên vì nghĩ chỉ có trong “phim viễn tưởng”.

Trợ lý ảo pháp luật phục vụ Hệ thống Tòa án là trợ lý ảo duy nhất ở Việt Nam sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy. Trợ lý ảo này sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ, và hơn 1 triệu bản án trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án Nhân dân tối cao cung cấp.

Được xây dựng trên nền tảng Viettel Cyberbot, trợ lý ảo phục vụ ngành tòa án nói riêng, các trợ lý ảo do Tập đoàn Viettel phát triển nói chung, đều có khả năng xử lý tốt nhất hội thoại, giọng nói và ngôn ngữ tiếng Việt. Công nghệ này khiến Viettel Cyberbot đặc biệt hữu ích trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động qua Callbot và Chatbot.

Không chỉ tối ưu nguồn nhân lực, khả năng tương tác tự nhiên và thân thiện với khách hàng của các trợ lý ảo còn giúp doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số, qua đó tạo điều kiện để người dùng tiếp cận gần hơn với những “công nghệ của tương lai”.

Khác với quan niệm của đại đa số người dùng về những chatbot (vốn chỉ trả lời các câu hỏi theo mẫu), Tập đoàn Viettel đã áp dụng hàng loạt công nghệ tối tân để Cyberbot tự nhiên nhất có thể. Công nghệ nhận dạng tiếng nói tự động (Automatic Speech Recognition) cho phép chuyển đổi lời thoại của người dùng thành ký tự với độ chính xác lên tới 95% cùng khả năng chống nhiễu hiệu quả. Công nghệ tiếng nói nhân tạo cho phép các bot có thể phản hồi khách hàng với giọng nói tự nhiên tới 95% như giọng người thật.

Ngoài ra, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) cho phép xác định được các ý định, thực thể nhắc đến trong hội thoại, giúp bot hiểu và tương tác tốt với khách hàng. Bên cạnh những tri thức được nạp vào, bot còn có khả năng tự học từ chính các tình huống, góp phần nâng cao độ hoàn thiện từng ngày.

Chính nhờ những ưu điểm đó, Viettel Cyberbot có thể ứng dụng trong đa dạng ngành nghề, từ Viễn thông, Tài chính - Ngân hàng, Dịch vụ hành chính công, Y tế, Giáo dục, Giao vận, Quản lý Khách sạn…. Bên cạnh tối ưu chi phí và tiết kiệm thời gian, những nhân sự ảo, hoạt động 24/7, còn góp công không nhỏ trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc đáp ứng ngay lập tức mọi nhu cầu của khách hàng.

Công nghệ Việt bắt kịp thế giới

Nối dài những thành tựu đã đạt được, Tập đoàn Viettel tiếp tục “trình làng” những công nghệ mới với mục tiêu cuối cùng là mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Giải pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động Viettel AI Video, không chỉ giúp doanh nghiệp này tiết kiệm gần 60 tỷ đồng/năm mà còn là lời khẳng định công nghệ Made in Vietnam đang bắt kịp với xu hướng tiên phong của thế giới.

Bên cạnh khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Viettel AI Video KYC còn được trang bị tính năng thị giác máy tính trên nền tảng Big Data và Cloud… để giải quyết linh hoạt các bài toán của tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

Cụ thể, Viettel AI Video KYC, nằm trong dự án AI Human, có thể thực hiện xác minh khách hàng, giao tiếp bằng giọng nói và xử lý hình ảnh tự động. Chỉ cần gọi điện thoại lên tổng đài, trợ lý ảo có thể xác định danh tính người dùng và phản hồi các yêu cầu của khách hàng theo thời gian thực. Nhà phát triển cho biết tỉ lệ duyệt đơn hàng trên bot khoảng 90%, hệ thống xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi video call mỗi tháng, hoạt động 24/7.

Để hiểu hết về năng lực của Viettel AI Video KYC, bộ phận chăm sóc khách hàng của Viettel Telecom - một đơn vị của Tập đoàn Viettel, có lẽ là địa chỉ phù hợp nhất. Xuất hiện trong hình hài một cô nhân viên chăm sóc khách hàng trên màn hình thiết bị thông minh của người dùng, Viettel AI Video KYC không chỉ giải đáp tốt những thắc mắc của khách hàng thay cho nhân viên thực mà còn gây ấn tượng với những cử chỉ, điệu bộ và biểu cảm rất giống với con người.

Dựa trên dữ liệu người dùng, “nhân viên AI” có khả năng thấu hiểu khách hàng vượt trội so với các đồng nghiệp bằng xương bằng thịt. Chính điều này giúp tạo nên sự cá thể hóa với từng khách hàng, qua đó đáp ứng đúng, trúng và phù hợp với nhu cầu, mong muốn của người dùng.

Khi khách hàng đã quen với việc giao tiếp với trợ lý ảo, Tập đoàn Viettel tiếp tục nỗ lực để làm chủ những công nghệ tiên tiến hàng đầu, xây dựng nền tảng để các trợ lý AI ngày càng thật và hữu ích với người dùng. Ở chiều ngược lại, chính những trải nghiệm tích cực của khách hàng sẽ giúp các trợ lý ảo AI trở nên phổ dụng hơn, góp phần thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đề ra.