Hội nghị Di động thế giới 2025 (Mobile World Congress – MWC Barcelona 2025) diễn ra từ ngày 3/3 đến 6/3 tại Barcelona, Tây Ban Nha là sự kiện công nghệ thường niên, thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Samsung, Qualcomm, Intel, Huawei, Ericsson, Dell Technologies, Meta, Docomo, AT&T… và hơn 200 đại diện các quốc gia đến tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh, nghiên cứu phát triển.

2025 là lần thứ 8 Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tham dự và là đại diện duy nhất của Việt Nam giới thiệu công nghệ tại MWC. Các hoạt động trình diễn và kinh doanh của Viettel tại MWC khẳng định năng lực công nghệ Việt Nam khi hiện diện tại một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất toàn cầu.

Kính mời Quý độc giả khám phá thêm các bài viết trong số Đặc san Viettel Family với chủ đề "Tự hào công nghệ Việt Nam đi ra thế giới", để hiểu rõ hơn về hành trình nghiên cứu phát triển, hợp tác toàn cầu, đưa công nghệ Việt Nam song hành cùng thế giới. 

Trân trọng - Ban biên tập

Đại diện duy nhất của Việt Nam tiên phong công nghệ, hợp tác toàn cầu

Tại Hội nghị Di động thế giới 2025, Viettel trình diễn loạt sản phẩm công nghệ Việt Nam. 22 sản phẩm do Viettel nghiên cứu phát triển thuộc các nhóm hạ tầng 5G, nền tảng số và các ứng dụng số.

Đây là lần thứ 8 Viettel tham dự và là đại diện duy nhất của Việt Nam giới thiệu công nghệ tại MWC.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, cho biết: “Tại mỗi kỳ MWC, Viettel giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ và và được hàng nghìn người, các doanh nghiệp, chính phủ trên thế giới quan tâm, đó là niềm tự hào và là động lực thôi thúc Viettel tiếp tục sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới. Đây cũng là cơ hội để Viettel cập nhật sự tiến bộ của khoa học công nghệ từ các đối tác quốc tế để ứng dụng tại Việt Nam và mở rộng đầu tư, xuất khẩu công nghệ Việt ra thế giới”.

Tại sự kiện, Viettel sẽ có các ký kết hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ với TikTok, Visa, China Telecom Global, Pegatron, Twillio, SANY…

Các hoạt động trình diễn và kinh doanh của Viettel tại MWC khẳng định năng lực công nghệ Việt Nam khi hiện diện tại một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất toàn cầu.

Sáng tạo công nghệ vì sự phát triển bền vững

Tại MWC Barcelona 2025 với chủ đề Converge.Connect.Create, Viettel đem đến 22 sản phẩm thuộc 3 nhóm hạ tầng, nền tảng và ứng dụng phục vụ các nhu cầu kết nối, quản lý và xử lý dữ liệu, các ứng dụng phục vụ doanh nghiệp và người dùng. Đây là số lượng sản phẩm lớn nhất trong 8 lần Viettel tham gia MWC, tăng 5 sản phẩm so với năm 2024.

Các sản phẩm được lựa chọn theo tiêu chí sản phẩm công nghệ mới, ý tưởng mới, có giá trị đóng góp kinh tế xã hội ở Việt Nam, các thị trường Viettel kinh doanh và các thị trường xuất khẩu. Loạt sản phẩm được thể hiện tại không gian 2 tầng với chủ đề sáng tạo công nghệ vì sự phát triển bền vững – các giải pháp công nghệ để giải các vấn đề toàn cầu.

Nhóm hạ tầng mạng lưới bao gồm các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G (5G Private, 5G ORAN, 5G Core), các con chip do Viettel thiết kế (RF-SoC, chip bảo mật, chip 5W X-Band FEM), bản sao số trạm viễn thông và tổ hợp robot logistics.

Nhóm nền tảng số bao gồm dịch vụ cung cấp API từ mạng di động, mạng phân phối nội dung, hệ thống quản trị hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng an ninh mạng thế hệ mới, hệ thống quản trị giao thông thông minh.

Nhóm ứng dụng số bao gồm trợ lý ảo, video chờ meCall, sách nói Mydio, TV360.

Các sản phẩm Viettel giúp xây dựng hạ tầng số hiệu suất cao, tự động hoá, các ứng dụng tăng khả năng tiếp cận và cá nhân hoá theo nhu cầu khách hàng. Đây là các sản phẩm do Viettel nghiên cứu phát triển, kinh doanh tại Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài, cũng như xuất khẩu đến các quốc gia Ấn Độ, Phillipines, UAE.

“Chúng tôi đưa những sản phẩm tốt nhất do Việt Nam nghiên cứu phát triển ra thế giới và hợp tác, học hỏi để đưa những công nghệ tốt nhất của thế giới về Việt Nam”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết.

Tại Hội nghị Di động thế giới đang diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha), Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã nhấn mạnh những cơ hội và giá trị mà MWC mang lại cho Viettel.

Viettel từng tham gia MWC ở Barcelona nhiều lần trước đây. 2025 là năm thứ 8 Viettel có gian hàng và là đại diện duy nhất của Việt Nam ở đây. Vậy với năm nay, mục tiêu của Tập đoàn ở MWC là gì, thưa anh?

