Chuyện chưa kể về chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Ở thời điểm hiện tại, Sổ sức khỏe điện tử của Viettel là ứng dụng chứng nhận tiêm chủng Covid-19, nhưng khi dịch bệnh qua đi, ứng dụng sẽ trở thành một trợ lý sức khỏe cho người dân Việt Nam từ lúc họ chào đời. Cuộc “thai nghén”
thần tốc nhưng đạt hiệu quả lâu dài của Sổ sức khỏe điện tử gắn liền với một chiến dịch từ trước đến nay chưa từng diễn ra ở Việt Nam.

Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Mục tiêu của chiến dịch là tiêm 150 triệu mũi, cho 75 triệu người Việt Nam, diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng. Chiến dịch được kỳ vọng đến hết năm 2021 sẽ tiêm vắc-xin cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên, và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số. 

Chỉ trước đó 2 tháng, Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp bách phải dùng nền tảng công nghệ quản lý chiến dịch; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vắc-xin) và xây dựng tài liệu, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tỉnh về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và sử dụng nền tảng quản lý. 

Sổ sức khỏe điện tử không chỉ là một ứng dụng mà là một nền tảng cho lĩnh vực chủ lực của Viettel.

“Chúng ta cần nhận thức không phải làm một ứng dụng, mà đang đặt nền tảng số, lĩnh vực chủ lực của Viettel. Đây cũng là mục tiêu mong muốn của chúng ta. Cũng là thời điểm để Viettel thể hiện vai trò chủ lực của mình trong công nghệ thông tin”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh về tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Song vấn đề của VTS là nền tảng tiêm chủng chưa bao giờ phục vụ số lượng người tiêm khổng lồ lên tới 75 triệu người như vậy. Tức là để đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch, kỹ sư của Trung tâm Y tế số phải điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp nền tảng đến mức làm được gấp nhiều lần khả năng của chính nó. 

Quãng thời gian cho họ là 2 tháng.

Đáp ứng số người tiêm lớn chưa từng có, nhóm phải liên tục thay đổi, thậm chí bỏ đi làm lại một số chi tiết. Khi nền tảng được đưa vào sử dụng lần đầu, những tình huống nằm ngoài sự tính toán của cả nhóm cũng bắt đầu xuất hiện.

Ngay sau khi Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam, các đài truyền hình đưa tin về ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử do Viettel phát triển, chỉ trong vòng 2 tiếng, lưu lượng tải ứng dụng tăng gấp 6 lần thông thường. Toàn bộ hệ thống vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gần như dừng hoạt động. Trên mạng xã hội và các chợ ứng dụng đã xuất hiện những phản ánh tiêu cực về sản phẩm. 

Nhắc lại về thời điểm đó, anh Khổng Văn Đông, Giám đốc BU Y tế số VTS vẫn bồi hồi: “Các tính năng để đáp ứng yêu cầu cho chiến dịch về cơ bản đã được hoàn thiện, tuy nhiên tình huống không mong muốn xảy ra cũng là do đội ngũ triển khai chưa lường trước được hiệu ứng của truyền thông để có phương án dự phòng”.

Sổ sức khỏe điện tử của Viettel phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay

Với quyết tâm khẳng định năng lực của hệ thống tiêm chủng, lãnh đạo VTS quyết định phải khắc phục ngay lập tức sự cố và đưa nền tảng hoạt động trơn tru hơn bao giờ hết. Tăng công suất làm việc lên gấp 2-3 lần bình thường là phương án được thống nhất. Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty đã cùng toàn thể Trung tâm Y tế số thức thâu đêm để đưa hệ thống về trạng thái hoạt động bình thường ngay ngày hôm sau. Mọi sự cố được xử lý ngay trong đêm nhờ huy động toàn bộ lực lượng của Trung tâm, với những nhân sự giàu kinh nghiệm nhất.

Trong suốt 2 tháng sau đó, Trung tâm Y tế số chưa ngày nào tắt điện trước 2 giờ sáng. Bốn nhóm nhân sự của Trung tâm thay nhau trực chiến mỗi ngày, đảm bảo trạng thái luôn sẵn sàng của hệ thống, phòng tránh sự cố, hỗ trợ 24/24 với các vấn đề phát sinh.

