Dùng công nghệ số “gỡ khó” hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trước cơn bão Covid-19, TCT Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khởi đầu thành công chiến lược hướng tới nhóm khách hàng năng động nhất nền kinh tế này. Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định đây là cơ sở để đơn vị đặt mục tiêu cao trong năm 2022, chinh phục khách hàng doanh nghiệp nhỏ, song hành với nhiệm vụ phục vụ khách hàng cá nhân.
Thưa ông, năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viettel Telecom là phát triển các dịch vụ dành cho khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lý do nào khiến Viettel Telecom tập trung vào phân khúc khách hàng này?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tới 98,1%, đóng góp tới 45% GDP. Quan trọng là vậy nhưng đây cũng là cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Năm 2021, để thích ứng với tình hình mới, các SME bắt buộc phải tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý.
Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, áp dụng chuyển đổi số để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy hình thành các mô hình kinh tế số. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các SME chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ, còn lúng túng khi định hướng cũng như triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trong khi đó, Viettel Telecom đã có sẵn các nguồn lực có thể ngay lập tức đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số, tối ưu và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế thời đại.
Có thể thấy, như vậy trước đó Viettel Telecom đã có sự chuẩn bị để thực hiện được vai trò là đơn vị thúc đẩy chuyển đổi số cho các SME cũng như các hộ kinh doanh cá thể?
Với sứ mệnh là doanh nghiệp chủ đạo kiến tạo xã hội số, những năm vừa qua và đặc biệt là năm 2021, Viettel Telecom đã quyết liệt tập trung nguồn lực thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, việc chuẩn bị hạ tầng số. Thực tế những năm qua vấn đề này đã được Viettel Telecom đẩy mạnh bằng mục tiêu phổ cập kết nối Internet đến 100% hộ dân. Hiện tại đã kết nối Internet đến gần 100% xã, gần 70% thôn tổ có hạ tầng kết nối sẵn sàng cho người dân. Chúng tôi đặt cho mình mục tiêu làm sao để mỗi người dân một máy smartphone, dịch chuyển mạnh 3G lên 4G. Phổ cập Internet đến từng người dân chính là cách giúp họ dễ tiếp cận với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trên môi trường số hơn. Khi mỗi người dân được chuyển đổi số, xã hội được chuyển đổi số, sẽ là đòn bẩy góp sức giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel Cao Anh Sơn: “Viettel Telecom hướng tới trở thành trung tâm kết nối giữa các doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ thông tin.”
Thứ hai, Viettel Telecom định hướng xây dựng các hệ sản phẩm giải pháp số cho hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, phục vụ đến 70% nhu cầu của SME, bán lẻ, hộ gia đình, đặc biệt là các cá thể đang kinh doanh online trên môi trường số. Hệ sinh thái giao dịch điện tử cung cấp đại trà cho các SME như dịch vụ hợp đồng điện tử - vContract, chữ ký số cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân MobileCA/CloudCA, mở rộng đối tượng cung cấp đến hộ kinh doanh cá thể... Đặc biệt, từ ngày 15/10/2021, chúng tôi đã đưa vESS - nền tảng số quản trị doanh nghiệp một cách toàn diện - vào kinh doanh thử nghiệm để hoàn thiện sản phẩm trọng điểm phục vụ doanh nghiệp chuyển đổi số với hơn 30 chức năng. Nền tảng vESS sẽ hỗ trợ hiệu quả SME trong tiến trình chuyển đổi số.
Viettel Telecom cũng đã tham mưu, đề xuất với các Sở ngành để đưa các sản phẩm số đi vào cuộc sống. Đây là cách nhanh nhất giúp chính quyền chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Có thể nói, năm vừa qua, Viettel Telecom đang dành nhiều nguồn lực để định hướng thị trường, hỗ trợ khách hàng thay đổi hoạt động trên môi trường số một cách hiệu quả. Cùng với hạ tầng số, sản phẩm số, Viettel Telecom cũng thực thi nhiều chính sách ưu đãi rất lớn để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.
Năm 2021 là giai đoạn khó khăn nhất của các SME khi bị cuốn vào những tác động nặng nề của đại dịch. Viettel Telecom đã hành động như thế nào để đồng hành cùng các SME vượt qua thời điểm khó khăn này?
Để giúp khối SME đón đầu bình thường mới, Viettel Telecom đang thực hiện song song 2 hướng hỗ trợ trực tiếp.
Thứ nhất, chúng tôi áp dụng các chính sách ưu đãi cộng tháng sử dụng hoặc giảm giá các dịch vụ thiết yếu đối với doanh nghiệp nhằm giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí khi tìm cách duy trì hoạt động. Một số chính sách tiêu biểu có thể kể đến như tặng khách hàng thêm từ 3 - 9 tháng sử dụng dịch vụ miễn phí, chủ động liên hệ chăm sóc trước khi khách hàng bị chặn cắt, giảm cước Internet…
Thứ hai, Viettel Telecom dồn toàn lực cấp tốc triển khai cung cấp các giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp quản trị và điều hành từ xa khi nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội.
Nổi bật phải kể đến nền tảng số quản trị doanh nghiệp vESS, giúp doanh nghiệp số hóa quy trình vận hành của các bộ phận phòng ban cốt yếu nhất, giải quyết 70-80% các vấn đề xương sống của doanh nghiệp như quản lý nhân sự, tài chính, tài sản, công tác bán hàng cũng như dễ dàng điều hành doanh nghiệp từ bất kỳ đâu. Với thời gian hoàn thiện thần tốc để kịp thời phục vụ doanh nghiệp trong những ngày dịch căng thẳng, nền tảng ra mắt từ 15/10 với chính sách ưu đãi đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm miễn phí 6 tháng. Chỉ trong hơn 1 tháng kể từ khi ra mắt, nền tảng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội với gần 2.000 lượt doanh nghiệp đăng ký và gần 1.500 doanh nghiệp đã sử dụng các ứng dụng trên nền tảng này. Con số cho thấy sức nóng của thị trường, nhu cầu lớn cũng như ý thức thực sự đối với ứng dụng giải pháp số, chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt.
Khách hàng sử dụng dịch vụ Vcheck để kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
Qua giới thiệu của đồng chí, Viettel Telecom đặt rất nhiều kỳ vọng vào sản phẩm mới là nền tảng số quản trị doanh nghiệp vESS. Đó phải chăng là sản phẩm nổi bật nhất của Viettel Telecom trong giai đoạn này?
Đúng vậy, vESS có thể xem là nền tảng số quản trị doanh nghiệp toàn diện, được tích hợp bởi nhiều bộ giải pháp hỗ trợ quá trình quản lý, vận hành của doanh nghiệp. Sản phẩm gồm 3 bộ giải pháp chính: Quản trị điều hành, Quản trị nhân sự, Kế toán – Tài chính, với hơn 30 công cụ, tiện ích từ cơ bản đến nâng cao đáp ứng cho mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp khác nhau.
vESS đã được Viettel Telecom xây dựng hoàn thiện trên đồng thời cả 2 nền tảng PC và Mobile App, đem lại trải nghiệm dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng cho người sử dụng. Sản phẩm được phát triển theo mô hình SaaS trên nền tảng ứng dụng Cloud giúp tối ưu chi phí và dễ dàng mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp với đa dạng tiện ích, liên kết các nghiệp vụ hệ thống; đồng thời tích hợp hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm dịch vụ của Viettel cho quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp như Chữ ký số (CA), Hóa đơn điện tử, Hợp đồng điện tử, BHXH, SMS BrandName (Tin nhắn thương hiệu), VoiceBrandName (Tổng đài thương hiệu), Video Meeting (Hội nghị trực tuyến), mCC (Tổng đài di động)... và các sản phẩm viễn thông khác, trong khi hầu hết các sản phẩm chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp hiện nay trên thị trường đều chỉ cung cấp các giải pháp, tính năng đơn lẻ, đơn giản.
Đặc biệt, các tính năng của hệ thống này được kiểm duyệt qua Công ty An ninh mạng của Viettel và các đơn vị tại Việt Nam trước khi triển khai cho khách hàng nên rất an toàn, bảo mật. Và sản phẩm có sự đa dạng các ứng dụng và khả năng tích hợp với các dịch vụ viễn thông.
Hệ thống này của Viettel sẽ giúp số hoá 77% hoạt động của doanh nghiệp; tiết kiệm 11% chi phí hoạt động chung và rút ngắn 36% thời gian ra quyết định.
Viettel Telecom xác định sứ mệnh của nền tảng vESS sẽ là trở thành nền tảng số quản trị không thể thiếu cho mọi quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể cho tới các SME, kết hợp với hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ của Viettel giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện và hiệu quả.
Chúng tôi đặt mục tiêu vESS sẽ đứng đầu về thị phần trong mảng phần mềm quản trị cho các doanh nghiệp SME sau 2 năm cung cấp dịch vụ.
Ngoài vESS, Viettel Telecom còn có những giải pháp gì để tạo ra hệ sinh thái phục vụ các SME?
Doanh nghiệp trong công tác bán hàng, truy xuất nguồn gốc… giải pháp vMenu mang lại hình thức phục vụ dịch vụ nhà hàng - ẩm thực mới mẻ và phù hợp với xu hướng cá nhân hóa, xu hướng dịch vụ không tiếp xúc, là giải pháp thiết thực nhất cho ngành hàng trong bối cảnh dịch bệnh nên rất được các nhà hàng hưởng ứng. Hay như sản phẩm mesh wifi giúp doanh nghiệp có được vùng phủ Internet ổn định tại nơi làm việc, đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet ngày một tăng cao.
Không chỉ dừng ở những biện pháp ngắn hạn trực tiếp, Viettel Telecom vẫn dành tầm nhìn dài hạn hơn vào việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp viễn thông và công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp doanh nghiệp chuyển đổi số trên nhiều cấp độ khác nhau từ số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và chuyển đổi số từ gốc chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng tôi bỏ qua việc đầu tư, nâng cấp các dịch vụ mang tính cơ bản hoặc truyền thống như Hóa đơn điện tử, bảo hiểm xã hội và tổng đài di động.
Dự kiến trong năm 2022, Viettel Telecom sẽ có những định hướng chiến lược gì để phát triển mảng kinh doanh dành cho SME, giúp cộng đồng này chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn nữa?
Năm 2022, chúng tôi sẽ thay đổi triệt để cách thức tiếp cận, mô hình kinh doanh đối với các khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể theo hướng xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đáp ứng hầu hết nhu cầu từ cơ bản đến cao cấp, cung cấp cho khách hàng trọn gói giải pháp nhưng linh hoạt. Các sản phẩm tích hợp hoàn thiện cơ bản 70% các nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, thay vì chỉ cung cấp các dịch vụ đơn lẻ, đẩy mạnh dịch chuyển kênh bán hàng cho doanh nghiệp lên trên mạng xã hội, các cộng đồng trên môi trường số. Chúng tôi đặt mục tiêu là dịch chuyển được 30% hoạt động bán hàng của doanh nghiệp lên môi trường số.
Viettel Telecom cũng sẽ tổ chức bộ máy, bộ phận làm chính sách sản phẩm dịch vụ một cách chuyên nghiệp, tập trung vào các nhóm khách hàng cụ thể, giải quyết các bài toán chuyển dịch số cho doanh nghiệp /hộ kinh doanh một cách hiệu quả, mang tính đột phá thông qua các giải pháp chuyển đổi số như định danh khách hàng trực tuyến (eKYC), chữ ký số (Mobile CA, Cloud CA), tổng đài ảo (Callbot), hợp đồng điện tử, thực tế ảo, thực tế tăng cường (AR/VR)…
Đảm đương vai trò chủ đạo kiến tạo xã hội số, Viettel Telecom hướng tới trở thành trung tâm kết nối giữa các doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chúng tôi để phát triển, thương mại hóa sản phẩm dịch vụ của mình.
Cuối cùng, để quá trình kiến tạo xã hội số thành công, giúp cộng đồng SME chuyển đổi số hiệu quả, Viettel Telecom sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực trong xây dựng các nền tảng, ứng dụng, kết nối và đồng bộ cung cấp cho các ngành, cơ quan quản lý nhà nước giúp đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi số quốc gia, giúp doanh nghiệp, người dân, các khách hàng của Viettel có trải nghiệm tốt, an toàn khi tương tác trên môi trường số.
Xin cảm ơn ông!