Khi đến 1 sự kiện có quy mô toàn cầu như Hội nghị Di động thế giới MWC, mục tiêu đầu tiên của Viettel là gặp gỡ, tìm hiểu xem các công ty công nghệ lớn sẽ mang đến những ý tưởng gì, trưng bày những sản phẩm gì. Qua đây, có thể nắm bắt được xu hướng mới và biết được các sản phẩm của Viettel đang ở đâu so với thế giới.

Trong 4 ngày ở MWC Barcelona 2025, Viettel trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thiết kế, phát triển các sản phẩm của các quốc gia tiên tiến, của các hãng uy tín và cả những công ty khởi nghiệp để từ đó có thể áp dụng vào thực tế của Viettel tại Việt Nam và các thị trường Tập đoàn đầu tư kinh doanh.

Quyết định có mặt ở MWC Barcelona cũng có nghĩa là Viettel muốn giới thiệu các sản phẩm, giải pháp là thành tựu do chính Viettel nghiên cứu với bạn bè quốc tế, với đối tác, khách hàng. MWC là nơi hiện diện của rất nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới như các hãng cung cấp giải pháp thiết bị Ericsson, Nokia, Cisco, Huawei và gian hàng của Viettel cũng đứng cạnh NTT Docomo, AT&T,… Đây là cơ hội thuận lợi để giới thiệu về các sản phẩm về hạ tầng viễn thông như thiết bị 4G, 5G, hệ thống mạng lõi, các giải pháp công nghệ số, trải nghiệm khách hàng,…

MWC là hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chế tạo, nhà hoạch định chính sách về viễn thông, công nghệ trên toàn cầu. Họ đến đây để chia sẻ, đưa ra những dự báo quan trọng cho lộ trình tương lai của lĩnh vực di động. Những thông tin, tri thức này rất bổ ích cho Viettel.

Đây cũng là dịp để các Viettel tăng cường đối ngoại, bàn bạc về các vấn đề đang được quan tâm, giúp các đối tác hiểu và tin tưởng vào năng lực và cam kết của Viettel về lâu dài, qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới, đồng thời nâng cao vị thế của Viettel trong cộng đồng công nghệ toàn cầu.

Một trong những phương châm của Viettel năm 2025 là hợp tác toàn cầu. Việc tham dự MWC Barcelona 2025 có phải thể hiện rõ hơn điều này?

Chắc chắn. Trực tiếp có mặt, trải nghiệm và hòa vào không khí của MWC mới thấy hợp tác toàn cầu là xu hướng chung, không chỉ riêng Viettel. Hàng nghìn diễn giả, lãnh đạo, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà khai thác gặp nhau ở 1 không gian đậm chất công nghệ, cùng chia sẻ ý kiến, tương tác với nhau để tìm kiếm các thế mạnh của nhau, từ đó tiến tới hợp tác, cùng nhau phát triển. Không chỉ với đoàn Viettel, mỗi ngày ở MWC có hàng trăm cuộc họp, hội thảo, trao đổi, ký kết hay các sự kiện lớn nhỏ bên lề.

Nói như vậy để thấy rằng, hợp tác toàn cầu là hướng đi tất yếu, trọng tâm trong thời đại 4.0, thông qua hợp tác và phải là hợp tác ở mức toàn cầu, chúng ta mới phát triển bền vững, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại hơn, một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả các quốc gia.

Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới - con số rất thách thức với một tập đoàn đã lớn mạnh. Do đó, đội ngũ phải làm song song, tìm cách đổi mới trên những việc cũ, gia tăng thêm giá trị để có được nguồn tăng trưởng từ những việc cũ ấy, cùng với đó là phải tạo những việc mới.

Việc mới ấy chính là tương lai, giúp tăng trưởng liên tục và lâu dài. MWC là một trong những sự kiện giúp doanh nghiệp có được những cái mới như thế, củng cố thêm quyết tâm chinh phục mục tiêu tăng trưởng hai con số và khẳng định phương châm “Tiên phong công nghệ - Hợp tác toàn cầu - Tạo dựng tương lai” của Viettel năm nay.

Từ thực tế ở MWC Barcelona 2025, theo anh, xu hướng công nghệ nào sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam trong thời gian tới?

Mỗi năm MWC có một chủ đề khác nhau và các sản phẩm, giải pháp hay các hoạt động của chương trình đều gắn theo chủ đề ấy.

Chủ đề của MWC Barcelona 2025 là Hội tụ - Kết nối - Sáng tạo. Những yếu tố này rất cần thiết và ngày càng trở nên quan trọng, ở cả Việt Nam và trên thế giới. Viễn thông ngày nay không chỉ là hạ tầng kết nối mà còn là nền tảng để phát triển các công nghệ khác. Công nghệ ngày nay hiện diện, len lỏi ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống, xã hội. Kết nối ngày nay là kết nối tất cả mọi người, tất cả vạn vật, là kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp, là giai đoạn 5G bùng nổ và đi vào cuộc sống, là sự ra đời của vệ tinh tầm thấp để người dân ở nơi đâu cũng được kết nối.

Sự hội tụ có thể hiểu là sự kết hợp giữa các công nghệ với nhau để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ con người. Viễn thông, công nghệ không còn hoạt động độc lập mà hội tụ, ứng dụng vào các ngành nghề như tài chính, y tế, sản xuất, bán lẻ, giải trí,… Các doanh nghiệp viễn thông thuần túy đã chuyển đổi thành công ty công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ số đa dạng.

Ở MWC, sự hội tụ cũng chính là việc tập hợp, cộng hưởng trí tuệ, năng lực, thế mạnh, vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trên thế giới để định hình tương lai công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế số.

