Nhỏ lại để trở thành khổng lồ

Năm 2022 là năm có nhiều thay đổi lớn với Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media - VTM) khi giải bài toán tự chủ sau khi bàn giao lại 2.700 tỷ đồng doanh thu sang TCT Viễn thông Viettel (VTT).

Việc bàn giao lại dịch vụ có doanh thu lớn là quyết định dũng cảm của VTM khi chủ động nhận những thách thức về mình để từ đó thay đổi hướng đi và tìm ra cách làm hiệu quả.

Viettel Family đã có cuộc trao đổi với anh Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Viettel Media, về câu chuyện ‘vượt bão’ của VTM trong năm 2022 vừa qua.  


Anh Võ Thanh Hải - Giám đốc Công ty Viettel Media. 

Thưa anh, 2022 là năm VTM thay đổi quá nhiều, nhưng tại sao chúng ta chủ động thu nhỏ quy mô chỉ bằng 1/3 so với 2021?

Năm 2020, Tập đoàn cơ cấu lại chiến lược cho dịch vụ số để các mảng dịch vụ không chồng lấn nhau giữa các đơn vị. Theo đó, VTM chuyển dịch vụ Keeng Movies, Mocha Video sang VTT, và VTT chuyển dịch vụ thanh toán game, vốn đã có doanh thu hơn 2.000 tỷ sang VTM. Sau 1 đêm, doanh thu tăng vọt nhưng không phải do VTM làm ra. Còn dịch vụ làm nên doanh thu và thương hiệu VTM đã chuyển đi. Như vậy, VTM có sức ép lớn phải tạo ra các dịch vụ mới, khởi đầu gần như từ con số 0.

Sau 2 năm, những dịch vụ mới VTM tạo lập đã đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Với suy nghĩ phải tự nuôi sống mình và tạo ra giá trị mới, chúng tôi đề xuất Ban TGĐ Tập đoàn chuyển 2.700 tỷ đồng thanh toán game về lại VTT. Ở VTT, dịch vụ này sẽ phát triển thuận lợi hơn do gắn chặt với thuê bao di động.

Dũng cảm đề xuất giao lại nguồn tiền đến 75% doanh thu, VTM đối diện với những thách thức như thế nào, thưa anh?

Thách thức lớn nhất là giữ được lợi nhuận trong bối cảnh biên lợi nhuận của dịch vụ mới đều thấp hơn nhiều so với dịch vụ dựa trên viễn thông. Trong bối cảnh đó, VTM vẫn phải đầu tư vào các dự án mới, tiềm ẩn những rủi ro.

Vì vậy, VTM buộc phải tối ưu mọi chi phí, liên tục đánh giá lại chiến lược đối với các dự án chưa đạt được kết quả như kì vọng.

Nhưng có lẽ VTM cũng đã nhìn thấy được cơ hội nào đó khi ra quyết định tự chủ, phải không anh?

Cơ hội lớn nhất chính là tự đi trên đôi chân mình. Trước đây mô hình kinh doanh của VTM phụ thuộc vào viễn thông, thì nay hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực bộ máy. Sản phẩm phải tốt, bán hàng phải tinh nhuệ thì mới tồn tại được.


Tập thể CBNV Viettel Media. 

Đây cũng là lý do trong khi các dịch vụ gia tăng trên nền  viễn thông giảm,  thì các dịch vụ của VTM lại có tốc độ tăng trưởng cao. Ví dụ quảng cáo số đạt doanh thu 500 tỷ năm 2022, tăng 60% so với 2021, gấp 4 lần so với tốc độ của thị trường. Nhiều dịch vụ mới như tư vấn chiến dịch, sản xuất ad-content, đại lý quảng cáo, xuất bản nội dung trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước.

Tư tưởng làm quảng cáo số của VTM là cam kết KPI vượt trội so với các đối thủ trên thị trường. 

VTM trong năm qua có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Netflix, vậy cụ thể là gì thưa anh?

2022 là năm thành công của mảng bản quyền phim. Được Tập đoàn giao là đầu mối duy nhất hợp tác phim với bên ngoài đã giúp Viettel nói chung có sức mạnh trong việc đàm phán mua/bán với đối tác trong và ngoài nước.

