Hành trang người lính Viettel chinh phục khát vọng bầu trời

Tiến thẳng vào lĩnh vực phức tạp và bảo mật bậc nhất thế giới, mỗi bước đi của những kỹ sư Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX) luôn đối diện với thách thức chưa từng có. Bản lĩnh của những người lính trên mặt trận khoa học Viettel thể hiện qua những lần “vượt thác” bất ngờ, nhưng đầy thuyết phục.

Với nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị chiến lược công nghệ cao theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, sản phẩm của VTX đối diện với các thách thức: công nghệ cao, phức tạp, bí mật, không chuyển giao, công nghiệp phụ trợ trong nước hạn chế ...

“Sản phẩm dạng này không có mẫu trên thế giới vì đều là bí mật quốc gia”, anh Trần Anh Đức, Phụ trách phần lắp ghép linh kiện khí tài VTX, chia sẻ về tính bảo mật của quá trình chế tạo sản phẩm của VTX. “Không có nơi nào sản xuất khí tài hiện đại mà truyền lại công nghệ”.

Điều này xuất phát từ lý do tất cả những công nghệ liên quan sản phẩm của VTX đều liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia đó trong các mối quan hệ địa chính trị trong khu vực, thậm chí thế giới. Bởi vậy, tri thức để thiết kế, chế tạo luôn là những bí mật được gìn giữ trong vùng bảo mật an ninh cao nhất. 

Bàn tay dầu mỡ xây ngân hàng tri thức triệu USD

Anh Đức cho biết nghiên cứu để tạo ra quy trình công nghệ, tích hợp bao gồm các bước lắp ráp, kiểm soát và bài kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất vũ khí trang bị chiến lược công nghệ cao. 

Thực tế trong quá trình làm việc, từng có đối tác sẵn sàng bán một bộ tài liệu hướng dẫn lắp ráp một sản phẩm cho VTX với giá hàng trăm triệu USD, dù tài liệu này chỉ hướng dẫn lắp ráp thủ công, không giải thích các công đoạn tương ứng. Với mỗi sản phẩm, đối tác này sẽ bán một bộ tài liệu tương tự. Tất nhiên là VTX từ chối “mua” tài liệu kiểu như vậy, quyết tâm tự chủ động tìm cách xây dựng tài liệu quy trình công nghệ của riêng mình. 

“Khi bắt tay, chúng tôi gần như từ con số 0 đúng nghĩa. Chúng tôi nghiên cứu từ mô hình của các hãng lớn trên thế giới như Boeing, Airbus, tìm hiểu ngược lại các nhà cung cấp thiết bị cho họ để hiểu cách đi của các thiết bị được cung cấp, từ đó nhận định quy trình có các công đoạn này, phán đoán thiết bị đó nằm ở đâu trong quy trình”, anh Đức chia sẻ. 

Trong quá trình tìm hiểu, VTX đã biết được một thuật ngữ “dirty finger” (ngón tay bẩn) rất hay từ các hãng hàng không. Ngón tay bẩn này phản chiếu hình ảnh việc từng khâu đều được các kỹ sư ghi chép lại tỉ mỉ trong công đoạn của mình phụ trách. Việc ghi chép chi tiết hướng dẫn, quá trình làm việc…, đảm bảo dữ liệu được lưu trữ, truy hồi trong các trường hợp cần thiết. Nhiều trang được kỹ sư ghi chép ngay khi làm việc, nên phần ghi chép vô tình mang theo cả vết dầu mỡ.

Năm 2015, bộ tài liệu quy trình công nghệ đầu tiên của VTX mới chỉ 30-40 trang khá vắn tắt. Ứng dụng “dirty finger”, giai đoạn 2017 – 2018, bộ tài liệu này đã lên tới hơn 100 trang. Đến nay, toàn bộ tài liệu “dính dầu mỡ” của anh em kỹ sư Nhà máy lên tới gần 2.000 trang, chi tiết từ hướng dẫn lắp ráp, kiểm tra độc lập, các bước kiểm soát… Qua từng lần thử nghiệm, Xưởng lại học được thêm các bài học mới để hoàn thiện hơn quy trình. Lúc này, bộ quy trình đã hoàn thiện từ đầu tới cuối.

“Mỗi sản phẩm của VTX được hoàn thành sẽ đi kèm trên dưới 100 bài test cho các chức năng. Mỗi bài đều được hướng dẫn dẫn riêng từng bước. Tất cả đều chi tiết”, anh Đức khẳng định.

Từ vị thế của người không có kinh nghiệm, không có cả tham chiếu để học hỏi, những kỹ sư Nhà máy 3 đã có ngân hàng tri thức riêng mình. Bất kỳ sản phẩm nào xuất xưởng đều có quy trình lắp ráp chuẩn, giúp khí tài hoàn thành nhiệm vụ.

Tư duy sắc bén dẫn lối chinh phục bầu trời

Trên hành trình chinh phục vũ khí trang bị chiến lược công nghệ cao, sự sắc bén trong tư duy là vũ khí đặc biệt giúp những kỹ sư VTX xé toạc màn phủ mờ của những bí mật. Anh Bùi Đức Mạnh, Phụ trách phát triển động cơ khí tài, VTX, nhớ như in trải nghiệm cùng đối tác nước ngoài “giải” vấn đề động cơ đẩy trong sản phẩm. 

