Giải mã sự "kỳ lạ" của một ứng dụng từ Thừa Thiên Huế

Mỗi ngày có tới 47.600 lượt mở ứng dụng Hue-S, điều này cho thấy sự hữu ích mà ứng dụng này đem lại cho người dân. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền Huế, đằng sau độ "hot" của Hue-S là gì?

Đi vào cuộc sống của người dân xứ Huế từ đầu năm 2019, Hue-S là minh chứng dễ hình dung nhất về cuộc chuyển đổi số tại cố đô, với mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh. Ứng dụng này được xây dựng theo hướng siêu ứng dụng (super app) tích hợp các dịch vụ thành phố thông minh và chính quyền số của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau 3 năm triển khai, đến nay Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh - điều khá kỳ lạ với một ứng dụng kiểu này. Tính riêng năm 2021, đã có 17.371.225 lượt truy cập, tức mỗi ngày có tới 47.600 lượt mở ứng dụng.

Vì sao người dân tương tác tích cực với Hue-S?

Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ một tính năng đặc biệt hữu ích với người dân, đó là "phản ánh hiện trường" của ứng dụng Hue-S. Lần đầu tiên, một cư dân Huế bình thường cũng có thể trực tiếp đóng góp ý kiến, tố cáo vi phạm, phản ánh bức xúc với chính quyền và theo dõi tiến độ xử lý của cơ quan quản lý mà chỉ cần một chiếc smartphone.

Đến nay, Hue-S đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với sự tham gia của 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp. Số phản ánh đã được xử lý chiếm 97,5%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%. Những con số này lý giải vì sao người dân hào hứng phản ánh thông qua Hue-S.

Sự quan tâm lớn đến Hue-S còn đến từ lĩnh vực giao thông và môi trường. Nhờ kết hợp trí tuệ nhân tạo áp dụng vào giám sát camera, Hue-S đã ghi nhận và tiếp nhận 13.068 trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng, phối hợp hỗ trợ công an truy vết hơn 485 vụ án có biểu hiện yếu tố hình sự.

Hue-S tiếp nhận hơn 4.000 phản ánh vi phạm liên quan đến môi trường với mức xử phạt 394 triệu đồng, qua đó đã có tác động điều chỉnh hành vi và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn đại dịch, Hue-S chính là nơi để người dân có thể cập nhật thông tin dịch bệnh, giải pháp xử lý tình huống nhanh và chính xác nhất.

Đặc biệt, do tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lụt ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Hue-S đã trở thành kênh thông tin giúp người dân nhận cảnh báo và theo dõi diễn biến tình hình thiên tai, bão lụt, tình trạng ngập lụt qua hệ thống camera. 1.808 cảnh báo về thời tiết, thiên tai, bão lụt đã được phát đi, 703 cầu ứng cứu khẩn cấp qua chức năng SOS được tiếp nhận… là những hỗ trợ cực kỳ hữu ích cho bà con.


Ngay trong đại dịch, Hue-S nhanh chóng được cập nhật tính năng giám sát COVID-19, phục vụ đắc lực chính quyền địa phương. 

Thêm nữa, trong 2 năm đại dịch Covid vừa qua, việc người dân đi làm ở các nơi trở về Huế và cần có một ứng dụng trên điện thoại có thể tương tác tốt với Chính quyền cũng như kết hợp với việc khai báo, Hue-S chính là giải pháp tốt nhất.

Đó là những lý do để Hue-S được cư dân Huế ưa chuộng và tương tác tích cực, thậm chí có số lượng tải vượt cả dân số - điều rất khó tin với các ứng dụng ở địa phương khác.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý có công cụ Hue-G trên nền tảng di động để tổng hợp, giám sát tình hình tại địa phương, xử lý vi phạm và đồng hành cùng cư dân trong nhiều hoạt động.

"Nếu như Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì Huế với nền tảng là đô thị thông minh hướng đến mục tiêu thành phố của hạnh phúc" - ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy từng nói khi ông còn là Chủ tịch UBND tỉnh.

Một cụm từ "thành phố hạnh phúc" gói gọn bức tranh cuộc sống của những cư dân Huế. Dù chưa hoàn thiện một đô thị như vậy nhưng xứ Huế trầm mặc nay đã và đang mang hình thái của một đô thị hiện đại, năng động song vẫn bảo toàn các nét văn hóa riêng biệt của một cố đô, nơi mà ý kiến của người dân được xem như chỉ thị của Chủ tịch tỉnh và chính quyền là chính quyền phục vụ.

