Tăng tốc trong nghịch cảnh

Trong khi các doanh nghiệp khác liên tục đóng cửa giải thể, người lao động mất việc vì đại dịch, thì Tổng Công ty Công trình Viettel (VCC) lại tăng tốc, mở rộng ngành nghề, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự trình độ cao và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người. Thu nhập bình quân của CBNV VCC là 22 triệu/người/tháng, tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Đạt được điều này chính nhờ sự cộng hưởng từ tâm thế “thay đổi”. Sự thay đổi ở đây không chỉ là dịch chuyển ngành nghề, đó còn là chuyển biến về tư duy, hành động và quyết tâm vượt mọi khó khăn của CBNV VCC.

Ai cũng có thể làm kinh doanh để nâng cao thu nhập

Một sáng ngày cuối năm, anh Nguyễn Đức Hiếu, Đội trưởng đội xe chi nhánh Kỹ thuật (CNKT) Viettel Nghệ An ra khỏi nhà từ 7h, chuẩn bị hành trang cho chuyến đi lên huyện Kỳ Sơn theo sự phân công của Ban Giám đốc Chi nhánh. Nhiệm vụ của anh là chuyển chiếc máy nổ dầu công suất lớn bị hỏng về kho để sửa chữa. Trước khi rời khỏi nhà anh cũng không quên cầm theo cuốn profile và 5-7 tờ rơi để làm “nghề tay trái”.

Từ năm 2020, VCC đã bắt đầu mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới ngoài viễn thông như: Giải pháp tích hợp, Đầu tư hạ tầng, Xây dựng dân dụng... nên không chỉ có người lái xe như anh Hiếu mà những CBNV trước nay chỉ làm kỹ thuật thuần túy đều có thêm cơ hội để bán hàng, tăng thêm thu nhập cho bản thân mình.

Anh Hiếu còn nhớ rõ phản ứng của anh em chi nhánh, đặc biệt anh em ở đội xe, khi có thêm những ngành nghề mới và có thêm chỉ tiêu bán hàng: “Anh em ngại thay đổi, nói đến bán sản phẩm gì cũng kêu khó và cho rằng không thể làm được. Nhưng giờ thì hào hứng lắm. Công ty hay chi nhánh đào tạo bán hàng là không vắng buổi nào, sau đó tận dụng thời gian rảnh, cơ hội của người lái xe được đi đây đó để tư vấn bán hàng. Thu nhập nhờ đó mà mỗi tháng cũng tăng thêm ít nhiều, may mắn mà ký được hợp đồng giá trị thì nhận được 20-30 triệu hoa hồng là chuyện bình thường”.

Điện mặt trời sẽ là một trong những mảng đầu tư trọng điểm của VCC trong thời gian tới.

Quả thực tháng 8 vừa qua, mặc dù Nghệ An cũng chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng anh Hiếu đã mang về được hai hợp đồng lắp đặt điều hòa tổng trị giá lên tới 810 triệu đồng. Ngoài số tiền hoa hồng 30 triệu đồng, anh còn được nhận khen thưởng 3 triệu đồng cho cá nhân bán hàng xuất sắc.

Chị Nguyễn Thụy Giao Chi, Nhân viên Đào tạo và truyền thông tại CNKT Viettel Tiền Giang cho biết, ngoài công việc chính, chị và các đồng nghiệp cũng bán hàng mỗi ngày. Ở thời điểm dịch bệnh phải hạn chế tiếp xúc, chị bán hàng trực tuyến, sử dụng chính các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Trong tháng 7/2021, chị bán được 08 máy xịt khuẩn, 01 máy đo thân nhiệt và 01 camera. “Tháng nào tôi cũng có doanh thu bán hàng, thấp nhất cũng được 300-500 nghìn, nhiều nhất được 8 triệu đồng, duy trì thường xuyên và liên tục. Đặc biệt trong tháng 12 tôi tiếp xúc thành công được khách hàng xây dựng nhà có tổng giá trị gần 1,6 tỷ”.

Không chỉ có anh Hiếu, chị Chi, cơ hội kinh doanh có thêm thu nhập đã và sẽ đến với hơn 10.000 CBNV của VCC trên khắp 63 tỉnh thành. Nhất là trong năm 2021, VCC tiếp tục có những bước tiến khi mở rộng kinh doanh trên 05 trụ chiến lược: Đầu tư hạ tầng, Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C), Công nghệ thông tin, Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.

Cùng với sự mở rộng ngành nghề mới, VCC đã có bước phát triển mới cả về quy mô và tầm vóc với 6 trung tâm, 63 Chi nhánh trên toàn quốc và 3 công ty thị trường.

Thời cơ trong đại dịch: Đẩy mạnh chuyển đổi số và bán hàng đa kênh

Việc thực hiện giãn cách áp dụng tại nhiều tỉnh làm cho nhiều chỉ số kinh doanh VCC bị suy giảm. Tuy nhiên, biến “nguy” thành “cơ”. Thời điểm dịch bệnh cũng là lúc VCC tìm thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy bán hàng đa kênh, tương tác trên không gian số.

Thời điểm cuối tháng 7/2021, tỉnh Bắc Giang là điểm nóng nhất cả nước vì Covid-19. Dịch bệnh diễn biến phức tạp làm nhiều hoạt động quảng bá, tiếp xúc khách hàng tại Chi nhánh bị hạn chế. Theo định hướng từ Tổng Công ty, chi nhánh cũng phát động phong trào lan tỏa với mỗi CBNV là một “đại sứ thương hiệu” tích cực đẩy mạnh lan tỏa truyền thông các sản phẩm dịch vụ trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng tiềm năng. 

Thu nhập bình quân của người lao động VCC tăng 7% so năm 2020.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Kinh doanh tại CNKT Viettel Bắc Giang chia sẻ: “Xác định tình hình dịch Covid còn kéo dài, đội ngũ kinh doanh của Bắc Giang không ngừng tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp tiếp xúc khách hàng, đẩy mạnh kinh doanh như chia sẻ hình ảnh sản phẩm trên Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… Tận dụng triệt để các kênh mạng xã hội để truyền thông lan tỏa sản phẩm dịch vụ đồng thời, đẩy mạnh happy call giới thiệu sản phẩm dịch vụ VCC, hỗ trợ tư vấn đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng”.

Chị Hoa cũng cho biết hợp đồng cung cấp hơn 150 thiết bị chuyển mạch và phát sóng không dây cho 77 cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn là thành quả mà chi nhánh có được chỉ sau happy call chưa đầy 2 tiếng. Nỗ lực đưa ra phương án kinh doanh tối ưu nhất đáp ứng tất cả các nhu cầu khắt khe của khách hàng từ chất lượng đến giá thành giúp chi nhánh mang về thành quả xứng đáng.

Tại Bình Dương, một tỉnh chịu sự ảnh hưởng lớn nhất nhì cả nước bởi đại dịch Covid, học sinh toàn tỉnh phải thực hiện học tập trực tuyến để đảm bảo an toàn. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có gần 500.000 học sinh, trong đó có hơn 70.000 học sinh chưa đủ điều kiện tham gia học trực tuyến mà nguyên nhân chủ yếu là do gia đình không có khả năng trang bị thiết bị cần thiết để các em tham gia học tập.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Kinh doanh Cụm Tân Uyên-Bắc Tân Uyên (CNKT Viettel Bình Dương) cho biết: “Thời điểm tỉnh giãn cách chúng tôi đẩy mạnh marketing digital, quảng bá trên các fanpage, hội nhóm, happy call... Sau khi nắm bắt được thông tin có các cá nhân, tổ chức đã chung tay ủng hộ, giúp đỡ cho các em học sinh khó khăn, tạo thêm cơ hội để các em được tham gia học tập qua nhóm online mạng xã hội tại địa phương, tôi liền tiếp xúc qua điện thoại và nhanh chóng ký kết thành công hợp đồng”. Đơn hàng 100 chiếc điện thoại Xiaomi Redmi 9C, tổng doanh thu 250 triệu và 30 Laptop doanh thu mang về 340 triệu đồng cho chi nhánh ngay trong những ngày đầu tháng 10 mang đến niềm vui lớn cho anh Nam và cả tập thể.

Cũng trong bối cảnh Viettel chuyển dịch từ một tập đoàn viễn thông sang một tập đoàn công nghệ dẫn dắt về chuyển đổi số của đất nước, VCC đã và đang thay đổi để phù hợp với xu thế, góp phần tăng tính cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nhất là thời điểm dịch bệnh VCC đẩy mạnh chuyển đổi số, cho ra đời những ứng dụng, phần mềm hỗ trợ tuyến đầu và quan trọng hơn nữa là nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Viettel Construction và Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Tháng 4/2021, Home Services – ứng dụng đặt dịch vụ bảo dưỡng thiết bị gia đình 24/7 trên điện thoại do VCC phát triển chính thức được ra mắt. Việc triển khai ứng dụng đã mang lại tiện lợi cho khách hàng và nhân viên kỹ thuật khi có thể giải quyết toàn trình từ quá trình đặt hàng, triển khai, thu tiền vận hành trên phần mềm, kiểm soát tiến độ và chất lượng dịch vụ. Việc triển khai hợp đồng điện tử đã giúp VCC số hóa được thủ tục, giảm thời gian thực hiện và tiết kiệm chi phí so với hình thức ký cứng. Anh em kinh doanh chỉ cần 5-10 phút để ký hợp đồng thay vì cần 1-3 ngày như trước đây.

