Viettel ra đời trong khó khăn, lớn lên trong khó khăn, thành công và trở thành xuất sắc cũng là nhờ khó khăn, nhờ tinh thần phụng sự Tổ quốc, nhờ sự dấn thân vào những vùng đất mới, nhờ sự sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.
Từ một công ty nhỏ bé, với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe u-oát và 10 con người, đi làm thuê, xây lắp các công trình cột cao cho các công ty viễn thông và các đài truyền hình trở thành một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, rồi trở thành một Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, có thương hiệu giá trị nhất Đông Nam Á.
35 năm trôi qua, Viettel cứ đổi mới liên tục, tiến lên liên tục, phát triển liên tục.
Khởi nguồn cho những thành công ấy, đều đến từ việc phải làm, nhận làm và dám làm những việc rất khó.
Đưa thiết bị lên trạm 500KV trên núi để lắp đặt tuyến cáp quang 1A năm 1998, trạm Kỳ Hoa, Kỳ Anh tại Hà Tĩnh
Phải làm việc khó
Sinh ra từ quân đội, các thế hệ Viettel có một bộ gen đặc biệt: Tính kỷ luật, ý chí quyết liệt, tinh thần tiên phong, dám nhận những mục tiêu, thách thức chưa từng có tiền lệ.
Năm 1989, thực hiện chức năng Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Quân Đội: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco) – tiền thân của Viettel được thành lập từ 4 nhà máy của Binh chủng Thông tin liên lạc.
10 con người, xuất thân là lính thông tin, giỏi chuyên môn nhưng chưa một ngày làm kinh doanh, bỗng phải lo công ăn, việc làm, lo tiền lương cho anh em, lo hoàn thành những khát vọng được gửi gắm. Thách thức đến với Viettel từ khi còn trứng nước.
Tri thức và kinh nghiệm sẵn có, 11 dự án sản xuất thiết bị điện tử sớm được đề xuất, đã được nhà nước công nhận ngay. Đó cũng là khởi sự cho giấc mơ về một nền công nghiệp quốc phòng. Nhưng thời điểm đó, việc làm chưa có, lương còn không đủ trả cho nhân viên, tiền đâu làm dự án? Kêu gọi đầu tư không được, tạm gác lại ước mơ tự sản xuất được máy thông tin xây dựng được nền công nghiệp nặng, Sigelco phải tìm con đường tự nuôi được mình trước, lấy ngắn nuôi dài.
Kéo cáp, dựng cột là nghề gần với chuyên môn nhất. Nhưng khi ấy, cũng có không ít các công ty có chức năng tương tự. Sigelco chỉ còn được nhận những công trình phức tạp về địa hình, khó khăn về kỹ thuật, thiếu thốn về tài chính. Cứ công trình nào khó, cột cao, lắp đặt tổng đài thông tin, xây dựng các tuyến vi ba cho bưu điện, đài truyền hình và bất cứ tổ chức nào có nhu cầu và không công ty nào nhận, với Sigelco đều là cơ hội có được hợp đồng. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã làm nên tên tuổi của Sigelco như tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tuyến viba số đầu tiên dài nhất Việt Nam.
Khát khao làm việc khó
Kinh nghiệm tích lũy qua gian nan giúp Sigelco trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Ước mơ tự xây dựng được một mạng viễn thông bắt đầu hình thành.
Vì thế, Viettel đã dám nhận xây dựng đường trục cáp quang quân sự Bắc – Nam mang tên 1A chỉ từ hai sợi cáp thừa trên đường dây 500KV. Điều kiện ngặt nghèo là phải tìm ra và thực hiện giải pháp thu- phát sóng trên cùng 1 sợi quang với khoảng cách hơn 2.300 km, điều mà thế giới chưa từng làm. Thách thức hơn nữa, để đảm bảo bí mật quân sự, Sigelco không được phép thuê chuyên gia nước ngoài.
Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thuyết trình phương án triển khai đường trục 1A.