Với việc sở hữu kho phim lớn nhất thị trường, VTM vừa cung cấp cho nội bộ với giá hợp lý, vừa cung cấp ra thị trường. Điểm mới năm nay là bán cho các nền tảng OTT quốc tế, với nhiều hợp đồng ký với Netflix, tổng giá trị gần 2 triệu USD.

Năm 2022 có rất nhiều sản phẩm, chương trình chất lượng của VTM gây sóng trong cộng đồng, hoạt động sản xuất nội dung của công ty những đột phá đúng không anh?

Sản xuất nội dung luôn là thế mạnh bền vững của Viettel Media. Năm 2022 mảng này có bước phát triển vượt bậc, doanh thu tăng trưởng hơn 3 lần so với 2021.

Ngoài chương trình “Sao nhập ngũ” luôn đứng top 1 thị trường mỗi lúc ra mùa mới, thì VTM cũng thành công trong việc sản xuất các gameshow mới, ví dụ “Mẹ vắng nhà, ba là siêu nhân” với số lượng người xem đứng top 1 tại thị trường Tp.HCM, hay là “Sea of Hope” đang quay nhưng nhận được sự hưởng ứng lớn từ các nhãn hàng nước ngoài tài trợ. Các chương trình hạng A do VTM sản xuất may mắn là nhìn thấy lãi ngay cả khi chưa bấm máy.

Năm qua cũng đánh dấu bộ phim truyền hình 40 tập là Hoa hồng giấy được OTT nước ngoài mua ngay với giá cao sau khi xem thử demo 2 tập đầu. Hiện đang là phim Việt Nam có nhiều người xem nhất trên Netflix.

Mới mẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, triết lý cho những chuyển dịch của VTM là gì thưa anh?

Có một triết lý kinh doanh rất hay mà Viettel từ lâu có áp dụng, là “khi người ra chạy ra thì mình chạy vào”.

Nhiều năm qua, khi thị trường truyền hình sụt giảm, các công ty đình đám một thời như Cát Tiên Sa, Điền Quân…. đều “biến mất”. Tuy nhiên, với lợi thế đội ngũ sản xuất có kinh nghiệm, kết hợp tầm nhìn về kinh doanh trên nền tảng số, VTM đã “chạy vào” trong lúc người khác đi ra, tìm tòi mô hình kinh doanh mới để có đầu ra đủ trang trải cho hoạt động SX ngày một tốn kém.

Yếu tố then chốt ở đây là VTM sản xuất rẻ hơn 30% so với thị trường.

Bên cạnh những thành công, có điều gì trong năm 2022 mà anh cảm thấy là thất bại?

Đó là mảng phát hành game.

Có lẽ đây là lĩnh vực “ăn nên làm ra” nhất của thị trường trong mùa Covid-19. Nhưng khi nhiều công ty lao vào mà mình cũng lao theo là khá nguy cơ. Năm 2022, đại dịch qua đi, câu chuyện trở nên rõ ràng với nhiều dự án thất bại.

VTM cũng phân tích kỹ thị trường, nhận thấy kinh doanh game quá rủi ro. Viettel cũng không có lợi thế gì đặc biệt. Cái gốc của kinh doanh là sản phẩm, mà sản phẩm ngành game chúng ta thể chủ động. nếu không có nguồn đầu tư dồi dào.  phải các ông lớn sở hữu nhiều sản phẩm trên thế giới.Trong làng game hiện có 2 doanh nghiệp là Garena và VNG nhận được nguồn đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp lớn, sở hữu nhiều sản phẩm trên thế giới.

Cân đối mọi mặt, VTM tạm thời rút lui khỏi thị trường này, để tập trung cho những cơ hội tốt hơn.

Năm 2023, VTM sẽ tiếp tục đặt những mục tiêu cao cho hành trình mới đúng không anh?

Năm tới, VTM sẽ phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng. Chiều sâu là tăng năng lực sản xuất để đáp ứng việc tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, khối lượng sản xuất sẽ tăng khoảng 50% so với 2022. Chiều rộng là mở thêm kinh doanh trên thị trường quốc tế, VTM đặt mục tiêu doanh thu trên thị trường quốc tế tăng trưởng 100%.

VTM sẽ bổ sung nhiều nhân sự chất lượng cao để tiếp tục duy trì đáp ứng được mức tăng trưởng 35-40% cho các mảng dịch vụ chiến lược của Công ty.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị.