'Chiến trường' điện toán đám mây: Cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại

Mặc dù sự cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là rất cao, Viettel IDC với vai trò là doanh nghiệp nội địa dẫn dắt và tạo động lực tăng trưởng thị phần trong lĩnh vực điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, sẵn sàng vừa hợp tác vừa cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và đầy triển vọng ở khu vực Đông Nam Á, điều này mang tới dấu hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghệ nói riêng muốn mở rộng dấu ấn của mình sang các khu vực mới có tiềm năng tăng trưởng cao. Ngoài ra, việc gia tăng đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các hoạt động mua bán và sáp nhập mới được đánh giá là tín hiệu tốt cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Do vậy, thị trường điện toán đám mây được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kinh ngạc với tốc độ tăng trưởng vượt bậc.


Thị trường điện toán đám mây bùng nổ song hành với chiến lược chuyển đổi số quốc gia. 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% vào năm 2030. Để kinh tế số chiếm 20% GDP, kinh tế của ngành ICT dự kiến chiếm khoảng 6-6,5%, trong đó doanh nghiệp điện toán đám mây dự kiến đóng góp 1% GDP. Ngoài ra, theo ông Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp. Đây là chiến lược nội địa hoá hạ tầng công nghệ cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu là rất khốc liệt, bởi tại Việt Nam hiện nay có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Microsoft, Amazon, các doanh nghiệp mạnh trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… và một số doanh nghiệp nhỏ. Một phần thị phần không nhỏ đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Để cạnh tranh ở quy mô quốc tế, những năm gần đây, các nhà cung cấp Việt Nam đã và đang đầu tư cho Hyperscale Data Center với tiêu chuẩn khắt khe nhất, đảm bảo an ninh bảo mật cao nhất, đủ năng lực cạnh tranh với các gã khổng lồ quốc tế. Các nhà cung cấp nội đã và đang đầu tư mạnh về nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển, con người cho ngành dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây bứt phá mạnh mẽ.

Lợi thế của các nhà cung cấp nội địa là sự sở hữu một tập khách hàng sẵn có, sự hiểu biết sâu thị trường trong nước, cơ sở hạ tầng số và đặc biệt lợi thế liên minh, liên kết để cùng nhau tạo ra hệ sinh thái số nội địa đa dạng đáp ứng tối đa mọi nhu cầu của khách hàng nội. Với việc am hiểu văn hóa, tâm lý tiêu dùng của người Việt, các doanh nghiệp nội địa luôn nhanh chóng nắm được khó khăn (paint point) mà khách hàng mục tiêu đang gặp phải, từ đó đưa ra các giải pháp, sản phẩm dịch vụ (solutions and products) phù hợp, kịp thời nhất.


Doanh nghiệp Việt có lợi thế về hiểu biết khách hàng với bộ giải pháp đuọc tùy biến đáp ứng nhu cầu đặc thù. 

Hạ tầng đám mây gắn chặt với nền tảng viễn thông là tiền đề chắc chắn cho chương trình chuyển đổi số từ cấp Quốc gia đến địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Các nhà cung nội địa như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với lợi thế bất biến về hạ tầng truyền dẫn đang và sẽ bắt nhịp nhanh chóng với xu hướng phát triển của công nghệ toàn cầu (AI, Big Data, Metaverse,…), sẽ định hình tốt nhất tương lai số cho người Việt, doanh nghiệp Việt.

Viettel IDC - Nhà cung cấp dịch vụ Cloud và Data Center lớn nhất tại Việt Nam - với vai trò là doanh nghiệp nội địa dẫn dắt và tạo động lực tăng trưởng thị phần trong lĩnh vực điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, sẽ mang tới cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất, giải pháp chuyển đổi số một cách dễ dàng hơn với chi phí tiết kiệm hơn giải pháp ngoại. Các nhà cung cấp nội địa với sức mạnh công nghệ, vị thế trên thị trường quốc tế ngày càng cao, sẵn sàng vừa hợp tác vừa cạnh tranh sòng phẳng với các Big Tech toàn cầu.