Sự sáng tạo ở một sự kiện như MWC chính là việc khai phá các công nghệ mới, giải pháp mới, các mô hình kinh doanh mới để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho người dùng, mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp và đất nước.

Việt Nam đang có những bước tiến đột phá về công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không nằm ngoài xu thế toàn cầu. Đến MWC, chúng ta cảm thấy tự tin hơn vì chúng ta không đi sau ai. Viettel và Việt Nam đang song hành với thế giới về công nghệ.

MWC đã trở nên quen thuộc với Viettel trong nhiều năm. Điều gì đã thôi thúc chúng ta kiên trì đến với Barcelona như vậy, thưa anh?

Năm 2025 là năm thứ 8 Viettel có gian hàng trưng bày, còn việc tham dự Hội nghị Di động thế giới MWC thì đã duy trì hơn 15 năm. Mỗi chuyến đi đều có mục tiêu cụ thể và phải hiệu quả, mang lại giá trị cho Tập đoàn.

Giai đoạn đầu những năm 2008, 2009, Viettel đi để “xem” thế giới và công nghệ thay đổi như thế nào, các công ty có những gì, kinh doanh ra sao,… Một ví dụ, giai đoạn đầu này cũng chính là thời bùng nổ về thuê bao di động, hệ thống tin nhắn của Viettel hay bị nghẽn vào mỗi đêm giao thừa. Việc tiếp tục đầu tư theo công nghệ cũ khi ấy rất tốn kém.

Sau khi đi tìm hiểu một công ty ở MWC, chúng ta triển khai công nghệ nhắn tin mới là SMSC Router, thay cho công nghệ truyền thống là SMSC Store and Forward. Sự chuyển đổi này vừa giúp mạng lưới thông suốt, không bị nghẽn, kể cả lúc đặc biệt cao điểm như giao thừa, hơn nữa còn tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận.

Rồi sau đó, Viettel lại mở ra một ngành nghề mới là sản xuất thiết bị, tự nghiên cứu và cho ra đời tổng đài nhắn tin do Viettel làm chủ, đến nay đã đưa vào vận hành khai thác, phục vụ toàn bộ khách hàng của chúng ta ở Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, sau mỗi kỳ MWC, Viettel được làm mới mình, biết mình ở đâu, có thêm kiến thức, trải nghiệm và cũng xây dựng được thêm các mối quan hệ, mở rộng được mạng lưới với các doanh nghiệp trên thế giới.

Đến năm 2015, Viettel lần đầu tiên trưng bày sản phẩm tại hội nghị này. Từ quy mô nhỏ với các sản phẩm mang tính chất học hỏi nâng cấp dần và đến vài năm gần đây, Viettel đã có gian hàng diện tích lớn đặt ở Hall 4, một khu vực trung tâm, sánh ngang với các thương hiệu nổi bật của ngành công nghệ toàn cầu.

Viettel đang mang những sản phẩm tốt nhất do chính Viettel, do chính Việt Nam nghiên cứu, phát triển đến MWC để giới thiệu với thế giới và mở rộng không gian kinh doanh ra quốc tế. Đồng thời học hỏi, hợp tác để đưa những gì tinh hoa từ thế giới về phục vụ đất nước, phục vụ khách hàng. Điều này càng khẳng định mạnh mẽ con đường Viettel đang đi để trở thành một tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Tại MWC Barcelona 2025, Viettel đã ký kết thỏa thuận để đưa thiết bị viễn thông lên mạng lưới nhà mạng DU - nhà mạng hàng đầu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây là lần đầu tiên thiết bị viễn thông do Việt Nam sản xuất được đưa vào mạng lưới của một nhà mạng nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Tiến Long, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - đơn vị thành viên của Viettel, ký kết ba bên giữa Viettel, Du Integrated Telecommunications (DU) và High Cloud Technologies Group (HCT) không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn mang ý nghĩa chiến lược - casestudy “bảo chứng” về chất lượng thiết bị Viettel.

“Một câu hỏi mà các nhà khai thác viễn thông thường đặt ra khi mua thiết bị là thiết bị đã được triển khai ở những nhà mạng nào, quốc gia nào. Ngoài triển khai ở chính Viettel và các thị trường nước ngoài của Viettel, triển khai cho DU sẽ là một casestudy khách quan”, ông Nguyễn Tiến Long chia sẻ tại MWC Barcelona 2025 sau ký kết.

Chuyên gia cho biết thêm trong rất nhiều nhà mạng trên thế giới, DU là một lựa chọn gần như lý tưởng. Nhà mạng này định vị là thương hiệu viễn thông giá thành cao, chất lượng cao tại UAE, do đó yêu cầu khắt khe về chất lượng thiết bị. HCT là tập đoàn cung cấp giải pháp thiết bị mạng viễn thông toàn trình cho doanh nghiệp, đã lựa chọn sử dụng công nghệ Viettel để cung cấp cho DU.

Thiết bị của Viettel đã được HCT thử nghiệm tại UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Oman và Yemen. “Nếu thử nghiệm đạt kết quả như mong đợi, HCT có thể tiếp tục cung cấp thiết bị Viettel đến những nhà mạng khác”, ông Long nói.

Định vị thương hiệu công nghệ Việt Nam

“Đối với các nhà mạng trên thế giới, Viettel hiện chưa phải tên tuổi lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông trên toàn cầu, đặc biệt khi so sánh với các nhà cung cấp đã có lịch sử vài chục năm. Hợp tác với HCT và DU có thể là bước đột phá để thay đổi nhận thức này”, ông Long cho biết thêm.