...Và hướng tới trợ lý sức khỏe cả đời cho mỗi người dân

Trong thời điểm đầu tiêm chủng, dù được chào đón bởi người dân nhưng không nhiều cơ sở y tế tin tưởng vào nền tảng Sổ sức khỏe điện tử. Ngoài việc nền tảng chưa được kiểm nghiệm, nguyên nhân chính nằm ở thói quen sử dụng giấy tờ của nhiều cơ sở. Có nơi vẫn quen nhập thông tin người tiêm vào giấy và lưu trữ thay vì dùng nền tảng số. Họ không sẵn sàng thay đổi, họ tin rằng việc làm quen với nền tảng mới, rồi nhập dữ liệu của người tiêm tốn quá nhiều thời gian so với viết giấy.

Phó Tổng Giám đốc VTS Ngô Vĩnh Quý nhớ lại: “Người ta bảo chúng tôi rằng bây giờ F0 còn chưa được chữa, F1 còn chưa được đưa đi cách ly thì hơi đâu mà quan tâm đến nền với chả tảng... Với những cơ sở y tế chấp nhận dùng hệ thống, thì họ chỉ quan tâm đến việc đưa dữ liệu người đến tiêm lên trên đó, còn chuyện đúng sai thì... tính sau”. Nhiều cơ sở y tế phải đối mặt với áp lực chữa trị, và áp lực tiêm đủ chỉ tiêu, thế nên việc dùng nền tảng không phải ưu tiên. 

“Trong hoàn cảnh cấp bách, tôi hoàn toàn hiểu được khó khăn của các cơ sở y tế khi chưa thể ưu tiên nguồn lực phục vụ ứng dụng công nghệ”, ông Quý phân tích. Để giải quyết vấn đề này, ông Quý chỉ đạo Trung tâm Y tế số phải làm cho các cơ sở tiêm hiểu rằng nền tảng là để phục vụ mục tiêu của chính cơ sở, là giúp việc tiêm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, chính xác chứ không phải để gây rắc rối, thêm việc như họ đang hiểu nhầm. Câu chuyện đến tận nơi đào tạo khách hàng đã được tính tới, nay được Trung tâm Y tế số đẩy mạnh. Thời điểm TP Hồ Chí Minh đang là tâm dịch với số lượng người mắc Covid-19 lên tới hàng ngàn người một ngày, Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số không ngại rủi ro, lên đường cùng Phó Tổng Giám đốc Ngô Vĩnh Quý, để hỗ trợ các buổi tiêm chủng. Trong chuyến công tác 10 ngày tại vùng dịch, đội ngũ Viettel đã tham gia trực tiếp, theo dõi từng buổi tiêm để nắm được cán bộ y tế, nhân viên y tế, người dân sử dụng phần mềm, ứng dụng của Viettel như thế nào, có những bất cập, khó khăn gì. Vừa kết hợp đào tạo, nhóm kỹ thuật còn trực tiếp hỗ trợ về mặt công nghệ để có phương án tiếp tục cải thiện trên hệ thống của mình, nhằm đảm bảo công tác quản lý tiêm chủng luôn thông suốt. 

Lễ ra quân toàn quốc triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid – 19 vào sáng 12/8/2021

Nhờ đó, những sự cố lớn nhỏ lần lượt được xử lý, ví dụ như lỗi máy quét QR không quét được mã trên ứng dụng ngay khi được phát hiện đã được cả đội ngũ nghiên cứu và test với tất cả các loại máy, để đảm bảo không phát sinh tại bất cứ điểm tiêm nào nữa. Hay những vấn đề xảy ra trong quá trình nhập liệu của bác sĩ lên nền tảng như nhầm số điện thoại, có người là nam nhưng lại bị nhập là nữ trên hệ thống, dẫn đến việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng về sau gặp nhiều rắc rối… 

Nhờ những bước tháo gỡ quyết liệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng đã phát huy hiệu quả vượt trội so với cách đăng ký thủ công qua giấy tờ như trước đây.  Hệ thống giúp tiết kiệm thời gian đăng ký cho người dân và quản lý tối ưu toàn bộ chiến dịch tiêm đến từng quận, huyện, xã, phường tại từng tỉnh thành. Với sự hỗ trợ rất lớn từ phía lãnh đạo, tính đến cuối tháng 8/2021, Sổ sức khỏe điện tử hoàn thành triển khai ổn định tại 63/63 tỉnh/thành phố, thực hiện các chiến dịch tiêm phòng tại tỉnh, ghi nhận 19 triệu mũi tiêm lên hệ thống, có ngày hơn 1 triệu mũi.