“Trong điều kiện đo kiểm, sản phẩm của đối tác không phát sinh vấn đề. Nhưng khi ra môi trường bên ngoài mới bắt đầu gặp lỗi”, anh Mạnh nói. 

Dù VTX tham vấn nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Việt Nam và đối tác trên thế giới, không bên nào đưa ra được giải pháp chu toàn. VTX cũng có đề xuất để đối tác chỉnh sửa, nhưng sản phẩm gửi lại vẫn gặp lỗi. Một thành phần gặp trục trặc dẫn đến mọi hoạt động thử nghiệm của VTX bị trì hoãn. 

Để xử lý tận gốc, anh Mạnh và đồng nghiệp phải đến tận nhà máy của đối tác. Không khí phối hợp lúc này đã rất căng thẳng. Đối tác khẳng định: VTX đã khai thác sai, dẫn đến sản phẩm bị lỗi. Vì vậy họ yêu cầu VTX phải thanh toán toàn bộ phí vận chuyển và chế tạo mẫu chỉnh sửa sau này. Phía VTX vẫn quả quyết chắc chắn lỗi phát sinh là từ khâu sản xuất. 

“Tôi có nghĩ tới trường hợp xấu nhất là dừng hợp tác với đối tác này. Nhưng rồi chúng tôi ra quyết định: Họ phải làm đủ các mẫu, nếu phía VTX phát hiện ra lỗi, đối tác sẽ phải làm lại theo tư vấn thiết kế của mình”, anh Mạnh chia sẻ. 

VTX và đối tác thống nhất sản xuất 10 bộ sản phẩm, thử nghiệm tại chỗ để tìm hiểu vấn đề. Họ tự thử nghiệm 2 bộ đầu tiên không thấy lỗi, nên làm tiếp 8 bộ sau rất nhanh. Họ rất tin tưởng quy trình sản xuất và có thể “bắt đền” VTX. 

“Đến lúc này, phía đối tác mới bắt đầu đưa ra thiết kế sản phẩm và chứng minh mọi thiết kế đều giống như tài liệu có sẵn. Theo quan sát, tôi thấy họ làm đúng vậy, nên chắc chắn lỗi vẫn ở đó”, anh Mạnh quả quyết.

Với nhận định trên, anh Mạnh đề xuất cũng chọn 2 trong 10 mẫu đã sản xuất giống họ để thử nghiệm. Đối tác tự tin đồng ý. Vì đi công tác không có thiết bị đi cùng, Giám đốc Nhà máy 4 chỉ có thể chọn bằng… mắt thường. 

“Trong quá trình chọn mẫu, đối tác bày tỏ thái độ không tích cực. Họ khoanh tay, cười vì tôi soi xét quá kỹ. Họ nói giống như chó nghiệp vụ”, anh Mạnh kể lại. 

Nhưng trong lần thử nghiệm này, cả 2 mẫu mà VTX lựa chọn lặp lại lỗi như tại Việt Nam. Đối tác thay đổi thái độ ngay lập tức. Giám đốc kỹ thuật của họ ngồi thụp xuống trước khi thừa nhận: “Có lẽ sản phẩm của chúng tôi đã mắc lỗi đúng như các anh nói!”. 

“Đây là vấn đề trước giờ chưa từng có. Đối tác vốn có kinh nghiệm chế tạo sản phẩm có kích cỡ khác, khi chế tạo sản phẩm cho VTX có điều chỉnh về vật liệu. Tuy nhiên, vì họ quá tự tin về quy trình nên việc đo kiểm để tương thích có vấn đề”, Giám đốc Nhà máy 4 phân tích. “Vì đây là đặt vấn đề trên hiện tượng sai, nên chúng ta phải tư duy loại bỏ những thứ không thể sai được. Từ đó, tập trung vào những thứ có nguy cơ sai”.

Sau đó, anh Mạnh đưa ra giải pháp kỹ thuật cho phía đối tác và thử nghiệm 10 mẫu trong mọi điều kiện khắc nghiệt và thành công. Toàn bộ quá trình kéo dài 4 tháng. Sản phẩm hiện đã được nghiệm thu, và đưa vào sử dụng, trang bị trong hơn 50 sản phẩm của VTX và không hề mắc lại lỗi như đã gặp.

Đối mặt với vô số lần thử nghiệm thất bại, nhưng với ý chí “Thắng không kiêu, bại không nản” của người lính Bộ đội Cụ Hồ, với giá trị cốt lõi “Trưởng thành qua những thách thức và thất bại” của người Viettel, những cán bộ, kỹ sư của VTX đã chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đến nay, VTX tự hào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và nghiệm thu thành công cấp Bộ và đưa vào sử dụng nhiều vũ khí trang bị chiến lược công nghệ cao. Thành tựu là bước phát triển vượt bậc của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, góp phần tích cực vào xây dựng quân đội tinh gọn mạnh, trang bị vũ khí hiện đại, bảo vệ nền hoà bình của đất nước. 

Ngày 10/10/2024, Chủ tịch nước đã ký QĐ số 1008/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel vì thành tích đặc biệt xuất sắc này.