"Trái tim" mang tên Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC)

Để làm được những điều kể trên, 3 năm trước, Huế đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) sau gần một thập kỷ lên ý tưởng, tìm giải pháp. Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - Thành viên Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội là đơn vị tư vấn và triển khai.

Không chỉ tiên phong, dự án IOC của Huế là dự án smart city đầu tiên của Việt Nam đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019. Dự án đóng góp vai trò quan trọng giúp Thừa Thiên Huế được xếp ở vị trí thứ hai toàn quốc về chỉ số DTI (Digital Transformation Index - Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông) ở cấp tỉnh tại cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số năm 2020, kết quả được công bố vào tháng 10/2021.

Nhờ IOC là "trái tim", chính quyền số của Huế với các công cụ như Hue-S, Hue-G đã chứng minh hiệu quả chỉ sau 6 tháng đi vào thực tiễn. Viettel cũng đã phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp chính quyền tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội tỉnh đồng thời kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến Trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huế - ông Nguyễn Xuân Sơn, hiệu quả lớn nhất là thay đổi nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục những hạn chế hành chính thông thường, giảm bớt áp lực nhân sự và kết nối người dân với chính quyền một cách thuận tiện, minh bạch.

Đến nay, sau 3 năm, thông qua IOC, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ đô thị thông minh trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng một "chính quyền phục vụ" như mục tiêu của các lãnh đạo tỉnh, tạo niềm tin vững chắc cho người dân về một thành phố của hạnh phúc.

Để phát triển kinh tế số, "siêu ứng dụng" Hue-S sẽ tiếp tục là nơi tích hợp hệ thống với các tiện tích mua sắm thanh toán hàng hóa, dịch vụ thanh toán trực tuyến. Hiện nay, nền tảng này đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia.

Riêng Viettel Solutions tích hợp các chức năng Chatbot, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống giám sát thông tin và thu thập, tổng hợp tin về địa phương, giải pháp giám sát an toàn thông tin mạng.

Trong kế hoạch phát triển giao thông vận tải, Viettel Solutions đang nghiên cứu ứng dụng chip thu phí không dừng thế hệ mới thí điểm phục vụ công tác thu phí đậu đỗ trên các tuyến đường của thành phố và một số dịch vụ, tiện ích giao thông liên quan khác; hoàn thiện công nghệ thu phí bảo đảm quản lý hiệu quả.

Còn với trụ cột Xã hội số của Huế, ngoài chức năng giám sát đã được tích hợp trong IOC thì y tế số đã được hiện thực bước đầu với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý đầy đủ thông tin và hồ sơ khám chữa bệnh của người dân, đồng bộ dữ liệu từ hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện của các bệnh viện, trung tâm y tế. Đến nay, hệ thống đã khởi tạo hơn 1,3 triệu bản ghi hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh và người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn.

Đặc biệt, hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được Bệnh viện Trung ương Huế đưa vào hoạt động từ 01/09/2020, kết nối với 100 điểm vệ tinh là các đơn vị y tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các công nghệ này đều do Viettel Solutions cung cấp bên cạnh hệ thống quản lý nhà Thuốc và Dược Quốc Gia, hệ thống quản lý tiêm chủng Covid19.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Huế, đánh giá cao khả năng "may đo" theo nhu cầu địa phương của các giải pháp  số do Viettel triển khai.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huế cho biết, khi đề án triển khai, chính quyền nhận được hồ sơ từ rất nhiều đối tác cả trong và ngoài nước. Trong đó, giải pháp của nước ngoài được đánh giá tốt nhưng không phù hợp các điều kiện thực tế của Huế.

Một số đối tác Việt Nam tiếp cận từng dịch vụ theo từng lĩnh vực mà không tính phương án liên kết các dịch vụ. Cuối cùng chỉ có Viettel Solutions giải quyết được các băn khoăn của Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ưu điểm của giải pháp đến từ Viettel Solutions là "may đo" theo đặc tính của từng địa phương nhờ sự đầu tư cho quá trình nghiên cứu, đánh giá thực tiễn để điều chỉnh. Với giải pháp kỹ thuật tốt của "thợ may" Viettel Solutions, Huế đã may đo cho mình một chiếc áo đẹp, phù hợp, vừa vặn.