“Thế mạnh của chúng tôi là sản phẩm hạ tầng mạng viễn thông tự nghiên cứu phát triển, cung cấp thiết bị trên tất cả các lớp mạng viễn thông từ mạng lõi đến vô tuyến, tức là một nhà cung cấp giải pháp toàn trình. Chúng tôi cũng đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn Open RAN, mang tính mở cao cả về công nghệ và tư duy kinh doanh”.

Open RAN là một tiêu chuẩn quốc tế đối với thiết bị viễn thông, cho phép thiết bị Viettel tương thích với các thiết bị từ các nhà cung cấp khác, giống như cách các thiết bị điện thoại, laptop, đồng hồ thông minh trong cùng một hệ sinh thái kết nối với nhau. Người dùng, ở đây là các nhà mạng, sẽ có nhiều lựa chọn hơn và linh hoạt hơn khi mua sắm.

Đặc biệt, đại diện Viettel cho biết thêm về năng lực tùy biến: “Sở hữu công nghệ toàn trình, tự R&D nên Viettel có năng lực tùy biến rất cao. Đây là tính năng quan trọng ở mạng 5G và 5G Private. Chúng tôi có thể đáp ứng nhanh nhu cầu khách hàng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường”.

Ông Salah Ali, CEO HCT Group, cho biết: “Chúng tôi không chỉ làm việc với Viettel để cung cấp hạ tầng 5G mà còn làm việc với Viettel để sẵn sàng cho các công nghệ viễn thông tương lai. HCT và Viettel hướng đến cung cấp giải pháp hiệu quả về chi phí, dễ triển khai, đáp ứng nhu cầu mạng riêng của các ngành, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh mới trong khu vực Trung Đông đang chuyển đổi số mạnh mẽ”.

“Mục tiêu năm 2025 của chúng tôi là triển khai 5G Private quy mô lớn, hỗ trợ các nhà mạng khu vực hiện đại hóa hạ tầng cốt lõi và mạng RAN, giúp họ chuyển đổi thành công từ 4G sang 5G”, CEO HCT Group cho biết.

Cũng tại MWC Barcelona 2025, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Hợp tác toàn cầu là xu thế, giúp chúng ta cùng nhau phát triển, xây dựng một thế giới hiện đại hơn. Chủ đề MWC năm nay là Kết nối - Hội tụ - Sáng tạo, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, chúng ta không đi sau ai và đang bắt kịp với xu thế toàn cầu”.

Cách đây một năm, tại MWC 2024, Viettel lần đầu đưa chip 5G Digital Front End điều khiển khối thu chuyển tín hiệu (chip 5G DFE) ra thế giới, là con chip phức tạp nhất có “xuất xứ” Việt Nam. Một năm sau, cũng tại sự kiện công nghệ lớn nhất thế giới, Viettel lần đầu ra mắt chip Front End Module (chip FEM) - khối linh kiện xử lý tín hiệu vô tuyến ở “tuyến trước” của các thiết bị thu phát như trạm phát sóng hoặc các thiết bị viễn thông.

FEM là cửa ngõ xử lý, khuếch đại tín hiệu trước khi đưa sang các khối xử lý tiếp theo hoặc ăng-ten. Sản phẩm không mới nếu so với thế giới, nhưng lại có nguy cơ trở thành nút thắt cổ chai cho việc sản xuất thiết bị trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Tại MWC, thông thường sẽ không thấy những con con chip riêng lẻ, mà sẽ là các giải pháp – con chip xử lý tính toán gắn liền với các ứng dụng tương ứng như xử lý hình ảnh, xử lý giọng nói. Tuy nhiên, chúng tôi chọn trình diễn sản phẩm này để cho thấy Việt Nam đã bắt tay vào công nghiệp bán dẫn và có những con chip đầu tiên”, ông Bùi Việt Sơn, kỹ sư giới thiệu sản phẩm bán dẫn của Viettel tại MWC Barcelona 2025, chia sẻ tại gian hàng của Viettel với 22 sản phẩm công nghệ “made in Việt Nam”.

Nguồn chip FEM trên thế giới hiện phụ thuộc vào một số nhà cung cấp, trong khi đây là linh kiện không thể thiếu để sản xuất một số thiết bị thu phát vô tuyến. “Bắt tay vào sản phẩm này, mục đích của Viettel là làm chủ từng phần của các thiết bị vô tuyến, bắt đầu từ những cấu phần quan trọng và phổ biến”, ông Bùi Việt Sơn nói.

Giải thích thêm, kỹ sư cho biết việc làm chủ thiết kế con chip này giúp đảm bảo việc sản xuất thiết bị của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi các trường hợp gián đoạn cung ứng toàn cầu. Vì sản phẩm phổ biến, cần thiết trong nhiều thiết bị, điều này cũng mở ra khả năng thương mại hoá cho con chip Viettel.

Chip FEM được ứng dụng trong lĩnh vực thu phát vô tuyến, dự báo thời tiết, quan trắc, liên lạc. Với kích thước chỉ 7x5mm, nhỏ bằng một hạt đậu, con chip này có thể khuếch đại tín hiệu vô tuyến. Ở các hệ thống thu phát chủ động - chip FEM đóng vai trò như trái tim giúp phát hiện và xử lý tín hiệu nhanh chóng, chính xác. Cũng vì đặc thù ứng dụng này mà con chip đòi hỏi phải có khả năng hoạt động ngày đêm, kéo dài hàng năm mà vẫn ổn định.