Được đặt vào thế buộc phải lớn, Viettel đã tự mày mò tìm lối đi. Sách vở, tài liệu không có sẵn, chỉ có cách làm thực nghiệm từng đoạn nhỏ. Hai năm ròng rã thử-hỏng-thử lại, hơn 2.300km cáp quang với những đòi hỏi khắt khe được hoàn thành.
Tự lực, không chỉ ứng với dự án 1A mà còn đúng với khát vọng làm viễn thông của Viettel.
Khao khát từ những ngày đi làm thuê, ước mơ xây dựng được mạng đi động cứ phải gác lại vẫn là vì chưa có tiền.
Một cơ hội nhỏ để đến gần với khát vọng làm viễn thông xuất hiện.
Công nghệ điện thoại trên nền internet không đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất phù hợp với điều kiện của Viettel lúc đó. Tổng cục Bưu điện với tư tưởng ủng hộ cho nhân tố mới, phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế với tên gọi VoIP 178. Giá dịch vụ lập tức giảm còn ¼ so với trước đó.
Nhưng, triển khai VoIP 178 không hề đơn giản. Cái thuận lợi lại chính là khó khăn. Không sở hữu hạ tầng, Viettel phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của đối tác, từ phạm vi kinh doanh đến chất lượng dịch vụ và ngay cả thu cước của khách hàng. Nhưng, chính vị trí bị dồn ép ấy lại khiến Viettel càng khát khao phải làm chủ một hạ tầng viễn thông.
Tự chủ để làm việc khó
Khao khát kinh doanh di động, chưa có kinh nghiệm, Viettel dự định đi theo con đường mọi dự án viễn thông di động trước đó phải đi: liên doanh với đối tác nước ngoài. Ở thế cửa trên, đối tác duy nhất đến từ Úc đưa ra những điều khoản dồn ép đến mức động chạm vào lòng tự trọng. Họ đầu tư tiền, Viettel góp vốn bằng giấy phép, thị trường, khách hàng là toàn bộ người dân Việt Nam. Nhưng chỉ khi đối tác thu hết tiền đầu tư 250 triệu đô, họ mới bắt đầu chia lợi nhuận cho Viettel.
Xô bàn đứng dậy, Viettel đối diện với bài toán tự xây dựng mạng di động, trong khi vốn của Viettel khi ấy chỉ đủ xây trạm ở 2 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Tự làm trong khi nhân sự của Viettel vỏn vẹn có 100 người với kinh nghiệm chủ yếu là xây lắp công trình viễn thông.
Trăn trở, đau đáu với khát vọng làm di động, nên ngay cả một cuộc nói chuyện bên lề hội nghị quốc tế cũng giúp lãnh đạo Viettel tìm ra giải pháp tháo gỡ những nút thắt. Bài toán về vốn đầu tư ít ỏi được giải quyết bằng phương án mua thiết bị trả chậm trong vòng 4 năm. Viettel bé nhỏ có thể đàm phán được điều khoản này là nhờ tận dụng được cơ hội từ khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà khai thác không tiếp tục đầu tư thêm, nên dư thừa thiết bị đã được sản xuất. 5.000 trạm phát sóng được đặt hàng. Nhưng đó cũng lại là áp lực đặt lên vai Viettel phải xây dựng nhanh chóng để đưa vào kinh doanh, có tiền trả nợ.
Bài toán về triển khai nhanh được giải quyết bằng phương án xây dựng quy chuẩn trạm điển hình để tổ chức hàng chục đội triển khai đồng loạt trên tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Trong vòng 2 năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% lên, tăng lên 90% năm 2007 và hiện tại đã là 130%. Dịch vụ di động vốn bị coi là xa xỉ bỗng trở thành thiết yếu.
Chủ động chọn việc khó
Từ thế bị động bị đẩy vào việc khó, Viettel giờ đã chủ động chọn việc khó.
