Thu phí không dừng từ cao tốc đến sân bay, bãi đỗ

Hành trình của ePass không chỉ dừng lại ở các làn thu phí trên cao tốc. Từ việc giải quyết bài toán ùn tắc tại sân bay đến triển khai bãi đỗ xe thông minh, ePass đang từng bước mở rộng hệ sinh thái thanh toán giao thông số, mang đến sự tiện lợi và minh bạch cho người dân.

Nỗ lực tháo gỡ rào cản

4 năm trở lại đây, khi nhắc đến thu phí không dừng, người tham gia giao thông tại Việt Nam đã quen thuộc với những làn thu phí tự động (ETC) trên các tuyến cao tốc nhanh chóng và tiện ích. Số lượng phương tiện dán thẻ đạt trên 96% tổng số phương tiện trên cả nước. Tính riêng ePass, đến thời điểm hiện tại, đã có 2.5 triệu tài khoản dùng dịch vụ. 

“Thành tựu quan trọng nhất của ePass trong những năm đầu tiên là tạo ra lực đẩy quyết định cho việc thực hiện thành công kế hoạch của chính phủ về dán thẻ và thiết lập hạ tầng thu phí không dừng. Sau thành tựu khởi đầu, hiện nay mục tiêu của ePass là thanh toán mở rộng tất cả các dịch vụ trong hệ thống giao thông.” Tổng Giám đốc ePass Nguyễn Cảnh Hoà chia sẻ. 

Thực tế, tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí đã không còn là "nỗi đau" như trước. Giờ đây, hầu hết người dân đã quen thuộc và đánh giá cao sự tiện lợi của giải pháp thu phí không dừng. Vì vậy, việc mở rộng ứng dụng giải pháp này vào sân bay và bãi đỗ xe cũng nhận được sự đồng thuận lớn, không gặp nhiều rào cản từ phía người dân.

Tuy nhiên, quá trình mở rộng dịch vụ không hề dễ dàng. Theo anh Mạnh Hùng, đại diện dự án ePass, một trong những thách thức lớn nhất là các rào cản pháp lý, người dùng phải thao tác thêm, làm giảm trải nghiệm.

“Khi chúng tôi chuẩn bị giải pháp, pháp lý chưa cho phép tài khoản ETC trừ phí tự động khi gửi xe. Khách hàng phải thêm một lần thao tác trên tài khoản ePass hoặc quét mã QRcode. Người dân chưa thực sự thấy tiện lợi vì vẫn cần dừng để quét mã thanh toán, đặc biệt với những khách hàng lớn tuổi chưa quen với việc thanh toán này.”, anh Hùng cho biết. 

Tháng 9/2024, Nghị định 119 ra đời, tháo gỡ rào cản lớn nhất. Tài khoản giao thông (TKGT) giờ đây không chỉ dùng để thanh toán phí trạm thu phí mà còn áp dụng cho nhiều dịch vụ giao thông khác. Việc mở rộng này tận dụng hạ tầng sẵn có, giúp tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng đầu tư mới và nâng cao hiệu quả các dự án thu phí ETC.

“Nhìn từng lượt xe ra vào bãi đỗ mà không cần dừng lại, thấy sự hào hứng của người dân, đó là niềm tự hào lớn nhất với đội ngũ chúng tôi,” anh Mạnh Hùng chia sẻ.

Mở ra những hành trình “không dừng” mới

Không còn cảnh ùn tắc kéo dài, giờ đây, việc di chuyển qua các sân bay lớn trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn nhờ công nghệ thu phí không dừng của ePass.

Anh Ngọc Phát, một người dân Hải Phòng, chia sẻ sự khác biệt khi đón người thân tại sân bay Nội Bài: “Tôi đi cao tốc Hải Phòng – Hà Nội như mọi khi, qua các trạm thu phí rất trơn tru. Điều khiến tôi bất ngờ là khi vào sân bay Nội Bài, tôi cũng dùng chính tài khoản ETC để thanh toán phí dừng đỗ, chỉ mất chưa đầy 3 phút. Trước đây, tôi từng phải chờ hơn 1 tiếng vì ùn tắc.”

Tháng 5/2024, ePass triển khai thu phí không dừng tại 5 sân bay lớn: Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Theo thống kê, mỗi ngày, sân bay Nội Bài ghi nhận gần 15.000 lượt phương tiện giao dịch thành công. Công nghệ này giúp giảm 80% chi phí quản lý và khai thác, đồng thời tăng tốc lưu thông gấp 30 lần so với phương pháp thu phí thủ công, đặc biệt giảm tình trạng ùn tắc trong các dịp lễ tết, cao điểm. 

Không chỉ dừng lại ở sân bay, từ tháng 4/2024, ePass thí điểm giải pháp thanh toán tự động tại các bãi đỗ xe lớn ở Hà Nội. 

Với những người dân thường xuyên phải dừng đỗ phương tiện tại các điểm gửi xe, việc trả phí gửi đã đúng giá hay chưa đôi khi là dấu hỏi bỏ ngỏ. Anh Thành Trung (Hà Nội) cho biết: ‘Từ khi thành phố cho thanh toán tự động phí gửi xe, tôi cảm thấy rất yên tâm vì có hóa đơn ngay khi thanh toán. Giá cả và thời gian dừng đỗ cũng được hiển thị rõ ràng.”  

Đến cuối năm, hơn 60 bãi đỗ xe đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nâng tỷ lệ thanh toán từ 0% lên 90%.

Bên cạnh việc minh bạch trong giao dịch, hơn cả, việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng còn giúp xây dựng “bản đồ số” giao thông, góp phần hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh.

Từ một hệ thống thu phí không dừng trên cao tốc, ePass đang mở rộng để trở thành một siêu ứng dụng thanh toán giao thông. Theo TGĐ Nguyễn Cảnh Hòa, ePass không chỉ dừng lại ở thu phí cao tốc, mà còn hướng đến các dịch vụ như thanh toán phí bãi đỗ xe, tiền xăng, và các dịch vụ khác trong hệ sinh thái giao thông.

“Không dừng lại chỉ là thu phí, chúng tôi hướng tới xây dựng một nền tảng thanh toán giao thông toàn diện, mang đến tiện ích vượt trội cho người dân,” TGĐ Cảnh Hòa khẳng định.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Viettel, ePass đặt mục tiêu phát triển 1.000 bãi đỗ xe ứng dụng thanh toán điện tử vào năm 2025, đồng thời mở rộng tài khoản giao thông, hướng tới phục vụ hàng chục triệu phương tiện trên cả nước. Đặc biệt, dịch vụ thanh toán xăng dầu sau khi thử nghiệm thành công đang được chuẩn bị triển khai trên toàn quốc vào tháng 10/2025.

Để phổ cập dịch vụ đến mọi vùng miền, ePass phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Viettel Telecom, Viettel Commerce, xây dựng mạng lưới cung cấp rộng khắp với hơn 14.000 nhân viên và 1.200 cửa hàng Viettel. Nhờ đó, người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ, thực hiện đúng tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau."

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, ePass đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn hệ sinh thái giao thông thông minh. Với nền tảng vững chắc và sự đồng thuận từ pháp lý đến người dân, ePass đang trên hành trình vươn xa, biến mỗi phương tiện thành một “người dùng” trong hệ sinh thái giao thông số tiện ích, góp phần nâng tầm cuộc sống hiện đại cho người dân Việt Nam.