Chiến lược "Bình dân hóa Cloud" giúp Viettel IDC kiếm nghìn tỷ mỗi năm

Thành lập vào năm 2008, với khoản đầu tư 30 triệu USD xây dựng data center đầu tiên của VN theo tiêu chuẩn quốc tế, đến nay Viettel IDC đã trở thành một hiện tượng trong lĩnh vực điện toán đám mây (ĐTĐM) với doanh thu trung bình hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các Big Tech nước ngoài, Viettel IDC đã vận dụng "binh pháp" nào để vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường mà ưu thế không nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nội?

Giúp người dùng tiếp cận dịch vụ cloud với "chi phí ngang một ly trà đá"

Chia sẻ về câu chuyện phát triển dịch vụ ĐTĐM tại VN , ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC nhấn mạnh bài học dũng cảm theo đuổi con đường mới, cam kết trở thành người dẫn dắt thị trường. Bởi “to be the first” quan trọng hơn “to be the best”.

Vào thời điểm Viettel IDC nghiên cứu và bắt đầu cung cấp dịch vụ đám mây công cộng (Public Cloud) tại VN thì trên thế giới đã có khoảng 50% DN công nghệ lớn và vừa đã nghiên cứu và dịch chuyển lên ĐTĐM. Ngược lại, tại VN khái niệm Cloud vẫn còn khá xa lạ, nhu cầu của các DN về ứng dụng ĐTĐM là rất ít. Viettel IDC nhận thấy cần phát triển về giải pháp công nghệ để giải quyết được các bài toán bao gồm, đầu tiên là về vấn đề chi phí, cần một giải pháp có thể tối ưu chi phí ở mức thấp nhất cho các nhu cầu về hạ tầng và công nghệ để tối ưu nguồn lực.

Mặc dù rất khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng IDC kiên trì tham vọng đưa dịch vụ Cloud tiếp cận toàn bộ các nhóm khách hàng trong nước có nhu cầu, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vốn có nhiều hạn chế về công nghệ và tài chính. “Viettel IDC đã đổ nguồn lực vào để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp nhất với các tập khách hàng này với chi phí rất rẻ, mỗi ngày chỉ 5.000 đồng, tương đương một ly trà đá”, ông Ngọc chia sẻ.

Viettel IDC luôn nỗ lực cải thiện trải nghiệm khách hàng ở mọi điểm chạm, ứng dụng Big Data, AI vào công cụ, phân tích hành vi, hiệu năng của hệ thống để cảnh báo cho khách hàng

Giống như cách Viettel đã làm trong công cuộc bình dân hóa điện thoại di động tại Việt Nam, sự tiên phong của IDC Viettel đã tạo áp lực để các nhà cung cấp khác cũng phải thay đổi, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ ĐTĐM “chất lượng quốc tế, giá Việt Nam”, góp phần làm thị trường ĐTĐM tại VN  phát triển mạnh mẽ.

Chiến lược của Viettel IDC thành công vì nhiều lý do như dịch vụ có tỷ lệ rủi ro rất nhỏ, chi phí hợp lý, an toàn, khách hàng được trải nghiệm miễn phí trước khi mua dịch vụ...Nhưng điều quan trọng nhất, là IDC đã tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Viettel IDC luôn nỗ lực cải thiện trải nghiệm khách hàng ở mọi điểm chạm, ứng dụng Big Data, AI vào công cụ, phân tích hành vi, hiệu năng của hệ thống để cảnh báo cho khách hàng. “IDC giúp khách hàng được giải phóng vì không cần phải biết chạy bao nhiêu tải nhờ vào hệ thống phân tích sẵn của IDC giúp đưa ra lời khuyên giúp tối ưu chi phí và nâng cao hiệu suất”, ông Ngọc phân tích.

Bên cạnh đó IDC đã biết "tận dụng" sự đóng góp từ phía của khách hàng cho sự phát triển của mình. "Chúng tôi liên hệ với các khách hàng thường xuyên để trao đổi về trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ. Giao tiếp càng tốt với khách hàng của mình, thực sự mang đến thành công cho họ thì chúng ta càng có nhiều cơ hội biến họ thành những khách hàng trung thành của mình", ông Ngọc nhấn mạnh.

