Thần tốc đưa chữ theo cánh sóng về thôn

Trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm trang bị cho các em học sinh khó khăn có thể học tập trực tuyến, phần “máy tính” có thể nhiều đơn vị tham gia, nhưng việc đảm bảo “Sóng” để các em có thể học tập với những máy tính bảng là câu chuyện trường kỳ hơn rất nhiều. Và người Viettel đã có cách làm sáng tạo để các em học sinh có thể học tập không gián đoạn.

Đồng hành cùng chương trình nhân văn sâu sắc

Ngày 12/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi Lễ này và giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chương trình Sóng và máy tính cho em 

Mục tiêu của chương trình nhằm trang bị cho 1,5 triệu em học sinh khó khăn có thiết bị học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Xa hơn, đây cũng là cách để thúc đẩy phát triển giáo dục số, giúp các em làm quen với các công cụ học tập hiện đại.

Hưởng ứng chương trình, CBNV Viettel đã quyên góp tiền lương chính mình gửi tặng 37.000 máy tính bảng đến những học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc. Viettel cũng miễn phí toàn bộ phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến Viettel Study cho toàn bộ học sinh, sinh viên cả nước. Viettel cũng miễn phí truy cập các ứng dụng về giáo dục K12 Online, phần mềm quản lý trường học SMAS và tặng thêm 50% lưu lượng data cho các gói cước dành cho học sinh, sinh viên (từ 14-22 tuổi).

Hơn 10 ngày đưa “sóng” đồng hành cùng con chữ

Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ TT&TT đã họp với các nhà mạng để tiến hành rà soát các công việc cần làm. Những thiết bị phát huy hết hiệu quả phục vụ cho việc học tập cần đường kết nối Internet băng rộng giúp kết nối với các giải pháp dạy và học trực tuyến. Trong khi đó, hầu hết các em nhỏ khó khăn lại ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn về giao thông, chủ yếu nằm trong các vùng viễn thông công ích. Bộ TT&TT rà soát có khoảng 2.000 điểm trên cả nước cần nâng cao chất lượng phủ sóng, đảm bảo kết nối Internet tốt độ cao.

Em Quang Thế Hà học sinh lớp 10, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) chuyển sang hình thức học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, nơi em ở - bản Cướm (Diễn Lãm, Quỳ Châu, Nghệ An) nằm sâu giữa núi rừng, thậm chí chưa có lưới điện quốc gia, chỉ có sóng 2G.


Cậu bé Nghệ An phải dựng lán "đón" sóng để học online đã được dùng 4G tốc độ cao chỉ trong 3 ngày. 

Để theo kịp tiến độ với trường lớp, Hà phải leo lên ngọn đồi gần nhà, dựng một lán nhỏ để có thể "hứng" sóng 3G học trực tuyến mỗi ngày. Một đội ngũ kỹ sư của Viettel quyết tâm đưa sóng 4G đến gần hơn với cậu học sinh hiếu học.

Sau khi khảo sát địa hình, các kỹ sư Viettel đối mặt với bài toán về địa hình trắc trở, hạ tầng điện lưới không có. Anh Lê Sỹ Mạnh - Trưởng phòng Thiết kế Tối ưu Vô tuyến, Trung tâp Kỹ thuật KV1 của VTNet cho biết nơi gia đình Hà ở nằm sâu trong núi, cách trung tâm huyện Quỳ Châu 40 km, thấp hơn mặt đường, chưa có điện lưới nên việc phủ kín sóng di động khó khăn. Thậm chí sóng 2G ở bản Cướm vận hành từ năm 2018 chỉ để đảm bảo liên lạc của người dân cũng được phát bằng việc máy nổ 24/24, kết nối nhờ trạm chuyển tiếp.