2006, Khi mới kinh doanh viễn thông được 2 năm, Viettel lại tự chọn một việc khó khác, đầu tư ra nước ngoài. Nhiều người cho đó là một bước đi mạo hiểm khi ngay tại sân nhà, Viettel còn chưa đứng vững, đang chỉ là số 0 trên thế giới. Một thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, tỷ lệ thâm nhập viễn thông chưa cao, dư địa phát triển còn dồi dào là điểm đến hấp dẫn của bất cứ nhà đầu tư nào. Tại sao Viettel lại đầu tư ra nước ngoài? Tiền đầu tư xây dựng mạng lưới ở thị trường Việt Nam vẫn còn đang phải trả chậm, nguồn vốn đâu để Viettel lại tiếp tục đầu tư sang Campuchia và Lào? Nhân sự của Viettel cũng mới chỉ chuyển từ mảng xây dựng sang làm kinh doanh, còn đang học hỏi từ cách xây dựng gói cước, chăm sóc và phục vụ khách hàng, làm sao lại có thể đi ra thị trường nước ngoài với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý?
Từ láng giềng Campuchia, Lào rồi bước sang Haiti, Mozambique, Đông Timor, Brundi, Tazania, Peru và mới nhất là Myamar. Viettel lần lượt bước chân vào các quốc gia châu Á, châu Mỹ La tinh đến châu Phi, cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ đứng top đầu trên thị trường viễn thông thế giới.
Đầu tư ở những nước còn nghèo, bài toán đặt ra là giá cước phải phù hợp với thu nhập của người dân, trong khi đầu tư hạ tầng vẫn phải lớn. Khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và pháp lý là những khó khăn chung khi đặt chân đến bất kỳ một quốc gia nào. Nhưng mỗi quốc gia lại còn có những thử thách khác biệt nhau. Động đất ở Haiti là một ví dụ. Ngay trước ngày ký hợp đồng liên doanh, Haiti trải qua một trận động đất chưa từng có trong suốt 100 năm ở quốc gia ở vùng biển Caribe này. Tiếp tục đầu tư hay rút lui khỏi đống đổ nát? Nội chiến ở Burundi hay ở Myanmar cũng là những bài toán hóc búa khác. Rút quân hay ở lại bảo vệ tài sản và đảm bảo kết nối cho người dân? Đó là những quyết định cân não đối với lãnh đạo Viettel.
Tinh thần, kỷ luật, ý chí quyết tâm của những người lính đã khiến Viettel không lùi bước. Nhiều kỳ tích đã được tạo ra ở các quốc gia Viettel đến đầu tư.
Sau 15 năm từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel đã trở thành nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, đứng số 1 ở 7/10 thị trường quốc tế. Doanh thu từ hoạt động đầu tư nước đạt hơn 3 tỷ USD (năm 2023), duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD.
Thành công của Viettel không chỉ thể hiện bằng hiệu quả kinh tế, mà còn là tình cảm của bạn bè thế giới dành cho nhà đầu tư với cách làm tử tế.
Việc khó là động lực sáng tạo của Viettel
Đang rất thành công với viễn thông, Viettel quyết định chuyển dịch thành nhà cung cấp dịch vụ số. Từ đó, Viettel tập trung nguồn lực cho việc phát triển các nền tảng và sản phẩm công nghệ.
Thị trường có hàng chục ngàn các công ty công nghệ, muốn tất cả cùng phát triển, Viettel chọn lối đi riêng, đó là đầu tư hạ tầng, cho thuê dịch vụ và may đo theo nhu cầu của từng khách hàng. Không tham gia vào những sản phẩm, nền tảng số đã có doanh nghiệp làm tốt, Viettel lựa chọn những cái khó ít người có khả năng đầu tư. Vai trò của một Tập đoàn kinh tế lớn, Viettel thấy trọng trách của mình trong việc tiên phong và chủ lực xây dựng các nền tảng số quốc gia.