Hợp tác thay cho đối đầu - Trở thành đối tác của các Big Tech

Để tiếp tục có những bước phát triển mới, IDC cũng như các DN VN  còn nhiều ngọn núi cần phải vượt qua. Theo McKinsey, đến 2025 thị trường Cloud VN  được dự báo đạt mức từ 400 – 700 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 21%. Tuy nhiên miếng bánh lớn của thị trường vẫn nằm trong tay các DN ngoại. Riêng nhóm các dịch vụ hạ tầng ĐTĐM (IaaS), nhóm ngành thế mạnh của Viettel IDC, có quy mô lớn nhưng bị cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp quốc tế. Thị phần của các nhà cung cấp Cloud quốc tế vẫn chiếm ưu thế so với các nhà cung cấp nội địa do hệ sinh thái dịch vụ cho DN chưa thực sự toàn diện khi mảng dịch vụ nền tảng (PaaS) và phần mềm (SaaS) trong nước vẫn chưa đủ năng lực cạnh tranh.

VN bị dẫn điểm ngay tại sân nhà trong lĩnh vực ĐTĐM là do các công ty nước ngoài hầu hết đều đều là những Big Tech “sừng sỏ”, có bề dày kinh nghiệm ở thị trường thế giới. Họ cũng đồng thời cũng là DN có tiềm năng tài chính mạnh, có hạ tầng tốt, công nghệ hiện đại. Ngoài cả cũng cần kể yếu tố tâm lý ưa chuộng "hàng ngoại" trong nước đã góp phần tạo ra bức tranh thị trường như hiện nay. Trước bối cảnh đó, câu hỏi mà đội ngũ lãnh đạo Viettel IDC luôn trăn trở là cần làm gì để giữ vững vị trí nhà cung cấp nội địa dẫn đầu thị trường và thực hiện mục tiêu tiên phong cung cấp nền tảng chuyển đổi số (CĐS) tại VN ?

Viettel IDC đang sở hữu hạ tầng máy chủ dẫn đầu Việt Nam.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, IDC xác định không đối đầu với những "ông lớn" vì như vậy đồng nghĩa với đối đầu với nhu cầu khách hàng. Xu hướng hiện nay là multi cloud (dịch vụ đa đám mây) tức không có DN nào chỉ sử dụng duy nhất chỉ một nền tảng cloud mà dữ liệu được phân tán trên hệ thống của 2 – 3 nhà cung cấp, trên nhiều nền tảng khác nhau để đảm bảo an toàn.

Xác định rõ vấn đề này IDC thực hiện chiến lược phải cung cấp một giá trị bên cạnh nền tảng của các đối thủ. Viettel IDC đã đầu tư, hợp tác với các "Big Tech" như Amazon, Microsoft… "Thay vì đối đầu, chúng tôi hợp tác. Thực tế cũng không thể đối đầu được. Trên thế giới tôi chưa thấy trường hợp nào đối đầu mà thành công cả. Singtel đối đầu trực diện được 4 năm, sang năm thứ 5 thì phải hợp tác", ông Hoàng Văn Ngọc , IDC chia sẻ.

Chuyển dịch mô hình cho mục tiêu tiêu chiến lược

Giai đoạn 2021 – 2025, Viettel IDC xác định việc chuyển dịch mô hình kinh doanh từ CSP (Nhà cung cấp dịch vụ đám mây - Cloud Service Provider) sang cung cấp dịch vụ quản trị MSP (Nhà cung cấp dịch vụ quản lý CNTT - Managed service provider) và MSSP (Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an toàn thông tin - Managed Security Service Provider) là một trong năm chuyển dịch chiến lược. Mô hình này được xác định để IDC thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trở thành nền tảng dẫn đầu cho CĐS; trong đó dẫn đầu về Data Center, phát triển và làm chủ nền tảng Cloud hướng tới cung cấp dịch vụ toàn trình cho khách hàng.