Viettel Nghệ An nhanh chóng điều chuyển và đưa thiết bị hỗ trợ phát sóng đồng thời 2G và 4G đến lắp đặt tại trạm. Song song với đó, đội ngũ vô tuyến VTNet chịu trách nhiệm giải phóng tần số 900MHz dành cho 4G. Để có thể hoàn thành việc lắp đặt, đội ngũ chuyên gia phải leo bộ nhiều lần trên một con đường dốc đứng, đi lại khó khăn. Đây là lần thứ 2 các kỹ sư được trải nghiệm địa hình khó khăn sau lần đầu ở Cao Bằng. Nhờ nỗ lực kịp thời của đội ngũ kỹ sư, 3 ngày sau khi câu chuyện học bài trong lán của Hà được Viettel biết tới, bản Cướm lần đầu tiên phủ sóng 4G. Giờ đây, Hà đã có thể ngồi học bài ngay tại nhà, thay vì phải co mình trong chiếc lán chật hẹp ở sườn đồi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Viettel, cho biết ngay khi Thủ tướng và Bộ TT&TT có chỉ đạo, Viettel đã nhanh chóng triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo phân công của Bộ TT&TT ở 2 địa phương là Hậu Giang và Hà Nội. Thời điểm đó, Việc phủ sóng gấp tại các vùng lõm ở Hậu Giang và một phần của Hà Nội rất khó khăn vì các địa phương này lập chốt chặn các tuyến đường nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Tuy nhiên, Viettel đã đảm bảo phủ sóng đúng tiến độ của chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đặc biệt, có 6 điểm quá khó khăn, nhà mạng đã triển khai ứng cứu bằng xe lưu động để bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Trường kỳ phủ Internet vùng sâu

Xác định các vùng khó khăn nằm trong vùng viễn thông công ích, Viettel dự kiến triển khai 4.505 vị trí trạm thu phát sóng mới trong năm 2022 để xóa “vùng lõm” tại 403 thôn xóm khó khăn do Bộ TT&TT giao, trong đó có 290 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Việc phủ sóng cho các thôn thuộc vùng viễn thông công ích hết sức khó khăn, chỉ có hiệu quả xã hội. Nhiều thôn xóm không có điện, đường núi đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, gây sạt lở đường, địa hình bị chia cắt. Khi triển khai các trạm phát sóng cần phải di chuyển, vật chuyển vật tư, thiết bị, cột, nhà trạm, cột anten, kéo cáp, kéo điện, lắp đặt thiết bị, ở nhiều vị trí trên đồi cao, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn về con người.

Thậm chí, một số điểm thôn do hủ tục địa phương vùng dân tộc nên người dân không cho đấu điện để cung cấp cho trạm phát sóng. Cá biệt có một số điểm khó khăn do vị trí đặc thù như rừng phòng hộ, an toàn khu nên việc triển khai lắp trạm phát sóng cần xử lý nhiều vấn đề hơn thông thường.

Để giải quyết khó khăn này, Viettel đã phải huy động nguồn lực của các đơn vị xã hội hóa tại địa phương, phân vùng, chia nhỏ đến từng đối tác, kết hợp với nguồn lực nội tại của Viettel với trọng tâm là TCT Công trình Viettel (VCC).

Việc triển khai phủ sóng vùng công ích đã được Ban điều hành họp rà soát với đối tác hàng ngày, giải quyết các khó khăn vướng mắc. VTNet đã phải cắt cử nhân sự có chuyên môn nằm vùng, cùng ăn cùng ở, cùng làm với đối tác để hỗ trợ và có phương án nhanh và tốt nhất khi gặp khó khăn.

Tại vùng viễn thông công ích, VTNet cũng đã đưa ra giải pháp xây dựng sáng tạo để triển khai xây dựng nhanh như áp dụng giải pháp rọ đá, cột lắp ghép tại các vùng thi công khó khăn. Bên cạnh đó, VTNet đã đưa giải pháp vô tuyến triển khai RRU kéo dài Single RAN 2G+4G (phát 2G và 4G chung trên một thiết bị) và triển khai vị trí đặt trạm ở gần thôn để bảo đảm vùng phủ sóng. Đối với các thôn có diện tích nhỏ, sẽ dùng smallcell đặt tại nhà văn hóa thôn để phủ sóng.


95% số thôn cần phủ sóng của viễn thông công ích đã được Viettel hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.

Tính đến hết T7/2022, TCT Mạng lưới Viettel (VTNet) – đơn vị chủ trì phát triển hạ tầng viễn thông của Tập đoàn – đã hoàn thành 2.130 vị trí, phủ đến 357 thôn, đạt 95% số thôn được giao theo kế hoạch, vượt xa hơn tỷ lệ hoàn thành chung của các nhà mạng là 83%. Dự kiến, khoảng 20 thôn xóm đặc biệt khó khăn sẽ được phủ sóng trong tháng 8/2022, và 26 thôn xóm không thể triển khai vì chưa có điện lưới. Việc phủ sóng vùng lõm và vùng viễn thông công ích đã giúp người dân trao đổi thông tin, liên lạc, tiếp cận thông tin, kiến thức góp phần nâng cao đời sống vật chất, xã hội, kinh tế của người dân vùng sâu vùng xa.