Từ bảo vệ không gian mạng quốc gia đến xuất khẩu an ninh mạng

Tháng 12/2021, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) chính thức ký được hợp đồng quốc tế đầu tiên với đối tác tại thị trường Nam Phi. Đây được coi là một bước chuyển mình quan trọng của VDS từ một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ nội địa chính thức thâm nhập thị trường quốc tế. Sự kiện này cũng giúp VCS hiện thực hóa mục tiêu “Go Global” trong Chiến lược 2021 - 2025 sớm trước một năm so với kế hoạch ban đầu.

Tại Việt Nam, trong năm 2021, VCS đã phát hiện và ngăn chặn 50.000 đợt tấn công mạng, bảo vệ hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức khỏi sự chống phá của tin tặc. Sau 10 năm hoạt động, tấm khiên vững chắc của “người gác cổng” an ninh mạng số 1 Việt Nam đã trở thành một hệ sinh thái toàn diện.

Những chuyên gia bảo mật được thế giới công nhận

Đặt trách nhiệm bảo vệ bình yên trên không gian mạng ngay từ những ngày đầu thành lập, sau tròn 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty An ninh mạng Viettel hiện đã là đơn vị an toàn thông tin số 1 Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.

“Chúng tôi sở hữu đội ngũ nhân sự đông đảo, chuyên sâu về an toàn thông tin với 300 nhân sự, trong đó có các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, được thế giới công nhận”, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc VCS tự hào khi nói về đội ngũ của mình.

Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel Nguyễn Sơn Hải: “Vai trò của VCS là giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào chuyển đổi số”.

Mỗi cá nhân tại VCS đều nhận thức rằng, tốc độ phát triển của doanh nghiệp nói chung và cá nhân nói riêng phải nhanh hơn tốc độ phát triển của tin tặc. Mỗi “chiến binh” được tạo mọi điều kiện để rèn luyện năng lực, tham gia những môi trường cạnh tranh với các chuyên gia bảo mật trên thế giới.

Chiến lược dùng “quân ta đánh quân mình” - tấn công vào chính các hệ thống nội bộ của Viettel để phát hiện lỗ hổng, hoàn thiện sản phẩm và tăng cường khả năng chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài - cũng được VCS sử dụng triệt để. Chiến lược này giúp các chiến binh VCS hiểu và nắm bắt được tư duy của các nhóm tin tặc, từ đó xây dựng những phương thức phòng thủ linh hoạt và phù hợp trong các trận chiến thực tế.

“An ninh mạng là lĩnh vực mang tính đối kháng. Ví dụ khi mình tìm được cách phòng thủ, thì đối phương lại nghĩ ra phương án tấn công khác trội hơn. Đây là câu chuyện mèo vờn chuột, từ đó nâng tầm nhau liên tục. Khi làm trong môi trường như thế, được cọ xát liên tục, các bạn cũng tự trui rèn và nâng độ trình độ của mình lên rất cao”, ông Hải lý giải.

Cũng theo ông Hải, một điều “may mắn” khác góp phần giúp các chuyên gia của VCS nhanh chóng trưởng thành, đó là việc các hạ tầng trọng yếu của Viettel thường xuyên là đối tượng tấn công của các nhóm hacker có kĩ năng và được tổ chức cực kỳ bài bản của thế giới. Mỗi năm, hệ thống phòng thủ của VCS ngăn chặn trung bình tới hơn 50.000 cuộc tấn công của hacker toàn cầu vào hệ thống của Viettel và khách hàng. Do vậy theo ông Hải, việc đội ngũ kỹ sư của VCS đạt được “một điều gì đó” cũng là “chuyện bình thường”.

Hiện tại, VCS có rất nhiều các chuyên gia bảo mật sở hữu thành tích mang tầm quốc tế, đây là thế mạnh để VCS tiếp tục khẳng định uy tín cũng như vị thế của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung trong cộng đồng An toàn thông tin thế giới. Hai nhân sự đã lọt Top 100 chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới của Microsoft; một người lọt Top vinh danh của Facebook; một kỹ sư an ninh mạng đứng đầu bảng xếp hạng BugCrowd - nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật lớn nhất toàn cầu vào tháng 4 và tháng 6/2021.

Mới nhất, 2 gương mặt nổi bật Phạm Văn Khánh và Hà Anh Hoàng lọt top 100 cao thủ bảo mật thế giới (Most Valuable Security Researchers) năm 2021 do Microsoft công bố (đồng xếp thứ 44). 2021 là năm thứ tư liên tiếp chuyên gia bảo mật của VCS được Microsoft vinh danh tại hạng mục này.

Đặc biệt, đội thi của VCS với tên gọi “Team Viettel” đã xuất sắc đứng trong Top 5 cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới Pwn2Own 2021. Đây là thành tích tốt nhất không chỉ của VCS và Viettel mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng an ninh mạng Việt Nam khi lần đầu tiên có đội thi của Việt Nam tham dự và đạt giải cao tại sân chơi này.