Gần như suốt năm 2024, một chiếc màn hình máy tính tại Ban Công nghệ bán dẫn Viettel không tắt, hiển thị kết quả đo lường từ công cụ thiết kế chip (license tool). Trước màn hình lúc nào cũng có ít nhất một trong 4 kỹ sư trong nhóm phát triển chip FEM của Viettel túc trực theo dõi kết quả. Để kịp thời có chip ứng dụng trong thiết bị Viettel sớm nhất có thể, nhóm thay phiên chạy mô phỏng 24/7, quyết tâm giải bài toán mà không nhiều tổ chức làm được – “tự tay” thiết kế chip FEM. Tuy công nghệ không mới, nhưng không dễ làm chủ thiết kế vì các sản phẩm bán dẫn vẫn là bí mật mà ít ai muốn chia sẻ.

Khi sản phẩm sắp hoàn thành, con chip lại phát sinh lỗi ở bộ phận quan trọng - Bộ khuếch đại công suất (PA). PA nhận tín hiệu tần số cao với công suất thấp và khuếch đại lên mức công suất cần thiết trước khi gửi qua ăng-ten, do đó phải chịu được công suất lớn mà vẫn đảm bảo độ tin cậy cao, đặc biệt quan trọng trong thông tin vô tuyến đòi hỏi công suất phát đủ mạnh.

Phát hiện một trục trặc trong thuật toán, nhóm nhanh chóng điều chỉnh lại thông số thiết kế. “Con chip không mới, nhưng đây là lần đầu tiên được nghiên cứu phát triển ở Việt Nam, vì thế tất cả các yếu tố kỹ thuật đều mới. Chúng tôi phải tự tìm tòi, học hỏi từ những chỉ tiêu đơn giản và cơ bản nhất”, Đỗ Thanh Tân, kỹ sư thiết kế vi mạch cao tần, nhóm nghiên cứu chip FEM, cho biết.

Sau nhiều ngày vá lỗi không ngừng nghỉ, thành quả cuối cùng cũng đến: con chip hoạt động đạt công suất ổn định (5 Watt) và tương đương với các chip FEM trên thế giới. Thời điểm đó, cả nhóm kỹ sư Viettel biết rằng họ đã tạo bước tiến mới trên hành trình làm chủ các thiết bị vô tuyến, quan trắc, trạm 5G, và những công nghệ tần số cao.

“Ban đầu, cứ 5 con chip thì chỉ có 2 hoạt động ổn định. Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân gây lỗi và tối ưu hóa quy trình, nâng tỷ lệ thành công gần như 100%”, ông Đỗ Thanh Tân cho biết.

Ngành bán dẫn Việt Nam được có quy mô thị trường dự kiến đạt 31,39 tỷ USD vào năm 2029 theo thống kê của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI).

Đại diện Viettel cho biết Tập đoàn xác định công nghiệp bán dẫn là một trong những trụ cột tăng trưởng, vừa hỗ trợ cho các ngành viễn thông, sản xuất công công nghiệp công nghệ cao vừa tạo ra một ngành công nghiệp mới. Mỗi sản phẩm bán dẫn Viettel lựa chọn thiết kế sẽ phục vụ cho các ngành và thị trường của Viettel, và có quy mô thị trường đủ lớn để xuất khẩu, vị đại diện cho biết. FEM là một trong những con chip thuộc định hướng này.

Việc phát triển thành công các con chip chiến lược đã góp phần nâng cao năng lực tự chủ các thiết bị vô tuyến và tạo cơ hội xuất khẩu – tiếp tục là những bước đầu của ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Ông Bùi Việt Sơn cho biết khi đưa sản phẩm đến MWC Barcelona 2025, nơi hội tụ của tất cả nhà cung cấp thiết bị lớn trong ngành di động, nhóm cũng kỳ vọng giới thiệu sản phẩm đến các nhà sản xuất thiết bị vô tuyến để mở ra những cơ hội thương mại hoá, thị trường mới. “Tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm này cũng rất lớn vì đến nay trên thế giới khá ít nhà cung cấp thương mại dòng chip FEM”, ông cho biết.

Tại sự kiện lớn nhất thế giới trong ngành di động, Viettel đem đến một giải pháp công nghệ Việt giải bài toán quản lý hạ tầng viễn thông – một “nỗi đau” của các nhà khai thác khi mạng lưới ngày càng phải mở rộng khi triển khai các thế hệ mạng di động mới.

Chỉ bằng một cú click chuột, mọi thông tin về trạm phát sóng di động (BTS), bao gồm cả tình trạng các thiết bị theo thời gian thực, sẽ được hiển thị trên bản đồ 4D trực quan. Trước khi có cú click chuột vài giây này, mỗi khi cần kiểm tra trạm, các kỹ sư tại Tổng công ty mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đã phải dành hàng giờ trèo cột cao, khảo sát và kiểm tra bằng mắt thường.

Khảo sát hiện trạng cột BTS và các thiết bị trên cột là công việc phải được thực hiện định kỳ, nhằm tối ưu mạng lưới và bổ sung hoặc thay thế thiết bị nếu cần. Tuy nhiên, việc dựa vào sức người dẫn đến tình trạng sai sót đôi khi vẫn xảy ra, trong khi rủi ro luôn hiện hữu. Sự cố hay sự thiếu hụt tài nguyên mạng lưới cũng chỉ được xử lý khi “việc đã rồi” thay vì lường trước và chủ động đưa phương án khắc phục sớm.

