Định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng và Hàng không Vũ trụ, M3 gần đây đã trở thành một “thương hiệu” thu hút được sự chú ý của nhiều nhân lực có trình độ. Dù điểm làm việc nằm ở cách xa trung tâm Thủ đô, vẫn có nhiều nhân sự chất lượng cao tình nguyện “đầu quân” cho M3. Đằng sau sự chuyển mình của công tác tuyển dụng đó là những bước đi vững chắc để thu hút và giữ chân nhân tài.
Là người trực tiếp tuyển mộ, tuyển chọn nhân sự, chị Đinh Thị Thanh Tình, Phó Phòng Tổ chức lao động của M3 chia sẻ, những bước phát triển nhanh, vững chắc về công nghệ của M3 mới đây có phần đóng góp chủ chốt từ những nhân tài mới gia nhập ngôi nhà chung. Tuy không dày dặn trong thâm niên làm việc tại công ty, những nhân tài này vẫn có năng lực và vai trò rất quan trọng đối với những thành quả M3 đạt được và cả định hướng trong tương lai.
“Nguồn lực ở M3 có nhiều trình độ khác nhau, từ trình độ thợ nghề, kỹ sư lên tới tiến sĩ, trong đó, lực lượng sản xuất chiếm 60-70. M3 rất khác biệt, đây là công ty thuộc tập đoàn lớn của Quân đội - vừa sản xuất, vừa kinh doanh và lại có những nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Bởi vậy, cũng phải có những đường lối mới trong công tác tuyển mộ, tuyển chọn nhân lực”, chị Tình nhận định. “Chẳng hạn với thợ nghề, công ty tập trung khai thác những nguồn nhân lực đã có trình độ cơ bản và tay nghề cao, sau khi được tuyển dụng sẽ tập trung vào phát triển tay nghề, tập trung vào cơ khí chính xác, như đào tạo về tiện xi, xay xi. Đối với các công việc như nguội khuôn, hàn nhôm thì ngay trong khâu đầu vào, M3 đã phải thu hút những thợ có trình độ bàn tay vàng”.
Ngay cả trong thời gian được cử đi học để phát triển thêm về tay nghề, tạm không tham gia sản xuất, người thợ vẫn được bảo đảm các chế độ lương thưởng
Thu hút bằng đãi ngộ tương xứng
“Nhân tài là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của M3. Không thể chỉ đòi hỏi cống hiến, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng chi lớn để lôi kéo các nhân sự trình độ cao như hiện nay. M3 nhận thức rất rõ thực tế này”, Trung tá Đặng Đình Thi, Giám đốc Công ty M3, nhận định. Theo người đứng đầu đơn vị, với những nhân sự thực sự xuất sắc, M3 có những cơ chế đãi ngộ đặc biệt.
Chẳng hạn, đối với thợ trực tiếp sản xuất làm ra sản phẩm, mức lương được xây dựng ở tầm tương xứng. Ngay cả trong những thời gian được cử đi học để phát triển thêm về tay nghề, tạm không tham gia sản xuất, người thợ vẫn được bảo đảm các chế độ lương thưởng. Hay khi tìm được những thợ tay nghề cao, M3 sẽ linh hoạt ký hợp đồng vô thời hạn luôn không cần thời gian thử việc và có chế độ phúc lợi nhiều ưu đãi trong thời gian đầu làm việc.
Một điểm khác biệt nữa ở M3 nằm ở cơ chế trích một phần lợi nhuận để thưởng trực tiếp cho đội ngũ phát triển sản phẩm thành công, có giá trị làm lợi lớn khi đưa vào sản xuất kinh doanh. “Thực tế ở M3 chưa thời kỳ nào CBCNV được khích lệ bằng khen thưởng như 3 năm vừa qua, đã có những nhóm được thưởng đến hàng trăm triệu đồng”, Trung tá Đặng Đình Thi cho biết.
Lý giải cho những chế độ đãi ngộ đáng mơ ước này, người đứng đầu M3 chia sẻ, cơ chế được xây dựng nhằm khuyến khích sáng tạo, cũng như tinh thần thực tế trong nghiên cứu, sản xuất. Ở nhiều đơn vị khác, việc nghiên cứu và sản xuất để hướng tới thương mại trên thị trường hoàn toàn tách rời. Nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm chỉ làm theo dự án, việc sản xuất, giá cả và chất lượng sản phẩm như thế nào thì họ không biết hoặc không quan tâm. Nhưng với M3, câu chuyện này hoàn toàn khác biệt. Để thúc đẩy ý thức toàn trình về sản phẩm, bộ phận nghiên cứu luôn gắn với sản xuất, tham gia trực tiếp vào sản xuất, và có tư duy rất rõ trong đầu là sản phẩm ra để kinh doanh trên thị trường.
