'Cánh cửa' mới từ dịch vụ một cửa về đo kiểm tại Việt Nam

Tốc độ phát triển nhanh của IoT và 5G đã tạo ra cuộc bùng nổ về thiết bị kết nối mạng, đồng thời mở ra một lĩnh vực mới cho các doanh nghiệp như VTK: Thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận (TIC).

Hãy tưởng tượng chiếc điện thoại trong tay bạn hoạt động không ổn định, thường xuyên mất sóng hay bất ngờ phát nổ, hoặc máy tính bạn đang dùng rò rỉ điện khiến bạn bị giật. Những sự cố từ thiết bị điện tử không đảm bảo an toàn có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại về sức khỏe và tài sản. Với người dùng, rủi ro về an toàn là điều đáng lo ngại; còn với doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị không đạt tiêu chuẩn, những sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu mà còn có thể bị xử lý pháp lý.

Do đó, mọi sản phẩm cần được kiểm tra trước khi được đưa ra thị trường qua các tiêu chuẩn về an toàn, hiệu suất, và quy định ngành trong thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận (TIC). Việc thiếu quy trình TIC khiến thị trường tràn ngập sản phẩm kém chất lượng, mang lại rủi ro lớn về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, rủi ro cho doanh nghiệp.

TIC đang trở nên quan trọng và sẽ ngày càng quan trọng hơn. Đó là lý do Công ty Tư vấn và Dịch vụ Viettel (VTK) xác định đây sẽ là không gian phát triển mới sau 29 năm hình thành.

“Mảnh đất” tiềm năng

Sự bùng nổ của IoT và 5G không chỉ thay đổi cách các thiết bị gia dụng như lò vi sóng, tủ lạnh, hay máy giặt kết nối với nhau mà còn đặt ra những thách thức lớn về thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận. Với dự báo hơn 100 triệu thiết bị kết nối mạng tại Việt Nam vào năm 2027, tăng gấp ba lần so với năm 2020 (theo Statista và GSMA Intelligence), các thiết bị IoT gia dụng, công nghiệp và thành phố thông minh đang tạo sức ép lớn lên hệ thống quản lý hiện hành.

VTK đã nhanh chóng nhận thấy nhu cầu cấp thiết của thị trường và chủ động đầu tư xây dựng các phòng lab đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần giảm tải cho các cơ quan quản lý. “Chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu kiểm định chất lượng, an toàn thiết bị mà còn hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và môi trường,” anh Vũ Song Hà, Phó Giám đốc VTK chia sẻ.

Với quy mô thị trường TIC tại Việt Nam năm 2021 đạt 564,9 triệu USD và dự kiến chạm mốc 873,87 triệu USD vào năm 2027, lĩnh vực này đang mở ra những cơ hội lớn. Đặc biệt, thị trường TIC trong viễn thông – thế mạnh của VTK – có giá trị khoảng 19,8 triệu USD. 

VTK đã triển khai và cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận (TIC) cho các dịch vụ viễn thông và phơi nhiễm trường điện từ mạng vô tuyến, nắm giữ hơn 50% thị phần trong các lĩnh vực này. Dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy từ TIC viễn thông, VTK đang dần mở rộng sang lĩnh vực TIC hàng hóa thiết bị, bắt đầu bằng với các thiết bị đầu cuối viễn thông như điện thoại, máy tính, modem…

PGĐ VTK cho biết, đơn vị đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ TIC theo mô hình "One-stop service" (dịch vụ một cửa). Cách làm này giúp khách hàng tiết kiệm được rất nhiều bước, lại phù hợp với lợi thế công nghệ của Viettel.

Chinh phục miền đất hứa

Chẳng hạn, một chiếc điện thoại phải đạt các tiêu chuẩn về kết nối, khả năng tương thích với mạng, độ bền, độ an toàn… thay vì phải kiểm tra ở nhiều nơi, mỗi nơi một lĩnh vực, một cấu phần thì các doanh nghiệp và nhà sản xuất thường mong muốn tiếp cận với một đơn vị đầu mối. 

Điểm mạnh của VTK đến từ khả năng tận dụng nguồn lực tổng hợp từ các phòng lab tiên tiến của các đơn vị trong Tập đoàn như VHT, VTX, và VMC. Các phòng lab này hiện dẫn đầu tại Việt Nam về công nghệ đo kiểm và thử nghiệm. VTK sẽ đóng vai trò liên kết, hợp lực các phòng lab này thành một hệ thống tích hợp và trực tiếp cung cấp dịch vụ TIC cho các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Việc cộng hưởng giúp VTK sở hữu hệ thống phòng lab có công nghệ hiện đại hơn nhiều so với các đối thủ nhưng lại có chi phí cạnh tranh.

Ban đầu, VTK sẽ cung cấp dịch vụ TIC cho các sản phẩm và thiết bị đầu cuối viễn thông như điện thoại, laptop, modem, smart TV... Sau khi đạt được những kết quả ban đầu khả quan, VTK sẽ mở rộng dịch vụ TIC sang các ngành hàng hóa khác như thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp.

Bên cạnh đó, VTK sẽ đóng góp ý kiến lên Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý chất lượng, xây dựng các hành lang pháp lý hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm và hàng hóa đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động này sẽ giúp nâng cao chất lượng hàng hóa của Việt Nam sản xuất, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia. Những quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hướng tới năm 2030, VTK sẽ mở rộng dịch vụ TIC đối với các hàng hóa thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ như thiết bị gia dụng (máy giặt, tủ lạnh, điều hòa hay máy công nghiệp nặng, máy nén, thổi…) và thiết bị chuyên dụng thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Dịch vụ TIC mở ra "cánh cửa" mới cho VTK, là bước tiến chiến lược nhằm nâng cao vị thế của Tập đoàn với hệ thống phòng thử nghiệm hiện đại thuộc hệ thống phòng Lab quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận hàng hóa sẽ trở thành ngành kinh doanh mới, làm trụ cột phát triển cho VTK với doanh thu dự kiến khoảng 100 tỷ đồng/năm và lợi nhuận đạt từ 7 - 16% mỗi năm.

Việc thành lập phòng lab trọng điểm quốc gia không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của VTK, mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp viễn thông Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và khẳng định vị thế của Viettel trên trường quốc tế với tư cách một tập đoàn công nghệ toàn cầu.

“Mục tiêu của VTK là trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ TIC hàng đầu, hoạt động dựa trên các hành lang pháp lý về đo lường và kiểm định chất lượng của Nhà nước. Qua đó, chúng tôi góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với vai trò là đơn vị kiểm định uy tín của Nhà nước, hệ thống phòng lab của VTK sẽ củng cố thêm uy tín và vị thế của Viettel”, Phó Giám đốc VTK khẳng định.