Mạng 5G, với bước sóng ngắn hơn và dễ bị cản bởi địa hình, đòi hỏi lắp đặt nhiều trạm phát sóng hơn. Nhu cầu kiểm tra thiết bị cũng tăng theo, và mọi sự bất hợp lý khi lắp đặt bổ sung BTS đều phải đánh đổi bằng chi phí và thời gian. Quá trình kiểm tra, khảo sát thủ công sẽ tốn rất nhiều sức người.

Hạ tầng viễn thông mở rộng đòi hỏi một giải pháp công nghệ cho phép quản lý hạ tầng cũng như giả lập các phương án để đánh giá hiệu quả trước khi triển khai lắp đặt.

Chuyển đổi số những cây cột phát sóng

Nhận thấy những “nỗi đau” này, Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) đã phối hợp với Viettel Networks xây dựng BTS Digital Twins (Bản sao số trạm BTS), một hệ thống giả lập để quản lý hạ tầng và tài sản. Việc lên ý tưởng và tìm hiểu nghiệp vụ diễn ra trong vòng 6 tháng trước khi đề tài được phê duyệt. Quá trình tập trung nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm cần thêm 6 tháng để BTS Digital Twins chính thức bước vào thử nghiệm.

Dù tổng thời gian phát triển dự án chỉ khoảng hơn 1 năm nhưng việc làm chủ và tối ưu các công nghệ lõi; phối hợp triển khai rồi đánh giá kết quả thử nghiệm… gặp khá nhiều trở ngại.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc sản phẩm Bản sao số của Viettel AI, cho biết: “Khối lượng công việc nhiều và chúng tôi phải tối ưu từng bước nhỏ để đạt được kết quả cuối cùng. Chẳng hạn có lần kết quả đánh giá trực tiếp của Viettel Networks khác so với số liệu mô hình AI tính toán ra. Do đã được tinh chỉnh và có nhiều kết quả đúng nên chúng tôi nêu nghi vấn về sai sót trong quá trình đo đạc do con người thực hiện. Kết quả đúng là như vậy”.

Bản thân những người sử dụng đánh giá cao khả năng của BTS Digital Twins vì những lợi ích mà ứng dụng mang lại. Nhiều người còn nói đùa rằng công việc nặng tính rủi ro của họ đã bị AI “lấy” mất.

“Trong quá trình chuyển đổi số, những công việc mang tính thủ công sẽ bị tự động hoá thay thế, qua đó giảm sức người. Tuy nhiên, người làm những công việc ấy sẽ có cơ hội nâng cao trình độ bản thân, trau dồi thêm kỹ năng khác để đảm trách việc mới cần sự sáng tạo, linh hoạt của con người. Không chỉ công nghệ được nâng cấp mà chính con người cũng sẽ tiến bộ”, kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Sai lệch chưa tới 1cm và những con số biết nói

Trong một báo cáo được công bố cuối năm 2024, Viettel Networks cho biết: chuyển đổi số hạ tầng mạng lưới đã giúp tiết kiện hơn 50% thời gian và 50% nguồn lực so với việc khảo sát cột BTS thủ công. Rủi ro cũng được giảm tới mức tối thiểu nhờ sự hiện diện của công nghệ.

BTS Digital Twins được ứng dụng công nghệ AI tái dựng bản sao 3D có độ sắc nét và độ chính xác rất cao (độ sai số so với thực tế <=1cm), giúp bản sao số gần như không sai lệch với thực tế. Để đạt được con số này, kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh cho biết nhóm phát triển đã phải tối ưu mô hình tính toán, xây dựng và thử nghiệm nhiều quy trình bay chụp, tích hợp GPS vào drone. Việc cải tiến liên tục được thực hiện với kỳ vọng sai số sẽ ngày càng nhỏ đi.

Ngoài ra, bản sao số trạm BTS còn cho phép thực hiện mô phỏng giả định phương án thay thế, lắp đặt thiết bị mới trên trạm, kiểm tra các tiêu chuẩn thiết kế mạng lưới như khoảng cách giữa các thiết bị, vị trí và góc antenna. Các cảm biến theo thời gian thực trên các trạm giúp cảnh báo các sự kiện bất thường.

Với những tính năng ưu việt, việc số hoá toàn bộ 60.000 trạm BTS của Viettel được kỳ vọng là bước chuyển dịch số quan trọng cho hạ tầng mạng lưới, làm tiền đề ứng dùng nhiều nghiệp vụ 4.0 khác.

Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ 4 công nghệ lõi mà BTS Digital Twins đang ứng dụng đều đã được người Viettel làm chủ. Đó là công nghệ 3D Reconstruction (Tái dựng mô hình 3D từ ảnh 2D) giúp tạo mô hình 3D chính xác của trạm BTS từ hình ảnh chụp bằng drone; WebGIS (tích hợp dữ liệu địa lý); Web3D (cung cấp giao diện 3D trực quan) và Trí tuệ nhân tạo (phân tích, đánh giá dữ liệu).

Đưa sản phẩm Made in Vietnam ra “biển lớn”

BTS Digital Twins là một trong những sản phẩm của Tập đoàn Viettel tham dự Triển lãm Di động Thế giới 2025 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Ở sân chơi quy tụ các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, giải pháp công nghệ Make by Viettel tự tin có khả năng cạnh tranh nhờ những ưu điểm độc đáo.