Đội ngũ nhân sự này là nền tảng để Công ty An ninh mạng Viettel xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái an toàn thông tin toàn diện, đạt chuẩn quốc tế; tự tin khẳng định An ninh mạng là một trong 6 lĩnh vực trụ cột của Viettel thực hiện sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”.

Hệ sinh thái giải pháp sẵn sàng bảo vệ người dân và doanh nghiệp Việt

Theo hãng tư vấn Deloitte, trong thời gian đại dịch, tấn công lừa đảo trực tuyến đã tăng ít nhất 47%, ước tính vi phạm an ninh dữ liệu thiệt hại 137.000 USD cho mỗi trường hợp. Các cuộc tấn công mạng nhắm tới các phương tiện, công cụ hỗ trợ làm việc từ xa: Video call, VPN. Nhiều lỗ hổng bảo mật từ các công cụ này đã được công bố trong thời gian giữa đại dịch.

Theo thống kê của VCS, có gần 2.000 website giả mạo các tổ chức tại Việt Nam đang hoạt động, gần 100 triệu hồ sơ dữ liệu người dùng đang bị khai thác. Có hơn 100.000 tài khoản và mật khẩu trong hệ thống nội bộ trọng yếu của tổ chức bị đưa lên mạng. “Tấn công mạng ở Việt Nam trong năm 2021 ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tội phạm mạng đã sử dụng nhiều loại mã độc cải tiến, tập trung nhắm vào các cơ quan tổ chức doanh nghiệp. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến khách hàng cá nhân, người dùng cuối như tài chính – ngân hàng, viễn thông… thường là đối tượng bị tin tặc nhắm đến”, anh Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ An ninh mạng, VCS nhận định.

Theo anh Quảng, tin tặc có thể dễ dàng tấn công bằng nhiều cách khác nhau, qua nhiều kênh như tin nhắn, email, ứng dụng chat, website lừa đảo… Người dùng cũng có thể bị lộ lọt thông tin khi chia sẻ và sử dụng dữ liệu không phù hợp qua thiết bị di động, đánh mất thiết bị di động… “Chỉ cần một người trong tổ chức đánh mất thông tin vào tay hacker, dữ liệu của tổ chức hoàn toàn có khả năng bị khai thác. Tuy nhiên, thời gian phản ứng trung bình của tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang là 27 ngày, tốc độ này là quá chậm để hacker tận dụng sơ hở”, anh Quảng nhận định.

Nhận diện được các nguy cơ mất an toàn thông tin (ATTT) giúp VCS nghiên cứu và phát triển thành công Hệ sinh thái giải pháp ATTT mới, chất lượng cao với 03 nhóm: Giải pháp cho chính phủ và doanh nghiệp lớn; Giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Giải pháp cho nhà mạng viễn thông. Bên cạnh đó, VCS cũng tập trung phát triển 3 nhóm dịch vụ chính: Dịch vụ Giám sát và Xử lý sự cố ATTT mạng, Dịch vụ săn tìm mối nguy ATTT và Dịch vụ Kiểm tra đánh giá ATTT. Cách tiếp cận toàn diện này góp phần giải quyết các bài toán cấp bách của tổ chức và doanh nghiệp, đáp ứng “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ.

Đơn cử, một giải pháp làm việc từ xa an toàn là VCS M-Suite đã được VCS nghiên cứu và phát triển trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu làm việc từ xa gia tăng. Xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ Zero Trust (không tin tưởng - luôn xác minh), VCS M-Suite sở hữu khả năng tích hợp dễ dàng với hạ tầng và hệ thống ứng dụng, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp; triển khai linh hoạt trên cả thiết bị vật lý và điện toán đám mây; dễ dàng thiết lập và tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng. Giải pháp đã và được triển khai rộng rãi cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, VCS M-Suite phù hợp triển khai cho Bộ, ban, ngành, các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, năng lượng, giao thông vận tải. Tại Viettel, VCS M-Suite đã phát huy khả năng vượt trội khi vận hành ổn định, với đội ngũ nhân sự lên đến hàng chục nghìn người làm việc từ xa.

VCS sở hữu 300 nhân sự chuyên sâu về an toàn thông tin, trong đó có các chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng được thế giới công nhận.

Trên thị trường quốc tế, VCS M-Suite cũng gặt hái những “quả ngọt”. Giải pháp đã được triển khai cho nhà mạng Mytel tại Myanmar để đảm bảo năng suất, sự an toàn trong quá trình làm việc từ xa, trong bối cảnh đất nước này đang đối mặt với tình hình bối cảnh Covid-19 phức tạp.

Cánh cổng vươn ra thế giới đã mở

Đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ông Sơn Hải chia sẻ “Rủi ro an toàn thông tin là rào cản với chuyển đổi số”.