Ở thời điểm hiện tại, Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng có tiện ích chứng nhận tiêm chủng Covid-19. Về lâu dài, đây chính là cuốn sổ y bạ sức khỏe cả đời được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Mỗi người sẽ có một sổ y bạ điện tử, có một QR Code cá nhân về y tế. Dù khám chữa ở đâu chỉ cần quét QR Code là ra toàn bộ thông tin phục vụ việc khám chữa bệnh. Điều đó khiến Sổ sức khỏe điện tử có vai trò lâu dài đối với người dân, trở thành một trợ lý sức khỏe trọn đời.

Sau khi Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào ngày 10/7. Tính đến 19h ngày 11/7 đã có tổng cộng 447.343 người đăng ký tiêm trên hệ thống, với 80.234 lượt đăng ký tiêm qua Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và 367.109 lượt đăng ký tiêm qua Cổng thông tin. 

Sau 2 ngày ra mắt, tổng số lượng tải App Sổ sức khỏe điện tử là 365.913 lượt tải, với 202.988 lượt cài đặt trên nền tảng android và 162.925 lượt cài đặt trên nền tảng iOS.

Trong 3 tháng phát triển Sổ Sức khỏe điện tử, lượng tài khoản của ứng dụng lên tới 15 triệu. 

Số lượng người đang được quản lý trên hệ thống xấp xỉ 40 triệu, và khi hệ thống hoạt động ổn định là 70 - 80 triệu người Việt Nam.

Tính toán theo chi phí trung bình của thế giới, sản phẩm được Viettel phát triển trong thời gian 3 tháng này có giá trị ít nhất cũng lên tới 52,6 triệu USD (khoảng 1.161,6 tỷ đồng). Thực tế, giá trị của Sổ Sức khỏe Điện tử lớn hơn gấp nhiều lần khi hoạch định bước đầu cho nền y tế số Việt Nam.

Ứng dụng liên tục đứng đầu bảng xếp hạng về lượt tải về trên chợ ứng dụng Google Play Store (Android) và App Store (iOS). Trong số 20 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất năm 2021 tại Việt Nam trên App Store, Sổ sức khỏe điện tử do Viettel triển khai là một trong 7 ứng dụng được yêu thích nhất.

Bài viết liên quan

Chiến lược "Bình dân hóa Cloud" giúp Viettel IDC kiếm nghìn tỷ mỗi năm

Thành lập vào năm 2008, với khoản đầu tư 30 triệu USD xây dựng data center đầu tiên của VN theo tiêu chuẩn quốc tế, đến nay Viettel IDC đã trở thành một hiện tượng trong lĩnh vực điện toán đám mây (ĐTĐM) với doanh thu trung bình hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các Big Tech nước ngoài, Viettel IDC đã vận dụng "binh pháp" nào để vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường mà ưu thế không nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nội?
Đọc thêm

Bí mật sức mạnh công nghệ chiến lược "Lấy khách hàng làm trung tâm"

Khi quy mô khách hàng lên đến con số hàng chục triệu, để hiểu và chiều theo nhu cầu từng cá nhân dường như là một nhiệm vụ bất khả với hầu hết các doanh nghiệp. Ở Viettel, bài toán khó này đang được các chuyên gia về khoa học dữ liệu xử lý hiệu quả phục vụ cho chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm”.
Đọc thêm

Viettel Money và quyết tâm dẫn dắt cuộc cách mạng thanh toán số tại Việt Nam

Sau 2 năm chuẩn bị và chờ đợi được cấp phép, ngày 1/12/2021, Viettel Money chính thức ra mắt, mang theo tầm nhìn trở thành hạt nhân tài chính số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Đọc thêm