Bộ phận nghiên cứu luôn gắn với sản xuất và có tư duy rất rõ trong đầu là sản phẩm ra để kinh doanh trên thị trường
Giữ chân với văn hóa riêng biệt
Dù xây dựng nhiều cơ chế thu hút nhân tài, tuy nhiên theo góc nhìn của M3, đãi ngộ mới chỉ là điều kiện cần. Cũng đã có không ít lần, chị Đinh Thị Thanh Tình phải tiếc nuối từ bỏ nhân sự tiềm năng.
“Người tài không phải cứ chỗ nào lương cao là họ chạy đến ngay đâu. Họ cũng cần một môi trường văn hóa làm việc phù hợp nữa. Với đặc thù là đơn vị kinh doanh độc lập, M3 có ưu thế linh hoạt về các quy trình triển khai. Ở các đơn vị khác, do những yêu cầu thủ tục, một người có thể mất cả năm trời mới có thể mở được một đề tài, nhưng với M3, quyết định có thể được đưa ra rất nhanh. Đây là điều các kỹ sư đánh giá rất cao. Những ý tưởng mới cần được thực hiện nhanh nhất có thể, vì thời gian là tiền, không nên mất thời gian sa đà vào các thủ tục hành chính nặng nề”, Trung tá Đặng Đình Thi nhận định.
Mới đây M3 đã hợp tác với Viettel Post và Viettel Cyberspace Center triển khai chương trình nghiên cứu sản xuất robot phục vụ văn phòng và trong kho hàng hóa. Thời gian từ khi có chủ trương đến khi quyết định triển khai được tính bằng ngày, thay vì mất nhiều tháng, thậm chí cả năm để xây dựng đề tài theo cách làm thông thường.
Trong văn hóa làm việc ở M3 còn một điểm giữ chân người tài khác là tinh thần “một người giỏi nhiều nghề”, để các thành viên luôn được làm mới bản thân. “Mỗi nhân sự khi vào làm việc chính thức luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân, được thử sức với các “sân chơi” thi tay nghề, được va chạm với bên ngoài, cọ xát với chính những thợ giỏi khác. Đặc biệt, những nhân sự có năng lực sẽ được thử thách ở nhiều vị trí khác nhau, luân chuyển qua nhiều chức vụ để vượt qua giới hạn bản thân. Những nhân viên, cán bộ lâu năm ở M3 đều hay nói với lính mới rằng “Thành tài ở M3 thì đi đâu cũng sống được”, chị Đinh Thị Thanh Tình chia sẻ.
Phó phòng Tổ chức Lao động công ty nêu dẫn chứng trong Hội thi thợ giỏi Ngành Cơ khí toàn quân lần thứ V - năm 2021, công ty M3 đã có 8 thợ tham gia tranh tài trên cả 4 nghề là: Phay, Nguội, Hàn, Tiện. Nhóm thợ M3 đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn và có 7/8 thí sinh tham gia đạt giải.
Đào tạo nâng cao tay nghề và kiến thức là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài ở M3
“Con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Một đơn vị muốn đạt đẳng cấp quốc tế, chắc chắn phải có những con người ở tầm mức quốc tế và có một văn hóa doanh nghiệp phù hợp. M3 là một doanh nghiệp nhà nước có lịch sử 50 năm, nhưng chỉ thực sự kinh doanh theo thị trường trong mấy năm gần đây. Đó là thách thức đối với M3. Chúng tôi cần phải xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với một công ty công nghệ nghiên cứu sản xuất. Và chúng tôi đang tích cực đầu tư vào con người, để M3 không chỉ có chuyên môn tay nghề cao mà cần phải thích ứng và góp phần làm cho văn hóa công ty phát triển bền vững”. Chia sẻ của Giám đốc Đặng Đình Thi có thể xem như một lời “bảo chứng”, cho thấy với tư duy về nhân lực hiện tại, M3 đã sẵn sàng đón nhận mọi thử thách đến từ tương lai.