6 lĩnh vực mà Viettel xác định sẽ tập trung triển khai để hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam đó là: hạ tầng số, tài chính số, giải pháp số, nội dung số, an ninh mạng, và nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Nền tảng hạ tầng số với hàng trăm ngàn km cáp quang đủ để quấn 9 vòng quanh trái đất đã được xây dựng. Tài chính số chỉ sau 2 năm ra mắt, hệ sinh thái Viettel Money với hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử, 60% thị phần tiền di động. Nền tảng TV 360 sau 2 năm ra mắt, đã đứng vị trí số 1 về ứng dụng truyền hình số của người Việt. Hàng loạt các nền tảng, giải pháp số cho chính phủ, giáo dục, y tế, giao thông, doanh nghiệp lần lượt được đưa vào vận hành. Lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ tạo ra chiếc khiên vững chắc bảo vệ sự an toàn trên không gian số. Tất cả đang dần hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.
Hệ sinh thái Viettel Money đem lại các giải pháp thanh toán ưu việt
Việc khó giờ đã trở thành động lực sáng tạo cho Viettel. Bởi vậy, cùng với quá trình đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã bắt đầu một việc khó khác – dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất – một khát vọng đã được ấp ủ từ thuở hàn vi.
Đối diện với những hoài nghi về việc người Việt Nam có thể làm chủ nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao. Viettel lựa chọn lĩnh vực mình có hiểu biết nhiều nhất đó là thiết bị thông tin quân sự. Sau đó, tiếp tục mở rộng dần ra các khí tài, trang thiết bị quân sự khác như hệ thống quản lý vùng trời quốc gia, rada, máy bay không người lái…
Những thành quả ban đầu đầy khích lệ khiến Viettel quyết tâm sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao nhằm bảo vệ nền hòa bình của đất nước.
Nghiên cứu, sản xuất vũ khí quân sự vốn là bí mật của mỗi quốc gia. Bởi vậy, Viettel hiểu rằng, không thể trông đợi về việc chuyển giao công nghệ, cũng không thể hợp tác, liên doanh. Không chỉ với quân sự, ngay cả đối với các thiết bị dân sự như thiết bị mạng viễn thông, công nghệ bán dẫn ... Bài toán tự phải làm một lần nữa lại được đặt ra. Lại là những năm tháng tự nghiên cứu, tự thử nghiệm, tự vượt qua chính mình. Thách thức còn lớn hơn nữa khi thế giới trải qua 2 năm Covid và cuộc chiến tranh Nga – Ukraina. Chuỗi cung ứng đứt gẫy trên toàn cầu, nguyên vật liệu khan hiếm vẫn không làm nản lòng và ý chí của những người lính Viettel.
Khởi sự từ 2007, sau 17 năm, Viettel đã có hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành Vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo mô hình tác chiến hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội Việt Nam, một số có tính năng chiến – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới, đảm bảo tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, góp phần đáng kể nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng.
Viettel cũng khiến thế giới sửng sốt khi công bố bảng mạch và chip 5G tại triển lãm viễn thông lớn nhất thế giới MWC. Càng bất ngờ hơn khi Viettel là đang là nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông. Viettel cũng đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G.
Chipset 5G của Viettel ra mắt giới công nghệ toàn cầu tại Hội nghị Di động Thế giới MWC 2024
Từ một đội quân lao động sản xuất của quân đội, Viettel giờ đã trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu với sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Cuộc hành trình của Viettel được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và cả sự dấn thân.
Có lẽ cái khó nhất là thay đổi khi tổ chức đang rất ổn.
Nhìn lại chặng đường đã qua, cứ mỗi 10 năm, Viettel lại có sự chuyển mình về chất và lượng. Và sự chuyển mình ấy đều đến từ những việc dám nhận những việc khó tưởng chừng như không thể vượt qua.
Để phát triển, Viettel sẽ lại tiếp tục những khát vọng mới, nhận những nhiệm vụ mới, khó hơn thách thức hơn, vượt qua giới hạn của mình.
Nghĩ lớn, đặt mục tiêu xa, gánh trọng trách quốc gia với tư duy toàn cầu.
Đó là con đường mà Viettel chọn, bằng cả trái tim và khối óc.
“Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa…