Hành trình chinh phục "những điều không thể"

Năm 2021, bão dịch Covid-19 gây khó khăn cho tất cả các ngành nghề đơn vị. Nhưng Viettel Commerce vẫn có kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giống như những cái cây làm nên một cánh rừng, rất nhiều cá nhân của Viettel Commerce đã chinh phục được những điều tưởng như không thể.

Tăng thu nhập cả khi phong toả

Kết thúc một năm Covid-19 hoành hành, Siêu thị Viettel Vĩnh Phúc vẫn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu. Doanh thu của siêu thị đạt 80 tỷ, bằng 131% so với kế hoạch và đứng thứ hai toàn quốc. Lợi nhuận đạt 4,8 tỉ, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

“Luôn luôn là khẩu hiệu: ‘Chúng tôi không bỏ cuộc’. Năm vừa qua, dịch căng thẳng nhưng khách hàng luôn đi cùng tôi và siêu thị để vượt qua khó khăn, nhờ đó siêu thị đã đạt những con số xuất sắc”, chị Hoàng Thị Linh Nhâm, Giám đốc Siêu thị Vĩnh Phúc, nhìn lại.

Theo chị Nhâm, nòng cốt tăng chất lượng dịch vụ chính là việc chăm sóc khách hàng. Nữ giám đốc đã dành nhiều công sức, thời gian để đào tạo các nhân viên của mình – từ bảo vệ đến nhân viên bán hàng, nhân viên kỹ thuật, tất cả có những kỹ năng chăm sóc khách hàng thật tận tâm, chu đáo. “Chúng tôi luôn tư duy làm sao khách hàng cảm nhận đến siêu thị chúng tôi khác hoàn toàn chỗ khác. Khách hàng và cả lãnh đạo tỉnh đều đánh giá đây là siêu thị xanh sạch đẹp, là một trong những đơn vị có chất lượng dịch vụ tốt nhất tỉnh, một trong những đơn vị bán lẻ tốt nhất”.

Chị Hoàng Thị Linh Nhâm (áo dài đỏ) đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng

Giữa đại dịch, thoạt tiên khó mà nghĩ rằng siêu thị lại có kết quả kinh doanh vượt trội như thế. Đầu năm 2021, Vĩnh Phúc là một trong những địa bàn bùng phát dịch đầu tiên nên các cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn. Rồi liên tiếp các đợt giãn cách xã hội. Trong thử thách, Nhâm cùng anh em sẵn sàng tìm cơ hội mới.

Việc bán hàng online được triển khai mạnh. Chị Nhâm phân công nhân viên chi tiết theo đầu việc, bạn phụ trách đưa bài lên Zalo, bạn lên FB, quy định rõ số bài mỗi ngày, cách làm nội dung phong phú, khung giờ nào cao điểm… Việc giao hàng tại nhà cũng được chú trọng. Đơn hàng nhỏ, dù chỉ một chiếc bàn phím 400 nghìn, một chiếc tai nghe 200 nghìn, nhân viên cũng giao tận nơi, đúng hẹn.

Chị Nhâm chủ trương tạo một hệ sinh thái bán hàng, một mô hình bán hàng đa nhiệm. Trước đây mỗi nhân viên chỉ làm phần việc của mình, nhưng giờ đây tất cả được đào tạo để có kỹ năng trong mọi khâu để tư vấn khách hàng, và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau tiếp đón, tư vấn khách hàng ở mọi khâu. Vì thế mà sản phẩm bán ra đa dạng hơn. Không chỉ là một chiếc iPhone kèm chiếc ốp lưng hay dán màn hình, khi tạo ra hệ sinh thái, nhân viên tư vấn tận tình, hợp lý, cửa hàng sẽ bán thêm những sản phẩm khác, như iPad, Apple watch, bảo hiểm rơi vỡ, tư vấn sim số đẹp… Khách hàng đến siêu thị thấy được phục vụ chu đáo, thấy nhu cầu của mình được đáp ứng đầy đủ mà không cần đi đâu. Những thay đổi nhỏ nhưng rất chi tiết, tỉ mỉ như thế tạo cho nhân viên có cung cách phục vụ khác hẳn. Từ đó siêu thị tăng được 30% giá trị đơn hàng, doanh thu tăng 50%.

“Thu nhập của nhân viên cũng tăng đáng kể. Khi tôi nhận nhiệm vụ giám đốc siêu thị cách đây hơn 1 năm, lương nhân viên trung bình  5-6 triệu đồng/tháng, giờ trung bình 12 triệu, ai làm tốt 15-16 triệu” – chị Nhâm cho biết. “Các bạn rất vui, cùng thi đua bán hàng, nhiệt tình vui vẻ, hăng say hơn”.

“Chủ trương đoàn kết là sức mạnh, tôi hướng dẫn các bạn từng mẫu câu khi giao tiếp với khách, tinh thần sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Mọi người ý thức được rằng đây là nồi cơm chung, nếu chỉ 1-2 người doanh số bán hàng cao nhưng người khác không đạt thì hệ số lương của tập thể không đạt” – chị chia sẻ bí quyết.

Từ tháng 8/2021, Siêu thị triển khai thêm ngành hàng gia dụng. Nhận nhiệm vụ mới, Nhâm không ngại, siêu thị có tập khách hàng sẵn, lại với chủ trương tạo hệ sinh thái bán hàng, chị nhận thấy đây là cơ hội để có thêm thu nhập nên triển khai ngay từ đầu một cách nghiêm túc. Chị tổ chức các buổi đào tạo nhân viên về sản phẩm mới, cho nhân viên tiếp cận với mọi khách hàng để thay đổi tiềm thức của họ khi chưa ai nghĩ rằng có thể mua đồ gia dụng ở Viettel. Chỉ vài tháng, đến tháng 12/2021, Siêu thị đứng số 1 về doanh thu gia dụng.

Sẵn sàng chinh phục thử thách lớn

Một gương mặt khác của Viettel Commerce là Nguyễn Khả Chương, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ của Trung tâm Dịch vụ Công nghệ Thông tin. Sinh năm 1993, còn khá trẻ, Khả Chương đã có vô số những sáng kiến với những cách làm mới, sáng tạo để theo đuổi phương châm “Cùng nhau làm những điều không thể”.

Còn khá trẻ, anh Nguyễn Khả Chương đã có vô số sáng kiến, cách làm việc mới mẻ, độc đáo

Khả Chương là người đã đề xuất mô hình vườn ươm để tìm kiếm tài năng trẻ cho Trung tâm. Mới được thành lập từ tháng 8/2020 nên Trung tâm rất thiếu người. Cạnh tranh bằng lương với bên ngoài khó, mô hình vườn ươm cũng đã được nhiều nơi triển khai, nên Chương phải nghĩ cách tìm hướng đi riêng cho vườn ươm. “Quan trọng nhất là sự kiên trì, là năng lượng mà mình chia sẻ”, Chương nói.

Trong khi nhiều nơi chỉ tập trung vào kỹ năng lập trình thì Khả Chương chủ động tuyển dụng, cùng anh em đào tạo, dẫn dắt cho các bạn trở nên “đa di năng” hơn, từ ý tưởng, cách tư duy, phát huy khả năng sáng tạo, lập trình, giúp các bạn có khả năng tự định hướng tốt hơn.

Trung tâm còn phát triển văn hoá học tập, tổ chức các buổi đào tạo cuối giờ cả lý thuyết và thực hành phù hợp với từng người, tạo ra các dự án mẫu cho các “hạt mầm” vào phân tích, tham gia thiết kế sản phẩm, đòi hỏi kỹ năng tư duy đào sâu nhiều.

Khi vườn ươm được mở ra tháng 5/2021 đến giờ đã có khoảng 30 tài năng trẻ được phát triển. Trong ngành công nghệ, tỷ lệ nhảy việc cao, nhưng sự tận tâm hết mình của Chương đã giúp để tạo nên một lớp nhân viên mới tài năng, nhiệt huyết.

“Các bạn đồng hành cả năm với Trung tâm, giờ vẫn tiếp tục làm việc với tinh thần sẵn sàng, môi trường nhiều thách thức, tính cống hiến và gắn bó cao”, Chương cho biết. “Các bạn tham gia rất nhiều việc, từ gia công phần mềm, tham gia trực tiếp các dự án, lập trình mobile, web, làm giải pháp chào hàng, giải quyết các vấn đề nội bộ như phát triển thiết bị thông minh cho trung tâm… Đóng góp của các bạn rất hiệu quả”.

Khả Chương cũng là người đề xuất, tư vấn nhiều giải pháp công nghệ cho các đơn vị trong Tổng công ty. Omni Channel cho Viettel Store là một ví dụ. Đây là một giải pháp bán hàng đa kênh hợp nhất - từ dữ liệu đến trải nghiệm khách hàng. Với một đơn vị mới như Trung tâm Công nghệ thông tin, không dễ để khách hàng đầu tư ngay hàng chục tỷ đồng cho một giải pháp lớn như vậy. Thế nhưng chinh phục thử thách lại là đam mê của một người Viettel trẻ. Chương tự tin vì đơn vị đã có nhiều trải nghiệm, đội ngũ marketing, công nghệ làm trực tiếp nên hiểu sâu các yêu cầu dự án. Đến tháng 11/2020, Chương và cả team đã hoàn thành giai đoạn 1 của giải pháp, thiết kế nên một hệ thống cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, giá cả, hỗ trợ khách hàng, xây dựng hồ sơ về khách hàng… giúp thay đổi hẳn mô hình kinh doanh, giúp khách hàng tìm kiếm, mua sắm tốt hơn, việc quảng cáo bán chéo tốt hơn, áp dụng AI để hiểu nhu cầu khách hàng…

Hiện giờ đã bước sang giai đoạn hai, sản phẩm được đánh giá cao, nhất là ở chỗ am hiểu việc bán lẻ, có hàm lượng chất xám cao.