Theo Giám đốc VCS, chuyển đổi số là đưa công việc lên môi trường số, hoặc nhờ môi trường số tạo ra cách thức, hoặc mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Việc này dẫn tới rủi ro về an toàn thông tin, khi tổ chức trở thành mục tiêu của tấn công mạng. Một doanh nghiệp có thể hiểu rất rõ những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, nhưng bên cạnh những rào cản khác như kinh phí (đặc biệt trong giai đoạn Covid-19), họ rụt rè trước nguy cơ mất an toàn thông tin, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, dữ liệu của họ mất đi. Do đó họ chần chừ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, không thể phủ nhận, Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số khủng khiếp. Hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đều phải chuyển dịch các hạ tầng của mình lên nền tảng online, giao tiếp, làm việc trực tuyến nhiều hơn. Chuyển đổi số trở thành yếu tố bắt buộc mà Covid mang lại. Và khi đã chuyển đổi số mạnh mẽ, doanh nghiệp tổ chức sẽ tập trung tìm các đơn vị có năng lực, đây chính là cơ hội của VCS.

“Với vai trò là đơn vị an ninh mạng hàng đầu Việt Nam, nhiệm vụ của VCS là mang đến cho doanh nghiệp, tổ chức niềm tin rằng chuyển đổi số vẫn an toàn. Đây chính là vai trò của VCS, là giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin về chuyển đổi số”, ông Hải khẳng định. Niềm tin đó càng được củng cố khi VCS đang tạo ra được sự khác biệt với các ông lớn ATTT trên thế giới bằng một mô hình kinh doanh mới, thông qua kết hợp ba kiềng: sản phẩm, dịch vụ, quy trình. Mô hình này mang đến giải pháp toàn trình cho khách hàng, đồng hành với doanh nghiệp, tổ chức trong toàn bộ công cuộc đảm bảo an toàn thông tin.

Hiện mạng lưới giám sát toàn cầu SOC của Viettel đang phủ sóng 11 quốc gia với 10.000 máy chủ, 40.000 máy trạm, quản trị hơn 1.000 website, 16.000 ứng dụng và hơn 100.000 triệu thuê bao trên khắp thế giới. Tính riêng trong năm 2021, 64 lỗ hổng bảo mật zero-day tại các nền tảng, hệ thống công nghệ thông tin lớn trên toàn cầu như: Microsoft, Oracle, Jenkin… đã được đội ngũ nhân sự VCS tìm ra, đóng góp vào việc giảm thiểu các cuộc tấn công và nâng cao tri thức an ninh mạng toàn cầu.

Các giải pháp do VCS phát triển đã giúp công ty tạo dựng chỗ đứng của mình trong lòng khách hàng và đối tác. Công ty An ninh mạng Viettel năm thứ 3 liên tiếp đạt giải Sao Khuê với thành tích 100% sản phẩm tham gia đoạt giải Sao Khuê 2021, 14/14 sản phẩm, dịch vụ của VCS tham gia Chương trình bình chọn Danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 đều đạt giải. Tại giải thưởng quốc tế IT World Awards, Hệ thống ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo - Anti fake phone number (AFPN) vinh dự giành giải bạc.

Với đầy đủ sức mạnh về nhân sự, giải pháp, hệ thống và mô hình kinh doanh, đến hiện tại, VCS đã xác định thị trường Việt Nam không đủ lớn cho an toàn thông tin. Từ 2021 trở đi, VCS chính thức triển khai kế hoạch thăm dò và mở rộng ra thị trường nước ngoài, nâng tầm nhìn lên xây dựng các giải pháp có khả năng cạnh tranh quốc tế, góp phần quan trọng vào các mục tiêu tăng trưởng chung của Viettel./

Bài viết liên quan

Bứt tốc toàn diện tại các thị trường nước ngoài

Năm 2021, nhờ bứt tốc số hóa trên mọi lĩnh vực, các thị trường nước ngoài của Viettel đều đạt được nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi số. Các thành tựu này chính là lời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm số hóa của toàn Viettel Global.
Đọc thêm

Khát khao của nhà vô địch

Năm 2021, CLB Bóng đá Viettel (Viettel FC) là nhà đương kim vô địch của V.League. Khi bạn ở ngôi vị số một, thách thức lớn nhất với bạn là làm thế nào để vượt qua nhà vô địch, vượt qua chính mình. Và các chàng trai áo lính chơi bóng đã trải qua năm 2021 với nỗ lực và khát khao mãnh liệt đó.
Đọc thêm

Tăng tốc trong nghịch cảnh

Trong khi các doanh nghiệp khác liên tục đóng cửa giải thể, người lao động mất việc vì đại dịch, thì Tổng Công ty Công trình Viettel (VCC) lại tăng tốc, mở rộng ngành nghề, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự trình độ cao và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người. Thu nhập bình quân của CBNV VCC là 22 triệu/người/tháng, tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Đạt được điều này chính nhờ sự cộng hưởng từ tâm thế “thay đổi”. Sự thay đổi ở đây không chỉ là dịch chuyển ngành nghề, đó còn là chuyển biến về tư duy, hành động và quyết tâm vượt mọi khó khăn của CBNV VCC.
Đọc thêm