“Giá trị gia tăng lớn nhất của sản phẩm nằm ở công nghệ lõi. Làm chủ công nghệ lõi cho phép tuỳ biến sản phẩm theo các yêu cầu riêng, đặc thù của khác hàng. Ngoài ra, Viettel cũng là đơn vị hiếm hoi phát triển hệ thống trên chính hạ tầng của khách hàng thay vì phải dựa vào cloud bên ngoài, giúp bảo mật tối đa”, kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Trên thế giới, các nhà mạng thường không phải là nhà phát triển các phần mềm, giải pháp vận hành và ngược lại. Trước khi bắt tay phát triển Digital Twins, Viettel đã tìm hiểu các sản phẩm tương đương trên thế giới nhưng đều gặp tình trạng “phân mảnh” về các nghiệp vụ như khảo sát hiện trạng, tối ưu và quy hoạch, v.v… chứ không đáp ứng được nhu cầu tổng thể.

Viettel, với lợi thế xuất phát từ nhà mạng kinh doanh tại 10 thị trường, hiểu rõ các nghiệp vụ viễn thông. Nhờ đó đội ngũ Viettel AI có môi trường lý tưởng cho việc nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm để tạo ra BTS Digital Twins chỉ trong 12 tháng với đội ngũ nhân sự tối thiểu, trong khi các sản phẩm trên thế giới có thể mất tới 10 năm. Chính điều này giúp tối ưu chi phí phát triển, trong khi tạo ra được sản phẩm toàn diện hơn và đáp ứng toàn diện hơn nhu cầu nghiệp vụ quản lý hạ tầng viễn thông.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh cho biết tham dự MWC Barcelona 2025 được xem là cơ hội để giới thiệu sản phẩm với đối tác tiềm năng và mở rộng kết nối. Bước ra sân chơi lớn cũng sẽ giúp đội ngũ phát triển tìm hiểu đối thủ đang làm gì và cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo hướng nào.

Ngoài ra, tầm nhìn của Tập đoàn Viettel với AI cũng tạo ra nhiều thuận lợi cho đội ngũ phát triển BTS Digital Twins nói riêng và các sản phẩm này nằm trong chiến lược AI thay đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Viettel nói chung.

“AI phát triển chóng mặt với những thay đổi lớn diễn ra hàng tuần. Ở Viettel, chúng tôi được tạo điều kiện để hiện thực hoá ý tưởng và có một môi trường hoàn hảo trong việc ứng dụng AI. Điều này giúp chúng tôi trưởng thành nhanh hơn”, Giám đốc sản phẩm Bản sao số Viettel AI chia sẻ.

Tại MWC Barcelona 2025, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) – đơn vị thành viên của Viettel – và Visa, tập đoàn công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới, đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy thanh toán số và mở rộng hệ sinh thái tài chính tại Việt Nam cũng như các thị trường mà Viettel đầu tư.

Sự hợp tác này mang tính chiến lược khi cả hai bên đều tận dụng thế mạnh của mình để thúc đẩy tài chính số toàn diện. Viettel Digital, với nền tảng Viettel Money và mạng lưới khách hàng rộng khắp, sẽ mở ra cơ hội để Visa gia tăng hiện diện tại Việt Nam và các thị trường tiềm năng. Ngược lại, Visa sẽ cung cấp các giải pháp thanh toán toàn cầu, nâng cao khả năng kết nối, bảo mật và trải nghiệm người dùng trên nền tảng của Viettel Digital.

Thông qua hợp tác này, người dùng sẽ được hưởng lợi từ các phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại như thẻ đồng thương hiệu Viettel – Visa, thanh toán không tiếp xúc, mã hóa thẻ, cùng với hệ thống chuyển tiền thời gian thực kết nối trực tiếp giữa Viettel Money và mạng lưới Visa toàn cầu. Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ có thêm cơ hội tiếp cận tín dụng linh hoạt, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Không chỉ dừng lại ở Việt Nam, sự kết hợp giữa Viettel Digital và Visa còn tạo nền tảng để mở rộng các giải pháp tài chính số ra nhiều quốc gia khác, đặc biệt tại những thị trường mà Viettel có sự hiện diện.

Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital Võ Anh Tâm khẳng định: “Viettel Digital và Visa cùng chia sẻ tầm nhìn về một nền tài chính số mở, dễ tiếp cận và an toàn. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho hàng triệu khách hàng mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái thanh toán số tại Việt Nam và các thị trường quốc tế”.

Thỏa thuận hợp tác với Visa là bước đi quan trọng của Viettel Digital trong việc hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số, khẳng định cam kết kiến tạo xã hội số và đưa Việt Nam tiệm cận với các chuẩn thanh toán toàn cầu.

Viettel Digital trực thuộc Viettel, hoạt động hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Fintech và Big Data. Sản phẩm chủ lực là Viettel Money - hệ sinh thái tài chính số cung cấp hơn 350 dịch vụ cá nhân hóa, từ chuyển tiền, thanh toán đến bảo hiểm, tiết kiệm, tín dụng, đầu tư trực tuyến…

Visa là công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế mạnh của Visa là các giải pháp thanh toán an toàn, nhanh chóng và thuận tiện, hướng tới thúc đẩy nền kinh tế số toàn cầu phát triển bền vững.