Luôn tìm kiếm những hướng đi mới, Khả Chương còn đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo cho Trung tâm, chẳng hạn như Hệ thống quản lý hành trình trải nghiệm nhân viên, mà tính hữu dụng của nó đã được ghi nhận trong Ngày Sáng kiến của Tập đoàn.

Trong thời gian giãn cách do đại dịch, việc bán hàng online được đẩy mạnh tại các tỉnh

Bài toán đặt ra ở đây là, với một đơn vị lớn có hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, việc quản lý nhân sự sẽ thế nào để mỗi người cảm thấy hài lòng vì được đặt đúng chỗ, phát huy tốt nhất khả năng của mình? Giải pháp của Khả Chương đưa ra giúp quản lý tất cả các yếu tố liên quan của một nhân sự trong tổ chức, từ tính cách, kỹ năng, thế mạnh, mong muốn của từng người, ghi nhận cả một hành trình từ khi họ vào làm việc, đã được giao dự án gì, nhu cầu đào tạo là gì, những gì cần khắc phục – tất cả thành một hồ sơ nhân viên 360 độ. Với hồ sơ này, khi cần giao việc AI sẽ gợi ý những người phù hợp nhất, đem lại lợi ích cho cả nhân viên và hiệu quả cho tổ chức.

Từng được giải 3 trong một cuộc thi của Viettel với sản phẩm ứng dụng mobile về y tế nên khi vào làm việc cho Viettel ở vị trí trưởng phòng, Khả Chương như cá gặp nước. “Tôi thấy được đối mặt với những thách thức, những bài toán khó mà bên ngoài không dễ có, được thoải mái sáng tạo phát triển. Tôi cũng mong muốn đổi mới, trẻ hoá đội ngũ năng lực công nghệ cho Trung tâm để có những cách tư duy mới, mang lại nhiều giá trị, hướng tới một tầm nhìn xa”.

Kết thúc quý III/2021, Viettel Commerce đạt 2.763 tỷ doanh thu, hoàn thành 111,6% kế hoạch, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2020, hoàn thành 92,6% kế hoạch năm. Viettel Commerce cũng hoàn thành 114% lợi nhuận quý III, tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử Viettel Commerce có Trung tâm Phân phối “cán đích” trước 3 tháng và hết ngày 16/10 Viettel Store cũng về đích trước kế hoạch. Đặc biệt đến 18/10, Viettel Commerce hoàn thành 98,4% kế hoạch doanh thu năm.

Bài viết liên quan

Nâng chất lượng bằng "số hóa từ bên trong"

Sau 4 tháng nghiên cứu phát triển, triển khai thử nghiệm, tháng 7/2021, hệ thống Checklist Mobile đã chính thức được Công ty Quản lý tài sản Viettel (VAM) đưa vào áp dụng. Giải pháp chuyển đổi số "nhỏ mà có võ" chưa từng có ở Việt Nam cũng như trên thế giới này không chỉ giúp quản lý hiệu quả, an toàn các tòa nhà, tổng kho của Viettel trên toàn quốc mà còn có giá trị làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đọc thêm

Gia nhập cuộc đua mới trong kỷ nguyên siêu thế giới ảo - Metaverse

Từ làm chủ công nghệ lõi 5G cùng nhiều loại khí tài quân sự hiện đại cho đến nắm chắc trong tay công nghệ lõi mô hình mô phỏng để bước chân vào vũ trụ ảo Metaverse, không một đề bài nào có thể ngăn trở khối óc, bàn tay của những kỹ sư tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – Viettel High Technology (VHT).
Đọc thêm

Tăng tốc trong nghịch cảnh

Trong khi các doanh nghiệp khác liên tục đóng cửa giải thể, người lao động mất việc vì đại dịch, thì Tổng Công ty Công trình Viettel (VCC) lại tăng tốc, mở rộng ngành nghề, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự trình độ cao và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người. Thu nhập bình quân của CBNV VCC là 22 triệu/người/tháng, tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Đạt được điều này chính nhờ sự cộng hưởng từ tâm thế “thay đổi”. Sự thay đổi ở đây không chỉ là dịch chuyển ngành nghề, đó còn là chuyển biến về tư duy, hành động và quyết tâm vượt mọi khó khăn của CBNV VCC.
Đọc thêm