Cộng hưởng từ quyết tâm dịch chuyển

Gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất và nỗ lực quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ của toàn thể CBNV, VCC tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu SXKD được Tập đoàn giao và tăng trưởng so với năm 2020.

Kết quả đến hết tháng 11/2021, VCC ghi nhận doanh thu 6.779,7 tỷ, tương đương 103% kế hoạch năm và lợi nhuận ước tính đạt 405,5 tỷ, vượt 15,7% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2021 sẽ đạt 7.450 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch năm.

Tổng Giám đốc VCC Phạm Đình Trường cho biết: “Trong lúc có hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc cắt giảm lao động thì chúng tôi lại mở rộng ngành nghề kinh doanh, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự trình độ cao và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người. Hàng triệu lao động mất việc làm và thu nhập giảm thì thu nhập bình quân của CBNV Công trình Viettel là 22 triệu/người/tháng, tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020”.

Bên cạnh đó, Tập đoàn và VCC còn trích gần 2 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi và quỹ công đoàn để hỗ trợ, động viên, chia sẻ với hàng trăm CBNV và thân nhân của CBNV VCC gặp khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống do dịch bệnh gây ra.

Từ năm 2020, VCC đã bắt đầu mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh mới ngoài viễn thông như: Giải pháp tích hợp, Đầu tư hạ tầng, Xây dựng dân dụng...

Về chuyển đổi số, VCC đã đạt mức độ trưởng thành số từ 2.1 lên 2.5/5 - mức độ chuyển giao giữa hình thành và thực thi. Hoạt động chuyển đổi số đang được thực thi và có hiệu quả trong tổ chức với mục tiêu rõ ràng. Tổng Công ty đã được Ban chiến lược Tập đoàn đánh giá là đơn vị có sự tiến bộ rõ nét nhất trong các đơn vị về tăng mức độ trưởng thành số.

Thực tế những thành quả sản xuất kinh doanh của VCC đã được ghi nhận, cụ thể là có mặt trong nhóm 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam do Vietnam Report đánh giá, đồng thời được vinh danh khi đã xuất sắc tăng 51 hạng và vươn lên đứng thứ 192 trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021. Về quốc tế, Tổng Công ty cũng đã đạt giải Vàng IT World Awards.

“Chúng tôi đã kịp thời thay đổi mô hình tổ chức để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trên 05 trụ chiến lược và luôn được cập nhật để phát huy hiệu quả cao nhất. Để làm được điều đó thì VCC đã và đang tuyển dụng đội ngũ nhân sự mới với chuyên môn cao. Đồng thời, các phòng ban đang dần được tổ chức lại theo quan điểm hiệu quả chức năng, hướng đến hiệu quả, nhiệm vụ thì phải hướng đến mục tiêu. Chúng tôi cũng xác định phải triển khai triệt để thực thi gắn kết với vấn đề “Chiến lược – Con người – Thực thi” - Chia sẻ từ đồng chí Phạm Đình Trường, Tổng Giám đốc VCC.

Bài viết liên quan

By Day Learning - Tư duy học tập ra đời trong chuyển đổi số

Công nghệ ngày càng có những tác động to lớn đến cách thức con người lao động, làm việc, thậm chí làm thay đổi bản chất khái niệm “công việc”. Trong bối cảnh đó khả năng học hỏi các kỹ năng mới, mô hình hóa các hành vi mới và liên tục thích ứng của người lao động là chìa khóa để thành công bền vững của mỗi doanh nghiệp. Với một Tập đoàn có quy mô hàng chục nghìn nhân sự, hoạt động đa quốc gia như Viettel, bài toán này cần được xử lý như thế nào?
Đọc thêm

Khi bao xi măng tiên phong chuyển đổi số

Cất gọn súng bắn nhiệt, thiết bị đo độ rung cầm tay vào ngăn tủ, anh Nguyễn Quang Vân, Tổ trưởng tổ Động cơ không rời mắt khỏi những đồ vật đã gắn bó với mình 16 năm ở CTCP Xi măng Cẩm Phả (XMCP), nay đã là “kỷ vật”. Giờ đây, hệ thống động cơ, máy điện và các máy móc mà anh Vân chịu trách nhiệm bảo trì đều đã được thay tích hợp hệ thống thông minh, kết nối không dây. Một trong những lĩnh vực vốn luôn bị gắn mác “tay chân” đang từng bước được số hóa.
Đọc thêm

Khát vọng tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam

Vẫn còn sớm để dùng các khái niệm “universe”, “metaverse”… như cách khán giả gọi Vũ trụ siêu anh hùng của Marvel, Vũ trụ siêu nhân của DC để đặt cho hệ sinh thái nội dung số của Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media). Nhưng những bước tiến lớn trong năm 2021 đang dần giúp người dùng ở Việt Nam định hình được một tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam.
Đọc thêm