Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán qua mobile banking tăng trưởng 76,2%, thanh toán qua QR code tăng 64,1%. Nhưng Việt Nam vẫn có một bộ phận người dân khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính số ở các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Hành trình "phủ sóng" thanh toán số là cả một chặng đường dài nhưng cũng là điều cần thiết để kiến tạo nền kinh tế số, xã hội số hoàn chỉnh.
Len lỏi vào những sinh hoạt đời sống bình dị nhất
Dù nhớ ra mình không mang theo tiền mặt khi vào chợ thành phố Hà Tĩnh, thế nhưng, chị Nguyễn Thị Hương (phường Văn Yên, TP. Hà Tĩnh) vẫn bình tĩnh chọn hàng tại một ki-ốt bán quần áo. Sau khi “chốt” giá, chị Hương được chủ ki-ốt đưa mã quét QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
“Chỉ cần mình có tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc trong ứng dụng Viettel Money thì khi đi chợ sẽ không phải lo lắng nếu không mang theo tiền mặt. Mình đã trải nghiệm dịch vụ quét mã QR tại một số quầy hàng từ thực phẩm đến hàng quần áo, hàng mã… nên thấy rất tiện lợi. Mình trả đúng số tiền mà không lo thừa, thiếu” - chị Hương cho biết.
Viettel Money từng bước len lỏi vào cuộc sống ở những vùng sâu, vùng xa.
Chị Hương, cũng như rất nhiều người dân Việt tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam đang là những người đầu tiên trải nghiệm mô hình chợ 4.0 - khu chợ không tiền mặt tại chính nơi mua sắm quen thuộc của mình. Mô hình bắt đầu được Viettel thí điểm và lần lượt triển khai tại chợ Cồn (thành phố Đà Nẵng) từ tháng 4/2022, và nay đã lan rộng ra hàng trăm khu chợ trên khắp Việt Nam. Chỉ với 1 chiếc điện thoại trên tay, thậm chí không cần tới smartphone hay kết nối internet, các dì, các cô, thậm chí các bác nông dân đã trở thành những công dân 4.0 thứ thiệt, ra khỏi nhà chỉ việc… xách điện thoại lên và mua bán, không cần mang tiền mặt, không phải chờ đợi trả tiền, thối tiền, đổi tiền. Đây chính là kết quả chính từ sự nỗ lực của Viettel trong việc phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai mô hình chợ thông minh 4.0 tới 63 tỉnh thành, thông qua hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money.
Len lỏi vào những ngóc ngách cuộc sống, xây dựng kinh tế số từ gốc.
Ai cũng dùng, đi đâu cũng thấy
Một khu chợ vắng bóng những tờ polime đủ màu, thay vào đó những tấm bảng đỏ mang mã QR và những chiếc điện thoại là thứ được nhìn thấy nhiều nhất
Trưởng Ban quản lý chợ Tam Kỳ, bà Vũ Thị Thanh Nga cho hay, việc thanh toán trực tuyến sẽ hướng mọi người dần thay đổi thói quen trả tiền mặt mà sử dụng điện thoại để thanh toán thông qua mã quét QR hoặc số điện thoại, qua đó giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số. Tại chợ Hải Tân, TP. Hải Dương, cũng ghi nhận những phản hồi tích cực khi Viettel Hải Dương phối hợp với Ban Quản lý chợ triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money) cho tiểu thương và người dân.
Chương trình Chợ 4.0 đang được nhiều tỉnh đón nhận và đề nghị Viettel phối hợp triển khai mở rộng, đưa vào kế hoạch phát triển trụ cột kinh tế số của tỉnh. Sau hơn 2 tháng triển khai, số lượng chợ không tiền mặt đã lan rộng ra 122 khu chợ, 63 tỉnh thành, 12 nghìn điểm chấp nhận thanh toán là các tiểu thương. Có được những con số ấn tượng như vậy, là bởi không cần quan tâm điện thoại thông minh hoặc điện thoại "cục gạch", có 3G, 4G hay kết nối Internet hoặc không, là bất kỳ ai, sử dụng bất kỳ thiết bị di động gì đều có thể tham gia vào hệ sinh thái Viettel Money. Chỉ cần một thao tác quét QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money hoặc cú pháp *998# đơn giản, người dùng có thể thực hiện mọi giao dịch chuyển, nạp, rút tiền, mua bán trực tuyến.
Đây được coi là giải pháp đưa số hóa len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Kết nối với hàng nghìn đối tác để phục vụ mọi nhu cầu của người dân
Không chỉ trong những sinh hoạt thường ngày như đi chợ, ra tạp hóa mua nhu yếu phẩm, hệ sinh thái Viettel Money đang được bà con sử dụng để thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, chuyển tiền trực tuyến cho nhau thay vì dùng tiền mặt hay cả đóng học phí cho con cháu, mua sắm trực tuyến. Khi cần rút tiền, bà con có thể đến những điểm nạp/rút ngay trong làng, bởi hệ thống điểm giao dịch của Viettel Money đã phủ rộng tới tận làng, xã.
Để phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân, VDS đã đẩy mạnh các chương trình hành động phát triển phát triển dịch vụ trên hệ sinh thái tài chính số Viettel Money, hướng tới đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu, giao dịch hàng ngày của khách hàng, trọng tâm là các dịch vụ thiết yếu, các dịch vụ có tần suất giao dịch cao. Tháng 6/2022, VDS chính thức triển khai dịch vụ với đối tác ứng dụng gọi xe Be group - top 3 thị trường cung ứng dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Lũy kế đến hiện tại, hệ sinh thái Viettel Money đã kết nối được hầu hết các nền tảng lớn: Tiki, Lazada, Sendo, Be, Loship… để đáp ứng xu hướng mua sắm, thanh toán điện tử ngày càng bùng nổ trong kỉ nguyên số.
Với các nhu cầu thiết yếu, Viettel Money đã được kết nối thanh toán tiền điện trên toàn quốc, đứng đầu thị trường về số đối tác thanh toán tiền nước, kết nối với hơn 2500 trường học, 22/34 đối tác lớn trên thị trường về lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, hơn 30 chuỗi mua sắm với hàng nghìn cửa hàng về lĩnh vực sức khỏe, sắc đẹp, nhà cửa đời sống... Nhờ đẩy mạnh phát triển mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán, số điểm PSGD của Viettel Money trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 72 nghìn điểm, khẳng định tính thuận lợi để đáp ứng mọi thói quen, nhu cầu của khách hàng.
Viettel Money là kết quả của quá trình nghiên cứu, tận dụng tất cả các nguồn lực, xây dựng và đúc kết kinh nghiệm trong suốt hơn 10 năm nhằm tiên phong thực hiện sứ mệnh “Ở đâu có sóng viễn thông, nơi đó có hạ tầng và dịch vụ số”. Không ngừng hoàn thiện và mở rộng hệ sinh thái, cộng hưởng tiềm lực công nghệ và con người, Viettel Digital đang tiến nhanh trên hành trình hiện thực hóa sứ mệnh phổ cập tài chính số, góp phần kiến tạo cuộc sống mới cho mọi người dân Việt Nam.