Năm 2021, Viettel IDC đã thực hiện chuyển dịch mô hình kinh doanh theo 3 hướng: trở thành MSP của các Big Tech (AWS, Google, Microsoft…), là MSP cho sản phẩm Cloud&DC của IDC, triển khai MSSP. Viettel IDC đã trở thành đối tác mức Selected Tier của AWS - nền tảng đám mây toàn diện, cung cấp 200 dịch vụ cho hàng triệu khách hàng trên thế giới.

Đặc biệt, Viettel IDC đáp ứng vượt yêu cầu trên tiêu chí then chốt: hoàn thành thành công các dự án triển khai cho khách hàng, giúp tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh lộ trình dịch chuyển lên đám mây. Việc trở thành MSP của AWS là bước đầu tiên trong hành trình “bắt tay” với Big Tech trong việc cung cấp hệ sinh thái dịch vụ đám mây toàn diện cho khách hàng VN.

Giai đoạn 2021 – 2025, việc chuyển dịch mô hình kinh doanh từ CSP sang cung cấp dịch vụ quản trị MSP và MSSP là một trong năm chuyển dịch chiến lược.

Song song với việc trở thành MSP của Big Tech, Viettel IDC cũng triển khai cung cấp MSP cho sản phẩm Cloud & DC. Theo đó, Viettel IDC sẽ cung cấp dịch vụ end-to-end (One stop shopping) từ việc tư vấn lộ trình CĐS, xây dựng trung tâm dữ liệu, chuyển đổi/di chuyển hạ tầng Cloud, cho đến việc triển khai các giải pháp lớp hạ tầng, nền tảng hay cả phần mềm và vận hành hệ thống.  “Viettel IDC sẽ là điểm chạm duy nhất của khách hàng trong hành trình CĐS, khách hàng sẽ có thể “gạt bỏ” nỗi lo về hạ tầng, ứng dụng và vận hành, chỉ cần tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Ngọc nói.

2022 được xác định sẽ là năm tăng tốc của Viettel IDC với mục tiêu trở thành MSP và nâng hạng hợp tác với tất cả các nhà cung cấp lớn trên thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần của mình trong viễn cảnh các nhà cung cấp nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường. "Hành trình chuyển dịch 2021 – 2025 của Viettel IDC mới chỉ bắt đầu. Với những viên gạch đầu tiên, chúng tôi xác định đây là hướng mũi nhọn trong chiến lược của mình và sẽ tăng tốc để chuyển dịch mạnh mẽ, khai phá thêm các không gian mới, đón đầu xu hướng phát triển của công nghệ, cộng hưởng mang lại giá trị cho khách hàng", Giám đốc Viettel IDC nhấn mạnh.

Bài viết liên quan

Từ bảo vệ không gian mạng quốc gia đến xuất khẩu an ninh mạng

Tháng 12/2021, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) chính thức ký được hợp đồng quốc tế đầu tiên với đối tác tại thị trường Nam Phi. Đây được coi là một bước chuyển mình quan trọng của VDS từ một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ nội địa chính thức thâm nhập thị trường quốc tế. Sự kiện này cũng giúp VCS hiện thực hóa mục tiêu “Go Global” trong Chiến lược 2021 - 2025 sớm trước một năm so với kế hoạch ban đầu.
Đọc thêm

Hành trình chinh phục "những điều không thể"

Năm 2021, bão dịch Covid-19 gây khó khăn cho tất cả các ngành nghề đơn vị. Nhưng Viettel Commerce vẫn có kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giống như những cái cây làm nên một cánh rừng, rất nhiều cá nhân của Viettel Commerce đã chinh phục được những điều tưởng như không thể.
Đọc thêm

Khát vọng tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam

Vẫn còn sớm để dùng các khái niệm “universe”, “metaverse”… như cách khán giả gọi Vũ trụ siêu anh hùng của Marvel, Vũ trụ siêu nhân của DC để đặt cho hệ sinh thái nội dung số của Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media). Nhưng những bước tiến lớn trong năm 2021 đang dần giúp người dùng ở Việt Nam định hình được một tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam.
Đọc thêm