Nói đến các giải pháp mang tính nền tảng, có thể kể đến những giải pháp chính phủ số của Viettel liên quan đến thủ tục hành chính công, trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại hơn 40 tỉnh… Trong năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, Viettel có định hướng tiếp theo như thế nào trong lĩnh vực này?
Xuyên suốt giai đoạn 2020-2025, Viettel đã thực hiện đúng cam kết đồng hành cùng chính phủ và địa phương trong việc phát triển chính phủ số. Năm nay, Viettel tập trung phát triển các nền tảng dữ liệu số và dịch vụ công trực tuyến. Cái chúng ta cần cải thiện là làm sâu và mở rộng quy mô, làm sao áp dụng trên diện rộng, song song đánh giá lại nhu cầu của Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực chính phủ số, Viettel sẽ tập trung vào 3 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là phát triển hạ tầng số hiện đại và an toàn – tiền đề để phát triển được các nền tảng ứng dụng, phân tích dữ liệu. Thứ hai là trên hạ tầng đó, phát triển nền tảng dữ liệu số. Cụ thể là triển khai hiệu quả nền tảng cơ sở dữ liệu, đảm bảo khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương. Phát triển cổng dữ liệu mở nhằm thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khai thác dữ liệu hiệu quả. Trên hạ tầng và nền tảng dữ liệu, chúng ta thực hiện mục tiêu thứ ba là các ứng dụng cho người dùng cuối – nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, tối ưu trải nghiệm người dùng. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, xây dựng AI chatbot và trợ lý ảo để hỗ trợ giải đáp, tư vấn và hướng dẫn.
Câu chuyện được nói đến nhiều nhất trong quản lý nhà nước thời gian gần đây, và cũng được đánh giá là nhiệm vụ cấp thiết trước giai đoạn mới của đất nước, là vận hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Các giải pháp của Viettel sẽ có vai trò, đóng góp như thế nào?
Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 và dữ liệu để thay đổi cách thức vận hành, điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng khả năng ra quyết định kịp thời dựa trên dữ liệu. Chức năng của chúng ta là giúp tự động hóa các hoạt động nghiệp vụ, giúp lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương có thể tiếp nhận, xử lý các công việc, phản ánh 24/7.
Hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số của Viettel sẽ giúp giải quyết và đạt các mục tiêu này của Chính phủ: từ lớp các thiết bị thông minh giúp thu thập dữ liệu tự động, đến lớp kết nối đưa dữ liệu về quản lý, điều hành tập trung, đến các bộ giải pháp điều hành thông minh, các bộ giải pháp nghiệp vụ chuyên ngành tích hợp với trí tuệ nhân tạo – tất cả hoạt động xung quanh một cơ sở dữ liệu dùng chung. Chúng ta hình dung sẽ không còn người đi thu thập, tổng hợp, xử lý dữ liệu, báo cáo thủ công, nhằm tăng tính nhất quán, kịp thời, hiệu quả, giảm sai sót trong hoạt động điều hành cũng như công tác quy hoạch, lập chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong năm 2024, “Tắt 2G”, “Bật 5G” là những sự kiện lớn của Việt Nam. Anh có thể chia sẻ ý nghĩa của sự chuyển dịch này đối với quá trình chuyển đổi số?
Khi dừng cung cấp dịch vụ 2G, có nghĩa các khách hàng của Viettel đều được sử dụng dịch vụ di động trên hạ tầng 4G và 5G tiên tiến nhất trên thế giới, gần như 100% thuê bao Viettel từ đồng bằng đến khu vực vùng sâu, vùng xa đều được sử dụng dịch vụ Internet mọi lúc mọi nơi. Đây là mục tiêu Viettel luôn hướng đến để thúc đẩy phổ cập các dịch vụ số, góp phần thúc đẩy phát triển CĐS theo chủ trương của Chính phủ. Trong năm qua, chúng ta cũng hiện thực hoá được tầm nhìn năm 2014, mỗi người dân Việt Nam sở hữu một điện thoại thông minh – công cụ thiết yếu để người dân hoạt động trên không gian số.
Nếu như với 2G, khát vọng của Viettel là “mỗi người dân sở hữu một điện thoại di động”; 4G là “mỗi người dân sở hữu một smartphone” thì 5G là “mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối”. Các thế hệ băng tần trước đây như 3G, 4G chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại, dữ liệu di động. Nhưng 5G với những tính năng đột phá sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới. Mạng 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến đóng góp 20% vào GDP quốc gia trong năm 2025. Công nghệ mà 5G đem lại sẽ càng góp phần giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, xây dựng kỉ nguyên thông minh tại Việt Nam.
Thông điệp Viettel đưa ra với mạng 5G là "Cuộc sống mới", với ý nghĩa 5G sẽ mở ra các dịch vụ mới phục vụ con người, thúc đẩy cuộc sống số, giúp xã hội cùng phát triển, không chỉ dừng ở việc cung cấp kết nối mạng. Vậy người dân và các đối tượng sẽ được hưởng lợi như thế nào?
Với tốc độ cao, độ trễ cực thấp, băng thông lớn và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đồng thời, 5G tạo ra những cơ hội và ứng dụng mà các công nghệ trước đây không thể đáp ứng. Với cá nhân và hộ gia đình, họ sẽ được tiếp cận với dịch vụ có đường truyền mạnh hơn, an toàn, bảo mật tốt hơn, từ đó tiếp cận cuộc sống số với các tiện ích hiện đại, từ giải trí, giáo dục đến quản lý nhà cửa thông minh. Với doanh nghiệp, họ có thể tiết kiệm nguồn lực, chi phí, tối ưu hóa quy trình và gia tăng hiệu quả hoạt động thông qua tự động hóa và IoT. Khi đó, người dân cũng sẽ hưởng lợi với các sản phẩm, giải pháp mới của doanh nghiệp. Ở tầm vóc xã hội, sự phát triển bền vững được đẩy mạnh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số tiên phong trong khu vực.
Nói tóm lại, Viettel đang tạo ra một công nghệ nền tảng để cho xã hội có thể sử dụng mọi nguồn lực, trên từng lĩnh vực. Năm 2025 sẽ là cơ hội để bùng nổ các dịch vụ số trên hạ tầng này.