Tại MWC Barcelona 2025, Viettel Digital ký kết thỏa thuận hợp tác với InsureMO (Singapore), nền tảng trung gian bảo hiểm hàng đầu thế giới. Sự hợp tác này đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược số hóa lĩnh vực tài chính – bảo hiểm tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của Viettel với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Sản phẩm tài chính siêu cá thể hóa do Viettel Digital và InsureMO phát triển dự kiến ra mắt vào tháng 3/2025, hướng tới cung cấp các giải pháp bảo hiểm tùy chỉnh theo nhu cầu thực tế của từng khách hàng. Với lợi thế về hạ tầng số và hệ thống phân tích dữ liệu của Viettel, kết hợp cùng nền tảng công nghệ bảo hiểm tiên tiến từ InsureMO, hai bên sẽ xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm điện tử toàn diện, được triển khai trên các nền tảng do Viettel sở hữu và quản lý.

Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được ứng dụng để tạo ra các gói bảo hiểm siêu cá thể hóa (Hyper-Personalized) trong các lĩnh vực sức khỏe, du lịch, xe máy, nhà ở. Hệ thống có thể đề xuất sản phẩm theo thời gian thực, dựa trên nhu cầu, thói quen chi tiêu và phong cách sống của từng khách hàng. Đặc biệt, khách hàng có thể linh hoạt điều chỉnh phạm vi bảo hiểm, tối ưu chi phí bằng cách chỉ trả tiền cho những quyền lợi thực sự cần thiết, thay vì mua theo gói cố định như truyền thống.

Ngoài việc giúp người dùng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn, nền tảng này còn hỗ trợ các công ty và đại lý bảo hiểm mở rộng kênh phân phối, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Đặc biệt, hệ thống đảm bảo tốc độ triển khai nhanh chóng, bảo mật dữ liệu tối đa, mang đến trải nghiệm an toàn và minh bạch.

Phát biểu tại buổi ký kết, Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital Võ Anh Tâm nhấn mạnh: “Viettel cam kết mang đến các sản phẩm bảo hiểm số minh bạch, dễ tiếp cận, đặc biệt dành cho những nhóm khách hàng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống”.

Bằng việc ứng dụng công nghệ để cá nhân hóa sản phẩm tài chính, Viettel Digital tiếp tục khẳng định đóng góp vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, tạo ra giá trị thực tế cho khách hàng và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.

InsureMO là nền tảng trung gian bảo hiểm hàng đầu, kết nối các công ty bảo hiểm, đại lý và kênh kỹ thuật số tại hơn 40 quốc gia. Nhờ khả năng mở rộng mạnh và bảo mật cao, InsureMO giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới trong lĩnh vực bảo hiểm, phục vụ hơn 350 nhà cung cấp dịch vụ và hơn 5000 kênh trên toàn cầu.

Công ty TNHH MTV An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) - đơn vị thành viên của Viettel - vừa ký kết Biên ghi nhớ hợp tác chiến lược với InnoSynthex, công ty công nghệ an ninh mạng hàng đầu, có trụ sở tại Pháp. Sự hợp tác này đánh dấu bước tiến quan trọng của Viettel Cyber Security trong việc đưa các dịch vụ an ninh mạng “Make in Vietnam” tạo dựng lá chắn an ninh mạng toàn diện tại châu Âu – một khu vực có yêu cầu cao về bảo mật và tuân thủ an ninh thông tin.

Theo thỏa thuận, Viettel Cyber Security sẽ cung cấp các dịch vụ an ninh mạng chuyên sâu cho khách hàng tại châu Âu, bao gồm: Giải pháp đánh giá và cập nhật tri thức về an ninh mạng (Viettel Threat Intelligence); Kiểm thử xâm nhập, phát hiện và xử lý các lỗ hổng bảo mật trước khi tin tặc khai thác (Vulnerability Assessment and Penetration Testing); Dịch vụ đánh giá xâm nhập hệ thống (Viettel Compromise Assessment); Mô phỏng các cuộc tấn công tinh vi có chủ đích, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng phòng thủ (Red Team).

Các giải pháp này có thể giúp các tổ chức và doanh nghiệp tại châu Âu sẽ chủ động bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp, giảm thiểu rủi ro mất dữ liệu và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh.

Viettel Cyber Security sở hữu năng lực công nghệ lõi, đội ngũ chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới – những người từng phát hiện lỗ hổng zero-day của các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Oracle. Trong khi đó, InnoSynthex có mạng lưới khách hàng rộng khắp châu Âu, cùng kinh nghiệm triển khai các giải pháp bảo mật tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn GDPR và ISO 27001.

Việc mở rộng hoạt động tại châu Âu là một bước tiến chiến lược trong hành trình phát triển toàn cầu của Viettel Cyber Security, khẳng định vị thế của Viettel không chỉ là một tập đoàn viễn thông mà còn là một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng là minh chứng cho năng lực của Việt Nam trong việc cung cấp các giải pháp an ninh mạng đẳng cấp quốc tế, sánh ngang với những nhà cung cấp bảo mật hàng đầu thế giới.

Hiện nay, Viettel Cyber Security đang triển khai dịch vụ an ninh thông tin tại 15 quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Lào…

Viettel Cyber Security là đơn vị thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu, phát triển, tư vấn các giải pháp về an ninh mạng. Viettel Cyber Security hiện là đối tác hàng đầu tại Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp thuộc đa dạng nhóm ngành như tài chính ngân hàng, năng lượng, điện lực, dầu khí...

InnoSynthex là công ty chuyên cung cấp giải pháp an toàn thông tin có trụ sở tại Paris (Pháp), với kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế. InnoSynthex thực hiện nhiều dự án đánh giá và nâng cao năng lực bảo mật cho các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực vận tải, công nghệ, tài chính - ngân hàng.